Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu tập Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Pháp Thường Tu Lễ Kính »»
Kinh A Di Ðà chép: “Hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở trong nước mình hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật: “Chúng sanh các ngươi nên tin kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Ðức, được hết thảy chư Phật hộ niệm này”. Kinh Vô Lượng Thọ cũng ghi: “Tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang”, đấy cho ta biết tướng lưỡi này chính là quang minh ấy, quang minh ấy cũng chính là tướng lưỡi này, chẳng hai chẳng khác. Phật phóng vô lượng quang hàm chứa ý nghĩa pháp âm của chư Phật vang vọng khắp mười phương, vượt khỏi cả tam thiên đại thiên thế giới. Từ Ân pháp sư bảo: “Ðể chứng thực việc nhỏ thì Phật hiện tướng lưỡi hiện che cả mặt đến tận mí tóc. Nay kinh này đây nói che khắp đại thiên là để chứng thực đại sự”. Ngài còn bảo: “Bồ-tát đắc tướng lưỡi che mặt, nên chẳng nói hai lời, toàn nói lời chân thật. Lưỡi mới chỉ che mặt thì đã chẳng hư vọng, huống là che được cả đại thiên!” Do vậy, phàm phu chúng ta phải nên sanh lòng tin chân thật đối với lời khen ngợi thành thật của chư Phật. Thành là chí thành, thuần chân, dứt vọng; thật là chắc chắn đúng. Chư Phật nói lời thành thật vô úy, giống như tiếng sư tử hống, dẫu ngàn thánh nhân xuất hiện cũng chẳng thay đổi được. Vì sao? Bởi vì chẳng có lời thành thật nào hơn được lời thuần chân, dứt vọng, vạn kiếp vẫn như thế, không hề dời đổi của chư Phật. Lời chư Phật xưng tán công đức không thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ chính là lời cực chân, cực thật, ngàn Đức Phật xuất thế cũng chẳng thể biến cải, muôn đời tuân thủ chẳng thể trái nghịch lời thuần chân thật, chẳng hề hư vọng này. Cho nên, phàm phu chúng ta phải nên tin chắc, chớ ôm lòng nghi ngờ, muôn đời phải giữ lấy lời Phật dạy làm khuôn phép chẳng hề quên mất. Nếu có ai đó nói lời sai khác với lời Phật nói, thì cứ cung kính đảnh lễ họ ba lạy, nhưng nhất quyết chẳng tiếp nhận cũng chẳng xưng tán.
Phật Phật đạo đồng, bình đẳng như một, chẳng có cao thấp. Nhưng pháp môn Niệm Phật vãng sanh lại là diệu pháp bất cộng của Phật Di Ðà, nên cái lợi ích đó cũng là bất cộng. Vì vậy, chư Phật kính nhường oai đức của Phật A Di Đà, nhằm hiển thị công đức vô biên của hết thảy chư Phật đều cùng quy về một Đức Phật A Di Ðà, ngõ hầu mười phương chúng sanh đều cùng nhập Di Ðà nguyện hải, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc. Ðây chính là lời nguyện 17 – Được Chư Phật Xưng Tán được thành tựu của A DI Đà Phật. Do nhờ mười phương chư Phật đồng thanh khen ngợi nên danh hiệu của Phật A Di Đà mới có thể vang khắp mười phương, phổ nhiếp vô biên chúng sanh cùng quy hướng Cực Lạc. Do đó, công đức vô lượng của A Di Đà Phật cũng chính là công đức vô biên của hết thảy chư Phật, vì thế trong kinh A Di Đà, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật mới nói: “Xá- Lợi- Phất! Như Ta hôm nay ngợi khen công đức chẳng thể nghĩ bàn của các đức Phật, các đức Phật đó cũng ngợi khen công đức chẳng thể nghĩ bàn của Ta mà nói lời này: Đức Thích Ca Mâu Ni Phật hay làm được việc rất khó khăn hi hữu, có thể ở trong cõi Ta Bà đời ác năm món trược: kiếp trược, kiến trược, phiền trược, não trược, chúng sanh trược, mạng trược trung, mà Ngài chứng được ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài vì các chúng sanh nói kinh pháp mà tát cả thế gian khó tin này”.
Ông Bành Tế Thanh nói một lời thật thà và khẳng định: “Một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”. Hiếm có, khó gặp mà nay đã gặp gỡ, thì đấy gọi là gì? Đó chính là nhân duyên giải thoát sanh tử đã đến lúc chín muồi. Chúng ta nay đã gặp gỡ pháp môn Tịnh độ và đã phát nguyện vãng sanh, thì nhân duyên giải thoát sanh tử đã sắp chín muồi rồi, nên nhất định phải trân trọng giữ gìn, chớ nên khinh thường, vứt bỏ. Nhìn vào những người phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh tưởng chừng như là họ đang làm chuyện rất dễ dàng, nhưng thật ra chẳng dễ dàng chút nào. Vì sao chẳng dễ? Chúng ta đọc kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ nhiều lượt sẽ tự hiểu, nếu thiện căn, phước đức, nhân duyên trong đời quá khứ chẳng đủ, thì đời này dù gặp được bộ kinh Vô Lượng Thọ và pháp môn Tịnh độ cũng chẳng thể nào phát nổi cái tâm muốn vãng sanh Cực Lạc. Do đó, việc phát tâm vãng sanh Cực Lạc thật sự phụ thuộc thiện căn, phước đức, nhân duyên của đương nhân, chớ chẳng phải là chuyện dễ dàng mà ai ai cũng có thể làm được. Có thấu suốt đạo lý trong Tịnh độ pháp môn mới có thể tin tưởng, có tin tưởng mới có thể phát nguyện và chịu nghiêm túc tu hành. Hết thảy những điều ấy đều là do thiện căn đã tích lũy trong vô lượng kiếp quá khứ. Tới nay thiện căn ấy đã đến lúc chín muồi, nên mới có thể phát tâm. Lại nữa, nếu chẳng được A Di Đà Phật nhiếp thọ, cũng chẳng được mười phương chư Phật Như Lai âm thầm gia trì, thì cũng chẳng thể thành tựu được những điều như vậy. Đây chính là nhân duyên hội tụ, khiến cho phàm phu trong một đời mà có thể vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vãng sanh bất thoái thành Phật.
Mười Nguyện Hạnh của Phổ Hiền Bồ-tát từ “Lễ kính chư Phật” cho đến “Hồi hướng trọn khắp” chính là mười điều kiện để sanh về cõi Thật Báo Trang Nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới của bốn mươi mốt địa vị Pháp thân Đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm. Những vị Bồ-tát ấy chẳng phải là Bồ-tát bình phàm, họ đều là những bậc đã minh tâm kiến tánh. Kinh Bảo Tích cũng nói đến mười điều kiện vãng sanh, bao gồm bốn cõi, chín phẩm, từ cạn đến sâu. Nhưng trong hội Hoa Nghiêm, cạn và sâu đều cùng một vị, chẳng có tăng giảm, một là tất cả, tất cả là một. Đấy là điều kiện để Thượng Thượng Phẩm Vãng Sanh. Tuy hiện nay chúng ta chẳng làm được mười điều này, nhưng nhất định phải hiểu rõ điều này. Vì sao không làm được mà vẫn phải hiểu rõ? Bởi vì càng hiểu rõ bao nhiêu, càng có thể buông những chấp trước, phân biệt, vọng tưởng xuống bấy nhiêu. Nếu chúng ta có thể nỗ lực tu học theo tiêu chuẩn ấy, tất nhiên sẽ nâng cao phẩm vị vãng sanh của chính mình.
Lời nguyện thứ nhất của Phổ Hiền Bồ-tát là “Lễ kính chư Phật”. Phổ Hiền Bồ-tát tuyên bố: “Đối với tất cả tận pháp giới hư không giới, mười phương ba đời hết thảy chư Phật, tôi đều dùng ba nghiệp thanh tịnh để thường tu lễ kính. Nơi mỗi Đức Phật đều hiện bất khả thuyết vi trần số thân, mỗi thân lễ khắp bất khả thuyết vi trần số Phật.” Cảnh giới của các bậc Pháp thân Đại sĩ giống như Phổ Hiền Bồ-tát là tận hư không khắp pháp giới. Chữ “ba đời” bao gồm quá khứ, hiện tại và vị lai. Chúng ta đã từng nghe Đức Thế Tôn nói về chư Phật trong đời quá khứ và hiện tại, còn chư Phật trong đời vị lai là những ai? Chư Phật trong đời vị lai chính là hết thảy chúng sanh. Bởi lẽ hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đã có Phật tánh ắt sẽ thành Phật, đó là Phật trong tương lai. Đối với hết thảy chư Phật trong quá khứ, chư Phật trong hiện tại và chư Phật trong tương lai, các bậc Pháp thân Đại sĩ tuân tu theo đức hạnh của Phổ Hiền Bồ-tát đều đồng lễ kính giống hệt như nhau, chẳng có mảy may khinh trọng khác nhau. Vì sao? Hễ không tôn trọng một chúng sanh nào, tức là công đức lễ kính chư Phật bèn chẳng viên mãn, bèn bị khiếm khuyết. Công đức của chư vị Bồ-tát trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm đích xác là viên mãn rốt ráo. Chúng ta dù có trải qua hằng sa số kiếp tìm sâu, vạch lá, cũng chẳng thể nào tìm ra mảy may khuyết điểm nào nơi đại chúng trong cõi ấy. Do vậy mới biết, chẳng dễ gì sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm.
Hiện nay, chúng ta còn thấy người khác có nhiều chỗ chẳng thuận mắt, có nhiều chuyện chẳng vừa lòng, vậy thì làm sao có thể sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm cho được. Dẫu chúng ta tu tốt đẹp cách mấy nơi hình tướng đi nữa, nhưng trong tâm vẫn còn ý niệm như vậy, nhất định chẳng phải là pháp Lễ Kính Chư Phật của Phổ Hiền Đại sĩ. Do vậy có thể biết, Phổ Hiền hạnh chính là dùng cái tâm thanh tịnh và bình đẳng của chính mình để tu lễ kính đối trước hết thảy chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại và chư Phật vị lai, mà chư Phật vị lai chính là hết thảy chúng sanh trong Lục đạo. Trong Phật môn thường nói đến Thanh Tịnh Tam Nghiệp: thanh tịnh thân, thanh tịnh ngữ và thanh tịnh ý. Chỉ khi nào ba nghiệp thân, khẩu, ý thật sự thanh tịnh thì mới có thể tu Phổ Hiền hạnh. Nói cách khác, đối với hết thảy các loài chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới, từ các loài trong địa ngục cho đến chư Phật, chúng ta quyết định chẳng có phân biệt, chấp trước, khi ấy sự lễ kính do chúng ta tu mới là Phổ Hiền hạnh. Khi chúng ta gặp tượng Phật, bèn lạy Phật một lạy, đó là gì? Là lạy khắp tận hư không khắp pháp giới mười phương ba đời hết thảy chư Phật, chẳng có giới hạn. Đương nhiên trong tất cả tận hư không khắp pháp giới, mười phương ba đời, hết thảy chư Phật, có các vị Phật tương lai hiện còn đang bị kẹt trong ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Dù vậy, tâm lễ kính của chúng ta cũng chẳng có giới hạn, chẳng tăng, chẳng giảm, nên cái tâm ấy thật sự là rộng lớn bao la như hư không pháp giới. Do đó, chúng ta đảnh lễ một vị Phật bèn là lễ đảnh lễ hết thảy chư Phật, chúng ta tán thán một vị Phật cũng chính là tán thán hết thảy chư Phật trong mười phương ba đời tất cả chư Phật. Thế nhưng, do cái tâm của bọn phàm phu chúng ta có phân biệt, có chấp trước, tự mình thu hẹp tâm lượng của chính mình thành hết sức nhỏ bé, nên công đức đã tu tập cũng theo cái tâm nhỏ bé đó mà teo lại thành nhỏ xíu. Chúng ta chẳng biết dụng tâm tu hành, chẳng biết thuận theo tâm lượng mà biến hóa công đức từ nhỏ bé trở thành to lớn vô hạn lượng, nên tu kiểu nào cũng không được, tâm lượng quá sức nhỏ hẹp mà!
Chúng ta hãy chú trọng chữ “thường” trong câu “thường tu lễ kính” của Phổ Hiền Bồ-tát. Thường là chẳng gián đoạn, suốt ngày từ sáng đến tối trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ chưa hề gián đoạn thì gọi là thường. Phổ Hiền Bồ-tát dạy thường tu lễ kính mới là tâm cung kính thật sự. Nói thô thiển một chút, đối với người, đối với sự, đối với vật, từ đầu đến cuối đều là một lòng cung kính, thì đó mới là tâm thường tu lễ kính của Phổ Hiền. Nói theo cảnh giới của mười tâm trong kinh Bảo Tích, đối với người, đối với sự, đối với vật đều cung kính là cung kính Tự tánh của chính mình. Vì sao? Vì lễ kính là tánh đức của Tự tánh, thiếu lễ kính là chôn vùi tánh đức của chính mình, khiến Tự tánh chẳng thể lưu lộ, thì đó chính là có lỗi với Tự tánh vậy! Chính mình là thủ phạm chướng ngại Tánh đức của chính mình, đó chẳng phải là lầm lỗi thì là gì? Do đó, bất kính với người, bất kính với sự hay bất kính với vật đều là tạo nghiệp, tự gây chướng ngại cho chính mình. Tánh đức của chư Phật, Bồ-tát chẳng bị chướng ngại vì các Ngài thường tu kễ kính; cho nên, Phổ Hiền Bồ-tát dạy chúng ta trừ khử nghiệp chướng bằng pháp Thường Tu Lễ Kính.
Mỗi vị Bồ-tát thuộc bốn mươi mốt địa vị Pháp thân Đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm đều tu pháp Thường Tu Lễ Kính của Phổ Hiền Bồ-tát mà đắc đại tự tại, tiêu trừ tất cả các chướng nghiệp. Vậy, chúng ta có nên thường tu cách này không? Chư Đại Bồ-tát có khả năng hóa hiện ra bất khả thuyết vi trần số thân đối diện trước từng mỗi một Đức Phật trong khắp mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai (trong đó có phàm phu chúng ta) mà kính lễ. Đấy gọi là gì? Là cảnh giới tự tại tối thắng, là cảnh giới Sự Sự Vô Ngại của Hoa Nghiêm. Nói thật ra, mỗi cá nhân trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, dù là hạng hạ phẩm hạ sanh, cũng có năng lực hóa thân giống như chư Đại Bồ-tát trong hội Hoa Nghiêm. Một khi đã sanh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, ai nấy đều chứng đắc năng lực hóa thân ấy, đều có thể ở một chỗ mà biến hóa ra bất khả thuyết vi trần số thân, mỗi thân lễ khắp bất khả thuyết vi trần số Phật. Nếu chẳng phải thật sự là vậy, thì sao Phổ Hiền Bồ-tát lại lập nguyện này? Phổ Hiền Bồ-tát vừa mới nêu lên nguyện đầu tiên “Kính lễ chư Phật”, chúng ta liền hiểu rõ lợi ích chẳng thể nghĩ bàn từ nguyện này, thì chúng ta có nên đến thế giới Tây Phương để tiếp nhận cái lợi ích đầu tiên này hay không? Kinh Hoa Nghiêm đã nói rõ, chỉ có Bát Địa Bồ-tát mới có năng lực này, nếu phàm phu chúng ta chẳng thể đến thế giới Tây Phương, thì hoàn toàn chẳng có cách nào để đạt được loại năng lực ấy. Sự thù thắng bậc nhất của thế giới Tây Phương chính là bọn phàm phu lè tè sát đất như chúng ta cũng có thể sanh về đó, hễ đã sanh về đó rồi, bèn có năng lực ngang bằng với bậc Bát Địa Bồ-tát trở lên. Thật thà mà nói, chúng ta chỉ cần biết rõ riêng một điều này thôi, chẳng cần phải biết thêm tới những điều tốt đẹp khác nơi cõi Cực Lạc, liền muốn đến đó ngay lập tức, chẳng muốn chờ đợi lâu thêm tí nào nữa hết, thì cần gì bàn tới những điều khác nữa chứ!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 52.14.182.21 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập