Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Lá thư hằng tuần »» Xem đối chiếu Anh Việt: Lá thư hằng tuần và Chia sẻ Phật pháp bài số 19 - năm 2024 »»
Hôm nay là bài chia sẻ Phật pháp lần thứ 19, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về chánh niệm (正念). Đây là phần thứ bảy trong bát chánh đạo, có nghĩa là nghĩ nhớ chân chánh. Nghĩ nhớ hay niệm chân chánh có nghĩa là luôn duy trì được sự tỉnh giác trong ý niệm, không quên mất, không tán loạn. Đây thực sự là một thực hành cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát thân tâm.
Chữ niệm (念) trong Hán ngữ được kết hợp từ chữ kim (今) nghĩa là hiện tại nằm trên và chữ tâm (心) nghĩa là tâm ý, ý thức nằm ở dưới. Ghi nhớ sự kết hợp của hai chữ này giúp chúng ta nhớ được ý nghĩa căn bản của niệm chính là duy trì ý niệm, sự nhận biết của chúng ta trong thời điểm hiện tại, không để quay về quá khứ hay chạy đuổi đến tương lai.
Trong thực tế, tư tưởng của chúng ta nếu không có sự tu tập rèn luyện thì thường có khuynh hướng nghĩ nhớ về những việc trong quá khứ, hoặc gần đây, hoặc lâu xa. Một khi đắm chìm trong những suy tưởng ngược về quá khứ, ta sẽ đánh mất đi sự tỉnh giác nhận biết về những gì đang diễn ra trong hiện tại. Trong khi sự nghĩ nhớ về quá khứ không thể giúp ta thay đổi được gì, thì việc đánh mất chánh niệm trong hiện tại lại khiến chúng ta mất đi khả năng nhận biết và phản ứng đúng với những gì đang xảy ra. Do vậy, bước đầu tiên trong sự tu tập chánh niệm chính là phải từ bỏ thói quen nghĩ nhớ về quá khứ. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải quên đi tất cả những gì đã xảy ra trong quá khứ. Thật ra, nếu có sự tu tập sáng suốt thì chúng ta vẫn ghi nhớ được và thậm chí còn nhớ được chi tiết hơn những gì đã qua trong quá khứ, chỉ có điều là ta sẽ không để tâm suy tưởng, nghĩ nhớ về bất kỳ sự việc nào trong quá khứ. Ghi nhớ sự việc là điều hoàn toàn khác với việc để tâm tưởng quay về suy niệm những việc trong quá khứ.
Thói quen thứ hai cần loại bỏ là phóng tâm suy tưởng đến những việc trong tương lai. Tất nhiên, những việc trong tương lai mà ta suy nghĩ đến thì đều là nằm trong… sự tưởng tượng, vì chúng chưa thực sự xảy ra. Tuy nhiên, do thói quen ta thường suy tưởng đến theo khuynh hướng hình dung sự việc sẽ diễn ra tốt đẹp theo ý muốn của ta, hoặc hình dung trước những gì ta cần làm để đạt được mục tiêu mong muốn v.v… Tất nhiên là những suy tưởng đó có thể đúng hoặc không đúng, ta chưa thể biết chắc được, nhưng điều chắc chắn có thể biết là ta đã đánh mất đi sự hiện hữu ngay trong hiện tại vào những giây phút mà ta để tâm ý hướng đến tương lai.
Do vậy, tu tập chánh niệm chính là duy trì tâm ý thức luôn luôn trong hiện tại. Trong thực tế, hiện tại cũng là một dòng chảy không ngừng, mỗi sát-na đều liên tục trôi vào quá khứ, do đó mà chúng ta phải luôn tỉnh giác mới có thể duy trì được tâm ý trong hiện tại. Khi duy trì được sự tỉnh giác, ta nhận biết rõ ràng sự việc đang diễn ra, thấy biết tất cả đúng thật mà không bị sự chi phối bởi bất cứ yếu tố nào khác từ bên ngoài.
Mặt khác, tu tập chánh niệm là điều kiện thiết yếu để dừng lại sự tán loạn của tâm. Khi tâm dừng lặng, chúng ta mới có thể hướng đến sự tu tập định lực. Và khi tâm có sự an định, trí tuệ chân thật mới có thể sinh khởi.
Chánh niệm cũng có nghĩa là luôn nghĩ nhớ đến những điều chân chánh, tức là những chân lý, bản chất thật sự hay thật tướng của các pháp. Nhờ duy trì sự nghĩ nhớ chân chánh này, chúng ta không lạc vào tà kiến, vào những nhận thức sai lầm. Chẳng hạn, luôn nhớ biết cuộc sống là vô thường nên phải tinh tấn tu tập; luôn nhớ biết bản chất cuộc sống này là khổ nên không mê đắm trong dục lạc vì biết rằng mọi niềm vui đều ngắn ngủi; luôn nhớ biết tất cả các pháp rốt ráo đều là vô ngã, do duyên hợp giả tạm, không hề có tự thể tự tồn, do vậy nên không bám víu vào cuộc đời, phải nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, tinh tấn tu tập cầu giải thoát.
Trong các nội dung mà chúng ta đã tìm hiểu qua, yếu tố niệm (念) có mặt trong hầu hết các pháp tu và là một yếu tố quan trọng, từ trong ngũ căn với niệm căn, trong ngũ lực với niệm lực, trong thất giác phần với niệm giác phần. Và bây giờ là chánh niệm trong bát chánh đạo. Do vậy, có thể nói việc tu tập, rèn luyện chánh niệm là hết sức quan trọng.
Hơn thế nữa, nếu không có sự tu tập chánh niệm, chúng ta sẽ không thể nào thực hành được chánh định, yếu tố cuối cùng trong bát chánh đạo. Trong bài sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về chánh định.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.16.82.20 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập