Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tản văn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Thú vui đọc sách »»

Tản văn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Thú vui đọc sách

Donate

(Lượt xem: 6.637)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Thú vui đọc sách

Vài lời phi lộ

Vài tuần lễ trước với khá nhiều ngạc nhiên khi nhận được một Email của một người bạn, kèm theo một Email xưa cũ mà tôi đã gửi cho cô ta cùng với một số người bạn khác. Trong email, tôi kể cho nhóm bạn về sinh hoạt cũng như những hình thức tìm vui của tôi trong thời gian hưu trí. Đó là một email khá dài, gần như một bài tuỳ bút mà tôi thường viết cho một số tạp chí trong nhiều năm qua. Email được viết dưới dạng một bức thư tâm sự, không gò bó quá nhiều với văn chương, câu cú nhưng vẫn có tí chút màu mè văn nghệ làm cho người đọc sảng khoái, cười vui.
Đơn giản chỉ có thế, lá thư luộm thuộm đó được gửi đi cho bạn bè đã khoảng một năm trước, tưởng rằng nó cũng như hàng ngàn emails vớ vẩn khác gửi cho bạn bè đọc qua rồi quên lãng. Nhưng khi nhận được email của cô bạn kèm theo email của mình, cô ta cho biết rất thích thú với lá thư và đã chuyển cho một số bạn bè khác cùng đọc, vài người cũng mang cảm giác vui vui và nói cô bạn viết thư cho tôi, đề nghị tôi dành thời gian viết thành một bài văn đúng nghĩa để họ phổ biến trên các mạng cho nhiều người đọc cho vui.
Thành thật, khi nhận được đề nghị đó tôi có chút suy tư vì đó chỉ là những lời kể lể vụn vặt về những cái khoái thích trong thời gian nghỉ hưu của mình mà thôi, chẳng có gì đặc biệt. Nhưng khi đọc lại lá thư của chính mình, kéo tôi trở về với những kỷ niệm của những năm tháng vừa qua, thời gian hưu nghỉ của mình....kích thích tôi ngồi vào bàn máy để gò nắn văn chương, ngôn từ và cảm xúc để viết ra bài tuỳ bút này. Hy vọng qúi bạn tìm thấy tí gì đó có chút riêng tư và chủ quan của một ông già 7 bó rưỡi tuổi đời nhưng vẫn còn thích thú với văn chương, viết lách.

Vào truyện
Có lẽ tôi cũng như phần rất lớn những người già khác, sau những năm tháng lăn lộn kiếm sống tại một quốc gia kỹ nghệ, khi đến tuổi hồi hưu phải “ giã từ vũ khí“, không ít hay nhiều, mọi người bị rơi vào những khoảng trống khi hồi hưu. Đang lúc hàng ngày phải thức khuya dậy sớm, chạy đua với thời gian và công việc tại sở làm, nhưng khi nhận được tờ giấy nghỉ hưu thì tất cả thói quen bị thay đổỉ. Buổi sáng uể oải thức dậy, lề mề với bữa điểm tâm rồi đi ra, đi vào chờ cho đến bữa cơm trưa, cơm tối. Thời gian như bị kéo dài trong mệt mỏi, nhiều khi còn bị tác động tâm lý làm thay đổi tánh tình sinh ra cáu gắt với vợ con, nhất là với ai ít bạn bè, thân nhân hay cá tính khép kín không muốn giao thiệp. Để tránh tình trạng không vui đó mỗi người phải tự tìm cho riêng mình một phương cách nghỉ hưu hoà hợp với điều kiện, hoàn cảnh của chính mình. Dĩ nhiên mỗi người có một phương cách khác nhau tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố liên quan đến sức khoẻ, tài chánh cũng như sự yên vui, hạnh phúc của gia đình, của con cháu và cả bản chất của cá nhân.
Một người say mê cờ bạc, rươu chè, thích đàm đúm bạn bè thâu đêm suốt sáng với đỏ đen, ăn nhậu... thì sự hồi hưu của họ trở lên phiền phức, đôi khi còn bận rộn, khổ não hơn lúc còn làm việc. Khi đó sự hưu nghỉ không có ý nghĩa gì của vui ca, đôi khi còn là chốn hoả ngục cho chính họ và gia đình nữa. Chính vì vậy, có người thong dong trong hạnh phúc, nhàn nhã tìm vui với gia đình, con cháu. Có người khốn khổ vì những tật ách, thói xấu... cuộc ngơi nghỉ của họ toàn là lời than, tiếng khóc. Sự khác biệt đó rất thường xẩy ra trong xã hội, nó không hoàn toàn vì lý do vật chất mà phần rất lớn do chính cá nhân họ tạo ra cho chính họ mà thôi. Đó chính là cái nghệ thuật sống của từng cá nhân dựa trên tính toán và khôn ngoan của mỗi người vậy.
Cá nhân tôi đã bước vào thời gian hưu nghỉ khoảng hơn mười năm nay. Với cái nhìn khá trung thực về thực tế, về cuộc đời, về những gì mình có, mình không có trong mức độ tương đối nên cuộc hưu nghỉ của tôi có thể nói là không có gì đáng gọi là lo lắng, buồn khổ. Rất dể dàng, tôi cố gắng thu nhỏ, giản đơn cuộc sống, tránh tối đa những ham muốn liên quan đến tiền bạc, công danh...thoải mái chấp nhận những gì mình có, dù ít hay nhiều. Chẳng mong đợi những cái mà tự mình cảm thấy nó xa vời, không dễ với mình để không phải vướng vào ảo vọng. Tôi cũng chẳng đưa mắt nhìn người khác thành công, hạnh phúc, vinh hiển hơn mình mà mang cảm giác thua thiệt tủi thân. Với tôi, nhân gian vốn dĩ đã tiềm tàng những hạt mầm của bất công, chính những hạt mầm đó tạo ra những khác biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác mà người ta gọi là số phận. Chính sự khác biệt đó xã hội loài người mới có động lực để tranh dành, phấn đấu vươn lên, đó cũng là kích thích cho xã hội tiến triển. Nhưng tôi không tham gia vào vòng xoáy đó bởi vì hiểu rõ mình đang trong thời kỳ ngơi nghỉ, đang trên đoạn cuối của tuồi tác, sức khoẻ và cả tài năng... chuẩn bị cho một lần vĩnh biệt nhân gian. Hãy dành bầu máu nóng và tham vọng cho thế hệ trẻ tiếp theo còn mình nên vui vẻ bước vào thời khắc của những âm vang từ bản hoà âm của tuổi già nua.
Đúng như vậy, thời còn trẻ, tôi cũng như rất nhiều thanh niên khác, mang trong mình sức mạnh Hercules mà tưởng rằng đôi tay lực lưỡng đủ sức lay đổ cả bầu trời, làm cho ước mơ của mình vẫy cánh phượng hoàng mà cười vui với ngang trái, gió mưa. Nghêng ngang coi thường số phận, nhìn nỗi khó khăn như những thử thách phải có trên đường đời kẻ trượng phu.
Đố kỵ xá chi con tạo
Nợ tang bồng quyết trả cho xong
.............
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đáng phi thường đâu đấy tỏ ! (NCT)

Chính nhờ cái “chí khí lập thân, cao ngạo“ của tuổi thanh xuân đó, mà đã bao lần bụng đói mờ con mắt, túi quần không một xu dính túi... nhưng tôi vẫn mỉm cười, hoan ca khi nhìn thấy bạn bè quần áo sang trọng, thức ăn thừa mứa. Chẳng lấy đó buồn mà còn cao ngạo ngâm nga:

Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ. (NCT)
Lòng luôn tin tưởng một ngày nào đó sẽ vươn lên trong nụ cười vang của kẻ dám vượt gió bão để thành danh:

Rồng mây khi gặp hội xe duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng
Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thuỳ rạch mũi can tương. (NCT)

Nhưng với thời gian tuổi đời khôn lớn dần dần, kèm theo những bài học thực tế đến từ xã hội, nếm được ít nhiều mùi vị đắng cay. Trí não mở rộng dần dần nhờ kiến thức học hỏi từ sách báo hay những lần gục ngã đường đời, đã giúp tôi nhìn đời với cái nhìn đằm thắm, êm nhẹ, khiêm nhường hơn. Nhờ đó khi bước vào thời gian hưu nghỉ tôi hoàn toàn không có khoái cảm với những dạng giải trí có hướng đi tiêu cực mà tạo khốn khổ cho chính bản thân và cả cho vợ con. Đúng như vậy, tôi có khá nhiều dạng giải trí, tìm vui trong thanh thản và cũng có phần nào nên thơ, lãng mạn hơn. Có thể là: Đọc sách; Xem phim; Nghe nhạc; Lang thang dưới dạng du lịch bụi; Làm vườn, trồng hoa; Viết lách dìm mình trong văn chương ... Tất cả là những thú vui trong sáng không bị kéo theo những hệ luỵ, khổ đau cho vợ con và cũng chẳng nhiều tốn kém.

Khi vườn sau, khi ao trước, khi điếu thuốc, khi miếng trầu
Khi trà chuyên năm bẩy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu.
(NK)
Khuôn khổ bài viết không cho tôi kể lể ra tất cả những dạng giải trí tìm vui trong tuổi hưu nghỉ của mình vì quá luộm thuộm, biết đâu lại vướng víu đến những chuyện riêng tư tạo ra kịch cỡm, khó thương cho người đọc. Chính vì vậy, tôi sẽ dành thời gian và cả sự khoái cảm riêng biệt cho từng dạng thức tìm vui của mình để viết ra những đoản văn kể lể tâm tình của mình cho từng tiêu đề dưới dạng thức những bài tuỳ bút. Dĩ nhiên, tôi sẽ dựa vào khả năng văn chương, chữ nghĩa của mình, nhấn vào đó những cảm xúc và suy tưởng cố gắng tạo ra tí chút mùi vị lãng mạng để làm cho bài viết nhẹ nhàng văn thơ hơn với ước ao cung ứng được tí chút khoái cảm cho bạn bè, cho đọc giả. Được như vậy coi như là một lối tìm vui rất thực tế trong những tháng năm còn sót lại của một kiếp người. Đó cũng không phải là tôi đang bước vào một thú vui viết lách ư ?

Thú vui đọc sách
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh không mấy thuận tiện về vật chất nhưng tôi đã đến với thú vui đọc sách khá tốt. Nhất là khi bước lên cấp trung học, tôi đã đậu vào Chu văn An, ngôi trường chuẩn của Sàigon. Tại đó với chương trình học rất qui mô và tập thể giáo sư rất bài bản, nhờ đó tôi đã có một nền giáo dục rất tốt, tạo cho tôi thích thú với sách báo. Có thể nói thú vui đó của tôi được chuyển biến, thăng tiến rất sát với chương trình học và phong trào thị hiếu văn chương trong xã hội. Đúng như vậy sách vở, văn chương đã thấm vào cảm xúc và giải trí của tôi như một thú vui không thể thiếu được. Nó cung ứng cho tôi những khoảng khắc suy tư, trầm mặc khi đọc được một tác phẩm hay. Nó từng dẫn tôi vào đê mê như nghe và cảm được âm thanh trong những vần thơ tình lãng mạn:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
( TL)
Có thể nói, vì thú vui đọc sách, tôi đã đọc phần rất lớn các tác phẩm Việt Nam dưới dạng văn xuôi (truyện ngắn, truyện dài...) hay văn vần ( thơ, phú... ) của văn học Việt Nam cũng như dịch thuật từ văn chương ngoại quốc. Trong khuôn khổ bài tuỳ bút này, tôi chỉ nêu ra một vài tác phẩm điển hình văn xuôi cũng như văn vần của vài tác giả Việt nam hay ngoại quốc đã được dịch ra tiếng Việt mà tôi đã đọc với niềm khoái cảm, đê mê. Rất có thể cảm quan của tôi về một tác phẩm có những khác biệt với nhiều người, ngay cả với những người làm việc trong lãnh vực phê bình về văn chương. Đó cũng là lẽ rất tự nhiên bởi vì tiêu chí của
bài viết này không phải là bài phê bình một tác phẩm mà là một bài viết về sự cảm nhận của tôi với một hay nhiều yếu tố nào đó trong tác phẩm. Chẳng hạn, tôi nói đến hình hài, tài năng, cá tính của nhân vật hay khuynh hướng triết lý trong một tác phẩm với cảm xúc của riêng tôi. Nó chẳng liên quan gì đến đúng hay sai theo hướng văn chương, nghệ thuật, miễn là làm sao cho người đọc thích thú như tôi, thế là đạt trong cứu cánh của tôi vậy.
Có lẽ một cuốn sách đã làm tôi suy ngẫm, ảnh hưởng rất nhiều trong lối sống của tôi sau này, đó là cuốn “Câu truyện của dòng sông “ nguyên tác: “ Siddhartha “ của nhà văn người Đức Hermann Hesse. Nếu không lầm tôi đã đọc cuốn sách đó lần đầu vào khoảng năm lớp đệ tam (1962), lúc tuổi đời còn quá trẻ, ý thức về cuộc sống còn non nớt, lúc đó tôi đang bị kéo vào vòng xoay của việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tác phẩm chỉ cho tôi cảm giác thoáng qua rất mơ hồ về sự phi lý của cuộc đời mà thôi. Nhưng khi bước lên đại học, tốt nghiệp xong, đi làm, phải kèn cựa với nhân gian cũng như chứng kiến biết bao nhiêu dữ kiện xẩy ra chung quanh và cả trong cuộc sống của chính mình. Tôi đọc lại cuốn truyện lần thứ hai và nhiều lần sau nữa. Tác phẩm đã làm cho tôi suy nghĩ sâu xa hơn, nhìn đời trong ánh mắt thâm thuý hơn, nó đã thay đổi rất nhiều quan niệm sống của tôi sau này.
Cuốn truyện cho tôi nhận thức đời một người đi quá mau, tất cả cực nhọc, buồn vui, sang hèn, thành công hay thất bại...đều là ảo ảnh. Chỉ với vài chục trang giấy anh chàng Siddhartha một qúi tử trẻ tuổi trong một gia đình vương giả đã biến thành một ông lão già nua với bao nhiêu biến đổi kinh hoàng trong cuộc đời. Siddhartha, một tín hữu Bà la Môn ước ao tìm chân lý của cuộc sống, anh ta đã rời xa gia đình, du nhập vào nhóm Sa Môn theo lối tu khổ hạnh nhưng sau một thời gian ngắn anh ta rời bỏ đoàn Sa Môn vì nhận thấy lối tu này không phải là con đường mà anh ta muốn tìm kiếm. Rồi cơ duyên trên đường tìm chân lý Siddhata gặp được đức Phật. Từ ngài anh ta đã tìm thấy sự tuyệt vời của giáo lý, siêu hạng của thực hành trong con đường tìm chân lý, nơi đó người ta đạt đến sự giác ngộ trong vô ngã. Nhưng Siddhartha vẫn từ giã Đức Phật, vị thầy mà anh kính ngưỡng để ra đi mong tìm một hướng khác cho con đường tìm chân lý của chính mình.
Siddhartha tiếp tục sống kiếp lang thang với một ý chí, lòng tin kiên cường cho hướng tu hành tìm chân lý, dựa trên 3 khả năng mà anh ta luôn luôn tự hào. Đó là BIẾT SUY NGHĨ; BIẾT CHỜ ĐỢI và BIẾT NHỊN ĐÓI! Cuối cùng anh ta gặp được Kamala một kỳ nữ nổi danh sắc tài và thế lực trong xã hội thượng lưu trong một địa phương. Với 3 khả năng đó anh ta đã chinh phục được trái tim của Kamala, loại bỏ được tất cả những người đàn ông si tình khác trong giới danh gia, quí tộc rồi vươn lên vị trí tối thượng trong mọi lãnh vực từ thương mai, ăn chơi, cờ bạc..v..v.. Nhưng cuối cùng Siddhartha nhận ra mình đã sai lầm tệ hại, con người và cảm xúc của mình đã rơi vào mức tận cùng của sa đoạ. Chính lúc đó anh ta tỉnh giấc, quyết định phủi bỏ tất cả những phù phiếm, sa hoa và cả Kamala người anh ta yêu thương để trở về với lang thang, vô định. Siddhartha lúc này hoàn tòan không phải là Siddhartha một tín đồ Bà La Môn thông minh, kiên cường ôm tham vọng ngày xưa, lúc rời xa gia đình đi tìm chân lý nữa. Siddharta là một gã đi hoang, vô định và bạc nhạc với ý chí chán chường vì thất bại.
Trên bước đường lang thang, Siddharta trở lại giòng sông nơi mà ngày xưa anh ta đã có lần đi qua, lần tái ngộ này Siddharta trong con người chán nản cùng cực mang ý tưởng tự tử. Chính lúc đó Siddhata đã nghe thấy tiếng “OM“ nhiệm mầu vang lên từ dòng sông đã giúp anh ta đã tỉnh thức. Cuối cùng anh ta gặp lại người lái đò Vasudeva, quyết định ở lại, sống và làm việc với ông ta bên dòng sông. Từ dòng sông Siddharta đã cảm nhận được muôn điều đẹp đẽ, đáng yêu của cuộc sống. Với dòng sông êm ả Siddharta không còn mang ý niệm của thời gian, không quá khứ mà chỉ có hiện tại, và những lời chỉ dậy của Vasudeva, Siddharta đã hoà nhập con người mình vào dòng sông, nghe được những lời thì thầm của nó trong tâm thế của một người có tâm hồn rộng mở, phủi bỏ đa mê, không cầu mong, không phán xét, không thành kiến... Đó chính là những yếu quyết giúp Siddharta đạt đến mức bình lặng tuyệt đối của tâm hồn thanh thản và thể xác trống rỗng vô lo của một Siddharta GIÁC NGỘ .
Thật nhẹ nhàng, gió thổi chiếc lá rơi
Êm mặt sóng luân hồi sông chỉ một
Trái tim mở ôm những điều vô giá
Gạt bụi trần bao giối trá, trái ngang
Buông tất cả để tâm ngời vô tận
Hướng mặt trời thở tiếng giận thương yêu
(Thanh Trang)

Đúng như vậy, tác phẩm đã thay đổi con người tôi rất nhiều. Tôi sống đơn giản hơn, không quá màng đến tham vọng luôn luôn tìm cách giản dị hoá cuộc sống nhất là khi bước vào thời gian hưu nghỉ. Đôi khi trong giao tế nếu có tí chút thua thiệt hay không được như mình mong muốn thì cũng xí xoá, làm hoà cho khỏi bực mình. Nếu không được những gì mình tính toán thì im lặng tìm cách tránh xa hay cố gắng không nhìn, không nhớ, không tiếc rẻ, không bực mình, đớn đau. Tôi luôn luôn tự nói, hạnh phúc sẽ đến khi người ta biết yên phận và vui sống. Đó cũng là một bài học rất rất quan trọng mà tôi học được từ tác phẩm này, làm cho cuộc sống của tôi bình thản hơn và cũng là một trong nhiều nguyên do đã cho tôi thời gian nghỉ hưu tương đối khá tốt vậy.
&
Thú vui đọc sách của tôi cũng dẫn tôi vào một khoái cảm khác trong những tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung. Có thể nói tôi đã đọc tất cả và nhiều lần những tác phẩm của ông. Tôi đã thu nhận được những khoái cảm tột cùng vì cốt truyện phức tạp nhưng hấp dẫn từ những sắc thái rất khác nhau nhưng rất độc đáo của từng nhân vật chính trong hầu hết các tác phẩm. Một tên nguỵ quân tử Nhạc Bất Quần làm điên đảo giang hồ với phong thái anh hùng của một chính nhân quân tử, nhưng lại là một kẻ bại hoại, tiểu nhân. Một lũ điên điên khùng khùng Đào Cốc Lục Tiên có những hành động và suy nghĩ làm cho người đọc cười vui trong tức giận. Một Kiều Phong võ công tuyệt đỉnh nhưng lại có một kết quả đau thương chỉ vì là giòng giống Khiết Đan ...v..v.. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ nêu ra một vài nhân vật trong hàng nhiều chục, họ có cá tính rất độc đáo trong những tác phẩm của Kim Dung đã làm tôi thích thú.
Trong “Tiếu Ngạo Giang Hồ“, Lệnh Hồ Xung một tên lãng tử, bản chất anh hùng, ngay thẳng, phóng túng trong giao tiếp, không phân biệt chính tà. Gặp duyên may mà thụ học được võ công tái thế nhưng lại vướng vào tánh ham mê rượu mà tạo ra biết bao nhiêu rắc rối. Nhưng cũng chính nhờ khả năng uống và biết về rượu, hắn đã làm cho bất cứ ai (người đọc) có tí chút kiến thức về rượu cũng phải mê mẩn với những lần uống rượu của hắn. Đặc biệt trong lần đối thoại với Tổ Thiên Thu về 16 hũ “thượng phẩm cống tửu“. Tổ thiên Thu đã cho hắn biết muốn đạt đến mức thuần mỹ phi thường của từng loại cống tửu đó phải có những chén uống rượu khác nhau cho mỗi loại rượu. Có như vậy mới làm cho rượu nổi mầu sắc, tăng hương vị làm cho người uống tỏ lộ được sắc thái oai phong của người anh hùng khi uống rượu. Chẳng hạn, trong văn chương, sách sử có viết rượu Bồ đào phải có chén ngọc dạ quang mới làm cho rượu thêm sắc hồng. Khi uống, cái ngon thơm và sắc hồng của rượu sẽ kích thích kẻ anh hùng gia tăng cao ngạo mà xông pha chiến trận, chấn át quân thù:

Bồ Đào Mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
(Lương Châu Từ, Vương Hàn.)

Dịch rằng :
Rượu ngon kèo chén lưu ly
Uống thì trên ngựa, tiếng tì giục sôi
Say sưa ngã ngựa chiến trường
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về
(Không biết dịch giả )

Trong tác phẩm này không chỉ nói đến một Lệnh Hồ say khướt mà còn đem đến cho tôi cảm giác đê mê với mối tình trong sáng, lý tưởng, thanh cao, trái tim đầy nhân hậu của ni cô Nghi Lâm của phái võ Hằng Sơn dành cho Lệnh Hồ Xung. Có lẽ Nghi Lâm là một nhân vật nửa tục, nửa tiên làm cho bất cứ ai dù khó tính thế nào khi đọc truyện của Kim Dung cũng phải ngẩn ngơ vì sắc đẹp thuần khiết và tình yêu mê say nhưng quảng đại của cô ta. Cá nhân tôi khi đọc lại truyện “Tiếu Ngạo Giang Hồ “ đã kéo trí nhớ tôi về với tác phẩm “ Hồn Bướm Mơ Tiên “ của Khái Hưng. Một mối tình cao thượng, trong sạch, dưới bóng từ bi giữa chú tiểu Lan ( ni cô giả trai ) và Ngọc ( cháu của sư cụ chùa Long Giáng, ngôi chùa ở Trung du Bắc Việt ). Cuộc tình yêu này cũng đã làm người cho người đọc, trong đó có tôi phải mê mẩn theo từng trang sách.
Một trong những kỹ thuật viết truyện kiếm hiệp thành công nhất của Kim Dung là ông biết khéo léo lồng vào trong tác phẩm của mình những nhân vật có những đặc điểm vượt trội nhân gian, làm cho người đọc si mê. Thiên Long Bát Bộ với Vương Bạch Yến, một mỹ nhân có nhan sắc thanh cao, bản chất thuần khiết với trí thông minh tuyệt vời... nhưng nét đẹp của Bạch Yến hình như luôn luôn phủ trùm sắc thái sầu muộn. Một nhà phê bình văn học khi đọc tác phẩm này của Kim Dung đã mô tả vẻ buồn và đẹp của Vương Ngọc Yến như sau:
“ Hình bóng của cô ta lung linh mờ ảo như có làn khói vươn toả chung quanh, làm cho cô ta như không phải là người trần vậy.“
Cũng có lẽ vì vậy mà Đoàn Dự đã mê si đắm đuối, gọi Vương Bạch Yến là “ Thần tiên tỷ tỷ “. Riêng cá nhân tôi khi đọc những trang sách viết về Vương Bạch Yến đã cho tôi biết bao nhiêu ước vọng mà tưởng tượng về một nhan sắc trầm lặng có ánh mắt thoáng buồn như những vần thơ của Nguyên Sa:

Có phải tên người là âm thanh vô vọng
Nên mắt buồn le lói thoáng bơ vơ?
..............
Người về đâu giữa đàn khuya dìu dặt
Hơi thở thiên thần trong tóc tẩm hương xưa
Người đi về trời nắng hay mưa
Sao để sương gió trầm tư thêu thùa má ướt.

Đúng như vậy, sắc đẹp Vương cô nương trong mê si của tôi là một nàng tiên tên gọi nhan sắc:
Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc. (NS)
Một nhan sắc khác trong Thần Điêu Đại Hiệp cũng làm tôi ngây ngất si mê, đó là Tiểu Long Nữ, với tôi, đây là một nhan sắc ma mị, luôn luôn xuất hiện trong truyện với y phục mầu trắng, cá tính lạnh lùng, ít nói, tâm hồn thuần khiết đơn giản, võ công tuyêt vời. Một nhan sắc làm người ta mê mẩn trong e dè, sợ sệt. Có lẽ vì người đẹp sống và luyện công, tập võ trong cổ mộ quá lâu mà ra chăng? Chính nét đẹp ma mị trong khung cảnh mông lung, lạnh lẽo của cổ mộ đã làm tôi mê say và dẫn dắt trí tưởng tượng của tôi trong thời gian hưu nghỉ để viết ra một số truyện Liễu trai chí dị vậy. Tôi đã lồng ghép sắc đẹp mê hồn của Tiểu Long Nữ vào những bóng hình ma quái, liễu trai trong cốt truyện của tôi trong những cuộc hội ngô, giao hoan của một anh chàng thư sinh hay một công tử nào đó với những người đẹp hồ ly, ma quái . Tôi tự hỏi có phải tôi muốn nhấn mơ mộng của mình vào cốt truyện vì bị vướng vào sắc đẹp mê hồn của Tiểu Long Nữ hay từ một bóng dáng nào đó đã chôn sâu trong ký ức của tôi trong tuổi thanh xuân?
Em là con gái nhà trời
Còn anh con cái của người thường dân
..........................
Cưới em một tấm tình si
Đò không chở thí lấy gì sang sông?
Tình em anh khắc trong lòng
Bụi hồng thương lấy má hồng thương nhau!
(Nguyễn Bính)

Thú vui “Đọc sách “ của tôi khi còn sống, học hành và làm việc tại Viêt Nam cũng như hiện nay trong cái tuổi về hưu vẫn là một trong những dạng tiêu khiển thích thú nhất. Với sự phát triển của kỹ nghệ truyển thông hiện nay. Muốn tìm một cuốn sách nguyên thuỷ do tác giả Việt Nam viết cũng như các bản dịch từ các tác phẩm ngoại quốc xuất bản mới đây hay hàng nhiều chục năm về trước, không còn là một điều quá khó khăn nữa. Đó chính là một điều may mắn cho tôi khi muốn tìm lại cái khoái cảm của một tác phẩm nào mà mình đã đọc ngày xưa cũng như đang nổi danh của thời hiện tại. Tôi xin nêu lên một vài tác phẩm cũng như tác giả điển hình của thời kỳ cận đại và thời kỳ hiện đại của nền văn học Việt Nam trong hai hình thức văn chương, đó là văn xuôi và văn vần.
&

Văn Xuôi

Có thể nói tôi đã đọc rất nhiều truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, ký sự ..v..v..viết thời đất nước chưa chia đôi mà người ta thường gọi là các tác phẩm của các văn nghệ sĩ thời tiền chiến như Tản Đà; Phạm Quỳnh; Trần Trọng Kim, nhóm Tự Lực Văn Đoàn với Nhất Linh, Khánh Hưng, Thế Lữ ..v..v... dĩ nhiên rất nhiều tác giả mới sau này tại miền VNCH như Duyên Anh; Dương Nhiễm Mậu; Duyên Anh; Phạm Công Thiện; ..v..v.. Phần trên tôi đã tỏ bầy, bài viết này không mang sắc thái của một bài phê bình một tác phẩm về văn chương mà chỉ là bài viết rất chủ quan của tôi về một góc cạnh nào đó của tác phẩm mà thôi.
Với tiêu đề đó tôi muốn dẫn bạn đọc vào niềm suy tư của tôi khi đọc vài ba tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tác phẩm đầu tiên mang cho tôi thích thú đó là “ Tiêu Sơn Tráng Sĩ “ cuốn tiểu thuyết dài nhất ( trên 400 trang ), công phu nhất của Khái Hưng. Đây là một câu truyện lịch sử có chút hơi hướng tiểu thuyết kiếm hiệp xẩy ra thời Nguyễn sơ triều vua Cảnh Thịnh (1797). Tất cả tên và hoạt động của các nhân vật trong truyện đều có thật, vài người vẫn có tên trong lịch sử và văn chương của Việt Nam. Đứng trên khía cạnh của một tiểu thuyết võ thuật thì “Tiêu Sơn Tráng Sĩ“ không thể so sánh được với những truyện kiếm hiệp giả tưởng khác trên thị trường. Nhưng Tiêu Sơn Tráng Sĩ vẫn mang cho người đọc (trong đó có tôi) rất nhiều khoái cảm vì nó là một câu truyện có thật trong lịch sử. Trong đó nhân vật chính là Phạm Thái một nhân vật tài ba, ngang tàng, có chí hướng của một anh hùng muốn xoay đổi thời cuộc. Ông còn là một nhà nghệ sĩ tài năng đầy đủ phẩm chất, tâm hồn lãng mạn và những tác phẩm văn chương của ông đã có một vị trí lịch sử văn học VN. Ngoài ra, một hiện tượng khác rất độc đáo làm cho nhiều người thương mến Phạm Thái, ông đích thực là một nam nhi có ý chí nhưng cũng là một Phạm Thái đa tình, chung thuỷ, khao khát yêu đương, dám vì tình yêu mà rời xa lý tưởng cách mạng trở về với một kẻ si tình làm thơ, uống rượu bên mộ người yêu Trương Quỳnh Như.
Đúng như vậy, Khi nghe tin Trương Quỳnh Như, người yêu, cũng là người tình trong đối hoạ văn chương tự tử vì bị mẹ ép gả cho người khác. Phạm Thái đã rời bỏ nghĩa quân trở về với kiếp sống lang thang với thơ phú và rượu. Ông đã làm một bài văn tế rất thảm thiết khóc Trương Quỳnh Như:
Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đoá.
Thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm, làm một kiếp, mà ngơm ngớm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!
………………….
Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên: mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hoá ngang tàng tính mạng.
Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm; chua xót cũng vì đâu?
Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sùi sụt hai hàng tình lệ, giãi bày một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương tử!
( Văn tế Trương Quỳnh Như)
Phạm Thái để lại nhiều tác phẩm có giá trị trong văn học Việt Nam như: Chiến tụng Tây hồ phú (tỏ lòng căm phận với Tây Sơn và thương tiếc nhà Lê); Sơ kính tân trang (Chuyện mới về Lược và Gương; dùng thơ kể lại cuộc tình yêu lãng mạn, trắc trở,đắng cay của chính mình ); Văn tế Trương Quỳnh Như và 10 bài thơ hoạ với Trương Quỳnh Như. Phạm Thái đã có một câu nói đã được ghi sâu vào chữ nghĩa yêu đương được người đời thích thú, tôn vinh:
“Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy đôi mắt mỹ nhân! “
Một tác phẩm khác của Khái Hưng cũng làm tôi say mê khi đọc, đó là “Hồn Bướm Mơ Tiên“ tôi đã viết về tác phẩm này ở phần trên. Đây cũng là một mối tình lãng mạn, trong sáng pha đậm lý tưởng trong yêu đương. Có lẽ nếu ai mê thích Khái Hưng sẽ nhận thấy văn phong của ông rất mềm mỏng, nhẹ nhàng dù trong cốt truyện của ông luôn luôn mang theo chủ đề chung của nhóm, nhưng ông luôn luôn dùng nhân vật trong truyện hay hình ảnh trong truyện biện luận cho chủ đề một cách nhẹ nhàng, không quá kích thích, hay quyết liệt dữ dằn như nhiều hội viên khác. Tiêu chí của nhóm Tự Lực Văn Đoàn là kêu gọi giới trẻ bỏ cũ theo mới, phần lớn tác phẩm của nhóm đều đưa vào cốt truyện những cuộc xung đột giữ cũ và mới; nêu ra những cái xấu xa, ích kỷ, giả đạo đức, khinh thường, chèn ép, coi thường phụ nữ ..v..v.. của cái cũ và họ hô hào, kích thích, xúi dục giới trẻ quyết liệt, không lưỡng lự đoạn tuyệt cái cũ để theo cái mới:
Anh đi đường anh, tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi
Đã quyết không mong xum họp mãi
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi.
(Thế Lữ)
Nhưng Mai và Lộc trong Nửa Chừng Xuân cũng như tất cả các nhân vật khác trong tác phẩm của Khái Hưng luôn luôn dùng lời lẽ êm ái, nhẹ nhàng, chịu đựng thua thiệt để thuyết phục người đối đầu. Còn Nhất Linh với Loan và Dũng trong Đoạn Tuyệt dù cùng một ý hướng theo mới, bỏ cũ, nhưng cương quyết, sẵn sàng gạt bỏ với những lời phản kháng quyết liệt, không khoan nhượng đối phương. Ngay trong lãnh vực diễn đạt tình yêu trong những tác phẩm của Nhất Linh và Khái Hưng cũng có sự khác nhau rất rõ ràng. Nhất Linh tạo ra những nhân vật cứng mạnh tình cảm và giải quyết theo trí khôn có phần nào ích kỷ. Còn Khai Hưng tình yêu được biểu lộ trong sáng và quảng đại, kết cuộc thường trong lý trí và hy sinh, đó là hình ảnh của chú tiểu Lan và Ngọc (Hồn bướm mơ tiên ); Mai và Lộc ( Nửa chừng xuân) hay Thức và Lạc ( Anh phải sống)..v..v..
Một tác phẩm khác cũng làm tôi nhớ mãi, tôi đã đọc cuốn sách nho nhỏ này trong tâm trạng thẫn thờ khi tuổi mới lớn, chớm bước lên đại học. Đó là một tác phẩm được viết dưới dạng thư nhật ký của một đứa bé gái, nội trú trong một trường Nhà Trắng cho mẹ. Vì còn quá bé nhỏ ngây thơ nên cô bé không biết gì về nghề nghiệp của mẹ mình, một cô gái điếm ngheo khổ và bệnh tật. Cuối cùng người mẹ đã chết vì lao phổi, lúc đến nhìn xác mẹ tại bệnh viện cô bé mới biết và hiểu về nghề nghiệp của mẹ. Nhưng cô gái vẫn kính nhớ mẹ và viết trong lá thư cuối cùng cho mẹ:
“Má vẫn là mẹ hiền từ và đáng kính của con. Má vẫn là tấm gương chói sáng dẫn dắt con đi, con sẽ nhớ lòng hy sinh và tận tụy của má vì con, con sẽ nhớ mãi những lời dạy bảo hiền từ của má. Hình ảnh của má vẫn mãi mãi là hình ảnh thân yêu nhất của lòng con. Má chết đi rồi nhưng không bao giờ con quên má. Những ngày ở bên má là những ngày êm đẹp nhất của đời con.“
Có lẽ phải kể thêm một cuốn sách khác mà tôi đã đọc nó với rất rất nhiều say mê bởi vì từ tác phẩm này tôi đã có tí chút căn bản, hiểu biết về một vài nhà văn, nhà thơ và triết gia trên thế giới. Đó là cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học “ của Phạm Công Thiện một thiên tài trong triết học, một hiện tượng dị thường trong ngôn ngữ của Nam Việt Nam thời bấy giờ. Ông viết cuốn sách này lúc mới ở tuổi 19, khi cho ra mắt đã làm rúng động giới trí thức, văn chương tại miền Nam Việt Nam. Có thể nói khi tác phẩm này xuất hiện, giới trí thức trong văn chương, triết học đã đọc và im lặng. Nếu có một vài bài phê bình thì cũng chỉ đưa ra những lời khen tặng, cảm phục tài năng xuất chúng của tác giả mà thôi. Rất hiếm nếu không muốn nói là không có một bài báo nào chê bai tác giả và nội dung của tác phẩm. Có lẽ khi đọc qua tác phẩm ai ai cũng nhận thấy ông có những tư tưởng, suy nghĩ về triết học cũng như những nhận xét về tác phẩm và tác giả trong làng triết học thế giới một cách rất độc đáo và rất chính xác. Nếu có một ai cho rằng suy tư của ông không chính xác hay không hợp với quan niệm của mình thì cũng không thể có đủ rộng kiến thức như ông ta để phản kháng lại nhận xét, phê bình của ông được. Có vài người cho ông là một người điên khùng trong triết lý, nhưng không người nào đủ trình độ nêu ra được những cái khùng điên, nhưng rất hợp lý của ông được. Hãy đọc một đoạn văn Phạm Công Thịện viết về Charles Chaplin:
“ Cả tuổi trẻ của Charles Chaplin là những chuỗi ngày đau đớn tủi nhục, đã từng sống trong đói rét, đã làm lụng cực nhọc ngay từ lúc chưa đầy mười tuổi và chứng kiến biết bao nhiêu nỗi khổ khi Charles Chaplin còn ngây thơ và 5 tuổi đã bị mẹ bỏ ở viện mồ côi, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm .... Nhưng Charles Chaplin đã không sợ sống, chẳng những thế ông đã sống trọn vẹn và bi tráng nhất. Từ những nỗi khổ đau của chính mình, ông ta đã bước vào nghề“ làm hề “ để tạo niềm vui gây ra tiếng cười ở mọi nơi, mọi phương trời, Charlot đã đi vài lịch sử và nghệ thuật......... Đã chiến thắng được sự đau khổ vô hạn của đời mình và làm cho cuộc đời mình trở thành một bản đàn bất tuyệt, đã sáng tạo ra niềm vui vô hạn cho nhân loại. Suốt đời, Charles Chaplin vẫn hăng hái, say sưa: Ca ngợi tình thương giữa con người với con người ; Chống đối chiến tranh ; Chống đối chính trị ;Chống đối đời sống kỹ nghệ, máy móc....“
Đúng như vậy Phạm Công Thiện đã khoác cho C. Chaplin một vĩ nhân của nhân loại về triết lý bi hài. Chính vì triết lý đó mà người ta khi coi những cuốn phim của Charles Chaplin đều cười vang thích thú nhưng sau một lúc thích thú hoan ca chợt thấy mắt mình nhoà lệ và nụ cười trên môi cũng tự nhiên biến mất thay vào đó là im lặng suy tư! Từ tác phẩm của Phạm Công Thiện tôi đã hiểu rất thâm thuý về Nụ cười và Nước mắt, Thất bại và Thành công, Cay đắng và Ngọt bùi trong những phim của Charles Chaplin. Cũng vậy tôi đã hiểu được âm thanh tình yêu say đắm trong những vần thơ của Apollinaire, và tôi cũng đã bao lần bị nhấn chìm vào triết lý bi đát trong truyện giã từ vũ khí (A farewell to arms) của Ernest Hemingway..v..v.. Tôi không lầm khi biết và tin Phạm Công Thiện là một thần đồng lúc trẻ thơ, là một triết gia đầy sáng tạo khi trưởng thành.

&

Văn vần

Danh tự “văn vần “ có ý chỉ những bản văn hay tác phẩm được viết trong khuôn thước của một dạng văn chương dựa trên các yếu tố ngắn gọn, xúc tích kết hợp với nhau trong một luật lệ nào đó để tạo ra tiết tấu cho bản văn làm cho người đọc thích thú. Đại khái trong tiêu chí này, văn vần có thể là:
- Tập truyện bằng thơ ( Kim Vân Kiều; Gia Huấn Ca...)
- Những bài thơ thông thường.( Lục bát, Song thất, tự do...)
- Phú ( Phú lưu thuỷ , Phú Đường Luật )
- Văn tế, lối văn tỏ lòng thương kính hay tài đức, công lao của người đã khuất.(chẳng hạn như: Phạm Thái tế Trương Quỳnh Như; Văn tế chiến sĩ trận vong ...)
- Hịch ( Hịch tướng sĩ của Trần hưng Đạo...)
Có thể nói văn vần được tôi thích và thường đọc nhất, có lẽ vì nó là những bài không dài, có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, ngay cả trên xe bus. Không riêng gì trong thời gian hưu nghỉ mà ngay từ thời còn trẻ vào những lúc chờ đợi tại văn phònghành chánh hay ngồi quán cóc... thả hồn lang thang, tìm khoái cảm vào vài ba câu thơ hay đoạn phú không phải là cái thú vui rất đẹp trong văn chương hay sao? Tôi có một thói quen cố hữu, lúc đi ngủ tôi thường dỗ giấc ngủ bằng những bài bài viết ngắn từ những tạp chí văn chương luôn luôn có sẵn tại chiếc bàn nhỏ bên cạnh đầu giường. Đôi khi thói quen đó lại dìm tôi vào những mộng mơ để tìm cảm hứng cho một chủ đề nào đó như môt thú tìm vui với viết lách văn chương vậy.
Chẳng hạn, ngồi một mình trong thanh vắng, ban đêm hoài tưởng đến những lần khốn khổ đói ăn thủa ấu thơ của mình mà ngâm nga vài câu Phú như một nụ cười vui.
Mất việc toan giở nghề cơ tắc (1), tủi con nhà mà hổ mặt anh em.
Túng đường mong quyết chí cùng tư (2) e phép nước chưa nên gan sừng sỏ
Cùng con cháu, thủa nói năng truyện cũ, thường ngâm câu “lạc đạo vong bần“ (3)
Gặp anh em khi bàn bạc sự đời, lại đọc chữ “vi nhân bất phú “ (4)
Tất do thiên (5) âu phận ấy là thường.
Hữu kỳ đức (6) ắt trời kia chẳng phụ .
Hàn nho phong vị phú (NCT)
(1) : trộm cắp
(2) : làm bậy
(3) : vui với đạo nghĩa mà quên nghèo khổ
(4) : làm điều nhân thì không ai giàu.
(5) : tất cả đều do trời
(6) : có đức độ thì trời không phụ
Hay những lần lang thang, du lịch bụi, khi màn đêm rơi xuống tại một nơi xa xăm trong nỗi cô quạnh của một kẻ xa nhà. Ngước nhìn bầu trời, tự cảm với cái thú giang hồ của mình tạo ra, mà làm vài câu Phú, giải sầu cho nỗi buồn cô đơn:
Kiếp giang hồ, ngủ bờ ngủ bụi
Được một chỗ ngả lưng qua đêm trong gió bão tung hoành, vui mà nhận
Mong ước gì mà mơ tưởng nệm êm, chăn ấm cho tuổi già thêm nhiều rắc rối !
Phận lang thang, bụng đói như cào, muốn mờ con mắt
Có miếng ăn, rau muống, đọt khoai... đắp đủ qua ngày, đã là quá đủ
Đừng nghĩ cao sang mà mơ tưởng sơn hào hải vị cho khổ tấm thân già !
Đúng như vậy, thời còn đi làm cũng như hiện nay khi hưu nghỉ, dù bận rộn đến đâu tôi vẫn dìm mình vào cái thú ngâm nga thơ, phú, coi như một niềm vui không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Cũng trong cuộc viễn du khi ngoái nhìn về vợ con mà buông tiếng thở dài, ngâm nga vài câu thơ của Thôi Hiệu:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch rằng:
Hoàng hôn về đó quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người.
(Ngô Tất Tố)

Trong một bài viết nào đó, tôi đã ví cuộc đời của mỗi người như một bản hoà âm, có rất nhiều đoản khúc. Mỗi đoản khúc có những âm vang khác nhau cuả từng loại nhạc khí hoà trộn nhau để diễn tả niềm vui cũng như nỗi buồn của đời một con người. Nó có thể là những âm vang của tiếng trống thúc quân ngoài trận tuyến làm người nghe như muốn đứng dậy kiên cường tiến tới. Nó cũng có thể là một đoản khúc với những tiếng kèm trompet dồn dập với hăng say, yêu đời, nhưng có thể là tiếng sáo êm nhẹ, du dương đượm mầu tê tái vì chán nản già nua hay thất bại chán chường... Tất cả những đoản khúc đó xen kẽ hay hoà quyện vào nhau tạo ra những điểm nhấn trong cuộc đời, làm cho những ai có chút suy tư sẽ thấy cuộc sinh nhai là một hí trường buồn vui lẫn lộn.
&

Chinh phụ ngâm

Suốt mấy tháng nay, căn bệnh Corona tung hoành nên mọi dự tính rong chơi, du lịch của tôi đều bị khép lại. Chôn chân trong nhà, chẳng muốn đi đâu, phần vì sợ bệnh hoạn làm khổ mình, phiền nhiễu vợ con. Phần khác vì nhìn thấy cái không khí vắng vẻ tiêu điều của xã hội chung quanh nên tìm vui mà giở lại tác phẩm “Chinh phụ ngâm“ cố dìm mình vào những vần thơ hào hùng của kẻ Chinh Phu nơi chiến địa. Nhưng cũng có lúc buồn bã, cảm thông với nỗi cô đơn, lo lắng hay giận dỗi chồng của người Chinh Phụ

Thủa trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
.................
Nửa đêm truyền hịch, định ngày xuất chinh
Nước thanh bình ba trăm năm cũ
Áo nhung trao quan vũ từ đây
Đọc vài câu mở đầu của tác phẩm, trí nhớ kéo tôi về với quá khứ ngày còn lăn lộn kiếm sống tại quê nhà hay giúp tôi hoài tưởng lại những năm tháng kinh hòang của bom đạn trong cuộc chiến tranh vừa qua, mà chính mình đã ít nhiều tham dự vào! Ngạo nghễ thay và cũng đáng phục thay cho những ai đã có được tâm trạng hăm hở trong cuộc chiến đó với máu chẩy thành sông, xương chất thành núi. Riêng cá nhân tôi, thì ngược lại! dấu tích của cuộc chiến mãi mãi là những tập ký ức buồn, đáng quên. Tôi còn nhớ, một ngày vào khoảng cuối năm 1971 tôi khăn gói trình diện tại Quân Vụ Trấn, Sảigon trong tâm trạng nhiều buồn tẻ, lo âu vì biết mình thực sự bước vào cuộc chiến tranh mà tôi (có lẽ nhiều người khác cũng vậy) không bao giờ mong muốn dấn thân vào. Đúng như vậy, tôi chẳng có chút hào khí nào của kẻ lên đường mong thi thố đao cung như anh chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt trong tác phẩm ( dù tôi vẫn phải xếp bút nghiên, theo việc đao cung !) :
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo nghiệp kiếm cung
.................
Chí làm trai giậm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà, đeo bức chiến bào
Thét voi cầu Vị ào ào gió thu
Ngày đi nhập cuộc của tôi hôm đó im lặng và tẻ nhạt lắm! Tôi lủi thủi một mình tìm một góc trong trang trại ngồi nhìn thế nhân. Hôm đó, tôi im lặng, một mình xách vài bộ quần áo đi trình diện. Chẳng có người tình, người vợ hay cha mẹ, anh em, bạn bè khóc lóc tiễn đưa như bao nhiêu người khác. Trong cái hoàn cảnh cô đơn, buồn chán đó làm sao mà tôi còn dành được tâm tư và thị giác để dõi theo những hình ảnh vui buồn của phong cảnh bên đường lúc lên xe GMC rời xa Saigon như cảnh ra đi của người chinh phu trong tác phẩm:
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu, cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền
Nước có chảy mà phiền chẳng rửa
Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây
Nhủ rồi tay lại cầm tay
Bước đi một bước, giây giây lại dừng
Dù tôi đã học tác phẩm này trong ban trung học đệ nhất cấp, nhưng thực sự tôi hiểu và cảm khoái nó khi bước lên đại học, nhất là khoảng một năm trời trong quân ngũ. Trong những ngày đi bãi hay trong những đêm gác tuyến tôi vẫn mang theo vài ba cuốn tạp chí trong đó không bao giờ thiếu “ Chinh Phụ Ngâm“, vì đọc tác phẩm này trong cái hoàn cảnh đó mới thực sự đạt được cái khoái cảm tột cùng của cái thú thưởng thức văn chương.
Nhưng dù kiên định thế nào trong việc hồ khởi thúc dục người chồng lên đường để xứng đáng dòng hào kiệt. Nhưng làm sao không có những lúc nhớ thương, lo lắng cho chồng nơi chiến địa xa xăm, và cũng làm sao tránh khỏi đôi lần buồn bã, cô đơn mà không có tí chút ân hận vì đã để chồng ra đi vào chốn binh đao ?
Lúc ngoảnh lại, ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong!
Tâm trạng hối tiếc này của người chinh phụ cũng đúng như người vợ trong bài Khuê Oán của Vương Xương Linh, cũng ân hận, buồn rầu trong cô đơn, hối hận vì đã xui chồng đi kiếm công danh :
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thượng thúy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch công hầu
Dịch rằng :
Trẻ trung nàng biết đâu sầu
Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm trăng
Chợt trông vẻ liễu bên đường
Phong hầu nghĩ dại xui chàng kiếm chi!
(Khuyết danh dịch giả)

Nhưng thế nào thì chuyện cũng đã xẩy ra, người chinh phụ biết chồng minh phải ra đi cho trọn thân thế kẻ nam nhi, nhưng đau xót nhìn theo:
Hà Lương chia rẽ đường này
Bên đường trông lá cờ bay ngùi ngùi
..............
Quân đưa chàng ruổi lên đường
Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?
................
Dấu chàng theo lớp mây đưa
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà !
Rồi thời gian qua đi, người chinh phụ đã sống chờ đợi ngày về của chồng trong nhung nhớ, trong nguyện cầu, trong cảm thông những gian khổ, hiểm nguy nhưng vẫn có lúc than trách, nghi ngờ người chinh phu. Nàng tự hỏi chàng có nhớ thương mình hay có thông hiểu cho sự mài dũa của thời gian? Nếu ngày về của chàng quá lâu, thì thiếp làm sao giữ được vẻ mỹ miều, xuân sắc ngày xưa, mà đã thành một bà già đầu tóc bạc phơ
Chẳng hay muôn dặm ruổi giong
Lòng chàng có cũng như lòng thiếp không
Lòng chàng ví cũng bằng như thế
Lòng thiếp nào dám nghĩ gần xa
...................
Lạnh lùng thay bấy nhiêu thu
Gió mây hiu hắt trên mầu tường vôi
Một năm một nhạt, màu son phấn
Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi
.................
Thoi đưa ngày tháng ruổi mau
Người đời thấm thoát qua mầu xuân xanh
..................
Kìa Văn Quân mỹ miều thủa trước
E đến khi đầu bạc mà thương!.
Nhưng cũng chỉ là giận giỗi thường tình trong yêu đương xa cách mà thôi, tình yêu là thế, thời nào cũng vậy. Hờn dỗi, trách mắng khi xa nhau nhưng tình thương, lo lắng mong ước cho chàng thì vẫn có:
Đành muôn kiếp chữ tình là vậy
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu
Thiếp gìn giữ mãi lấy mầu trẻ trung
Xin làm bóng theo cùng chàng vậy
Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên
Chàng nương vừng nguyệt phỉ nguyền
Mọi bề trung hiếu thiếp xin vẹn toàn.
Cuối cùng rồi người chinh phu cũng xong nhiệm vụ trở về để cuộc tương phùng thành thực tế. Người chinh phụ sẽ giúp chàng xếp gọn nhung y, giở lại những xấp khăn còn thấm ướt nước mắt mà nàng đã khóc vì nhớ chàng lúc xa nhau. Đọc lại cho chàng nghe những lá thư sầu muộn khi xa nhau, rồi cũng vì chàng mà thiếp sẽ trang điểm cho nhan sắc mãi mãi đẹp, nét trẻ trung, diễm kiều mà ngay xa xưa chàng từng say mê:
Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
Xin vì chàng dũ lớp phong sương
Vì chàng tay chúc chén vàng
Vì chàng điểm phần đeo hương não nùng
Mở khăn lệ, chàng trông từng tấm
Đọc thơ sầu, chàng thấm từng câu.
Đó là một tác phẩm văn vần tuyêt vời, đã cho tôi rất nhiều khoái cảm khi phải học nó trong ban trung học, khi ra đời và nhất là khi vì thời thế mà tôi đã phải “ xếp bút nghiên theo việc đao cung“. Ngày nay, khi thời gian đã đẩy lùi tất cả vào xa xôi, dĩ vãng. Khi tất cả vui buồn, thành công, thất bại...đã dìm sâu vào quá khứ, chỉ còn lại là những hoài niệm đồng hành với thời gian ngơi nghỉ của một ông già đang chuẩn bị cho ngày về với đất đá, hư vô. Nhưng tác phẩm Chính phụ Ngâm vẫn làm tôi thích thú, ngâm vang hay là mồi châm lửa cho niềm hoài cảm của tôi khi muốn dìm mình trong văn chương, thơ phú. Tuyệt vời thay! Một tác phẩm Hán văn của Đặng Trần Côn đã được chấp cánh phượng hoàng lên bầu trời văn chương nhờ tài diễn nôm của nữ sĩ Đoàn thị Điểm, không chính xác lắm ru!
Kim Vân Kiều.
Một tiểu thuyết văn vần khác cũng làm cho tôi bao lần ngẩn ngơ khi đọc, đó là Kim Vân Kiều của đại văn hào Nguyễn Du. Tôi thực sự bước vào khoái cảm của tác phẩm này khi theo chương trình học của lớp đệ nhị, ban trung học (lớp 11 hiện nay), nhưng thực tế tôi đã có tí chút kiến thức rất sơ sài về tác phẩm khi còn là học sinh tiểu học trong một trạng huống khá thích thú. Xin kể lể ra đây như để hoài nhớ về bà mẹ quê mùa, thất học nhưng tuyệt vời đáng kính và đạo đức của tôi.
Mẹ tôi hoàn toàn không biết đọc, biết viết nhưng lại thuộc rất nhiều truyện Kiều, rất thích và tin vào bói Kiều. Mỗi khi gia đình có việc gì lo lắng, không yên, chẳng hạn như những lần thi cử của các con, mẹ tôi thường mang tập truyện Kiều nho nhỏ đã bạc mầu ra trước bàn thờ gia tiên, thắp hương khấn vái rồi trịnh trọng mở tập Kiều ra, đưa cho tôi đọc trang bên phải (trai tay trái, gái bên mặt) cho bà nghe ... với một chút đăm chiêu, lầm bầm nhắc lại vài câu Kiều mà tôi vừa đọc rồi chậm rãi đưa ra lời đoán cho vấn đề mà bà muốn biết!
Lúc còn là học sinh tiểu học, tôi cũng chỉ biết làm theo và cũng có phần tin tưởng vào sự linh thiêng của “lối bói“ rất văn chương nhưng cũng kỳ lạ đó. Khi lên cấp trung học, dù vẫn vui vẻ đọc mỗi khi mẹ yêu cầu nhưng tôi thường lắc đầu, mỉm cười coi như một việc tầm phào. Tuy nhiên, cũng rất kỳ lạ, bất cứ lần nào bà bói cho tôi trước khi đi thi đều chính xác một cách lạ lùng, lại càng làm cho bà tin tưởng hơn. Một lần mẹ bói cho tôi trong cuộc thi tú tài phần nhất, tôi đậu dễ dàng đúng như lời đoán của mẹ. Mẹ cho rằng tôi đậu là do Đại vương Từ Hải đã giúp đỡ, ngài đã mang may mắn trong cho tôi. Nghe mẹ nói, phủ nhận sự chăm chỉ và tài năng của mình, tôi tỏ vẻ không vui, nói vài câu bất kính với vị Đại Vương mà mẹ coi như thánh thần. Với ánh mắt nghiêm nghị mẹ nhìn tôi trách mắng:

-Con không được nói vậy với Đại Vương! Hãy nhớ là học tài thi phận, đừng ngông nghênh mà thất kính với ngài như vậy mà chết không tòan thây đó!
Sau một lúc giải bầy, tranh cãi cuối cùng vì muốn cho mẹ vui tôi đã phải cầm tập truyện Kiều đến trước bàn thờ gia tiên, thành kính cúng vái và nói vài lời xin lỗi với Đại Vương Từ Hải. Không dừng tại đó, cũng với vẻ thành kính tôi chậm rãi đọc vài câu Kiều mô tả cảnh Từ Hải vì tin vào lời khuyên của Kiều ra hàng Hồ Tôn Hiến mà bị chết đứng:

Đang khi bất ý chẳng ngờ
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!
Tử sinh liều giữa trận tiền
Dạn dầy cho biết gan liền tướng quân
Khí thiêng khi đã về thần
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữ trời !
Đọc xong đoạn Kiều, tôi nhìn mẹ cười vui, thích thú! Mẹ nhìn tôi lắc đầu, im lặng buông tiếng thở dài vì biết rõ tính tình ngổ ngáo của thằng con trai đầu đàn rất thương mẹ nhưng cũng có khá nhiều tật ách! Thời gian trầm lặng trôi qua, tôi ra hải ngoại tu nghiệp rồi thời thế xoay vần, mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi trước khi tôi có điều kiện mang vợ con về thăm lại quê nhà trong nỗi buồn vắng mẹ.
Đúng như vậy khi nói về văn chương của truyện Kiều, có lẽ khỏi cần bàn cãi cho tốn thời gian, giấy mực mà chỉ cần đọc lời phê bình của Phạm Quỳnh:“Truyện Kiều còn, nước ta còn. “đã quá đủ nói lên cái giá trị của tác phẩm rồi. Về nội dung của truyện Kiều mô tả cuộc đời phong trần, đắng cay cũng như sắc đẹp mê hồn và tài năng vô đối của Thuý Kiều đã là những tiêu điểm làm cho biết bao nhiều người Việt nam, từ bác nông dân tay lấm chân bùn đến văn gia cao quí trong xã hội cũng phải ngơ ngẩn mê say, thì làm sao tôi lại điên khùng, dám làm một kẻ ngoại lệ để chê bai truyện Kiều được?
Đúng như vậy Thuý Kiều đã hiện ra trong tưởng tượng của tôi như một nhan sắc tuyệt vời, một tài năng xuất chúng trong thơ văn, âm nhạc, hội hoạ...không ai bì kịp. Thuý Kiều trong tâm tưởng của tôi là một nhan sắc mỹ lệ, một người đẹp toàn vẹn (mười phân vẹn mười) và chỉ có trong mơ. Tôi mê si Thuý Kiều như mê một thần tượng, đã bao lần tôi có cảm giác mình đúng nghĩa là một kẻ tình si! Trong bài viết này, tôi cố gắng chỉ đi vào một vài đoạn của tác phẩm nói về sắc đẹp và tài năng của Vương Thuý Kiều, nhan sắc trong mộng mị của đời tôi.
Trong tác phẩm, Tố Như tiên sinh chỉ mô tả sơ sài về nhan sắc của Thuý Kiều, nhưng tiên sinh lại khéo léo diễn đạt nỗi đắng cay, tủi nhục của Kiều trong những cuộc tìm vui của khách mua hoa tại kỹ viện đã cho bất cứ ai khi đọc tác phẩm đều cảm nhận được vẻ đẹp chim sa cá lặn của Kiều. Trong đoạn mở đầu tác phẩm, Tố Như tiên sinh đã mô tả nét đẹp trong sáng, sang trọng của Thuý Vân rồi dùng kỹ thuật so sánh để diễn tả nét đẹp vượt trội của Thuý Kiều:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Một người, một vẻ mười phân vẹn mười
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường mầu da
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc, lại là phần hơn
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Cho đến khoảng giữa tác phẩm, khi Thúc Sinh đến kỹ viện, đúng lúc Kiều đang tắm, đoạn này có chút dung tục nhưng tác giả cũng đã lột tả được vẻ đẹp ngẩn ngơ như tượng sáp của giai nhân:

Buồng the phải buổi thong dong
Thanh lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên

Đem sắc đẹp thân xác ra so sánh với tài năng nội tại của Thuý Kiều, dù có chút khập khiễng nhưng Tố Như tiên sinh đã cho độc giả nhìn rõ hơn cái tài năng tuyệt đỉnh của Kiều trong thơ văn, hội hoạ, âm nhạc, ca ngâm:

Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai

Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm
Cung, thương, làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt Hồ Cầm một trương.

Sau khi dự lễ tảo mộ, mặt trời đã chếch bóng, trên đường về Kiều gặp ngôi mộ của Đạm Tiên, một kỹ nữ, ca nhi tài sắc một thời nhưng gặp nỗi bất hạnh, khi chết, xác chỉ được vùi nông bên đường không người thân thiết nhang khói, trông nom. Xúc động cho nỗi bạc mệnh của Đạm Tiên, Kiều rút trâm cài vạch lên vỏ cây bên đường một bài thơ thương cảm cho người đã khuất, mới quen:
Rút trâm cài sẵn trên đầu
Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.
Nỗi lòng cảm thương, lời cầu khấn của Kiều đã tác động linh hồn Đạm Tiên hiển hiện làm cho mọi người sợ hãi, Kiều mong được nhận Đạm Tiên là chị và nguồn thi hứng lại dâng trào mà vạch thêm vào gốc cây một bài cổ thi:

Hữu tình ta lại gặp ta
Chớ nề u hiển mới là chị em
Đã lòng hiển hiện cho xem
Tạ lòng, nàng lại nối thêm vài lời
Lòng thơ lai láng bồi hồi
Gốc cây, lại vạch một bài cổ thi.

Tài văn chương của kiều không chỉ có thế. Trên đường về, vô tình gặp được Kim Trọng, Kiều đã mê mẩn với vẻ quý phái, trí thức của Kim Trọng và mang nỗi tình si vào tâm tưởng. Khi về nhà nhớ đến Kim Trọng, lúc thiu thiu ngủ dưới ánh trăng thì hồn Đạm Tiên hiện ra, cảm kích về chân tình của Kiều nơi hoang mộ, và cho biết là trong sổ đoạn trường có tên của Kiều! Đạm Tiên muốn thử tài văn chương của Kiều, cô ta đưa ra mười đề tài cho Kiều làm thơ. Chỉ với vài vẫy tay, Kiều đã víết ra đủ mười khúc ngâm, đã làm cho Đạm Tiên nức nở khen thầm:

Này mười bài mới, mới ra
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời
Kiều vâng lĩnh ý đề bài
Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm
Xem thơ nức nở khen thầm
Giá đành tú khẩu, cẩm tâm khác thường
Ví đem vào tập đoạn trường
Thi treo giải nhất, chi nhường cho ai ?

Văn chương của Kiều tuyệt tài như thế, âm nhạc, hội hoạ của Kiều cũng thuộc hàng trác tuyệt, đúng là một nghệ sĩ tài danh. Thời gian qua mau, thấm thoát đã 3 mùa trăng kể từ lễ Tảo Mộ. Kim Trọng cũng mê say nhan sắc của Kiều và đã bao lần tìm đến nhà Thuý Kiều nhưng vẫn then đóng, cửa cài... chàng lấy cớ có nơi chốn để học mà thuê được một căn nhà trọ sát bên nhà Thuý Kiều, hàng ngày vẫn lang thang trong vườn mong được gặp lại giai nhân.
Kiều thì cũng chẳng khá gì hơn, cũng buồn nhớ trông mong được gặp người trong mộng. Không biết vì ngẫu nhiên hay Kiều đã biết Kim Trọng đang cư ngụ tại nhà kế bên, một lần Kiều đi dạo trong vườn mà đánh rơi chiếc kim thoa, để rồi ngẫu nhiên Kim Trọng nhặt được mà có cớ gặp nhau, thân thiết sinh tình, khởi đầu cho câu truyện tình đầy gió bão yêu đương.
Với tôi cái trò làm rớt kim thoa thủa xưa hay gió bay khăn quàng, khăn tay ... để lấy cớ gặp mặt tình si thì ngày nay có cô gái nào mà không thuộc nằm lòng thể thức! Cũng vậy thanh niên đang tuổi yêu đương, cái trò quên sách, quên đàn, quên mũ... lấy cớ để trở lại kiếm tìm người si mê thì cũng chẳng hiếm hoi gì, thời nào mà chẳng có! Không biết tạo dịp gặp nhau thì làm sao có được niềm vui tái ngộ:

Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn
Tình tang tính tính tình tang
Đêm khuya thao thức mơ màng
Chờ mai tìm đến cô nàng ngây thơ
Tình tang tính tính tình tang (Nhạc PD)

Có lẽ kiểu quên trâm, quên sách, quên đàn... chỉ hữu dụng với những cô, những cậu Việt Nam mà thôi, với tụi Tây thì chẳng có gì phải rắc rối, vòng vo, mất thì giờ cho bực bội:
Tôi yêu em, và chỉ van em được nói yêu em. Em đừng đi ngay dù trên đường ngựa xe mắc cửi.

Cho tôi nói ngay, nếu không tôi sẽ phải đi tìm tôi như một thân ngựa cuồng điên chạy trên đường hàng hôn đuổi theo một bóng mặt trời đang khuất núi.

Tôi phải nói ngay, bởi vì tôi không thể giấu tình yêu như biển cả sau một cơn giông to bão lớn cất trên bờ cát những thây ma. Đợi đến ngày mai, tôi e sợ rằng đời sẽ bổ tôi làm phu lục lộ đi đo sự già nua của tâm hồn mình bằng mớ tóc bù tung, đôi mắt quầng thâm của những người yêu đi lấy chồng rồi sinh con đẻ cái.

Cho tôi nói ngay, tôi yêu em, không một tí đắn đo dò xét.

Đến ngày mai hơi thở cũng ẩm tanh mùi tội lỗi. Tôi sẽ phải gục đầu tưởng niệm hương thơm mùi sữa mẹ và chất mặn nồng của những giọt nước mắt đầu tiên.
Ánh sáng mờ hoen, tôi sẽ nhìn cuộc đời bằng đôi mắt tử thi

Và em ơi, cả tôi, cả cuộc đời, con đường đi và mớ tóc dài thơm sẽ biến thành ảo ảnh.

(NS)
Lối thể hiện tình yêu của tây phương, nó thẳng băng như 2 con đường song song trong toán học, nó thực tế như 2 lần 2 luôn luôn là 4, không có chuyện cộng thêm hay trừ bỏ tí nào cả dù là một tí epsilon. Cá nhân tôi (thời con non trẻ) hình như cũng có chút e ngại với những người con gái thích diễn kịch làm duyên, nhưng lòng mình thì chẳng biết nó đúng hay sai. Với Thuý Kiều thì nhờ cái trâm đánh rơi (cũng chẳng biết nàng có diễn kịch hay không?) để gặp người yêu và rồi trong một ngày vào dịp gia đình đi vắng, Kiều đã chui hàng rào sang tận phòng trọ của Kim Trọng mà phô bầy kiến thức về hội hoạ, tài năng bay bướm thư pháp:

Sinh rằng: “Phác hoạ vừa rồi“
“Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa“
Tay Tiên gió táp mưa sa
Khoảng trên dừng bút, thảo vào bốn câu.
Khen: “Tài nhả ngọc phun châu“
“Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế vầy“
( Nàng Ban , Ả Tạ là những phụ nữ nổi danh hay chữ )

Tài hội hoạ, thư pháp của Thuý Kiều đã ở mức mê mẩn rồi, nhưng bước sang âm nhạc, có thể nói Kiều đã đạt đến mức ma mị, huyền thoại với những âm vang truyền đạt được tất cả cảm xúc của người tạo âm thanh, ẩn tình khúc mắc của nội dung tấu khúc:

Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau
Khúc đâu Tư Mã phượng cầu
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng.
.................
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Tuyệt tài thay, một Thuý Kiều, thần tiên trong âm nhạc, siêu tuyệt trong gò nắn âm vang ... chỉ có kẻ không có tim để rung động, không có hồn để say mê, không có giác quan để thu nhận mà thưởng thức mới không nhìn, không cảm, không thẩn thờ trước tài năng tuyệt vời về âm nhạc của Kiều nương mà thôi.
Tôi đã viết qua về 2 tác phẩm của “ truyện thơ“ . Chinh phụ ngâm và Vương Thuý Kiều mà tôi thích thú mê say, chắc đã quá dài cho “khuôn viên“ của một bài tuỳ bút. Tôi xin chuyển sang viết về dạng “văn vần“ khác. Đó là thơ, những bài thơ, những câu thơ theo lối cổ điển xa xưa hay ngôn tự tung bay phóng khoáng đương thời trong lồi thơ tự do. Mở đầu cho đoạn văn này, tôi đưa ra vài dòng lang thang của chính tôi trong cái khoái cảm của những vần thơ không phép tắc:
Làm sao tôi có thể kể cho hết được những bài thơ tôi thích, tôi mê?
Những bài thơ nói về tình yêu trong tâm tưởng, được kết bằng những nụ hôn nồng cháy, bằng những giây phút đa mê, hoan lạc.
Những bài thơ toàn là những âm thanh trọn vẹn, không lạc lõng dư thừa.
Đã đưa tôi vào mộng mị với những vần thơ của một kẻ lang thang trong những chuyến hải hành chất đầy rượu ngọt, thức ăn thừa mứa .... để cho tôi đi tìm tóc bay, em hát. Những vần thơ đã cho tôi bao nhiêu niềm vui cưỡi trên sóng biển dạt dào mà ngắm nhìn những trò đùa dỡn, vui chơi của những nàng mỹ nhân ngư trên biển cả dưới ánh mặt trời nóng ran như đổ lửa.
Tôi làm thơ? Không! Tôi không biết làm thơ và cũng không phải sinh ra để làm một anh chàng thi sĩ, làm thơ. Tôi hiện diện trong nhân gian chỉ để hiểu, để đọc những vần thơ và cũng để yêu, dám chết trong những bài thơ tình lãng mạn của những thi nhân mà tôi yêu thích.
Đúng như vậy, tôi rất yêu thơ, tôi sẽ gò nắn trong khuôn khổ đoạn viết của bài tuỳ bút này mà tìm ra những âm vang, trong những bài thơ tôi thích cung ứng cho cái khoái cảm của riêng tôi và cũng cho cái tò mò muốn biết của đọc giả. Có lẽ Xuân Diệu là một trong những nhà thơ tôi rất thích, nhất là những bài thơ về tình yêu:

Ta muốn tắt nắng đi
Cho mầu đừng nhạt mất
Ta muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
.............
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn xiết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cỏ cây, và cỏ rạng
Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!
..................
Thư thì mỏng như suối đời mộng ảo
Tình thì buồn như tất cả chia ly
Giấy phong kỹ, mang thầm trong túi áo
Mấy trăm lần viết lại mới đưa đi.

Đúng như vậy, viết một bức thư, đưa một bức thư hay gặp để tỏ lộ tình yêu cho người mình yêu, hoàn toàn không dễ, Nguyên Sa cũng thế mà thôi:

Chân díu bước mà mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần, tôi chỉ dám... quay đi
Cả những giờ bên lớp học, trường thi
Tà áo khuất thì thầm: “ chưa phải lúc...“
............
Rồi trách móc: “Trời không gần cho tay với
Và cả nàng hư quá, sao mà kiêu...“
Nên đến trăm lần: “Nhất định mình chưa yêu!“
Hôm nay nữa ... Nhưng lòng mình sao lạ quá ...?

Thuỵ Sĩ là một quốc gia nhỏ nằm sát bờ đông bắc nước Pháp, khoảng thời gian mới sang Thuỵ Sĩ cũng như lúc các con còn trẻ, tôi rất thường sang Pháp chơi, rất nhiều lần tôi đến Paris lý do Paris có rất nhiều nơi chốn để viếng thăm và hệ thống metro rất tiện dụng. Paris đúng thực là một trung tâm văn hoá hạng nhất thế giới, có thể nói đi thăm tất cả các di tích lịch sử, văn hoá, phòng triển lãm, viện khảo cổ...của Paris, không phải là chuyện dễ dù là cư dân của Paris. Với tôi, bao lần sang Paris nhưng vẫn có cảm giác lạ lùng, chưa quen và vẫn muốn khám phá.
Có lẽ nền giáo dục của VN, nhất là cho thế hệ của tôi có quá nhiều vướng víu với nền văn học Pháp mà Paris lại là một biểu tượng trung tâm của tò mò. Đúng như vậy, đến Pháp mà không biết Paris có lẽ là một thiếu sót không bình thường. Đến Paris mà không biết “Notre –Dame de Paris“ để hoài tưởng về câu truyện tình lãng mạng nhưng đầy nước mắt của anh chàng gù Quasimodo với cô gái Esmerald của Victo Hugo là một điều khó hiểu lạ kỳ! Đến Paris mà không dành một buổi để lang thang, đi bộ trong vườn Luxemboug để tưởng nhớ hay ngắm nhìn những dấu tích của các vĩ nhân trong văn chương, nghệ thuật của Pháp và nhân loại trong công viên như A. Dumas, Baudelaire, Balzac, Hemingway, Sartre, Simon de Beauvoir, Anatole France .... thì đúng là một cuộc du hành vô ý nghĩa.

Với tôi, mỗi khi đến Paris tôi lại nhớ đến thi sĩ Cung Trầm Tưởng với những bài thơ phải nói là bất tử, lãng mạn của ông. Dưới trời tuyết bay bay, phủ kín con tầu, trong không gian lạnh lẽo tiễn đưa người yêu... còn gì buồn hơn:

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
...............
Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng
................
Hôn nhau phút này rồi
Chia tay nhau tức khắc!
Khóc đi em, khóc đi em
Hỡi người yêu xóm học
..............
Trời em có mơ sao
Mình anh đêm ở lại
Trời mùa Đông Paris
Chưa bao giờ buồn thế!

Cũng vậy, Paris buồn, Paris chia ly... với Nguyên Sa lại có một mùi vị khác trong nỗi buồn của một gã đàn ông từ giã người tình trong buổi chiều Paris lành lạnh:
Tôi sẽ hỏi trong những chiều giá buốt
Những chiều mưa mây trắng nặng trên vai
Người con gái mắt xanh mầu da trời
Trên áng mi dài có quanh co tuyết phủ ?
Rồi cả người, cả Paris nhìn tôi qua nụ cười nhắn nhủ
Nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly!

Bên cạnh những bài thơ viết về những khúc mắt, trắc trở, phiền nhiễu với tình yêu, vẫn có những bài thơ rất nổi tiếng theo một hướng khác, hướng của nhân gian, tình người, thiên nhiên và tạo hoá ..v..v..
Nếu ai sống, học hành và lớn lên với Saigon toàn là kỷ niệm, làm sao mà không thẩn thờ khi đọc những câu thơ:
Nắng Sàigon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
..........
Em không nói đã nghe lừng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng cả trời xanh
.........
Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
.......
Em ở đau hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh mầu áo lụa Hà Đông . (NS)
Và cũng thế:
Mình từng bên nhau dạo bước phố phường
Phố ồn ào cũng trở nên lặng lẽ
Anh nhìn phố rồi kề tai khe khẽ:
“Anh yêu Sàigon vì có bé biết không“ ? ( HNT)

Rồi vì hoàn cảnh đẩy đưa, vì lòng mình mê si “ khanh tướng, công hầu “ mà phải rời xa đất nước để một ngày nào đó trở về nơi chốn ngày xưa, làm sao mà không buồn, không khóc khi nhớ đến mẹ cha:

Một buổi sáng mùa đông chớm lạnh
Về quê nhà con chạnh lòng đau
Tóc cha mây trắng một mầu
Nụ cười đôn hậu... mẹ đâu xa rồi! (ĐĐM )

Trong thời gian chiến tranh vừa qua, tôi đã bao lần chứng kiến những tang thương của bom đạn, những khổ đau của ngăn cách chia ly:

Tôi là anh lính chiến
Rời quê hương từ thủa máu khơi dòng
............
Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ
Tuổi đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín
Ai bước đi mà không từng bịn rịn
.............
Đêm hôm nay, tôi trở về lành lạnh
Sông sâu nhìn lấp lánh sao lưa thưa (YT)

Khi trở về, làm sao mà không thẩn thờ, khi người thân không còn nữa, kéo mình trở về với thực tế và ký ức hiện ra với những cảnh tượng đau lòng mà hỏi vu vơ:

Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi có thằng con bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông ? (QD)

Cuối cùng trong tâm trạng chán chường với phú qúi công danh mà thở dài:
Nào những ai
Kê vàng tỉnh mộng
Tóc bạc thương thân
Vèo trông là rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi (TĐ)

Đâu đó trong không gian, âm thanh của bản nhạc “Chiều mưa biên giới“ nhẹ nhàng vang lên, đem tưởng tượng của người nghe đến với hình ảnh cô đơn, buồn bã dưới trời mưa của người lính chiến bên đường biên giới hiển hiện về trong chán chường:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu?
............
Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
.............
Lòng người con tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi!


Kết luận

Xin dùng vài câu thơ của Nguyễn Khuyến để đóng lại bài viết khá dài và luộm thuộm của tôi về cái thú vui đọc sách. Coi như một đoạn kết của một bài tuỳ bút đầy cá tính của một người thích lang thang, dù là lang thang trong văn chương, thơ phú:

Khi vườn sau, khi ao trước, khi điếu thuốc, khi miếng trầu
Khi trà chuyên năm bẩy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu.

Cũng vậy, dù ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng nếu vì một đưa đẩy ngẫu nhiên nào đó mà có được một lần tao ngộ với xuân nồng gió trăng, thì tôi cũng chẳng ngại gì mà chối từ cho mệt để mất tiếng của một kẻ hào hoa:
Kìa những người mái tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ tơ đào còn mảnh khảnh
............
Càng tài tử càng nhiều tình trái
Cái sầu kia theo hình ấy mà ra
Mua sầu lại kẻ hào hoa. ( NCT)

Lưu An
(Zuerich, July 2020)



none

none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng đánh mất tình yêu


Phật pháp ứng dụng


Những tâm tình cô đơn


Vì sao tôi khổ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.17.179.132 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...