Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Nhân duyên căn lành (Hóa thành) »»
Trong phẩm Đều Nguyện Thành Phật, Đức Phật Thích Ca cho chúng ta biết trong Hiền Kiếp, Ngài đã từng giáo hóa vô số chúng sanh. Do nhân duyên căn lành của họ trong đời này đã chín mùi, nên khi gặp kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ, tự nhiên từ nơi tận đáy lòng của họ phát sanh mối cảm tình tốt đẹp, ưa thích thọ trì kinh này và niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Thậm chí có người vui sướng quá mức đến nỗi chảy nước mắt đầm đìa hoặc lông tóc dựng đứng. Những người như vậy đều là hàng đệ tử đã từng được Phật giáo dưỡng tu hành trong những đời quá khứ, nay gặp lại cảnh cũ người xưa, tự đáy lòng bổng dưng phát niềm hoan hỷ lớn như vậy.
Nhân duyên mà học trò của Thích Ca Mâu Ni Phật được gặp lại Phật trong kiếp này không phải là chuyện ngẫu nhiên mà là do căn lành của họ đã tích lũy trong đời trước; nay họ gặp lại Phật để kết lại pháp duyên đời trước. Điển hình là Vương tử A Xà Thế và năm trăm vị đại trưởng giả đã từng ở trong vô số kiếp trước theo Phật tu đạo Bồ-tát, và đã từng cúng dường bốn trăm ức Phật, nên đời này mới được gặp lại Phật để tiếp tục theo Phật tu hành, nhờ đó mà căn lành của họ không ngừng tăng trưởng, chẳng bị gián đoạn cho đến khi thành Phật. Cũng giống như thế, mặc dù Đức Phật A Di Đà ở Tây Phương Tịnh độ cách xa thế giới Sa-bà mười muôn ức cõi Phật; thế mà chúng ta ở ngay trong cõi này đều biết đến Ngài và hướng tâm về Ngài, luôn cảm thấy lúc nào Ngài cũng ở bên cạnh mình để che chở, dạy dỗ và khuyến khích mình chăm lo tu hành và ban cho mình những điều an lạc trong Phật pháp. Chẳng lẽ đó không phải là nhân duyên thầy trò từ kiếp trước hay sao?
Trong dòng sinh mệnh tương tục, công đức tu hành tích lũy từ bao đời trước của mình chẳng hề mất đi, khi đủ duyên nó lại hiện ra, lúc ấy chúng ta gặp lại cảnh cũ người xưa, khiến căn lành đời trước bộc pháp, giúp sự học Phật và tu hành được thăng hoa tiến nhanh. Nếu không gặp lại cảnh cũ người xưa thì đành phải lập nghiệp lại từ chỗ mới, tức là phải làm lại từ đầu, bỏ mất đi những gì mình đã tích lũy được từ trong các đời trước. Việc Vương tử A Xà Thế và năm trăm vị đại trưởng giả gặp lại thầy cũ Thích Ca Mâu Ni Phật để được nghe Phật thuyết kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ chính là gặp lại cảnh cũ người xưa. Nhờ căn lành đó mà họ được Phật thọ ký đời sau sẽ thành Phật. Nay, chúng ta gặp lại kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ cũng chính là gặp lại cảnh cũ người xưa, để tiếp tục được nghe những lời chỉ dạy đúng pháp tu hành của A Di Đà Phật.
Bởi do hoàn cảnh nhân duyên, phước đức và trí huệ của chúng ta không sánh bằng đại chúng trong pháp hội Vô Lượng Thọ vào thời ấy, nên Phật thị hiện để dạy dỗ chúng ta bằng phương tiện khác, không giống như họ. Tức là tuy chúng ta không được chính tai nghe, mắt thấy Đức Phật thuyết kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, nhưng chúng ta được gặp kinh này và được nghe thầy hay thiện trí thức diễn giảng kinh này. Thật thà mà nói, vấn đề quan trọng không phải là nghe thấy ai giảng kinh mà là có thật sự hiểu kinh và có biết cách áp dụng kinh trong cuộc sống bình thường hay không? Nếu chúng ta không hiểu kinh và biết cách áp dụng kinh, thì dù có tai nghe, mắt thấy nhưng cũng chỉ là vô dụng; còn nếu như chúng ta thật hiểu kinh và biết cách áp dụng kinh thì sẽ có thể từ nơi cuộc sống bình thường mà nhận ra nguyên nhân gây ra chướng ngại của mình trong những mối quan hệ giữa mình, người và hoàn cảnh nhân duyên, và biết cách điều chỉnh, sửa đổi trở lại, làm cho nó được hài hòa, tốt đẹp hơn. Do đó, nếu việc tu đạo giải thoát mà không liễu nghĩa kinh thì rất khó thể thành tựu.
Trong Phẩm Hóa Thành Dụ của kinh Pháp Hoa, Đức Phật đưa ra thí dụ Hóa Thành như sau: “Ví như có kho tàng châu báu cách xa năm trăm do tuần, đi đến đó rất khó. Có một người sẵn sàng dẫn đường, ai chịu cực đi theo sẽ lấy được của quý, trở thành giàu có. Mọi người nghe ham, liền theo đạo sư, đi một lúc thấy đường khó, nguy hiểm, họ sợ và muốn trở về. Đạo sư liền dùng thần thông biến hóa, tạo ra một cái thành và khuyên họ nên vào đó nghỉ chân, nếu đi ngược trở về sẽ uổng công vì đã đi được nửa đường rồi. Sau khi đoàn người hết mệt, Đạo sư diệt Hóa Thành và cho biết nhà này do ông tạm biến hóa ra để nghỉ dưỡng sức, mọi người hãy nên tiếp tục đi đến kho báu.”
Nghe sơ qua câu chuyện thí dụ trên, tưởng chừng như rất đơn giản dưới con mắt người thường. Nhưng đối với người có nhân duyên căn lành hiểu kinh Pháp Hoa thì nhận thấy không phải Phật chỉ nói có chừng ấy. Trong các kinh, Đức Phật thường khuyên chúng ta phải siêng năng đọc tụng kinh điển Đại thừa, phải tư duy quán chiếu nghĩa lý sâu xa lời kinh Phật dạy, phải suy nghĩ cho chín chắn về nhân quả thiện ác, làm lành tất được phước, làm ác ắt phải lãnh quả báo khổ đau. Người thật sự áp dụng Phật pháp trong cuộc sống tu hành thì mới ngộ ra được lẽ thật, mới có thể trưởng thành trên con đường tu đạo giải thoát. Thế nhưng, trên con đường tu hành, chúng ta phải trải qua rất nhiều gian nan hiểm trở, nào là nghiệp chướng do mình tạo ra trong quá khứ, nào là thiên ma phá hoại v.v... Nếu chúng ta không có Phật gia hộ thì có lúc nhẫn không nổi nữa, phải đành bỏ cuộc. Phật biết rõ điều này, nên Ngài dạy chúng ta phải biết tùy duyên, tùy đối tượng và tùy chỗ hành đạo mà uyển chuyển thay đổi một cách sáng suốt thì mới có thể tu hành trong an lạc và mau chóng thăng tiến. Đồng thời, Phật cũng tùy sức tu và trí tuệ của mỗi chúng sanh mà nói ra các pháp không giống nhau để mỗi người có được lợi ích thật sự. Do vậy, Phật pháp không bao giờ lúc nào cũng giống nhau, hay nói cách khác Hóa Thành mà Phật ban cho mỗi người cũng không hoàn toàn giống nhau.
Thiết nghĩ, tự mình tu để đắc đạo chắc chắn sẽ rất khó khăn. Ai thật sự tu thì mới nhận ra được điều này. Người chẳng thật tu hành thì cứ tưởng vãng sanh là chuyện dễ lắm, nên thường hay hời hợt trong việc học Phật, nghe pháp và niệm Phật. Chúng ta phải biết, phàm phu chúng ta vốn đầy rẫy nghiệp chướng trần lao mà lại còn thường luôn khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, nên việc tự mình nỗ lực tu hành rất khó vươn lên nổi. Quanh năm suốt tháng, cuối đời cùng kiếp, chúng ta chỉ biết bôn ba, vất vả, lo toan gỡ rối cho cuộc sống bình thường cho được yên ổn, còn đối với việc liễu sanh tử thì hoàn toàn là bất lực, vẫn chưa thật sự nắm chắc được phần vãng sanh. Chúng ta từ nhỏ đến lớn cố gắng học hành, mong muốn đỗ đạt thành danh; đến lúc trưởng thành thì lại bận bịu với công ăn việc làm, danh văn lợi dưỡng, gia đình, xả hội v.v... Chúng ta chưa bao giờ có được những ngày tháng yên ổn để thật sự buông xả vạn duyên, nỗ lực học Phật và tu hành một cách nghiêm túc, nên việc liễu sanh tử không phải là chuyện dễ dàng. Ngay đối với những việc chúng ta thấy được bằng mắt, nghe được bằng tai mà vẫn còn bị sai lầm, thì đối với pháp buông xả vạn duyên, gỡ bỏ phiền não, đi sâu vào thế giới tâm linh để hành Bồ-tát đạo là việc muôn phần khó khăn hơn nữa.
Ấn Quang Tổ sư dạy mọi người phải nên tu pháp môn Niệm Phật, phải niệm Phật như đứa con nít thường kêu “mẹ, mẹ, mẹ...” Đứa trẻ con gọi mẹ một cách khao khát, vô tư; trong lòng nó chẳng có một ý niệm nào khác ngoài tiếng “mẹ.” Nó gọi mẹ với tấm lòng như thế mãi cho đến khi gặp mẹ, được mẹ bế trên tay mới thôi. Chúng ta niệm Phật cũng giống như vậy, phải niệm niệm cho đến khi được thấy Phật A Di Đà đến thọ ký hoặc tiếp dẫn vãng sanh thì mới thôi. Nhưng, chúng ta phải niệm cho đến khi nào mới gặp được Phật A Di Đà? Khi nào chúng ta niệm đến nhất tâm, tức là tâm mình hoàn toàn thanh tịnh, một câu niệm Phật là một tiếng tâm, tâm Phật luôn ở trong tâm mình, tâm mình lúc nào cũng an trú trong tâm Phật, không còn khởi lên một ý niệm nào khác ngoài câu niệm Phật, thì khi ấy sẽ thấy Phật A Di Đà đến thọ ký vãng sanh; lúc này mình mới thật sự biết là mình chắc chắn sẽ được vãng sanh. Nói cách khác, ngày nào mình chưa niệm Phật đến nhất tâm, thì chưa thấy Phật đến thọ ký vãng sanh và chưa chắc chắn được vãng sanh, vẫn còn phải nỗ lực tu hành hơn nữa để chuyển hóa thân tâm. Khi nào thân tâm của mình được chuyển hóa rồi, thì khi ấy cảnh giới mới theo cái tâm đó mà chuyển.
Phật bảo, tất cả những điều chúng sanh hiểu biết bằng suy nghĩ, tất cả những gì chúng sanh làm trên hành vi, đều chỉ tạo thêm phiền não; càng biết nhiều, làm nhiều càng tăng thêm khổ não. Bằng chứng cụ thể là Ngài Xá Lợi Phất, vị đệ tử có trí tuệ bậc nhất của Phật, lúc chưa gặp Phật, phải tự mình tu hành tìm đạo giải thoát, đã từng than thở rằng: “Tu hành phiền não không hết mà nghiệp chướng lại càng tăng thêm.” Thiết nghĩ, chúng ta có lẽ cũng đã tu hành nhiều đời nhiều kiếp, nhưng mãi đến nay vẫn chưa thành tựu được gì cả; thậm chí có người càng tu càng sanh thêm phiền não, tham, sân, si, mạn. Do vậy, Phật dạy chúng ta phải luôn niệm A Di Đà Phật để phước sanh, tội diệt, mới hòng sớm bắt gặp được nguồn đạo chân chánh mà phát sanh Phật trí; bởi lẽ chỉ có Phật trí mới có thể phá tan mọi vô minh phiền não và tội chướng. Chí thành niệm Phật không gián đoạn chính là tâm tâm thường luôn an trú trong Hóa Thành của A Di Đà Phật, do nhờ nương vào oai thần gia trì của Phật mà tránh được mọi khổ ách trong thế gian cho đến khi vãng sanh Cực Lạc.
Hiện nay, chúng ta đang sống trong cuộc đời tràn đầy ân oán, hận thù, tranh chấp và đau khổ. Chúng ta rất muốn xa lánh cuộc đời, bước vào đạo Phật để nhận được tình thương, bao dung che chở của chư Phật, vì chỉ có Phật mới có đủ khả năng dìu dắt chúng ta vượt qua bao nỗi phiền muộn, hận sầu và chướng ngại, được sống an vui trong chánh niệm cho đến khi vãng sanh Cực Lạc. Phật chính là Hóa Thành, là ruộng phước tối thắng để chúng ta nương tựa! Phàm phu chúng ta còn đang bị năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) chi phối, làm mê mờ tâm trí; nên những kiến giải và ý niệm của con người đều chẳng phải là chánh niệm, đều là hư tình giả ý, chẳng đáng tin. Chỉ có lời nói của Phật mới là chân như thật ngữ mà tất cả thế gian đều phải tin tưởng mà nương theo đó tu hành. Ngay cả chư vị A-la-hán và Bồ-tát cũng phải nương vào giáo pháp của Như Lai mới có thể giữ vững niềm tin và sự bình ổn tự tại. Vì thế, kinh Vô Lượng Thọ lấy vua A Xà Thế và năm trăm vị trưởng giả làm tiêu biểu để nhắc nhở chúng sanh rằng: Các vị hiền đức ấy đều là những bậc phước trí vô song, lại được sống trong thời Chánh pháp, thân cận bên Phật; thế mà họ vẫn phải thường luôn nghe kinh pháp chưa bao giờ biết chán đủ. Nếu chúng ta sống trong thời Mạt pháp, ma cường pháp nhược, mà lại phế bỏ kinh Phật, thì hậu hoạn xảy ra sẽ không thể lường nổi.
Nếu ai phát được niềm tin chân thật, lòng hoan hỷ lớn đối với kinh Vô Lượng Thọ, hoàn toàn hướng về sự giáo hóa của A Di Đà Phật, thì phải tuyệt đối tin tưởng và ghi nhớ không quên lời Phật dạy trong kinh, để có thể tu hành cho đúng đắn, chẳng bị rơi vào tà pháp, thì chắc chắn hết đời này sẽ được gặp Phật, vãng sanh Cực Lạc. Người tu hành như thế mới là người biết nương tựa Phật; do nhờ Phật lực gia trì mà có thể ở trong đời này vượt qua tất cả những con đường gian nan hiểm ác trong tam giới, an ổn tự tại sống trong Hóa Thành của A Di Đà Phật tu hành cho đến khi vãng sanh. Người siêng năng học kinh điển này sẽ mau chóng tăng trưởng sự hiểu biết và niềm tin vững chắc nơi Phật A Di Đà; tất nhiên họ sẽ nhận được sự gia trì của chư Phật và Bồ-tát, trong lòng họ được mọi sự an lạc, bình tĩnh, không sợ hãi trước bất cứ chướng ngại nào. Đây là điều tối cực quan trọng và cần thiết trong việc tu đạo Phật. Nếu người tu hành không hiểu rõ pháp môn mình tu thì sẽ không có đủ đức tin nơi Phật, lúc gặp hoàn cảnh khó khăn, khổ đau, đa số là bỏ cuộc nữa chừng, rồi bị rơi trở vào trong luân hồi sanh tử.
Trong phẩm Chánh Nhân Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật bảo: “Hễ ai nghe đến kinh điển này, thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường, ngày đêm không ngừng cầu sinh Cực Lạc, phát tâm Bồ-đề, giữ gìn giới cấm vững vàng không phạm, lợi lạc hữu tình, thì Đức Phật A Di Đà Phật sẽ khiến họ được ở trong đó được sống an lạc tu hành. Ngài sẽ dùng oai thần gia trì khiến họ luôn nhớ niệm danh hiệu Ngài và cõi nước của Ngài.” Đấy đã nêu rõ, kinh này chính là Hóa Thành do Phật A Di Đà biến hóa ra để chúng sanh làm chỗ an trú tâm họ trong thường, lạc, ngã, tịnh. Thế nhưng, nếu chúng sanh tham đắm trong Hóa Thành, chẳng chịu chăm lo tu hành thì Phật liền diệt Hóa Thành, tức là Ngài thu lại Niết-bàn tạm thời đó. Khi ấy, tâm họ sẽ bị rớt trở lại vào trong phiền não khổ đau.
Chúng ta hãy quán sát cuộc sống tu hành của mình một cách thực tế thì sẽ thấy rõ điều này, lúc tâm mình hoàn toàn an trụ trong kinh Phật hay trong câu Phật hiệu thì cảm thấy rất an lạc, nhưng khi tâm mình rời Phật thì liền khởi lên vọng tưởng điên đảo, lo sợ đủ điều, chẳng còn cảm thấy sự yên ổn nữa. Điều này chứng minh rằng sự an lạc của mình không phải là do mình tạo ra, mà là do từ Hóa Thành của Phật ban cho. Nếu Niết-bàn ấy quả thực là do chính mình tạo thành thì tại sao nó chẳng thường trụ, lúc được lúc mất. Mỗi khi tâm mình nương vào Phật thì được an lạc, nhưng khi rời Phật thì liền khởi lên vọng tưởng phiền não, nên đây chẳng phải là Niết-bàn thật sự mà chỉ là Hóa Thành tạm thời mà thôi. Mỗi khi mình mỏi gối chồn chân, không cầu tiến bộ nữa, tham đắm trong Hóa Thành, chẳng chịu tiếp tục tu hành, Phật liền diệt Hóa Thành, nên chúng ta cảm thấy cuộc đời tu hành của mình có lúc an lành bằng phẳng và có lúc đầy dẫy gian nan hoạn nạn.
Đối với các bậc chân tu có đạo hạnh, nghị lực và sức định-tuệ kiên cố, họ biết rõ Hóa Thành trong cõi Sa-bà chỉ là tạm bợ, nên sự thọ dụng trong Hóa Thành không bao giờ ngăn cản được bước tiến tu của họ. Họ có thể sống trong Hóa Thành, thụ hưởng mọi sự vui sướng mà chẳng hề bị tham đắm và chấp thủ, nên họ có thể an nhiên tự tại, thanh thản tu hành. Thật thà mà nói, dù các bậc chân tu có đạo hạnh ở trong hay Hóa Thành hay ở ngoài Hóa Thành, các Ngài đều có thể lướt qua mọi cám dỗ và chướng ngại một cách nhẹ nhàng, nên các Ngài mới nổi tiếng, danh thơm lan truyền. Còn chúng ta thì không làm được như vậy, lúc nào chúng ta cũng muốn được ấp ủ trong sự an lạc của Hóa Thành, nên khó thể lớn mạnh trong sự tu hành. Vì lẽ đó, có lúc Phật hiện Hóa Thành cho chúng ta tạm thời dừng chân an trú, có lúc Phật phải diệt Hóa Thành để khiến chúng ta thức tỉnh mà tiếp tục phấn đấu tu hành. Thế nê, chúng ta phải biết, Hóa Thành trong cõi Sa-bà chỉ cần thiết trong lúc người tu hành cần phải nghĩ ngơi mà thôi, chớ nó không phải là Hóa Thành thường, lạc, ngã, tịnh thật sự như Hóa Thành trong cõi Tây Phương Cực Lạc. Nếu hành nhân chỉ muốn tạm thời ở trong Hóa Thành để dưỡng sức, chuẩn bị tiếp tục đi lên thì việc Phật diệt Hóa Thành không có vấn đề gì; nhưng nếu hành nhân muốn ở luôn trong Hóa Thành để hưởng thụ thì khi mất Hóa Thành, sẽ cảm thấy rất bơ vơ, bỡ ngỡ và khiếp sợ, không dám tiến tu nữa.
Phẩm Như Nghèo Đặng Của Báu ghi: “Ở chỗ Phật hành, nước thành tụ lạc, đều được giáo hóa. Thiên hạ hòa thuận, trời trăng trong sáng, mưa gió thuận thời, tai dịch chẳng khởi, nước thạnh dân an, binh đao chẳng động, trọng sùng nhân đức, chuyên hành lễ giáo, nước không trộm cắp, không có oan uổng, mạnh không hiếp yếu, người người đắc ý.” Ở chỗ nào Phật đến hành đạo thì chỗ ấy biến thành Hóa Thành cho chúng sanh nương tựa mà được hưởng những sự an lạc tạm thời trong đời; nhưng đến khi Phật diệt Hóa Thành để nhập Niết-bàn thì Phật pháp dần dần suy đồi, nên chúng ta ngày nay đối với Phật pháp cảm thấy vô cùng lạc lõng, không còn vững tin nữa.
Thế nhưng, mặc dù Phật thị hiện có nhập Niết-bàn, có diệt Hóa Thành, nhưng thật ra Phật vẫn thường luôn ứng hiện trong thế gian hoặc làm thầy dạy, hoặc làm bạn lành để chúng sanh có chỗ nương tựa. Vậy, Hóa Thành cũng chính là vị thầy hay thiện tri thức hiện thân trong một khoảng thời gian nào đó để chúng ta làm chỗ nương tựa tu hành. Chúng ta do nương nhờ uy đức của thầy dạy và bạn đồng tu mà có nghị lực phấn đấu, tiến tu; nhờ trí huệ của họ trợ giúp mà căn lành của mình được bộc phát, mau chóng phát triển khả năng và trí huệ của riêng mình. Do vậy, thầy và bạn đồng tu cũng chính là Hóa Thành của Phật, là nhân duyên căn lành mà chúng ta gặp được trong đời này. Đời này, chúng ta vẫn còn may mắn được sống trong Hóa Thành của Phật, vẫn có thể tìm thấy một vị thầy hoặc một vị thiện trí thức chân chánh tu hành, nhưng nếu chúng ta sanh tâm biếng nhác, cứ muốn bám víu vào thế tục, chỉ lo mong cầu danh văn lợi dưỡng, không nỗ lực tu hành, để thời gian trôi qua, tuổi đời chồng chất, một khi chẳng còn gặp cơ hội và điều kiện tốt để phát huy tri thức đạo đức nữa, thì chắc chắn sẽ phải bị sa đọa vào hoàn cảnh khổ sở mà tự mình không thể vươn lên nổi.
Tóm lại, với trí tuệ tuyệt vời và tình thương bao la, chư Phật đã sắp xếp rất nhiều Hóa Thành ở khắp mọi nơi trên lộ trình năm trăm do tuần đi đến Bảo sở, hoặc trên lộ trình mười muôn ức cõi Phật dẫn đến Tây Phương Cực Lạc, để cho những người phát nguyện lập chí tiến tu Bồ-tát đạo có chỗ tạm dừng chân nghĩ ngơi, không sanh tâm mệt mỏi, chán ngán trước những chướng ngại của cuộc đời. Nếu chúng ta có niềm tin vững chắc nơi sự gia hộ của đấng đạo sư toàn giác toàn trí, y theo bản đồ tu học mà Ngài đã vạch sẵn trong kinh Vô Lượng Thọ, một đường thẳng tiến, đi suốt qua hết Hóa Thành này tới Hóa Thành khác, cho đến khi vãng sanh Cực Lạc. Những người chuyên tâm tu trì như vậy thì khi tuổi đời của họ càng lớn, tuổi đạo của họ càng cao, họ càng sống lâu thì càng thành tựu đạo nghiệp lớn một cách vững vàng. Đấy là do vì tâm của họ luôn an trú trong kinh Phật, luôn nghĩ nhớ và thực hành theo lời dạy dỗ của Phật, nên họ có đầy đủ sức định huệ, có khả năng bỏ lại phía sau mọi phiền não, si mê của trần thế; nhờ đó mà con đường hiểm ác sanh tử của họ ngày càng được thu ngắn lại cho đến khi họ được vãng sanh Cực Lạc.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.113.189 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập