Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Trụ Huệ Chân Thật »»
Tỳ-kheo Pháp Tạng ở trước đức Thế Gian Tự Tại Vương Phật và đại chúng trong hàng trời người, tuyên nói Bốn Mươi Tám Đại Nguyện sâu rộng của mình xong rồi, liền từ lời thệ nguyện ấy mà khởi lên vô biên diệu hạnh thù thắng. Sau đó, Ngài ở trong vô lượng kiếp an trú tâm mình trong chân thật huệ, gieo trồng các cội đức, giáo hóa vô lượng chúng sanh cùng trụ nơi Phật đạo vô thượng, khiến họ đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phẩm Cây Báu Khắp Nước của kinh Vô Lượng Thọ có câu: “Hoa trái như nhau.” Câu này hàm chứa ý nghĩa là nhân và quả chẳng hề trổ sai chỗ, nhân nào quả nấy tơ hào chẳng sai. Vì thế, chúng ta đặc biệt bàn luận về công đức tu hành của A Di Đà Phật lúc Ngài còn tu nhân hạnh để trang nghiêm cõi Tịnh độ và Tự tâm của Ngài. Rồi chúng ta lại lấy hạnh đức tu hành của Ngài làm mẫu mực để noi theo và soi xét những khuyết điểm và sai lầm của mình, nhằm mục đích chỉnh sửa sự tu hành của mình cho đúng với chánh đạo của Đức Như Lai. Nếu chúng ta có công tu đức vô lậu chân thật đúng theo lời chỉ dạy của Phật trong kinh, một chút cũng không lầm lạc, sai khác thì tất nhiên là sẽ gặt hái được cái quả đức vô lậu không thể nghĩ bàn giống như A Di Đà Phật. Bằng ngược lại, nếu chúng ta tu hành không đúng với chánh pháp mà Phật đã giảng dạy trong kinh thì cái hậu quả gặt hái được chỉ là hư dối, thật là luống uổng công phu.
Trong phẩm Tích Công Dồn Đức của kinh Vô Lượng Thọ, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật nói về công đức trang nghiêm Tịnh độ của A Di Đà Phật như sau: “Này ông A Nan! Tỳ-kheo Pháp Tạng, ở trước Như Lai Thế Tự Tại Vương, và các đại chúng, trong hàng trời người, hoằng thệ nguyện kia, đã phát xong rồi. Trụ huệ chân thật, dũng mãnh tinh tấn. Nhất hướng chuyên chí, trang nghiêm cõi diệu. Sở tu cõi Phật, khai mở rộng lớn. Vượt thắng tuyệt đẹp, dựng lập thường nhiên, không suy không biến.”
Chúng ta thấy, ngay trong câu đầu của phẩm này kinh đã nói ngay “trụ huệ chân thật.” Một câu “trụ huệ chân thật” ngắn gọn này chính là căn bản của hết thảy diệu hạnh, là chánh pháp nhãn của vô lượng thiên nhân. Phẩm Ðức Tuân Phổ Hiền đã nói rõ, Đức Thế Tôn nói ra kinh này nhằm mục đích là để “khai hóa mở bày bờ mé chân thật,” tức là để khai mở Phật trí kiến cho chúng sanh, để chúng sanh có thể phá trừ vô minh, được chân thật huệ. Phẩm Duyên Khởi Đại Giáo cũng nói: “Muốn cứu quần sanh, ban lợi chân thật.” Phẩm này lại nói: “trụ huệ chân thật.” Ba câu nói này tuy từ ngữ có sai khác, nhưng thật ra ý nghĩa chẳng hề sai khác, đều nhằm mục đích chỉ rõ người tu hành Phật đạo thì phải trụ nơi trí tuệ chân thật.
Trong đoạn kinh văn này, Đức Thế Tôn đặc biệt dùng nhân hạnh của Tỳ-kheo Pháp Tạng lúc tu nhân để mở sáng đạo niệm Phật vãng sanh bằng một câu “trụ huệ chân thật,” nhằm mục đích chỉ rõ, người tu đạo Bồ-tát thì phải trụ huệ chân thật; bởi vì chỉ có trí tuệ chân thật mới có thể phá vở thành lũy vô minh phiền não kiên cố để tự cứu mình và cứu người; đấy mới chính là “cái lợi chân thật,” mà cái lợi ích chân thật ấy cũng chính là “trí huệ chân thật.” Vì sao? Bởi vì có “trí huệ chân thật” thì mới có thể dứt hết vô minh, vô minh không còn thì sanh tử tự diệt; đấy lại chính là cái lợi chân thật. Kinh Vô Lượng Thọ là từ trí huệ quang của A Di Đà Như Lai biến hiện ra, nhằm mục đích ban bố cho chúng sanh cái lợi chân thật, mà cái lợi chân thật ấy cũng chính là trí huệ được ẩn chứa trong kinh này. Do đó, người tu pháp môn Tịnh độ nương vào kinh Vô Lượng Thọ để khai mở trí huệ chân thật của Tự tâm, thì đó là “trụ huệ chân thật. “ Kinh này cũng nói, hết thảy hàm linh trong đời tương lai, đều do nương vào Nhất thừa Nguyện Hải của A Di Ðà Phật, sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” mà được độ thoát, thì đó chính là cái lợi chân thật. Hai chữ “chân thật” ở đây có nghĩa là Chân như Thật tướng, mà cội rễ cùng cực của Chân Như Thật Tướng chính là chân thật tế hay bờ mé chân thật. Do vậy, hễ ai biết tùy thuận theo sự giáo hóa của Phật trong kinh Vô Lượng Thọ mà niệm Phật với trí huệ chân thật thì sẽ liền xứng hợp với Chân như Thật tướng.
Chúng ta phải nên biết có ba thứ chân thật nhất; đó là: Chân như Thật tướng, Ðệ Nhất Nghĩa Không và Phật địa Quả đức. Tuy nói là có ba thứ, nhưng thật ra chỉ là một, bởi vì cả ba thứ ấy đều hiển thị chân thật tế. Nay, Phật ban bố cho chúng sanh kinh Vô Lượng Thọ cũng chính là đã trao truyền cho chúng sanh chân thật huệ để chúng sanh đạt được cái lợi ích chân thật. Bởi vì “chân thật huệ” là con mắt dẫn đường, “niệm Phật” là cái chân để đi, “lợi ích chân thật” là vãng sanh Cực Lạc, vĩnh viễn giải thoát ra khỏi sanh tử và tất cả khổ đau trong lục đạo. Cho nên, ba thứ này chẳng thể thiếu một mà có thể thành tựu quả Bồ-đề. Thí dụ, nếu chúng ta muốn đi đến một chỗ nào đó thì phải có con mắt để thấy đường đi, phải có cái chân để đi và phải biết chỗ mình muốn đi đến, thì mới có thể đi đến nơi đến chốn một cách thẳng tắp, không bị lầm lạc. Nay, Phật trao cho chúng sanh đầy đủ cả ba thứ tư lương: Tròng con mắt để thấy đường đi (tức là kinh Vô Lượng Thọ), cái chân để đi (tức là danh hiệu A Di Đà Phật) và địa điểm để đến (tức là Tây Phương Cực Lạc). Nếu chúng ta bỏ mất một trong ba thứ này thì việc vãng sanh Cực Lạc sẽ phải gặp nhiều chướng ngại.
Nếu xét theo Giả đế, quán sát và lý luận để thông suốt Chân tâm Tự tánh chính là hành pháp phương tiện để phát sanh huệ. Nhưng nếu luận theo Thật đế thì thể của Chân tâm vốn tự sáng tỏ, Tự tánh vốn không tăm tối chính là huệ. Nói chung, hiểu rõ bổn tâm, thấy rõ bổn tánh thì mới gọi là chân thật huệ. Như vậy, phàm phu chưa ngộ đạo, thấy tánh phải bắt đầu từ đâu để phát sanh huệ? Kinh này bảo “trụ huệ chân thật, dũng mãnh tinh tấn” là dạy người tu pháp môn Tịnh độ phải nên tâm tâm lưu nhập trong kinh Vô Lượng Thọ để phát sanh chân thật huệ. Vì sao trụ trong kinh Vô Lượng Thọ gọi là trụ chân thật huệ? Bởi vì kinh này phối hợp cả hai thứ Giả đế và Chân đế nhằm khiến cho một phàm phu chưa ngộ đạo, thấy tánh cũng có thể hiểu rõ bổn tâm, thấy rõ bổn tánh của chính mình. Ở trong kinh này, Đức Thế Tôn bảo: “Như Lai đem lòng Ðại Bi vô tận, thương xót ba cõi, thị hiện ra đời, mở sáng Ðạo Giáo, muốn cứu quần sinh, ban lợi chân thật, khó gặp khó thấy, như hoa Ưu đàm, hy hữu xuất hiện.” Vì muốn cứu hết thảy hàm linh trong cửu giới, Đức Như Lai mới thị hiện trong đời để nói ra kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ. Vậy kinh này chính là cái lợi chân thật khó gặp, khó thấy như hoa ưu đàm hy hữu xuất hiện trong đời vậy!
Kinh này xuất hiện trong đời nhằm mục đích khai mở Phật tri kiến cho hết thảy chúng sanh trong cửu giới, giúp cho họ dứt tuyệt các vọng chấp, phân biệt, chấp trước nên gọi là “chân thật.” Như vậy, chân thật chính là Tự tánh thanh tịnh tâm hay còn có những cái tên khác như là: Chân như, Phật tánh, Pháp thân, Như Lai Tạng, Pháp giới, Pháp tánh v.v... Nói theo kinh Thủ Lăng Nghiêm thì kinh này chính là ngón tay của Phật chỉ cho chúng sanh thấy mặt trăng, còn mặt trăng ấy chính là Tự tánh thanh tịnh tâm của mỗi đương nhân. Nói cách khác, kinh Vô Lượng Thọ chính là chân thật huệ, là công dụng chiếu soi bổn thể của vạn pháp để thấy Tự tánh thanh tịnh tâm. Do vậy, chỉ có người niệm Phật với chân thật huệ mới có thể dứt vọng quy chân, mới là người thật thà niệm Phật. Nói vắn tắt, “trụ huệ chân thật” chính là minh tâm kiến tánh, tức là hiểu rõ, thấu triệt bổn thể của vạn pháp, nhờ đó mà tâm mình có thể an trụ Như Như, rồi từ thể tánh Như Như này mà có khả năng khởi lên vô biên diệu dụng. Hơn nữa, chân thật tế là Pháp thân đức, chân thật lợi là Giải thoát đức và chân thật huệ là Bát-nhã đức. Ba điều chân thật này chính là ba đức của Niết-bàn, chẳng ngang, chẳng dọc, chẳng tách rời, chẳng gộp lại, một tức là ba, ba tức là một. Vậy, “trụ huệ chân thật” chính là nhập vào một pháp cú, một pháp cú ấy chính là thanh tịnh cú và cũng chính là Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân.
Người chưa ngộ đạo thấy tánh thì chẳng thể gọi là người thật thà niệm Phật. Thế nhưng, Đức Phật A Di Đà vô cùng từ bi, Ngài phát ra lời nguyện “Mười tất vãng sanh” để cứu vớt những chúng sanh tuy chưa ngộ đạo thấy tánh, nhưng biết phát lồ sám hối, chí tâm tin ưa niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Thật ra mà nói, người thế gian mà biết chân thật sám hối lỗi lầm, biết chân thật niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc lại chính là người có chân thật huệ.
Tỳ-kheo Pháp Tạng dũng mãnh tu hành tinh tấn không gián đoạn, tâm chỉ chuyên nhất không tạp loạn, rồi lại dùng vạn thứ diệu đức tu chứng được, dung hợp lại để trang nghiêm cõi Phật Tịnh độ mầu nhiệm bằng các thứ tinh mỹ tuyệt luân một cách tôn trọng, cung kính, đúng đắn và nghiêm túc nhất; nên kinh bảo là “trang nghiêm cõi diệu.” Trong phẩm Lễ Cúng Nghe Pháp của kinh Vô Lượng Thọ, Phật A Di Ðà bảo các vị Chánh sĩ từ mười phương đến dự pháp hội rằng: “Thông đạt các Pháp tánh. Tất cả Không, Vô ngã. Chuyên cầu Tịnh độ Phật. Ắt thành cõi như thế.” Lời dạy này của Đức Phật Di Đà đã lột trần chánh nhân của pháp môn Tịnh độ chính là “trụ huệ chân thật.” Vì sao? Bởi vì “thông đạt các Pháp tánh. Tất cả Không, Vô ngã. Chuyên cầu Tịnh độ Phật” chính là có được chân thật huệ. Nói cách khác, A Di Đà Phật dạy chúng sanh chuyên cầu Tịnh độ bằng pháp an trú tâm mình trong “tánh không vô ngã” chính là chân thật trang nghiêm cõi nước Tịnh. Vì sao? Vì trong cõi nước Tịnh ấy, chư Bồ-tát độ vô lượng chúng sanh mà không thấy có một chúng sanh nào để độ thì đó mới thật sự là độ sanh. Bồ-tát quán hết thảy các pháp đều là huyễn hóa, nên các Ngài trang nghiêm cõi Phật ly tướng, kiến lập đạo tràng như bóng trăng trong nước, làm Phật sự trong mộng, không luyến không chán, không vui không cầu, cũng không tưởng cầu, không ta không người, không tưởng oán trái, xa lìa nhị biên, khéo khế hợp Trung đạo, viên tu viên chứng, nên trong khoảng khảy ngón tay liền được thành tựu trọn vẹn, hoa quả trổ ra cùng một lúc không sai chỗ. Như vậy, “trụ huệ chân thật và trang nghiêm cõi diệu” chính là cội gốc của Di Ðà đại nguyện và cũng là mấu chốt của Phổ Hiền đại hạnh.
Người tu hành có thấu hiểu được chân thật tế rồi thì mới có thể khởi lên chân thật huệ. Rồi lại do nhờ trụ huệ chân thật nên mới có thể khai hóa, hiển thị chân thật tế. Chân thật tế ví như viên ngọc, chân thật huệ ví như ánh sáng tỏa ra từ viên ngọc rồi lại chiếu ngược lại hiển bày toàn thể viên ngọc. Cũng giống như vậy, trong cõi Cực Lạc, nước, chim, cây cối, mỗi sắc, mỗi hương đều viên minh cụ đức, mỗi thứ đều là viên viên quả hải, đều là từ chân thật tế biến hiện ra, đều là từ chân thật trí huệ của A Di Đà Phật hóa thành, và đồng thời hiển bày trọn vẹn Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân của Đức Như Lai ấy. Do mỗi thứ nơi cõi Cực Lạc đều từ Chân tâm Đại giác, Quả giác Diệu đức của Phật Di Ðà hiển hiện ra, mà mỗi thứ ấy cũng đều là từ Như Lai Trí huệ Đức tướng sẵn có trong Tự tâm của mỗi chúng sanh lưu xuất, nên cái được đức Di Ðà hiển thị thật ra cũng chính là bổn tâm của chúng ta, là của báu trong nhà của chúng ta, chớ chẳng phải là cái gì khác từ bên ngoài mà có được. Do vậy, phát tâm niệm Phật thì phải giống hệt như ánh sáng của viên ngọc chiếu rõ thể tướng của viên ngọc. Nếu ánh sáng của viên ngọc chẳng thể chiếu rõ chính nó thì làm sao có thể chiếu rõ vạn vật xung quanh được chứ?
Pháp môn Niệm Phật thật là thân thiết tự nhiên, chẳng cần tốn nhiều công sức như vậy đó, chớ chẳng phải là những gì xa lạ có thể tìm được ở ngoài tâm mình. Do đấy cho nên pháp môn Tịnh độ mới có khả năng rộng ban bố cho hết thảy chúng sanh cái lợi chân thật. Pháp Tạng Đại sĩ do trụ huệ chân thật để tu cái nhân mầu nhiệm như thế nên mới chứng được cái quả báo mầu nhiệm như thế. Cái quả báo mầu nhiệm ấy chính là pháp môn Tịnh độ được Đức Thế Tôn diễn giải trong kinh này.
Kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Sở tu cõi Phật, khai mở rộng lớn khai mở rộng lớn, vượt thắng tuyệt đẹp.” Cõi Phật được Ngài Pháp Tạng nghiêm tịnh, rộng lớn mênh mông, không có ngằn mé, rốt ráo như hư không, có thể dung chứa được vô tận chúng sanh trong thập phương thế giới vãng sanh về đấy một cách vô hạn lượng. Đấy đều là do vô lượng diệu đức của Đại sĩ Pháp Tạng hợp thành. Chẳng những cõi nước Cực Lạc rộng lớn không có giới hạn có thể dung nhập hết thảy mười phương thế giới, mà cõi ấy lại còn bao gồm hết thảy các sự, các hình tướng, thân sắc, cõi nước, chánh báo, y báo v.v... cực kỳ trang nghiêm, diễm lệ, thâm diệu và tinh vi bậc nhất, không có gì so sánh bằng được nổi, không có gì hơn được nổi, vượt xa hết thảy các cõi Phật khác.
Dựa nơi kinh này, chúng ta thấy có bảy điều thù điệu mà chỉ có Tây Phương Cực Lạc mới có, các cõi Phật phương khác chẳng có, bảy điều này có thể được xem là “thất bảo siêu thắng độc diệu” mà chỉ mình cõi nước Cực Lạc mới có:
· Điều siêu thắng độc diệu thứ nhất: Cực Lạc thế giới là cõi của Tam Thân Quả Phật; tức là trong cõi này hết thảy ba thứ Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân của Phật A Di Đà đồng xuất hiện; khác hơn hẳn các cõi hóa độ khác chỉ có Báo thân thân của Phật xuất hiện.
· Điều siêu thắng độc diệu thứ hai: Phật A Di Ðà là bậc tôn quý nhất trong chư Phật, quang minh của Ngài vượt xa hết thảy chư Phật khác, là vua trong tất cả các quang minh, thọ mạng của Báo thân và Ứng hóa thân của Ngài là vô lượng.
· Điều siêu thắng độc diệu thứ ba: Thánh hiệu A Di Ðà Phật vang danh khắp mười phương. Chư Phật cùng tuyên thuyết, mười phương cùng khen ngợi; cho nên bất luận là phàm hay thánh, hễ ai nghe được danh hiệu này với tâm tin ưa thì chỉ cần mười niệm với tâm thanh tịnh cũng được vãng sanh, mau chóng chứng Bồ-đề. Lại còn do nghe danh phát tâm, nghe danh được phước, nghe danh đắc pháp nhẫn, nghe danh được trụ trong Tam-ma-địa, chứng Bất Thoái Chuyển, công đức vô lượng v.v...
· Điều siêu thắng độc diệu thứ tư: Báo độ là chỗ chỉ có Pháp thân Đại sĩ (chư đại Bồ-tát) mới có thể ở. Thế mà nay Phật A Di Đà lại dùng oai thần gia bị, khiến cho ngũ thừa (người, trời, Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát) đều cùng nhập trong một báo độ; tức là khiến cho phàm phu, Nhị thừa, địa tiền Bồ-tát đều chứng được Báo độ của chư đại Bồ-tát một cách trọn vẹn.
· Điều siêu thắng độc diệu thứ năm: Bất luận là căn cơ nào, trí hay độn, phàm hay thánh, từ các bậc Bồ-tát Đại thừa cho đến các hàng Duyên giác, Thanh văn, thiên, nhân cho đến những người căn khiếm khuyết (mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý không đầy đủ), nữ nhân, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục v.v... Hễ ai nghe được danh hiệu Phật mà phát được lòng tin ưa, một dạ niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, đều ngay trong đời hiện tại đồng được ngồi trên xe trâu trắng lớn, nhanh chóng chuyển thành Như Lai Nhất thừa. Một phen vãng sanh lên cõi ấy rồi, thì ai nấy đều có đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
· Điều siêu thắng độc diệu thứ sáu: Phát Bồ-đề tâm, một dạ chuyên niệm là chánh nhân để vãng sanh, dễ tu, dễ đắc; chẳng luận nam, nữ, già trẻ, trí, ngu, bận, rảnh, ai ai cũng tu được. Thậm chí ngũ nghịch tội trọng, lúc lâm chung bị sự khổ bức bách, tướng địa ngục hiện ra, quán tưởng khó thành, chỉ cần Tín-Nguyện-Trì danh hiệu Phật mười tiếng với tâm hoan hỷ tin ưa cũng được vãng sanh.
· Điều siêu thắng độc diệu thứ bảy: Một khi vãng sanh rồi thì nhanh chóng đắc được quả vị thật cao. Ngay cả ngũ nghịch thập ác, lúc lâm chung, quay đầu sám hối, chỉ cần mười niệm cũng được vãng sanh, chứng ngay địa vị Bất Thoái. Phàm phu chẳng cần phải đoạn nghiệp, đem theo hoặc nghiệp vãng sanh ngang vào trong cõi Cực Lạc, liền thành A-Bệ-Bạt-Trí Bồ-tát, chứng địa vị thật cao ngang hàng với bậc Nhất Sanh Bổ Xứ.
Quả thật do Bốn Mươi Tám Nguyện vô cùng trang nghiêm thanh tịnh và bình đẳng của Phật A Di Đà nên mới có thể khởi lên bảy điều kỳ đặc tinh xảo bậc nhất, siêu việt hơn hết các cõi Phật trong khắp cả mười phương thế giới. Bảy điều kỳ đặc tinh xảo bậc nhất này ví như bảy viên ngọc quý chỉ riêng mình Tây Phương Cực Lạc thế giới mới có. Cho nên, chư Phật mười phương mới đồng thanh nhiệt liệt tôn xưng Phật A Di Đà là đấng Đại Nguyện Vương, là vua trong tất cả chư Phật.
Kinh bảo cõi Cực Lạc “dựng lập thường nhiên, không suy, không biến;” đấy là do vì cái nhân tu đức của A Di Đà Phật được viên mãn tròn đầy, nên cái quả đức ấy cũng được thành lập viên mãn tròn đầy, chẳng bao giờ bị đổi khác, mãi mãi giống như vậy, chẳng có các tướng trạng bị sút kém, giảm bớt, biến hoại. Tức là cõi ấy chẳng hề có tam tai (nước, lửa, gió) phá hoại v.v... Ngược lại, vạn sự vật trong cõi Sa-bà đều thường luôn biến đổi trong từng mỗi sát na, lại thường bị tam tai. Nếu suy xét một cách sâu xa, chúng ta thấy có ba thứ “thường nhiên,” đó là: Bổn tánh thường nhiên, Bất đoạn thường nhiên và Tương tục thường nhiên. Pháp thân Phật là bổn tánh thường trụ, không sanh, không diệt, thường hằng, chẳng hề có biến đổi theo thời gian và không gian, nên Pháp thân Phật còn được gọi là “Bổn tánh thường nhiên.” Báo thân Phật luôn nương theo Pháp thân, nên Báo thân cũng chẳng có gián đoạn, thường luôn hiện hữu để cứu độ chúng sanh, nên Báo thân Phật còn được gọi là “Bất đoạn thường nhiên.” Ứng Thân Phật thường luôn thị hiện ở trong thập phương pháp giới, chẳng hề rời bỏ chúng sanh, hãy ứng thân này mất đi thì ứng thân khác lại hiện ra nữa, cứ thế mà hóa hiện vô cùng tận để giáo hóa và cứu độ chúng sanh, nên Ứng thân Phật còn được gọi là “Tương tục thường nhiên.”
Cũng giống như Tự tánh luôn thường trụ bất động, bất sanh, bất diệt, Tây Phương Cực Lạc thế giới là Vô vi Niết-bàn giới từ Như Lai tạng tâm thanh tịnh biến hiện ra. Chữ “vô vi” ở đây không có nghĩa là không có gì hết, mà nó có nghĩa là toàn thể các thứ trong cõi Cực Lạc, đều là do từ Như Lai diệu tâm, là từ Tự tánh viên minh của A Di Đà Phật biến hiện ra, chẳng phải là do những hạt li ti như điện tử (electron), khoa khắc (quartz) hay trung tử (messon) v.v... hợp thành, nên chúng chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng suy, chẳng biến, lặng lẽ thường trụ như tánh của vô vi. Thể tánh “dựng lập thường nhiên, không suy, không biến” của Cực Lạc thế giới chỉ rõ cho chúng ta biết rằng: Tâm và cõi nước chẳng phải là hai thứ khác nhau; chánh báo như thế nào thì y báo hiện ra như thế đó, nhân quả như nhau chẳng hề sai khác. Hễ tâm tịnh thì cõi nước tịnh, tâm bình thì cõi nước bình, tâm sáng thì cõi nước sáng, tâm trang nghiêm thì cõi nước cũng trang nghiêm v.v... Nói chung, có công tu đức vô tướng thì quả đức vô vi thường nhiên, không suy, không biến sẽ tự nhiên thành tựu, chẳng phải do tạo tác mà có thể được.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.126.51 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập