Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Xem đối chiếu Anh Việt: Bố tôi »»
Kính dâng hương hồn bố,
Người mà con kính yêu cảm phục.
Tuổi ấu thơ của tôi là một chuỗi dài khổ cực và đầy bất hạnh, sinh ra từ một gia đình nghèo, rất nghèo, ở một làng nhỏ của tỉnh Nam Định miền Bắc Việt Nam. Ba mẹ tôi dù xuất thân từ những gia đình khá giả, nho học trong làng nhưng là con thứ, chịu ảnh hưởng những quan niệm cổ hủ bất công, truyền kiếp của xã hội nên cũng chẳng nhận được gì từ tổ tiên để lại ngoài ngôi nhà lá lụp xụp ở một góc vườn. Đã thế tôi sinh ra ở thời kỳ nhiễu nhương trong lịch sử nước nhà, loạn ly, chém giết, bom đạn, thanh toán nhau giữa các đảng phái chính trị... cuối cùng sự tang thương khốn khổ lại đổ lên đầu người nông dân vô tội mà thôi. Tuổi thơ của tôi là những ngày chạy loạn, những lần chui rúc trong hầm “chữ chi” ướt sũng để tránh bom. Ban ngày thì lính khố xanh khố đỏ, tây đen, tây trắng bố ruồng, bắn giết. Ban đêm thì khổ sở với những cảnh hội họp, học hành, đoàn nhóm cách mạng... của các thành phần chống thực dân như Việt Minh, Quốc dân đảng v.v...
Trong trạng huống bi đát, chết chóc và kinh sợ đó, gia đình tôi đã phải tản cư lánh nạn. Lúc ra Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, khi tạm trú các vùng Công Giáo Bùi Chu, Phát Diệm! Có những lúc tưởng rằng yên bình tìm cách trở về làng, nhưng rồi lại khăn gói ra đi với lo sợ và nước mắt lưng tròng!
Nơi đâu cũng vậy, không một đồng dính túi, văn hóa gần như vô học, không nghề nghiệp chuyên môn... Tất cả những khiếm khuyết đó, ở những nơi tạm cư xô bồ bố mẹ tôi làm sao thoát được thân phận của những người cùng đinh trong xã hội với những công việc thấp hèn, hạ tiện được? Trong sự nghèo khổ đó việc học hành của anh em chúng tôi dù có muốn cũng chẳng có dịp để nói tới. Mãi đến khi gia đình tôi phiêu bạt về Hà Nội qua biết bao nhiêu nhục nhã của kiếp tôi tớ gần 4 năm trời, tôi mới được học vần ABC đầu tiên vào lúc 8 tuổi tại căn nhà ọp ẹp của một cụ già quen biết gần nơi cư ngụ. Nhưng cũng chỉ được vài tháng, chưa đủ thông thạo vần abc đã theo đoàn di cư vào Nam năm 1954.
Vào Nam gia đình tôi vẫn nghèo khổ, bố mẹ tôi vẫn làm những công việc hạ tiện của người thất học. Trong khoảng một năm đầu tiên sau ngày vào Nam, cuộc sống vẫn bấp bênh như thuyền nan trên sóng nước, anh em chúng tôi cũng chẳng có dịp đến trường. Mãi đến khoảng năm 1955 khi gia đình đã tạm yên ổn, việc học của chúng tôi mới thực sự bắt đầu nhờ vào sự hy sinh tuyệt đối của bố mẹ, dù trong hoàn cảnh nghèo đói thiếu thốn của gia đình.
Có lẽ vì nhìn thấy bố mẹ vì thất học mà phải làm những việc cực nhọc dưới những bất công chèn ép của người khác, tôi đã lớn khôn rất nhanh so với những bạn bè cùng lứa tuổi. Tôi biết lo lắng, làm việc kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ cũng như biết cảm thông nỗi đau khổ, sự nhục nhã của bố mẹ vì những câu nói khinh khi của những kẻ quyền hành. Dù ở cái tuổi vẫn còn ham chơi đánh đáo, bắn bi, tôi đã có khá nhiều ước mơ, những giấc mơ đó có thể rất đơn giản đối với những người bạn có hoàn cảnh khá giả, nhưng với tôi nó thật là vĩ đại. Tôi mơ bố mẹ tôi bớt cực nhọc vì sinh nhai kiếm sống, lũ anh em chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn, những bữa cơm hằng ngày và những điều kiện vật chất trong cuộc sống được đầy đủ như những gia đình bình thường khác.
Cùng với sự hiểu biết, khôn lớn sớm hơn bạn bè cùng trang lứa vì nghèo khổ đó, tôi quyết chí và cố gắng vươn lên, nhờ vậy tôi đã đã kéo gia đình dần dần thoát khỏi bóng tối nghèo hèn của xã hội. Các em tôi đã được đi học trong điều kiện khá tốt, bữa cơm hằng ngày cũng đã đầy đủ hơn, nhưng bố mẹ tôi vẫn chưa thực sự thoát khỏi hoàn cảnh của dạng người cực nhọc trong xã hội. Cho đến khi tôi tạo lập được một cơ sở làm ăn nho nhỏ nhờ vào khả năng thực tài trong ngành học của mình, rồi sự may mắn tiếp theo, tôi lại được đi ngoại quốc tu nghiệp vào đầu năm 1974, lúc đó bố mẹ tôi mới thực sự có cuộc sống thoải mái, dù trong tư thế của người luống tuổi phải nương tựa vào con cháu.
Trong khi những người công chức đi tu nghiệp dài hạn như tôi thường để tiền lương cho vợ con hay cho chính họ (chuyển vào tài khoản ngân hàng ở trong nước hay ngoại quốc), còn tôi để lại cho mẹ tôi. Trong một lần, khi tôi còn học ở Nhật Bản, em gái tôi cho biết, mỗi đầu tháng mẹ tôi đều dành lấy sự hân hạnh và sung sướng lên văn phòng đại diện của Đại học Cần Thơ ở Sàigòn để nhận mấy chục ngàn đồng lương của tôi. Mẹ tôi mang xấp tiền về nhà nguyên vẹn với tất cả sự cảm động, bà giở từng đồng tiền ngắm nghía, vuốt ve. Có khi mẹ tôi chảy nước mắt vì cảm động với đồng tiền “trí thức’’ đầu tiên mà tôi đã ngạo nghễ để lại cho mẹ. Những đồng tiền đánh dấu sự thành công và ân tình của đứa con đầu đàn mà bà đã vun xới bằng những giọt mồ hôi và nhục nhã gần suốt cuộc đời của bà. Mẹ tôi nói với lũ em tôi, bà không muốn tiêu đồng tiền ân nghĩa đó vào những chuyện không đâu. Với bà, nó không chỉ có giá trị vật chất mà còn chứa đựng biết bao nhiêu giá trị tinh thần từ những cực nhọc, hy sinh và đợi chờ mà mẹ tôi đã gửi gắm vào tôi, đứa con trai đầu lòng!
Nhưng thật buồn! Sự trả nghĩa cho mẹ tôi không được lâu, ngày 30 tháng 4 năm 1975 xảy đến, tất cả đã chấm dứt. Gia đình tôi lại rơi vào khổ ải cùng với hàng triệu người dân miền Nam khác, lại ăn độn, lại sống với những lo sợ về tương lai như ngày xưa. Nhưng cái đau khổ nhất của tôi là đầu năm 1980, khi đó tôi vẫn còn vướng mắc với bao nhiêu bấp bênh trong cuộc sống của chính mình ở hải ngoại, tôi đã phải nhịn ăn, dè sẻn đến mức không còn dè sẻn hơn được nữa trong cuộc sống để có tiền gửi về cho gia đình tôi. Nhưng những sự cưu mang đượm đầy mồ hôi và sức lực của tôi đã trở thành bèo bọt vì những dại khờ của bố tôi cho những lần vượt biên không trót lọt của lũ em tôi. Mẹ tôi vĩnh viễn ra đi cũng chỉ vì buồn lo cho những đứa con trong thời điểm tang thương, khổ ải đó. Tôi lịm người đau đớn khi nghe tin mẹ mất, công nghĩa sinh thành, nuôi dưỡng quá to lớn của mẹ chưa được tôi bù đắp, ngoài số tiền lương ít ỏi của một năm đầu tiên khi tôi ra ngoại quốc tu nghiệp mà thôi.
Bố tôi vẫn ở vậy với lũ con đông, dù lúc mẹ tôi mất, ông mới 55 tuổi. Lúc đó vì bận rộn với thời thế, sinh nhai tôi không thể hình dung được thế nào là ý nghĩa hai chữ “cô đơn” của bố tôi. Cho đến khi tôi có vợ con, tuổi tôi cũng xấp xỉ bố tôi khi mẹ tôi mất. Nhất là khi bố tôi sang thăm gia đình tôi tại Thụy Sĩ vào năm 1992, tôi mới nhìn rõ và cảm thông, hiểu được tình ảnh của một ông bố đơn độc.
Bố tôi là một người nhà quê đúng nghĩa, một người thấp học quá rõ ràng. Dù bố tôi đã sống và làm việc cả hơn 50 năm trời ở tỉnh thành, nhưng ông vẫn không thể nào bỏ được cái bản tánh chất phác, dễ tin gần như dại khờ mà ông đã mang theo từ khi rời làng quê. Hầu hết những bạn bè thân thiết và gia đình họ cũng như người quen với gia đình tôi đều thương mến và kính trọng bố tôi vì tánh quá chất phác, ngay thẳng của ông.
Nhiều khi anh em chúng tôi bực bội vì bị mất mát, thua lỗ chỉ vì sự khù khờ, dễ dàng và thương người quá mức của người bố quê mùa. Chúng tôi thường càu nhàu với ông hay than phiền với vài người quen biết. Nhiều người an ủi chúng tôi với những câu nói mà đôi khi chẳng còn ý nghĩa gì vì đã được lặp đi lặp lại nhiều lần, như “ở hiền gặp lành” hay “phúc đức để lại cho con” v.v... Những câu nói an ủi cho những mất mát thua thiệt mà chúng tôi phải nhận lãnh nhưng nó chứa đựng toàn là chuyện tấu hài.
Tuy nhiên, sau mấy mươi năm vào đời, nhìn thấy những đổi thay ngỡ ngàng của nhân thế. Chứng kiến bao nhiêu cảnh cười ra nước mắt xảy ra hằng ngày chung quanh mình. Biết bao nhiêu cặp vợ chồng tan vỡ chỉ vì những phù phiếm vu vơ dù đã mấy mươi năm thân kề má ấp. Những con người thông thái, sang trọng, bằng cấp đầy người, những người mang dáng dấp ngôn ngữ của thánh thiện, bao dung... họ cũng vẫn bị lôi kéo vào những bả vật chất, dollar... với những hành vi đốn mạt. Tất cả những hoạt cảnh ngỡ ngàng đó đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều về những hành động và ứng xử của người bố quê mùa, kém học của mình. Nguời bố mà cả đời phải làm những công việc hạ tiện của kẻ cùng đinh trong xã hội để kiếm tiền nuôi chúng tôi ăn học. Tôi tự hỏi những ngôn ngữ văn hoa, những tấm bằng cấp thật to, dáng dấp sang trọng, quý phái của tha nhân... có thật sự biểu lộ cho con người ta hai chữ tự trọng và đạo đức hay không? Tôi nêu ra đây vài dữ kiện của bố tôi trong khoảng thời gian vẩn đục của xã hội vừa qua, như để vinh danh nghĩa sinh thành của bố tôi và cũng để suy ngẫm về tình đời, nhân thế.
Tôi không biết trong một dịp nào trước năm 1975, gia đình tôi quen sơ sài với một người Tàu, có vợ Việt. Vợ chồng anh ta có một tiệm làm kim hoàn nho nhỏ ở ven đô Sàigòn, không xa với gia đình tôi. Tôi cũng không biết tên của vợ chồng họ, nhưng bố mẹ và lũ em tôi thường gọi họ là chú “Tàu Vàng”. Ngày còn sống ở trong nước, tôi gần như rất ít có dịp gặp mặt và nói chuyện với vợ chồng họ, vì bận rộn công việc làm ăn và học hành.
Rồi tháng 4 năm 75 xảy đến, sự nghèo khó và lo sợ đến với tất cả những người ở miền Nam. Tiệm làm kim hoàn của chú Tàu vàng dĩ nhiên cũng rơi vào những khó khăn vì những phong trào “đánh tư sản mại bản” trong những năm đầu tiên sau 1975.
Gia đình tôi, lúc đó cũng “xấc bấc xang bang’’ với thời thế, nghèo đói và nợ nần vì những cuộc vượt biên của mấy đứa em tôi bất thành. Tôi ở ngoại quốc cứ chúi mũi làm việc kiếm tiền gửi về lo trả nợ với đủ mọi hình thức và dưới bất cứ phương thức, điều kiện nào mà người chủ nợ yêu cầu. (Ngày nay khi nhớ lại vào vài ba năm đầu tiên sau 1975 tôi đã bao lần nhói đau khi phải gửi tiền về Việt Nam cho gia đình với chi phí 90% qua nhóm người Việt gốc Hoa tại Hongkong. Tỷ lệ kinh hoàng này giảm dần cho đến khoảng năm 1979 hay 1980 thì chấm dứt nhờ hình thức gửi qua các hộp thuốc tây của nhóm sinh viên Việt Nam tại Pháp). Thời gian đó bố mẹ tôi ở nhà lợi dụng có tí đất cát, lo việc trồng rau bán buôn lấy tiền độ nhật.
Hình như vào khoảng năm 1977(?) lần đổi tiền và đánh tư sản lần thứ 2. Chiều tối hôm đó, như thường lệ bố tôi đạp xe với một thúng rau đem đến tận nhà những ngưòi quen để bán. Đến nhà chú Tàu Vàng, sau khi đưa rau cho vợ chồng chú ta, bố tôi đang ngồi nói chuyện với họ, bất chợt có một người từ ngõ ngách phía sau nhà hốt hoảng chạy vào cho biết khu vực đang bị vây để đánh tư sản. Vợ chồng chú Tàu tái mặt, luống cuống chẳng biết xoay trở ra sao. Họ cũng chẳng để ý đến sự có mặt của bố tôi, vội vã dở tấm ván, mặt của chiếc giường lên, kéo ra một bịch khá nặng, đưa mắt nhìn lung tung trong nhà như để tìm chỗ cất giấu. Bố tôi nhìn thấy vẻ cuống cuồng của hai vợ chồng họ, không biết nghĩ sao bố tôi nói :
- Chú đưa đây cho tôi giữ cho, không thể nào giấu được đâu, dù có chôn xuống đất cũng mất.
Nghe bố tôi nói, chú ta nhìn bố tôi, nhìn người vợ với ánh mắt lưỡng lự, dò hỏi. Người vợ lúc đó cũng chẳng có thái độ gì ngoài việc đứng trơ vơ, run rẩy với nét mặt tái xanh. Nhìn thấy sự lưỡng lự, không tin tưởng và nhất là thời gian quá cấp bách, bố tôi nói thêm :
- Cứ đưa cho tôi giữ cho, nếu thoát được tôi sẽ mang trả lại đàng hoàng, đừng lo. Mau lên, kẻo chậm!
Hình như thấy không còn đường nào hơn, chú ta run run đưa bịch vàng khá nặng cho bố tôi và nói:
- Ông Hai giữ hộ con, con tin tưởng nơi ông đó, đừng lừa đảo vợ chồng con tội nghiệp.
Bố tôi nói với vợ chồng chú ta vài câu rồi lèn bịch vàng dưới đáy chiếc thúng, để những bó rau lên phía trên, cột chặt vào đằng sau chiếc xe đạp. Để tránh sự nghi ngờ, khi vừa ra khỏi cửa căn nhà, bố tôi làm bộ đập cửa những nhà bên cạnh kêu to, mời gọi họ mua rau. Vài người công an đổ ập đến quát hỏi bố tôi với ánh mắt nghi ngờ :
- Ông làm gì ở đây, kêu gọi ai ồn ào thế ?
Đúng lúc đó có người công an phường trưởng, anh ta ở gần nhà tôi, vợ anh ta thường sang nhà tôi mua rau, khá quen biết với bố tôi. Anh ta nhìn bố tôi và hỏi:
- Ông Hai, làm gì ở đây vậy? Về nhà đi, bán buôn gì hôm nay, không ai mua đâu!
- Anh Mừng đó hả? Tôi đang đi bán rau. Anh nói chị sang nhà tôi lấy một ít su hào, bà nhà tôi vừa cắt xong, còn tươi và rất non không có xớ...
Tiếp theo là những câu chuyện vội vã, bâng quơ, kết quả thúng rau không bị khám xét, bố tôi bình thản đạp xe ra khỏi khu vực về nhà an toàn với bịch vàng khá lớn.
Mang vàng về nhà, bố tôi im lặng không nói với bất cứ ai, kể cả mẹ và lũ em tôi. Ông giả bộ mang cuốc xẻng ra vườn cùng với thúng rau nặng trịch, lẳng lặng đào một cái hố bỏ bịch vàng xuống chôn theo cùng với cỏ rác và rau úa. Bố tôi làm như vậy để phòng trường hợp không may, vì một sơ hở nào đó, công an nghi ngờ đến nhà khám xét. Họ sẽ không thể ngờ được chỗ chôn giấu rất đơn sơ nhưng kín đáo đó. Sau khi xong xuôi đâu đó, bố tôi làm như không có gì xảy ra, lại chở thúng rau mới đi bán như bình thường.
Vài ngày sau, khi sự căng thẳng đã tạm qua, bố tôi đến nhà chú Tàu cho biết mọi việc an toàn và có ý muốn mang lại trả cho họ. Vợ chồng chú Tàu vẫn chưa hết kinh hoàng khi nhìn thấy những miếng gạch ở nền nhà bị đào xới chưa được thu dọn, những ngóc ngách bị khoét thủng trong vách tường vẫn còn hở hang. Tuy nhiên họ nghe bố tôi nói họ mừng rỡ và rất cảm động nói với bố tôi:
- Ông Hai cứ giữ lấy hộ chúng con, chờ vài ngày sau yên ổn con sẽ lấy.
Vài ngày sau, bố tôi mang bịch vàng lại cho họ, không một dấu tích tò mò, mất mát. Tất cả còn nguyên vẹn như lúc hai vợ chồng họ đưa cho bố tôi. Vợ chồng họ ngẩn ngơ cảm động, vì sự thật thà của bố tôi. Họ hiểu rõ lúc đó gia đình tôi còn đang thiếu nợ vì những vụ vượt biên thất bại của mấy đứa em tôi, hai vợ chồng nhìn nhau hội ý rồi người chồng lấy ra một ít đưa tận tay bố tôi cùng với những lời cảm ơn rất chân thành. Nhưng bố tôi đẩy tay họ và nói:
- Tôi làm sao mà lấy của chú thím được, nó còn ý nghĩa gì khi tôi giúp đỡ chú thím trong lúc cấp bách đó nữa?
Rồi từ ngày đó, gia đình tôi có thêm một người bạn chân thành. Bất cứ những ngày giỗ tết, những dịp cúng vái, nhất là ngày mẹ tôi mất cũng như hàng năm ngày giỗ kỵ mẹ tôi, chú thím Tàu luôn luôn là người tham dự với những món quà viếng tặng rất nặng tình. Những lần anh em chúng tôi về Việt Nam họ đều đến thăm hỏi và cho quà bánh rất hậu hĩ.
Sau đó là thời kỳ kinh tế “mở cửa’’, những chữ “tư sản, tài sản xương máu của nhân dân...’’ trở lên vô nghĩa, chẳng còn ai nhắc đến nữa. Những người giàu có mới phất mọc lên như nấm. Họ làm giàu với bất cứ con đường, phương cách nào, dĩ nhiên việc buôn bán, tồn trữ vàng vòng, kim cương và ngay cả dollar không còn là tội ác nữa. Chú thím Tàu Vàng cũng đứng dậy trong thời điểm đó. Với số vốn trong cái bịch mà bố tôi giấu cho họ khoảng 10 năm về trước cùng với sự chăm chỉ làm ăn và nhất là vận số họ may mắn. Hiện nay họ đã có một cơ sở kim hoàn đồ sộ lớn nhất ở khu vực với khoảng 15 người thợ kim hoàn làm ngày đêm. Dù giàu có nhưng hai vợ chồng họ không bao giờ quên ơn ông bố quê mùa, chân thật và gia đình chúng tôi.
Sau đó, khoảng hơn 12 năm xa đất nước, lần đầu tiên tôi về thăm lại quê hương và gia đình. Công việc đầu tiên là dẫn vợ con đi thăm mộ mẹ tôi, không xa căn nhà mà tôi đã mua và xây cho bố mẹ tôi ngày xưa. Những lần về nước tiếp theo, dù buồn bã vì thấy bố tôi đã già yếu và nhất là nhớ đến sự vắng bóng người mẹ vắn số mà tôi vẫn còn mang nhiều cảm giác nợ nần tình nghĩa dưỡng dục, sinh thành, nhưng tôi vẫn chưa nhìn thấy nỗi buồn cô đơn của bố tôi. Những lần đi chơi với bè bạn về nhà, không thấy bố, tôi hỏi mấy đứa cháu trong nhà, đều nhận được câu trả lời :
- Chắc ông ngoại ra nghĩa trang thăm mộ bà ngoại rồi !
Nghe những câu trả lời đó, đôi lúc đã làm tôi lịm người, manh nha lòng thương xót và cảm động vì tình nghĩa của bố tôi đối với mẹ tôi dù đã gần chục năm sau ngày mẹ tôi mất. Tôi càng ngẩn ngơ hơn khi nhìn thấy mỗi bữa tối, trước khi cả nhà ăn cơm, bố tôi mang lên chỗ thờ mẹ tôi một mâm cơm nhỏ đầy đủ cho một người ăn với một bát cơm và đôi đũa. Bố tôi thắp hương, khấn vái nho nhỏ, chờ cho nén hương tàn hết, ông mới bưng xuống bàn, dành lấy bát cơm cúng cho chính mình.
Mấy năm gần đây, bố tôi lên sống với gia đình cô em gái út của tôi ở ngay trung tâm Sàigòn. Vì quá xa xôi với nghĩa trang nơi mẹ tôi an nghỉ và nhất là tuổi đã già yếu, bố tôi giảm dần việc thăm viếng mộ mẹ tôi, vài tuần lễ một lần mà thôi. Nhưng vào những ngày lễ Phật, ngày tảo mộ hay ngày giỗ kỵ mẹ tôi, bố tôi chưa một lần thiếu sót. Ngôi mộ của mẹ tôi, dù đã xây hơn 20 năm nay nhưng luôn luôn được bố tôi quét dọn rất sạch sẽ.
Mùa hè năm 1992, lúc bố tôi vừa 68 tuổi, tôi làm giấy tờ mời bố tôi và cô em gái út sang Thụy Sĩ với gia đình anh em chúng tôi 3 tháng. Ban ngày vợ chồng tôi cũng như những đứa em khác đều đi làm đến tối mới về, bố tôi lủi thủi ở nhà chơi đùa với mấy đứa cháu. Ngôn ngữ thì mù tịt, bản chất thì quê mùa, tánh tình thì dè sẻn vì trong tâm khảm vẫn còn ghi đậm những ngày đen tối, đói khổ của quê nhà. Bố tôi chẳng dám đi chơi đâu vì sợ tốn tiền con cái. Vào những ngày nghỉ, chúng tôi dành thời gian dẫn bố đi chơi, tạt vào restaurant ăn uống, bố nhìn thấy giá cả mắc mỏ, không dám ăn nhiều hay tìm lý do để tiết kiệm cho con.
Trong 3 tháng đó tôi mới nhìn rõ sự cô độc, buồn tẻ và sự im lặng chịu đựng của bố tôi trong gần 13 năm qua, từ ngày mẹ tôi mất. Tôi chợt có ý định khi về Việt Nam lần tới sẽ tìm cách kết nối bố tôi với một người đàn bà nào đó để ông được an ủi và nương tựa nhau lúc tuổi già.
Mãi đến năm 1995 tôi mới sắp xếp về thăm Việt Nam được. Cũng như mọi lần chú thím Tàu Vàng đến thăm và mang quà biếu tặng tôi. Hôm đó bố tôi đi vắng, tôi ngồi nói chuyện với vợ chồng họ. Nhân dịp, tôi nói với chú thím ấy về hoàn cảnh cô độc của bố tôi và có ý định nhờ chú thím ấy tìm cho bố tôi một người đàn bà đàng hoàng để làm bạn tuổi già. Hai vợ chồng chú Tàu nghe tôi nói, họ nhìn tôi ngạc nhiên vì không ngờ tôi lại có ý định như vậy. Cuối cùng họ cho tôi biết khoảng 6, 7 năm về trước, khi bố tôi còn sống ở Bà Quẹo với gia đình cô em gái lớn của tôi. Trong những lần đi chùa làm công quả, bố tôi có quen một bà cùng lứa tuổi, bà ta chưa một lần kết hôn, sống chung với gia đình người em ruột cũng ở trong khu Bà Quẹo. Bà ta là họ hàng xa với thím Tàu, bố tôi và bà ta quen nhau khá thân thiết một thời gian, nhưng sau đó tự nhiên bố tôi im lặng tránh xa. Chú thím Tàu cũng như bà ta chẳng hiểu lý do vì sao?
Chú thím Tàu muốn vun xới, kết nối hai người với nhau, có vài lần họ nói “bóng gió” vớí mấy cô em của tôi nhưng đều bị lũ em gái tôi phản đối. Vì vậy mà họ đành im lặng không dám đề cập hay thúc đẩy chuyện mối mai đó nữa vì ngại gây ra những lộn xộn với các em của tôi.
Tôi rất mừng rỡ khi biết được chuyện đó, vì ít ra sự hiền lành, ngay thẳng và thân tình của chú thím Tàu với gia đình tôi là điều khiến tôi rất tin tưởng vào sự xếp đặt, mối mai của họ. Mấy ngày sau, khi bố tôi không ở nhà, tôi họp tất cả mấy cô em gái của tôi lại, nói rõ ý định của tôi. Mấy cô em tôi ban đầu lồng lộn phản đối, nhưng sau khi nghe tôi giải thích kỹ lưỡng kèm theo sự nóng giận của tôi, cuối cùng tôi mới đạt được sự đồng ý miễn cưỡng của lũ em gái còn quá nhiều thành kiến vì ích kỷ và thiếu cảm thông.
Ngay ngày hôm sau, trong lần ngồi nói chuyện riêng tư với bố, tôi nhỏ nhẹ nói ý định của mình và cũng cho bố biết, tôi đã bàn luận với mấy cô em về vấn đề mong muốn bố có một người vợ kế để nương tựa nhau lúc về già. Tôi đề cập đến người đàn bà họ hàng của chú thím Tàu Vàng, tôi cũng không quên nói đến tình nghĩa và chăm sóc của con cháu dù đậm đà nhưng vẫn không phải là không thiếu sót v.v...
Bố tôi im lặng ngồi nghe tôi trình bày, mãi một lúc sau, bố chảy nước mắt và nói:
- Bố cũng biết như vậy, nhưng bố cô độc đã quá lâu rồi, 16 năm từ ngày mẹ con mất, đã quen rồi con ạ! Ban đầu mới quen bà ta, bố cũng có ý định như con nói, nhưng sau đó nghĩ kỹ lại tình nghĩa của mẹ con nên cũng đành lánh xa bà ta. Sống trong tình nghĩa vợ chồng với mẹ con từ lúc 18 tuổi, đến nay đã gần 40 năm biết bao nhiêu cực nhọc, đói khổ, nhục nhã với nhau... Thời gian và kỷ niệm đói no đã đóng thành một khối của ân tình trong lòng bố rồi. Bố không muốn vì sự cô độc của mình mà xấu hổ với mẹ con trong 40 năm nặng nghĩa vợ chồng đó. Thôi con hãy để cho bố được trọn tình nghĩa với mẹ con cho đến mãn đời!
Tôi nghe bố tôi nói mà lịm người, ngẩn ngơ im lặng nhìn nét mặt nhăn nheo, già nua của bố. Tôi cố gắng đào sâu, tìm tòi trong khuôn mặt quê mùa, cực khổ, thiếu học đó có một dấu tích nào của thánh thiện hay không? Đưa mắt ngước nhìn lên bàn thờ Phật, nhìn bức chân dung đấng toàn giác, con người của ngài thoát ra tất cả những gì của bao dung, của từ bi, của trí tuệ. Tôi chợt nhớ đến suốt nhiều năm qua, từ ngày mẹ tôi mất, bố tôi đã tìm nguồn vui và an ủi nơi ngài, tôi tự hỏi có phải chính hình ảnh toàn giác của ngài cùng với những bài học, câu nói của ngài trong kinh sách đã đưa đến cho bố tôi, người Phật tử quê mùa, ít học cái điểm son của thánh thiện đó hay không?
Ngay phía dưới, bên cạnh bàn thờ Đức Phật là bàn thờ mẹ tôi, nhìn rất kỹ tấm ảnh của mẹ, chiếc áo dài màu nâu đất thô sơ, nhún nhường với vành khăn màu nâu đen cuộn tròn trên đầu... Mẹ tôi trong cái dáng dấp một bà mẹ quê miền Bắc Việt Nam, hình ảnh bà mẹ Việt Nam cả đời chỉ biết yêu chồng, thương con. Trong cái dáng đơn sơ, quê mùa đó, dù chỉ là tấm hình để thờ phượng, nhưng hình như tôi vừa nhìn thấy trong ánh mắt của mẹ tôi có một niềm tự hào, một sự thoả mãn to lớn về người chồng mà mẹ tôi đã có. Cũng trong nét mặt quê mùa của mẹ, tôi hình dung ra biết bao nhiêu người đàn bà khác trên thế gian, họ giàu có, họ xinh đẹp, họ quý phái... họ có hàng trăm, hàng ngàn những điều hoa lệ, may mắn hơn mẹ tôi. Nhưng tôi vẫn thấy họ thua xa nếu so sánh với người mẹ quê mùa vắn số của tôi. Họ đáng thương và đau buồn vì họ không có một người chồng đầy tình nghĩa, cao thượng như bố tôi.
Rồi tôi lại đưa mắt nhìn trở lại nét mặt bố tôi một lần nữa. Tôi cũng thấy bố tôi đang ngước nhìn chăm chú lên bàn thờ Phật và bàn thờ mẹ tôi. Tôi không biết bố đang nghĩ gì, nhưng nhìn nét mặt bố lúc đó, thoải mái quá, cái thoải mái tràn lan ra từ nét mặt nhăn nheo của người bố cao thượng mà tôi vừa ghi đậm vào tâm khảm của mình.
Cũng trong nét mặt quê mùa, khổ cực của bố tôi đó hình như ẩn tàng một dấu tích thoát trần, cái thoát trần trong sáng, bình thản của một vị tu hành đắc đạo. Tôi chợt hiểu cái lý do tại sao bố đã chọn lựa xa rời người đàn bà mà bố tôi đã có cảm tình cũng như sự đồng ý, thúc giục của tôi và chú thím Tàu Vàng. Tôi cũng cảm thấy nỗi buồn, cô đơn của bố tôi không còn là điều đáng để tôi phải lo nghĩ nữa, bởi vì tôi biết bố tôi đã có Đức Phật, đấng thánh thiện, toàn giác để nương tựa và có hình ảnh người mẹ vắn số của tôi trong lòng để thương nhớ và an ủi rồi. Tôi tự nói nếu một ngày nào đó khi vợ chồng tôi về già, nếu chúng tôi có được một phần nào điểm son thánh thiện của bố tôi, thì đó là hình ảnh gương mẫu mà bố tôi đã dạy cho chúng tôi vậy.
Lưu-An
(Suisse , May 2001)
(Để kính tặng hương hồn mẹ tôi, người mẹ Việt Nam muôn đời đáng thờ phượng. Để kính tặng bố tôi, người bố ít học, quê mùa nhưng đầy thánh thiện.)
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.175.66 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập