Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Mục đích của đời sống là khám phá tài năng của bạn, công việc của một đời là phát triển tài năng, và ý nghĩa của cuộc đời là cống hiến tài năng ấy. (The purpose of life is to discover your gift. The work of life is to develop it. The meaning of life is to give your gift away.)David S. Viscott
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Lời nhắc nhở của Thế Tôn »»
Trong phẩm Thọ Lạc Vô Cực, Đức Thế Tôn nêu rõ diệu đức của cõi Tịnh Ðộ nhằm khuyên lơn, dẫn dụ chúng sanh hãy noi theo đức hạnh của Bồ-tát cõi Cực Lạc mà siêng tu cầu đạo đức, Phật dạy: “Tự thân cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu đạo, tất triệt-để siêu thoát, vãng sanh về cõi nước, có vô lượng thanh tịnh, của Phật A Di Ðà. Dứt hẳn trong năm đường, nẻo ác tự đóng chặt. Ðạo thù thắng vô biên, dễ đến mà không người, nước đó không nghịch cảnh, tự nhiên dắt dẫn theo, chí xả như hư không, siêng tu cầu đạo đức, mãi mãi đặng sống lâu, thọ lạc không cùng tận. Ðâu phải như việc đời, ray rứt lẽ vô thường.?”
Trong Phẩm Thọ Lạc Vô Cực, Phật đã khai thị về cái tướng tự nhiên của tự nhiên chính là chân tâm thường trụ mà ai ai cũng có; cho nên ai ai cũng có thể thành Phật. Tâm vốn tự thanh tịnh lại sanh ra muôn pháp, ngộ thì khế hợp ngay với bổn Phật, mê thì chìm mất trong sanh tử. Nay, Đức Thế Tôn lại vì lòng xót thương chúng sanh mà buông lời nhắc nhở từ bi rằng: Đại chúng nay đã biết “tâm này là Phật” thì phải tinh tấn tu hành để “tâm này làm Phật.” Lời nhắc nhở “tự thân cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu đạo” của Phật ở đây không chỉ riêng một cá nhân nào cả, mà là chỉ chung cho tất cả mười phương chúng sanh, trên từ chư Đại Bồ-tát xuống đến chúng sanh trong a-tỳ địa ngục. Hết thảy đều phải nên tự mình tinh tấn siêng tu, nỗ lực tự thực hành cầu sanh Tịnh Ðộ, chứng triệt để nguồn tâm, viên mãn Phật trí. Vậy, những ai trong đời trước, đời này và đời sau hễ nghe được kinh Vô Lượng Thọ đều phải nên tuân theo lời dạy từ bi của Phật, tin nhận, phụng hành, niệm Phật cầu vãng sanh nhằm thể hiện phương tiện rốt ráo “tâm này làm Phật.”
Trong phẩm Chí Tâm Tinh Tấn có câu: “Một người chí thành cầu đạo, tinh tấn không ngừng, tất nhiên đặng quả, nguyện nào chẳng thành?” Nay, ngay sau câu “Tự thân cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu đạo,” Phật liền nói tiếp “Tất triệt-để siêu thoát, vãng sanh về cõi nước, có vô lượng thanh tịnh, của Phật A Di Ðà.” Đó đã nêu rõ hai ý nghĩa trong câu “Nỗ lực tự cầu đạo”: Nghĩa thứ nhất là siêng tu cầu đạo đức để khiến cho tâm dũng mãnh trở thành tánh; nghĩa thứ hai là tinh tấn cầu sanh Tịnh Ðộ. Chữ “tự” trong câu “nỗ lực tự cầu đạo” cũng đóng vai trò rất quan trọng giống như chữ “tự” trong các câu: “Ông nên tự biết,” “Ông nên tự nhiếp” được ghi trong kinh này. Vì sao? Vì “nỗ lực tự cầu đạo” là cầu nơi chính mình, mà cái chính mình chính là Tự tâm. Tịnh tông tuy là Tha Lực pháp môn, nhưng Tự tâm hành nhân nếu chẳng tinh tấn, đoạn trừ nghi hoặc, sanh lòng chánh tín sâu xa, khẩn thiết nguyện cầu được vãng sanh thì trọn chẳng được vãng sanh. Bởi thế, Phật căn dặn chúng ta phải thường luôn không ngừng “nỗ lực tự cầu đạo.” A Di Đà Phật từ bi vô tận, Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Ngài thấu cảm đến vô lượng chư Phật và được chư Phật mười phương đồng thanh xưng tán và gia hộ cho kinh Vô Lượng Thọ trụ thế thêm một trăm năm nữa sau khi Chánh pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật ở thế gian này bị tận diệt. Sự việc này đã chứng minh rằng kinh này khế lý khế cơ cho hết thảy các loài chúng sanh trong hết thảy các thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhẫn đến sau khi kinh Vô Lượng Thọ bị diệt, nếu có chúng sanh nào nghe được danh hiệu A Di Đà Phật mà phát lòng tin ưa, niệm Phật cầu vãng sanh cũng đều được giải thoát.
Chúng ta nhận thấy, thời nay khoa học tri thức phát triển mạnh mẽ. Xã hội hiện tại khuyến khích con người phát triển tri thức, từ đó có thể phát minh và sản xuất ra vật chất và tài sản. Sự cạnh tranh về kinh tế, khoa học và kỷ thuật là nguyên nhân chánh yếu đưa đến chiến tranh, động loạn khiến cho con người càng ngày càng bị trói buộc sâu vào trong thế gian trí, Phật gọi đó là thế trí biện thông. Những sự kiện này làm chướng ngại việc tu đạo xuất thế, khiến chúng ta khó bề xả bỏ những kiến hoặc và tư hoặc để nhiếp thủ sáu căn, tịnh niệm tiếp nối câu Phật hiệu đúng theo lời Phật dạy. Bởi thế ở trong kình này, Phật hết lòng khuyên răn nhắc nhở chúng sanh phải “tự thân cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu đạo” và “tự nhiên gìn giữ chân chân tinh khiết, chí nguyện vô thượng, tịch định an lạc.” Ở đây Phật có ý bảo chúng ta phải tự cứu lấy chính mình!
Trên thế giới hiện nay chẳng có nơi nào an toàn yên ổn cả, đó là do cộng nghiệp của chúng sanh trên toàn thế giới cảm vời. Thế nhưng, ngoài cộng nghiệp ra, chúng ta còn có biệt nghiệp. Nếu biệt nghiệp của ta là tịnh nghiệp thì nhất định sẽ thoát khỏi tai ương, khổ nạn. Trong quá khứ tuy chúng ta đã làm ra nhiều chuyện trái nghịch lẽ thường, nhưng nay chúng ta đã thức tỉnh hồi đầu, quyết một lòng thật thà niệm Phật, tu các công đức thì trong đại kiếp nạn này chúng ta vẫn có thể bảo toàn. Nếu chúng ta do ứng kiếp mà sanh vào thế gian này để lãnh chịu kiếp nạn thì khó hòng tránh khỏi kiếp số; nhưng nếu chúng ta do ứng vận mà sanh vào thế gian này thì sẽ có thể miễn trừ kiếp nạn và từ trong kiếp mà thành tựu hết thảy công đức thắng diệu. Chúng ta phải làm những gì để thoát nạn? Trong kinh này, Phật dạy chúng ta phải đoạn trừ tư tưởng, kiến giải và ngôn hạnh sai lầm, làm một tấm gương tốt đẹp cho thế gian. Nếu chúng ta làm được những điều này thì đó là do ứng vận mà đến. Nếu chúng ta thuận theo sự nhiễu loạn bên ngoài, gây thêm rối ren, động loạn cho chính mình và người khác, thì đó là do ứng kiếp mà đến, sẽ chẳng thể trốn khỏi nghiệp báo khi kiếp nạn xảy ra. Nếu chúng ta muốn tự mình thoát khỏi khổ nạn, lại có thể giúp đỡ người khác tránh khỏi kiếp nạn, khôi phục lại một thế giới trật tự tốt đẹp, nhất định phải y theo ba điều Phật dạy trong kinh Vô Lượng Thọ: “Phát Bồ-đề tâm, Một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật, Tu các công đức.” Người khác không tuân thủ lời Phật dạy thì họ chẳng thể thoát nạn; còn ta thật sự tu hành, vâng giữ pháp tắc, lễ nghĩa, trì giới, thành tựu các công đức thiện, nhất định sẽ đắc thiện quả. Tạo ác nhất định đắc ác báo, nhân duyên quả báo chẳng sai sót mảy may. Đặc biệt là trong thời đại tai nạn dồn dập hiện nay, chúng ta phải nắm lấy cơ hội đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, thì quả báo sẽ giống như là hoa sen nở ra trong đống lửa đang hừng hực cháy.
Hòa Thượng Tịnh Không bảo, các đạo tràng niệm Phật của người tu tịnh nghiệp nên xây dựng cách xa chỗ đông người, như trong rừng núi hoặc những nơi không có phương tiện lưu thông qua lại, thì mới tránh khỏi bị lôi cuốn và quấy nhiểu bởi những sự động loạn của xã hội hiện đại đương thời. Nếu không thể làm được như vậy, thì trong bất cứ công việc và hoàn cảnh nào, chúng ta đều phải chộp lấy thời cơ, một lòng niệm Phật, không để tâm mình rời khỏi câu Phật hiệu, thì đấy mới là biết phối hợp Phật pháp và thế gian pháp một cách dung thông vô ngại. Trong Tịnh độ Đại Kinh Khoa Chú, Tập Bốn, Hòa Thượng Tịnh Không nhắc nhở: “Lúc lâm chung phải tự mình làm chủ, không nên có ý cầu người khác trợ niệm cho mình.” Hòa Thượng Hải Hiền lúc sắp lâm chung, chờ lúc mọi người ngủ hết rồi mới vãng sanh, nhờ đó mà chẳng bị quấy nhiểu. Nhất định phải chính mình làm chủ việc vãng sanh mới không gặp trở ngại. Mẹ của Hòa Thượng Hải Hiền là một Cư sĩ tại gia, lúc tuổi già vẫn khỏe mạnh không cần người chăm sóc. Bà niệm Phật chẳng thua gì Hòa Thượng Hải Hiền. Trước lúc lâm chung, bà biết trước ngày giờ, nhưng không báo cho con cháu biết, chỉ tụ tập họ lại làm bánh xỉu cảo cho mọi người ăn. Sau bữa ăn xong, bà mới tuyên bố với họ là bà phải ra đi, liền ngay sau đó lập tức vãng sanh một cách tự tại. Vì sao bà chẳng báo cho mọi người biết trước việc vãng sanh của bà? Vì bà muốn tránh sự quấy nhiểu việc vãng sanh, nên chẳng báo cho người khác biết trước.
Trong bài “Hỏi Đáp Trợ Niệm Khi Lâm Chung,” Hòa Thượng Tịnh Không nói: “Trợ niệm là để giúp những người lâm chung chưa có hoặc chưa đủ tín tâm, chưa thật Nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Với công năng của sự niệm Phật, cùng sự Nhất tâm của người trợ niệm, sẽ giúp gia hộ người hấp hối tai nghe tiếng Phật hiệu, tâm duyên vào Phật cảnh, Nhất tâm giữ chánh niệm, họ liền có thể có cảm ứng và được Phật lai nghinh tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Việc trợ niệm phải được đặc biệt chú ý vào lúc khẩn yếu này để giúp cho người lâm chung có phước báo, có được cơ duyên đới nghiệp vãng sanh mà thoát khỏi sanh tử luân hồi, bất thoái thành Phật! Riêng đối với người Phật tử, chuyên tu niệm Phật thì tại sao không thể tự tại vãng sanh, muốn vãng sanh lúc nào thì đi lúc ấy, vì sao lại cần có người khác trợ niệm giúp cho mình?” Qua lời giả thích này của Hòa Thượng, chúng ta thấy, việc “tự thân cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu đạo” là chánh nhân để vãng sanh của Tịnh tông, trợ niệm chỉ là phụ thuộc tùy theo nhân duyên. Do đó, lúc lâm chung, chúng ta phải tự mình làm chủ việc vãng sanh, không nên có ý cầu người khác trợ niệm cho mình, mới không gặp trở ngại. “Tâm này là Phật” là tánh đức. “Tâm này làm Phật” là tu đức. Chính mình phải có công tu đức thì tánh đức mới được hiển hiện, người khác không thể thay thế mình làm những công việc này. Vì thế, chúng ta phải tự mình nỗ lực niệm Phật, tu các công đức, đoạn tuyệt nghiệp chướng, hồi hướng cầu vãng sanh, mới có thể triệt-để siêu thoát. “Triệt-để” là ngay trong một lúc mà có thể nhanh chóng vượt khỏi tam giới, thoát khỏi luân hồi, đoạn trừ sanh tử, dứt tuyệt các nghiệp ràng buộc trong bao kiếp. Chữ “ triệt-để siêu thoát” còn gọi là đốn siêu, tức là mau lẹ đắc đạo siêu thoát.
Ngài Ngẫu Ích Tổ sư nói: “Một câu Phật hiệu A Di Đà là Chân như Bổn tánh của chúng ta!” Do bởi từ xưa đến nay, chưa ai nói ra được ý nghĩa như vậy, nên sau khi Ấn Quang Tổ sư nghe được câu nói này vô cùng bái phục, liền năm vóc gieo xuống đất đảnh lễ. Chân như Bổn tánh của chúng ta vốn là Thường Tịch Quang, là Đại Quang Minh Tạng, nhưng vì sao chúng ta chẳng thể thấy Phật? Đó là do vì chúng ta có quá nhiều chướng ngại. Phật đã nêu rõ những chướng ngại đó cho chúng ta nghe trong phẩm 33 (Khuyến Dụ Sách Tấn) cho đến phẩm 36 (Nhiều Lần Khuyên Gắng) của kinh Vô Lượng Thọ. Rồi Đức Phật nói: “Như Lai đem lòng đại bi vô tận, thương xót ba cõi, thị hiện ra đời, mở sáng đạo giáo, muốn cứu quần sinh, ban lợi chân thật, khó gặp khó thấy.” Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật cũng nói: “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong đời.” Thiện Đạo Đại sư bảo: “Như Lai sở dĩ xuất hiện trong đời, là chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật A Di Ðà.” Hòa Thượng Tịnh Không cũng nói: “Mục đích duy nhất của Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện ở thế gian này chỉ là để nói pháp môn Tịnh độ, kinh Vô Lượng Thọ. Các kinh khác mà Ngài nói chỉ là phụ thuộc. Vì sao? Bởi vì kinh Vô Lượng Thọ có mặt trong tất cả các kinh khác mà Phật đã nói suốt bốn mươi chín năm.” Nói cách khác, những điều trọng yếu cần và đủ để một phàm phu như chúng ta triệt-để siêu thoát mà Phật thuyết giảng suốt bốn mươi chín năm đều gói gọn trong một bộ kinh Vô Lượng Thọ, mà chỗ quy kết của kinh Vô Lượng Thọ lại chỉ là bốn chữ A Di Đà Phật. Vì lẽ đó, Ngẫu Ích Tổ sư mới nói: “Một câu Phật hiệu A Di Đà là Chân như Bổn tánh của chúng ta!” Bốn chữ A Di Đà Phật này có công đức vô cùng lớn lao bởi vì nó có thể chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh. Pháp môn Tịnh độ, bốn chữ hồng danh A Di Đà Phật chính là phương tiện cực kỳ tối thắng, là chỗ quy kết cực điễm, là đảnh pháp của Thế Tôn suốt bốn mươi chín năm nói pháp, là cỗ xe lớn đưa chúng sanh đến chỗ cùng tột của sự thành tựu Phật quả cứu cánh; cho nên kinh này được gọi là pháp khó tin.
Tại sao pháp này khó tin? Bởi vì người cầu vãng sanh Cực Lạc chỉ cần nhất tâm chẳng loạn, niệm một câu Phật hiệu từ một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày là được vãng sanh. Thánh, phàm, trí, ngu, chín phẩm muôn loài ai nấy đều được triệt-để siêu thoát toàn là nhờ vào Di Ðà Nhất thừa Nguyện Hải, sáu chữ hồng danh từ quả khởi tu, chỉ trong một đời mà được thành tựu, được sanh về cõi nước có vô lượng thanh tịnh của Phật A Di Ðà. Hễ được vãng sanh, do nương vào sức gia hộ của Di Ðà bổn nguyện, chẳng bị đọa vào ba ác đạo nữa, nên kinh này bảo: “Nẻo ác tự đóng chặt.” Ai nấy đều đạt Bất Thoái Chuyển cho mãi đến khi thành Phật, nên kinh mới bảo: “Dứt hẳn trong năm đường.” Năm đường là ba ác đạo và hai nẻo nhân thiên. Do A-tu-la được tính gộp vào thiên thú, nên năm đường cũng chính là sáu nẻo luân hồi. Trong cõi Sa-bà, hành nhân phải tu hành, đoạn trừ dần dần các kiến hoặc mới thoát ra khỏi tam giới, nên chẳng gọi là chặt ngang tam giới. Còn nếu được vãng sanh về Tịnh Ðộ của Phật Di Ðà, lập tức bỏ ngay một lúc cả năm đường ác thú, nên kinh bảo là “triệt-để siêu thoát.” Vậy, “triệt-để siêu thoát” tức là đốn siêu, cũng chính là như kinh này nói: “Dứt hẳn trong năm đường, nẻo ác tự đóng chặt.”
Sách Gia Tường Sớ chép: “Tu nhân Bồ-đề, dứt ngang sự chuyển vần trong năm đường, nên ác đạo tự đóng lấp.” Ý là hành nhân tu các pháp môn khác thì phải tu theo thứ tự, đoạn trừ dần dần từng lớp phiền não mới có thể thoát khỏi sanh tử, nên gọi là vượt khỏi tam giới theo chiều dọc (thụ siêu, thụ xuất); còn hành nhân tu pháp môn Niệm Phật có thể chặt ngang năm đường ác thú vượt ra khỏi tam giới theo chiều ngang (hoành xuất, hoành siêu), triệt-để siêu thoát. Đấy cho chúng ta thấy đạo này quả thật là một phương tiện tột cùng và rất khó tin, chẳng thể dùng suy nghĩ của phàm phu mà thấu hiểu nổi vì sao đạo này có thể khiến cho vô lượng chúng sanh được vãng sanh, mau chóng tiến lên quả địa, đắc đạo sâu rộng khó nghĩ lường. Do vậy, Đức Thế Tôn mới xưng tụng đạo này là đạo thù thắng vô biên và bảo đây là pháp khó tin! Đạo ấy, cõi ấy thù thắng vô biên đến mức như thế, nhưng cớ sao Phật lại còn than thở với hội chúng rằng: “Dễ đến mà không người”? Than ôi! đạo ấy quá sức dễ đi, nhưng sao lại chẳng có mấy ai đi theo? Chúng sanh chỉ cần ở trong một đời tu nhân hạnh, đến lúc lâm chung chỉ cần đạt được mười niệm với tâm tịnh tín mà cũng được vãng sanh, một đời thành Phật một cách dễ dàng như vậy đó; thế mà trong cõi Sa-bà này có quá ít người chịu thực hành, tu nhân tích đức, nên chẳng có mấy ai được vãng sanh, đây thật là chuyện đáng buồn thương!
Ở phần trên, kinh vừa nói có nhiều người được vãng sanh, thật là chuyên đáng mừng. Nhưng sao bây giờ, kinh lại nói có ít kẻ vãng sanh? Chúng ta nghe qua hai lời nói này tựa hồ như mâu thuẫn, nhưng thật sự chẳng hề trái nghịch nhau. Nếu xét theo số người được vãng sanh trong mười phương mà nói thì đúng là rất nhiều không làm sao tính kể cho hết, còn nếu chỉ luận theo uế độ Sa-bà này thì người tín nguyện vãng sanh rất hiếm hoi. Cõi Cực Lạc chẳng hề trái nghịch mảy may, nhưng hiềm vì người cõi Sa-bà vốn từ lâu đã bị buộc ràng, che lấp bởi vô minh phiền não, mặc tình cho chúng tự nhiên lôi kéo, chẳng sanh lòng nhàm chán rời bỏ, thì làm sao vãng sanh nổi, nên kinh mới bảo: “Đạo thù thắng vô biên, dễ đến mà không người.” Cõi Cực Lạc đối với những người vãng sanh rất dễ đến, người tin ưa pháp môn Tịnh độ chỉ cần tu nhân hạnh, thật thà niệm Phật, do nhân ấy mà tự nhiên được cái quả vãng sanh, rồi lại tự nhiên chiêu cảm được quả A-Bệ-Bạt-Trí ở cõi Cực Lạc. Vì sao dễ dàng đến mức như vậy? Bởi vì cái nhân tu hành của họ từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay đã viên mãn, quả đã đến lúc chín muồi, nên chẳng cần khổ nhọc dụng công mà tự nhiên chiêu cảm lấy cái quả thù thắng như vậy. Vì thế kinh mới bảo: “Nước đó không nghịch cảnh, tự nhiên dắt dẫn theo, chí xả như hư không .” “Chí xả như hư không” có nghĩa là buông bỏ muôn duyên, tâm chán lìa tột bực những ô nhiễm trong uế độ, không mong cầu chuyện đời, chỉ còn lại một tấm lòng rỗng không, tịch tĩnh, thanh tịnh, không cấu nhiễm, khác nào hư không. Do buông xả vạn duyên và dứt bỏ được những chuyện tội tình của thế gian nên tâm hồn được rỗng không, tịch tĩnh, chẳng cấu nhiễm, từ đó mới có thể chí tâm siêng tu cầu đạo đức. Nói theo Tịnh độ, siêng tu cầu đạo đức chính là nhất tâm chỉ giữ lấy một niệm Di Đà để đắc đạo Nhất thừa.
Cái quả báo của việc đắc đạo Nhất thừa là như kinh này chép: “Mãi mãi đặng sống lâu, thọ lạc không cùng tận, đâu phải như việc đời, ray rứt lẽ vô thường.” Trong cõi ấy có vố số Thanh văn, trời, người, thọ mạng của họ cũng đều vô lượng. Trong cõi ấy chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng các niềm vui thấy Phật, nghe pháp, tùy ý tu tập, thẳng đến khi thành Phật. Cõi ấy có những cái tên như là Cực Lạc, An Lạc, An Dưỡng v.v…, Đức Giáo Chủ của cõi ấy có những mỹ hiệu như là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang, Vô Ðẳng Quang, Trí Huệ Quang, Thường Chiếu Quang, Thanh Tịnh Quang, Hoan Hỷ Quang, Giải Thoát Quang, An Ổn Quang, Siêu Nhật Nguyệt Quang, Bất Tư Nghị Quang v.v… Hết thảy những điều thắng diệu như vậy rất đáng để chúng ta ưa thích, mong cầu. Thế gian chẳng có pháp trường sanh chân thật, chỉ có vãng sanh mới được trường sanh. Cõi uế độ Sa-bà này chỉ có toàn là những thứ ô nhiễm và khổ não, đáng nhàm chán; thế mà cớ sao chúng ta vẫn cứ mãi mê tham đắm chuyện thế tục, huyên náo, ồn ào, tranh đua, giành giật những chuyện vô thường? Người đời tham đắm những thứ mình có, muốn luôn giữ mãi, nhưng những thứ ấy thật sự là vô thường, nên đâm ra ray rứt, lo lắng, nhưng dẫu lo lắng cho lắm cũng chẳng làm gì được!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.77.141 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập