Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Văn học Phật giáo »» Xem đối chiếu Anh Việt: LỜI GIỚI THIỆU sách Chỉ Nam Thiền Tập »»

Văn học Phật giáo
»» Xem đối chiếu Anh Việt: LỜI GIỚI THIỆU sách Chỉ Nam Thiền Tập

Donate

(Lượt xem: 4.614)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

LỜI GIỚI THIỆU sách Chỉ Nam Thiền Tập

Thân gởi các bạn trẻ

Khi tâm mình lo lắng hoặc phiền giận, tư duy mình thường không được chính xác và mình có thể đi đến những quyết định mà sau này mình hối tiếc. Thiền tập giúp cho mình lắng xuống, để mình có đủ thảnh thơi và sáng suốt. Vì vậy tôi xin mời các bạn mỗi ngày thực tập theo những chỉ dẫn mà tôi hiến tặng sau đây trong tập “Chỉ nam Thiền tập - dành cho người trẻ”.

Thiền tập có công năng nuôi dưỡng, trị liệu, chuyển hóa, đối trị với sự căng thẳng, lo lắng, buồn phiền, sợ hãi, đem lại được niềm vui sống và giúp phục hồi được truyền thông giữa ta với những người khác. Ta có thể tập thiền một mình hay với một đoàn thể. Thực tập trong một đoàn thể giúp ta có cơ hội thừa hưởng được năng lượng tập thể. Năng lượng này nâng đỡ ta, bảo hộ ta, giúp cho ta làm được dễ dàng hơn những gì mà một mình ta thấy khó làm. Những phép thực tập đưa ra trong cuốn chỉ nam này có thể đem lại cho ta những kết quả tốt đẹp trong một thời gian không dài, và nếu ta theo đúng những chỉ dẫn trong sách, ta sẽ an tâm không sợ bất cứ một biến chứng nào.

Thiền trước hết là sự có mặt đích thực của ta trong giây phút hiện tại, ngay tại nơi ta đang có mặt. Trong đời sống hằng ngày, tâm ta thường bị chìm đắm trong quá khứ, hoặc rong ruổi về tương lai, hoặc đang vướng mắc những toan tính, lo âu trong hiện tại, vì vậy tâm và thân không có mặt cho nhau. Thiền là đem tâm trở về với thân, đem tâm trở về với tâm, để giúp ta thiết lập được thân và tâm trong giây phút hiện tại, ý thức được sự có mặt của ta, và những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại trong các lãnh vực thân ta, tâm ta và hoàn cảnh ta. Có mặt trong giây phút hiện tại có nghĩa là đang thực sự sống, và đang tiếp xúc với sự sống trong ta và chung quanh ta.

Nếu tâm ta bị lôi kéo hoặc bởi quá khứ, hoặc bởi tương lai, hoặc bởi những toan tính lo âu hoặc hờn giận thì ta không thực sự đang sống đời sống của ta. Nhà văn Pháp Albert Camus có nói tới những kẻ “sống như một người chết” (vivre comme un mort) [trong tiểu thuyết L’Étranger] là như vậy. Sống có nghĩa là có mặt để tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong ta và chung quanh ta.

Đọc tới đây xin bạn ngồi thẳng lên, và để ý tới thế ngồi thẳng của bạn. Bạn hãy mỉm cười để chứng tỏ là bạn đang có ý thức về cái lưng được ngồi thẳng của bạn. Rồi bạn thở vào một hơi chầm chậm, và duy trì ý thức ấy. Thở ra, bạn cũng duy trì ý thức ấy (bạn đang ngồi thẳng) và mỉm cười trong suốt thời gian của hơi thở ra. Nếu bạn thấy làm như thế là dễ chịu, bạn có thể tiếp tục thêm một phút nữa, và duy trì lưng thẳng, ý thức nụ cười và hơi thở.

Cái khả năng nhận biết cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, đạo Bụt gọi là chánh niệm, gọi tắt là niệm.

Đó là năng lượng đưa tâm trở về lại với thân để thân và tâm hợp nhất (thân tâm nhất như), để thân tâm được thiết lập trong giây phút hiện tại. Ta có thể sử dụng hơi thở, bước chân hay nụ cười để làm phát hiện năng lượng ấy, ý thức ấy. Chánh niệm chính là ý thức ấy. Ý thức bao giờ cũng là ý thức về một cái gì (conscience est toujours conscience de quelque chose), chánh niệm cũng thế. Khi ta để ý tới hơi thở của ta, thì đó là chánh niệm về hơi thở, và hơi thở ấy được gọi là hơi thở có chánh niệm. Khi ta có ý thức về từng bước chân chúng ta đặt trên nền đất, thì đó là chánh niệm về bước chân, và bước chân ấy được gọi là bước chân có chánh niệm. Vì thế thực tập hơi thở có chánh niệm hoặc bước chân có chánh niệm là chế tác năng lượng chánh niệm, và duy trì năng lượng chánh niệm. Chánh niệm còn được duy trì thì tâm còn có mặt với thân, và ta (hành giả, người thực tập) đang có mặt trong giây phút hiện tại và có thể tiếp xúc với những gì đang có mặt trong hiện tại.

Đọc tới đây, bạn có thể ngồi thẳng lại và thực tập vài hơi thở chánh niệm: tôi đang thở vào, và tôi biết là tôi đang thở vào; tôi đang thở ra, và tôi biết tôi đang thở ra. Hoặc: tôi đang thở vào và tôi ý thức được đây là hơi thở vào của tôi, tôi đang thở ra và tôi ý thức được đây là hơi thở ra của tôi. Bạn thở cho tự nhiên, đừng cố gắng gò ép, thở như thế nào mà bạn cảm thấy dễ chịu trong khi thở. Bạn có thể thực tập: tôi đang thở vào, và thấy trong người khỏe khoắn, tôi đang thở ra và thấy trong người nhẹ nhàng. Bạn thực tập một hoặc hai phút. Thấy khỏe thấy nhẹ thì bạn mỉm cười để nhận diện sự có mặt của cảm giác khỏe và nhẹ ấy.

Kinh Quán Niệm Hơi Thở

Có một kinh gọi là kinh Quán Niệm Hơi Thở, dạy về cách chế tác và duy trì chánh niệm về hơi thở. Chánh niệm do hơi thở chế tác và duy trì có công năng làm lắng dịu hình hài, cảm giác, cảm xúc, đem lại sự buông thư và thảnh thơi cho thân và cho tâm. Chánh niệm lại có công năng nhận diện các tâm hành, nuôi dưỡng những tâm hành tốt như niềm tin yêu, sự tha thứ, lòng bao dung, và chuyển hóa những tâm hành xấu như sự bực bội, lòng ganh ghét, sự giận hờn, v.v… Chánh niệm còn nuôi lớn được sự chú tâm (định lực) giúp chúng ta nhìn sâu vào thực tại và khám phá ra được tính bất sanh bất diệt, không tới không đi, không có không không, không một không khác. Thấy được bản chất của thực tại rồi thì ta được giải thoát, vượt thoát sợ hãi, nghi ngờ, giận hờn và tuyệt vọng. Kinh Quán Niệm Hơi Thở là một châu báu trong nền văn học Phật giáo.

Hơi thở tùy thuộc về thân nhưng được xem như là những cây cầu nối liền với tâm. Để ý tới hơi thở, ta thiết lập được cây cầu, và chỉ trong một giây đồng hồ hay ít hơn, ta đã có thể làm cho thân tâm hợp nhất. Thân tâm hợp nhất đó là nền tảng của thiền. Thân tâm hợp nhất là điều kiện căn bản để ta nắm bắt được giây phút hiện tại. Nghĩa là nhận diện được những gì xảy ra trong giây phút ấy, hoặc ở thân, hoặc ở tâm, hoặc ở hoàn cảnh. Không phải chỉ trong tư thế ngồi thiền ta mới làm được chuyện này. Khi ta giặt áo, tưới rau, lái xe, rửa bát, đi cầu, v.v... ta cũng có thể đặt mình trong trạng thái thân tâm nhất như ấy.

Bạn hãy thử đứng dậy và tập bước đi vài bước trong chánh niệm. Thở vào bạn bước một bước, và ý thức được sự xúc chạm của bàn chân trên sàn gỗ, sàn gạch, hoặc mặt đất. Thở ra, bạn bước một bước nữa, tâm hoàn toàn đặt vào bước chân. Trong khi bước những bước chân như thế, bạn không còn suy nghĩ, vì tâm bạn đang chú trọng vào bước chân và sự xúc chạm của bàn chân với mặt đất. Bạn tập bước như thế nào mà mỗi bước chân của bạn có thể đem lại cho bạn niềm vui và sự thanh thản. Những người trong xã hội bây giờ quá bận rộn: họ đi như chạy, họ đi như bị ma đuổi, họ không có hạnh phúc và thảnh thơi trong từng bước đi. Có thể bạn cũng đã quen là như họ, nhưng bây giờ bạn muốn thay đổi, để mỗi bước chân có thể đem lại niềm vui, sự vững chãi và sự thảnh thơi.

Thiền tổ Lâm Tế nói: bước chân trên mặt đất là thể hiện thần thông (địa hành thần thông). Phép lạ không phải là đi trên than hồng, đi trên mây hoặc đi trên mặt nước. Phép lạ là đi trên mặt đất, đi như một con người tự do, thanh thản, có chủ quyền về đời mình, không bị hoàn cảnh lôi cuốn, không đi như một con người mộng du. Bụt đi như thế hằng ngày, và ta cũng có thể tập đi như thế. Trong khi tập đi, nếu thấy dễ chịu, mầu nhiệm, thảnh thơi, bạn hãy mỉm cười để nhận diện sự dễ chịu ấy, phép thần thông ấy.

Trong kinh Tương Ưng Bộ (S.V. 316) Bụt có nói là khi chưa thành đạo, phép thực tập hơi thở chánh niệm giúp cho thân ngài và hai mắt ngài không mệt mỏi, và giúp cho thân ngài thảnh thơi không vướng bận. Có nhiều kinh trong tạng Hán cũng như trong tạng Pàli dạy về phép quán niệm hơi thở. Bạn có thể tham khảo kinh Một trong Tương Ưng Bộ (S.V. 311), kinh này tuy vắn tắt nhưng có đầy đủ 16 phép thực tập. Trong tạng Hán, bạn có thể tham khảo kinh Tạp A Hàm 803, cũng có nội dung tương đương. Bốn bài tập đều giúp bạn nhận diện hơi thở, theo dõi hơi thở, nhận diện thân thể và buông bỏ sự căng thẳng trong thân thể. Bạn có thể thực tập bốn bài tập này trong bất cứ tư thế nào của thân thể, nằm, ngồi, đi hoặc đứng. Ngồi hoặc nằm thì thực tập dễ hơn. Thực tập bốn bài này, bạn sẽ thấy hơi thở có chánh niệm làm cho thân bạn và mắt bạn hết mệt mỏi, và tâm bạn, vì đang chú ý tới hơi thở và sự buông thư, cũng được nghỉ ngơi và không bị tư duy hoặc lo lắng buồn giận kéo dài.

Xin mời bạn thực tập như sau: ngồi xuống, hoặc trên ghế, hoặc trên một cái gối ngồi, đem tâm ý vào thế ngồi ngay thẳng của mình, mỉm cười, biết mình đang ngồi thẳng.

Đây là bài tập thứ nhất trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở: Thở vào nhè nhẹ, ý thức đây là hơi thở vào. Thở ra, biết rằng đây là hơi thở ra (Làm ba lần).

Đây là bài tập thứ hai: theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra, đừng để cho ý thức ấy gián đoạn. Thở vào nhè nhẹ, theo dõi hơi thở vào từ đầu đến cuối. Đừng để cho ý thức gián đoạn. Ý bám vào hơi thở vào, buông bỏ hết mọi suy tư. Đối tượng của ý bây giờ chỉ là hơi thở vào. Thở ra nhè nhẹ, theo dõi hơi thở ra từ đầu đến cuối. Đối tượng duy nhất của tâm ý là hơi thở ra, đừng để cho ý thức ấy gián đoạn (Làm ba lần).

Nếu bạn cảm thấy khỏe khoắn, dễ chịu và thích thú trong khi thở, đó là một dấu hiệu rất tốt. Với hai bài tập trên, bạn bắt đầu có niệm và có định (định là Samadhi).

Đây là bài tập thứ ba và thứ tư: Thở vào nhè nhẹ, trong khi thở vào nhận diện được hình hài của mình. Thở vào tôi ý thức được sự có mặt của cơ thể tôi. Thở ra, tôi buông bỏ mọi sự căng thẳng trong cơ thể tôi.

Chính nhờ hai bài tập này mà ta có thể buông thư, giúp cho cơ thể buông bỏ những sự căng thẳng, giúp cho cơ thể lắng dịu, nghỉ ngơi. Khi cơ thể có cơ hội lắng dịu và nghỉ ngơi thì cơ thể bắt đầu có khả năng tự trị liệu. Bạn đâu cần đọc tiếp. Mời bạn xếp sách lại và đi thực tập thử đi, trong tư thế nằm hay ngồi. Ngày mai đọc tiếp cũng được.

Có thể là trong lúc này, có những điều không vừa ý đang xảy ra trong gia đình, trong cộng đồng hay trong công việc của bạn. Những điều bất như ý đó đã và đang khiến cho bạn lo lắng và bực bội, làm cho bạn không được nhất tâm trong khi thực tập thiền. Bạn có khuynh hướng muốn nghĩ tới những điều bất như ý ấy, và cứ suy nghĩ phải làm thế nào để giải quyết mọi chuyện để tình trạng có thể chuyển đổi và đi theo ý mình muốn. Những lo lắng, bực bội và suy nghĩ đó làm cho tâm bạn bắt đầu bất an, rối rắm, và làm cho năng lượng của niệm và của định yếu đi. Nếu đó đang là tình trạng của bạn thì bạn phải lập tức nhìn kỹ để thấy được một sự thực: Khi tâm ta bất an, buồn bực và rối rắm thì những suy tư của ta sẽ không sáng suốt và những gì ta làm trên căn bản của sự rối rắm và buồn bực sẽ có thể làm cho tình trạng xấu hơn. Căn bản là ở nơi tâm, và điều quan trọng nhất làm cho tâm an lại. Tâm an lại thì suy tư mới sáng suốt và hành động mới không sai lầm. Vì vậy bạn quyết định buông bỏ những lo lắng, những tính toán, những suy tư ấy để trở về cho tâm an lại. Tâm mình không an, thì mình không có hạnh phúc, dù hoàn cảnh có tốt đẹp và thuận lợi. Phải lo cho tâm trước, đừng vội lo cho cảnh. Tâm an thì ta mới thấy được cảnh rõ ràng và chuyển hóa được hoàn cảnh. Và bạn quyết định: phải làm cho tâm an trước. Mà muốn làm cho tâm an thì sự thực tập là quan trọng nhất. Tâm an rồi, sự bực bội và lo lắng không còn nữa, thì ta đã có hạnh phúc rồi, và ta có thể chấp nhận được hoàn cảnh. Hạnh phúc là tùy tâm chứ không phải là tùy cảnh. Bạn hãy nhắc nhở bạn điều ấy nhiều lần, và bạn có thể đọc lại mỗi ngày đoạn này để thấy cho rõ cái ưu tiên là tâm chứ không phải là cảnh. Và mỗi khi đang thực tập mà những bực bội, lo lắng hay tính toán nổi dậy thì bạn hãy mỉm cười nhận diện chúng và nói: ta lo cho tâm ta trước đã, rồi trở về với sự thực tập.

Lắng Dịu Thân Tâm

Những bài thiền tập mà chúng ta đã nói tới và bạn đã thử đem ra áp dụng đều có mục đích làm lắng dịu thân tâm. Những thực tập này giúp ta không sa vào tình trạng căng thẳng và lo lắng có thể đưa tới bệnh. Nếu có căng thẳng và lo lắng thì sự thực tập giúp ta buông bỏ căng thẳng và lo lắng để cơ thể ta bắt đầu khả năng tự trị liệu. Tâm ta và thân ta đều có khả năng tự trị liệu lấy nếu ta giúp cho thân tâm được lắng dịu trở lại. Những bài tập trên có thể được cả gia đình và cả cộng đồng thực tập chung. Năng lượng tập thể sẽ yểm trợ ta thực tập dễ thành công. Sinh viên và học sinh thực tập để có thể thành công trong việc học tập và thi cử. Cha mẹ thực tập để có thể đối xử với nhau và với con cái một cách hòa ái và nhẹ nhàng. Thầy giáo cô giáo thực tập để tự bảo hộ mình và dạy cho học trò trong lớp cùng thực tập để tất cả đều đạt tới tiến bộ. Nhân viên một hãng xưởng thực tập để có thêm sức khỏe, sự dẻo dai và duy trì được một không khí làm việc dễ chịu.

Nhất Hạnh

Chỉ nam thiền tập (dành cho người trẻ).

NXB Lá Bối, xuất bản lần thứ nhất, San Jose, CA. 2009, tr. 11-29


none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật pháp ứng dụng


Nghệ thuật chết


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Kinh Đại Bát Niết-bàn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.98.111 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...