Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu tập Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Một niệm không sanh »»
Phật dạy: “Phật pháp trên thế gian chẳng lìa pháp thế gian. Phật pháp trên thế gian chẳng hoại tướng thế gian.” Phật pháp Đại thừa vô cùng tự tại như thế đấy! Tuy Bồ-tát an trụ trong không tịch, nhưng chẳng hủy hoại giả danh, chẳng hủy hoại giả tướng, cũng chẳng hủy hoại các pháp thế gian, thì mới đúng với ý nghĩa của câu “chẳng nghe mà nghe, nghe nhưng không nghe.” Cớ sao lại nói là chẳng nghe? Nói theo lý: thể là không, tướng là giả, thì lấy đâu ra để nghe? Nhưng nói theo sự thì lại có nghe. Nếu có thể chẳng nghe mà nghe, nghe nhưng không nghe, thì lý và sự mới viên dung, mới chẳng trở ngại lẫn nhau, đạt đến cảnh giới viên cực, diệu cực, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Đây là giáo nghĩa của Đại thừa Chung giáo mà kinh Vô Lượng Thọ đã giảng: “Lấy huệ vô ngại giải pháp Như Như, khéo biết Tập Diệt, phương tiện âm thanh, không vui tiếng đời, thích trong chánh luận, biết tất cả pháp thảy đều không tịch, sinh thân phiền não, tận dứt cả hai”.
Hành nhân do khéo hiểu pháp Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), nên biết vạn pháp đều do các duyên sanh ra. Do duyên sanh nên chẳng có Tự tánh. Duyên sanh là năng hiển, vô Tự tánh là sở hiển. Nếu năng và sở thảy đều không tịnh thì chẳng có hai bên. Do nghe và chẳng nghe là pháp đối đãi hai bên, nên tận dứt cả hai bên chính là chẳng nghe mà cũng chẳng không nghe. Phật nói, người biết nghe như vậy chính là biết khéo dùng âm thanh thế gian làm phương tiện để ngộ nhập Đệ Nhất Nghĩa Không. Nói cách khác, không nghe mà chẳng phải là không nghe thì mới thật sự là rời khỏi hai bên, ngộ nhập Đệ Nhất Nghĩa Không. Do đó, tận dứt cả hai bên nghe và chẳng nghe mới đích thật là ly niệm đốn hiển. Ly niệm là Chân tâm, Chân tâm ly niệm là Nhất tâm, là cảnh giới rất cao mà nhà Phật gọi đó là một niệm không sanh. Lục Tổ Huệ Năng nói: “Vốn chẳng có một vật” cũng chính là nói đến cảnh giới một niệm không sanh. Đây là cảnh giới thiền định rất sâu mà người tu Đại thừa Viên đốn đều phải thực hành trong hết thảy mọi xử sự, đãi người, tiếp vật. Tuy chuyện bên ngoài đều thông hiểu thật hư một cách rõ ràng rành rẽ, nhưng bên trong lại luôn giữ cho định huệ cân bằng, chẳng sanh tâm phân biệt, chấp trước, chẳng nắm giữ ấn tượng, thì đó mới là một niệm không sanh. Chuyện gì cũng biết mà chẳng khởi sanh ý niệm phân biệt chấp trước thì gọi là minh, còn chuyện gì cũng không biết thì gọi là vô minh, chớ chẳng phải là một niệm không sanh.
Trong pháp môn Tịnh độ, người niệm Phật trong bất luận cảnh giới nào cũng chỉ quan tâm một câu A Di Đà Phật, hết thảy những vọng tưởng, tạp niệm khác thảy đều buông xuống hết, thì đó chính là một niệm không sanh. Đây là Phật pháp cao cấp nhất, cũng chính là pháp tu Nhĩ căn Viên thông của Quán Thế Âm Bồ-tát. Như vậy, Đại kinh này nói tận dứt cả hai bên, chính là nói đến pháp tu Song Tịch Song Chiếu của Quán Thế Âm Bồ-tát. Cả hai bên nghe và chẳng nghe đều tận dứt, đều buông xuống hết thì gọi là Song Tịch, nhưng trong tâm lại chỉ giữ một câu Phật hiệu thì gọi là Song Chiếu. Do tịch và chiếu đồng thời nên sức định huệ vô cùng mạnh mẽ, có thể phá trừ hết thảy tàng dư tập khí của vô minh. Ngày nay chúng ta công phu niệm Phật không có công phu đắc lực ấy tuyệt đối chẳng phải vì pháp môn Niệm Phật không hay, mà vì bản thân chúng ta chẳng tu đúng theo sự giáo huấn của Phật được nói trong kinh Vô Lượng Thọ. Lỗi lầm là ở nơi chính mình, chẳng phải do kinh, cũng chẳng phải do Phật, Bồ-tát chẳng giảng giải rõ ràng. Chúng ta đọc kinh, nghe pháp là tu huệ, chúng ta niệm Phật là tu định. Định huệ đều tu cân bằng với nhau thì mới có sức mạnh tiêu diệt vô minh mà ngộ nhập Đệ Nhất Nghĩa Không. Nếu chúng ta đối với Phật chẳng đủ hiếu kính, thì đối với kinh Phật cũng chẳng thể nào hoàn toàn tin tưởng. Do chẳng kính Phật, chẳng trọng pháp, nên chẳng chịu đọc tụng, ghi nhớ kinh và y giáo tu hành, rốt cuộc tự mình gây ra biết bao lỗi lầm. Lỗi lầm chính là do chẳng tu huệ, nên chẳng có cái nhìn thấu suốt để có thể buông hết thảy các thứ thị phi, nhân, ngã, tham, sân, si, mạn xuống. Vậy, chướng ngại bắt đầu từ ở chỗ do chẳng nhìn thấu nên chẳng thể buông xuống! Nếu đã thấu suốt Phật pháp, tất nhiên thị phi, nhân, ngã, tham, sân, si, mạn thảy đều có thể buông xuống được, nhờ đó mà công phu niệm Phật mới được đắc lực.
Thị phi, nhân, ngã là duyên bên ngoài. Tham, sân, si, mạn là duyên bên trong. Hai thứ duyên này đều là giả hợp chẳng thật, bởi vì bản thể của chúng là không. Hết thảy các pháp đều phát sanh bởi các nhân duyên giả hợp, nhưng do chúng ta bị mê hoặc nơi những hiện tượng hư huyễn ấy, tưởng lầm chúng là thật, nên mới bị luân chuyển trong tam đồ. Giống như khi chúng ta đang nằm mộng mà chẳng biết chính mình đang nằm mộng, coi mộng là thật, nên công phu tu hành bị hỏng bét, chẳng thể đắc lực. Ngay cả việc thiện cũng là pháp sanh bởi các nhân duyên, chớ chẳng phải thật. Nếu đối trước việc thiện, sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) chẳng thể tự đoan, chẳng thể giữ chánh niệm, cho đó là thật, thì khác gì người đang nằm mộng mà chẳng biết mình đang nằm mộng. Người sống trong mộng thấy mình làm được rất nhiều việc thiện, nhưng khi tỉnh giấc, tất cả những điều thiện ấy đều chỉ là cảnh mộng chẳng thật. Vì thế, trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật mới nhắc nhở chúng ta: “Nếu gặp việc thiện, trước nhất làm gì? Tâm phải tự đoan, thân phải tự đoan, mắt tai miệng lưỡi, đều phải tự đoan. Thân tâm đều giữ, thanh tịnh trong sạch, cùng thiện tương ưng, đừng theo tham dục, không phạm điều ác, sắc mặt lời nói phải nên nhu hòa, hành thân phải chuyên, cử chỉ ngó nhìn an định từ tốn, làm việc cẩn trọng, sau khỏi hối hận, vì không chân thật, luống uổng công phu.”
Nói theo Đốn giáo, thân tâm thanh tịnh trong sạch chính là Chân tâm, là Bổn tánh, là Lý Nhất tâm Bất loạn. Nếu chúng ta có thể buông tất cả xuống, ngay cả các điều thiện đã làm cũng không giữ trong tâm, thì tập khí trần lao tự nhiên chẳng còn dấy khởi nữa, thân tâm trở nên thanh tịnh trong sạch, an hòa điều thích giống như một vị Tỳ-kheo đắc Diệt Tận Định, thì điều thiện đã làm mới tương ưng với tánh thiện của Chân tâm Bổn tánh. Tỳ-kheo đắc Diệt Tận Định là A-la-hán, là bậc đã thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật, đã đoạn ngã chấp, tuyệt đối chẳng còn chấp trước cái ta nữa, nên thoát ly sanh tử. Thế nhưng, các Ngài vẫn còn pháp chấp nên vẫn chưa thật sự chứng vô sanh. Muốn thật sự chứng vô vanh, thì ngay cả pháp chấp cũng phải phá trừ, mới có thể đắc Pháp thân sanh nhưng chẳng sanh, chẳng sanh mà sanh. Hết thảy chúng sanh trong Lục đạo đều chấp trước có sanh nên gọi là phàm phu. Các bậc A-la-hán chấp trước vô sanh nên gọi là Nhị thừa. Nói cách khác, một đằng chấp trước các hiện tượng và tướng là có nên gọi là phàm phu, một đằng chấp trước tánh không của hiện tượng và tướng là không nên gọi là Nhị thừa. Theo Trung đạo Thật tướng Đệ Nhất Nghĩa, chấp hai bên có hoặc không đều trật cả, phàm phu chúng ta đã sai lầm, mà bậc Nhị thừa cũng chưa hề đúng, vẫn là sai lầm. Sanh và chẳng sanh là một chẳng hai mới đúng với Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Không.
Vì sao trong kinh Đại thừa, Đức Phật lại quở trách các vị A-la-hán và Bích-chi Phật và gọi họ là “tiêu nha bại chủng” (giống mầm hư bại)? Bởi vì họ chấp trước vô vanh mà phải bị đọa trong hầm sâu Niết-bàn, giống như hạt giống bị chôn quá sâu trong lòng đất lâu ngày sẽ bị hư hoại, chẳng thể mọc mầm sanh trưởng. Trong khi đó, Phật khen chư Bồ-tát do có trí huệ chân thật, hiểu rõ cả hai bên đều là cùng một chuyện, sanh và chẳng sanh là một chẳng hai, nên chẳng sanh tâm chấp trước hai bên. Đạo lý là ở chỗ nào? Bởi do thể là thể của tướng, chẳng phải là ngoài tướng mà có thể. Tướng là tướng của thể, chẳng phải là ngoài thể mà có tướng. Giống như vàng và đồ vật làm bằng vàng là một chẳng hai. Nếu dùng vàng làm các đồ vật khác nhau như bàn, ghế, chén, đĩa, đồ trang sức v.v…, thì món đồ vật nào cũng là vàng, chẳng thể nói vàng chẳng phải là đồ vật hay đồ vật chẳng phải là vàng. Cũng giống như vậy, sanh và vô sanh là một chẳng hai, nếu chẳng chấp trước hai bên, thì chính là có trí vô ngại, liễu giải được pháp Như Như, ý nghĩa của Pháp thân bèn hiện tiền. Ý nghĩa của Pháp thân là gì? Pháp thân là chân ngã, là sanh nhưng chẳng sanh, chẳng sanh mà sanh.
Trong pháp môn Tịnh độ, tiếng A Di Đà Phật là sở văn, là trần cảnh được nghe. Lỗ tai là năng văn, là cái nghe tiếng A Di Đà Phật. Phàm phu chúng ta khi nghe tiếng A Di Đà Phật thường phân biệt sở văn và năng văn là hai thứ khác nhau. Chính vì sự phân biệt đối đãi đó mà cái nghe của phàm phu mắc phải lỗi lầm, tạo ra rất nhiều phiền não, nên dù mỗi ngày từ sáng tới tối niệm rất nhiều câu Phật hiệu, nhưng chẳng thể đắc Pháp thân sanh và chẳng sanh. Bồ-tát biết rõ căn và trần đều từ trong Chân như Bổn tánh biến hiện ra, chúng chỉ là một chẳng hai, nên các Ngài chẳng chấp trước hai bên. Nếu tai nghe tiếng A Di Đà Phật và tiếng A Di Đà Phật được nghe bởi lỗ tai chỉ là một không hai, thì năng văn và sở văn là một hay là hai? Tất nhiên, năng văn và sở văn chỉ là một không hai. Nếu dùng Duy Thức để giảng thích thì căn (tánh) là kiến phần của A-lai-da thức, trần (cảnh giới bên ngoài) cũng là tướng phần của A-lai-da thức. Do kiến phần và tướng phần đều cùng biến hiện ra từ một tự chứng phần của A-lai-da thức, nên tánh và tướng đều có cùng một nguồn cội. Quán Thế Âm Bồ-tát do ngộ nhập vào lý thể năng văn và sở văn là một không hai mà đắc Nhĩ căn Viên thông, chứng Pháp thân sanh và chẳng sanh. Nếu hành nhân niệm Phật đến mức tiếng A Di Đà Phật và tai nghe tiếng A Di Đà Phật nhập lại thành một chẳng hai, bèn đắc Lý Nhất tâm Bất loạn, thành tựu pháp Nhĩ căn Viên thông giống như Quán Thế Âm Bồ-tát rồi!
Thế nào là tánh và tướng đều có cùng một nguồn cội? Khoa học hiện đại đã phát triển đến trình độ có thể biến vật chất thành năng lượng. Thí dụ, họ có thể chế biến Uranium thành bôm nguyên tử, điện nguyên tử v.v..., hoặc họ có thể chế biến những đồ vật phế thảy thành khí đốt (Methane) v.v... Thế nhưng, khoa học hiện đại vẫn chưa thể biến năng lượng thành vật chất. Chư Phật, Bồ-tát có khả năng chuyển biến vật chất thành năng lượng và năng lượng thành vật chất để chúng sanh có thể thụ dụng. Cảnh giới thụ dụng tự tại nơi Tây Phương Cực Lạc là do A Di Đà Phật biến hóa từ năng lượng thành vật chất, tất cả vật chất nơi ấy đều từ năng lượng của A Di Đà Phật biến hiện ra. Nhưng năng lượng ấy từ đâu ra? Năng lượng ấy từ tánh của nguồn cội (gọi là Tự tánh) lưu xuất ra. Do có thể biến vật chất thành năng lượng và năng lượng thành vật chất, nên tướng và tánh phải có cùng một nguồn cội. Phật pháp gọi thể chất và năng lượng của vật chất là trần. Trần lại được phân ra làm sáu loại, gọi chung là lục trần, bao gồm: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khoa học ngày nay đã khám phá ra năng lượng của vật chất (sắc), nhưng vẫn chưa tìm ra năng lực của tâm (Phật pháp gọi là tâm năng). Khoa học hiện nay vẫn chưa hiểu vật chất và tâm năng là cùng một nguồn cội, là tương đồng, là một chẳng hai, có thể dung hóa lẫn nhau, biến hóa tự tại, chẳng có chướng ngại gì cả, như trong phẩm Thọ Lạc Vô Cực ghi: “Một mai khai thông triệt sáng, trong tướng tự nhiên, bản nhiên thanh tịnh, ánh sáng vô lượng, dung hóa tự nhiên, chuyển biến tối thắng. Uất Ðơn thành bảy báu, ngang trải thành vạn vật.” Câu “trong tướng tự nhiên” chỉ nguồn cội (Tự tánh). Câu “ánh sáng vô lượng” chỉ tâm năng. Câu “Uất Ðơn thành bảy báu, ngang trải thành vạn vật” chỉ vật chất. Một khi tâm ta khai thông triệt sáng, minh tâm kiến tánh, thì thoát nhiên biết rõ tâm năng và vật chất vốn cùng một nguồn cội, là một không hai, nên có thể biến tâm năng thành vật chất và ngược lại cũng có thể biến vật chất thành tâm năng, một cách tự tại không chướng ngại, nên kinh này ghi: “dung hóa tự nhiên, chuyển biến tối thắng”.
Trong truyện Tây Du Ký viết, Tôn Ngộ Không có bảy mươi hai phép thần thông biến hóa, nhưng thật ra đó chỉ là việc nhỏ mọn mà thôi, không thể nào sánh nổi thần thông đại tự tại có thể dung hóa tự nhiên, chuyển biến tối thắng của chư Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc. Thần thông của chư Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc là đại tự tại, chẳng có chướng ngại, rộng lớn chẳng thể nghĩ bàn, các Ngài có thể biến hóa ra Tam Thiên Đại Thiên thế giới một cách dễ dàng. Vì sao? Vì tâm năng và Tam Thiên Đại Thiên thế giới là tương đồng, là một chẳng hai, nên Bồ-tát có thể từ tâm năng của nguồn cội biến hiện ra Tam Thiên Đại Thiên thế giới. Phàm phu chúng sanh nhìn hiện tượng trước mắt, thấy mọi thứ đều không đồng nhất. Tỷ dụ, chúng ta nhìn các vật dụng làm bằng vàng, thấy hình dạng của chúng không đồng nhất, bèn cho là chúng không có giá trị như nhau. Thử hỏi một pho tượng quỷ La Sát và một pho tượng Bồ-tát có cùng phân lượng vàng ròng và giá trị nghệ thuật, pho tượng nào có giá trị hơn? Đương nhiên là có cùng một giá trị. Tỷ dụ này vô cùng sâu xa, chỉ khi nào chúng ta thật sự ngộ nhập cảnh giới một niệm không sanh, thì chân tướng sự thật mới được tỏ bày. Vì thế, kinh Vô Lượng Thọ mới nói: “Một mai khai thông triệt sáng, trong tướng tự nhiên bản nhiên thanh tịnh, ánh sáng vô lượng, dung hóa tự nhiên, chuyển biến tối thắng. Uất Ðơn thành bảy báu, ngang trải thành vạn vật.”
Trong Phật pháp, chúng ta ai nấy đều được nghe kể: Một tên đồ tể bỏ dao xuống liền thành Phật. Một con rồng cái (Long Nữ trong kinh Pháp Hoa) vừa trao tặng sâu chuổi ngọc quý giá nhất của nó cho Quán Thế Âm Bồ-tát, liền thành Phật v.v… Do đâu mà một gã phàm phu, một con súc sanh tu hành có thể biến thành một vị La Hán, một vị Bồ-tát hay một vị Phật như vậy? Đấy là do gã phàm phu ấy, con súc sanh ấy, vị A-la-hán ấy, vị Bồ-tát ấy và vị Phật ấy đều xuất phát từ một cội nguồn. Nếu nhìn vào tướng trạng bên ngoài thì Phật, Bồ-tát, A-la-hán và chúng sanh quá sức sai biệt, nhưng khi nhìn từ nguồn cội thì Phật, Bồ-tát, A-la-hán và chúng sanh vốn chỉ là một không hai. Chúng ta học Phật là để biết rõ tất cả nguyên lý tu hành đều chỉ căn cứ trên một đạo lý này! Đó là từ nơi tâm năng có thể dung hóa tự nhiên, chuyển biến tối thắng, có thể biến hiện ra muôn hình vạn tượng, có thể biến thành vô lượng thân tướng khác nhau, có thể biến thành một cõi Tây Phương Cực Lạc hay một Tam Thiên Đại Thiên thế giới v.v... Cho nên, kinh này mới nói: “Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc thần trí thông triệt, oai lực tự tại, lòng tay nắm trọn tất cả thế giới”. Đây mới đúng là thần thông đại tự tại của Phật, Bồ-tát mà thần thông của Tôn Ngộ Không chẳng có cách chi sánh bằng. Tôn Ngộ chỉ mới có bảy mươi hai phép thần thông mà đã tự coi mình là Đại Thánh vượt hơn các bậc Thánh. Trong khi đó, Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc thần trí thông triệt, oai lực tự tại, lòng tay nắm trọn tất cả thế giới mà chỉ thấy Phật, Bồ-tát, A-la-hán và chúng sanh chỉ là một không hai.
Khi chúng ta nghe kinh dạy như vậy, chớ nên hiểu lầm tu hành là tu trí huệ, thần thông, đạo lực. Thật ra chẳng phải vậy, bởi vì trí huệ, thần thông và đạo lực vốn là những thứ sẵn trọn đủ trong Chân tâm Tự tánh, chẳng phải do tu mà có được. Vậy rốt cuộc chúng ta tu những gì? Chúng ta chỉ cần sửa đổi lại tâm tánh, trừ khử mọi mê hoặc điên đảo, thì năng lực tự nhiên sẵn có ấy sẽ được khôi phục như kinh Vô Lượng Thọ nói: “Vốn tự xưa nay an trụ thần thông, đắc đạo Nhất thừa, liễu ngộ do đấy, không do gì khác!” Do đó, ngàn muôn phần đừng nên lầm lẫn, ngỡ là ngoài Chân tâm Bổn tánh của mình còn có trí huệ, thần thông, đạo lực nào khác có thể đi tìm cầu từ bên ngoài. Suy tưởng như vậy là mê lầm mất rồi, là biến thành ngoại đạo rồi, chớ đâu phải là giác ngộ Phật pháp! Chúng ta tu hành Phật pháp chân chánh thì phải hiểu ngoài tâm không có pháp, chỉ phải hướng vào trong Tự tánh để cầu hết thảy các pháp, thì mới có thể thành tựu đạo nghiệp. Phật pháp là nội học, nên chỉ phải tu hành nơi Tự tánh. Nếu cầu pháp ngoài tâm thì gọi là ngoại đạo, là hành tà đạo. Nếu nói như vậy, chúng ta niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là hành tà đạo ư? Vâng, có thể nói là hành tà đạo nếu chẳng biết Tây Phương Cực Lạc Thế Giới vốn là do Tự tâm của chính mình biến hiện ra, chớ chẳng phải là thế giới nào khác ngoài tâm mình. Chúng ta học Phật pháp, nhất định phải hiểu rõ đạo lý này nhé! Nếu từ sáng đến tối đều trông ngóng cõi Cực Lạc hiện ra trước con mắt thịt để cho con mắt thịt của mình thấy, thì đó chính là hành tà đạo, chớ chẳng phải là tu pháp môn Tịnh độ. Trong pháp môn Tịnh độ, chúng ta dùng câu Phật hiệu để khai phát Tự tánh, chớ chẳng phải để kêu gọi Phật A Di Đà ở ngoài tâm hiện ra trước mặt đối diện với mình. Nếu chúng ta nghĩ ngoài cái tâm mình có một Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, ngoài tâm mình có một vị Phật A Di Đà, rồi dùng miệng la to tên của A Di Đà Phật để Ngài từ xa có thể nghe được mà đến giúp, vậy là đã biến thành ngoại đạo mất rồi! Chúng ta từ trong Phật môn bắt đầu niệm Phật, niệm niệm đến nỗi lọt ra khỏi Phật môn, trở thành ngoại đạo, rõ ràng là do chẳng chịu học kinh, chẳng chịu nghe pháp, nên mới mắc phải lỗi lầm to lớn như vậy!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.110.99 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập