Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Việc người khác ca ngợi bạn quá hơn sự thật tự nó không gây hại, nhưng thường sẽ khiến cho bạn tự nghĩ về mình quá hơn sự thật, và đó là khi tai họa bắt đầu.Rộng Mở Tâm Hồn
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tâm nguyên, tâm thể »»
Kinh Hoa Nghiêm và kinh Viên Giác đều nói: ”Hết thảy chúng sanh vốn thành Phật.” Dựa vào đâu mà Phật nói lên điều này? Bởi vì ai ai cũng đều có Tâm Nguyên bổn tịch, Tâm Thể bổn minh, nên ai ai cũng đều là Phật. Vấn đề là tự mình có biết rõ và có cái nhìn thấu suốt chính mình từ trong ra ngoài hay không mà thôi. Nếu chúng ta nhìn từ bản thể của nguồn tâm, thì thấy hết thảy chúng sanh và Phật chẳng sai biệt, đều giống hệt như nhau. Nhưng khi chúng ta nhìn từ sự tướng, thì thấy có quá nhiều sai biệt. Vì sao lại hiện tướng sai biệt? Chúng sanh mê mất Tâm Thể của chính mình, nên hiện ra các tướng sai biệt. Chúng sanh tuy mê mất Tâm Thể, nhưng trọn chẳng thật sự mất đi Tâm Thể. Một khi giác ngộ, Tâm Thể liền khởi tác dụng rộng lớn như kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm bao thái hư lượng chu sa giới.” Nói như vậy, lúc chúng ta đang mê hoặc điên đảo, Tâm Thể có khởi tác dụng không? Bổn tánh của Tâm Thể vốn luôn luôn thường định, thường huệ; cho nên, dù ngay lúc chúng ta mê, Tâm Thể vẫn khởi tác dụng rộng lớn vô lượng vô biên. Nếu Tâm Thể chẳng khởi tác dụng rộng lớn thì làm sao có thể biến hiện ra mười phương pháp giới vô lượng vô biên!
Trên mặt lý, Tướng và Dụng của Tâm Thể được dấy lên, không hai không khác. Thế nhưng trên mặt sự, do kẻ mê và người ngộ cảm nhận có khác nhau, nên thấy biết khác nhau. Kẻ mê cảm nhận mười pháp giới, lục đạo, tam đồ. Người ngộ chẳng cảm nhận mười pháp giới, họ thấy mười pháp giới chỉ là một không hai. Phật pháp gọi cảnh giới ấy là Nhất chân Pháp giới. Như vậy, Mười phương Pháp giới cũng chỉ là Nhất chân Pháp giới. Vì sao? Bởi vì mười pháp giới đều do từ một nguồn tâm biến hiện ra. Hết thảy các pháp đều có cùng một nguồn tâm, cùng một bản thể, thì lẽ nào chẳng phải là Nhất chân! Khi nào chúng ta chẳng còn chấp tướng nữa thì sẽ thấy tất cả các pháp, thứ nào cũng đều là Nhất chân, chẳng có sai biệt. Đấy chính là Nhất chân Pháp giới mà kinh Kim Cang nói “Thấy hết thảy các Tướng là Không, tức thấy Như Lai.”
Thí dụ: Chúng ta dùng vàng ròng ví cho Tâm Nguyên hay Bản Thể. Nếu chúng ta dùng cùng một phân lượng vàng ròng nhiều như nhau để đúc thành một tượng Phật, tượng Bồ-tát, tượng Duyên giác, tượng Thanh văn, tượng một vị trời, tượng một người, hoặc tượng súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Thử hỏi những tượng hình ấy có gì sai khác chăng? Phàm phu chúng ta do mê nơi lý, nên khi thấy các tượng hình có hình dáng khác nhau, bèn sanh lòng phân biệt chấp trước. Khi chúng ta thấy tượng Phật, vội vã quỳ mọp xuống đất đảnh lễ, nhưng khi thấy tượng súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, bèn ghê tởm, xa lánh, quở mắng, thì đấy gọi là chấp tướng! Nếu lấy mỗi một tượng hình ví cho một pháp giới, vậy thì trong Nhất chân Pháp giới có mười phương pháp giới không? Trong Nhất chân Pháp giới vẫn có mười pháp giới, vẫn có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cho đến Phật pháp giới. Nhưng trong hết thảy pháp giới ấy, người giác ngộ chỉ thấy Nhất chân, chỉ thấy bản thể của pháp giới, họ chẳng quan tâm đến các hình dạng khác nhau của các tượng hình. Vì sao? Vì nếu xét theo quan điểm nghệ thuật, mỗi tượng hình tuy có dáng vẻ khác nhau, nhưng chúng đều có giá trị nghệ thuật bình đẳng như nhau. Nếu xét về chất lượng, các tượng hình đều làm bằng vàng ròng bình đẳng như nhau, chẳng có gì sai biệt. Mười pháp giới cũng giống như vậy, tâm bình đẳng thấy mười pháp giới đều chỉ là Nhất chân. Nói tóm lại, tâm thanh tịnh bình đẳng chính là Nhất chân Pháp giới!
Vì sao tâm thanh tịnh bình đẳng lại là Nhất chân Pháp giới? Người giác ngộ là người có tâm thanh tịnh bình nên thấy Mười pháp giới chỉ là Nhất chân Pháp giới, chẳng có cao thấp, tịnh nhiễm, khổ vui, nên dù họ ở trên trời hưởng lạc cũng chẳng hưởng lạc, dù họ ở dưới địa ngục cũng chẳng cảm thấy khổ. Người ấy hoàn toàn không có năm thứ cảm thọ: khổ, lạc, ưu, hỷ, xả, nên dù họ ở bất cứ chỗ nào trong tâm vĩnh viễn chỉ là như kinh này nói: “Không luyến, không chán, không vui, không cầu, cũng không tưởng cầu, không ta, không người, không tưởng oán trái.” Đây chính là cảnh giới tâm bình đẳng của Nhất chân Pháp giới. Lại nữa, vì sao trong tâm không có năm thứ cảm thọ ấy gọi là Nhất chân? Trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Đức Phật bảo: “Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế.” Nói cách khác, trong Tâm Thể và Tâm Nguyên hoàn toàn không có năm thứ sắc-thọ-tưởng-hành-thức, nên cũng không có cái gọi là cảm thọ khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Người mê không có trí huệ Bát-nhã nên chẳng nhận ra giá trị chân thật của bản thể của tất cả pháp giới đều là bình đẳng, đều có cùng một phân lượng vàng ròng và đều có cùng một giá trị nghệ thuật sắc xảo như nhau, nên họ sanh tâm phân biệt, chấp trước đối với dáng vẻ khác nhau của tượng hình, mà thấy có cảnh giới cao thấp, tịnh nhiễm, khổ vui. Phàm phu chúng sanh cảm nhận bằng năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), Thánh nhân không có cảm nhận, các Ngài dùng trí tuệ Bát-nhã soi thấy năm uẩn đều không có Tự tánh mà hiểu rõ hết thảy các pháp đều là như, đều là không hai, đều xứng hợp với bổn thể thường tịch của Tâm Nguyên.
Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Lấy Huệ vô ngại giải Pháp Như Như .“ Tâm Nguyên vốn là như, nên tất cả các pháp biến hiện ra từ Tâm Nguyên cũng đều là như. Trong Nhất chân Pháp giới, hết thảy các pháp đều như, đều bất nhị, đều xứng tánh, chẳng có một pháp nào không xứng tánh. Huệ vô ngại là Bát-nhã Vô tri, là không có cảm nhận, chẳng có thọ, tưởng, hành, thức. Do chẳng có cảm nhận, nên thấy pháp này là như, pháp kia cũng là như, hết thảy các pháp đều là như như, chẳng có chút nào sai biệt. Nay, chúng ta học kinh Vô Lượng Thọ, thì phải căn cứ vào những quan điểm trên để lý luận về phương pháp niệm Phật, nhằm tra vấn chính mình, tra vấn xem chính mình có thật sự hiểu rõ pháp môn mình đang tu chăng? Tra vấn xem chính mình có tu đúng như lý được giảng bởi Đức Phật chăng? Tra vấn xem mình có bị rơi vào tà kiến, tà pháp chăng? Người niệm Phật mà chẳng thông rõ lý luận của pháp môn Tịnh độ, rất dễ dàng bị rơi vào niệm Phật chấp tướng mà luống uổng công phu. Vì sao? Vì những công phu niệm Phật nơi tướng chỉ có thể đạt được chút ít phước báo hữu lậu của trời người mà thôi, chẳng thể vãng sanh.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật dạy: ”Tâm này là Phật, tâm này làm Phật.” Kinh Hoa Nghiêm bảo: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến.” Tâm này là Phật chính là duy tâm sở hiện. Tâm này làm Phật chính là duy thức sở biến. Hiện thời chúng ta đang là con người ở trong Nhân pháp giới, chẳng phải là Phật pháp giới, nên tuy tâm này là Phật nhưng thân này là người phàm phu. Trong tương lai, thân này là gì đều tùy thuộc tâm này hiện nay đang làm gì? Nếu hiện nay tâm này đang làm quỷ, nhất định tương lai sẽ đọa vào Quỷ pháp giới. Nếu hiện nay tâm này đang làm súc sanh, tương lai nhất định sẽ đọa vào Súc sanh pháp giới v.v…. Thế nhưng, dẫu cho bị đọa vào bất cứ pháp giới nào, tâm này vĩnh viễn chẳng hề thay đổi, tâm này vĩnh viễn là Phật đã thành. Tuy tâm vĩnh viễn là Phật chẳng hề thay đổi, nhưng tâm lại tùy thuộc nơi chính mình muốn làm gì mà biến hiện ra cảnh giới xứng hợp với tâm mình. Dù chính mình muốn gì và muốn làm gì, tâm vĩnh viễn là Phật. Nay, nếu chúng ta muốn làm Phật thì lẽ nào chẳng thể thành Phật? Đương nhiên có thể thành Phật! Vì thế, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật mới nói: “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật.” Tức là nếu chúng ta muốn thành Phật bèn biến thành Phật, chúng ta muốn thành Bồ-tát bèn biến thành Bồ-tát, chúng ta muốn thành A-la-hán bèn biến thành A-la-hán, chúng ta muốn thành lục đạo chúng sanh bèn biến thành lục đạo chúng sanh. Chúng ta thích biến ra cái gì, liền được cái đó, đấy chính là sự vi diệu của tâm, nên kinh gọi nó là Chân tâm Diệu hữu. Khi chúng ta hiểu rõ nguyên lý này thì tín tâm đối với pháp môn Tịnh độ mới thật sự được kiến lập. Đây là tín tâm chân thật của một người thật sự giác ngộ Tự tâm, chớ chẳng phải là tín tâm giả tạo của người mê hoặc điên đảo. Người tu hành có trí huệ sáng suốt, thông rõ lý luận của pháp mình tu, mới phát khởi nổi niềm tin chân chánh nơi pháp mình tu. Nếu chẳng hiểu rõ lý luận, chắc chắn chẳng thể thật sự tin tưởng, hoặc dù có tin chăng nữa cũng chỉ là mê tín. Vì thế, chữ tín trong nhà Phật chẳng dễ dàng thành tựu như chúng ta nghĩ đâu.
Khởi Tín Luận do Mã Minh Bồ-tát trước tác có viết: “Những người thông rõ lý luận của Tịnh độ pháp môn là chân thật tri thức. Còn những kẻ chìm đắm nơi không tịch, thấy cái gì cũng cho là không, hoặc những kẻ phải khởi niệm mới biết là có, đều gọi là tri thức hư vọng.” Ngài còn viết: ”Xét từ cái gốc thì Tự tánh vốn trọn đủ hết thảy công đức, tức là nói Tự thể có ý nghĩa đại trí huệ, đại quang minh, có ý nghĩa trọn khắp pháp giới, có ý nghĩa chân thật hiểu biết, cho đến trọn đủ chẳng thiếu sót nghĩa nào.” Mã Minh Bồ-tát tu pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, hiện đang ở Thế giới Cực Lạc, thì chắc chắn những gì Ngài nói đều là chân thật, rõ ràng minh bạch, chẳng hề sai trái. Mã Minh Bồ-tát nói nhiều đến dường ấy là nói chi tiết; còn trong Đàn kinh, Lục tổ Huệ Năng chỉ nói một câu ngắn gọn “Nào ngờ Tự tánh vốn trọn đủ” mà đã bao gồm trọn hết ý nghĩa ấy. Chúng ta có thể nói đoạn văn của Mã Minh Bồ-tát chính là chú giải cho câu nói của Lục tổ Đại sư.
“Chân thật tri thức” của người thật sự giác ngộ và “tri thức hư vọng” của người chấp trước khác nhau vô cùng. Nhà Phật gọi người chấp trước đối với pháp không và pháp có là “Trầm không vi tịch, tác niệm nhi tri.” “Trầm không vi tịch” là bị đắm chìm nơi không mà tưởng lầm là đắc Tịch Diệt Nhẫn. Đây là nói tới những người tu Thiền chẳng đắc được các pháp đà-ra-ni, mà cứ ngồi nơi đó chìm lĩm trong không tịch đến mức một niệm cũng chẳng sanh, lại ngỡ là mình rất thanh tịnh, nhận lầm là mình đắc Tịch Diệt Nhẫn. Chúng ta phải biết, Thiền trong Phật giáo có Quán, chẳng phải là Thiền chết cứng như vậy! Trong Thiền mà không có Quán sẽ thuộc về Vô Tưởng Định của ngoại đạo. Nếu trong tâm có chấp trước vô tưởng, chưa thể buông xuống cái tướng không ấy, thì vẫn còn chấp trước. Phàm phu chúng ta thông thường chấp có tưởng, còn người tu Thiền ngoại đạo thì bị rơi vào vô tưởng, cả hai chấp không và chấp có đều là chấp trước. Người tu Thiền vô tưởng chẳng thể đoạn được vô minh, nên chẳng thể thành tựu rốt ráo Niết-bàn. Nếu họ tu thành công pháp Vô Tưởng Định, tương lai sẽ sanh lên Tứ Thiền Thiên, trong Tứ Thiền Thiên có ngoại đạo thiên là Vô Tưởng Thiên, người ấy ngỡ Vô Tưởng Thiên là rốt ráo Niết-bàn nên chìm đắm trong đó, chẳng muốn tiến lên nữa. Đây là một sai lầm quá lớn! “Tác niệm nhi tri” là phàm phu thông thường dùng trí phân biệt, suy nghĩ, tưởng tượng, tra vấn, nghiên cứu rồi mới biết; đây cũng chẳng phải là chân tri. Trí huệ chân chánh chỉ phải là Bát-nhã vô tri, tức chẳng cần phân biệt, chẳng cần khởi tâm động niệm, vừa nhìn liền biết, không cần tác ý. Sau khi đã thấy, phải nghiên cứu rồi mới biết,thì đó là nhi tri, chẳng phải chân tri. Phật gọi hai loại người học Phật chấp trước này là Tri thức Hư vọng hay Danh tự La Hán. Vì sao? Vì họ chẳng phải là A-la-hán hay thiện tri thức chân thật. Thiện tri thức thật sự chẳng có chấp trước, phân biệt, vọng tưởng, chẳng chấp trước nơi vô tưởng, cũng chẳng chấp trước nơi có tưởng. Trong đại kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói: nếu là thiện tri thức chân thật, thì phải siêu vượt Thanh văn và Bích-chi Phật, phải nhập pháp môn Không, Vô tướng, Vô tác. Ba thứ chấp trước, phân biệt, vọng tưởng làm hại chúng ta đời đời kiếp kiếp tu hành đều chẳng có kết quả, chẳng thể rốt ráo Niết-bàn trong pháp Không, pháp Vô tướng hay pháp Vô tác, nên đời đời kiếp kiếp vẫn bị đọa lạc trong lục đạo luân hồi. Vì vậy, Phật dạy chúng ta hãy dứt bỏ ba thứ chấp trước, phân biệt, vọng tưởng này đi thì mới có thể hoàn nguyên, thoát ra khỏi tam giới.
Có người nghe xong lời Phật dạy, hãy trừ bỏ chấp trước, phân biệt, vọng tưởng, liền nghĩ rằng từ nay trở đi ta chẳng cần phải học kinh nữa, bởi vì còn học kinh là còn khởi tâm động niệm, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Người ấy mới nghe qua lõm bõm mấy chữ “trừ bỏ chấp trước, phân biệt, vọng tưởng,” chưa hiểu được rõ ràng, minh bạch, vội vàng bỏ Phật pháp chạy theo vô tưởng, thì có phải là đã sanh thêm chấp trước, phân biệt, vọng tưởng rồi đó sao? Đây chính là phiền phức vô cùng to lớn của người học Phật chấp không. Vì sao chấp không là phiền phức to lớn,? Vì nó chẳng những chướng ngại đạo Bồ-đề, khiến chúng ta khó giải quyết vấn đề sanh tử trong một đời này, mà còn là căn bệnh có thể truyền nhiễm sang người khác. Bản thân ta đã mắc bệnh chấp trước không, lại còn truyền sang người khác, thì tai hại vô cùng! Thật sự mà nói, người rơi vào chấp không còn phiền phức hơn là kẻ chấp có. Vì sao? Người chấp không cứ tưởng là mình đắc trí huệ vô tướng, chứng pháp môn Không, nên chẳng chịu đọc kinh, nghe pháp để giải trừ mối nghi ngờ, lầm tưởng. Thậm chí có người chấp không đến mức không còn biết gì hết, chuyện lành dữ, xấu tốt, nam nữ, đói no, gia đình, xã hội, quốc gia dân tộc gì họ đều không biết và cũng không muốn biết, thì đó chẳng phải là phiền phức rất to lớn đó sao? Họ thật sự là càng tu càng phá hoại tướng thế gian, đi sai với chánh đạo mà Phật đã dạy: “Phật pháp trong thế gian chẳng hoại tướng thế gian.”
Người thế gian mê nên có chấp trước. Bồ-tát xả ly chấp trước nên có trí huệ sáng suốt, thông hiểu các pháp tánh, biết rõ các tướng chúng sanh, thấy rõ cái chấp trước của chúng sanh, và biết thuận nơi cái chấp trước của chúng sanh mà lập ra các pháp phương tiện thiện xảo nhằm giáo hóa chúng sanh, khiến cho chúng sanh có thể nhập pháp môn Không, Vô tướng, Vô tác. Nếu Bồ-tát chấp trước vào cái chấp trước của chúng sanh, thì Bồ-tát và chúng sanh giống hệt như nhau, còn gì nữa để nói ở đây? Bồ-tát do xả ly chấp trước, nên có thể tùy thuận sự phân biệt chấp trước của chúng sanh mà hiện ra các tướng có phân biệt chấp trước, nhưng bên trong chẳng hề có phân biệt chấp trước. Phật giáo thường nói ”Phật pháp trên thế gian chẳng lìa thế gian giác.” Chẳng lìa thế gian là gì? Là bên ngoài chẳng lìa sự phân biệt chấp trước của người thế gian, vẫn thị hiện có các tướng xấu, đẹp, lành, dữ, sanh, lão, bệnh, tử, có ăn, mặc, ngủ nghĩ và làm hết thảy các công chuyện mà người thế gian cần phải làm để duy trì thân mạng. Trong hết thảy mọi xử sự, đãi người, tiếp vật bên ngoài, Bồ-tát dùng các tướng phân biệt, chấp trước đó để thuận với thối tục trên thế gian, thì đó gọi là chẳng lìa thế gian. Bồ-tát phải làm như vậy, thế gian mới chẳng bị rối loạn, chẳng bị làm hỏng, chẳng bị phá hoại!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.131.38.184 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập