Hạnh phúc giống như một nụ hôn. Bạn phải chia sẻ với một ai đó mới có thể tận hưởng được nó. (Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.)Bernard Meltzer
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả. (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tánh của chân tâm »»
Trong kinh Pháp Hoa có đoạn nói rằng, nếu có người chê bai, phỉ báng kinh Pháp Hoa thì sẽ bị quả báo là đui, điếc, câm, ngọng, thân hình lỡ loét hôi tanh, miệng thúi, răng xéo v.v... Nếu có người dựa vào hình tướng, ngôn ngữ, danh từ và ý thức để nghe pháp, thì họ có thể hiểu lầm đức Phật Thích Ca nói kinh Pháp Hoa để làm cái bẩy hại chúng sanh mang lấy bệnh tật như thế ấy? Vậy, chúng ta phải giải thích như thế nào mới đúng với Như Lai chân thật nghĩa? Thâm ý của kinh Pháp Hoa là: Người chê bai, phỉ báng kinh Phật thì họ tự mình đoạn diệt nhân duyên của họ với Phật pháp; do đó mà không thấy được con đường dẫn đến giải thoát giác ngộ. Tuy họ có mắt nhìn rất rõ mọi vật xung quanh, nhưng đây chỉ là cái thấy của vô minh, vọng chấp thì có khác gì người đui. Do lỗ tai không được nghe chân lý, không nghe nổi kinh liễu nghĩa thượng thừa của Như Lai thì lỗ tai tuy còn đó, nghe rất rõ, nhưng không chịu nghe lời thiện thì khác gì người bị điếc. Miệng tuy nói nhiều, nói rất hay, nhưng không nói lời thiện, không nói đúng theo chân lý thì khác gì người câm.
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật bảo: “Các ông vẫn còn dùng tâm phan duyên để nghe pháp thì pháp đó chỉ là pháp tướng vướng víu tạm thời, chứ không phải là Pháp tánh. Ví như có người lấy ngón tay chỉ mặt trăng, người trí nương ngón tay để tìm thấy trăng, nhưng nếu cho ngón tay là trăng thì không những bỏ mất mặt trăng mà cũng bỏ mất luôn cả ngón tay nữa. Vì ngón tay mà tưởng là trăng thì cũng không biết thế nào là sáng, thế nào là tối.” Ý của đức Phật là: Nếu chúng ta dùng tâm phân biệt, chấp vào hình tướng, ngôn ngữ, danh từ và ý thức để tiếp nhận Phật pháp thì cái tâm đó chắc chắn không phải là Chân tâm. Pháp âm của Phật tuy có huyền diệu sâu xa, nhưng nó bất quá cũng chỉ giống như là ngón tay chỉ về hướng mặt trăng, chớ nó nào phải là mặt trăng. Nếu chúng ta biết theo hướng của ngón tay đang chỉ mà tìm thấy được mặt trăng thì đó mới chính là do nghe pháp mà chứng ngộ được Chân tâm. Lại nữa, nếu chúng ta dùng tâm phan duyên để nghe pháp thì pháp này vẫn thuộc về tâm sanh diệt theo sở duyên mà thôi, chớ không đạt được pháp thể ly ngôn. Do vậy, nếu chúng ta lấy sự phân biệt pháp âm và tâm phan duyên để nghe pháp, rồi lấy đó làm tâm, thì cũng giống như lữ khách vào quán trọ tạm nghĩ ngơi rồi ra đi, chớ nào phải là ông chủ của quán trọ. Vì sao? Bởi nếu sự phân biệt pháp đúng là Chân tâm thì nó phải thường trụ, sao lại ra đi như lữ khách tạm nghĩ nơi quán trọ?
Tiền trần (thế gian hiện tướng) sanh ra tuy có muôn hình vạn tướng, nhưng hãy có phát sanh thì phải có chỗ trả về. Còn thể tánh “thấy, nghe, hay, biết” của Chân tâm thì thường hằng, do không từ đâu đến nên cũng chẳng phải đi về đâu hết, tức là không có chỗ trả. Nói cách khác, tiền trần là đối tượng có sanh có diệt, có đến có đi, ví như lữ khách tạm trú trong quán trọ, nhưng tánh “thấy, nghe, hay, biết” của Chân tâm thì lúc nào cũng hiện hữu; đó mới chính thật là Chân tâm thường trú. Mặc dù tánh “thấy, nghe, hay, biết” là hiện tượng biểu hiện của Chân tâm, nhưng chúng không phải là Chân tâm; chúng ví như là vành trăng, chớ chẳng phải là toàn thể mặt trăng. Chỉ khi nào chúng sanh nhận thức và thể nhập vào bản thể bất biến của Chân tâm thì mới thấy được toàn vẹn bản thể của Chân tâm. Mà bản thể bất biến của Chân tâm võn vẹn chỉ là cái tánh lẳng lặng, trong sạch, tịnh minh, chẳng bị nhiễm bởi một mảy trần. Bản thể của Chân tâm còn được gọi với cái tên khác là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác.” Nếu chúng ta chịu tư duy quán chiếu một chút thì sẽ thấy rõ, tất cả những ý niệm như: tốt xấu, vui buồn, thương ghét, đố kỵ v.v… cho đến những ý niệm thậm thâm vi tế, chúng đến rồi lại đi như lữ khách tạm nghĩ nơi quán trọ. Còn cái tâm lẳng lặng thường trú, chẳng bị chi phối bởi sự thay đổi của thế giới bên ngoài thì lúc nào cũng có mặt như người chủ quán trọ chẳng đến cũng chẳng đi; cái tâm này mới chính là Chân tâm vĩnh hằng thanh tịnh có sẵn trong tất cả mọi chúng sanh. Vì vậy, tuy ứng thân Phật và thân chúng sanh giống nhau, nhưng chúng sanh sống với tâm phan duyên sanh diệt chạy theo sự vui buồn, hờn giận, hơn thua, phải trái v.v... nên tâm trở nên bất tịnh. Ngược lại, Phật luôn sống với Chân tâm thanh tịnh, lúc nào cũng thường trụ Niết-bàn.
Thế gian hiện tướng tuy rất nhiều, nhưng quy chung cũng không ngoài tám cảnh duyên: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, phi sắc, phi không. Tám duyên này đều có thể trả về chỗ phát sanh ra nó, nên tám duyên đó chẳng phải là Chân tâm mà chỉ là khách trần có đến có đi. Tánh “thấy, nghe, hay, biết” của Chân tâm tuy lẫn lộn trong duyên trần, nhưng lại không phụ thuộc duyên trần, nên tánh ấy thường luôn sáng suốt thanh tịnh. Tuy tánh “thấy, nghe, hay, biết” ấy chưa phải là Chân tâm, nhưng chúng rất cận kề với Chân tâm cũng như vành trăng không thể lìa mặt trăng được, nên đức Phật mới nói: “Rời đối tượng phân biệt mà cái phân biệt vẫn còn thì đó mới thật là tánh của Chân tâm!”
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật hỏi Ngài Văn Thù Bồ-tát: “Này Văn Thù! Nay tôi hỏi ông: Như ông là Văn Thù, có đúng là Văn Thù hay chẳng phải là Văn Thù?” Ngài Văn Thù trả lời: “Đúng vậy, bạch đức Thế Tôn. Chính con là Văn Thù thì không thể nói ‘thật Văn Thù’ được. Vì nếu nói ‘thật Văn Thù’ thì phải nói có ông Văn Thù giả. Song con đã là Văn Thù rồi thì không thể nói ‘thật’ hay ‘không thật’ được.” Ý của Ngài Văn Thù là bản thể của Chân tâm vốn sẵn viên mãn thanh tịnh, vô thượng giác ngộ và sáng suốt nhiệm mầu thì làm gì có “cái phải” và “cái không phải” hay “cái thấy” và “cái bị thấy.” Trong Chân như Thật tướng vốn chẳng có “sắc, không” nên cũng chẳng có “thấy, nghe.” Do đó, nếu đã là Văn Thù thì không thể nói là có Văn Thù thật và Văn Thù giả. Nếu còn thấy có hai ông Văn Thù, tức là còn tâm đối đãi phân biệt thì làm sao có thể gọi là Văn Thù.
Chúng ta nên lưu ý một điều quan trọng trong Phật pháp là: Đức danh “Văn Thù” tượng trưng cho Căn Bản trí hay Chân tâm Tự tánh; cho nên, ở đây, Phật mượn tên “Văn Thù” để khai thị Phật tri kiến rằng: Trong Chân tâm Tự tánh Thanh tịnh Bản nhiên vốn không hề có phân biệt, đối đãi. Chư Phật mười phương và chư đại Bồ-tát thường an trụ trong đại tịch định, tức là luôn sống trong Tự tánh Thanh tịnh Bản nhiên, sống với bản lai diện mục, Chân tâm, Thật tánh, nên trong tâm của các Ngài hoàn toàn không có những ý niệm phân biệt đối đãi như: phải trái, hơn thua, trên dưới, thiện ác, tốt xấu v.v.... Vì thế, các căn và trần cảnh bên ngoài, tức là “cái thấy, nghe” và “cái bị thấy, nghe,” không làm cho tâm của các Ngài bị dao động. Lại nữa, dựa theo nguyên lý bất nhị: “Phiền não tức Bồ-đề, sanh tử tức là Niết-bàn” thì làm gì thật có hai pháp đối đãi khác nhau. Một khi chúng sanh biết hóa giải tất cả những hệ lụy của phiền não trần cấu thì Bồ-đề hiển hiện. Vì sao? Vì phiền não và Bồ-đề là song lập, cùng tồn tại bất khả phân ly, chớ không phải phiền não ở trong tâm còn Bồ-đề ở một nơi nào khác. Chỗ nào có phiền não xuất hiện thì chỗ ấy có Bồ-đề hiện ra. Nói cách, nếu không có phiền não thì cũng không có Bồ-đề và ngược lại cũng là như vậy. Đấy gọi là pháp Bất Nhị hay pháp Không Hai.
Hằng ngày con người dựa theo lục căn để thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm để tự làm cho cuộc đời thêm nhức đầu, phiền não khổ đau. Nhưng nếu nhìn trong khía cạnh khác, lục căn lại giúp cho con người thụ hưởng được những giây phút an vui, thoải mái, tự tại, thì đây chính là mặt khác của lục căn. Thế nhưng, cái vui mà lục căn mang đến chỉ là cái vui giả tạo, không thường hằng, bên trong của những cái vui ấy lại chứa đựng chủng tử sanh ra phiền não. Vì thế khi tâm không còn phân biệt đối đãi, không còn “cái phải” hay “cái không phải” thì tất cả những ý niệm phân biệt đối đãi sẽ hoàn toàn biến mất. Chỉ khi nào con người sống thích nghi với bản thể Nhất chân, tức là một là tất cả và tất cả là một, thì Chân tâm mới có thể hiển bày, Tự tánh mới có thể biểu lộ. Khi tâm thông thì tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu sẽ xuất hiện, thấu rõ cả mười phương thế giới, một mảy bụi, một sợi lông cũng không thiếu sót; cho nên mới nói: “Tâm thông thì vạn pháp đều thông.”
Trên con đường giải thoát giác ngộ, chúng ta phải có nhận thức rõ ràng rằng một khi chúng ta đoạn trừ mọi phiền não để có được tâm thanh tịnh, nhưng nếu chúng ta vẫn chấp vào sự thanh tịnh thì vẫn là còn chấp ngã, chấp pháp. Nếu tâm vẫn còn chấp ngã chấp pháp, thì tâm vẫn còn phân biệt đối đãi nên chưa thể hoàn toàn thanh tịnh và bình đẳng. Các vị A-la-hán tuy đã phá được chấp ngã, nhưng vẫn còn chấp pháp, nên Niết-bàn mà họ có chỉ là tạm thời, kinh Pháp Hoa gọi đó là hóa thành, chớ chưa phải là Vô vi Niết-bàn của chư Phật và đại Bồ-tát.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.247.111 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập