Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Gặp quyển sách hay nên mua ngay, dù đọc được hay không, vì sớm muộn gì ta cũng sẽ cần đến nó.Winston Churchill
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Người Xuất Gia Đứng Trước Vương Quyền »»
Bà La Môn Giáo là một Đạo giáo có xuất xứ từ Ấn Độ và Đạo này đã tồn tại ở đó cho đến ngày nay cũng đã trên dưới 5.000 năm lịch sử. Họ phân chia giai cấp để trị vì thiên hạ, mà giai cấp đầu tiên là giai cấp Bà La Môn gồm các Giáo Sĩ; rồi đến Sát Đế Lợi gồm những Vua, Chúa quý Tộc; kế tiếp là Phệ Xá gồm những thương nhơn; Thủ Đà La là hạng nô tỳ và cuối cùng là hạng cùng đinh. Những người có quyền bính trong tay như Bà La Môn hay Giáo Sĩ, họ dựa theo Thánh Kinh Vệ Đà để hành xử trong cuộc sống hằng ngày. Nghĩa là từ khi sinh ra cho đến khi lớn khôn, học hành, thi cử, ra làm việc nước và giai đoạn sau đó là thời kỳ họ lánh tục ở độ tuổi từ 40 trở lên và họ trở thành những vị Sa Môn sống không gia đình, chuyên tu khổ hạnh để tìm ra chân lý.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện tại Ấn Độ cách đây 2.643 năm về trước. Ngài sinh ra nơi chốn Vương quyền, cũng có gia đình, sau đó mới xuất gia và suốt nhiều năm tu luyện đã trở thành bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài chủ trương rằng: Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh và ai tu thì cũng có thể chứng được quả vị giải thoát này, bất kể là nam hay nữ, người giàu hay kẻ nghèo, kẻ làm tôi tớ hay người hạ tiện bình dân. Giáo lý của Đức Phật lấy Tứ Diệu Đế làm căn bản và Từ Bi cũng như Trí Tuệ là hai phương pháp đi vào đời để cứu khổ độ mê, không phân biệt loài người hay muôn vạn sinh linh trên thế gian này. Người tu theo Phật cũng có kẻ tại gia và người xuất gia. Sau khi xuất gia, đôi khi bên Đạo Phật cũng gọi là Sa Môn, nhưng phải gọi là Sa Môn Thích Tử để phân biệt với Sa Môn của Bà La Môn hay Sa Môn của ngoại đạo. Chữ Sa Môn có nghĩa là bậc ly dục, rời khỏi những cám dỗ của thế gian, sống đời độc cư nhàn cảnh. Tuy nhiên theo cố Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm, người Đài Loan thì Ngài khuyên chúng ta, những người xuất gia theo Phật Giáo nên dùng chữ Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni như luật Phật chế thì hay hơn là dùng chữ Sa Môn.
Cũng từ chữ Sa Môn này mà trong Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) chúng ta thấy phần thứ 2, có Kinh Sa Môn quả (Sàmannaphala Sutta) do cố Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh dịch ra Việt ngữ rất rõ ràng, minh bạch. Kinh này có 102 đoạn do chính Đức Phật đối đáp với Vua A Xà Thế (Ajàtasatta) con của Hoàng hậu Videhi, là vua của nước Ma Kiệt Đà (Magadha). Trong Kinh này từ đoạn thứ nhất cho đến đoạn thứ 34, Vua A Xà Thế đã hỏi kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn với những vị Bà La Môn có thế lực đương thời, và cuối cùng thì nhà Vua không công nhận cũng không bác bỏ những lời của các vị Bà La Môn này đã giải thích, mà Ông từ chỗ ngồi đứng dậy và lui về. Đến đoạn thứ 34 nhà vua hỏi Đức Phật rằng: Vậy nên bạch Thế Tôn, con cũng hỏi Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, cũng như các công nghệ chức nghiệp như: Điều tượng sư, điều mã sư, xa thuật sư, cung thuật sư, quân kỳ binh, nguyên soái, chiến sĩ, thượng sĩ quan, thám tử, dũng sĩ can đảm như voi chúa, anh hùng, trang giáp binh, nô lệ xuất thân, hỏa đầu quân, thợ hớt tóc, người hầu tắm, thợ làm bánh, nhà vòng hoa, thợ giặt, thợ dệt, nhà làm thúng rổ, thợ đồ gốm, nhà toán số, nhà ấn bản và các công nghệ chức nghiệp khác. Chúng hưởng được kết quả thiết thực hiện tại công nghệ chức nghiệp của chúng. Chúng giúp cho tự thân được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho cha mẹ được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho bạn bè được sống an lạc hạnh phúc. Chúng dâng các vật cúng dường cho Sa Môn, Bà La Môn, sự cúng dường này có ảnh hưởng đến đời sau, liên hệ đến thiên giới, họ hưởng phước báo an lạc, thác sanh lên cõi Trời. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn chăng?
- Đại Vương, có thể được. Này Đại Vương, ta sẽ hỏi Đại Vương về vấn đề này. Đại Vương hãy trả lời tùy theo ý muốn của Đại Vương.
Đại Vương nghĩ sao? Nếu Đại Vương có một người nô bộc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của Đại Vương). Người ấy nghĩ: “Thật hy hữu thay! Thật kỳ diệu thay! Quả vị thác sanh của các công đức, quả dị thục của các công đức. Đức vua Ajàtasatta, con của bà Videhi của nước Magadha, là người, tôi đây là người. Vị vua Ajàtasatta con bà Videhi, của nước Magadha, sống tận hưởng đầy đủ năm món dục lạc, tôi nghĩ không khác gì vị thiên thần, còn tôi là người nô bộc, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của Vua). Vậy ta hãy làm các công đức như Vua kia, ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình xuất gia tu đạo“. Và người nô lệ ấy, một thời khác, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, sống chế ngự lời nói, sống chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống an tịnh. Nếu những người của Đại Vương đến tâu với Đại Vương. “Đại Vương có biết chăng? Có người nô bộc của Đại Vương, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của Đại Vương). Tâu Đại Vương, người ấy đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống trong an tịnh“. Này Đại Vương, Đại Vương có nói như sau chăng: “Người ấy hãy lại với ta, hãy làm lại người nô bộc, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái chú ý từng nét mặt“?
Đoạn thứ 36- nhà Vua trả lời: Bạch Thế Tôn, không như vậy. Trái lại chúng con kính lễ người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc men trị bệnh và chúng con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở người ấy đúng theo luật pháp.
- Này Đại Vương, Đại Vương nghĩ thế nào? Nếu quả như vậy, thì đó có phải chăng là kết quả thiết thực hiện tại hạnh Sa Môn?
- Bạch Thế Tôn, như vậy chính là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa Môn.
- Này Đại Vương. Đó là kết quả thiết thực hiện tại thứ nhất của hạnh Sa Môn mà ta đã trình bày.
Hai đoạn đối đáp trên đây giữa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Vua A Xà Thế đang trị vì xứ Ma Kiệt Đà lúc bấy giờ, là một bằng chứng thiết thực nhất và có giá trị lâu dài trên 2.500 năm lịch sử rồi. Đọc đoạn đối đáp trên chúng ta có thể nghĩ rằng: Đạo Phật là Đạo không có giai cấp, miễn là ai tu theo chánh đạo, thì người ấy có thể thành đạo quả, dầu cho là kẻ ăn người ở đi nữa. Trái lại, khi đã thành tựu hạnh của một vị Sa Môn rồi thì ngay cả vua chúa cũng kính lễ người ấy, dùng mọi phương tiện đang có để cúng dường và bảo vệ người xuất gia kia đúng theo pháp luật của nhà Vua.
Từ đoạn kinh văn thứ 37 đến đoạn thứ 98 , Đức Phật đã nói về những phương pháp tu tập của các bậc Giác Ngộ, trên từ các bậc Chánh Biến Tri, dưới cho đến Trời, Người, nếu gìn giữ giới luật, môi trường sống, không hại lòng từ bi cũng như đối với việc quan quyền, chính trị v.v... không tranh chấp hơn thua, không xem bói toán ma thuật, không bàn luận về chuyện nhật thực, nguyệt thực, không chuyên làm mai mối, cưới gả, không làm Thầy thuốc chữa bệnh, mà sống đúng oai nghi, gìn giữ giới luật với ba y và một bình bát. Người ấy như đã trả được nợ cũ, hết bệnh, khỏi tù tội, khỏi làm nô lệ, thoát khỏi những hiểm nguy rình rập và đi sâu vào Thiền định để xa lìa tầm và tứ, bên trong tĩnh lặng, sống rõ biết vô thường, có thể hóa hiện các phép thần thông và chứng được cả túc mạng minh, ngay cả lậu tận trí. Cuối cùng vị ấy có thể dõng dạc tuyên bố rằng: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa. Đây chính là sự chứng quả của một bậc A La Hán.
Đoạn thứ 99 thì Vua A Xà Thế đã xin quy y Tam Bảo, gồm Phật, Pháp và Tăng. Vua đã sám hối tội lỗi vì đã giam cha (Vua Tần Bà Sa La) vào ngục thất. Chính nhà vua đã thấy được tội ấy, nên việc thú tội kia đúng với chánh pháp và Đức Phật đã ghi nhận tội ấy của Đại Vương. Đoạn thứ 100, 101 và 102 Đức Phật đã nói lời kết và khuyên dạy các vị Tỳ Kheo hiện diện cũng như vua A Xà Thế đã chứng được pháp nhãn thanh tịnh, không trần cấu, không ô uế.
Kinh Phật Bản Hạnh trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Đức Phật có thuật lại câu chuyện của Vua Ba Tư Nặc và Vô Não như sau:
Một hôm Vua Ba Tư Nặc cùng đoàn tùy tùng gồm cả gươm đao, giáo mác với vó ngựa chinh nhân, áo y phủ đầy bụi bặm và nhà vua đã đến trước Đức Thế Tôn. Đức Phật từ tốn hỏi:
- Bệ Hạ đi đâu mà xem ra vội vàng cùng đoàn tùy tùng như vậy?
- Bạch Đức Thế Tôn! Thế Ngài không hay biết gì hay sao? Trong nước chúng ta có một tên sát nhân vĩ đại, đã giết hết cả 999 người và nay chúng con đang truy nã người ấy.
- Đức Phật từ tốn hỏi lại nhà vua rằng:
- Nếu người ấy nay đã hối cải ăn năn và trở thành một vị Sa Môn tuân thủ giới luật thì nhà Vua nghĩ sao?
- Nếu được như vậy thì Trẩm sẽ cung kính lễ bái, cúng dường cũng như cung cấp, bảo hộ.
Đức Phật liền cho thị giả dẫn vua và đoàn tùy tùng đến dưới gốc cây, nơi Vô Não đang tĩnh tọa và hào quang chiếu sáng khắp chung quanh, Vua chẳng nói gì, cuối đầu đảnh lễ và trở về lại vị trí nơi Đức Phật tĩnh tọa và thưa rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn! Vị Tỳ Kheo nào mà hào quang sáng chói đang tọa thiền ở dưới gốc cây đàng kia?
- Đức Phật từ tốn trả lời rằng:
- Đó chính là người Đại Vương muốn tìm.
Vua Ba Tư Nặc và cả Đoàn tùy tùng lại một lần nữa đến trước vị Tỳ Kheo Vô Não để đảnh lễ và sám hối.
Cách đó chừng 300 năm sau, cũng tại xứ Ấn Độ này, có một Ông vua khi chưa thâm hiểu Phật Pháp thì người dân gọi là bạo chúa Asoka, nhưng sau khi nhà Vua đã hiểu Phật Pháp cũng như quy y Tam Bảo rồi thì Ông được gọi là Asoka Pháp. Có nghĩa là Ông Vua luôn luôn lấy Phật Pháp để hành trì và bảo hộ muôn dân. Nhiều khi nhà vua cung kính chư Tăng quá độ, nên đi đâu hay gặp bất cứ vị Tăng sĩ nào cũng đảnh lễ, nên nhiều vị Đại thần không bằng lòng, trong đó có Da xá. Da Xá bảo rằng: Vua là trên hết, tại sao lúc nào Bệ Hạ cũng đảnh lễ Tăng Ni? Đức Vua không trả lời và một hôm Vua ra lệnh như thế này:
Ngày mai tất cả các khanh trong triều đình hãy mang vào cho Trẫm một cái đầu con vật như: Đầu heo, đầu bò, đầu gà, đầu cá v.v… riêng Da Xá thì hãy mang đến cho Trẫm một cái đầu người. Ai nghe cũng lạnh cả tứ chi, nhưng nếu không làm theo mệnh lệnh của Vua thì khó mà toàn mạng.
Ngày mai ấy đã đến và mọi người đều mang những đầu con vật vào cung Vua, đoạn Vua ra lệnh rằng: Tất cả các Khanh hãy mang tất cả những cái đầu đang có được ra ngoài chợ bán cho ta. Các quan vâng lệnh và cuối cùng thì ai cũng đã bán xong và trở về cung bằng tay không. Riêng Da Xá cái đầu kia đem bán đã không có ai mua, mà còn bị khinh tởm nữa. Đức Vua không dừng lại ở đó, mà ngày thứ hai và thứ ba vẫn lệnh cho Da Xá đem cái đầu người ấy ra chợ bán. Ác nghiệt thay! Đầu người càng để lâu càng hôi thối, chẳng ai dám lại gần, nên lại phải mang về cung vua và xin chịu tội.
Đức Vua A Dục phán rằng:
Người hãy xem: Cái đầu người khi còn sống thì còn được trọng vọng, nhưng khi chết đi rồi thì còn thua cả đầu của súc vật nữa, đem cho cũng chẳng ai thèm chứ đừng nói chuyện bán. Còn ở đây ta kính lễ các vị xuất gia sống đời tịnh hạnh, đem cái đầu này của Trẫm đảnh lễ chư Tăng Ni còn có thêm phước đức nữa. Vậy kể từ nay các khanh không được ngăn cản ta thực hiện việc này. Da Xá và mọi người sám hối lỗi lầm của mình và Đức Vua A Dục từ đó về sau chuyên làm những việc thiện lương mà sử sách đã ghi lại rất nhiều, bằng chứng là những cây trụ đá của Vua A Dục ngày nay vẫn còn sừng sững trên khắp miền đất nước của Ấn Độ, và câu chuyện này được ghi lại trong quyển ”Truyển cổ Phật Giáo” như đã kể ở trên. Chúng ta hãy lấy ba bài học bên trên về việc Vua Chúa Đảnh Lễ Chư Tăng để chiêm nghiệm và đó là điều đã có thật trong lịch sử.
Đạo Phật được truyền đến Trung Hoa chính thức vào đời Hán Minh Đế, khoảng đầu thế kỷ thứ nhất dương lịch. Lúc bấy giờ Nho Học và Lão Trang đã thịnh hành ở đây cũng trên mấy ngàn năm, không thua kém văn hóa của Ấn Độ là mấy, nhưng Nho Gia thì xem Vua như Thiên Tử và quần thần trăm họ phải quỳ lạy, bái phục, tung hô vạn tuế v.v.. Lúc ban đầu chư Tăng Ấn Độ đến Kinh Đô Lạc Dương như Ngài Ma Đằng và Ngài Trúc Pháp Lan ở chùa Bạch Mã để dịch Kinh Tứ Thập Nhị Chương, chắc cũng không khỏi bỡ ngỡ với văn hóa của người đương thời. Mãi đến thời Đông Tấn (316-420) vào năm 340 có quan Phụ chánh Dũ Băng, đã thay mặt Thánh Đế hạ chiếu chỉ ra lệnh cho các Sa Môn phải chí kính đối với Vương giả, song gặp phải sự phản đối kịch liệt của Thượng thư Lệnh Hà Sung và các Đại Thần khác, nên việc này đình chỉ lại. Đến Triều Vua An Đế, Hoàn Huyền tự phong Thái Úy, chuyên đoán triều chính, hạ lệnh sa thải những phần tử xấu trong hàng ngũ Tăng Ni, tức là việc thanh lọc Tăng Ni. Liền ngay sau đó buộc những người xuất gia phải kính bái vua chúa như tất cả mọi người dân khác trong nước. Thư ấy gửi cho 8 cơ quan của triều đình và cả Ngài Huệ Viễn ở Lô Sơn nữa. Hoàn Huyền khơi lại sự cố Dũ Băng ngày xưa, cho rằng Dũ Băng có lý, nhưng chưa luận được hết lẽ, thế nên Hoàn Huyền mới lập luận lại cho có lý như sau:
“Phàm sự hóa đạo của Phật, tuy bao la đến mênh mông, mở rộng ra đến ngoài vòng thấy nghe, song lấy việc Kính làm gốc, nơi đây có khác gì. Có khác chẳng qua nơi mục đích, chứ nào phải Cung Kính chẳng cần mà phải bỏ đi! Lão Tử sắp Vương hầu đồng với ba loại (tức Đất, Trời và Đạo) mà kính trọng (Vương Hầu) như thế đều do nơi (Vương Hầu) ban cho sự sống, khai thông mệnh vận (cho toàn dân), chứ đâu phải vì Thánh nhân (tức các Vương Hầu) ở trên địa vị ấy mà được so ngang cùng hai Nghi (tức Đất và Trời) đâu!. Chính vì đức lớn của Trời Đất là sinh, mà làm thông lẽ sinh ấy, sắp xếp vạn vật đâu vào đó (mọi việc này) đều do nơi quân vương. (Kính là) tôn kính cái thần khí của Vua, và (lễ là) lễ cái chỗ thực sự to lớn ấy, chứ nào phải chỉ là tôn trọng qua lại, cho có nghĩa với quân vương mà thôi đâu! Sa Môn sở dĩ cứ thế mà sống còn, thì cũng do mỗi ngày thọ dụng lấy sự sắp xếp đâu đó mệnh vận của mình (nơi quân vương). Thì có lẽ đâu đã thọ ân đức của người mà lại bỏ qua chẳng màng lễ người, đã hưởng ân huệ của người mà lại gạt đi, chẳng biết kính người được sao! Như thế, với lý đã không sao chấp nhận được rồi, mà với tình cũng chẳng cách nào thông nổi” (dựa theo phần dịch của TT Thích Nhất Chân trong bài: Người xuất gia đối trước Vương quyền).
Sau đó Ngài Huệ Viễn (334-416 ) đã viết: Sa Môn Bất Kính Vương Giả (gọi tắt là Sa Môn Luận) không chấp nhận việc Sa Môn phải kính lễ Vua Chúa. Trong đó có đoạn như sau để trả lời cho Hoàn Huyền:
“ Những gì trong Kinh Phật nói, thường phân làm hai khoa: Một là ở trong thế tục mà hoằng giáo, hai là xuất gia tu đạo. Ở trong thế tục thì cái lễ với bề trên, cái kính với tôn thân, cái nghĩa của trung hiếu, Kinh văn đều có nói đến; ba giáo huấn ấy Thánh Điển dạy rất rõ. Sự giáo huấn ấy đồng với luật chế của Vua, là điều phải làm, dường như hoàn toàn khế hợp với nhau. Về phương diện này hoàn toàn nói cho các Đàn Việt (các Phật tử tại gia), lý lẽ không hề có gì khác (với mọi người khác là phải kính lễ Vua). Song còn người xuất gia vốn như người khách bên ngoài thế gian này, hành tích không dính bám vào bất cứ gì. Giáo Pháp mà họ tuân theo là thấu rõ bao tai họa lụy phiền cũng do nơi có thân, thế nên chẳng cầu giữ thân này là nhằm để dứt diệt họa hoạn; biết rành đời đời phải sinh, sinh là do nơi thuận theo lẽ biến hóa (của đất trời), thế nên không thuận theo lẽ hóa ấy là cốt để cầu được tông yếu. Cầu tông như thế không thể do thuận hóa mà có được. Thế nên (người xuất gia) không coi trọng sự ban ân cho được sống hanh thông khoái lạc, diệt các họa hoạn không do nơi bám giữ thân này mà thành được. Thế nên (người xuất gia) chẳng quý các lợi lạc được sống ấm no đầy đủ. Lý này hoàn toàn ngược lại với thế tục. Đạo và thế tục phản ngược với nhau là vậy!” (tiếp tục trích như bên trên).
Đến năm 403 Hoàn Huyền soán ngôi xưng đế và đã đặc biệt hạ chiếu chỉ chấp thuận chính thức cho Sa Môn không cần phải lễ kính Vương giả. Từ đó về sau hầu như các triều đại khác như: Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều căn cứ vào luận ”Sa Môn Bất Kính Vương Giả” của Ngài Huệ Viễn để đối đãi với Tăng đồ của Trung Quốc, nhưng điều thiết yếu ở đây phải minh định rằng: Phật Giáo tại Trung Hoa sở dĩ được phát triển qua mấy ngàn năm lịch sử là nhờ tư tưởng Huyền Học của Lão Trang về Vô Vi. Tinh thần này tương ứng với lý Bát Nhã về Tánh Không của Phật Giáo, nên mặc dầu Đạo Phật Trung Hoa nằm trong xã hội Khổng Giáo được ưu tiên, nhưng nếu không có Lão Trang thì Phật Giáo cũng khó mà phát triển trên quê hương có hơn 5.000 năm văn hiến này.
Từ Ấn Độ, qua Trung Hoa rồi sang đến Việt Nam của chúng ta trải qua nhiều thời gian và không gian, nên cũng có nhiều biến đổi không ít. Sự thay hình đổi dạng ấy là nhờ Phật Giáo biết kết hợp với văn hóa, phong tục tập quán của nước nhà, nên chúng ta mới có 400 năm lịch sử oai hùng của Triều Lý (1010-1224) và Triều Trần(1225-1400), để ngày nay nhìn lại khoảng thời gian này mà những ai là Phật tử phải vô cùng hãnh diện. Vì Vua thương dân như con đẻ (Trần Thánh Tông) hay bỏ ngôi báu để đi xuất gia như: Lý Huệ Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ v.v…
Đến đời Nhà Hậu Lê (1428-1789 ) rồi Nhà Mạc và Trịnh Nguyễn phân tranh ( 1774-1775) các Vua Chúa cũng còn có tâm với Tam Bảo. Đặc biệt là Chúa Nguyễn Phúc Chu ( 1675-1725 ) đã thọ Bồ Tát Giới với Ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán tại Giới đàn ở Phú Xuân và được ban Pháp Danh là Hưng Long. Thông thường trong những triều đại ở Việt Nam mà Phật Giáo nắm giữ vai trò cố vấn cho Vua hay Chúa thì chư Tăng hay khuyên Vua hay Chúa thọ Bồ Tát Giới tại gia trước khi đăng quang lên ngôi Thiên Chủ hay được phong vương. Điều này rõ ràng là các vị Vua sẽ làm lợi lạc cho nhân dân, trong đó kể cả chư Tăng Ni đang hành đạo trong nước Đại Việt của chúng ta. Nếu người xuất gia có làm một điều gì thì họ luôn hướng về Từ Bi và Trí Tuệ qua việc phát Bồ Đề Tâm để hành Bồ Tát Hạnh. Nếu không là như vậy, không phải là tinh thần của Phật Giáo Đại Thừa.
Vào ngày 4 tháng 5 năm 2019 vừa qua tại Thái Lan, Vua Rama Đệ Thập lên ngôi Hoàng Đế cũng đã để lại một sự kiện có liên quan đến Phật Giáo và nhất là việc làm lễ Quán Đảnh cũng như cúng dường chư Tăng trong cung điện Hoàng Gia Thái Lan, là một điều đặc biệt nên đề cập đến để đời sau có người tìm lại sử liệu ngày xưa, có được nhân duyên để nghiên cứu về một đất nước có truyền thống theo Phật Giáo Nam Tông, nhưng cũng đã có sự hiện hữu của Bà La Môn Giáo trong Đại Lễ này. Lễ Thánh tẩy thân tâm hay lễ Quán Đảnh phát nguồn từ Ấn Độ và sau đó là Phật Giáo. Có lẽ Thái Lan nằm gần Ấn Độ, nên cũng không phải là không ảnh hưởng ít nhiều tục lệ này khi Vua Chúa lên ngôi. Vì người Ấn Độ theo Tôn Giáo Bà La Môn luôn dùng nước sông Hằng để gội rửa thân dơ và họ quan niệm rằng sông Hằng là con sông thiêng, nếu ai tắm gội được trong dòng sông này thì mọi tội lỗi đều xả bỏ, dứt sạch.
Trong lễ Đăng quang của Vua Rama Đệ Thập, đầu tiên là một vị Giáo Sĩ của Bà La Môn quỳ xuống trước Vua dâng lên bình nước sạch được múc từ nhiều con sông trong nước Thái Lan, đoạn nhà Vua lấy hai tay hứng nước và xoa lên đầu mình. Kế tiếp một trong nhiều vị Sư Trưởng Lão mang một bình nước xối lên sau lưng của Đức Vua, sau đó vị Trưởng Lão này đi đến trước mặt Vua (không quỳ) đưa bình nước lên và nhà Vua đưa hai tay ra để đỡ lấy nước được rót ra từ bình của vị Trưởng Lão nọ. Kế đến là Hoàng Tộc cả nam lẫn nữ, đặc biệt chỉ có những người lớn tuổi mới được vinh dự này. Nhà Vua mặc đồ màu trắng, giống như hình thức của một Cư Sĩ tại gia. Sau khi làm lễ Thánh tẩy rồi Vua và Hoàng hậu được di chuyển về chùa Phật Ngọc để dự lễ đăng quang. Trong lễ đăng quang này, có 80 vị Sư được xếp ngồi bên trái từ ngoài hướng vào và Hoàng tộc cũng như những người quan trọng được mời, ngồi chứng kiến ở gian giữa. Khi nhà Vua bước lên Điện Phật để lễ bái cầu nguyện thì tất cả Hoàng tộc và các vị Đại thần đều phải đứng lên nghinh tiếp Vua, trong khi đó chư Tăng vẫn ngồi. Điều này chứng tỏ rằng Vương quyền vẫn nằm dưới ánh sáng của Phật Pháp, chư Tăng nắm giữ vị trí làm Thầy như Ngài Huệ Viễn bên Trung Hoa thuộc Phật Giáo Đại Thừa đã tuyên bố rằng: ”Người xuất gia vốn như khách bên ngoài thế gian này….” Rõ ràng là như vậy. Người xuất gia không bận bịu với thê triền tử phược, không bị trói buộc bởi thế quyền, muốn đi đâu thì đi, muốn ở đâu thì ở, luôn sống với một cuộc đời “độc cư nhàn cảnh” là vậy.
Khi Vua và Hoàng Hậu ngồi đối diện với cận thần và Hoàng tộc, thì một vị Trưởng Lão tiến ra phía trước đốt đèn để cầu nguyện và sau khi chư Tăng hiện diện tụng xong bài Kinh bằng tiếng Pali ngắn gọn, thì cây đèn cầy ấy được tắt và vị Trưởng Lão kia trở về lại vị trí cũ để ngồi. Những người hầu cận lần lượt mang lễ vật cúng dường lên chư Tăng, nhà Vua đích thân rời ngai vàng đi xuống cúng dường cho 8 vị Trưởng Lão đại biểu, trong khi các Ngài vẫn ngồi để nhận lễ vật và sau đó những vị còn lại tiến đến trước Vua để Vua cúng dường lên chư Tăng.
Ngày hôm sau, 5 tháng 5 năm 2019 nhà Vua được Thủ tướng và các vị cận thần cũng như Công Chúa đương triều đứng chờ phía trước một đồ hình gồm tám góc, giống như Bát Chánh Đạo và từ đây những bảo vật của Hoàng Gia tượng trưng cho uy quyền của một bậc quân vương được các cận thần dâng lên như: Vương miện, kiếm, quạt, đôi hia nạm ngọc v.v… Giờ này Rama Đệ Thập mới chính thức là một nhà Vua thực sự và đã được những thanh niên lực lưỡng thay nhau khiêng kiệu đi bộ đến ba ngôi chùa trong Hoàng Thành, để nhà Vua lễ bái nguyện cầu trong vòng 7 cây số. Tại những ngôi chùa này Vua Rama Đệ Thập của Thái Lan chính thức tuyên bố với thần dân là: Trẩm dùng uy quyền để trị nước theo chính nghĩa, cũng như bảo hộ Phật Giáo và thần dân của Trẩm”. Tuy bên Nam truyền không quảng bá tinh thần Lục Độ Vạn Hạnh như Bắc truyền gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ, nhưng bên Nam truyền cũng đã áp dụng ba trong sáu điều này. Đó là: Bố thí, Trì giới và Thiền định. Đây là ba điều căn bản của Phật Giáo Nam truyền. Ngày nay khi Phật Giáo Nam truyền được truyền sang Âu Mỹ, nhưng ở đây có phần đảo ngược lại là: Thiền Định đi đầu, sau đó mới đến Trì giới và Bố thí.
Nhìn chung một lễ đăng quang như vậy của thế kỷ thứ 21 này đã gợi lại cho chúng ta thấy được ảnh hưởng của Đạo Phật thật là không nhỏ với dân chúng Thái Lan. Họ ở cách nước Việt Nam của chúng ta chẳng bao xa, nhưng tinh thần đạo đức của họ vẫn còn giữ lại hầu như nguyên vẹn, và Phật Giáo chính là một chất liệu dưỡng sinh cho hơn 70 triệu người dân Thái, dưới sự trị vì của Đức Vua Rama Đệ Thập này. Chúng ta cũng nên góp lời cầu nguyện cho đất nước ấy luôn mãi bình yên để Phật Giáo được phát triển và từ đó dân chúng sẽ được sống thái bình, như trong hai lần đệ nhất (1914-1918) và đệ nhị (1939-1945) thế chiến vừa qua, trong khi Á Âu đều bị đổ nát qua nhiều lằn ranh lửa đạn của chiến tranh và hận thù, nhưng Thái Lan vẫn an bình, không bị chiến tranh chi phối và vì thế người dân Thái không bị kéo vào quỹ đạo của hận thù, cấu xé lẫn nhau. Nhìn người lại nghĩ đến ta mà có cái gì đó thẹn lòng khó nói. Nguyên là sau khi người Cộng sản xâm chiếm miền Nam Việt Nam vào năm 1975, sau đó họ đã lập ra một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam gồm đa phần những người thân cận với họ để cố tình dẹp bỏ một Giáo Hội truyền thống do dân lập từ năm 1964. Đó là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ngày nay tại trụ sở Quốc Hội có rất nhiều chư Tăng và chư Ni làm Đại Biểu. Như vậy Phật Giáo Việt Nam trong hiện tại đã làm sai lời Phật dạy rồi. Nghĩa là người xuất gia phải đứng trên thế quyền; chứ không được đứng trong thế quyền để hành hoạt như là một Dân Biểu làm đại diện cho dân. Nhìn Quốc Hội Thái Lan đâu có vị Sư nào có chức danh Dân Biểu, Nghị Sĩ nhưng họ vẫn được Vua Chúa và Hoàng Tộc bảo hộ. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng: Những vị Tăng Sĩ Việt Nam đang có mặt trong Quốc Hội hay bất cứ trong cơ quan nào của nhà nước, của chính phủ thì hãy nên trở lại chùa, thực hiện nhiệm vụ của người tu hành. Đó là mõ sớm chuông chiều, công phu kinh kệ, thiền định trau giồi nội tâm, giới đức chứ không nên bước vào chốn hồng trần như vậy. Có như thế thì Phật Giáo mới xứng đáng là một Tôn Giáo lãnh đạo tinh thần cho cả nước, bèn ngược lại Phật Giáo chỉ là một con thoi, một đòn bẩy để người Cộng sản Việt Nam xử dụng, thì trước sau gì Phật Giáo Việt Nam của chúng ta cũng sẽ bị thế tục hóa, Tăng Sĩ chỉ là những người thừa sự của chính quyền đương thời và không còn giữ đúng vị trí của mình là một chúng Trung Tôn đứng giữa cuộc đời mà không bị đời chi phối nữa.
Ngày 1 tháng 5 năm 2019 vừa qua tại Nhật Bản, Vua Reiwa (Lệnh Hòa) đã lên kế vị ngai vàng của Vua cha là Heisei (Bình Thành). Ông này là con của Vua Showa (Chiêu Hòa) và Vua Showa là con của Vua Taisho (Đại Chánh). Vua Đại Chánh là con của Vua Meiji (Minh Trị). Từ năm 1868 đến nay gần 200 năm lịch sử qua 5 đời Vua như thế, nước Nhật đã trở thành một trong những cường quốc của thế giới, đều nhờ vào cách cai trị sáng suốt của năm Ông Vua này. Mặc dầu sau Đệ nhị thế chiến (1945) hay nói đúng hơn là sau khi người Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 1945 thì Thiên Hoàng Showa đầu hàng vô điều kiện, nước Nhật sau đó đã trở thành nước quân chủ lập hiến, nghĩa là Vua vẫn còn đó, nhưng Quốc Hội mới là những cơ quan quyết định mọi vấn đề của dân, còn Vua chỉ có tính cách tượng trưng cho nền quân chủ mà thôi. Tuy Nhật Bản đa phần người dân theo Phật Giáo, nhưng Vua Chúa thì theo Thần Đạo. Đạo ấy là Đạo của Thiên Tử, nó cũng giống như Anh Giáo của nữ Hoàng Anh trong hiện tại vậy. Tuy họ không có thực quyền, nhưng ảnh hưởng tinh thần của những Ông Vua Nhật Bản, Thái Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ hay nữ Hoàng Hòa Lan, Anh Quốc v.v… dân chúng vẫn luôn ngưỡng mộ, và khi nào quốc gia lâm nguy, sơn hà xã tắc động loạn là luôn có sự hiện diện của họ để làm vai trò trung gian giải quyết những mâu thuẫn nội tại, nhằm làm an lòng quốc dân trăm họ. Tất cả đều là nhờ vào Đạo cả.
Cách đây chừng hơn 10 năm (2008) vua Wangchuck của Bhutan thoái vị, truyền ngôi lại cho Thái Tử và sau đó đám cưới của Thái Tử cũng được thực hành theo nghi lễ Phật Giáo thuộc Kim Cang Thừa. Lễ đăng quang của nhà Vua trẻ này cũng vậy. Tất cả đều có sự hiện diện của chư Tăng, vì thế nên nước Bhutan được mệnh danh là một nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất trên thế giới, mặc dầu họ không giàu có tiền bạc như các nước Âu Mỹ, nhưng họ giàu về việc tôn trọng môi sinh, môi trường sống của người dân không bị nhiễm ô như nhiều nơi trên thế giới ngày nay. Tất cả đều được ảnh hưởng bởi tinh thần đạo đức của Phật Giáo. Thế giới phải ngưỡng mộ và bái phục đất nước này. Phật Giáo tại đây đóng một vai trò rất quan trọng trong quần chúng, giống hệt như Phật Giáo Tây Tạng và hy vọng rằng Phật Giáo Tây Tạng dưới sự dìu dắt của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng như vị Thủ Tướng Cư Sĩ đương thời, một mai đây họ sẽ giành lại được độc lập và tự chủ, trở về lại quê hương để sinh sống, nơi không còn sự hiện diện của người Trung Quốc nữa.
Tôi viết bài này chỉ những mong người xuất gia hãy hành xử đúng cương vị của mình, như từ xưa trong luật định đã có, đối với Vương quyền hay thế quyền, để hình ảnh của người xuất gia không bị các thế lực chính trị làm nhiễm ô, mà trái lại người xuất gia không có gì là của riêng mình hết, ngoại trừ ba y và một bình bát, hãy đứng lên trên thế quyền để hình ảnh của người xuất gia được tồn tại dài lâu hơn trong thế gian này và loài người sẽ không đồng hóa kẻ tu hành như là những người thế gian không khác. Vì đã xuất gia được rồi, thì công đức không nhỏ và hãy là một ruộng phước để người Phật Tử gieo trồng vào.
Viết xong tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover vào lúc 16:00 ngày 7 tháng 5 năm 2019
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.212.225 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập