Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Lão Duy Minh và con nhện »»
- Lại La Tocata, thật đến là khổ.
- Cái chổi đâu, đưa tao dộng lên cho lão mấy cái, sáng vừa thức giấc đã bắt nghe âm nhạc cổ điển !
- Ối dà, thỉnh thoảng cũng phải cho lão say một hôm…
Trong lúc ấy thì quả thật là lão Duy Minh đang bắt đầu say sưa trong tiếng nhạc. Giang sơn của lão hiện giờ chỉ còn lại mỗi một cái đàn dương cầm, cái đàn theo lão từ mấy chục năm nay, ngày lão còn là một thanh niên trai trẻ hay chơi nhạc ở nhà thờ trong vùng.
Lão nhớ mãi cái thuở mà mỗi chủ nhật phải dậy sớm ăn mặc chỉnh tề ra nhà thờ đợi lễ, ngoài ra khi có đám cưới, đám tang ở nhà thờ, người ta cũng có mời lão. Lão nhớ cả đến từng đôi mắt sáng ngời đang chăm chú nhìn vào đôi bàn tay của lão, những đôi má đỏ hồng lên mỗi khi những cái nhìn ấy bị lão bắt chợt.
Nhưng cảm tình đối với lão không quan trọng bằng âm nhạc, nhất là âm nhạc của những buổi lễ. Bao nhiêu tâm hồn trí não lão đặt cả vào mấy ngón tay. Âm nhạc đối với lão thiêng liêng quá, lão không thể nào nghĩ đến một sự gì khác lúc mà giọng đàn, dưới sự điều khiển của mấy ngón tay lão bắt đầu ngân lên, hòa nhịp với những giọng ca trẩm bổng của các tín đồ. Lúc ấy, thôi thì không còn thời gian, không gian, không có một ý nghĩ nào dám lẩn quất trong đầu óc lão nữa.
Có những khi tập dượt về khuya, không kịp ăn uống gì cả, sáng lại phải dậy đi đàn lễ sớm, thế mà lúc vào đàn lão không hề nhớ đến cái dạ dày gần hai mươi tiếng đồng hồ chẳng có lấy một mẩu bánh mì nhỏ.
Cố nhiên lúc xong lễ thì lão phải vội vàng ra quán gọi ngay một cái "xăng uých" và một cốc rượu đỏ, ăn uống vào rồi mới tỉnh người mà đi bộ về nhà. Quanh năm lão vẫn chờ mong các dịp lễ lớn, mỗi ngày ít ra cũng hai lần âm nhạc, tha hồ đàn, tha hồ say mê.
Cái đàn orgue ở nhà thờ cũng quen thuộc với lão như cái đàn dương cầm của lão ở nhà, lão biết nó, thuộc nó từ một vết sẹo, một sợi tơ chùng hay căng, màu gỗ chỗ nào bóng chỗ nào mờ. Tính ra cái thời gian lão sống với hai cây đàn còn nhiều hơn cái thời gian lão ăn, lão ngủ.
Mộng của lão là một ngày kia, có cách nào để được lên Paris, lão tưởng tượng được nếu được đánh đàn một lần ở nhà thờ Notre-Dame chắc lão sẽ điên lên vì sung sướng. Nhưng Paris, trời ơi Paris chỉ có một Notre-Dame mà bao nhiêu nhân tài đang chờ đợi, ai cần đến lão.
Nhưng nếu mộng là nguồn an ủi giúp con người thêm phấn khởi để sống thì tại sao lão lại không cứ mộng đi. Hơn thế nữa, có khi lão còn dám tưởng tượng đang đánh dương cầm trong một buổi hòa nhạc đặc biệt ở trước mặt bao nhiêu thính giả. Thứ thính giả sành sõi, chọn lọc, thông minh, thứ thính giả biết phân biệt cái Messe en si mineur của Bach nó khác cái Messe en si bémol của Haydn như thế nào. Thứ thính giả biết lơ mơ buồn khi nghe những đoạn adagio của Beethoven, biết im lặng kính cẩn khi nghe Gloria của Mozart, biết gật gù những lúc đáng gật gù và biết vỗ tay chỗ nào phải vỗ tay.
Lão còn thấy chung quanh mình có bao nhiêu nhạc công đang điều khiển các thứ nhạc khí khác, và người nào cũng say mê thành kính như lão. Sau lưng các nhạc công lại còn hai hàng ca công nam nữ, đủ các giọng trầm bổng, lúc thì ồ ạt cất giọng đồng ca hòa trong tiếng đàn ca của lão, lúc thì im phăng phắc để cho một mình lão với các nhạc công khác tấu nhạc.
Có ai hiểu được những giấc mộng của lão…
Và cứ thế lão kéo cuộc sống, lão cần gì phải có nhiều tiền, miễn là đủ mỗi ngày ba bữa ăn để lấy sức ngồi trước cây đàn, không cảm thấy dạ dày cồn cào lên tiếng, thế là sống rồi.
Hơn ba mươi tuổi mà lão chưa hề có ý nghĩ lập gia đình. Các cô gái trong vùng lần lượt bỏ đi lấy chồng cả, lão cũng chẳng tiếc, chính lão đã đàn cho bao nhiêu lễ cưới ở nhà thờ.
Không phải là lão hờ hững hoặc vô duyên nhưng chỉ vì lão trót biết rằng không có người đàn bà nào chịu hy sinh một đôi bí tất mỏng để chồng có thể mua thêm một tập nhạc mới xuất bản. Ngoài ra lại còn phải giày, dép, áo mặc trong, mặc ngoài, phấn son, nước hoa, rồi thêm quà bánh, đi chơi, sinh nhật của vợ, của mẹ vợ v.v…
Mỗi lần lão mới nghĩ đến chưa quá năm phút là đã cảm thấy nhức đầu lên vì những tràng bổn phận. Chưa kể đến cái sự phải hy sinh thì giờ ngồi trước cây đàn để ngồi cạnh bà ấy nghe bà ấy nói những câu vớ vẩn khoe anh, khoe em. Thôi thì đành mặc cho láng giềng thiên hạ muốn nghĩ thế nào thì nghĩ. Đời mỗi người chỉ có thể say mê một thứ, và nghệ thuật nếu quả đã chân thành yêu thì dầu là cây đàn, ngọn bút sắt, bút lông hay sân khấu cũng đòi hỏi rất nhiều, cũng khó tính, tham lam đối với nghệ sĩ giống hệt như người đàn bà đối với chồng. Lão Duy Minh vừa đánh đàn vừa lim dim đôi mắt hấp hem sau cặp kính trắng, cái đầu gật gù theo nhịp của dòng nhạc. Cây đàn cũng già nua như lão. Thỉnh thoảng lão hơi ngước đầu lên để nhìn con nhện, tay vẫn thoăn thoắt lướt trên phím đàn.
Chỉ có con nhện là hiểu tiếng đàn của lão, hai năm nay ngày nào lão đánh đàn là y như con nhện thả tơ xuống lơ lửng trên cây đàn trước mặt lão để lắng nghe. Mấy hôm đầu lão không để ý, hoặc là có nhìn mà không thấy. Khi lão đã ngồi vào đàn thì vũ trụ đâu còn nữa. Nhưng rồi một tuần, hai tuần, ba tuần, một tháng qua, mỗi lần lão đàn độ năm phút là con nhện thả tơ xuống đầu rồi lơ lửng trước cây đàn cho đến lúc lão ngừng phím thì mới kéo tơ lên và lên theo trên trần nhà.
Bây giờ thì lão quen lắm rồi, lão Duy Minh và con nhện đã trở nên một đôi bạn rất thân. Trong lúc mọi người đều xa lánh lão, chê lão già nua cổ lỗ, mỗi lần lão đàn là có tiếng chổi dộng thình thịch ở gác dưới đưa lên, có tiếng hét la, đập cửa.
Cái bọn trẻ ở gác dưới thật là ồn ào, từ độ chúng nó dọn đến thôi thì cả ngày nhảy nhót ca hát, và cái máy hát không ngừng rú lên những bản "rock" giật gân cho chúng nó nhảy.
Có một lần đi qua, lão tò mò đứng lại xem chúng nó đang nhảy, lão có cảm tưởng đang đứng trước một lũ người vừa điên vừa câm, chỉ biết múa men nhảy nhót và thở hồng hộc, nhễ nhại mồ hôi, vì không la hét được nên lại càng phải nhảy múa nhiều hơn, còn đâu những điệu nhảy dịu dàng êm ái mà mỗi một bước chân là một lời thơ.
Chúng nó gọi lão là lão già điên, còn lão thì quả thật là không thể nào hiểu được những cái trống cối chảo vỡ đập chan chát vào tai ấy.
Chỉ mỗi mình con nhện là hiểu lão, từ hai năm nay lão không cảm thấy cô độc nữa, vì lão biết rằng đời có một "người" hiểu lão, một tâm hồn thông cảm với lão. Thế không đủ lắm rồi sao.
Lão biết chỗ con nhện giăng tơ cũng như con nhện biết chỗ lão nằm, chỗ lão ăn, và nhất là chỗ lão sống, cạnh cửa sổ nhìn ra mái nhà láng giềng có mấy cái ống khói xám đen: chỗ đặt cây đàn dương cầm.
Còn gì thú vị hơn đời có một kẻ hiểu mình mà không làm bận rộn mình. Càng ngày Lão Duy Minh càng cảm thấy nặng tình với con nhện. Trước kia mỗi khi ngồi vào đàn là lão đàn lên ngay như tất cả mọi người nhưng từ hơn một năm nay, khi lão thấy rằng con nhện quả thật là kẻ biết yêu nhạc thì lão đâm ra cẩn thận xem con nhện như một người bạn, lại thấy cần phải giảng giải cho con nhện hiểu rõ hơn.
Theo ý lão, muốn tận hưởng âm nhạc thì phải biết thu nhận bằng tâm và phân tích bằng trí mới gọi là biết tận hưởng. Vì thế trước mỗi khi đàn lão Duy Minh ngồi ngước mặt lên trần nhà chỗ con nhện giăng tơ và nói rất khẽ "hôm nay tao đánh cái Sonate en Fa mineur Appasionata của Beethoven, hoặc đây là một đoạn Tedeum của M.A. Charpentier…".
Lão chỉ nói đủ cho con nhện và lão nghe vì lão tin chắc rằng con nhện cũng hiểu như lão đã hiểu. Chỉ những người cô độc mới hiểu nhau, mới tìm đến nhau để yêu nhau như con nhện đã tìm đến lão.
Giá Lão Duy Minh là tín đồ Phật giáo chắc lão sẽ giảng theo thuyết luân hồi mà cho rằng con nhện và lão kiếp trước đã từng có duyên nợ với nhau hoặc đã trót hẹn hò với nhau nên kiếp này, dù mỗi người mang một hình hài khác nhau những vẫn tìm đến nhau để được trọn lời nguyền từ kiếp nào xưa.
Có một đêm lão nằm mơ thấy con nhện biến thành một người đàn ông, già cũng trạc tuổi lão, đến bàn luận về âm nhạc với lão, không biết có phải trong giấc mơ ấy ông bạn nhện già đã nói cho lão biết rằng "khi Beethoven chết người ta đã mổ xác và mổ cả lỗ tai để khám nghiệm. Trong tai chứa đầy một chất nhờn đặc sền sệt, có lẽ vì thế nên lúc sống, mặc dầu nhà nhạc sĩ đã dùng đủ thứ ống loa đặt vào tai cũng vẫn không nghe được gì hơn".
Lão Duy Minh không nhớ rõ đấy là do ông bạn nhện đã nói cho lão biết trong giấc mơ hay là lão đã đọc trong một quyển sách nào từ lâu lắm, có lẽ thuở còn trẻ, một lần sang Bonn đến viếng gian nhà của Beethoven và xem những kỷ vật lúc sinh thời của nhạc sĩ.
Từ độ thôi không đàn nhà thờ vì già yếu, lão dọn về sống thu lại trên một căn gác nhỏ ở từng thứ sáu. Cái nhà trước của mẹ lão để lại, lão đã bán theo lối đợi chết. Người ta trả cho lão một số tiền đầu và mỗi tháng một số tiền nhỏ, lão chóng chết thì người ta mừng, lão kéo dài tuổi thọ thì người ta phải chịu khó đợi. Nhờ thế lão mới có tiền để đổi căn gác xép và thuê chở cái đàn dương cầm quý báu nhất lên từng thứ sáu.
Mỗi ngày lão Duy Minh thức giấc vào lối sáu giờ sáng nhưng ngại rét, vả lại dậy sớm cũng chẳng làm gì được, lão nằm trên giường mãi đến tám giờ hơn, đợi cho bọn trẻ ra khỏi nhà lão mới có thể yên ổn mà đánh đàn. Lũ chúng nó có ba đứa, hai thằng con trai trạc hai mươi và một đứa con gái cũng vào tuổi ấy.
Không ai biết chúng nó làm ăn gì mà đêm nào cũng đi chơi đến hai, ba giờ khuya mới về, có khi về cũng còn hát hỏng, cười nói ầm ĩ. Ngày thứ bảy, chủ nhật bạn bè chúng nó kéo đến hằng chục đứa, nhảy nhót, ăn uống ầm cả lên, xem như không còn ai đáng kể. Đứa nào cũng chỉ thấy mặc có mỗi một chiếc quần vải xanh bạc màu may sát người và cái áo len màu thẫm, cao cổ rộng thùng thình như bơi ở bên trong.
Cố nhiên là chúng nó rất ghét lão vì tính lão lầm lì và nhất là ngày nào cũng bắt chúng nó phải chịu đựng mấy tiếng đồng hồ âm nhạc cổ điển. Mỗi khi lão đàn là thế nào cũng có sự cãi cọ chửi xuống chửi lên léo xéo điếc cả tai láng giềng.
May mà đời lão còn có con nhện để an ủi, nếu không thì sự cô độc sẽ trĩu nặng xuống tâm hồn lão đến thế nào. Lúc nào cảm thấy lòng hoang vắng quá, lão Duy Minh chỉ việc ngồi vào đàn dạo lên mấy khúc là con nhện thả tơ xuống nhẹ nhàng lắng nghe và lòng lão trở lại ấm cúng vì có nhạc, có "người" hiểu nhạc, có "người" hiểu mình.
Sáng nay cũng như mọi buổi sáng chủ nhật khác, lão Duy Minh thức dậy, ăn sáng xong mới bắt đầu ngồi vào đàn dạo một khúc để gặp tri âm rồi mới yên lòng vác cái giỏ xuống đường mua thức ăn. Trước khi ra khỏi phòng, lão không quên tự nhắc "phải nhớ khóa hai vòng cửa". Lão chỉ sợ bọn trẻ thừa lúc lão đi vắng mà lên phá phách, chứ thực ra nghèo như lão, có gì đâu mà đáng lo.
Lão Duy Minh ăn ít nên rất dễ mua, ngày nào cũng chỉ có sữa, phó mát, khoai tây hoặc rau cải, thỉnh thoảng mới có một miếng thịt bò, hoặc con cá vào ngày thứ sáu. Giá con nhện mà ăn được thịt, uống được rượu chắc lão sẽ không bao giờ tiếc và mỗi bữa ăn sẽ đậm đà thi vị biết mấy.
Lắm khi nghĩ lẩn thẩn, lão tự hứa rằng nếu lão chết thì cây đàn sẽ chỉ để lại cho con nhện mà thôi. Lão Duy Minh vừa lên gác thứ ba thì bỗng giật mình vì nghe như có tiếng đàn dương cầm vọng xuống ở đâu đây. Lão vẫn chậm chạp bước vì tim lão rất yếu nên không dám bước nhanh mỗi khi lên cầu thang.
Vừa bước vừa lắng nghe, lão vẫn chưa nhận được ra tiếng đàn từ đâu đến. Bỗng tiếng đàn ngừng bặt, thay vào bằng một tiếng hét và tiếng đập phá từ trên đưa xuống.
Thôi rồi, bọn trẻ lên phòng lão, bây giờ lão mới nhớ ra, lúc nãy đi xuống lão đã quên khóa cửa. Người lão Duy Minh run rẩy, hai tay vịn chặt lấy cầu thang, lão ngước nhìn lên. Bọn trẻ đang từ trên phòng lão kéo nhau xuống cả ba đứa, mặt đứa con gái còn tái xanh, hai thằng con trai trông thấy lão hơi có vẻ lúng túng, một thằng lên tiếng trước:
- Này, chúng tôi cứu ông già đấy nhé, không có chúng tôi lên phòng ông thì hôm nay ông chết rồi, con nhện to bằng ngón chân cái thế này, nó mà cắn cho một cái là bỏ mạng…
Lão Duy Minh quên cả tức giận vì bọn trẻ dám lên phòng lão lúc lão đi vắng. Lão run rẩy hỏi lại:
- Thế nó đi đâu rồi?
- Nó nào?
- Con nhện của tôi…
- Đã bảo chúng tôi cứu ông mà lại, đập mãi nó mới chết đấy. Trông kìa, mặt cô Át-Nhi còn tái xanh, cô ấy đang ngồi bấm thử lên phím đàn…
Lão Duy Minh không nghe thêm nữa, cổ lão nghẹn tức như có bàn tay ai đang chắn ngang, lão vội vàng bước lên trong khi bọn trẻ ngơ ngác bảo nhau: "Lão già này điên đến cùng độ, gọi cảnh sát vào mang đến nhà thương điên là vừa."
Lão Duy Minh bước vào phòng, vứt vội cái giỏ xuống đất, rơm rớm nước mắt nhìn xuống xác con nhện bị đạp nát bét ở dưới sàn nhà, chất nước vàng nhờn ra chung quanh, nhưng bỗng một tia hy vọng mỏng manh đến với lão, biết đâu đây chẳng là một con nhện khác, vì con nhện của lão chỉ thích âm nhạc cổ điển thôi mà…
Tuy tinh thần đã kích thích đến cực độ mà lão vẫn còn cố gắng ngồi trước cây đàn dạo lên một khúc, đợi xem con nhện có thả tơ xuống chăng. Lão đánh bản Pathétique là bản nhạc mà lão vẫn có cảm tưởng là con nhện thích nhất, vì mỗi lần lão đánh bản ấy thì hình như những làn tơ của con nhện có thả xuống gần hơn tí nữa.
Nhưng lão Duy Minh đàn mãi, lão cố lấy hết tinh thần muốn đàn cho thật hay, đôi bàn tay run run trên phím tơ, mặt lão ngước lên trần nhà chờ một hình ảnh thân yêu, hai dòng nước mắt chảy dài xuống, ướt cả đôi tay, ướt cả phím đàn, trông lão giống hệt một người điên. Không hề có một sợi tơ nào đang thả xuống. Đàn cho ai nữa!
Ba ngày sau, không nghe tiếng đàn vọng xuống như lệ thường, người gác nhà ngờ vực lên mở phòng thì thấy người lão Duy Minh đã cứng đờ và lạnh ngắt ngồi gục xuống cây đàn, tay còn nắm chặt xác con nhện.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.166.174 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập