Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu tập Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Công phu tu hành chân thật »»
Pháp tu Nhất tâm Bất loạn, trì danh niệm Phật là đơn giản nhất, ổn thỏa nhất, thích đáng nhất và dễ dàng nhất. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, mỗi mỗi đều được thâu gọn trong một pháp Niệm Phật Nhất tâm này. Vì sao trong một pháp Niệm Phật Nhất tâm mà lại bao trọn vô lượng pháp môn? Bởi vì một khi niệm Phật có công phu khuất phục được phiền não thì tâm sẽ thông, tâm thông thì trí tuệ trong Tự tánh tự nhiên khai mở, thông suốt vạn pháp. Thế nhưng, muốn được Nhất tâm thì trước hết phải buông xuống tất cả, nếu chẳng thể buông xuống được tất cả thì sẽ chẳng thể đắc Nhất tâm. Chúng ta phải buông xuống những thứ gì? Trước hết phải buông kiến tư phiền não xuống, rồi lại phải buông trần-sa phiền não xuống, rốt cuộc là buông vô minh xuống. Khi nào chúng ta buông xuống được hết thảy các thứ phân biệt, chấp trước, vọng tưởng ấy rồi, Nhất tâm tự nhiên hiện tiền. Thế mới biết, tất cả công phu tu hành chân thật đều chỉ là buông xuống. Niệm Phật là một trong những phương pháp giúp chúng ta buông xuống kiến tư và trần-sa phiền não để được Nhất tâm. Hễ Nhất tâm thì là Phật, hễ nhị tâm thì vọng tưởng, phiền não, tà kiến, ma kiến sẽ có chỗ hở để xen vào. Cho nên, nếu chúng ta niệm Phật mà vẫn không chịu buông xuống mảy may nào hết, tức trong tâm vẫn còn có một vật, vẫn không thanh tịnh trong sạch, thì chắc chắn Nhất tâm chẳng thể hiện tiền.
Lục Tổ Huệ Năng nói: “Vốn chẳng có một vật, nào sợ nhuốm bụi trần.” Kinh Bát-nhã bảo: ”Pháp còn nên bỏ, huống hồ phi pháp.” Trong Chân tâm Bổn tánh vốn chẳng có một vật, chẳng những hết thảy pháp thế gian đều chẳng nên có mà có Phật pháp cũng chẳng được. Khi nào chúng ta buông hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian xuống mới gọi là Diệu ngộ Nhất tâm. Thế nhưng, bởi vì căn tánh chúng sanh chẳng đồng, bất đắc dĩ Phật phải kiến lập giả danh, giả pháp; cho nên, khi chúng ta học Phật, ngàn vạn phần đừng nên chấp trước cái giả danh ấy. Nếu chúng ta chấp lấy dù chỉ một chữ trong kinh sẽ chẳng thể nào có được Diệu ngộ Nhất tâm. Thậm chí, ngay cả Nhất tâm cũng là giả danh, trong Chân tánh chẳng có cái gọi là Nhất tâm. Vì bất đắc dĩ không có cách nào khác để hiển bày cái thể của Chân tâm, nên Phật-đành phải lập ra cái danh tướng giả như vậy. Miễn cưỡng mà nói, chỉ khi nào chúng ta diệu ngộ Nhất tâm thì tận hư không trọn pháp giới sẽ là chính mình; lúc ấy, viên mãn Báo thân và thanh tịnh Pháp thân đều hiện tiền, không gian lẫn thời gian đều tiêu mất, đều trở thành một khối, đó gọi là Nhất chân. Khi đã phá được không gian lẫn thời gian rồi thì cõi nước Cực Lạc dù cách xa nơi đây mười vạn ức cõi nước, cũng chỉ là ở ngay trước mắt. Đây là câu nói tỷ dụ nhằm ám chỉ sự viên mãn của Báo thân và Pháp thân Phật. Nói theo pháp môn Tịnh độ, khi nào mình niệm Phật đến tai nghe, mắt thấy cái gì cũng là A Di Đà Phật, chẳng còn bị trần cảnh bên ngoài làm gián đoạn; ngay cả những lúc đang làm việc hay ngủ nghĩ, câu Phật hiệu cũng chẳng bị gián đoạn, thì đấy mới là niệm Phật Nhất tâm. Trong cảnh giới của niệm Phật Nhất Tâm, hết thảy các tiếng như chim hót, quạ kêu, vượn hú, cọp rống v.v... đều là tiếng thuyết pháp của A Di Đà Phật, đều là tiếng đàm luận Bát-nhã sâu xa; hết thảy cảnh vật như trời, đất, sông, núi, rừng cây v.v... không gì chẳng hiển lộ trọn vẹn Báo thân và Pháp thân của A Di Đà Phật. Lúc này, chúng ta mới thật sự diệu ngộ một cách chân thật Nhất tâm là gì, còn bây giờ những gì chúng ta hiểu và bàn luận về Nhất tâm, cũng chỉ là giả danh dùng để gợi ý mà thôi, chẳng phải là Nhất tâm thật sự.
Kinh Vô Lượng Thọ nêu rõ phương pháp tu hành là Tín, Nguyện, Hạnh. Trong ba món tư lương này, Hạnh là chấp trì danh hiệu Phật bởi vì câu Phật hiệu có khả năng giúp chúng sanh hiển hiện bản thể của đại giác. Thế nhưng, nếu chúng ta chẳng hiểu ý nghĩa của câu Phật hiệu thì dù mỗi ngày niệm đến mấy ngàn câu A Di Đà Phật, cũng không thể hiển lộ được bản thể của đại giác. Niệm từng câu Phật hiệu với sức quán chiếu Bát-nhã, thấy rõ thực trạng của tâm mình mới có tác dụng đánh thức giác-chánh-tịnh. Khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, liền thấy rõ tâm mình đang mê hoặc, tà kiến, ô nhiễm bởi cảnh giới bên ngoài, bèn dùng câu niệm Phật để quay đầu trở về với bản thể đại giác, thì đó gọi là niệm Phật với sức quán chiếu Bát-nhã. Chúng ta có thể nhìn thấy tướng cảnh giới bên ngoài rõ ràng, rành rẽ, nhưng bên ngoài chẳng chấp tướng, bên trong chẳng động tâm, thì đó mới là niệm Phật với Kim Cang Bát-nhã.
Kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Mỗi loại mỗi hàng, hàng hàng thẳng tắp, thân thân đối nhau, cành lá hướng nhau, hoa trái như nhau, sắc đẹp lộng lẫy, không gì hơn được. Khi gió mát thổi, phát ra ngũ âm, âm giai vi diệu, hài hòa tự nhiên. Các cây báu này, khắp cả nước ấy.” Câu kinh văn này hàm chứa mật nghĩa, nhằm nêu rõ bản thể của hết thảy các pháp vốn chẳng có cao thấp, lớn nhỏ, sai khác, nếu người có giác-chánh-tịnh, thì pháp nào cũng là Phật pháp, pháp nào cũng là của báu vô thượng cả! Kim Cang Bát-nhã hiện diện trong cảnh giới của mình, cũng giống hệt như Kim Cang Bát-nhã được A Di Đà Phật giảng trong kinh Vô Lượng Thọ và cũng chẳng khác với Kim Cang Bát-nhã được Thích Ca Mâu Ni Phật giảng trong kinh Kim Cang. Người học Phật đạt được hoa quả giống Phật như vậy, thì có gì xinh đẹp, lộng lẫy hơn được chứ! Chúng ta học Phật thì phải xả ly chấp trước, chẳng nên nhất định là tay mình phải cầm cuốn kinh Kim Cang để niệm mới gọi là niệm kinh Kim Cang. Chúng ta phải biết, chân kinh vốn chẳng có từ ngữ, vốn là rỗng không, chẳng có một vật nào hết. Khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, chúng ta đều rõ ràng, minh bạch, chẳng chấp vào tướng, như như bất động, thì đó chính là kinh Kim Cang, là kinh Kim Cang sống, là kinh Kim Cang thật sự; chớ chẳng phải kinh Kim Cang trên giấy trắng, mực đen.
Niệm kinh hay niệm Phật với tâm giác-chánh-tịnh đều có cùng một kết quả giống hệt như nhau! Nếu người tu hành chẳng biết Phật pháp sống động vô cùng, thì dù trên tay cầm cuốn kinh vô cùng quý báu, nhưng đó cũng chỉ là cuốn kinh chết. Kinh bằng giấy trắng mực đen là kinh chết, niệm kinh chết cứng như vậy, rốt cuộc rồi cũng biến thành kẻ si cuồng trong nhà Phật, đâu có lợi ích gì? Còn nếu như thấy kinh Phật thâm sâu quý báo, rồi tự cho mình ngu dốt chẳng chịu niệm kinh, lại càng thêm si cuồng hơn nữa. Giống như kẻ đói gặp cổ vua mà chẳng chịu ăn, kẻ khát gặp nước cam lồ mà chẳng chịu uống, thì chẳng phải là kẻ si cuồng đó ư? Chư Phật, Tổ đều dạy chúng ta phải niệm kinh với cái tâm rỗng không, chẳng khởi tâm động niệm, chớ chẳng hề dạy chúng ta dùng trí thức phàm phu để suy nghĩ ý nghĩa trong kinh; cho nên, bất cứ ai dù là người ngu hay kẻ trí đều có thể niệm kinh. Kinh Kim Cang Bát-nhã chẳng nói có người trí, có kẻ ngu, hễ ai xả ly được tâm phân biệt chấp trước, thì đều có thể niệm kinh với Kim Cang Bát-nhã. Cho nên, chúng ta thà lấy miệng này để đọc kinh, niệm Phật với cái tâm không biết gì hết, còn hơn là dùng cái miệng này để suốt ngày từ sáng đến tối, thị phi, nhân ngã, chửi bới người khác. Người khác đọc kinh, nghe pháp có xúc phạm gì đến mình đâu, sao lại ngạo báng họ. Nếu chúng ta biết rõ, chư Phật, Bồ-tát giảng kinh, thuyết pháp chẳng có khi nào gián đoạn, thì ắt hẳn sẽ không còn dám ngạo báng người khác đọc kinh, nghe pháp nữa.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật). Chữ Phật ở đây có nghĩa là giác mãn, hễ giác mãn thì là Phật, hễ còn mê chưa giác ngộ thì là chúng sanh. Liên Trì Đại sư giải thích chữ Phật như sau: “Lìa tâm là tự giác, lìa sắc là giác tha, sắc và tâm đều lìa là giác mãn.” Tâm là gì? Là vọng tâm, là tâm phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng thì đấy là tự giác. Sắc là gì? Sắc là cảnh giới bên ngoài, chẳng chấp tướng là lìa sắc. Lìa sắc có nghĩa là trong tâm chẳng bị sắc tướng bên ngoài nhiễm trước, lìa sắc chính là giác tha. Vì sao lìa sắc gọi là giác tha? Do chẳng chấp tướng cảnh sắc, nên trong lòng không sanh ý tưởng tham trước đối với ngũ dục lục trần; do trong tâm không còn bị cảnh sắc bên ngoài mê hoặc nữa nên có thể buông xuống tất cả. Thử hỏi nếu chúng ta chẳng thật sự thấy thấu suốt sắc tướng bên ngoài đều là hư giả một cách triệt để, vẫn còn chấp trước với cảnh sắc, thì làm sao có thể buông xuống cho được? Chỉ khi nào tâm mình đã triệt để liễu giải tất cả tướng cảnh giới bên ngoài đều là như kinh Kim Cang nói: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng,” “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng,” thì mới không còn chấp trước đối với cảnh giới nữa mà có thể buông xuống tất cả. Vì thế, “lìa sắc” chính là giác tha. Có người tự giác nhưng chẳng thể giác tha, có người giác tha nhưng chẳng thể tự giác; chẳng hạn như Tiểu thừa Thanh văn tự giác nhưng chẳng thể giác tha. Vì sao? Bởi vì tuy nơi bản thân người Tiểu thừa thật sự chẳng có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, nhưng họ chẳng thấy thấu suốt cảnh giới bên ngoài đều là “phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng,” “hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng,” nên người Tiểu thừa có tự giác, nhưng thiếu giác tha. Quyền giáo Bồ-tát có giác tha nhưng chẳng có tự giác. Vì sao? Bởi vì các Ngài tuy thấy thấu suốt cảnh giới bên ngoài đều là không thật, nhưng trong tâm, phiền não, kiến giải vẫn chưa buông xuống được. Nếu chẳng thể buông tri kiến xuống được thì chẳng phải là tự giác; cho nên mới nói, Quyền giáo Bồ-tát có giác tha nhưng lại thiếu tự giác. Chỉ khi nào cả hai thứ tự giác và giác tha thảy đều viên mãn thì mới gọi là giác mãn; giác mãn tức là Phật!
Nếu quả thật chúng ta có thể đối với hết thảy cảnh giới bên ngoài đều hết sức coi nhạt, đều có thể buông xuống, mà trong tâm lại còn có một thứ thành kiến không buông xuống được, thì đó là chẳng phải là tự giác. Hiện tượng này rất rõ rệt nơi những người sơ học trong chúng ta, lúc nào chúng ta cũng ôm ấp thành kiến đầy ngực, chứng tỏ là chưa tự giác. Nếu chúng ta lấy việc học Phật pháp làm thí dụ thì sẽ thì thấy rõ ràng hơn, phần đông chúng ta thường chấp dính vào một pháp chết cứng, pháp nào chúng ta tiếp xúc đầu tiên và ưa thích, liền coi đó là pháp chánh yếu bất biến, muôn đời chẳng thay đổi. Do chẳng thể buông xuống được thành kiến, nên cứ tu mãi mà không có tiến bộ. Đây là tri kiến hết sức chấp trước, cũng chính là nghiệp chướng ngăn ngại sự thăng hoa trong việc học Phật, nên suốt cả đời học Phật chẳng có thành tựu gì hết. Hiện nay, chúng ta thấy tình hình thế giới vô cùng hổn loạn; nguyên nhân là gì? Do lòng người có dấu vết loạn động, có thành kiến gây mâu thuẫn lẫn nhau, tất cả những thứ đó đều là vọng niệm phiền não. Mỗi khi chúng ta đọc báo, nghe tin tức, xem TV v.v…, trong tâm liền khởi lên vọng niệm thì phải biết đó là điềm báo trước tai nạn, phiền não sắp xảy ra với mình. Vì thế, chúng ta phải tu tập hạnh buông xả, hết sức nỗ lực tu hành cầu tiến theo phương hướng “tự giác, giác tha;” tức là trong tâm phải buông vọng tưởng phiền não xuống, bên ngoài phải tận lực giảm bớt thế duyên, mọi thứ, mọi việc đều phải tùy duyên, chẳng nên phan duy-ên.
Sở dĩ chúng ta thường hay gây ra nhiều chuyện bên ngoài là do tâm mình tác ý, hễ có tác ý tức nhiên là có dấu vết loạn động và tạo nghiệp; cho nên, vô sự chính là đại sự, nhiều thêm một chuyện chẳng bằng ít đi một chuyện, ít đi một chuyện chẳng bằng không có chuyện gì hết; đấy chính là thái độ của người tự giác, giác tha. Tất nhiên sẽ có người cho rằng người tu hành như vậy quả thật là rất tiêu cực. Nếu người ta cho mình tu hành như vậy là tiêu cực, chuyện này chẳng sao cả! Họ nói ta tiêu cực thì ta cứ chấp nhận là ta tiêu cực, nhưng trong lòng mình thật sự hiểu rõ, lìa sắc không phải là chuyện dễ dàng, chỉ có người tu hành rất tích cực với đầy đủ sức định-huệ kiên cố mới có thể lìa sắc, lìa sắc chính là hạnh giác tha của chư Bồ-tát mà các bậc thánh trong hàng Tiểu thừa Thanh văn vẫn chưa thể làm nổi. Có người lầm tưởng cho rằng phải làm bao nhiêu Phật pháp nơi hành vi để giáo hóa chúng sanh mới gọi là giác tha; nhưng thật ra, khi nào chúng ta đối với cảnh giới bên ngoài càng tiêu cực bao nhiêu, thì hạnh giác tha mới có thể lớn mạnh hơn được, công phu niệm Phật cũng theo đó mà trở nên tích cực hơn. Trong pháp tu Tịnh độ, khi chúng ta càng tiêu cực đối với cảnh giới bên ngoài bao nhiêu thì hạnh giác tha và công phu niệm Phật sẽ tích cực bấy nhiêu. Đợi đến khi chúng ta niệm Phật được công phu tốt đẹp rồi, lúc tai nạn xảy tới sẽ có chỗ tốt đẹp để ra đi, chẳng bị tai nạn làm tổn hại; khi ấy mới biết sự tiêu cực của pháp môn Niệm Phật quả thật có rất nhiều điều tốt đẹp. Vì thế, đối với các duyên trong thế gian, chúng ta phải hết sức tiêu cực, còn đối với việc niệm kinh, niệm Phật thì phải hết sức tích cực.
Lại nữa, đối với chuyện nghiên cứu kinh luận Đại thừa, chúng ta cũng phải hết sức tiêu cực. Vì sao? Bởi vì tuy kinh luận rất hay, rất sâu xa, nhưng quá nhiều, chẳng thể học hết trong một đời, trong khi sanh tử trọng đại lại gần kề; cho nên, chúng ta phải buông xuống Phật học, chỉ chuyên tâm học Phật trong phạm vi của pháp môn mình tu mà thôi. Chúng ta tu pháp môn Tịnh độ thì chỉ nên niệm kinh A Di Đà hoặc kinh Vô Lượng Thọ là được rồi, chẳng nên nghiên cứu quá nhiều kinh luận khác nhau làm tăng trưởng thêm pháp chấp và những nghi ngờ, lầm lẫn về cách hành pháp khác nhau của mỗi pháp môn. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật dạy chúng ta pháp tu vô lượng vô biên phước báo, đó là “Phát Bồ-đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả.” Nhưng chúng ta phải biết, trong pháp môn Tịnh độ, “đọc tụng Đại thừa” chính là đọc kinh Vô Lượng Thọ hoặc kinh Di Đà, hay đọc chú giải kinh Vô Lượng Thọ hoặc chú giải kinh Di Đà, mỗi thứ ấy đều được cả, những kinh khác chỉ nên đọc khi nào mình thật sự đã khai ngộ. Mỗi ngày chúng ta niệm kinh Vô Lượng Thọ hay kinh Di Đà một lần thì có khác gì đem bộ phim về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chiếu vào trong tâm mình một lần. Ngày nào cũng đều chiếu phim Tây Phương Cực Lạc Thế Giới vào trong tâm như vậy thì sẽ có lợi ích rất lớn. Vì sao? Vì niệm kinh như vậy lâu sau tâm mình sẽ chứa đựng toàn bộ cảnh giới Tây Phương Cực Lạc trong đó, không còn cảnh giới nào khác xen vào nữa, đấy chính là “bất tri bất giác tâm đã dưỡng thành.” Kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi sự dưỡng thành ấy là “ức Phật.” Như vậy, nếu tâm này thường luôn niệm một kinh, chẳng hề xen tạp, chẳng hề ngừng nghĩ, lâu sau sẽ tự nhiên trở thành ức Phật. Tâm này luôn niệm kinh là Lý trì, tâm này luôn niệm Phật là Sự trì, cứ niệm như vậy mãi, chẳng bao lâu tự nhiên khế hợp với điều mà kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật.” Công đức niệm kinh, niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn; tuy vậy, nhưng niệm kinh không phải là niệm nhiều kinh mà là chỉ niệm một kinh cho đến khi dưỡng thành ức Phật.
Hiện nay, chúng ta hết sức nỗ lực niệm một kinh, kết hợp với sức niệm một danh hiệu Phật, lúc chết ắt sẽ thấy cõi nước Cực Lạc và Phật A Di Đà hiện ra ngay ở trước mắt; đấy chính là ý nghĩa của câu “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật.” Nếu chúng ta niệm Phật suốt thời gian từ bây giờ cho đến lúc chết, niệm niệm đến công phu thành phiến hoặc niệm đến công phu Nhất tâm Bất loạn, quyết định có thể tự tại vãng sanh. Lúc sắp xả bỏ báo thân, biết trước ngày giờ Phật đến tiếp dẫn, thân không bệnh khổ, ý không điên đảo, muốn đứng, muốn quỳ, muốn ngồi, muốn nằm vãng sanh đều được toại nguyện. Người niệm Phật với công phu đắc lực như thế, lúc ra đi có thể cười nói một cách an nhiên tự tại như các đại đức xưa nay. Thật ra, điều này chẳng phải khó làm, ai ai cũng đều làm được, chỉ có một điều là chúng ta có thật sự ưa thích và tha thiết muốn làm hay không mà thôi. Nếu chúng ta chẳng thật sự tin ưa thọ trì, tức là còn có tâm hoài nghi thì dù có xuất gia niệm Phật cả đời, nhưng bên trong lẫn bên ngoài đều chẳng thể buông xuống được, tới lúc cuối cùng vẫn phải ngã bệnh, vẫn phải chết rất đau đớn, vẫn phải bị luân chuyển trong sáu đường, chẳng thể an nhiên tự tại vãng sanh.
Nói cho đến cùng, công phu tu hành chân thật là gì? Chỉ là buông xuống! Bên trong chẳng thể buông xuống là chẳng tự giác, bên ngoài chẳng thể buông xuống là chẳng giác tha, bên trong lẫn bên ngoài đều chẳng thể buông xuống là chẳng giác mãn. Nếu chẳng tự giác cũng chẳng giác tha thì sẽ phải mắc bệnh, chịu nhiều đau khổ. Nếu như hết thảy đều buông hết xuống thì toàn bộ nghiệp chướng liền theo đó mà tiêu mất; như vậy làm sao có bệnh tật và đau khổ nữa? Hễ có một chuyện chưa thể buông xuống tức là còn có nhị tâm, đây chính là nguyên nhân gây ra nghiệp chướng, để rồi từ nghiệp chướng ấy mà tạo ra tội báo sau này, làm chướng ngại việc vãng sanh. Hễ buông tất cả xuống được thì được giác mãn, mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp vô cùng, chẳng còn bị một chướng ngại nào nữa trong đời này và đời sau.
Giác mãn là toàn trí, toàn giác của Phật. Trí là thể của Tự tánh, giác là dụng của Tự tánh. Nói cách khác, Chân như Bổn tánh vốn trọn đủ vô lượng trí huệ; khi trí huệ ấy khởi tác dụng thì gọi là giác. Giác đối với chính mình thì gọi là tự giác. Giác đối với cảnh giới bên ngoài thì gọi là giác tha. Hiện nay, Tự tánh của chúng ta bị mê mất nên chân thật trí huệ trong Tự tánh biến thành thông minh tài trí thế gian. Phật pháp gọi trí thông minh thế tục ấy là thế trí biện thông. Một khi trí thông minh thế tục khởi tác dụng, chẳng thể tránh khỏi có vọng tưởng phiền não, phân biệt, chấp trước sanh ra, chẳng thể tránh khỏi tạo nghiệp mà phải lãnh chịu những tai nạn xảy tới. Cho nên chúng ta phải biết, trí thông minh thế tục chẳng giống như trí huệ chân chánh của Phật và đại Bồ-tát, bởi vì trí huệ chân chánh của Phật, Bồ-tát chẳng hề sanh ra bất cứ một phiền não nào cả. Chân thật trí huệ của chư Phật, Bồ-tát chính là “Bát-nhã Vô tri, vô sở bất tri” (Bát-nhã Vô tri, không gì chẳng biết).
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.220.217.3 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập