Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Học Phật trong mùa đại dịch »» Xem đối chiếu Anh Việt: Học và Hành Kinh Châu Báu - Phần 3 »»
B. Pháp Bảo :
Sau Phật Bảo, Đức Phật Thích Ca dạy tiếp Chánh Pháp là Châu Báu thù diệu.
Chúng ta đã hiểu thế nào là sự thù diệu, thù thắng, giá trị cao quí, tột bực của một vị Phật. Tiếp đến, chúng ta tìm hiểu như thế nào mà Chánh Pháp cũng được xem là giá trị vượt bực, không gì sánh bằng, như bài kệ số 4 của Kinh Châu Báu, đã được Đức Phật xướng lên như sau :
Ðoạn diệt và ly tham,
Bất tử và thù diệu.
Phật Thích-Ca Mâu-ni,
Chứng Pháp ấy trong thiền,
Không gì sánh bằng được,
Với Pháp thù diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh Pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
Đoạn diệt và ly tham , bất tử và thù diệu là Đức Phật nói đến Diệt Đế, Niết Bàn mà Ngài đã thực chứng nhờ pháp Thiền. Do chứng được Niết Bàn nên Pháp hay Chánh Pháp là châu báu thù diệu.
Chúng ta sẽ tuần tự tìm hiểu nghĩa chữ Pháp và Giáo Pháp hay Chánh Pháp là gì và tiếp theo là nghĩa của Diệt Đế hay Niết Bàn mà đức Phật đã chứng đắc qua Thiền định.
1.Nghĩa chữ Pháp: Dhamma trong tiếng Pāli và Dharma trong tiếng Sanskrit là một từ có rất nhiều nghĩa. Và một từ đã có rất lâu xa trong nền Triết học của Ấn Độ. Chúng ta sẽ tìm hiểu nghĩa khá rộng, áp dụng cho cả thế gian và Phật Giáo nói riêng.
Pháp có thể hiểu là tất cả những gì hiện hữu khắp cùng vũ trụ, bao gồm con người, con vật, đồ vật, thiên nhiên, cỏ cây, sông núi, từ cực nhỏ cho đến cực lớn, có một cái thân vật chất nhưng cũng có thể là vô hình và trừu tượng, như những khái niệm, ý tưởng, cảm nghĩ, cảm nhận, cảm thọ,c ảm xúc…Mỗi người, mỗi vật, mỗi sự, mỗi việc, mỗi ý nghĩ, mỗi hành động, mỗi lời nói hay chỉ là thái độ, phản ứng, biểu lộ bên ngoài hoặc cảm nhận bên trong, mỗi hiện tượng, mỗi trạng thái của muôn loài hiện hữu, của cả thiên nhiên, đều có bản chất, phẩm chất, phẩm loại, bản tánh, đặc tánh, tướng riêng biệt, gọi là dị tướng hay biệt tướng và tướng chung, gọi là tổng tướng. Và tất cả các Pháp đều có tương quan, liên hệ, đối đãi, ảnh hưởng lẫn nhau và cũng phải cần có điều kiện thuận lợi mới hiện hữu, sanh ra được, cũng như gặp điều kiện nghịch thì chịu sự hoại diệt.
Pháp có thể có hình tướng và cũng có thể là không hình tướng. Một tâm niệm khởi lên cũng là một Pháp. Pháp có thể là trạng thái của tâm, buồn vui sướng khổ, không vui không khổ. Pháp là những đối tượng của các giác quan, có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và cũng là đối tượng của ý hay ý thức, sự nhận biết hoàn toàn trừu tượng.
Pháp bao trùm cả vũ trụ và gồm luôn cả các cảnh giới như cảnh giới của chư Phật, chư Thiên, cõi địa ngục, ngạ quỷ…Tên gọi chung các cảnh giới là Pháp Giới.
Pháp là những định luật tự nhiên có sẳn không thay đổi. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra những định luật này, đôi lúc phải cần có sự chú ý, theo dõi, tìm tòi, nghiên cứu, hoặc do người khác khám phá và chỉ lại. Có thể là những định luật vật lý, về trọng lượng, về năng lượng, về nhiệt lượng, về sự phản chiếu của ánh sáng, về các tầng số của âm thanh…có thể là những định luật về toán học, hóa học, thiên văn học, địa chất học…Các định luật liên quan đến tứ đại, đất nước lửa gió…Hơi thở ra hơi thở vào cũng là một định luật tự nhiên liên quan đến mạng sống. Máu tuần hoàn trong cơ thể cũng theo một định luật nhất định. Các tế bào sinh ra rồi hủy diệt, rồi lại tiếp tục sinh ra, hủy diệt... Các vi khuẩn sinh sôi nẩy nở, hủy diệt, rồi lại sinh sôi nẩy nở…Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông tiếp nối nhau, hoa mầu kết trái hay lá rụng cây tàn như thế nào đều theo một định luật tự nhiên, sẳn có. Sinh lão bệnh tử là một định luật tự nhiên, sẳn có. Sanh rồi diệt, và diệt rồi lại sanh, đây là một định luật tự nhiên, sẳn có. Thiên nhiên cũng sanh diệt, diệt sanh không ngừng. Con người thì tái sanh, luân hồi sinh tử trong Lục đạo.
Pháp có thể là tốt hoặc xấu, có thể ác mà cũng có thể là thiện, hoặc không ác không thiện. Nơi con người, và cả con vật, tốt xấu, thiện ác hay trung tính đều có. Cho dù Cho dù Khổng Tử, Mạnh Tử đều dạy “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện”. Nhưng mỗi chúng ta ai cũng nhận thấy ác và thiện vẫn thường xuyên xung đột trong nội tâm. Súc sanh, có loài sinh ra thì hiền lành nhai cỏ, có loài phải ăn thịt lẫn nhau. Con người còn phải giết súc vật để ăn thịt hoặc chỉ “bóc lột” chúng, buộc chúng phải cung cấp, sản xuất thực phẩm để nuôi dưỡng thân mạng mình thì cũng chưa hẳn là thiện. Không vô cớ mà nơi Kinh A Di Đà, Phật nói cõi Ta Bà này là Ngũ Trược Ác Thế.
Pháp có thể bất toàn hay hoàn hảo. Các con vật, loại bàng sanh, không thể đứng thẳng như con người “đầu đội trời, chân đạp đất”, chân tay hoạt động thoải mái, hỗ trợ cho nhau, nên con vật là bất toàn so với con người thì hoàn hảo hơn. Lại nữa, con người có trí thông minh, hiểu biết, có thể cải thiện cuộc sống, vật chất cũng như tinh thần, không như con vật, phải chịu đựng, lệ thuộc vào hoàn cảnh.
Pháp có thể là tương đối hay tuyệt đối. Mỗi Pháp đều có bản chất, bản tánh hay hình dạng riêng, khác biệt, để có thể nhận ra, phân biệt với một Pháp khác, đó là mặt tuyệt đối của Pháp, thí dụ con người là con người, mặt mày, chân tay không thể giống con heo, con bò. Giữa con người với nhau cũng vậy, có sự khác biệt về màu da, ngôn ngữ. Song, trên một bình diện khác thì không tuyệt đối. Tuy khác màu da, không cùng chung một thứ tiếng nhưng nói điều gì, muốn điều gì, cần điều gì thì y như nhau. Con người cần ăn uống để sống, có tình dục, có nam có nữ, có sinh con đẻ cái thì con heo, con bò cũng y như vậy, cần ăn uống, có tình dục, có con đực có con cái, và cũng sinh con để cái. Ở đây con người với con người, con người với con vật không tuyệt đối khác nhau. Thêm một thí dụ về Pháp tương đối, con kiến bò dưới đất thì các hạt bụi li ti nhỏ hơn con kiến, con kiến thấy mình to lớn hơn hạt bụi, nhưng con kiến bò bên cạnh con người thì con kiến nhỏ không khác gì hạt bụi.
Pháp tương đối này cũng là sự bình đẳng giữa các Pháp, do cái tướng chung, đối đãi, lệ thuộc vào nhau, tạo điều kiện cho nhau để hiện hữu cũng như bị tiêu diệt. Thân con người hay con vật, hay một sự vật, hay thiên nhiên cũng đều dựa vào nhiều yếu tố như đất nước lửa gió, tinh cha huyết mẹ, con cái con đực, bào thai, trứng…Tất cả các yếu tố cần và đủ mới sanh ra được, cũng như ngược lại, thiếu các yếu tố cần và đủ này thì tiêu diệt. Các Pháp đều phải nương dựa vào nhau nên người, vật, bất cứ gì đều bình đẳng. Trên phương diện này, không ai có thể tự xưng mình là hơn các người khác.
Pháp cũng là những tiêu chuẩn, qui tắc, qui luật, bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo đức, luân lý… được chế định để giữ lề lối, trật tự cho một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia hay nhiều quốc gia. Và Pháp này sẽ không có giá trị nhất định và thay đổi theo mỗi nơi, mỗi xứ, tùy theo tập quán, tục lệ của nơi đó. Tên gọi thông thường là Pháp Luật.
Nếu là những qui tắc, định luật thiên nhiên thì Pháp này không thay đổi, thí dụ còn thở là sống, hết thở là chết, mùa hè thì nóng bức, đông về thì lạnh lẽo, mặt trời lên là sáng, mặt trời lặn là chiều tối…Pháp không thay đổi cho dù Pháp biểu hiện cái thay đổi, vô thường, biến chuyển, biến hoại của mọi sự vật hay hiện tượng. Đất nước lửa gió, sanh lão bệnh tử vận hành theo qui luật của Thành Trụ Dị diệt, là vô thường nhưng cái qui luật này lại là cố định, chắc chắn như vậy, không thể khác.
Pháp trong Phật Giáo, không mang nghĩa thông thường của thế gian, của người đời, không cùng một giá trị và không cùng một mục đích. Pháp của thế gian chế định thì đeo đuổi cái hạnh phúc tương đối và mong manh cho dù cần thiết để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần nhưng dễ rơi vào sự thụ hưởng dục lạc khó kềm chế, khó giữ mức quân bình và bình đẳng hoặc chỉ có mục đích mưu cầu danh vọng, địa vị, lợi lộc...đôi khi vi phạm cả luân lý, đạo đức.
Nhà sư và học giả Nguyên Thủy Walpola Rahula đã định nghĩa: Không có thuật ngữ nào trong Phật giáo rộng hơn Pháp. Nó không chỉ bao gồm những thứ hay các trạng thái có điều kiện mà còn là Niết bàn, tuyệt đối không có điều kiện. Không có gì trong vũ trụ hay bên ngoài, tốt hay xấu, có điều kiện hoặc không có điều kiện, tương đối hoặc tuyệt đối, nằm ngoài thuật ngữ này. (Trích Con Đường Thoát Khổ. Thích Nữ Trí Hải dịch)
Đúng căn nguyên Dhamma có nghĩa là nâng đỡ, nắm giữ, giữ lại. Giáo Pháp nâng đỡ người hành động đúng theo qui tắc và giữ cho khỏi phải rơi vào những trạng thái khổ đau. (trích Đức Phật và Phật Pháp. Narada Thera)
Pháp theo Phật giáo là những lời Giáo Huấn của đức Phật, còn được gọi là Phật Pháp. Có thể tìm thấy qua Tam Tạng Kinh điển, gồm Kinh, Luật và Luận. Đức Phật chỉ dạy cho chúng sinh thấy cái Pháp tự nhiên sẳn có, là những định luật, định lý trong thiên nhiên, cũng như các Pháp tự nhiên đã được nêu bên trên, nhưng các Pháp của Đức Phật dạy thì thế gian hay phàm phu không nhận ra mà phải chờ một Đấng Giác Ngộ như Đức Phật chỉ dạy, đó là Vô Thường, Vô Ngã, Lý Duyên sinh, Luật Nhân Quả…Dù có Phật ra đời hay không, các định luật trên vẫn có mặt. Và Pháp mà Phật chế định, đặt ra để răn dạy, ngăn chận các lỗi lầm, tạo nghiệp bất thiện hoặc làm chướng ngại cho sự tu tập, hướng đến giải thoát khổ đau, không đuổi theo sự hưởng thụ dục lạc, không mong cầu danh vọng, địa vị, lợi dưỡng, như Pháp thế gian, mà chú trọng việc chế ngự thân và tâm, cũng là một loại Pháp Luật, nhưng thường được gọi là Giới Luật.
Đường lối tu tập được phân chia, theo Phật Giáo Nam Truyền:
Pháp học (Pariyattisāsana).
Pháp hành (Paṭipattisāsana).
Pháp thành (Paṭivedhasāsana
Pháp-học Phật giáo (Pariyatti sāsana) đó là học hiểu biết thuộc lòng Tam tạng Pāḷi (tipiṭaka-Pāḷi và các bộ Chú giải Pāḷi (Aṭṭhakathāpāḷi).
Pháp hành Phật giáo (Patipattisāsana) đó là thực hành pháp hành giới, pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ.
Pháp thành Phật giáo (Pativedhasāsana) đó là 4 Thánh đạo, 4 Thánh quả và Niết-bàn gọi là navalokuttaradhamma
(trích tài liệu Giảng Kinh Chuyển Pháp Luân của TK Hộ Pháp)
Ngoài ra còn có cụm từ Pháp Môn thường được dùng để chỉ các phương pháp tu tập, thực hành, y chỉ theo lời dạy của Đức Phật. Chúng ta thường nghe 84.000 Pháp Môn. Con số khá lớn này không được mọi người chấp nhận. Sách kinh ghi chép cũng không đồng nhất. Các học giả tranh luận, không có hai chữ Pháp Môn, do dịch giả Trung Quốc đặt ra, dịch đúng phải là Pháp Uẩn…
Cho dù ngài Anan có nói: “Tôi đã tiếp nhận tám mươi hai ngàn từ đức Phật, hai ngàn từ vị tỳ khưu, tám mươi bốn ngàn Pháp (uẩn) này là có sự vận hành”. https://legacy.suttacentral.net/vn/thag17.3
Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ Pali:
Ta nhận từ đức Phật
Tám mươi hai ngàn pháp
Còn nhận từ Tỷ-kheo
Thêm hai ngàn pháp nữa
Tổng cộng tám tư ngàn
Là pháp ta chuyển vận.
Kinh Tiểu Bộ, đoạn trưởng lão Ananda thương tiếc hồi tưởng lại sau khi Phật nhập diệt (Trưởng Lão Tăng Kệ, 1024, Tiểu Bộ).
Ngài Dhammakitti Mahāsāmi, có đưa ra các con số thống kê về Tam Tạng kinh điển, trong quyển Saddhammasangha, như sau: Trong 84.000 pháp uẩn, Tạng Kinh có 21.000 pháp uẩn, Tạng Luật có 21.000 pháp uẩn, và Tạng Vi diệu pháp có 42.000 pháp uẩn.
Vậy Pháp, Pháp môn hay Pháp uẩn ? Chúng ta không tranh luận, mà giới hạn sự hiểu biết hai chữ Pháp Môn theo nghĩa thông thường là phương pháp tu tập, cửa ngõ dẫn dắt vào Phật Pháp hay vào Đạo. Và xem con số Tám Vạn Bốn Ngàn như một biểu tượng cho những lời Phật dạy, qua các Tam Tạng kinh điển là rất nhiều. Nếu một người có thể chỉ nghe qua hay đọc qua một lời nào đó trích từ kinh Phật mà thức tỉnh, nội tâm được chuyển hóa, lòng tin được phát khởi, thì một lời, một câu đó có thể xem như một cánh cửa vừa được mở để cho người đó đi vào Phật Pháp. Điều quan trọng là đây, chẳng phải là con số, dùng đúng chữ, hay sai chữ, chính nghĩa lý của lời, của câu kinh mới là điều quan trọng.
Thuở xa xưa ngài Huệ Năng tỉnh ngộ nhờ nghe câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. (Không trụ chỗ nào mà sanh tâm mình)
Thời nay, với kinh nghiệm tu học cùng đạo tràng, sau mỗi bài giảng dài hai tiếng đồng hồ, nếu hỏi các Phật tử nhớ gì qua bài học thì phần đông… không nhớ gì nhiều qua bài giảng, không thể viết lại bài tóm tắt, nhưng một lời đúc kết giản dị, vài câu Kệ, lời Kinh ngắn thì dễ ghi nhớ, tâm niệm, mà từ đó chuyển đổi tâm tánh và hướng đời mình theo câu kinh tiếng kệ đã ghi trong tâm.
Thí dụ, có giảng dài dòng về Tâm thì Phật tử dễ ghi nhớ ý nghĩa của Tâm với các câu Kệ:
Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo. (Kinh Pháp cú, Phẩm Tâm)
Hoặc nghe giảng về Nghiệp thì nhớ :
Tự mình làm điều ác
Tự mình sanh mình tạo
Ác nghiệp nghiến kẻ ngu
Như Kim cang nghiền báu. (Kinh Pháp Cú, Phẩm Tự Ngã)
Hoặc khi nghe giảng về lòng sân hận thì tâm niệm :
Hận thù diệt hận thù
Đời này không thể có
Từ Bi diệt hận thù
Là định luật thiên thu. (Kinh Pháp Cú, Phẩm Song yếu)
Hoặc khi tu tập thiền được nhắc nhở, và nhờ đó tập buông xả gánh nặng của quá khứ, không cứ ngong ngóng, mong cầu, hi vọng vào tương lai mập mờ nên sống thanh thản hơn:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây,
Không động, không rung chuyển. (Kinh Nhất Dạ Hiền Giả)
Có Phật tử nghe trên mạng internet bài Kệ Rải Tâm Từ được phổ nhạc với giai điệu nhẹ nhàng, lời lẽ từ ái, thì xúc động, nắn nót chép bài kệ để học. Thường xuyên mở máy tìm nghe bài hát. Lời lẽ, nghĩa lý trong bài kệ dần dà thấm vào tim óc, từ đó tu tập hạnh Từ Bi như lời Phật dạy. Chẳng phải đây là một cánh cửa Pháp được mở ra và dẫn dắt vào Đạo sao ?
Xin nghe bài hát tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=LEhAE71brEY&t=536s
Hoặc có Phật tử học kinh Pháp Hoa dạy “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, là một vị Phật sẽ thành” và nơi Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát, gặp ai cũng chắp tay vái chào « Tôi không dám khinh quí ngài, quí ngài đều sẽ thành Phật » thì thức tỉnh, bỏ thói ngạo mạn, khen mình chê người, tu tập buông bỏ Ngã chấp và tin vào Phật tánh sẳn có nơi mỗi người.
Trong kinh Pháp Hoa, nơi phẩm Phương Tiện lại có mấy câu kệ:
Nếu lòng người tán loạn
Vào nơi trong tháp miếu
Một xưng Nam Mô Phật
Đều đã thành Phật Đạo.
Phật tánh đã có sẳn nơi mỗi chúng sanh, không làm gì nó vẫn hiện hữu, chỉ vì vô minh che lấp mà thôi. Tất nhiên còn phải có con đường tu tập để phá trừ vô minh, nhưng một khi mà nhân giác ngộ đã gieo thì sẽ có cái quả tương ứng, còn lại chỉ là vấn đề thời gian và công phu tu tập cũng như duyên thuận hay nghịch hỗ trợ. Như người hàng thịt, cầm dao cắt xẻ, giết hại cầm thú, nhưng một khi đã buông dao thì “Hồi đầu thị ngạn”.
Còn rất nhiều, rất nhiều, câu Kinh tiếng Kệ đã chuyển hóa một đời người, gieo lòng tin vững chắc, hết lòng qui ngưỡng Tam Bảo, đó chính là cánh cửa giải thoát đã được mở ra. Chẳng phải đó là Pháp Môn sao ?
Chính bài Kinh Châu Báu mà chúng ta đang học ở đây, đã được phổ nhạc, hát bằng tiếng Pali, thật hay, dù không hiểu tiếng Pali vẫn cảm nhận một điều gì thật kỳ diệu từ bài hát, phải chăng vì đó là Chân Ngôn của đức Phật được truyền đến và sẽ dẫn dắt người nghe lần lần tìm hiểu nghĩa lý sâu xa của lời kinh và dốc lòng qui ngưỡng Phật Pháp Tăng. Chẳng phải đó là một lối vào Đạo, cánh cửa Pháp đã được mở ra sao ?
Nghe bài kinh tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=QGCZo_oTcIA
Thế thì chúng ta nên hiểu Pháp Môn trong nghĩa là cánh cửa dẫn dắt vào Phật Pháp. Các tông phái như Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông, Pháp Hoa tông, Hoa Nghiêm tông, Luật tông…đều y chỉ theo lời Phật dạy, chuyên chú nhất tâm vào một phương pháp hành trì nhất định, chắc chắn là có đầy đủ Giới, Định Tuệ thì cũng đâu có khác chi người chỉ y theo Bát Chánh Đạo hoặc các Pháp Hành khác trong số 37 phẩm Trợ Đạo. Nhưng nếu có người không theo một tông phái nào cả nhưng tâm niệm sâu sắc lời Phật dạy, rút từ kinh điển đàng hoàng và thực hành đúng như lời dạy thì đâu có khác người theo một tông phái nào đó. Pháp Môn đúng nghĩa không chỉ giới hạn trong một vài tông phái. Như vậy thì Pháp Môn cũng có thể là Tám Vạn Bốn Ngàn hoặc hơn nữa ? Và nếu hiểu Pháp Uẩn là một lời kinh, một câu kệ, một chủ đề mà Phật đã dạy thì cũng là cửa ngõ dẫn dắt vào Pháp đấy thôi.
Nếu muốn tìm hiểu thêm về con số Tám Vạn Bốn Ngàn Pháp Môn thì có thể tham khảo:
https://www.tamtangpaliviet.net/VChuong/VChuong_GhiChu.htm
Ngoài ra còn có Pháp Hữu Vi và Pháp Vô Vi. Pháp Hữu Vi, còn được gọi là Pháp Hữu Lậu hay Pháp thế gian, Pháp này chịu sự sanh diệt và còn trầm luân trong sinh tử luân hồi, trong Lục đạo cũng như trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Pháp này do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra và cũng do nhân duyên tan rã mà diệt. Pháp này lệ thuộc vào điều kiện để sanh cũng như diệt. Pháp này là vô thường, không trường cữu, biến hoại, đổi thay và gây khổ đau, chất chứa phiền não, ô nhiễm tham sân si. Cho dù Pháp Hữu Vi có thể là những pháp thiện nhưng vẫn phải bị chi phối bởi vô thường, sanh diệt và vẫn nằm trong luân hồi, vô minh. Pháp Hữu Vi do sự tạo tác, tác ý mà thành. Xuất phát từ cái ý chí của Ngã chấp, muốn nắm bắt (thủ) và muốn hiện hữu. Có Hữu thì có Sanh và tất yếu có Diệt. Pháp này đưa đến tái sinh, chỉ chấm dứt khi được chuyển sang Pháp Vô Vi.
Pháp Vô Vi còn gọi là Pháp Vô Lậu, Pháp xuất thế gian. Không chấp Ngã, không Thủ, không Hữu, không tác ý, không tạo tác, không phiền não, không khổ đau, không nhiễm tham sân si, đưa đến trạng thái không sanh, không diệt, không nhân duyên hòa hợp, không lệ thuộc vào điều kiện để sinh khởi thì cũng không lệ thuộc vào nhân duyên hay điều kiện để tan rã, hủy diệt. Pháp này dẫn đến Niết Bàn tịch tĩnh, bất sanh bất diệt.
2.Giáo Pháp hay Chánh Pháp là gì ?
Những lời dạy của Đức Phật được gọi là Giáo Pháp hay Giáo Lý. Và Giáo Pháp này còn được gọi là Chánh Pháp vì có giá trị chân thật, không hư dối, chỉ bày Chân Lý, sự thật như thế nào thì phơi bày như thế đó, không thể sai khác, không có lầm lẫn.
Giáo Pháp hay Chánh Pháp diễn nói từ Đức Phật chỉ với mục đích là đưa con người ra khỏi biển khổ của sanh tử luân hồi.
Giáo Pháp mà Đức Thích Ca diễn bày qua Kinh Chuyển Pháp Luân, được xem là bài kinh căn bản, trọng yếu nhất. Đức Phật đã nói ra, sau khi Ngài thành đạo dưới cội bồ đề, để thuyết giảng cho năm người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài trước đó. Sau khi nghe bài kinh thì tôn giả Kiều Trần Như đã đắc Pháp. Nhóm năm người bạn đồng tu khổ hạnh trở thành đệ tử đầu tiên của đức Phật và từ đó Tăng đoàn được thành lập.
Vậy, muốn hiểu Giáo Pháp của Phật thì chúng ta sẽ ôn lại từ đầu như nhóm năm vị đệ tử Kiều Trần Như qua bài Kinh Chuyển Pháp Luân, tiếp đến bài pháp thứ hai là Kinh Vô Ngã Tướng và Lý Duyên Khởi mà Đức Phật đã thực chứng trong đêm thành đạo. Trọn đầy đủ Giáo Pháp thì chúng ta tuần tự ôn tiếp các khái niệm về Nghiệp, Nhân Quả, Luân Hồi và 37 Phẩm Trợ Đạo.
A. Kinh Chuyển Pháp Luân. (Dhamma-Cakka-Pavattana Sutta. Tương Ưng Bộ (Saṃyutta Piṭaka))
Kinh Chuyển Pháp Luân thường được hiểu là bài kinh mà Đức Phật đã chuyển vận bánh xe Pháp. Theo cố Hoà Thượng Thích Thiện Siêu trong cuốn Vô Ngã Là Niết Bàn : « Từ Chuyển, sự chuyển động, còn có thêm nghĩa là xây dựng, củng cố. Từ Pháp là trí tuệ, chân lý, đạo lý và từ Luân là bánh xe, cũng là vương quốc. Như vậy, ngoài nghĩa thông thường là chuyển bánh xe Pháp, nên hiểu thêm Chuyển Pháp Luân là củng cố vương quốc trí tuệ, xây dựng vương quốc chân lý. Bánh xe có thể lăn chuyển từ Tâm người này sang Tâm người khác. Giáo Pháp từ Tâm chứng ngộ của Phật chuyển tới Tâm mê lầm của chúng sinh. Chữ Luân còn có nghĩa là dằn dẹp, lăn đến đâu, dằn dẹp đến đó. Giáo Pháp Phật lăn đến tâm chúng sanh thì dằn dẹp hết mọi phiền não, tà kiến, vô minh ».
Các ý chính trong bài kinh xin được tóm tắt như sau :
- Hai cực đoan cần nên tránh: Hưởng thụ dục lạc và lao mình trong khổ hạnh. Đó không phải là pháp hành của Thánh nhân và không đem lại lợi ích an lạc.
- Trung Đạo là con đường cần thực hành để tránh hai cực đoan. Đó là Tám pháp cao thượng hay Bát Thánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
- Bốn Chân Lý, hay Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế:
a/ Khổ Đế. (Khổ Thánh đế, Dukkha Ariyasacca): Sinh, già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não, oán thù tụ hội, thương yêu phải biệt ly, mong cầu không được, nhóm năm Thủ Uẩn là khổ. (Chấp vào tấm thân Ngũ Uẩn gồm 5 yếu tố sắc, thọ, tưởng hành thức tạo thành, có phần vật lý và tâm lý là của ta, là ta, là tự ngã của ta thì chỉ chuốc lấy khổ đau). Khổ còn được chia ra ba loại như sau :
Khổ khổ: tức là nhiều nỗi khổ chồng chất lên nhau. Thân tâm con người vốn đã là khổ, lại còn bị vô vàn nỗi khổ khác (như bệnh tật, đói khát, gió bão, mưa lụt, giá lạnh, nóng bức, hiếp đáp, lăng nhục, hành hạ, chiến tranh, v.v…) làm cho khổ thêm; cho nên gọi là “khổ khổ”.
Hoại khổ: tức là sự hoại diệt làm cho khổ. Những người ta thương yêu mà mất đi, những vật ta ưa chuộng mà hư nát, đều làm cho ta đau khổ. Những thú vui, lúc ta đang hưởng thụ thì cảm thấy rất vui, nhưng khi những thú vui ấy tàn thì ta thấy tiếc nuối, nhớ nhung, buồn phiền, đau khổ. Ngay như bốn yếu tố (đất, nước, gió, lửa) trong thân ta, lúc không được điều hòa, cũng làm ta đau khổ. Những nỗi khổ như thế gọi là “hoại khổ”.
Hành khổ: Chữ “hành” ở đây có nghĩa là sự trôi chảy, biến đổi và sinh diệt của vạn vật. Mọi pháp hữu vi trong vũ trụ đều do duyên sinh, luôn luôn trôi chảy, trải qua quá khứ, hiện tại và vị lai, không có giây phút nào được yên ổn. Bản chất của vạn pháp vốn là vô thường, không có tự ngã, luôn luôn biến đổi, sinh diệt, không chân thật. Điều đó làm cho ai thấy cũng sinh buồn phiền đau khổ. (Trích Giáo Khoa Phật Học, tác giả Phương Luân, Hạnh Cơ dịch và chú thích)
Chúng ta còn có thêm một định nghĩa khác về Hành khổ như sau :
Hành khổ: Là những ý định, những chủ tâm dẫn đến phát khởi những hành động của thân, khẩu, ý. Hay nói cách khác, Hành uẩn là sự tạo tác của mọi hoạt động trong tâm thức trước khi bộc phát thành hành động. Sự hoạt động này rất chủ động như tôi dự định làm như thế này, tôi cho rằng như thế là không được… Do Hành sanh ra Thức, thúc đẩy Thức tạo nghiệp. Hoạt động của Hành rất vi tế, ẩn tàng trong tâm khó có thể nhìn thấy, thế nhưng nó điều khiển tất cả mọi hành động của thân, khẩu, ý làm cho tâm trí chúng sanh luôn dao động, lo toan, ưu phiền. Công năng của hành uẩn thật đáng sợ, luôn hoạt động thường trực, nhưng vi tế khó nhận biết, nó dẫn dắt tâm ý hoạt động xấu, tốt hoặc không xấu, không tốt. Như vậy, hành uẩn có khả năng chủ đạo tạo nghiệp, dẫn dắt chúng sanh trôi lăn trong bể khổ luân hồi, chịu nhiều khổ đau. https://phatgiao.org.vn/tam-kho-la-gi-d48183.html
b/ Tập Đế. ( Nhân sinh khổ Thánh đế, Dukkhasamudaya Ariyasacca): Chính ái dục là nguyên nhân dẫn đến tái sinh, do ái cấu kết với hỷ và tham, tìm kiếm thú vui, hưởng dục lạc nơi này chỗ khác, nơi cõi Dục (Trời, người), Hữu ái (cõi Sắc, chấp Thường) và Phi hữu ái ( cõi Vô Sắc, chấp Đoạn).
c/ Diệt Đế. (Diệt khổ Thánh đế, Dukkhanirodha Ariyasacca) : Chính là ly tham đoạn diệt hoàn toàn, xả bỏ, giải thoát, không chấp trước ái dục.
d/ Đạo Đế. (Pháp hành dẫn đến diệt khổ Thánh đế, Dukkhanirodhagaminī Paṭipadā Ariyasacca) : Chính là Thánh Đạo tám nghành : Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
Con đường Bát Chánh được triển khai như sau :
Chánh Kiến là cái thấy, nhận biết chân chánh, ngay thẳng, đúng đắn, không sai lầm do nhận định chủ quan hay hạn hẹp, do thành kiến hay cố chấp. Chánh Kiến là sự nhận thấy, hiểu biết dựa vào Tứ Thánh Đế, dựa vào Giáo Pháp, nhận rõ Tam Pháp Ấn, Lý Duyên Khởi, Nghiệp, Nhân Quả. Không vướng mắc vào các cực đoan, khổ hạnh hay dục lạc, Thường Kiến, Đoạn Kiến. Biết phân biệt rõ ràng đâu thiện đâu ác, đâu tà đâu chánh.
Chánh Tư Duy là sự suy nghĩ không sai lầm do nhờ có Chánh Kiến dẫn dắt. Suy nghĩ theo lẽ phải, đạo đức, không gây phiền não, không gây khổ đau, không hại người, hại vật cũng như hại cho mình. Suy nghĩ theo chiều hướng thiện, đoạn trừ ác, đoạn trừ lòng tham luyến, ái dục, lòng sân hận và ngu si, thiếu sáng suốt, mê lầm.
Chánh Ngữ là lời nói được dẫn dắt bởi Chánh Kiến, Chánh Tư Duy nên là lời nói phù hợp với sự thật, lẽ phải, với chân lý, đạo đức nên là lời hòa ái, ái ngữ, không dối trá, không đâm thọc, không chia rẽ, không nói hai lưỡi, nói ác, nguyền rủa, trù yếm, nặng lời.
Chánh Nghiệp là hành động, cũng như Chánh Ngữ, đều được dẫn dắt bởi Chánh Kiến, Chánh Tư Duy nên mới có thể hành động đúng đắn, phù hợp với đạo đức, lẽ phải, không hành động làm tổn hại tánh mạng, gây đau khổ cho người khác, cho vật cũng như cho chính bản thân.
Chánh Mạng là sanh sống, nuôi thân mạng, có nghề nghiệp chân chính, không lừa đảo, không gian tham, không tráo trở, không thủ đoạn, không vì lợi riêng cho mình mà tổn hại sinh mạng kẻ khác, người cũng như vật. Đối với thiên nhiên cũng không lạm dụng quá mức. Sống đúng Chánh Mạng là vừa lợi mình, lợi người, lợi vật. Đem hạnh phúc, an lạc cho mọi người, mọi loài, hữu tình cũng như vô tình (thiên nhiên, núi sông, cây cỏ, cảnh vật quanh ta)
Chánh Tinh Tấn là siêng năng, chuyên cần, không phóng dật, buông lung, luôn cố gắng diệt ác, làm thiện. Ác chưa sinh thì ngăn chận không cho phát sinh, lỡ đã phát sinh thì nhất quyết không tái phạm. Điều thiện chưa pháp sinh thì làm cho phát sinh và đã có thiện nghiệp rồi thì tiếp tục vun bồi, làm cho tăng trưởng, trường tồn.
Chánh Niệm là ghi nhớ, nhớ nghĩ, thường xuyên, liên tục, không gián đoạn, không xao lãng, gần như khắc ghi vào lòng, vào tâm nên thường nói là Tâm niệm. Tất nhiên là ghi nhớ điều gì chân chánh, điều đáng làm, không nên làm, phù hợp với đạo đức, chân lý, lẽ phải, cũng dựa vào Chánh Kiến, Chánh Tư Duy mà có. Nhớ nghĩ đồng thời quán xét tường tận, không lầm lẫn chánh tà, thiện ác, vô ích hay có ích cho sự tu tập, quán niệm về Thân, Thọ, Tâm, Pháp, quán niệm về Tam Bảo là châu báu thù diệu, về Tứ Ân phải đền đáp, chúng sinh phải cứu vớt, lỗi lầm cần sám hối, không tiếp tục tạo nghiệp làm chướng ngại cho con đường giải thoát, hướng theo pháp Vô Vi, Vô Lậu không theo pháp Hữu Vi, Hữu Lậu của thế gian.
Chánh Định là tập trung tư tưởng hay nhiếp tâm vào một điểm, một đối tượng, một đề mục. Không còn cái tâm lăng xăng, dao động. Tâm định tĩnh thì mới có thể suy nghĩ đúng, nói năng đúng, hành động đúng. Nhiều phương pháp để thực hành Chánh Định, như theo dõi hơi thở để đối trị sự tán loạn của tâm thức, tập trung tư tưởng nơi cái thân bất tịnh để dẹp trừ tham dục, tập trung tư tưởng xem chúng sinh không khác với mình để đoạn trừ sân hận và mở lòng từ bi, tập trung vào các mối nhân duyên sinh diệt, giả hợp, không trường tồn, không thật có, để đoạn trừ si mê, không còn chấp vào thân là ta, là của ta, là bản ngã của ta.
Con đường Bát Chánh được thu gọn vào ba đề mục chính là Giới Định Tuệ hay Tam Vô Lậu học.
Giới bao gồm Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng.
Định bao gồm Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
Tuệ bao gồm Chánh Kiến và Chánh Tư Duy.
Bát Chánh Đạo được Đức Phật dạy riêng nơi Đạo Đế trong Tứ Thánh Đế và cũng thuộc vào 37 Phẩm Trợ Đạo.
Tóm lại, theo lời dạy trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân thì chúng ta cần tâm niệm là tránh hai điều cực đoan trong đường lối tu hành, cho dù Đức Phật dạy cho các vị xuất gia, nhưng hàng phật tử tại gia như chúng ta vẫn lấy đó làm chuẩn mực để noi theo. Tiếp đến là con đường Trung Đạo tức là Bát Thánh Đạo cần tu tập, thực hành, không chỉ là lý thuyết. Sau cùng là Bốn Chân Lý về Khổ, Nguyên Nhân của Khổ, Sự Diệt Khổ và Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ, là những sự thật mà chúng ta không chút hoài nghi, cần hiểu thấu đáo tường tận mới có thể hỗ trợ một cách vững chắc, không làm thối lui Tâm Bồ Đề của chúng ta.
Thêm nữa, Bốn Chân Lý cần được hiểu rõ (Khổ đế), cần được đoạn trừ (Tập đế), cần được tu tập (Đạo đế) và cần được chứng đạt (Diệt đế). Các giai đoạn hành trì như vậy, kinh dạy là 3 Chuyển (Thị chuyển, Khuyến chuyển và Chứng chuyển) gồm 12 tướng, tính chung cho cả 4 Đế.
Qua bài kinh Chuyển Pháp Luân, Phật thuyết giảng về pháp hành Trung Đạo đó là pháp hành Bát Chánh Đạo dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế.
Tứ Thánh đế, cho thấy có 2 nhóm nhân quả: nhóm Nhân quả Hữu lậu và nhóm Nhân quả Vô lậu: Khổ đế là quả trong phạm trù các pháp hữu lậu, và nhân là Tập đế. Trong phạm trù các pháp Vô lậu thì Diệt đế là quả, và Đạo đế là nhân đưa đến quả ấy.
Cuối bài kinh, Đức Phật đã tuyên bố: “Này các tỳ kheo, khi nào tri kiến như thật về Bốn Thánh đế với Ba chuyển và Mười Hai tướng như trên không hoàn toàn rõ ràng nơi Ta, thì khi ấy, Ta không tự nhận chứng đạt Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác trong thế giới với chư Thiên, ma vương, Phạm Thiên, quần chúng Sa môn, Bà la môn, Trời và người.”
Sau khi nghe Pháp, tôn giả Kondanna đã khởi lên Pháp nhãn thanh tịnh, không ô nhiễm: “Tất cả các Pháp do nhân duyên khởi ra đều bị hoại diệt.” Pháp nhãn thanh tịnh này là sự giác ngộ về Lý Duyên Khởi, là căn bản, là nền tảng dựa trên đó Giáo Pháp được truyền đạt. Chúng ta sẽ đề cập đến qua các phần sau.
B. Kinh Vô Ngã Tướng. (Anattalakkhaṇa Sutta, Tương Ưng Bộ. Samyutta Nikaya)
Sau bài kinh Chuyển Pháp Luân thì Đức Phật giảng tiếp cho năm vị tỳ kheo nhóm Kiều Trần Như bài kinh Vô Ngã Tướng. Bài kinh thuyết về bản chất Vô Thường, Vô Ngã và Khổ của các pháp. Còn được gọi là Tam Pháp Ấn.
Đức Phật dạy năm yếu tố Sắc Thọ Tưởng Hành và Thức, gọi chung Ngũ Uẩn, tạo thành con người, gồm vật lý và tâm lý, Sắc và Danh, thực chất của nó là Vô Ngã vì không một ai có thể làm chủ năm uẩn này, điều khiển chúng, ra lệnh chúng phải theo đúng như ý mình mong muốn, Sắc của tôi, Thọ của tôi, Hành…v.v…phải như thế này, như thế kia được. Do bản chất Vô Ngã, không có một cái Ngã riêng biệt, độc lập, tự do, có quyền quyết định, có thể điều khiển, Ngũ Uẩn lệ thuộc vào điều kiện, do duyên sinh và cũng do duyên diệt. Ngũ Uẩn chịu sự biến đổi, hoại diệt nên mang tánh chất Vô Thường và Vô Thường thì kéo theo Khổ não. Ba tánh chất Vô Ngã, Vô Thường và Khổ hàm chứa trong Ngũ Uẩn.
Chúng ta có thể hiểu thêm về Tam Pháp Ấn qua các đoạn kinh như sau :
Pháp nào có tên gọi là “Vô thường”, là Pháp có trạng thái thay đổi không thường, Pháp ấy chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xứ, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xóm, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một gia tộc đâu. Pháp ấy để chung cho nhơn loại, súc sanh, luôn đến Chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên cả thảy.
Pháp nào có tên gọi là “Vô ngã”, là Pháp có trạng thái “không phải là của ta”, Pháp ấy chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xứ, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xóm, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một gia tộc đâu. Pháp ấy để chung cho nhơn loại, súc sanh, luôn đến Chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên cả thảy.
Pháp nào có tên gọi là “Khổ não”, là Pháp có trạng thái đau đớn buồn rầu, Pháp ấy chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xứ, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một xóm, chẳng phải chỉ để riêng cho những người trong một gia tộc đâu. Pháp ấy để chung cho nhơn loại, súc sanh, luôn đến Chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên cả thảy. https://budsas.net/uni/u-nhat-tung/ktung04.htm
Và sau khi đã chỉ rõ cái gọi là Vô Thường, Vô Ngã, Khổ, Đức Phật dạy con đường thoát khổ bằng sự quán niệm như sau :
Do vậy, này các Tỷ-kheo, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Tương tự với các uẩn còn lại là Thọ. Tưởng, Hành, Thức cũng đều phải được quán như đã quán về Sắc vậy. Và lại tiếp tục quán niệm thật rõ hơn nữa để đưa đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt và giải thoát:
Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn kiếp sống nào nữa”.
Và bài kinh chấm dứt với tâm hoan hỉ và giải thoát của các vị năm Tỳ kheo:
Thế Tôn thuyết như vậy. Nhóm năm vị Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời dạy này được nói lên, tâm của nhóm năm vị Tỷ-kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. https://daophatnguyenthuy.wordpress.com/tu-h%E1%BB%8Dc/kinh-vo-nga-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-anattalakkha%E1%B9%87a-sutta/
Câu nói được Đức Phật nhắc nhở, lập đi lập lại, với mỗi thành phần của Ngũ Uẩn : “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”(Cố Hòa Thượng Thiện Châu dịch) chính là một Chân Ngôn, một Thần Chú mà chúng ta cần ghi khắc trong tâm, trì tụng để hướng theo đó mà tu tập. Có thể đưa chúng ta qua bên kia bờ giải thoát. Tiếng Pali, Chân Ngôn này là ‘netaṁ mama, nesohamasmi, na meso attā’ti. Ý nghĩa toàn bài kinh Vô Ngã Tướng được cô đọng trong Chân Ngôn này. (Kinh Tương Ưng Bộ. S.22.8-III.19)
Chúng ta lại nhận rõ hơn nữa tầm quan trọng và giá trị của sự buông bỏ Ngã chấp qua lời dạy này của đức Phật :
Ai còn tham luyến (tức còn ngã ái chấp đây là của tôi, ngã mạn chấp đây là tôi, ngã kiến chấp đây là tự ngã của tôi), thời có dao động. Ai không tham luyến, thời không dao động. Ai không dao động, thời được khinh an. Ai được khinh an thời không thiên chấp (nati). Ai không thiên chấp, thời không có đến và đi. Ai không có đến và đi, thời không có diệt và sanh. Ai không có diệt và sanh, thời không có đời này đời sau, không có giữa hai đời. Đây là sự đoạn tận khổ đau". (Niết bàn - Tương Ưng Bộ Kinh 4/65, 1982)
Tu tập để buông bỏ Ngã chấp là điều vô cùng khó cho mỗi chúng ta. Cái tôi, cái ngã qui ước nó rành rành trước mắt, không ai không nhận cái thân này là Tôi, với tên họ này, sinh ở đây, sống ở đó, làm nghề này, lo nghiệp kia là Tôi. Một cái Tôi khác với cái Tôi khác, một cái Tôi cá biệt, riêng của tôi. …Mở miệng nói năng là phải xưng Tôi, nghĩ suy điều gì là Tôi đang nghĩ, là ý nghĩ của Tôi, vui hay buồn, giận hay thương cũng là chính Tôi đang vui, đang buồn, đang giận đang thương…Không chỉ bám vào cái Tôi của hiện tại, đang hiện hữu mà còn bám vào cái Tôi của quá khứ và muốn nó tiếp tục ở tương lai. Không có gì quí báu hơn Tôi, và Tôi này cũng đáng được tôn trọng, có giá trị hơn các Tôi khác, cần bảo vệ nó, cần nuôi dưỡng, cần chăm sóc nó đến mức tối đa, đồ ăn mặc, đồ dùng, bất cứ gì đều phải cung cấp cho cái Tôi này trước hết, là ưu tiên, cái Tôi khác không thể hưởng trước cái Tôi của Tôi, là Tôi này. Không ai có thể xúc phạm đến cái Tôi này. Cái Tôi này chỉ muốn điều tốt lành, hạnh phúc, trước tiên là cho tôi và sẳn sàng tranh đấu để gạt bỏ khổ đau. Vì vậy mà cái Tôi này cũng có thể làm điều ác, phi đạo đức. Miễn sao Tôi và những gì, những ai, có liên quan đến Tôi, được bảo vệ là không từ. Cái Tôi này có thể ôm vào mình tất cả vũ trụ! Đây cha Tôi, mẹ Tôi, chồng Tôi, vợ Tôi, con Tôi, nhà Tôi, xe Tôi, chủ Tôi, nước Tôi, dân tộc Tôi… Do vậy, bám vào cái Tôi này thì rất dễ sa ngã, tạo nghiệp bất thiện và dẫn đến khổ đau. Vì không chỉ có một cái Tôi mà vô lượng cái Tôi khác cũng suy nghĩ và hành động theo chiều bảo vệ cái Tôi của riêng mình. Cái Tôi này sẽ va chạm với cái Tôi kia và nhất định là chiến tranh bùng bổ.
Qua bài kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật dạy đầu mối của khổ đau là chính cái Tôi này. Chính là sự chấp trước, chấp thủ vào cái thân Ngũ Uẩn này, vừa là Sắc, vừa là Danh, là của Tôi, là Tôi, là Tự ngã của Tôi. Muốn chấm dứt khổ đau do nó, từ nó mà có thì phải hiểu tường tận nó chẳng có thật, nó là huyễn, nó là giả hợp, do duyên sanh và cũng do duyên diệt. Cái Sắc thân hoại diệt thì thấy rõ ràng nhưng phần Danh thì vô hình tướng nên không thấy sự sanh diệt của nó dễ dàng, và những gì đã được tác ý, được huân tập, bám níu, đeo đuổi qua Thọ, Tưởng, Hành và Thức vẫn còn ngủ ngầm, liên tục tồn tại, tuy có sanh, có diệt. Có đó, mất đó, nhưng luân lưu trôi chảy như trên một dòng sông, chỉ chờ hội đủ duyên, đủ điều kiện thuận lợi là khởi lên do đó mà có luân hồi, tái sinh. Cái Tôi ở đây có thể so sánh như một con ngựa chỉ theo đường cũ và thẳng tiến, không biết rằng cái Tôi này chỉ là đang bị Nghiệp Lực làm chủ. Muốn nắm thật rõ hơn nữa điều này, chúng ta sẽ học tiếp phần Duyên Khởi Pháp hay Thập Nhị Nhân Duyên, cùng với Nghiệp, Nhân Quả và Luân Hồi.
C. Duyên Khởi Pháp. Paticca samuppada
Duyên khởi là giáo lý mà từ đó Đức Thích Ca đã giác ngộ và trở thành vị Phật, bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đức Thích Ca Mâu Ni và tất cả chư Phật quá khứ đều giác ngộ, thành Phật từ giáo lý Duyên khởi. Duyên khởi là thực tính, thực tướng của tất cả pháp. Trong kinh Phật Tự Thuyết (Udàna, Tiểu Bộ kinh), Duyên Khởi pháp được tóm tắt như sau:
- Do cái này có mặt nên cái kia có mặt.
- Do cái này không có mặt, nên cái kia không có mặt.
- Do cái này sinh, nên cái kia sinh.
- Do cái này diệt, nên cái kia diệt.
Duyên Khởi pháp được giảng thu gọn qua Thập Nhị Nhân Duyên để cắt nghĩa sự hiện hữu và sự đoạn diệt của một hữu tình, được định nghĩa như sau, hãy cùng đọc đoạn kinh:
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Thắng Lâm), trong vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ kheo: "Này các Tỷ kheo". "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói:
- Này các Tỷ kheo, Ta sẽ thuyết cho các ông về lý Duyên khởi. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Này các Tỷ kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức, thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là tập khởi.
Nhưng do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Dọ thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là đoạn diệt.
Thế Tôn nói như vậy. Các Tỷ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. https://thuvienhoasen.org/images/file/Nqrqkp1G0QgQACMa/tuongungbokinh.pdf
Đức Phật lại giảng tiếp thật chi tiết về 12 chi phần, thường được xem như là 12 mắt xích trong cái vòng nhân và duyên nối nhau, mắt xích này vừa là nhân vừa là duyên cho mỗi mắc xích tiếp theo, không có một mắt xích nào tồn tại riêng lẻ và trong một mắt xích đều tiềm ẩn các mắt xích khác:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là già chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ tàn lụi, các căn chín muồi. Ðây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể vứt bỏ. Ðây gọi là chết. Như vậy đây là già, đây là chết. Này các Tỷ kheo, đây gọi là già chết.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là sanh? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ. Này các Tỷ kheo, đây gọi là sanh.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là hữu? Này các Tỷ kheo, có ba hữu này: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hữu.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là thủ? Này các Tỷ kheo, có bốn thủ này: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Này các Tỷ- kheo, đây gọi là thủ.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là ái? Này các Tỷ kheo, có sáu ái thân này: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Này các Tỷ kheo, đây gọi là ái.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ kheo, có sáu thọ thân này: thọ do nhãn xúc sanh; thọ do nhĩ xúc sanh; thọ do tỷ xúc sanh; thọ do thiệt xúc sanh; thọ do thân xúc sanh; thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ kheo, đây gọi là thọ.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là xúc? Này các Tỷ kheo, có sáu xúc thân này: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Này các Tỷ kheo, đây gọi là xúc.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỷ kheo, đây gọi là sáu xứ.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý; đây gọi là danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra; đây gọi là sắc. Như vậy đây là danh, đây là sắc. Ðây gọi là danh sắc.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là thức? Này các Tỷ kheo, có sáu thức thân này: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ kheo, đây gọi là thức.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là hành? Này các Tỷ kheo, có ba hành này: thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hành.
Này các Tỷ kheo, thế nào là vô minh? Này các Tỷ kheo, không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con đường đưa đến Khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh.
https://thuvienhoasen.org/images/file/Nqrqkp1G0QgQACMa/tuongungbokinh.pdf
Theo các trích dẫn trên, chúng ta có các định nghĩa thật rõ ràng về Duyên Khởi pháp cũng như Thập Nhị Nhân Duyên từ kinh điển. Chúng ta cần thuộc nằm lòng và ghi nhớ các điều chính yếu, tích cực, hướng dẫn sự tu tập của chúng ta thêm vững chắc như sau:
- Sự sinh thành và hoại diệt của một con người nói riêng và chúng hữu tình nói chung, đều do những điều kiện (duyên) tạo nên, vừa vật chất vừa tâm lý, không do sự sáng tạo của thần linh, không phải tự nhiên mà có, không do nguyên nhân gì mà hiện hữu, mà tự nhiên thành được.
- Là qui luật phổ quát từ vũ trụ bao la cho tới một hữu thể cực kỳ vi tế.
- Nắm rõ qui luật của sự vận hành thân tâm theo hai chiều, sanh khởi hay chiều thuận, và đoạn diệt, hay chiều nghịch thì con người có thể tự chủ các hành động liên quan đến thân khẩu ý, tiếp tục tạo nghiệp hay không tạo nghiệp để chấm dứt thọ lảnh quả báo khổ đau, chấm dứt sự liên tục tiếp nối trong vòng sanh khởi, cũng là vòng luân hồi.
- Nhận ra 12 nhân duyên, được xem như là 12 mắt xích của một dây chuyền, đều làm Nhân và Duyên cho nhau, đều nương dựa vào nhau, đều phụ thuộc vào nhau, cũng vừa là Nhân mà cũng vừa là Quả. Chỉ cần đoạn trừ, cắt đứt một mắt xích là toàn bộ dây chuyền rơi rụng, không còn chỗ tiếp nối.
- Hiểu rõ sự vận hành của Mười Hai Nhân Duyên thì cũng nhận ra tánh Vô Ngã. Cái Tôi này không thể hiện hữu một mình nó, nó phải nương vào các điều kiện, các yếu tố, để hình thành. Cho dù Vô Minh được kể hàng đầu, phải duyên với Hành, Hành tiếp tục duyên với Thức, Thức duyên với Danh Sắc…v.v…Nhưng thật ra trong một chi phần đều bao gồm 11 chi phần khác. Đầu và đuôi bám chặt vào nhau, xoắn vào nhau. Không thể nói chi phần nào là chi phần đầu tiên được cả. Khi Ái khởi lên là bởi nó đã mang trong mình cái thấy sai lầm, thúc đẩy bởi nhận thức và hành động sai lầm, khát khao những cảm xúc, cảm thọ, bám vào lục căn lục trần, bám một cái thân, chắp là của mình, gán vào rồi thì phải chịu cái quả tiếp nối là lão, tử…Hoặc khi muốn hành động, thực hiện một điều gì thì trong đó đã mang đầy đủ các tánh mê lầm, tham ái, bám vào cảm thọ, muốn chiếm hữu, muốn là của tôi…Tuần tự như thế đầy đủ mười hai chi phần trong mỗi chi phần.
- Muốn thoát khỏi vòng xoáy vô tận này thì cần đoạn trừ một chi phần thì các chi phần khác sẽ không còn chỗ nương dựa, bị gián đoạn ngay.
- Nếu cứ tiếp tục đi theo chiều sanh khởi của Mười Hai Nhân Duyên thì chúng ta kẹt mãi trong Pháp Hữu Vi, tiếp tục tạo nghiệp và trôi lăn trong luân hồi sinh tử, trong Lục Đạo hoặc Tam Giới.
- Quyết tâm đi theo chiều đoạn diệt, trong đời sống của một con người, một chúng hữu tình như chúng ta, bắt đầu từ Ái diệt thì cũng sẽ diệt theo sự chấp thủ, tìm cầu một cái Thân để hiện hữu, để Sanh ra để rồi phải chịu Lão, Tử và sầu bi khổ ưu não cũng sẽ diệt theo. Trong Tập Đế, Đức Phật dạy nguyên nhân của Khổ là Ái Dục. Vậy muốn Khổ diệt thì phải diệt Ái.
Kinh Pháp Cú, Phẩm Tham Ái, Kệ 350, 351, Đức Phật dạy :
Ai vui lìa ác tưởng
Quán bất tịnh, Chánh niệm
Người ấy sẽ diệt Ái
Cắt hẳn lưới ma vương.
Ai tới đích không sợ
Lìa Ái không nhiễm ô
Nhổ mũi tên sanh tử
Thân này là thân cuối.
- Vô Minh và Hành được xem như là những Nhân của quá khứ, được huân tập không biết tự bao giờ, Nhân quá khứ này sinh ra Quả hiện tại là Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc và Thọ. Tiếp đến, Ái, Thủ và Hữu thì được xem như là Nhân hiện tại và sinh ra Quả vị lai là Sanh, Lão Tử.
- Tu tập là nương vào Nhân hiện tại là Ái, Thủ, Hữu để chận đứng, chấm dứt cái Quả Sanh, Lão, Tử tương lai. Nhờ Đạo Đế dẫn dắt mà chuyển hướng sang chiều đoạn diệt Ái, không Thủ, không Hữu, không chấp Ngã thì chứng đắc Diệt Đế, Niết Bàn.
- Do nhận ra Mười Hai Nhân Duyên mà chúng ta cũng nhận ra được tánh bình đẳng, không phân chia Nhân, Ngã, ta và người khác vì cơ bản tất cả chúng ta đều hiện hữu trên một định lý Duyên Khởi. “ Cái này có mặt, thì cái kia có mặt…Cái này diệt thì cái kia diệt ” Không ai thật có ở đây cả, chẳng ai hơn ai, kém ai. Ai cũng trầm luân trong mê muội và biển khổ mà thôi, Vậy nổi Tham, nổi Sân, nổi Si chỉ làm cho nghiệp ác, nghiệp chướng tăng trưởng và con đường tu tập, giải thoát càng xa càng khó thêm, chẳng lợi ích gì.
- Hiểu Duyên Khởi Pháp chúng ta lạc quan và tin chắc vào lời Phật dạy : “Trong cái xác thân dài một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng, Như lai tuyên bố nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian”. (Samyutta Nikaya, trích Đức Phật và Phật Pháp. Narada).
- Lẽ tất nhiên chúng ta phải hiểu thế gian là Khổ đế và Tập đế nên phải từ bỏ nó để đạt cái Diệt Đế là Niết Bàn nhờ thực hành con đường là Đạo Đế. Không sai lầm nghĩ rằng Đức Phật dạy chúng ta theo chủ nghĩa hư vô vì cố chấp vào chữ Diệt.
- Mười Hai Nhân Duyên cũng nói lên cái vòng sinh từ luân hồi vì tiến trình sanh tử của một hữu tình không nằm ngoài những Nhân, Duyên và Quả đưa đến tái sinh nhưng điều quan trọng là sự thực hành, hành trì theo chiều đoạn diệt của Mười Hai Nhân Duyên để chấm dứt tiến trình này.
- Tu tập theo Pháp Vô Vi, Vô minh được thay thế bởi Trí Tụê, không hành động do sự chấp Ngã, do phiền não tham sân si ô nhiễm, tâm được thanh lọc thì đây chính là con đường đưa đến Niết Bàn an lạc, có thể thực hiện được Niết Bàn cho dù vẫn còn mang cái thân Ngũ Uẩn.
- Kinh Pháp Cú, Phẩm Tỳ Kheo, Kệ 374, Phật dạy :
Người luôn luôn tu niệm
Sự Sanh Diệt các Uẩn
Được hưởng hoan hỷ lạc
Kẻ trí biết bất tử.
- Tu tập Giới Định Tuệ, Tam Vô Lậu học, cộng thêm các công phu hành trì như tụng Kinh, niệm Phật, trì Chú đều hỗ trợ cho sự đoạn diệt Ái, chấm dứt tạo nghiệp Hữu Lậu, từ bỏ Ngã chấp, Ngã thủ, phá trừ Vô Minh, phát sinh Trí Tuệ đưa đến Giác Ngộ, Giải Thoát.
Thường xuyên tâm niệm định lý Duyên Khởi :Do cái này có mặt nên cái kia có mặt. Do cái này không có mặt, nên cái kia không có mặt. Do cái này sinh, nên cái kia sinh. Do cái này diệt, nên cái kia diệt. Nhờ đó chúng ta có thể đối trị với cái ngã mạn, chấp ta, chấp người, sinh sân hận, não hại tự thân, não hại người. Không ai có mặt trên đời này mà không do tinh cha huyết mẹ, là một hài nhi mà không ai cho bú mớm thì chết, lớn lên không cho ăn học, có nghề nghiệp thì cũng không thể nuôi thân, có làm ông chủ thì cũng nhờ vào các phụ tá, công nhân chung quanh, một mình cũng không làm gì xong, sự thành bại cũng lệ thuộc nhiều yếu tố phức tạp vừa bên trong, vừa bên ngoài, nếu làm thuê, làm mướn thì lại càng lệ thuộc vào ông chủ, làm dân một nước thì phải tuân theo luật lệ nước đó, có muốn cai trị một nước thì cũng phải được dân chúng ủng hộ…Vô cùng tận, xét cho thấu đáo lý Duyên Khởi để áp dụng vào sự tu tập. Đức Phật dạy kinh Vô Ngã Tướng căn bản không nằm ngoài định lý Duyên Khởi này.
Tiếp đến chúng ta tìm hiểu về Nghiệp hay Nghiệp Báo, luật Nhân Quả và Luân Hồi để hiểu rõ hơn nữa thân phận của con người chúng ta khi chưa thoát khỏi sự ràng buộc của Mười Hai Nhân Duyên, khi Vô Minh vẫn còn lộng hành và Trí Tuệ chưa bừng sáng.
D. Nghiệp ( Kamma, Karma)
Khái niệm hay thuyết về Nghiệp đã có từ trước thời đức Phật Thích Ca, Ngài không phải là người đầu tiên nói đến Nghiệp, nhưng so với các đạo giáo khác của Ấn Độ thời xa xưa đó, tin vào các thuyết như do Ngẫu nhiên mà có, do Thần linh, Tạo hóa sắp đặt, hoặc do Tiền định, Định mệnh, Số mệnh an bày thì sự hiểu về Nghiệp của Đức Phật và chỉ dạy cho chúng ta con đường thoát khổ do Nghiệp tạo ra có những điểm khác biệt và tích cực hơn. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu lời Phật dạy.
Nghiệp chỉ cho hành động có tác ý, cố ý, có chủ tâm, có ý muốn rõ rệt, dồn hết năng lực, nghị lực, tập trung, chú ý để tạo tác, biến cái Ý, khởi đầu là trừu tượng, trở thành hành động cụ thể qua cái Thân và Khẩu.
Chúng ta có định nghĩa của Nghiệp, trích đoạn từ cuốn Đức Phật và Phật Pháp của Narada :
“Này hỡi các Tỳ Kheo, Như Lai xác nhận rằng chính Tác Ý là Nghiệp. Có ý muốn làm mới có hành động bằng Thân, Khẩu và Ý” (Anguttara Nikaya)
Và thêm các định nghĩa khác, qua câu Kệ 1, Phẩm Song Yếu , Kinh Pháp Cú:
Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo.
và câu Kệ 161, Phẩm Tự Ngã nơi Kinh Pháp Cú :
Tự mình làm điều ác
Tự mình sanh mình tạo
Ác nghiệp nghiến kẻ ngu
Như kim cang nghiền báu.
Như vậy Nghiệp là hành động được tạo từ nơi Tâm và Ý Nghiệp được xem là quan trọng nhất. Phát sanh từ Ý, chuyển sang thành hành động nơi Thân và Khẩu. Nghiệp có thể là thiện, ác và không thiện không ác (vô ký), có nặng, có nhẹ cũng như do thói quen huân tập nhưng đặc biệt chỉ có những hành động nào thật sự có tác ý, có chủ tâm mới đích thực là Nghiệp và kéo theo cái Quả phải lảnh chịu từ hành động đó.
Nghiệp được tạo ra thì sẽ có cái Quả hay là hậu quả của hành động đã tạo tác đó. Quả dính liền với Nghiệp. Đức Phật dạy :
Đã gieo giống nào
Thì sẽ gặt quả nấy
Hành thiện sẽ thâu gặt quả lành
Hành ác sẽ thâu gặt quả ác
Hãy gieo giống tốt
Ta sẽ hưởng quả lành. (Samyutta Nikaya. Trích Đức Phật và Phật Pháp. Narada)
Nghiệp Quả hay Nghiệp Báo tuân theo định luật riêng biệt của Nghiệp, không do tha lực từ bên ngoài tác động vào. Tự mình làm, mình chịu.
Khi có người thắc mắc về sự bất đồng giữa người này với người kia, người sống thọ, người yểu, người bịnh hoạn, kẻ khỏe mạnh, người đẹp đẽ, kể xấu xí, người nói gì, làm gì không ai nghe, không ai theo, kẻ thế lực, làm gì, nói gì cũng có người nghe, người theo, người nghèo khổ, kẻ giàu sang, người thuộc dòng dõi bần tiện, kẻ cao sang, người dốt kẻ trí tuệ…thì Đức Phật dạy rõ :
“Tất cả chúng sanh đều mang theo cái nghiệp của chính mình, như một di sản, một vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chỉ vì cái nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa chúng sanh” (Majihima Nikaya, Cullakammabhanga sutta. Đức Phật và Phật Pháp.Narada)
Tham khảo thêm để hiểu rõ hơn về nghiệp quả:
“Phật Nói Kinh Phân Biệt Thiện Ác Báo Ứng” https://thuvienhoasen.org/a15632/phat-noi-kinh-phan-biet-thien-ac-bao-ung
Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, Trung Bộ Kinh, số 135.
https://www.rongmotamhon.net/kinh-nam-truyen_Tieu-Kinh-Nghiep-Phan-Biet_spclqc_0.html
Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt, Trung Bộ Kinh, số 136.
https://www.rongmotamhon.net/kinh-nam-truyen_%C3%90ai-Kinh-Nghiep-Phan-Biet_sppggt_0.html
Nghiệp Quả còn tùy thuộc vào điều kiện, nhân duyên, có cơ hội thích ứng, thuận lợi thì mới trổ ra được.
Nghiệp muốn trổ Quả phải nhờ vào tái sinh, luân hồi, qua ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai.
Nghiệp tạo trong hiện tại, chưa chắc trổ quả liền trong đời hiện tại mà có thể phải chờ qua nhiều kiếp sau, cũng có thể vô hạn định, không thể đoán được lúc nào.
Nghiệp quá khứ cũng chưa chắc trổ ra ngay trong đời hiện tại. Nên cũng không thể nói tất cả những khổ đau đang gánh chịu hay lạc thú đang được hưởng là do Nghiệp của quá khứ mà có.
Đã tạo một nghiệp nào đó rồi, nhất là ác nghiệp thì khó lòng chạy trốn cái Quả sẽ chịu như kinh dạy :
Nghiệp làm không chánh thiện
Làm rồi phải ăn năn
Mắt nhuốm lệ khóc than
Tự biết, chịu quả báo. (Kinh Pháp Cú, Phẩm Ngu, Kệ 67)
Không trên trời dưới biển
Không lánh vào động núi
Không chỗ nào trên trời
Trốn được quả ác nghiệp (Kinh Pháp Cú, Phẩm Ác, kệ 127)
Tạo nghiệp thiện thì được Quả lành và hưởng phước báo, sanh vào chỗ an lành :
Nay sướng đời sau sướng
Kẻ thiện hai đời sướng
Sung sướng “mình làm thiện”
Sướng hơn, sanh thiện thú. (Kinh Pháp Cú, Phẩm Song yếu, Kệ 18)
Nghiệp làm chơn, chánh thiện
Làm rồi không ăn năn
Tâm hoan hỷ, đẹp lòng
Tự biết hưởng quả báo. (Kinh Pháp Cú, Phẩm Ngu, Kệ 68)
Như vậy điều không thể hoài nghi là tạo Nghiệp gì thì hưởng Quả của nghiệp đó. Và chúng ta đã biết là Nghiệp cũng tùy thuộc theo định luật Duyên Khởi, theo nhân duyên, điều kiện hội đủ mới thành được, cũng như tùy thuộc vào ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, do đó chúng ta không thể khẳng định được khi thấy một người tạo nghiệp thiện hay ác trong đời mà dám chắc là Quả sẽ trổ ngay sau đó. Không còn phân vân đặt câu hỏi khi thấy người này suốt đời ăn ở hiền lành mà cuối đời gặp nghiệp dữ, hoặc ngược lại, người này chuyên làm ác mà vẫn ngang nhiên sống an lành. Chẳng qua vì chưa đủ duyên hay điều kiện để Quả trổ mà thôi. Và duyên, nghịch hay thuận, lợi hay bất lợi, còn lệ thuộc các điều kiện do bên ngoài, do hoàn cảnh, do vật chất, tứ đại, thiên nhiên mà cũng có điều kiện do nơi người khác đem đến, hay nơi tự thân mình tiếp tay. Thật là phức tạp khi nghĩ đến cái Quả dị thục này nên đức Phật đã cảnh giác chúng ta trước, có Bốn Điều Bất Khả Tư Nghị mà trí phàm phu của chúng ta không thể nghĩ thấu :
- Có bốn điều này không thể nghĩ đến được, này các Tỳ-khưu, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
Thế nào là bốn?
Cõi giới của các vị Phật (pi. buddhavisaya), này các Tỳkhưu,không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến, thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
Thiền giới của người ngồi Thiền (pi. jhāna-visaya), này các Tỳ-khưu, không thể nghĩ được, nếu nghĩ... thống khổ.
Quả dị thục của nghiệp (pi. kamma-visaya), này các Tỳ-khưu, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến... thống khổ.
Tâm tư thế giới (pi. lokacintā), này các Tỳ-khưu, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến thời có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ.
TĂNG CHI BỘ KINH, Chương IV, phẩm Không hý luận, phần Không thể nghĩ đến được.
Nghiệp được phân loại như sau :
Hiện Nghiệp, trổ sanh trong kiếp hiện tại. Hậu Nghiệp, trổ sanh trong kiếp kế sau. Nghiệp Vô Hạn Định, trổ bất cứ lúc nào. Cận Tử Nghiệp, có năng lực mạnh nhất lúc lâm chung và quyết định chỗ tái sinh, tương đương với Nghiệp Tái Tạo. Nghiệp Trợ Duyên, trợ lực, có ảnh hưởng duy trì, nhưng Nghiệp Bổ Đồng thì gieo ảnh hưởng tiêu cực, làm yếu đi và ngăn trở sự trổ quả. Nghiệp Tiêu Diệt, có năng lực mạnh mẽ, nghịch chiều, làm tiêu tan năng lực trổ quả. Trọng Nghiệp, nghiệp quá nặng, chắc chắn Quả sẽ trổ trong hiện tại hay kiếp kế sau. Cận Nghiệp hay Cận Tử Nghiệp, nghiệp tạo tác trước khi lâm chung nên thường có ảnh hưởng mạnh, dẫn dắt đi thọ sanh. Thường Nghiệp là những nghiệp thường làm, thường nghĩ do thói quen hằng ngày nên nó cũng có thể xuất hiện một cách tự nhiên, tưởng như vô ý thức. Nghiệp Tích Trữ, huân tập từ bao đời vẫn còn không mất.
Tùy theo loại nghiệp đã tạo mà thọ sanh vào các cảnh giới khác nhau: tạo Nghiệp Thiện lẫn Bất Thiện qua 3 cửa ngõ Thân, Khẩu, Ý đều thọ sanh vào Dục Giới. Chỉ thuần tạo Thiện Nghiệp nhờ vào sự tu tập thiền định, thì thọ sanh vào Sắc giới và Vô Sắc giới. (Tham khảo thêm “Đức Phật và Phật Pháp”, Narada)
Đọc nơi Kinh Tăng Chị Bộ, chương Bốn Pháp, chúng ta thấy Phật dạy :
- Có bốn nghiệp này, này các Tỷ-kheo, đã được Ta chứng ngộ với thắng trí và thuyết giảng. Thế nào là bốn?
Này các Tỷ-kheo, có nghiệp đen quả đen; này các Tỷ-kheo, có nghiệp trắng quả trắng; này các Tỷ-kheo, có nghiệp đen trắng, quả đen trắng, này các Tỷ kheo, có nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt. Có bốn nghiệp này, này các Tỷ-kheo, đã được Ta chứng ngộ với thắng trí và thuyết giảng.
Chúng ta nên hiểu nghiệp đen là nghiệp ác, bất thiện, làm tổn hại mình lẫn người khác, vật khác, cũng là nghiệp bất chính, tạo ra điều ô uế. Nghiệp trắng là nghiệp lành, thiện, trong sạch không tổn hại ai. Chúng ta đều có thể tạo nghiệp thuần ác, thuần thiện, hoặc vừa lẫn lộn ác và thiện (trắng hoặc đen, vừa trắng vừa đen) và đều có quả thọ nhận tương ưng. Nhưng Phật dạy còn có nghiệp không đen không trắng, phi bất tịnh và phi tịnh đưa đến nghiệp đoạn diệt. Phải hiểu nghiệp đoạn diệt là những nghiệp Vô Vi, nương vào Giới Định Tuệ, Tam Vô Lậu học, không ô nhiễm phiền não tham, sân, si, không có Ngã chấp, Kiến chấp, không tà kiến, không đeo đuổi tìm cầu dục lạc, nghiệp này đưa đến đoạn tận Ái, hướng về sự giải thoát, Niết Bàn tịch tĩnh. Đức Phật dạy :
Và nầy chư Tỳ-khưu, nghiệp (Kamma) nào không phải là ô uế và cũng chẳng phải là trong sạch, chẳng đã tạo ra được điều trong sạch lẫn điều ô uế? Thế nào là chính nghiệp (Kamma), dẫn đến hủy diệt được nghiệp (Kamma) khác đây? Có thể nói rằng thất giác chi : Chánh Niệm v.v... cũng có thể được coi là nghiệp (Kamma) phi bất tịnh phi tịnh, không tạo ra được điều trong sạch mà cũng chẳng tạo thành điều ô uế, và dẫn đến hủy diệt các nghiệp (Kamma) khác. Cũng như vậy đối với thất giác chi, được đề cập đến thay thế Bát Chánh Ðạo.
Đọc thêm tài liệu về nghiệp này qua bản Chú Giải Bộ Pháp Tụ của Tỳ Kheo Thiện Minh dịch từ tiếng Pali :
https://www.budsas.org/uni/u-atthasalini/02.htm
Có câu hỏi mà phật tử Đạo tràng chúng ta thường đặt ra : Nghiệp có thể thay đổi, có thể chuyển được không ? Nghiệp bất di bất dịch ? Phải trả cho hết nghiệp mới mong giải thoát ?
Căn cứ vào lời dạy trên của Đức Phật: có loại nghiệp đoạn diệt, dẫn đến sự hủy diệt các nghiệp khác, chứng minh cho chúng ta là không phải bi quan bó tay chịu theo sự dẫn dắt của nghiệp. Nếu nghiệp không thể thay đổi, là bất di bất dịch, phải trả cho hết nghiệp mới mong giải thoát thì sẽ bất tận, không có một sự tu tập nào khả thi được cả. Vậy Đạo Đế đã được Phật ân cần, tha thiết dạy có ích gì ? Chúng ta cũng tìm thấy nơi Kinh Hạt Muối, Đức Phật dạy: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều”.
Và thí dụ hạt nuối mà Đức Phật đưa ra :
Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, nước trong chén ấy có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?
- Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Nước trong chén nhỏ này là ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống được.
- Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, sông Hằng có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Lớn là cả khối nước sông Hằng. Khối nước ấy không vì nắm muối này, nước trở thành mặn và không uống được.
- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều. https://quangduc.com/p1239a28904/2/kinh-hat-muoi
Theo như lời dạy trích dẫn từ kinh điển trên, chúng ta thấy nếu lỡ đã tạo nghiệp ác mà “thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng” thì sẽ không phải thọ cái quả khổ đau. Và tạo nhiều công đức, thiện nghiệp, cũng làm nhẹ đi hay làm bất hiệu nghiệm những ác nghiệp đã tạo.
Tìm đọc kinh Kalama, chúng ta thấy có đoạn Đức Phật dạy một “vị Thánh đệ tử ly tham, ly sân, ly si” luôn luôn sống tỉnh giác, niệm, an trú vào bốn tâm vô lượng (Từ, Bi, Hỷ, Xả) và tỏa rộng bốn tâm ấy bao trùm toàn thế giới. Với tâm thanh tịnh, không oán thù, không ác hại như vậy, vị ấy có được “bốn sự an ổn” ngay bây giờ và tại nơi đây:
- nếu có đời sau và nếu có kết quả dị thục do các nghiệp thiện ác, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ sinh vào cõi thiện lanh.
- nếu không có đời sau và nếu không có kết quả dị thục, vị ấy vẫn sống tự tại và an lạc tại đây và ngay bây giờ.
- nếu có quả xấu trổ ra bởi nghiệp ác, vị ấy không chịu quả xấu.
- nếu quả xấu không trổ bởi nghiệp ác, cũng không ảnh hưởng gì đến vị ấy vì ý nghĩ lẫn hành động của vị ấy đều trong sạch. https://budsas.net/dlpp/bai82/index.htm
Đọc tài liệu về vua A Xà Thế, đã phạm trọng tội là giết cha mình, về sau sám hối và qui y với Đức Phật, cho dù vẫn phải đọa địa ngục nhưng không phải địa ngục nặng nhất là Vô Gián địa ngục, và nhờ có duyên lành gieo với Phật mà cũng sẽ tu hành về sau thành Phật :
…Nhưng sau đó, Đức vua Ajātasattu lìa bỏ Devadatta, trở lại tạo thiện hạnh, tức là qui ngưỡng nơi Đức Thế Tôn cùng với Chư Thánh Tăng, phát tâm tịnh tín cúng dường tứ vật dụng, trở thành người hộ trì Phật-Pháp. Nên khi mệnh chung vua Ajātasattu không bị đọa vào Avīci, mà chỉ thọ khổ trong Địa ngục Đồng-hoạch…Sau thời gian 2 a Tăng kỳ nữa, vua Ajātasattu sẽ thành Phật Độc-giác, có hồng danh là Vijitāvī. https://budsas.net/uni/u-nguoicoi/nc01.htm
Hoặc đọc chuyện về Hoàng Hậu Malika : Hoàng hậu của Đức vua Pasenadikosala là nàng Mallikā. Khi còn là nhân loại, nàng tạo phước rất nhiều. Một lần nọ, Hoàng hậu đã lừa gạt Đức vua, về sau khi nàng lâm trọng bệnh, nàng thường nhớ đến ác nghiệp mà mình đã tạo, nên trong lúc sắp lâm chung, Hoàng hậu không thể định tâm nhớ tưởng đến phước thiện của mình đã tạo, mà lời nói dối vẫn ám ảnh nàng, khiến nàng phát sanh nhiệt não, bức rứt mãi. Và nàng mệnh chung, rơi vào trong Đại địa ngục A Tỳ hết 7 ngày tính theo thời gian nhân loại. https://budsas.net/uni/u-nguoicoi/nc01.htm
Cũng do có tạo phước, nghiệp lành mà thời gian đọa địa ngục được rút ngắn lại.
Suy nghiệm về các điển tích, lời dạy trên, chúng ta lạc quan tin vào con đường tu tập, Đạo Đế, bao gồm cả 37 Phẩm Trợ Đạo, tin vào sự hành trì các Ba La Mật, tin vào các công phu thanh tịnh tâm ý như niệm danh hiệu chư Phật Bồ Tát, trì tụng Chân Ngôn. lễ lạy, sám hối, tạo thiện nghiệp, vun bồi công đức trong đời sống hiện tại. Cho dù chỉ tạo thiện nghiệp không đem lại giải thoát, vì vẫn còn nằm trong luân hồi sinh tử, chỉ được sinh lên cõi Trời, hoặc trở lại cõi người sung sướng hơn, tuy vậy thiện nghiệp vẫn phải làm, nên làm, vì không dễ dàng thoát khỏi sinh tử luân hồi, một khi còn trôi lăn trong Lục đạo, Tam giới là còn có cơ hội thọ lảnh quả báo của nghiệp ác đã tạo. Chính Phật dạy : « Phước báu và tội lỗi mà con người tạo ra là tất cả những gì mà con người làm chủ, là những gì đưa con người đi từ nơi này…Là những gì luôn chạy theo bén gót con người như bóng với hình. Vậy từ đây, con người hãy tích trữ cái tốt để đem đi nơi khác, trong tương lai. Hãy tạo một nền tảng vững chắc cho thế giới ngày mai »
(Kindred Sayings. Trích từ Đức Phật và Phật pháp. Tác giả Narada, dịch giả Phạm Kim Khánh).
Những câu kệ sau đây nơi Kinh Pháp Cú, Phẩm Cấu Uế, nêu lên hai chữ Tư Lương chỉ cho công đức, thiện nghiệp cần tạo để đem theo cho các đời sau, vậy không còn gì để nghi ngờ và chần chờ hay tỏ thái độ khinh chê người tạo công đức, xem họ chỉ biết bòn phước, không quên rằng Phước Huệ cần song tu, cả hai đều cần thiết :
Ngươi nay giống lá khô
Diêm Sứ đang chờ ngươi
Ngươi đứng trước cửa chết
Đường trường thiếu tư lương. ( kệ 235)
Đời người sắp lụn tàn
Tiến gần đến Diêm Vương
Giữa đường không nơi nghỉ
Đường trường thiếu tư lương. (Kệ 237)
Không có nhiều thiện nghiệp, không vun trồng phước đức, nếu phải tái sinh mà chịu nhiều nghịch duyên, chướng ngại, nghèo khó, vất vả, bệnh tật, không được học hỏi cũng có thể cản trở con đường tu tập, không có cơ hội gặp gỡ thiện tri thức, Thầy lành, bạn tốt, không gặp Phật pháp, con đường giải thoát sẽ xa vời.
Thêm nữa, Nghiệp tạo ra được bắt nguồn từ cái Tâm, Ý rồi mới dẫn đến hành động. Do đó sự tu tập để làm chủ Tâm, Ý là rất tối cần thiết. Ngoài sự tu tập thiền định, giữ chánh niệm, Sám hối, ăn năn các lỗi đã phạm từ Tâm, từ Ý như chư Tổ Hoa Nghiêm tông đã dạy thật là quan trọng : “Tội từ tâm khởi cũng từ tâm sám. Tội diệt Tâm không, cả hai đều hết”. Cố Hoà Thượng Thích Thiện Hoa, trong cuốn Phật Học Phổ Thông, giải thích rõ thêm : “Tội từ nơi Tâm sanh mà cũng từ nơi Tâm diệt. Nếu Tâm này không sanh, thì tội kia cũng chẳng còn, thế mới thật là sám hối”. Sám hối nghiệp chướng không thể thiếu trong sự tu tập. Sám hối là biết ăn năn lỗi hay nghiệp xấu đã tạo và tinh tấn không tái phạm. Nghiệp cũ sẽ được tiêu mòn và nghiệp ác, nghiệp mới không tạo nữa. Nếu chỉ thấy hiện tại mình không phạm lỗi gì mà không cần sám hối, điều này không hoàn toàn đúng vì nghiệp quá khứ lâu xa vẫn có thể có cơ hội trổ quả. Sám hối chẳng bao giờ vô ích cả.
Chúng ta thường được dạy Phước Huệ song tu chính là trong ý nghĩa này. Tích trữ Tư Lương với các hạnh Cúng Dường, Bố Thí, trong đó có Tài Thí, giúp đỡ phần vật chất, thức ăn, đồ uống, thuốc men, đồ mặc, chỗ trú ngụ cho người thiếu thốn, cần nhu cầu tối thiểu nhất để nuôi dưỡng thân mạng. Nhờ có tu hạnh Bố Thí mà chúng ta hưởng cái Phước không nghèo khổ, thiếu thốn thì mới trở lại làm phước thiện được. Bên cạnh đó là Pháp Thí thì chúng ta cần phải học hỏi, trau dồi trí tuệ mới thực hành pháp này được. Giản dị, một lời nói hòa nhã, an ủi làm ấm lòng người đau khổ cũng là Pháp Thí, nhưng nếu thiếu trí tuệ, chưa chắc chúng ta biết lựa lời nói cho đúng, cho hợp tình, hợp cảnh, nói chi đến việc muốn chỉ dạy Phật Pháp cho người khác thì còn phải học hỏi nhiều, chuyên cần Văn Tư Tu mới được. Vô Úy Thí thì lại còn khó hơn nữa, nếu chúng ta vì vất vả, bận rộn, chạy ngược chạy xuôi lo cho thân mình chưa xong, tâm không ổn, không an thì làm sao mà ban cho ai cái tâm an ổn, không sợ hãi được. Không nên nghĩ tu phước là chỉ mong cầu cho mình được sung sướng, hưởng giàu sang, không bệnh tật ở đời sau. Tu phước giúp cho mình bớt chướng ngại, gặp thuận duyên hay thắng duyên để dễ tiến bước trên con đường giải thoát, đó mới là mục đích cần hướng đến.
E. Luật Nhân Quả
Khả năng trổ Quả đi theo Nghiệp, dính liền với Nghiệp. Tạo Nghiệp gì thì có Quả đó tương ưng. Nhưng chúng ta cũng biết Quả dị thục khó suy nghĩ cho tới nơi, chính xác vì sự phức tạp của những điều kiện hỗ trợ chung quanh, gọi là Duyên, và còn tùy thuộc vào ba đời, quá khứ, hiện tại và tương lai. Một Nghiệp không nhất thiết trổ Quả liền trong hiện tại. Một nghiệp đang Ác có thể chuyển sang Thiện vào phút cuối, hoặc ngược lại và Quả sẽ trổ theo cái Nghiệp phút cuối này…v.v… Đức Phật đã cảnh giác chúng ta, trí phàm phu không thể nghĩ tới, chúng ta chỉ có thể tìm hiểu luật Nhân Quả là gì cùng với giới hạn của nó, cũng tương tợ như tìm hiểu Nghiệp vậy. Nghiệp lệ thuộc vào định luật Nhân Quả cũng như lệ thuộc vào những Duyên, điều kiện làm gạch nối cho Quả được trổ. Nên nói đầy đủ, để không quên yếu tố Duyên này, mà có cụm từ Nhân Duyên Quả. Nhắc nhở rằng từ một Nhân không thể thành Quả nếu không có Duyên xen vào hỗ trợ. Bàn đến Nhân Duyên Quả đáng lý chúng ta đã bàn nơi phần Duyên Khởi Pháp. Song bàn riêng ở mục này để thấy rõ hơn, chi tiết hơn.
Tìm hiểu về Nghiệp và Nghiệp Quả ở phần trên là chúng ta đã bàn về luật Nhân Quả này rồi vì không có luật Nhân Quả thì cũng không thể cắt nghĩa Nghiệp. Cũng như nói đến Nghiệp, Nhân Quả thì đều có căn bản là Duyên Khởi Pháp.
Chúng ta chỉ nhắc lại những điều cần ghi nhớ cho sự tu tập.
Nghiệp hay Nhân Quả đều là những định luật tự nhiên, sẳn có, không phải Đức Phật tạo ra nó, Ngài chỉ là người thấy rõ và có sự hiểu biết sáng suốt để chỉ dạy lại cho phàm phu chúng ta. Chúng ta thì hoàn toàn bị Vô Minh che lấp. Và cái hiểu của thế gian cũng không thể so sánh được với một Bậc Giác Ngộ. Cái hiểu biết của Bậc Giác Ngộ dẫn dắt chúng ta đi trên con đường Giác Ngộ giải thoát như Ngài, không phải là một sự hiểu biết suông, không ích lợi gì.
Từ một Nhân đã gieo, như một hạt mầm thì sẽ có trái, có hoa. Từ một hành động có tác ý thì sẽ có cái kết quả từ hành động này. Hành động là Nghiệp Nhân và cái kết quả tựu thành từ hành động này là Nghiệp Quả hay Nghiệp Báo.
Nhân đã gieo và phải chờ cơ hội, đủ điều kiện, như hạt mầm thì có đất để ươm, có nước tưới tẩm, có ánh mặt trời cho năng lượng sống, tích cực, thì thân, lá, cành và hoa hay trái sẽ tuần tự trổ ra. Không đủ điều kiện thì hạt mầm héo hon, khô chết, không gì có thể sinh chồi, sum sê cành, lá, hoa, trái được cả.
Nghiệp, hay hành động phải có tác ý mới kéo theo cái Quả tương ưng. Gieo nghiệp ác thì lảnh quả ác, gieo nghiệp lành thì hưởng quả lành.
Cũng không khác gì thiên nhiên, như thí dụ nêu trên, nghiệp gieo rồi cũng cần có điều kiện mới trổ quả.
Cố Hoà Thượng Thích Thiện Siêu cắt nghĩa rõ thêm như sau:
Muôn pháp đều do nhân duyên mà sinh mà diệt. Duyên hợp thì sinh, duyên tán thì diệt, vốn không có tự tính chân thật. Tuy nhiên, có nhân thì có quả và ngược lại, nhân quả rõ ràng. Đó là cơ sở của nền giáo lý Phật. Vũ trụ bao la, các pháp vô cùng, luật nhân quả nhân duyên cũng thâm sâu, phức tạp, khó suy cùng manh mối. Song, theo Câu-Xá tông có Sáu nhân, Bốn duyên, Năm quả,
Sáu nhân đó là gì ?
A. Sáu nhân
B. Sáu nhân là: Năng tác nhân, câu hữu nhân, đồng loại nhân, tương ưng nhân, biến hành nhân, dị thục nhân (có thể gọi là sáu dữ kiện hay căn nhân).
C. 1. Năng tác nhân: Nhân là năng tác, quả là sở tác. Năng tác tức nhân, nên gọi là năng tác nhân. Bất kỳ dữ kiện nào dù không liên hệ trực tiếp, nhưng nếu có sự trợ giúp cho kết quả được sanh thành đều gọi là năng tác nhân. Nhân này có hai thứ:
D. a. Hữu lực năng tác nhân: Hữu lực là có sức giúp một cách tích cực. Như nhãn căn đối với nhãn thức, đất
E. giúp cây cỏ mọc. Chỉ pháp hữu vi mới có tính cách hữu
F. lực năng tác nhân này; pháp vô vi thì không.
b. Vô lực năng tác nhân: Vô lực là chỉ giúp một cách tiêu cực. Nói cách khác, là không giúp gì cả, chỉ không làm trở ngại cho sự sinh thành của kết quả. Như hư không không làm trở ngại mọi vật phát sinh, tảng đá trên núi không làm trở ngại cây lúa mọc dưới đồng,v.v... Pháp vô vi vô tướng, không làm chướng ngại gì, nên cũng thuộc vô lực năng tác nhân này. Như vậy, năng tác nhân có phạm vi rất rộng rãi, bao gồm cả hữu vi và vô vi, nhưng trừ tự thân của mỗi pháp chính nó, tự thân không thể làm nhân cho tự thân. Rộng vô cùng nhưng trừ 1 cái, trừ chính nó.
2. Câu hữu nhân: Thông thường về mặt thời gian, luôn luôn nhân trước quả sau, nhân quả khác thời; nhưng về mặt không gian, nhân quả lại đồng thời, cùng có một lúc, một chỗ, nên gọi là câu hữu nhân. Có hai thứ :
a. Hỗ vi quả câu hữu nhân: (nguyên nhân hỗ tương), không có vật nào đứng riêng rẽ mà thành, phải từ hai vật trở lên nương nhau đắp đổi làm nhân làm quả thì mới thành được. Như sự hỗ tương giữa bốn đại.
b. Đồng nhất quả câu hữu nhân: (Nguyên nhân hiệp đồng), một người không thể tổ chức thành một xã hội, nhiều người có cùng mục đích mới tổ chức thành xã hội. Hạt giống, đất, nước, phân,... tuy khác nhau, nhưng cùng chung tạo ra kết quả là cây lúa, bốn đại hợp nhau mới tồn tại và tạo ra sự vật.
3. Đồng loại nhân: Tính đồng loại liên tục trong sự vật là nguyên nhân cho sự sinh thành của vật. Như niệm lành trước làm nhân cho niệm lành sau, niệm ác trước làm nhân cho niệm ác sau, nhiệt độ trong nước cứ tăng dần thì nước mới sôi; nếu cứ đứt đoạn, tăng giảm không chừng, thì không thể nào sôi được.
Tóm lại, nguyên nhân của vạn pháp tuy rộng lớn vô cùng, nhưng tóm lại không ngoài hai loại nhân quả đồng thời và nhân quả dị thời. Nguyên nhân đồng thời là xét về mặt không gian, các sự vật cùng nương nhau, giúp nhau phát khởi, như A-B nương nhau sinh tồn. Nguyên nhân dị thời là nhìn về mặt thời gian trước sau tiếp tục giúp nhau khởi, như hạt lúa: trước sinh cây lúa, sau sanh lúa.
Trong sáu nhân này, hai nhân câu hữu và tương ưng thuộc về nguyên nhân đồng thời, dù câu hữu nhân thông cả vũ trụ vạn hữu và tương ưng nhân chỉ giới hạn ở tâm và tâm sở. Ba nhân đồng loại, biến hành, dị thục đều thuộc về nguyên nhân dị thời, dù đồng loại nhân thông cả vũ trụ vạn hữu, biến hành nhân chỉ giới hạn ở lãnh vực của tâm, dị thục nhân thì nhắm vào tinh nhân quả bất đồng mà nói. Chỉ riêng năng tác nhân là nguyên nhân bao trùm tất cả, không luận đồng thời, dị thời, nội tâm, ngoại vật, hữu vi, vô vi đều có thể trở thành năng tác nhân cho nhau được cả.
Chúng ta vừa có môt giải thích chi tiết, cặn kẽ về Nhân, hãy tiếp tục tìm hiểu về Duyên. Vẫn theo tài liệu của Cố Hòa Thượng Thiện Siêu.
Duyên nghĩa là quan hệ. Sự vật hình thành và tồn tại giữa những mối quan hệ chằng chịt phức tạp. Có bốn duyên:
1. Nhân duyên: Thông thường giải thích nhân là yếu tố chính, duyên là yếu tố phụ đối với hậu quả.
Nhưng ở đây nhân duyên là cái duyên của nhân. [Chính cái nhân đó là duyên. Cho nên 12 nhân duyên mà cựu dịch là thập nhị nhân duyên, tân dịch là thập nhị duyên khởi. Họ dùng chữ nhân chứ không dùng chữ duyên nữa.]
Lấy nhân làm duyên gọi là nhân duyên. Đó là yếu tố quan hệ mật thiết trực tiếp với hậu quả. Nên trong sáu nhân nói trên trừ năng tác nhân, còn lại đều thuộc vào nhân duyên này.
2. Đẳng vô gián duyên: Là sự diễn ra trong trật tự liên tục tự nội, từ hiện tượng trước đến hiện tượng sau. Nếu hiện tượng trước đứng im không mở lối, thì hiện tượng sau không tiến bước được. Như chân trước không để xuống thì chân sau không dở lên được, và như vậy không thành đi, đến, nên cũng còn gọi là khai đạo (mở lối) duyên. Duyên này chủ yếu chỉ thuộc nội tâm. Nó làcái duyên tiếp nối bình đẳng trước sau không gián đoạn của tâm. Tâm này qua tâm khác.
3. Sở duyên duyên: Là duyên của sở duyên, của đối tượng. Đây là cái duyên của sự đối đãi chủ khách, trong ngoài. Có khách mới thành chủ, có đối tượng tâm mới sinh. Duyên này chủ yếu cũng thuộc nội tâm.
4. Tăng thượng duyên: Là cái duyên giúp thêm từ bên ngoài có hai thứ:
a. Thuận tăng thượng duyên: Duyên giúp thêm sự thuận lợi để phát triển, như mưa gió thuận thời đối với hoa màu.
b. Nghịch tăng thượng duyên: Duyên giúp thêm một cách trái ngược làm cho lụn bại, như hạn hán đối với hoa màu.
Tăng thượng duyên này tương đương với năng tác nhân, phạm vi rất rộng.
Giữa Sáu nhân và Bốn duyên có gì sai khác?
Đáp: Nên biết nhân duyên là lý chủ yếu của đạo Phật, nhằm cắt nghĩa sự sinh khởi biến hoại của hiện tượng vạn pháp một cách đúng đắn, chứ không như lối cắt nghĩa theo tà nhân và vô nhân. Song, phạm vi duyên sinh rất rộng, nên nó được diễn đạt rất nhiều cách, Bốn duyên chủ yếu nói về sự hiện khởi của nhận thức, còn Sáu nhân chủ yếu chỉ sự hoạt động của sinh mạng, ngoài sự chỉ chung cả muôn pháp. Đó là điểm sai khác của chúng.
Tiếp đến chúng ta tìm hiểu về Quả.
Nhân và duyên tạo ra quả. Quả có hai loại lớn là:
- Quả hữu vi, có sinh diệt biến dị, do nhân duyên sinh.
- Quả vô vi, thường trú không sanh diệt, do Thánh giả chứng đắc.
Nhân cọng với duyên thành quả. Thường ta nói rằng nhân quả, tức nhiên ta phải hiểu ngầm rằng trong đó, cọng chung cả duyên nữa.
1. Quả hữu vi: Có bốn thứ:
a. Dị thục quả: tức thân quả báo của loài hữu tình hoặc khổ hoặc vui trong lục đạo. Quả dị thục do nhân dị thục trong Sáu nhân và tăng thượng duyên trong Bốn duyên tạo thành. Bản chất của nhân dị thục là thiện và ác, bản chất của quả dị thục là khổ, vui và vô ký. Vì bản chất của nhân và quả khác nhau như thế nên gọi là quả dị thục. Nhân quả dị thục chính là trạng thái chúng sinh sinh tử luân hồi vậy.
b. Đẳng lưu quả: Tính chất của quả giống với nhân. Tâm trước lành sinh ra tâm sau lành, tâm trước ác sinh ra tâm sau ác. Đẳng lưu quả do đồng loại nhân, biến thành nhân và tăng thượng duyên tạo ra.
c. Sĩ dụng quả: Sĩ là sĩ phu, dụng là tác dụng của năng lực. Kết quả do năng lực tác dụng của sĩ phu gọi là sĩ dụng quả. Có hai thứ:
1. Nhân sĩ dụng: Chỉ năng lực con người hoặc loài có tri giác tạo ra với trí tuệ và tay chân qua các công nghiệp trong lao động. Chính kết quả công nghiệp này là sĩ dụng quả.
2. Pháp sĩ dụng: Chỉ các pháp như sắc, tâm tuy không hoàn toàn là một con người hay loài có tri thức, nhưng có năng lực tác động tạo ra quả giống như con người. Ví như do sức người đập đá vỡ là nhân sĩ dụng, còn như do sức nóng mặt trời làm đá vỡ là pháp sĩ dụng.
d. Tăng thượng quả: Là kết quả của năng tác nhân và Bốn duyên hợp thành. Như có học thì biết, nhưng còn tùy thuộc ông thầy dạy dỡ hay hay, đèn sách tốt hay xấu mà kết quả hiểu biết được nhiều hay ít, đúng hay sai. Đây là tăng thượng quả.
2. Quả vô vi: Là quả thứ năm trong Năm quả tức ly hệ quả. Ly hệ là thoát ly sự ràng buộc của phiền não vô minh. Ly hệ quả tức là Niết-bàn, là Trạch diệt vô vi, là kết quả mà chỉ các Thánh giả chứng đắc khi đoạn tận sự ràng buộc của tham ái phiền não nhờ năng lực của trí tuệ tu đạo. Quả này thuộc vô vi, không do Sáu nhân và Bốn duyên tạo thành.
Tham khảo thêm : https://thuvienhoasen.org/images/file/_xqa4ckU2QgQAHxa/luan-cau-xa-dai-cuong-thich-thien-sieu.pdf
Chúng ta vừa tìm hiểu cặn kẻ xong Nhân, Duyên và Quả.
Có câu thường được đặt ra : Nhân nào Quả nấy là một định luật bất di bất dịch ?
Một định luật, theo như thế gian hay con mắt phàm phu của chúng ta được hiểu thì hễ nói định luật thì phải có cái gì nhất định, là như vậy, phải như vậy, không thể nào khác. Ném một vật gì thì nó sẽ rơi xuống đất. Hai tay vỗ vào nhau thì có tiếng vỗ tay phát ra. Trời không mưa, nắng oi bức thì đất khô cằn, nứt nẻ. Mưa không dứt thì nước sông dâng trào, gây lụt lội. Gió quá mạnh, quá nhanh thì gây bão, cây đổ, nhà sập. Quẹt lửa đốt rơm thì rơm cháy, đốt nhà thì nhà cháy. Nấu nước thì nước sôi. Trồng lúa thì có lúa. Trồng hoa thì có hoa. Chó giữ nhà nghe tiếng động thì sủa. Chuột thấy mèo thì bỏ chạy. Người hay súc vật, đói không ăn, không uống thì chết. Có bịnh, biết trị, biết dưỡng, uống đúng thuốc thì lành, ngược lại, không trị, không dưỡng, không uống đúng thuốc thì bịnh nặng thêm. Rượu chè, trác táng, bài bạc thì tiền mất tật mang. Hoặc về mặt tinh thần, nghe một lời nói yêu thương, khen tặng thì sung sướng. Bị mắng bị chửi, chê bai thì phiền muộn, đau buồn. Làm chuyện gì, thành công thì vui, thất bại thì ủ rũ. Không ai có thể nói khác. Vợ chồng hòa thuận thì gia đình êm ấm. Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt thì gây đổ vỡ.
Nói đến Nhân Quả liên quan đến thiên nhiên, cây cỏ, những vật vô tri, vô giác, thực vật, và cả động vật hay nơi con người, về mặt thể chất, cái Sắc thân này, cũng như về mặt tinh thần, cái phần Danh, đều tuân theo một định luật nhất định như vậy.
Nhân nào thì kéo theo quả ấy. Gieo một nhân ác hay một nghiệp ác thì tất nhiên phải chịu cái quả ác. Gieo nhân thiện thì hưởng được cái quả thiện. Gieo nhân không ác không thiện thì được cái quả không ác không thiện.
Xét qua luật Nhân Quả thì ai cũng thấy, cũng hiểu như vậy.
Ngay khi chúng ta xét về Tứ Diệu Đế, cũng thấy Nhân Quả được áp dụng : Tập đế là Nhân và Khổ đế là Quả. Đạo Đế là Nhân và Diệt Đế là Quả. Do có Tham Ái nên có Khổ. Do có con đường tu tập nên mới đạt được Niết Bàn. Liên hệ Nhân Quả chắc chắn như vậy.
Nhưng xét lại thì luật Nhân Quả phức tạp hơn nhiều. Cũng không khác gì Nghiệp mà chúng ta đã tìm hiểu ở phần trên.
Cũng mưa cũng bão mà có nhà này sập nhà kia không sập. Cũng bị bom dội xuống, lửa đốt cháy nguyên một nhà mà có người chết, người không chết. Cùng một hạt mầm mà có hạt cho cây, trổ quả, có hạt khô chết dưới lòng đất. Cùng một cha một mẹ mà con cái đứa ngoan ngoãn, đứa ngỗ nghịch, đứa mạnh khoẻ, đứa tật nguyền. Cùng học một Thầy, mà học trò đứa giỏi đứa vẫn dốt. Cùng một bằng cấp mà kẻ kiếm được việc, kẻ vất vả, thất nghiệp. Cùng một cửa hàng bán đồ như nhau, mà cửa hàng này bán chạy, cửa hàng kia không ai mua. Cùng một đạo tràng, cùng niệm Phật, cùng ngồi thiền nhưng không phải ai cũng có cái tâm nhẹ nhàng thanh thản. Không biết bao nhiêu là sự sai biệt cho dù có chung một Nhân.
Lý do, muốn xét tường tận Nhân Quả thì đừng quên Duyên Khởi Pháp. Không có gì hiện hữu độc lập, riêng lẻ, không dựa vào đâu mà thành. Một Nhân muốn hiện hữu phải dựa vào nhiều yếu tố để cấu thành, vật lý cũng như tâm lý. Một Duyên cũng không tự nó mà có, cũng phải nương vào Nhân. Cái Nhân này trổ được thành Quả cũng nhờ vào sự hỗ trợ của Duyên. Tất cả đều dính chùm với nhau. Do vậy, Nhân thiếu Duyên thì không thể có Quả. Có Quả bởi vì đã có Nhân. Không có Nhân lấy đâu ra Quả. Có thể nói Duyên là gạch nối giữa Nhân và Quả.
Như đã tìm hiểu phần trên, Duyên có nhiều loại, phức tạp. Có trợ duyên, nghịch duyên, trực tiếp, gián tiếp, như chúng ta đã học, tạm trích ra các Duyên căn bản như Nhân Duyên, Đẳng Vô Gián Duyên, Sở Duyên Duyên, Tăng Thượng Duyên, cái Quả cũng theo đó mà thành hay không thành chứ không nhất thiết cứ có Nhân là có Quả liền. Duyên cũng lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác, thời gian cũng như không gian, có thể nhanh, có thể chậm, và lệ thuộc cả ba đời, quá khứ, hiện tại và tương lai.
Do đó câu nói “Nhân Nào Quả Nấy” cũng cần hiểu sâu, rộng hơn. Lấy tinh thần Trung Đạo, không thiên vị, tránh hai cực đoan, sai hay đúng, có hay không, thật, không thật, nhất định phải như thế này, không thể khác, mà nên xét dưới góc độ của Duyên Khởi Pháp là đúng với lời Phật dạy vậy.
F. Luân Hồi ( Samsara )
Không phải chỉ có Phật Giáo, Ấn Độ giáo và Bà La Môn giáo đều tin vào thuyết Luân Hồi, nhưng chắc chắn là có những điểm khác biệt giữa các đạo giáo, ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu nghĩa của Luân Hồi theo Phật Giáo.
Luân Hồi, Phạn ngữ là Samsara, ám chỉ sự đi đến, luân lưu, luân chuyển, chuyển sinh, tái sinh. Theo Hán ngữ thì Luân là cái bánh xe, Hồi là quay về, quay tròn. Tượng trưng cho cái vòng quay bất tận, không đầu, không đuôi, trở đi, trở lại, không biết lúc nào ngừng. Do đó, cụm từ Bánh Xe Luân Hồi (samsaracakka) cũng thường được dùng.
Con người chết đi thì tái sinh vào những cảnh giới khác hoặc trở lại cảnh giới vừa rời khỏi. Tiến trình này gọi là Luân Hồi. Luân Hồi vận hành như thế nào, làm sao biết có Luân Hồi một khi đã chết rồi ?
Phàm phu chúng ta không đủ trí tuệ sáng suốt để nhớ, để thấy các kiếp sống đã từng kinh qua, cũng như không thể biết tương lai sẽ đi về đâu. Nhưng Đức Phật, ngay nơi đêm thành đạo, Ngài đã đạt Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, có thể thấy suốt các kiếp quá khứ của Ngài cũng như của chúng sinh, hiểu thấu chúng sinh ở nơi này sẽ chuyển sinh đi đâu, do duyên gì, nghiệp gì? Phật tử chúng ta thì một lòng tin vào lời Phật dạy :
Một số sinh bào thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người chánh lên cõi Trời
Vô Lậu chứng Niết Bàn. (Kinh Pháp Cú, Phẩm Ác. Bài Kệ 126)
Hoặc nơi Bài Kệ 153, Kinh Pháp Cú, Phẩm Già :
Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp
Người xây dựng nhà này
Khổ thay sống luân hồi.
Và Đức Phật tha thiết khuyên bảo chúng ta :
Hãy sống theo chánh hạnh
Chớ sống theo tà hạnh
Kẻ chánh hạnh hưởng lạc
Cả đời này đời sau. ( Kinh Pháp Cú, Phẩm Thế Gian, Bài kệ 169 )
Vui hạnh xuất gia khó
Tại gia sinh hoạt khó
Sống bạn không đồng khổ
Trôi lăn luân hồi khổ
Vậy chớ chạy theo luân hồi
Chớ chạy theo đau khổ. ( Kinh Pháp Cú, Phẩm Tạp, Bài Kệ 302 )
Như vậy chúng ta không còn chút hoài nghi về luân hồi, tái sinh, cho dù chính chúng ta chẳng hề nhớ đến quá khứ, các kiếp trước của mình và cũng không thể biết mình sẽ đi về đâu. Cho dù cũng có một số người nhớ lại kiếp trước của mình nhưng cũng chỉ là thiểu số so với đại đa số chúng sinh. Và nói chúng sinh là nói đến số nhiều, không chỉ có con người. Thế gian, vũ trụ rộng mênh mông, mắt phàm phu không thể thấy hết được. Các chúng sinh không chỉ thụ nơi bào thai, mà có thể sinh ra từ trứng, từ sự ẩm thấp hay hóa sinh. Các chúng sinh đi từ cảnh giới khổ nhất, từ tinh thần lẫn vật chất, lên đến các cảnh giới hạnh phúc nhất gồm có :
4 Cõi Khổ : Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, A Tu La
6 Cõi Phúc Lạc, cõi Trời : Tứ Đại Thiên Vương, Đao Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại.
1 Cõi vừa có khổ vừa có lạc là cõi Người. Có Bốn cõi này : Bắc Câu Lưu Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Đông Thắng Thần Châu và Nam Thiệm Bộ Châu. Chúng ta thuộc Nam Thiệm Bộ Châu, cũng còn có tên gọi là Nam Diêm Phù Đề. Cõi chúng ta đang ở, là cõi khổ nhiều, sướng ít hơn ba cõi kia, dân cư phải làm lụng vất vả, phải kham nhẫn, chịu đựng mới có ăn. Cõi khổ, phải kham nhẫn, chịu đựng này còn được gọi là cõi Ta Bà, Phạn ngữ là Saha. Nhưng cái may mắn cho chúng ta là chư Phật lại xuất hiện ở cõi khổ nhiều hơn vui này để cứu độ chúng ta. Và chúng ta cũng dễ tu hành hơn các cõi sướng nhiều, khổ ít hoặc cư dân quá trường thọ.
Bốn cõi Khổ, Sáu cõi Lạc và một cõi Người vừa khổ vừa lạc đều nằm trong Dục Giới. Hạnh phúc dù có lâu dài, cũng mong manh và tạm bợ, có ngày chấm dứt.
Trên các cõi đó, là các cõi thuộc về Sắc Giới, chúng ta có cảnh giới của các vị Trời đã từ bỏ tham dục và hưởng được cái vui của Thiền Định, các cảnh giới tương ưng với các bốn tầng Thiền.
Cuối cùng là 4 cảnh giới thuộc Vô Sắc Giới : Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sử Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Nơi đây không còn tri giác cũng không có không tri giác.
Tham Khảo thêm Chú giải về Người và các cõi https://budsas.net/uni/u-nguoicoi/nc02.htm
Các Cõi khổ và lạc này, con người chúng ta cũng có thể tạm trải nghiệm ngay nơi trần gian với những cảnh khổ như tù tội, bị tra tấn, bỏ đói, bỏ khát, chết dần, chết mòn chẳng khác nào địa ngục, ngạ quỷ, hoặc phải chịu làm thân nô lệ, bị hành hạ đánh đập, phải cúi đầu tuân theo chẳng khác nào thân súc vật, hoặc mang tính khí hung hăng dữ tợn, lúc nào cũng gây hấn, gây chiến thì chẳng khác nào thần A Tu La, hoặc được hưởng giàu sang phú quí, thong dong thảnh thơi như người cõi Trời, hoặc chuyên tu thiền định, nhiếp tâm, ở nơi chốn thanh vắng thì cũng hưởng được cái vui của chư thiên cõi Sắc giới vậy.
Tóm lại, Luân Hồi luân chuyển trong Lục Đạo ( Trời, Người, Thần A Tu La, Súc Sinh, Ngạ Quỷ và Địa ngục ) và Tam Giới ( Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới )
Chúng ta thử tìm hiểu lý do gì có Luân Hồi, cái gì đẩy con người hay chúng sinh Luân Hồi ? Thật sự có con người Luân Hồi không ?
Phần trên, chúng ta đã tìm hiểu về Nghiệp và thuyết Nhân Quả. Chúng ta cũng đã hiểu Nghiệp Nhân muốn thành Nghiệp Quả phải có yếu tố Duyên trợ giúp và Nghiệp cũng phải luân chuyển thông qua cả ba đời, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Luân chuyển qua Lục Đạo và Tam Giới. Sự luân chuyển này chính là Luân Hồi. Vậy thì có Luân Hồi là do cái tiến trình tự nhiên, tất yếu, từ Nghiệp Nhân trổ thành Nghiệp Quả. Nếu chỉ có một đời duy nhất, Nghiệp Nhân không đủ điều kiện để thành Nghiệp Quả. Do vậy nói đến Nghiệp là đã nói đến Nhân Quả và Luân Hồi kèm theo. Ba phạm trù này đều được soi rọi dưới lăng kính của Duyên Khởi Pháp mới chính xác.
Chính Nghiệp dẫn dắt con người Luân Hồi. Nghiệp đã tạo ra, cho dù cái thân, phần Sắc của con người đã tan rã, hoại diệt, không còn thấy cái thân vật chất đâu cả, huống chi cái phần Danh, phần tâm lý, tư duy trừu tượng lại càng không thấy đâu. Tuy vậy cái phần trừu tượng này, tuy không có cái thân vật chất để bám vào, vẫn ngủ ngầm, như một dòng sông mà nước vẫn chảy vậy, có chuyển động là do Nghiệp Lực, một thứ năng lượng vô cùng mạnh mẽ, thúc đẩy Tâm hay Thức tiếp tục trường tồn, hiện hữu nơi một cái thân khác nên Tâm hay Thức Tái Sinh sẽ đi tìm một cái thân khác để thọ sanh. Tuy nhiên tái sinh còn lệ thuộc vào Duyên, vào các điều kiện thuận lợi chung quanh hỗ trợ mới được tái sinh. Cái bánh xe Luân Hồi bắt đầu chuyển từ đây, hay nói đúng là tiếp tục vận chuyển mà thôi.
Cái năng lượng mạnh mẽ của Nghiệp Lực thật ra là được điều động bởi cái tâm thức Chấp Ngã, bám vào cái Ta, cái của Ta, vào Tự Ngã của Ta. Bám vào Ta thì Nghiệp do Ta tạo ra tất yếu là phải theo đuôi cái Ta này thôi. Và cái Ta này sẽ thọ lãnh cái Quả mà Nghiệp dẫn tới.
Đức Phật đã dạy Kinh Vô Ngã Tướng để giúp cho chúng ta buông bỏ Ngã Chấp, buông bỏ cái Ta hư vọng này, nó không có thật, nó do Vô Minh mà cho là thật có, vì chấp trước mà rơi vào vòng Thập Nhị Nhân Duyên để Luân Hồi. Vậy cái điều duy nhất chúng ta cần làm là buông bỏ vọng chấp về cái Ta thật có này. Không có một cái Ta nào độc lập, có mọi quyền lực, đủ khả năng, làm chủ mọi sự, mọi việc, muốn gì là làm được theo ý mình. Tu tập Đạo Đế giúp xả bỏ cái Ta, xả bỏ Tham Ái, phát triền Từ Bi Hỷ Xả thì thoát khỏi Luân Hồi. Như trong Kinh Từ Bi, Phật dạy :
Tung rải từ tâm khắp vũ trụ
Mở rộng lòng thương không giới hạn
Từng trên, phía dưới và khoảng giữa
Không vướng mắc oán thù hay ghét bỏ
Khi đi khi đứng hoặc nằm ngồi
Những lúc tinh thần được tỉnh táo
Phát triển luôn dòng Chánh Niệm này
Là lối sống đẹp cao nhất đời
Đừng để lạc vào nơi mê tối
Đủ Giới Đức, Trí Tuệ cao vời
Và dứt bỏ lòng tham Dục Lạc
Được như thế thoát khỏi Luân Hồi. ( Kinh Từ Bi, Metta Sutta, cố HT Thích Thiện Châu dịch )
Tu tập để buông bỏ cái Ta, nhưng chúng ta vẫn còn thắc mắc với câu hỏi : nếu không có cái ta như Phật dạy thì tại sao Nghiệp, Nghiệp Quả và Luân Hồi vẫn vận hành ? Phải có ai đó đã tạo Nghiệp Nhân, đưa đến Nghiệp Quả và trôi lăn Luân Hồi chứ ?
Chúng ta đã học về Pháp Hữu Vi, hay Pháp Vô Lậu, các hiện tượng, vật chất hay tâm lý bản chất là Vô Thường, Vô Ngã, Khổ và cũng là Không, chỉ do Duyên Sinh mà hiện hữu, không có điều kiện thì không thành Có được. Tuy có sanh có diệt, có diệt lại có sanh là đều nương tựa vào các điều kiện mà thành. Cái thân Ngũ Uẩn chết đi, hoại diệt nhưng có điều kiện thì cả phần Sắc và Danh sẽ tiếp tục sanh trở lại. Đó là do còn cái Tâm hay Thức tham ái và chấp Ngã nên Sắc và Danh này có cơ hội và điều kiện để hoạt động trở lại. Khi chúng ta bám vào cái Ta, cho là thật có cái Ta không có thật thì chúng ta cũng bám vào mảnh đất phì nhiêu của Nghiệp. Mà hễ có Nghiệp tăng trưởng thì có Nhân Quả, có Luân Hồi. Nếu chúng ta cắt đứt mắt xích Ái, không Thủ, không Hữu trong cái dây chuyền Thập Nhị Nhân Duyên thì sẽ chẳng còn Sanh Lão Tử kéo theo sau đó. Luân Hồi cũng chấm dứt.
Trong tay chúng ta đã có các phương pháp tu tập để giải thoát luân hồi sinh tử. Chúng ta hãy chuyên tâm vào mục đích này là điều quan trọng nhất.
Hiểu Nghiệp, hiểu Nhân Quả là hiểu Luân Hồi và nhận ra cái điều quan trọng nhất là con đường tu tập để giải thoát khỏi cái vòng quay bất tận này, thì với trình độ sơ cơ của chúng ta, theo các bài học trước, chúng ta có thể chuyên tu tập theo Thập Nhị Nhân Duyên và Bát Chánh Đạo. Con đường này đã được Đức Phật chỉ dạy tường tận từ bài kinh Chuyển Pháp Luân. Các phương pháp khác cũng có nhiều, chúng ta chỉ lượt kê tổng quát, không đi vào chi tiết, 37 Phẩm Trợ Đạo.
G. 37 Phẩm Trợ Đạo. ( Bodhipakkhiya dhamma )
Chúng ta đã học Đạo Đế nơi bài Tứ Diệu Đế, Đức Phật chỉ trình bày Bát Chánh Đạo, song Giáo Pháp Đức Phật dạy còn có thêm các phương pháp tu tập khác, đầy đủ là 37, bao gồm Tứ niệm xứ , Tứ như ý túc, Tứ chính cần, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo.
A.Tứ Niệm Xứ ( Cattàro Satipatthàna )
1. Niệm Thân
2. Niệm Thọ
3. Niệm Tâm
4. Niệm Pháp
B. Tứ Chánh Cần ( Cattàro Sammappadhàna )
1.Tinh Tấn lánh xa ác pháp đã phát sanh
2. Tinh Tấn ngăn ngừa ác pháp chưa sanh
3. Tinh Tấn phát triển thiện pháp chưa sanh
4. Tinh Tấn tăng trưởng thiện pháp đã sanh
C. Tứ Như Ý Túc ( Cattàro Iddhipàda )
1. Dục Như ý Túc
2. Tấn Như ý Túc
3. Tư Duy Như ý Túc
4. Trạch Quán Như ý Túc
D. Ngũ Căn ( Pancindriyàni )
1. Tín Căn
2. Tấn Căn
3. Niệm Căn
4. Ðịnh Căn
5. Tuệ Căn
E. Ngũ Lực ( Pancabalàni )
1. Tín Lực
2. Tấn Lực
3. Niệm Lực
4. Ðịnh Lực
5. Tuệ Lực
F. Thất Giác Chi ( Sattabojjhangà )
1. Niệm Giác Chi
2. Trạch Pháp Giác Chi
3. Tinh Tấn Giác Chi
4. Phỉ Giác Chi
5. Khinh An Giác Chi
6. Ðịnh Giác Chi
7. Xả Giác Chi
G. Bát Chánh Đạo ( Atthamaggangàni )
1. Chánh Kiến
2. Chánh Tư Duy
3. Chánh Ngữ
4. Chánh Nghiệp
5. Chánh Mạng
6. Chánh Tinh Tấn
7. Chánh Niệm
8. Chánh Ðịnh
Sau khi đã tìm hiểu khá đầy đủ về Chánh Pháp mà nơi bài Kệ số 4 của Kinh Châu Báu, Đức Phật tán thán :
Đoạn diệt và ly tham
Bất tử và Thù diệu
Phật Thích Ca Mâu Ni
Chứng Pháp ấy trong Thiền
Không gì sánh bằng được.
Tiếp đến, chúng ta tìm hiểu nghĩa lời Đức Phật dạy qua các câu “Đoạn diệt và ly tham, Bất tử và Thù diệu” là gì ?
Đấy chính là Đức Phật muốn diển tả Niết Bàn. Cũng đồng một nghĩa mà Đức Phật dạy về Khổ Diệt qua bài kinh Chuyển Pháp Luân :
“Này các Tỳ kheo, đây là Thánh Đế về sự Khổ Diệt : chính là ly tham, đoạn diệt hoàn toàn, xả bỏ, giải thoát, không chấp trước ái dục”.
Niết Bàn là Pháp Vô Vi, vô điều kiện, không nương tựa vào các yếu tố, không do Duyên Sinh mà có. Ngược lại, do diệt trừ Tham ái mà vượt ra ngoài vòng luân hồi sinh tử, giải thoát, nên Niết Bàn Bất Tử và Thù Diệu, thù thắng vì đem lại trạng thái an lạc, vắng bặt phiền não, không còn lệ thuộc vào sự sanh diệt của các Pháp. Không bị sanh thì làm gì có diệt nên Niết Bàn là Bất Tử.
Niết Bàn là Pháp Siêu Thế, vượt ra ngoài ngôn ngữ hạn hẹp và phải cần chứng đắc do đó có diển tả như thế nào vẫn khó hiểu, vẫn nguyên là một phạm trù trừu tượng.
Gốc Phạn ngữ, Nirvana hay gốc Pali là Nibbana, phiên âm là Niết Bàn có nghĩa là không còn ái dục. Không còn ái dục tức là Ái Diệt. Và Ái Diệt thì cũng Khổ Diệt. Trạng thái không khổ, tịch tĩnh, an lạc là Tịch Diệt, do đã đoạn diệt cái Tâm ô nhiễm tham sân si, không còn bị trói buộc bởi 10 thứ kiết sử như Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục, Sân, Hữu ái, Vô hữu ái, Mạn, Trạo cử và Vô minh, đoạn trừ vọng tưởng, không còn dính mắc vào các thứ chấp trước, chấp Thủ, chấp Hữu, chấp Ngã. Trạng thái tịch tĩnh này chính là Niết Bàn.
Niết Bàn còn được hiểu là sự ra đi khỏi khu rừng. Rừng vô Minh, mê muội, rừng phiền não trói buộc, khổ não bức bách vừa thân vừa tâm.
Niết Bàn là trạng thái chứng đắc của Tâm, không thể nói có một cõi nào đó tên là Niết Bàn. Và trạng thái an lạc này ai cũng có thể chứng đạt nếu tu tập đúng đường, đúng cách, đúng Chánh Pháp. Có thể thực hiện ngay trong đời hiện tại, lúc còn cái thân Ngũ uẩn, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn. Và Vô Dư Y Niết Bàn là quả chứng đắc sau khi thân hoại mạng chung.
Một định nghĩa khác về Niết Bàn qua kinh Phật Tự Thuyết : Này các Tỳ kheo, có xứ này, tại đó không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió, không có hư không vô biên, không có phi tưởng, phi phi tưởng xứ, không có đời này, không có đời sau, không có mặt trăng, không có mặt trời. Do vậy ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không diệt, không sanh, không có chuyển vận, không có sở duyên, đây là sự đoạn tận khổ đau, này các Tỳ kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nếu không có sự không sanh, không bị làm, không hữu vi thời ở đây không thể có sự trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, khỏi bị làm, khỏi hữu vi. Vì rằng này các Tỳ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi nên mới có thể trình bày sự xuất ly khỏi sinh, khỏi hiện hữu, khỏi bị làm và khỏi hữu vi. Cái gì không nương tựa thời không có dao động. Không có dao động thời có khinh an, có khinh an thời không có thiên về, không có thiên về thời không có đến và đi, không có đến và đi thời không có diệt và sinh, không có diệt và sinh thời không có đời này, không có đời sau, không có đời giữa, đây là sự đoạn diệt khổ đau”. ( Trích Vô Ngã là Niết Bàn, cố HT Thích Thiện Siêu )
Tuy Niết Bàn đã được Đức Phật định nghĩa rõ ràng như trên nhưng phàm phu chúng ta chưa thấu triệt nên vẫn có những câu hỏi như :
- Có gì ở sau Niết Bàn ? Cái gì xảy ra cho một vị Phật hay A La Hán sau khi chết ? Vô Ngã thì ai nhập Niết Bàn ? Chúng ta cũng phải tự suy nghĩ câu trả lời qua các lời dạy của Phật, qua kinh điển của hai truyền thống, Nam truyền và Bắc truyền, cũng như các lời dạy của chư Tổ. Niết Bàn thường được diển tả với các câu phủ định, ngược lại với cõi sinh tử luân hồi mà chúng ta đang sống. Tứ Thánh Đế thứ ba gọi là Diệt Khổ, và một khi Khổ được diệt trừ là Niết Bàn. Giản dị như vậy. Niết Bàn chúng ta phải tự chứng đắc, như nơi kinh Chuyển Pháp Luân Đức Phật đã dạy: Thánh Đế về Khổ Diệt cần chứng đạt.
- Đức Phật đã dạy Vô Ngã thì đâu có ai mà nói Nhập Niết Bàn. Chính Đức Phật cũng chẳng có để nhập Niết Bàn ! Sách Thanh Tịnh Đạo dạy : “ Chỉ có sự khốn khổ, không có người khốn khổ. Cũng không có người hành động, không ai hết, ngoại trừ hành động. Có Niết Bàn nhưng không có người tìm Niết Bàn. Có con đường nhưng không có người đi trên con đường”. (Trích Đức Phật và Phật Pháp, Narada)
- Nhưng chúng ta cũng nên cẩn thận, không có Ngã, đó là thuộc Chân Lý tuyệt đối hay Chân Đế. Chúng ta đang sống trong cảnh giới tương đối với cái chân lý của thế tục hay Tục Đế với cái Ngã qui ước, có tạo nghiệp thì có thọ lảnh cái quả của nghiệp đã tạo, không trốn tránh vào đâu được. Chỉ trừ khi chúng ta đang thực hiện con đường tiến đến Chân Đế với cái tâm Vô Tác, Vô Tướng, Vô Nguyện và với Tứ Vô Lượng Tâm, Từ Bi Hỷ Xả thì chúng ta thực sự đang sống với cái Vô Ngã, không bị khổ, phiền não, tham sân si nghiệp chướng bức bách. Nhưng nếu chúng ta nói Vô Ngã mà vẫn mang thái độ sống ích kỹ, tham cầu tất cả cho mình, không chịu được khổ, sân hận với chung quanh thì chúng ta nói Vô Ngã chỉ là trên đầu môi chóp lưỡi.
- Niết Bàn dùng để vào mục đích gì ? Đức Phật đã trả lời cho một vị Thầy tu tên là Radha đã thắc mắc về mục đích của Niết Bàn : “Này Radha, câu hỏi ấy không nhằm chỗ, người ta sống đời sống thánh thiện với Niết Bàn như là sự thể nhập cuối cùng vào chân lý tuyệt đối, như mục đích của đời sống, như cứu cánh tối hậu của nó”. ( Trích Con Đường Thoát Khổ, W. Rahula, Thích Trí Hải dịch)
- Có thể tìm thấy trong kinh điển các câu khó hiểu cho phật tử sơ cơ như chúng ta, thí dụ : Vô hữu Niết Bàn Phật, Vô hữu Phật Niết Bàn ( Không có Đức Phật chứng Niết Bàn và cũng không có Niết Bàn Phật chứng. Kinh Lăng Già ). Hoặc Sinh Tử tức Niết Bàn. Phiền Não tức Bồ Đề, tư tưởng Phật giáo Bắc Tông phá vỡ lối suy nghĩ nhị nguyên, phân biệt của chúng ta. Hoặc trong kinh Lăng Nghiêm có câu “Này A-nan, cội gốc của sinh tử là sáu căn của ông, cội gốc Bồ đề Niết Bàn cũng là sáu căn của ông”.
Vậy chúng ta hãy số gắng vượt khỏi lối suy luận nhị nguyên, đối đãi, tương đối và giới hạn, chỉ dựa trên những khái niệm trừu tượng để chuyên tâm vào sự thực hành và thực chứng như chính đức Phật đã dạy qua bài Kinh Chuyển Pháp Luân : Thánh Đế về Khổ cần phải hiểu rõ. Thánh Đế về Khổ Nhân cần được đoạn trừ. Thánh Đế về Khổ Diệt cần chứng đạt. Thánh Đế về Con Đường đưa đến Khổ Diệt cần được tu tập.
Như có câu chuyện ngụ ngôn về Rùa và Cá. Cá thì chỉ biết nước, nếu Rùa có diển tả cách mấy đi nữa Cá vẫn không thể hình dung đất liền là như thế nào. Cũng thế dù Phật hay A La Hán có nói cho phàm phu chúng ta Niết Bàn như thế nào, phải dùng ngôn ngữ của thế gian để mô tả trạng thái siêu thế thì cũng không dễ, chúng ta không thể hình dung nếu chính chung ta không chứng đắc Niết Bàn, trải nghiệm trạng thái thực sự an lạc của Niết Bàn. Vậy không có gì quan trọng hơn là sự tu tập để đạt Niết Bàn, tự chứng, tự ngộ hơn là chờ giải đáp của người khác. Đức Phật cũng từng nói Ngài chỉ là người chỉ đường.
Sau khi tìm hiểu Niết Bàn mà Đức Phật đã tán thán nơi bài Kệ số 4 của Kinh Châu Báu, tiếp đến chúng ta tìm hiểu lời dạy tiếp theo của Đức Phật nơi bài kệ số 5 :
Phật, Thế Tôn thù thắng
Nói lên lời tán thán
Pháp thù diệu trong sạch
Liên tục không gián đoạn
Không gì sánh bằng được
Pháp thiền vi diệu ấy.
Hãy cùng tìm hiểu Pháp Thiền vi diệu ấy là gì ? Chính qua Pháp Thiền này mà đức Phật Đã chứng Niết Bàn. Bài Kệ trên đây qua tiếng Pali :
Yam Buddhasettho parivannayî-sucim samâdhi-manantarikañña-mâhu samâdhîna tena samo na vijjati idampi Dhamme ratanam panîtam etena saccena suvatthi hotu.
Dịch tiếng Pháp: Le suprême Bouddha loua la pure concentration qui donne des résultats immédiats. Il n'y a rien d’égal à cette concentration. Dans le Dhamma est ce précieux joyau. Que cette vérité apporte le bonheur. http://vipassanasangha.free.fr/paritta_ratana_sutta.htm
Dịch Tiếng Anh : That pure concentration the Supreme Buddha praised is described as‘concentration without interruption’.
There is nothing like that concentration.
In the Dhamma is this precious jewel found.
On account of this truth, may there be well-being. http://nalanda.org.my/e-library/ratanasutta/verse5.php
Chúng ta nhận thấy nơi bản tiếng Pali dùng chữ Samadhi và tiếng Pháp hoặc Anh Ngữ đều dùng là Concentration, tương đương với Định. Nơi bản dịch tiếng Việt của chúng ta là Thiền. Vậy Thiền và Định là một hay khác nhau ?
Theo thiền sư Sayadaw U Tejaniya, Định (samadhi) có nghĩa là một cái tâm vững vàng, ổn định, định không có nghĩa là chú tâm. Định phát sinh như thế nào? Nó không phát sinh qua sự chú tâm. Định phát sinh khi có thái độ đúng đắn. Định phát sinh cùng với Chánh kiến.
Định không phải là nguyên nhân, mà chỉ là kết quả. Định (samadhi), hỷ (piti), lạc (pasadhi) và xả (upekkha), bốn nhân tố này là kết quả. Ba yếu tố đóng vai trò nguyên nhân là chánh niệm (sati), tinh tấn (viriya) và trạch pháp (dhamma-vicaya).
Chỉ khi nào ta có đức tin (saddhā, tín) mới có sự cố gắng, tinh tấn (viriya, tấn), tâm chú niệm (sati, niệm) sẽ liên tục, tâm sẽ an định vững chắc (samādhi, định )
https://thuvienhoasen.org/p32a25092/dinh-samadhi-
Thiền, tiếng Pali là Jhāna, tiếng Phạn dhyāna, tiếng Nhật là Zen, tiếng Trung Hoa là Chan.
Thiền sư cũng chỉ dẫn về việc hành Thiền :
1. Hành thiền là hiểu biết và quan sát một cách thư giãn thoải mái, bất cứ gì đang diễn ra - dầu tốt hay xấu.
2. Hành thiền là quan sát và nhẫn nại chờ đợi với chú niệm và hiểu biết. Thiền không phải là cố gắng chứng nghiệm những điều mà ta đã nghe giảng dạy hay đọc trong sách.
3. Chỉ quan tâm đến giây phút hiện tại. Không nên để tâm lạc mất trong quá khứ. Chớ vọng móng để tâm bay nhảy hoang dại trong tương lai.
4. Khi hành thiền, cả thân lẫn tâm đều phải thư giãn (relax), thoải mái.
Tham khảo thêm : https://thuvienhoasen.org/p32a25092/dinh-samadhi-
Chúng ta thường quen với hai chữ Thiền Định đi đôi với nhau và được hiểu có hai thứ Thiền Chỉ và Thiền Quán.
Sau đây là định nghĩa thật rõ ràng của Tỳ Kheo Thích Trung Định: Thiền chỉ (samantha) và Thiền quán (vipassana) là hai nội dung lớn trong vấn đề “phát triển của tâm” được đề cập trong Kinh tạng Nikāya. Cả hai phương pháp thiền tập này được coi là phương tiện tuyệt vời nhất đưa đến nhất tâm và tăng trưởng trí tuệ. Cụ thể, thiền chỉ làm dừng lại các dục và bất thiện pháp, đưa đến sự hỷ, lạc, nhất tâm; trong lúc thiền quán nhờ quan sát sự vật hiện tượng như thật mà đoạn trừ vô minh phiền não đưa đến trí tuệ giải thoát. Như vậy cả hai đưa đến “tâm giải thoát”, “tuệ giải thoát”, thành tựu đạo quả, đoạn tận khổ đau sinh tử luân hồi…Thiền chỉ và Thiền quán được so sánh với các cặp sứ giả nhanh nhất (Sīghaṃ dūtayugaṃ), người đã mang thông điệp của sự thật, đó là, Niết-bàn cảnh giới của Phật, tức là các khoa về chánh niệm (sati) là người gác cửa sáu giác quan (phòng hộ sáu căn môn), và Bát Chánh đạo là con đường dẫn đến niết bàn.
Mục đích của thiền chỉ là để an định tâm trí, không để tâm phân tán loạn động (vikshepa). Bản chất của thiền quán là để nhìn thấy sự thật như nó là (ānupassanā). Cả hai cùng nhau hành động như một thực thể duy nhất hài hòa như là cách để đạt đến Niết-bàn. Thiền chỉ có nhiệm vụ thâu gom vọng tưởng lại, còn thiền quán có công năng chặt đứt phiền não.
Tham khảo thêm: https://thuvienhoasen.org/a30675/thien-chi-va-thien-quan
Tiếp tục tìm hiểu thêm về Định được dịch từ tiếng Pali là Samadhi, được dùng trong bài Kệ của Kinh Châu Báu như đã nêu bên trên, thì qua bản Chú giải của Ngài Buddhaghosa do Tỳ kheo Thiện Minh dịch, chúng ta được cắt nghĩa như sau :
Gọi pháp đó là Thánh định đem lại kết quả liên tục (samādhim ānantarikañ ñam āhu): và Ngài gọi Pháp đó là Pháp thiền vi diệu tạo kết quả liên tục vì pháp đó chắc chắn tạo kết quả ngay lập tức tiếp ngay sau khi khởi sanh; vì khi định Thánh đạo đã khởi sanh, chẳng còn trở ngại bất luận thuộc loại nào có thể cản ngăn pháp đó đem lại kết quả. Do vậy có lời nói rằng: Và nếu như con người đã nhập Thánh đạo thực chứng Thánh quả Nhập Lưu cho dù đó là thời
điểm kéo dài hàng đại kiếp bị lửa thiêu đốt, vẫn còn hàng đại kiếp không có lửa thiêu rụi cho đến khi người đó chứng thực Thánh quả Nhập Lưu. Ta gọi hạng người này là những người nắm vững đại kiếp (?) và tất cả những ai đạt được Thánh đạo này ta gọi là những người nắm vững đại kiếp (?) (Pug. 13-4).
Không gì sánh bằng được thiền định như vậy (samādhina tena samo na vijjati): với đặc tính tinh tuyền đến như vậy như Đức Thế Tôn đã phải tán dương khen ngợi là cao siêu tuyệt vời như là “ thiền định đem lại quả liên tục” chẳng có loại thiền định nào nơi cõi sắc giới cũng như nơi cõi vô sắc giới có thể sánh kịp. Tại sao vậy? Vì ngay cả nếu như có ai đó được tái sanh bất kỳ nơi cõi nào hoặc nơi Cõi Đại Phạm Thiên chẳng hạn do chuyên tâm thực hiện và tu tập những [loại thiền định hiệp thế] như vậy. Điều đó vẫn hàm chứa khả năng phải tái sanh trở lại [rất có thể] nơi địa ngục, v.v...vì nếu hạng người này một khi đã trở nên Thánh quả do tu tiến chánh định siêu thế của một vị A-la-hán, điều đó ám chỉ rằng người đó đã loại bỏ được hết mọi tái sanh. Chính vì thế đã có lời nói tiếp ngay sau đó trong Kinh [được trích trong § 52] như sau, “ Hỡi các vị Tỳ Khưu, đến một chừng mực nào đó [182] vẫn còn tồn tại Pháp hữu vi thì Bát Thánh Đạo vẫn được coi như cao thượng nhất trong toàn bộ các pháp đó”.
Qua lời chú giải trên chúng ta có thể hiểu Pháp Thiền qua bài kệ chính là Thánh Định, cũng là Chánh Định, một chi phần trong Bát Thánh Đạo hay Bát Chánh Đạo. Và nên hiểu Thánh Định hay Chánh Định không bao giờ đứng riêng lẻ một mình, luôn có sự hỗ trợ của các chi phần khác là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, được gom lại trong phần Tuệ và Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng trong phần Giới. Còn lại Định bao gồm Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.
Trích bài giảng của Tỳ Kheo Thích Viên Giác về Chánh Định:
Kinh Đại Tứ Thập, Trung Bộ III, số 117, định nghĩa về Chánh Định: Thế nào là Chánh Định với các cận duyên và tư trợ ? Chính là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm. Này các Tỳ Kheo, phàm có sự nhất tâm nào được tư trợ với bảy chi phần này, như vậy gọi là Chánh Định cùng với các cận duyên và tư trợ. ( Tứ Diệu Đế. Phật Học Cơ Bản )
Chú giải còn cho chúng ta thấy : “ chẳng có loại thiền định nào nơi cõi sắc giới cũng như nơi cõi vô sắc giới có thể sánh kịp”. Vậy chúng ta nên cẩn thận không quá đề cao, chấp chặt vào Tứ Thiền, đạt rồi cũng phải Xả.
Đức Phật khẳng định qua bài Kệ, Pháp Thiền hay Thánh Định này là Châu Báu Thù Diệu, chính qua Pháp này, và cũng là Chánh Pháp, mà Ngài đã đạt Niết Bàn. Ngài đã ban lời chúc phúc :
Như vậy, nơi Chánh Pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.
Cuối cùng, nơi bài Kệ số 16, Đức Phật ban lời khuyên thiết thực cho hết thảy các sanh linh nên đảnh lễ và cúng dường Chánh Pháp :
Phàm ở tại nơi này
Có sanh linh tụ hội
Hoặc trên cõi đất này
Hoặc chính giữa hư không
Hãy đảnh lễ Chánh pháp
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người
Ðảnh lễ và cúng dường
Mong rằng với hạnh này
Mọi loài được hạnh phúc.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi : Đảnh lễ Chánh Pháp thì dễ hiểu, khi nghe giảng Pháp, tụng Kinh, nghe Kinh, thấy bản Kinh, cầm Kinh sách trong tay chúng ta đều có thể lễ bái, trịnh trọng, cung kính, tôn quí như có câu Kệ, trong Tỳ Ni Nhựt Dụng: “Lấy nước rửa tay, nguyện cho chúng sinh, được tay trong sạch, nhận giữ Phật Pháp” nhưng thế nào gọi là Cúng Dường Chánh Pháp ? Đấy chính là sự thực hành Chánh Pháp, tự mình siêng năng tu tập, học hỏi, tinh tấn không mỏi mệt, phát Tâm Bồ Đề, phát nguyện phục vụ chúng sanh, gieo duyên Phật Pháp cho mọi người, truyền bá Chánh Pháp, lưu truyền kinh điển, diễn nói, đọc, tụng, chép, in ấn, phổ biến khắp nơi, làm cho Chánh Pháp tồn tại trên thế gian đau khổ này, không để dứt mất, bại hoại. Pháp cúng dường chính là Pháp Thí vậy.
Đến đây. Chúng ta học xong phần Pháp Bảo. Xin hẹn kỳ sau với phần Tăng Bảo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nhật Duyệt LKTH
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.166.127 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập