Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Quán chiếu Bát-nhã »»
Khi xưa, Lục Tổ vừa mới khai ngộ, Ngài liền bảo: “Nào ngờ Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh. Nào ngờ Tự tánh vốn sẵn đầy đủ.” Sau khi Lục tổ thật sự khai ngộ rồi, Ngài mới biết Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh đến dường ấy, Tự tánh vốn sẵn đầy đủ đức năng có thể sanh ra vạn pháp, thể biến hiện y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Kể từ lúc đó, Ngài mới không còn nghi ngờ Tự tánh, tức là không còn nghi ngờ Phật nữa. Tin Phật thật sự chẳng phải là điều dễ dàng như chúng ta lầm tưởng, chỉ có những người khai ngộ như Lục tổ mới có thể thật sự tin Phật. Hiện thời, chúng ta vẫn chưa khai ngộ nên lời nói tin Phật của chúng ta chỉ là nơi cửa miệng đầu môi, chẳng phải là lời nói thật thà phát ra từ Chân tâm Tự tánh. Vì sao biết vậy? Vì nếu chúng ta thật sự tin Phật thì đã có thể buông xả vạn duyên, dứt vọng, quy chân rồi, đâu còn mãi mê ôm ấp biết bao chuyện phiền muộn của thế gian. Chúng ta vẫn chưa chịu buông xuống, chứng tỏ là vẫn chưa tin Phật.
Kinh Vô Lượng Thọ lấy Tự tánh làm thể, dựa trên Chân như Tự tánh để nói. Nếu ai thường luôn siêng năng học tập, tư duy, quán chiếu lý luận của bộ kinh này sẽ sớm thấy được Giác Tánh Viên Thường của Tự tánh mà phát khởi niềm tin chân thật nơi Tự tánh. Kinh nêu rõ phương pháp tu hành là Tín, Nguyện, Hạnh. Trong ba món tư lương này, Hạnh là chấp trì danh hiệu Phật, bởi vì câu Phật hiệu có khả năng giúp chúng sanh hiển hiện bản thể của Đại Giác. Thế nhưng, nếu chúng ta chẳng hiểu ý nghĩa của câu A Di Đà Phật, thì dù mỗi ngày có niệm đến mấy ngàn câu Phật hiệu cũng không thể hiển lộ được bản thể của Đại Giác. Thậm chí, có người hằng ngày càng niệm Phật càng thêm mê hoặc điên đảo. Vì sao? Vì nếu tâm mình niệm niệm đều là mê nơi cảnh giới, chẳng hiểu ý nghĩa của câu niệm Phật chính là vô niệm, là vô sở trụ, thì nó liền trở thành bất giác. Tướng của mê là trong hết thảy cảnh giới bèn khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước! Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc vật gì, trong tâm bèn dấy lên một niệm, một niệm dấy lên ấy chính là một niệm mê. Khi chúng ta vừa khởi lên một niệm mê ấy, liền dùng câu “Nam mô A Di Đà Phật” để phá tan niệm mê đó, bèn tương ứng với giác tánh. “Nam mô” nghĩa là nương tựa, “A Di Đà Phật” nghĩa là Vô Lượng Giác, “Nam mô A Di Đà Phật” là nương tựa Vô Lượng Giác, tức là từ trong mê quay trở lại nương tựa Vô Lượng Giác nên điều gì cũng giác, điều gì cũng chẳng mê.
Thế nào là niệm Phật? Niệm Phật là niệm niệm nhắc nhở chính mình giác chứ đừng mê, tịnh chứ đừng nhiễm. Bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng giác chứ không mê, tịnh chứ không nhiễm chính là niệm Phật. Trong hết thảy cảnh giới, thứ gì cũng đều như như bất động, đều rõ ràng minh bạch, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, thì đó chính là niệm Phật. Vì thế, Đức Phật dạy chúng ta, trong những lúc rãnh rỗi, thân tâm vô sự, phải nên tập trung niệm câu Phật hiệu tiếp nối, không gián đoạn giữa chừng. Hoặc khi chúng ta đang bận rộn làm chuyện gì đó, không thể niệm câu Phật hiệu, thì phải tập trung toàn bộ tinh thần làm công việc ấy cho thật tốt đẹp, thì đó cũng chính là niệm Phật. Trong giác tánh vốn trọn đủ trí huệ và đức năng viên mãn, nếu người niệm Phật chẳng hiểu đạo lý này, coi câu Phật hiệu như là một câu ca tiếng hát, thì như chư cổ đức nói: “Hét bể cuống họng cũng uổng công.” Vì sao hét câu Phật hiệu đến bể cuống họng cũng uổng công? Bởi vì câu Phật hiệu mà mình hét ra đấy chẳng có liên quan gì với bản thể Đại Giác cả, nên chẳng thể đánh thức Tự tánh, chẳng thể khôi phục Đại Giác của chính mình. Niệm Phật là để hiển lộ giác thể, nên câu Phật hiệu mình niệm phải tương ứng với Tự tánh thì Tự tánh mới hiển lộ ra được. Phật dạy chúng ta niệm “Nam mô A Di Đà Phật” tức là bảo chúng ta nương vào Vô Lượng Giác, dựa trên tâm tánh của chính mình mà xưng danh hiệu Phật, chớ chẳng phải dựa trên cảm tình, mong muốn, rồi tác lên ý niệm. Chúng ta phải biết, bất cứ ý niệm nào khác với câu Phật hiệu, khác với vô niệm đều là niệm mê.
Niệm Phật là pháp tu quán chiếu Tự tánh vô cùng mầu nhiệm, hoàn toàn tương ứng với Chân như Bổn tánh, nên có khả năng khôi phục Tự tánh. Nói cho rõ ràng hơn, hành nhân niệm danh hiệu Phật dựa trên bản thể của Tự tánh, tức là từ trong Tự tánh giác của mình mà sanh khởi ra câu Phật hiệu, rồi lại từ câu Phật hiệu ấy quay trở về với Tự tánh giác, nên dễ dàng khôi phục Tự tánh. Nếu tâm của mình có quá nhiều vọng niệm, không thể thực hiện được pháp niệm Phật như vậy thì cũng có thể từ trong miệng niệm ra câu Phật hiệu, hoặc từ tai nghe câu Phật hiệu, rồi từ câu Phật hiệu ấy quay trở về với Tự tánh giác. Danh hiệu Phật phát sanh ra từ tâm tánh, lại quay trở vào tâm tánh, tiếp nối không ngừng, mỗi một câu Phật hiệu đều hiển thị Chân như Bổn tánh, đều là danh xưng của Tự tánh, thì một ngày nào đó Tự tánh thoát nhiên hiển lộ.
Chúng ta thường nằm mộng, nhưng chưa từng thấy có giấc mộng nào hoàn toàn giống giấc mộng nào cả. Điều này chỉ rõ tướng là giả nên thường xuyên biến đổi, nhưng cái tâm nằm mộng ấy chỉ là một, vĩnh viễn chẳng biến đổi. Cái chẳng biến đổi là tánh, cái biến đổi là tướng. Tánh và tướng chỉ là một, chẳng phải hai. Thí dụ, các đồ vật làm bằng vàng tuy có tướng dạng khác nhau, nhưng chẳng thể nói vàng không phải là các đồ vật đó, vàng và đổ vật vốn thật là một, chẳng hai. Cũng giống như vậy, những cảnh tượng trong mộng chính là hình dáng của tâm mình, ngay cả cảnh giới Tây Phương Cực Lạc hay Sa-bà cũng chính là hình dáng của tâm mình, tâm tịnh thì tịnh độ hiện ra, tâm bất tịnh thì uế độ hiện ra, nhưng cái tâm ấy vẫn chỉ là một. Cõi nước mình hiện đang ở là hình dáng của tâm mình, chánh báo như thế nào thì y báo sẽ hiện ra như thế đó, chẳng hề sai lệt. Bây giờ mình đang trông thấy có cái này xấu, có cái kia tốt, thì cái xấu cái tốt ấy do đâu hiện ra? Nó chính là từ ngay trong tâm mình hiện ra, nó là hình dáng của tâm mình, chớ chẳng từ một nơi nào khác. Khi chúng ta hiểu rõ đạo lý: Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là do từ cái tâm thanh tịnh của mình biến hiện ra nên nó cũng là Tự tánh. Thế giới Sa-bà là do từ cái tâm ô nhiễm của mình biến hiện ra nên nó cũng là Tự tánh. Bộ phận thanh tịnh trong tâm mình biến hiện ra thế giới thanh tịnh, bộ phận chẳng thanh tịnh trong tâm mình biến hiện ra thế giới chẳng thanh tịnh, tất cả cảnh giới chẳng rời khỏi Tự tâm. Vì tâm và pháp là một chẳng phải hai, tâm là bản thể của pháp và pháp là hiện tượng của tâm, nên các kinh luận thường nói: ”Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm.”
“A Di Đà Phật” có nghĩa là Vô Lượng Giác, tức là không có gì chẳng giác! Trong bản thể của Vô Lượng Giác hiện ra tánh đức Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ. Do Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ là tướng của tánh giác nên khi thấy tướng liền biết tánh. Bởi vì y báo như thế nào thì chánh báo là như thế đó, nên Đức Phật dùng hai danh xưng Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ để cho chúng sanh từ tướng danh ngôn mà hình dung tánh đức của Tự tánh. Nếu một phàm phu chưa chứng đạo mà rời danh ngôn Bát-nhã của Phật thì phải nương vào đâu để thấy tánh? Quang là quang minh, tượng trưng cho trí huệ, người tu hành có quang minh thì phải biết dùng trí tuệ để quán chiếu. Vậy, quán chiếu chính là quang, là trí tuệ chân thật, là nền tảng căn bản của pháp tu Kim Cang Bát-nhã.
Kim Cang Bát-nhã có ba tầng cấp công phu. Tầng công phu thứ nhất là quán chiếu, tức là tu huệ để dứt đoạn mê tình. Tầng công phu thứ hai là chiếu trụ, tức là tu định để được tâm thanh tịnh. Tầng công phu thứ ba là chiếu kiến, tức là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Người tu hành ở tầng thứ nhất và thứ hai đều có thể dùng tâm ý thức để quán chiếu, tỉnh lự, nhưng khi đạt đến tầng thứ ba thì phải chuyển thức thành trí mới có thế nhập vô vi Niết-bàn. Tâm Kinh nói: “Quán Tự tại Bồ-tát chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” có nghĩa là Bồ-tát do tu pháp Quán chiếu Bát-nhã nên mới được đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, thoát ra khỏi tam giới, chứng Đại Niết-bàn. Ở đây, chúng ta chỉ bàn luận về tầng thứ nhất Quán chiếu Bát-nhã của Kim Cang Bát-nhã, gọi tắt là quán chiếu, bởi vì đây là điều căn bản mà phàm phu chúng ta có thể thực hành nổi trong cuộc sống thường ngày khi tiếp xúc với người, với vật và với mọi hiện tượng. Pháp quán chiếu là quan trọng nhất vì nó có khả năng giúp chúng ta đoạn dứt mê tình. Chỉ khi nào mê tình mỏng dần thì công phu tu thiền hay niệm Phật mới được định (chiếu trụ). Chiếu kiến là kết quả của công phu quán chiếu và chiếu trụ.
Quán chiếu là dựa vào lý trí để quan sát. Mỗi khi chúng ta tiếp xúc với người, với vật và hiện tượng liền dấy lên cảm tình để phán xét sự việc, đó là mê. Do mê nên sức quán chiếu liền bị mất đi. Cảm tình là gì? Cảm tình là bảy thứ tình chấp, được gọi là thất tình. Thất tình bao gồm: mừng, giận, vui, buồn, yêu, ghét, ham, muốn. Trong nhà Phật, những thứ tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới thủ, tà kiến đều là tình chấp, đều là tướng của mê và phiền não. Chẳng hạn như khi mắt thấy hình sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương thơm, lưỡi nếm vị ngọt hoặc thân xúc chạm vật gì phù hợp ý thích của mình, liền khởi lên tâm tham muốn nắm giữ thì đó là mê. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần không hợp ý thích của mình bèn khởi lên tâm nóng giận, ghét bỏ, đó cũng là mê. Đối với Phật pháp cũng chẳng ngoại lệ, chúng ta cũng chẳng thể sanh lòng tham muốn nắm giữ Phật pháp. Khi tâm mình vừa khởi lên cảm tình, ý thích, tham muốn Phật pháp, liền mất đi tánh giác thì đó là mê chớ chẳng phải giác. Trong lý trí không có tham sân nên không bị mê, khi tâm tham sân nổi lên liền mê mất đi lý trí thì đó là si. Người có quán chiếu là người nhận biết rõ chính mình đang mê, tức là đang tham và sân những gì. Nói theo Tịnh độ, trong cảnh giới mê ấy, nếu chúng ta nhận ra cái tâm tham sân của mình đang khởi lên, liền dùng câu Phật hiệu để phá tan cái tâm tham sân ấy. Một câu A Di Đà Phật khởi lên làm cho mình thức tỉnh cơn mê, quay đầu trở lại, chuyển biến mê tình thành lý trí, thì đó chính là công phu quán chiếu sơ khởi của Kim Cang Bát-nhã được thực hành trong pháp môn Niệm Phật. Như vậy, niệm Phật với quán chiếu chính là pháp tu Kim Cang Bát-nhã.
Hỏi: Nếu nói câu Phật hiệu A Di Đà là Vô Lượng Giác, là pháp tu Quán chiếu Bát-nhã thì cớ sao lại có người càng niệm Phật càng mê?
Trả lời: Bởi vì trong câu niệm A Di Đà Phật ấy có chứa đựng mê tình, không có lý trí. Trong tâm của chúng ta xưa nay vốn chất chứa rất nhiều mê tình, nay lại đem cái mê tình ấy dán vào câu A Di Đà Phật để niệm, nên càng niệm càng tăng trưởng mê tình. Nếu chúng ta vứt bỏ mê tình, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, thì câu Phật hiệu ấy sẽ có tác dụng như cổ xe trắng lớn, chạy vù vù chở chúng ta thẳng tới Tây Phương Cực Lạc, không có nghiệp chướng, ma sự nào có thể ngừng được chiếc xe này. A Di Đà Phật là Tự tánh giác, niệm Phật là để lay tỉnh Tự tánh giác của chính mình chớ chẳng phải để tăng thêm mê tình. Khi chúng ta đang mê, tức là đang khởi thất tình (mừng, giận, vui, buồn, yêu, ghét, ham, muốn) thì cần phải dùng đến công phu quán chiếu niệm Phật để lay tỉnh Tánh giác mà buông xuống thất tình, chớ chẳng phải đem thất tình dán vào câu Phật hiệu để niệm.
Vọng nghiệp của chúng ta rất sâu và rất phức tạp, có thô có vi tế. Dù chúng ta có sức quán chiếu nhận ra mê tình thô (tức thất tình) đi nữa, nhưng vẫn chưa thể thấy được mê tình vi tế. Cho nên, tuy nói niệm Phật giúp chúng ta buông xuống thất tình là giác, nhưng thật ra vẫn là bất giác. Vì thế, Phật bảo chúng ta phải thường luôn niệm Phật không gián đoạn để cho mê tình thô lẫn vi tế không còn dẫy khởi nữa. Chúng ta phải biết, ngay cả ý niệm cảm thấy mình thanh tịnh cũng là vọng niệm; cho nên, ngay cả những lúc mình đang khởi tâm động niệm hay đang có cảm giác thanh tịnh, đều phải tiếp tục niệm Phật không gián đoạn để hóa giải tất cả những ý niệm từ thô cho đến vi tế. Do niệm Phật với sức quán chiếu Bát-nhã như thế mới có công phu chiếu trụ đắc lực, giữ gìn được tâm mình luôn thanh tịnh, trí huệ luôn tăng trưởng. Hơn nữa, nhờ vào công phu quán chiếu Bát-nhã nên người niệm Phật mới chẳng mê tín, xứng hợp với ý nghĩa Vô Lượng Quang.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.52.105 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập