Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Phước huệ được nghe »»
Sau khi đức Thế Tôn nói Kinh “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” xong, Ngài bèn dùng kệ tụng để nhắc lại những điều sai, lẽ đúng, bác bỏ cái sai cái dở, đề cao cái đúng cái hay, nhằm khiến chúng sanh nhập đạo Nhất Thừa của Như Lai. Cái đúng cái hay mà đức Phật đề ra trong Phẩm Phước Huệ Được Nghe gồm có ba phần: Một là tin vào đạo vãng sanh; Hai là Phật trí khó nghĩ lường; Ba là niệm Phật sẽ mau đắc độ. Kinh chép: “Bấy giờ Thế Tôn, mới nói kệ rằng: Ðời trước nếu không tu phước huệ, Nơi đây chánh pháp chẳng thể nghe. Ðã từng cúng dường các Như Lai, Thì hay vui vẻ tin việc này. Kiêu ác giải đãi cùng tà kiến, Khó tin pháp vi diệu Như Lai. Như người mù hằng đi trong tối, Không thể mở đường cho kẻ khác.”
Bốn câu đầu “Ðời trước nếu không tu phước huệ, Nơi đây chánh pháp chẳng thể nghe” cũng chính là như trong Kinh này đã dạy: “Mãi trong đời sau cho đến khi chánh pháp bi diệt, sẽ có chúng sanh, trồng các gốc lành, đã từng cúng dường, vô lượng chư Phật. Do Như Lai kia, gia trì uy lực, hay đặng pháp môn, quảng đại như thế, nhiếp giữ thọ trì, sẽ được rộng lớn Nhất Thiết Trí Trí.” Nếu kiếp trước chúng ta đã chẳng trồng các gốc lành, không tu phước tu huệ thì nơi chánh pháp này chẳng thể nào được nghe. Bởi do chúng ta ở trong đời trước đã từng rộng tu cội lành, cúng dường vô lượng các Như Lai như vậy, nên được oai lực của đức Như Lai gia bị mà ở trong đời này mới có thể vui vẻ tin ưa Kinh này. Chúng ta cũng nên hiểu chữ “cúng dường các Như Lai” có nghĩa là ở nơi Như Lai tu Giới, Định, Huệ.
Kinh Kim Cang nói: “Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau đó nếu có kẻ trì giới, tu phước, đối với chương cú mà sanh nổi lòng tin, coi đó là thật, thì nên biết là người ấy chẳng phải đã gieo trồng thiện căn ở nơi một đức Phật, hai đức Phật, ba, bốn, năm đức Phật, mà là đã từng ở nơi vô lượng trăm vạn đức Phật gieo các căn lành.” Vì thế, người nghe được pháp môn Tịnh Ðộ tối cực viên đốn, phương tiện rốt ráo này, nghe xong mà phát nổi lòng hoan hỷ tin nhận, thì người ấy ắt hẵn là đã từng tu phước, tu huệ, trồng các căn lành nơi vô lượng chư Phật. Trái lại, hết thảy những người ác trược, kiêu mạn, biếng nhác và tà kiến thì chẳng thể nào tin nổi Kinh pháp vi diệu này của đức Như Lai. Trong Kinh này, đức Phật cũng nói, họ khác nào như người đui mù thường sống trong bóng tối, tự mình chẳng biết đường để đi, thì làm sao dẫn dắt nổi người khác đi theo con đường chánh! Vậy, người thường luôn nhiếp giữ thọ trì, đọc tụng Kinh Vô Lượng Thọ chính là người sống trong ánh sáng quang minh của Phật Di Đà, nên trí huệ của họ thường luôn tăng trưởng.
Trong bài giảng “Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán,” Hòa Thượng Tịnh Không bảo: “Chúng ta nghe Kinh xong, rồi tự cho rằng mình hiểu, nhưng thật ra cái mà mình hiểu không phải là ý của Phật; đó không phải “Như Lai Chân Thật Nghĩa,” mà chỉ là ý của riêng mình. Bởi vì ‘Như Lai Chân Thật Nghĩa’ chính thực là không có nghĩa gì cả, người còn thấy có nghĩa thì vẫn là phàm phu chấp tướng.” Thật vậy, “Như Lai Chân Thật Nghĩa” vốn thật sự chỉ Bát Nhã vô tri, tức nó vốn chỉ là một cái tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ. Cái tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác ngột ấy cũng chính là Giác Tánh Diệu Minh vốn sẵn có trong từng mỗi một chúng sanh. Giác Tánh ấy chẳng có gì mà không biết, nên gọi là Diệu Minh.
Khi xưa, lúc ấy cụ Hoàng Niệm Tổ chỉ mới bốn mươi tuổi, bổng dưng bao nhiêu kiến giải của cụ chợt dứt bặt hết. Cụ liền trình lên Sư phụ, là Hạ Liên Cư Đại Sĩ giám định, cụ Hạ liền ấn chứng là cụ Hoàng đã chân thật khai ngộ. Cụ Hạ còn khen ngợi cụ Hoàng đã đạt Nhất Tâm. Kế đó, cụ Hoàng lại được thượng sư Liên Hoa Chánh Giác Vương xác nhận cụ đã khai ngộ, không còn nghi ngờ gì nữa! Vào năm cụ Hoàng sáu mươi tuổi, sau khi hoàn thành Ðại Kinh Huyền Nghĩa Ðề Cương, cụ trình lên tôn sư Hạ Liên Cư giám định, được cụ Hạ hoan hỷ, giao trọng trách chú giải để hoằng dương yếu chỉ của Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ và cho phép Cụ Hoàng được tùy ý vận dụng kiến giải của mình để phát huy huyền nghĩa tạng chứa trong Kinh. Chúng ta thấy, cụ Hoàng đã dứt bặt hết kiến giải, ý nghĩ riêng tư, trở về với Giác Tánh Diệu Minh, rồi sau đó mới từ trong Tánh Giác Diệu Minh ấy mà biên soạn Quyển Chú Giải Phật Thuyết Đại Thừa Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Đấy cũng đủ chứng minh rằng nội dung trong tập sách Chú Giải Đại Kinh của cụ Hoàng đều là từ Chân Tâm Tự Tánh phát lộ ra, mỗi câu, mỗi chữ đều là Như Lai Chân Thật Nghĩa. Chính vì vậy, sách Khởi Tín Luận dạy chúng ta khi đọc Kinh, nghe Kinh hoặc nghe giảng Kinh pháp, nên dùng cái tâm rỗng lặng không suy lường mà nghe, đừng nên dùng cái ý thức của mình mà nghe. Đọc Kinh, nghe Kinh như vậy mới có thể hiểu chân thật nghĩa trong Kinh.
Hòa Thượng Tịnh Không cũng dạy, lúc đọc Kinh hoặc nghe giảng Kinh, chúng ta phải nên: Thứ nhất là lìa các tướng Ngôn Thuyết, nghĩa là không chấp vào lời nói, âm thanh của người thuyết giảng, đem lời nói, âm thanh của họ buông xả hết; chúng ta nghe Kinh bằng cái tánh nghe, chớ không nghe bằng ý thức; tức là nghe thì cứ nghe, nhưng tuyệt đối không để nó trong tâm. Thứ hai là lìa các tướng Danh Tự, nghĩa là không chấp vào danh từ thuật ngữ. Những danh từ thuật ngữ như: Bồ Tát, Phật, A La Hán, Giới Định Huệ, Tam Đồ Lục Đạo, Thập Pháp Giới, Nhất Chân Pháp Giới v.v... chỉ là công cụ để trao đổi ý kiến, không nên chấp vào nó, rồi cho nó là thật pháp. Thứ ba là lìa các tướng Tâm Phan Duyên, nghĩa là khi nghe pháp hiểu được thì hiểu, nếu không hiểu thì thôi, không cần suy nghĩ, sáng tạo, phan duyên. Vì sao? Bởi vì càng suy nghĩ thì càng sai, suy nghĩ là dùng tâm phân biệt để hiểu, tức là phan duyên, chớ không phải là dùng chân tâm để nhận biết; do đó, cái hiểu biết ấy không phải là chân thật nghĩa. Bởi do trong chân tâm tự tánh không có khởi tâm động niệm, không có phân biệt chấp trước, nên cái nhận biết ấy mới thấu đáo, sáng suốt và chân thật. Cái biết ấy mới là Như Lai Chân Thật Nghĩa. Vì thế, Kinh này nói người “kiêu ác giải đãi cùng tà kiến,” tức là người có lòng phân biệt, chấp trước và tà kiến thì khó thể tin hiểu được pháp vi diệu của Như Lai. Câu “tin pháp vi diệu của Như Lai” đồng nghĩa với câu “giải chân thật nghĩa của Như Lai.” Vì sao? Vì nếu chẳng hiểu chân thật nghĩa của Như Lai thì làm sao có thể chân thật tin tưởng nổi pháp vi diệu của Như Lai.
Người nghe Kinh liền sanh tâm tin hiểu, chẳng cần phải dùng ý thức để suy ngẫm, đo lường thì chính là người như Kinh Kim Cang nói: “Trong đời tương lai năm trăm năm sau, nếu có chúng sanh được nghe Kinh này tin hiểu, thọ trì, thì người ấy chính là đệ nhất hy hữu. Vì sao vậy? Người ấy không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng.” Trong tác phẩm Phá Không Luận, Ngài Linh Phong Đại sư đã giảng: “Ðây chính là Tín Tu Đại Quả. Nếu như còn có chút mảy tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì quyết chẳng tin nổi Kinh này. Nếu như tin hiểu, thọ trì Kinh này, thì quyết phải thông đạt ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng đương thể chính là vô tướng.” Nói cách khác cho dễ hiểu, người từ tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ, lìa hết thảy các tướng mà tin hiểu chân thật nghĩa của Kinh chính là người Tín Tu Đại Quả. Như Kinh Vô Lượng Thọ nói: Người ấy đã ở trong vô lượng đời trước từng hành Phật đạo, chẳng phải người phàm, người ấy là Nhất Thừa Đệ Tử của Phật, họ đã từng được Phật thọ ký Bồ Đề và được các đức Như Lai khen ngợi và gia hộ; ắt hẵn người ấy sẽ mau chứng Đại Quả Bồ Đề. Vì thế người tin hiểu, thọ trì Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ sâu xa chính là người khế hợp với ý chỉ của Kinh Kim Cang: “Thấy tất cả tướng là phi tướng, tức thấy Như Lai” và “Lìa hết thảy các tướng, tức là Phật.”
Qua những ý nghĩa trên, ta thấy “Như Lai Chân Thật Nghĩa” chính là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác,” cũng là “không có nghĩa gì hết,” xé toang mọi phân biệt, chấp trước, kiến giải, nêu rõ toàn bộ diệu tánh của Kinh, cũng như Giác Tánh Diệu Minh có sẵn trong mỗi chúng sanh; Vì thế, Đại Sĩ Hạ Liên Cư mới dùng cái đề tựa là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” để đặt tên cho Kinh này; thật là một đức danh đúng với bổn thể của nó, nói lên trọn đủ ý nghĩa “Kinh Vô Lượng Thọ chính là toàn thân của A Di Đà Phật, cũng như của hết thảy chư Phật,” mà nó cũng chính là chân tâm hiện hữu trong từng mỗi chúng sanh một cách vô cùng thanh tịnh và bình đẳng.
Kinh lại dạy tiếp: “Chỉ từng đối Phật trồng căn thiện, hạnh nguyện cứu đời mới hay tu. Nghe xong, thọ trì và biên chép, đọc tụng, xưng tán và cúng dường. Như thế nhất tâm cầu cõi Tịnh, quyết định vãng sanh nước Cực Lạc. Giả sử lửa lớn khắp tam thiên, nương oai đức Phật đều được thoát.” Vì Kinh này chính là toàn thân của A Di Đà Phật, cũng như của hết thảy chư Phật, cho nên chỉ có những đã từng ở nơi vô lượng đức Phật trồng nhiều cội lành lớn lao, mới có thể tu tập hạnh cứu độ khắp hết thảy thế gian.
“Hạnh nguyện cứu đời” chính là như Kinh này đã nói: “Hết thảy hàm linh trong đời tương lai, đều nhờ vào pháp này mà được độ thoát.” Vậy, những ai muốn thực hành “hạnh nguyện cứu đời” của Như Lai thì không thể không thọ trì, biên chép, đọc tụng, xưng tán, cúng dường và vì người mà diễn nói Kinh này. Người làm được việc này chính là sứ giả của Như Lai, được các đức Như Lai tín nhiệm, trân trọng phó chúc thủ hộ Kinh điển này. Do đó, nếu những ai từ do nghe Kinh này mà tin hiểu pháp này, rồi từ do sự tin hiểu ấy phát khởi “hạnh nguyện cứu đời”, thì họ chính là những người hy hữu nhất thế gian. Vì sao? Bởi vì người ấy đã phát nổi Bồ Đề tâm chân thật, chẳng phải là do cái lợi ích riêng của mình mà thọ trì Kinh này. Cũng nên biết trong hai thứ “phát Bồ Đề tâm” và “chứng quả Bồ Đề” thì việc “phát Bồ Đề tâm” là khó hơn hết. Vì sao? Vì khi đã phát nổi Bồ Đề tâm rồi, thì các công đức khác sẽ lần lược tự nhiên viên thành. Vì thế, Kinh mới nói những người này đã được Phật ấn chứng là đã từng do “hạnh nguyện cứu đời” mà hành Phật đạo, họ chẳng phải là phàm nhân. Đức Phật nói, những ai muốn tự cứu mình và muốn cứu khắp hết thế gian chúng sanh thì đều phải tu hạnh cứu độ thế gian đó. Hạnh cứu độ thế gian đó chính là thọ trì, biên chép, đọc tụng, xưng tán, cúng dường Kinh này. “Thọ trì” là tin nhận và gìn giữ, phụng hành đúng theo lời Phật dạy “phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm A Di Ðà Phật.” Nói một cách vắn tắt, “phát Bồ Ðề tâm” chính là “thọ trì, biên chép, đọc tụng, xưng tán và cúng dường” Kinh này. “Thọ trì” còn có cái nghĩa khác là “một bề chuyên niệm A Di Ðà Phật.” Vậy, “thọ trì, biên chép, đọc tụng, xưng tán và cúng dường” bao gồm cả hai hạnh “phát Bồ Ðề tâm” và “một bề chuyên niệm A Di Ðà Phật.” Phật ân cần, trân trọng, khuyên bảo chúng ta phải nên vâng lời dạy đúng đắn của Phật mà biên chép, đọc tụng, khen ngợi, diễn nói, cúng dường Đại Kinh này, vì sao? Bởi đó chính là công đức thắng diệu, là sự thực hành để thành tựu Bồ Đề tâm, và cũng bởi do nhờ thọ trì, biên chép, đọc tụng, xưng tán và cúng dường Kinh này mà dân các cõi trời, tất cả hàm linh đều đặng độ thoát.
Đối với công đức thắng diệu lưu xuất từ Bồ Đề tâm như vậy, chúng ta đều phải dùng cái tâm chí thành, tâm bất nhị mà hồi hướng cầu sanh Tịnh Ðộ, nên Kinh bảo: “Như thế nhất tâm cầu cõi Tịnh.” Ý của Phật là: đừng nên dùng cái tâm tà vạy, ham muốn phước báu thế gian, tự tư tự lợi, thọ trì Kinh này mà làm luống uổng công phu. Phật bảo: “Giàu sang thương muốn không thể bền vững, phải nên lánh xa, chẳng thể an vui, phải nên tinh tấn cầu sanh về nước An Lạc, được trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại, mới chẳng phải đứng sau người.” Những người có tín, giải, hành tương ứng đúng theo lời Kinh này dạy như thế, liền được Phật thọ ký Bồ Đề; cho nên Kinh nói: “Quyết định vãng sanh nước Cực Lạc.” Những người thực hiện được Bồ Đề Tâm như thế, lúc lâm chung, giả sử cả tam thiên đại thiên thế giới đều ngập tràn trong đại hỏa, người ấy vẫn có thể vượt qua, sanh về cõi Cực Lạc; cho nên Kinh chép: “Giả sử lửa lớn khắp tam thiên, nương oai đức Phật đều được thoát.” Chúng ta thấy dù cho lửa lớn khắp tam thiên mà người ấy vẫn ung dung, tự tại vãng sanh Cực Lạc, huống gì là những chướng ngại nhỏ nhoi trong thế gian này mà có thể ngăn cản họ vãng sanh. Ví như cây cổ thụ đã mọc hướng thẳng về phía Tây, nếu vì lý do gì đó mà nó bị sụp ngã xuống, thì nó cũng sẽ phải ngã về phía Tây mà thôi, chẳng thể nào ngã về hướng khác được.
Bởi vì Kinh này rất khó hiểu, khó tin, nên đức Phật hết mực khuyên chúng sanh hãy nên tin tưởng trí huệ của Phật, chớ nên nghi ngờ. Kinh chép: “Biển trí huệ Như Lai sâu rộng, Chỉ Phật cùng Phật mới hay biết; Thanh Văn ức kiếp suy Phật trí, Ðem hết thần lực chẳng thể lường. Công đức Như Lai Phật tự biết, Chỉ có Thế Tôn hay khai thị. Thân người khó được, Phật khó gặp, Tín huệ nghe pháp khó trong khó.” Ðoạn này ý nói Phật trí sâu rộng vô biên chỉ có chư Phật mới biết được nổi, các bậc hiền Thánh Nhị Thừa đều chẳng thể suy lường nổi, huống hồ phàm phu! Vì thế, trong phần trước Phật bảo, bọn phàm phu chúng ta phải nên bỏ sạch mọi sự tình chấp, kiêu ác, giả đãi, tà kiến riêng tư của mình mà chỉ nên kính tin, phụng trì pháp môn này.
Đời này, chúng ta may mắn có được hai thứ phước đức và trí huệ đầy đủ, nên mới được nghe pháp này thì chớ để luống uổng dịp may có được một lần gặp được trong trăm, ngàn, vạn, ức kiếp! Phải nên y theo giáo chỉ của Phật, thường luôn tinh tấn thọ trì, đọc tụng, nghe giảng, biên chép, cúng dường vì người diễn nói Đại Kinh này; bởi đấy chính là việc phát Bồ Đề tâm chân chánh nhất như đã nói. Đấy cũng chính là “Tín Tu Đại Quả,” những ai tín tu nơi Đại Kinh này, ắt hẵn là sẽ chứng được đại quả; đó chính là điều mà đức Như Lai đã ấn chứng trong Kinh này trong câu: “Nghe xong, thọ trì và biên chép, đọc tụng, xưng tán và cúng dường. Như thế nhất tâm cầu cõi Tịnh, quyết định vãng sanh nước Cực Lạc.” Vậy thì tại sao chúng ta lại vẫn chẳng chịu làm y theo lời Phật dạy? Nguyên nhân là do chúng ta chẳng thật sự tin Phật, tự mình chịu làm người mù lòa trong đêm tăm tối, lại dùng cái suy nghĩ của một phàm phu sinh tử để hiểu và dẫn đường cho kẻ khác. Bởi thế, Phật ân cần nhắc nhở: “Pháp ta như thế, nên nói như thế, chỗ Như Lai làm, cũng nên làm theo, tu trồng phước thiện, cầu sanh Tịnh Ðộ.” Mặc dù, hiện nay những gì chúng ta huân tập chỉ là nơi Thỷ Giác Thức, nhưng khi nhân duyên chín mùi thì Thỷ Giác Thức ấy liền chuyển thành Bổn Giác Lý Tánh. Khi ấy Thỷ Giác Thức và Bổn Lý Giác Tánh sẽ một một không hai; đấy chính là do tín tu nơi Kinh pháp của Như Lai mà thành tựu đại quả.
Trí huệ của Như Lai sâu rộng không bờ bến tựa như biển cả, nên các Kinh thường ví von là “biển trí huệ.” Biển trí huệ của Như Lai thì chỉ Phật cùng Phật mới hay biết. Trong phẩm Phương Tiện của Kinh Pháp Hoa đã chép: “Ðối với pháp hy hữu khó hiểu bậc nhất do đức Như Lai đã thành tựu, thì chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu hiểu trọn vẹn thật tướng của các pháp.” Trong phẩm này của Kinh Pháp Hoa cũng nói: “Vô lậu bất tư nghì, thậm thâm vi diệu pháp, ta nay đã chứng trọn. Mình ta biết tướng này; thập phương Phật cũng thế!” Đấy đã nêu rõ: Pháp vi diệu vô lậu, pháp rất thậm sâu, pháp viên mãn đến mức cùng lý tận tánh, pháp chẳng thể nghĩ bàn mà chư Phật đã thành tựu và cứu cánh thật tướng của các pháp, thì chỉ có chư Phật mới biết nổi thôi, vì sao? Vì chư Phật có cùng một thể tánh, không hai; đó là tánh “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác.” Trong chân tánh ấy chẳng có các sắc pháp như sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ngăn ngại nên tự nhiên không có gì mà Tánh Giác ấy chẳng biết. Các hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật và tiểu hạnh Bồ Tát chưa đắc được Tịnh Tâm kiên cố, trong tâm vẫn còn ý nghĩ phân biệt, chấp trước, nên chẳng thể thấu rõ Nhất Thiết Chủng Trí của Như Lai. Vì vậy, Kinh mới nói: “Thanh Văn ức kiếp suy Phật trí, đem hết thần lực chẳng thể lường.” Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện cũng nói: “Ta cùng mười phương Phật mới biết nổi việc này. Pháp này chẳng thể chỉ, tướng ngôn từ tịch diệt. Các loài chúng sanh khác không ai hiểu được nổi, trừ các vị Bồ Tát có tín lực kiên cố.” Kinh còn dạy: “Bích Chi Phật trí lanh, Vô lậu tối hậu thân, cũng đầy cả mười phương, số đông như rừng trúc, bọn họ chung một lòng, trong ức vô lượng kiếp, muốn suy Phật thật trí, cũng chẳng biết chút phần.” Kinh đã ghi rõ: Thật trí của Phật vốn lìa tứ cú, tuyệt bách phi, nghĩa là chẳng thể dùng sắc tướng, ngôn ngữ, danh từ và tình chấp để diễn tả nổi. Pháp ấy chẳng thể chỉ bày được, chẳng giảng nói được, ngoại trừ các vị Bồ Tát tín lực kiên cố mới có thể giải bày; còn những người khác không cách nào thấu hiểu nổi, huống là giải nói.
“Công đức Như Lai Phật tự biết” là như trong phẩm Thọ Lượng của Kinh Pháp Hoa đã nói: “Hết thảy thế gian: trời, người, A-tu-la đều cho rằng Thích Ca Mâu Ni Phật rời khỏi cung họ Thích, cách thành Già Da chẳng xa, ngồi nơi đạo tràng chứng đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nhưng này thiện nam tử! Thật ra ta thành Phật đến nay là đã vô lượng, vô biên trăm ngàn ức na do tha kiếp. Ví như giả sử có kẻ nghiền cả năm trăm ngàn vạn ức, na do tha, a tăng kỳ tam thiên đại thiên thế giới thành vi trần, đi qua khỏi năm trăm ngàn vạn ức, na do tha, a tăng kỳ cõi mới bỏ một vi trần xuống. Ði mãi về phía Ðông như thế cho đến hết số vi trần ấy. Này các thiện nam tử! Ý các ông nghĩ sao? Các thế giới ấy có thể suy nghĩ, tính toán để biết được số đó chăng? Di Lặc Bồ Tát v.v…đều bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Các thế giới ấy vô lượng, vô biên, chẳng thể dùng toán số biết nổi, cũng chẳng thể dùng tâm lực suy nổi. Hết thảy Thanh Văn, Bích Chi Phật dùng vô lậu trí cũng chẳng thể suy nghĩ biết nổi số hạn ấy. Chúng con đã ở vào địa vị A Duy Việt Trí mà đối với sự ấy cũng chẳng thể biết rõ. Bạch Thế Tôn! Các thế giới như vậy vô lượng vô biên.” Lúc bấy giờ, Phật bảo các vị đại Bồ tát: “Các thiện nam tử! Ta nay phân minh bảo các ông. Các thế giới ấy dù là có đặt một vi trần hay chẳng đặt vi trần, cho đến hết số vi trần ấy, cứ tính một vi trần là một kiếp, thì từ khi ta thành Phật cho đến nay còn hơn số đó cả trăm ngàn vạn ức, na do tha, a tăng kỳ kiếp.” Kinh đã nói rõ: đối với thọ lượng của Phật, thì những bậc Bổ Xứ Bồ Tát như Ngài Di Lặc còn chưa biết nổi. Công đức của Phật chỉ có mình Phật tự biết; bởi thế trong Kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật mới nói: “Chỉ có Thế Tôn hay khai thị.”
Chữ “khai thị” ở đây có nghĩa là khai Phật tri kiến, thị Phật tri kiến. Từ Phụ Thích Tôn tụng sáu câu kệ: “Biển trí huệ Như Lai sâu rộng, chỉ Phật cùng Phật mới hay biết. Thanh Văn ức kiếp suy Phật trí, đem hết thần lực chẳng thể lường. Công đức Như Lai Phật tự biết, chỉ có Thế Tôn hay khai thị” là để cực lực tán dương trí huệ sâu rộng không ngằn mé của chư Phật Như Lai, nhằm làm cho chúng sanh biết đến trí huệ sâu thẳm của Phật, rồi từ đó mới có thể thật sự tin tưởng vào lời Phật dạy. Trong phẩm Thọ Lượng của Kinh Pháp Hoa, đức Thế Tôn đã ba lượt bảo đại chúng: “Các ông nên tin hiểu lời nói thành thật, đúng đắn của Như Lai.” Bởi vì dẫu trong suốt cả ức kiếp, hàng Thanh Văn còn chẳng thấu hiểu nổi trí của Như Lai, huống hồ là phàm phu lại có thể dùng cái tâm sanh diệt của mình để suy lường Phật trí một cách hư vọng ư? Vì thế, chúng ta chỉ phải nên kính ngưỡng, tin lời Phật dạy, dù rằng chúng ta vẫn chưa thật sự hiểu rõ tường tận trí của Như Lai, như phẩm Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa đã chép: “Với pháp Phật đã thuyết, nên sanh đại tín lực;” cho ta thấy: Biển cả Phật pháp hễ ai tin thì được vào, hễ tín mãn thì thành Phật
“Thân người khó được” là như trong tự phần của Kinh Phạm Võng đã nói rõ: “Một phen mất thân người, vạn kiếp khó có lại được.” Kinh Niết Bàn cũng dạy: “Thân người khó được như hoa Ưu Ðàm.” Ðược thân người ít như chút đất nơi móng tay, mất thân người nhiều như đất nơi đại địa. Nay chúng ta được cả thân người và lại còn được nghe pháp môn Tịnh độ thù thắng bậc nhất của Phật, thì cũng phải biết sự việc này còn khó hơn cả việc gặp hoa Ưu đàm nữa.
“Phật khó gặp” là như phẩm Thọ Lượng của Kinh Pháp Hoa đã dạy: “Tỳ kheo nên biết: Chư Phật xuất thế khó thể gặp gỡ, vì sao vậy? Những người đức mỏng trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp hoặc thấy được Phật, hoặc chẳng được thấy Phật. Do bởi sự ấy, ta nói thế này: Các tỳ kheo, khó thể thấy được Như Lai.” Khi xưa, ngay khi đức Phật ngự trong thành Vương Xá ở Ấn Ðộ, mà chỉ có một phần ba người dân trong thành gặp được Phật, một phần ba số người chỉ nghe danh Phật chứ không được thấy, một phần ba số người còn lại còn chẳng được nghe danh hiệu Phật huống là gặp Phật; đủ thấy gặp Phật là một sự khó. Thế mà chúng ta nay đang sống trong thời Mạt pháp, lại được nghe đến danh hiệu của cả hai đấng đạo sư, Thích Ca Mâu Ni Phật và A Di Đà Phật, lại còn được đọc và nghe giảng Kinh pháp của Phật; vậy phước đức nhân duyên của chúng ta còn hơn cả hai phần ba số người trong thành Vương Xá, lúc Phật còn tại thế.
“Tín huệ nghe pháp, khó trong khó” chính là như trên đã nói: “Nếu nghe Kinh này, tin ưa thọ trì, là khó trong khó, chẳng gì khó hơn.” Do có huệ nên có thể giải Như Lai chân thật nghĩa. Cho nên người có huệ nghe Kinh, hiểu rõ, sanh lòng tin ưa chân thật là chuyện hy hữu khó tìm trong khắp thế gian. Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, Tịnh tông lại là pháp môn khó tin trong hết thảy các pháp môn của Phật. Điều khó được ấy mà nay chúng ta đã được, điều khó nghe ấy mà nay chúng ta đã nghe, điều khó tin ấy mà nay chúng ta đã tin, lại còn hiểu biết được bằng trí huệ vô tướng nữa, thì thật là “điều khó nhất trong tất cả các điều khó.”
Phật khuyên chúng ta nên tin sâu, nguyện thiết, niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, chớ để luống qua đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên được gặp trong đời này. Nếu chúng ta để lỡ qua đại nhân duyên hy hữu này thì thật là điều mất mát lớn lao nhất trong trăm, ngàn, vạn, ức kiếp khó gặp, khó thấy. Vì thế, Kinh dạy tiếp: “Nếu các hữu tình sẽ làm Phật, vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác. Thế nên rộng nghe chư Trí sĩ, nên tin ta dạy lời như thật. Diệu pháp như thế may được nghe, phải thường niệm Phật mà sinh hỷ. Thọ trì rộng độ dòng sinh tử, Phật nói người này thật bạn hiền.” Phẩm thứ hai của Kinh này, được đặt tên là Ðức Tuân Phổ Hiền, nghĩa là các vị Bồ Tát trong pháp hội Đại thừa Vô Lượng Thọ cùng nhau “tu theo đức hạnh của Ngài Phổ Hiền Ðại sĩ.” Cuối bản Kinh lại nói: “Nếu các hữu tình sẽ làm Phật, vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác.”
Đầu Kinh thì nói “đều cùng tuân tu đạo của Phổ Hiền,” Cuối Kinh lại bảo “vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác;” nghĩa ấy là như thế nào? Các dịch giả có dịch nhầm hay không? Thật ra, chẳng những các Ngài không dịch nhầm, mà đó lại chính là chỗ vô cùng trọng yếu của Kinh này, nói lên lòng từ bi cùng cực của đức Thế Tôn. Phật phơi bày trọn vẹn tâm can của Ngài cho chúng sanh được thấy: Phổ Hiền là bậc đại hạnh Bồ-tát tượng trưng cho Sai Biệt trí, được gọi là Hoa Nghiêm trưởng tử, Ngài dùng Mười Đại Nguyện Vương để dẫn dắt chúng sanh về Cực Lạc. Nguyện của Ngài Phổ Hiền, được gọi là Đại Nguyện Vương thì phải nên biết nguyện ấy phải rộng lớn không ngằn hạn, tột cùng vô tận kiếp, dẫn dắt hết thảy chúng sanh quy về Cực Lạc, cứu vớt, lợi ích vô lượng hữu tình. Bởi thế, Thánh chúng đến dự pháp hội này đều cùng nhau tuân tu theo hạnh đức của Ngài Phổ Hiền Đại Sĩ để phổ độ khắp mọi loài chúng sanh. Thế mà trong Kinh đây, đức Thế Tôn lại riêng dạy phương tiện bậc nhất trong các phương tiện, hiển thị một pháp viên đốn nhất trong hết thảy pháp viên đốn, nêu thẳng chỉ một pháp Tín-Nguyện-Trì danh, mà lại gôm trọn lục độ vạn hạnh, thâu tóm trọn vẹn Mười Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền vào trong một câu danh hiệu “A Di Đà Phật.” Đấy đã chỉ rõ, pháp này gồm thu trọn vẹn vô biên hạnh môn của Ngài Phổ Hiền Đại Sĩ quy về một pháp Nhất Hạnh Tam Muội của Ngài Văn Thù. Văn Thù tượng trưng cho Căn Bản trí. Nhất Hạnh Tam Muội là “buộc tâm một chỗ, chuyên xưng danh hiệu Phật.” Thế mới biết, một pháp trì danh này bao gồm trọn vẹn các điểm mầu nhiệm: Phổ Hiền Ðại Nguyện Vương là từ Căn Bản trí trở thành Sai Biệt trí. Tức là Kinh này thâu tóm trọn vẹn Phổ Hiền Thập Ðại Nguyện Vương vào trong một danh hiệu “A Di Đà Phật,” và chỉ xướng xuất Tín-Nguyện-Trì danh hiệu Phật; đó chính là từ Sai Biệt trí quay trở về Căn Bản trí. “Quay trở về Căn Bản trí” là quay trở về cái gốc Bổn Giác Lý Tánh của đương nhân, nên Kinh bảo là “vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác.”
Diệu hạnh trì danh là lấy quả giác của A Di Đà Phật làm cái tâm tu nhân cho mình. Do nhân quả đồng thời hiện hữu trong một câu niệm Phật, nên chẳng nhọc phương tiện, chẳng cần theo thứ lớp, mà lại được đại quả; thế nên mới bảo là một pháp “Tín Tu Đại Quả;” thật đúng như sách Di Ðà Yếu Giải nhận định: “A Di Ðà Phật dịch nghĩa là vô lượng, vốn chẳng thể nói. Ðức Bổn Sư lấy hai nghĩa quang minh và thọ lượng để thâu trọn hết thảy những điều vô lượng. Quang minh thời theo chiều ngang chiếu trọn mười phương, thọ lượng thời theo chiều dọc suốt cả ba đời. Ngang dọc trọn khắp chính là thể của pháp giới. Toàn bộ cái thể ấy, tạo thành thân và cõi nước của Phật Di Ðà, mà toàn thể ấy cũng tạo thành danh hiệu A Di Ðà. Bởi thế, danh hiệu A Di Ðà chính là Bổn Giác lý tánh của chúng sanh. Trì danh là Thỷ giác hợp với Bổn Giác. Thỷ giác, Bổn Giác chẳng hai, chúng sanh và Phật chẳng hai. Vì thế, một niệm tương ưng với một niệm Phật, niệm niệm tương ưng với niệm niệm Phật.” Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền đại sĩ dẫn dắt về Cực Lạc, nên niệm niệm chính là Di Ðà. Nhưng Mười Đại Nguyện Vương nghĩa lý sâu rộng, kẻ thường nhân như chúng ta chẳng thể phát khởi được nổi; còn một pháp Trì Danh lại độ khắp ba căn, ngũ nghịch, thập ác cũng đều có thể nương theo đó để thoát khỏi sanh tử, thì người giới hạnh huân tu ắt hẵn là cũng sẽ thành tựu. Ví như người trị được chứng bịnh chẳng trị nổi, thì được tôn sùng là vua của các thầy thuốc; pháp độ được cả kẻ cực ác, thì phải nên xưng tụng là vua của các pháp lành. Bởi thế, mới bảo pháp Trì Danh là “vượt hạnh Phổ Hiền.” Cũng bởi thế mà A Di Đà Phật được xưng gọi là “Vô Thượng Y Vương” và pháp môn Niệm Phật của Ngài được gọi là “Vô Thượng Pháp môn.”
Đức Thích Tôn hết lòng từ bi khuyên bảo: “Phải tin ta dạy lời như thật.” Thế Tôn rủ lòng từ, khuyên dụ những kẻ học rộng nghe nhiều, những kẻ có trí phải nên tin rằng mọi lời dạy của Như Lai trong Kinh này đều khế hợp với Thật Tướng lý thể. Những điều được nói trong Kinh này đều là đúng với Bổn Giác lý tánh, hết thảy đều là chân thật tướng lưu xuất ra từ Tánh Giác vô cùng thanh tịnh và bình đẳng của Phật A Di Đà. Chỉ có những người chân thành tin tưởng “lời dạy như thật” này của các đức Như Lai thì mới có thể phát huy đầy đủ Tín-Nguyện-Trì danh, nhất định vượt qua hạnh Phổ Hiền lên bờ giác. Bởi do Niệm Phật chính là pháp “vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác” nên gọi là “diệu pháp.” “Diệu pháp” như thế thật khó gặp, khó nghe, khó tin; thế mà nay chúng ta may mắn được gặp, được nghe, lại còn tin hiểu sâu xa thì phải quyết định thọ trì, phụng hành đúng theo lời Phật dạy trong Kinh, thời thời niệm Phật, sanh lòng vui mừng nơi pháp môn này. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh đã nói, Vy Ðề Hy phu nhân do chợt thấy quang minh thanh tịnh của cõi Phật A Di Ðà hiện ra trước mắt, liền đắc ngay vô sanh pháp nhẫn. Ngài Thiện Ðạo bảo “vô sanh nhẫn” mà bà Vy Ðề Hy đã chứng đắc lúc đó, chính là “Hỷ nhẫn, Ngộ nhẫn và Tín nhẫn.” “Hỷ nhẫn” là do niệm A Di Ðà Phật mà tự tâm sanh hoan hỷ, nên Kinh nói là: “Phải thường niệm Phật mà sanh hỷ.” Nói một cách sâu xa hơn, “hoan hỷ” còn có cái tên khác là Cát Tường, Như Ý; đó đều là những danh hiệu của Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, vị Đại Bồ tát đại biểu cho Căn Bản Trí. Nói tóm lại, do nhất niệm nơi câu Phật hiệu mà có thể quay trở về cái Bổn Giác lý tánh, nên Kinh nói là: “Phải thường niệm Phật mà sanh hỷ.”
Cuối cùng, Phật khuyên hành nhân chẳng những chỉ tự mình thọ trì Kinh pháp này để thoát khỏi sanh tử, mà còn phải nên làm lợi ích cho người khác bằng cách hoằng truyền Kinh pháp này, khuyên dạy người khác trì danh hiệu Phật, lần lượt giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau độ thoát, xuất ly sanh tử. Ðức Thế Tôn khen ngợi những người làm được như vậy là “thật bạn hiền,” tức là chân thiện tri thức của chư Phật Như Lai. Ngài coi thiện tri thức ấy giống như Như Lai, cùng với Như Lai cứu độ chúng sanh, cùng làm bạn lành của hết thảy chúng sanh. Ðây thật là là lời khen ngợi tột bực của đức Thế Tôn. Bốn câu cuối cùng của Phật: “Nếu các hữu tình sẽ làm Phật, vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác. Thế nên rộng nghe chư Trí sĩ, nên tin ta dạy lời như thật. Diệu pháp như thế may được nghe, phải thường niệm Phật mà sinh hỷ. Thọ trì rộng độ dòng sinh tử, Phật nói người này thật bạn hiền” chính là lời kỳ vọng và răn dạy của đức Thế Tôn đối với hết thảy chúng sanh trong đời sau được gặp Kinh này, được nghe pháp này. Phật đặt kỳ vọng nơi chúng ta, mong chúng ta thật sự làm bạn lành với Phật, cùng Phật phổ độ, cứu vớt chúng sanh ra khỏi các đường ác khổ đau, dẫn dắt chúng sanh vãng sanh Cực Lạc. Bởi thế, chúng ta phải nên tha thiết lãnh thọ, khắc cốt tạc dạ, khắng khít tuân theo di giáo của Phật, siêng năng tu hành, gìn giữ bền chặt, chẳng phụ bạc từ ân của đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cuối bản Kinh này, đức Phật lại khuyên nhắc chúng sanh phải niệm Phật. Chẳng phải chỉ riêng Thích Ca Mâu Ni Phật khuyên chúng sanh niệm Phật, mà bổn tâm của mười phương Như Lai đều dốc trọn cả ra mà khuyên lơn chúng sanh phải nên niệm Phật để “vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác.” Đức Phật khuyên chúng sanh niệm Phật bởi vì đối với sự mầu nhiệm của pháp môn Niệm Phật này, dẫu cho ai đó có vô lượng thân, mỗi một thân có vô lượng miệng, mỗi một miệng có vô lượng lưỡi, mỗi một lưỡi phát ra vô lượng âm thanh đến hết cả kiếp vị lai diễn nói cũng chẳng ngớt, cũng khó bề diễn tả nổi ít phần sự mầu nhiệm của pháp môn này. Vì sao? Vì bổn tâm của mười phương Như Lai đều dốc trọn cả ra trong một pháp môn Niệm Phật mà chỉ có các chư Phật mới thấu hiểu trọn vẹn, Đẳng Giác Bồ tát cũng chẳng thể nào thông suốt giáo pháp này đến mức viên mãn. Cho nên, những chữ trong phẩm Phược Huệ Được Nghe như là “phước huệ mới được nghe,” “pháp vi diệu,” “hạnh nguyện cứu đời,” “biển trí huệ,” “khó trong khó,” “vượt hạnh Phổ Hiền” v.v… đều là để chỉ đến diệu pháp vô thượng Tín-Nguyện-Trì danh.
Sách Di Ðà Yếu Giải của Linh Phong Đại sư giảng rằng: “Do nghĩa là Vô Lượng Quang, nên chúng sanh sanh về Cực Lạc tức là sanh về mười phương, thấy A Di Ðà Phật là thấy mười phương chư Phật, tự độ mình chính là độ khắp hết cả. Do nghĩa là Vô Lượng Thọ, nên nhân dân cõi Cực Lạc chính là Nhất Sanh Bổ Xứ, đều nhất định ngay trong đời này thành Phật, chẳng phải sanh lần nữa. Nên biết rằng: hễ rời bỏ cái tâm Vô Lượng Quang Thọ nhất niệm hiện tiền thì chẳng thể tìm đâu ra danh hiệu A Di Ðà Phật; mà hễ đã rời bỏ danh hiệu A Di Ðà Phật thì còn do đâu mà chứng suốt tột cái tâm Nhất Niệm Vô Lượng Quang Thọ?” Sách lại viết: “Danh hiệu được chấp trì là chân thật chẳng thể nghĩ bàn; cái tâm tánh chấp trì danh hiệu cũng chân thật chẳng thể nghĩ bàn. Trì một câu thì là một câu chẳng thể nghĩ bàn; trì mười, trăm, ngàn, vạn vô lượng tiếng thì mỗi mỗi tiếng đều chẳng thể nghĩ bàn.” Chúng ta hãy lắng lòng, suy nghĩ kỹ càng lời dạy của Linh Phong Đại sư thì sẽ tự mình biết rất rõ rằng: Tịnh niệm tiếp nói câu Phật hiệu không gián đoạn thì tâm mình lúc ấy đang làm Phật tiếp nối không gián đoạn, tạm thời ngừng niệm câu Phật hiệu một lát thì liền trở lại với cái tâm sanh diệt của phàm phu. Vì vậy, chúng ta phải tịnh niệm tiếp nối câu Phật hiệu cho đến khi Thỷ Giác Thức trở thành Bổn Giác Tánh thì lúc ấy liền chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn. Niệm niệm lưu nhập trong Biển Nhất Thiết Chủng Trí của Như Lai, nguyện nguyện đều cùng chung với Bốn Mươi Tám Bi Nguyện Nhất Thừa của A Di Đà Phật; lúc ấy ba thứ “Phật, Tâm và chúng sanh” chẳng còn sai biệt nữa, đấy chính là trở về với pháp thân rốt ráo Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Nhất Như của chư Phật Như Lai.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.143.241.253 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập