Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Lá thư hằng tuần »» Xem đối chiếu Anh Việt: Lá thư hằng tuần và Chia sẻ Phật pháp bài số 17 - năm 2024 »»
Lần trước, chúng ta đã tìm hiểu về chánh nghiệp hay việc làm chân chánh. Hôm nay, trong bài chia sẻ Phật pháp lần thứ 17 qua lá thư hằng tuần, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về chánh mạng (正命), tức nghề nghiệp nuôi sống thân mạng một cách chân chánh.
Đối với những ai mới tiếp cận với giáo lý đạo Phật, sẽ rất dễ nhầm lẫn giữa chánh nghiệp và chánh mạng, mặc dù 2 khái niệm này là khác nhau. Nhầm lẫn thường xuất phát từ chữ “nghiệp” trong chánh nghiệp, vốn dùng để chỉ chung “các hành vi tạo thành nghiệp quả”, nhưng lại thường bị nhầm lẫn theo nghĩa thông thường là “nghề nghiệp”. Đúng ra, chánh mạng mới là phạm vi tu tập chú trọng đến nghề nghiệp nuôi sống bản thân và gia đình. Người tu tập chánh mạng phải chọn cho mình một nghề nghiệp sống chân chánh, theo nghĩa là tránh xa các “tà mạng”, tức là những nghề nghiệp gây tổn hại đến người khác như buôn bán chất cấm, buôn bán vũ khí, giết hại sinh mạng chúng sanh như săn bắn, bẫy chim, đánh bắt cá…
Như vậy, khác biệt ở đây là chánh nghiệp, hay việc làm chân chánh, bao gồm tất cả mọi hành vi: ý nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta, luôn phải tỉnh giác duy trì theo con đường chân chánh, không tà vạy; trong khi đó, chánh mạng tập trung nhấn mạnh vào những hành vi, nghề nghiệp mà chúng ta thực hiện như phương tiện mưu sinh, dùng để nuôi sống bản thân và gia đình. Do đó, mỗi pháp tu này có một phạm vi chú ý khác nhau, tuy là có sự tương đồng rất lớn. Nói cách khác, nếu chúng ta có thể thực hành rốt ráo chánh nghiệp thì tất yếu là ta cũng đã có chánh mạng, bởi không thể nào ta chọn một nghề nghiệp gây tổn hại đến chúng sanh mà có thể giữ được chánh nghiệp. Điều đó hoàn toàn không thể có.
Nhưng tầm quan trọng của chánh mạng nằm ở chỗ là nó chi phối hầu như suốt cuộc đời ta. Trong khi chánh nghiệp là sự tu tập trong từng giây phút thì chánh mạng là một sự chọn lựa mang tính quyết định cho cả cuộc đời, hay ít ra cũng là một quãng thời gian dài trong đời. Nếu chúng ta chọn sai nghề nghiệp, chẳng hạn như chọn một nghề giết hại mạng sống chúng sanh, thì sự chọn lựa này dẫn đến việc chúng ta sẽ tạo nghiệp xấu ác mỗi ngày, bởi vì đó là việc làm chúng ta dùng để mưu sinh, để nuôi sống bản thân và gia đình. Ngược lại, nếu nghề nghiệp của chúng ta làm lợi lạc cho người khác, cho cộng đồng, chẳng hạn như một bác sĩ chân chánh, thì những nghiệp hiền thiện mà ta tạo ra cũng sẽ được tích lũy mỗi ngày qua công việc thường xuyên của chúng ta. Một nghề nghiệp chân chánh có ý nghĩa quan trọng chính là ở chỗ đó.
Và cũng vì thế, nếu một người nhận biết được nghề nghiệp của mình là tà mạng, là gây tổn hại đến chúng sanh và quyết định chuyển đổi sang một nghề khác chân chánh, thì có thể nói rằng đó là một quyết định mang lại lợi ích rất lớn lao, bởi nó giúp chuyển hướng cuộc đời người ấy từ chỗ thường xuyên tạo nghiệp xấu ác trở thành ngày ngày làm việc hiền thiện. Rõ ràng, đó sẽ là một sự chuyển đổi rất khó khăn nhưng vô cùng lợi lạc.
Ngoài ra, nghề nghiệp của chúng ta không chỉ là quyết định phần lớn những nghiệp thiện ác mà ta tạo ra trong đời sống, mà đó còn là môi trường quyết định, chi phối rất lớn khuynh hướng sống của chúng ta. Một bác sĩ chân chánh ngày ngày đều phải nỗ lực điều trị, giảm nhẹ khổ đau cho bệnh nhân thì tâm từ bi cũng dễ dàng được vun bồi, phát triển. Ngược lại, một người đồ tể mỗi ngày đều tiếp xúc với máu me, giết chóc thì tâm tánh cũng quen thuộc với sự hung hăng, bạo lực… dù có muốn suy nghĩ, hành xử theo khuynh hướng ngược lại cũng rất khó khăn.
Do vậy, việc quyết định tu tập chánh mạng, chọn một nghề nghiệp chân chánh là cực kỳ quan trọng. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự tu tập trong suốt cuộc đời chúng ta, hoặc ngược lại có thể là chướng ngại khiến ta không thể nào vượt qua để sống cuộc đời hiền thiện.
Tất nhiên, nếu chúng ta may mắn đang sinh sống bằng một nghề nghiệp chân chánh thì không còn gì tốt bằng, nhưng nếu chẳng may từ trước đến nay đã sống với một nghề gây tổn hại đến chúng sanh, thì sự nỗ lực cố gắng để chuyển đổi sẽ là một điều cực kỳ khó khăn nhưng lại hết sức cần thiết. Mặc dù vậy, trong Phật giáo có câu “hồi đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ), chúng ta có thể tin chắc rằng nếu có nỗ lực hướng thiện thì chắc chắn rồi chúng ta sẽ làm được. Vào thời đức Phật, đã có rất nhiều người làm nghề săn bắn, đánh cá, giết mổ… nhưng sau khi có duyên may gặp Phật nghe pháp, họ đã từ bỏ nghề nghiệp cũ và không ít người trong số đó về sau đã tu hành đạt đạo.
Tu tập chánh mạng không chỉ liên quan đến việc chọn nghề nghiệp sinh sống, mà còn phải có sự chú tâm đến việc thực hành nghề nghiệp đó một cách chân chánh nữa. Một người buôn bán sống bằng khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán là điều hoàn toàn hợp lẽ, nhưng nếu trong sự buôn bán đó phát sinh những điều gian dối, lừa lọc khách hàng, hoặc cân đong không chính xác, thì chính những điều sai trái đó sẽ tạo thành nghiệp xấu ác, làm mất đi ý nghĩa chân chánh của nghề nghiệp. Ngay cả một vị bác sĩ mà điều trị cho bệnh nhân với tâm tham lam, không trung thực trong việc điều trị mà dùng những cách lừa dối bất chính để lấy thêm được nhiều tiền từ bệnh nhân thì chắc chắn không thể xem đó là nghề nghiệp chân chánh.
Vì thế, khi chọn được một nghề nghiệp chân chánh rồi, chúng ta còn phải luôn chú tâm đến việc hành xử chân chánh trong nghề nghiệp, trung thực và nhân ái, luôn nghĩ đến những việc làm lợi mình lợi người, không vì lợi nhuận mà làm những điều trái đạo lý. Làm được như vậy mới có thể gọi chánh mạng.
Người cư sĩ tại gia mang nặng trách nhiệm gia đình, với gánh nặng cơm áo gạo tiền nên thường chịu nhiều áp lực chi phối đến cuộc sống hằng ngày. Mặc dù vậy, nếu biết đến niềm an lạc, hạnh phúc chân thật của một đời sống chân chánh thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận việc đi sai chánh pháp chỉ để có được những lợi ích trước mắt. Bởi một khi để cho những việc làm sai trái đốt cháy công đức tu tập thì một chút lợi ích vật chất trước mắt sẽ không bao giờ bù đắp nổi những khổ đau mất mát mà ta sẽ phải gánh chịu. Nói cách khác, nếu không nỗ lực hướng theo chánh mạng thì điều chắc chắn là chúng ta sẽ không bao giờ có được niềm an lạc và hạnh phúc chân thật.
Nói tóm lại, tu tập chánh mạng là yếu tố quyết định phần lớn nền tảng trong cuộc đời để chúng ta có thể dựa trên đó mà xây dựng các phẩm chất tu tập khác. Một nghề nghiệp chân chánh sẽ tạo điều kiện cho những suy nghĩ chân chánh, lời nói chân chánh, việc làm chân chánh. Ngược lại, một nghề nghiệp không chân chánh sẽ là mảnh đất màu mỡ cho hết thảy những hạt giống xấu ác nhanh chóng phát triển. Đây là điều mà mỗi người học Phật chúng ta đều phải nên suy ngẫm.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.28.217 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập