Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Đọc Tạng Pali: Đừng Trụ Bất Kỳ Pháp Nào »»

Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Đọc Tạng Pali: Đừng Trụ Bất Kỳ Pháp Nào

Donate

(Lượt xem: 7.396)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Đọc Tạng Pali: Đừng Trụ Bất Kỳ Pháp Nào

Kinh Kim Cương có một lời Đức Phật dạy thường được chư tôn đức chú ý:

“- Cho nên Tu Bồ Đề! Chư Bồ Tát Ma Ha Tát nên sanh tâm trong sạch như thế, là chẳng nên khởi tâm trụ sắc, chẳng nên khởi tâm trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp, ưng vô sở trụ mà sanh kỳ tâm.” (Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, bản dịch của Tỳ Kheo Thích Duy Lực, Chương 10. Trang Nghiêm Tịnh Độ.)

Không trụ vào bất kỳ nơi đâu, không trụ vào bất kỳ pháp nào, xa lìa tất cả những dính mắc… Pháp “ưng vô sở trụ” thường được dịch trong tiếng Anh là “non-clinging” hay “free from clinging”…

Lời dạy “ưng vô sở trụ” được tìm thấy nơi đâu trong Tạng Kinh Pali? Có thể trả lời ngắn gọn rằng, lời dạy này ghi rất nhiều lần trong trong Tạng Kinh Pali, và ưng vô sở trụ là pháp tối thắng.

Đặc biệt, Đức Phật thường dạy pháp “ưng vô sở trụ” trong các bản kinh được gọi là thời kỳ “Early Buddhism” – còn gọi là, Phật giáo Sơ thời, tức là, những bản kinh được suy đoán là trong những năm đầu tiên thuyết pháp của Đức Phật. Nhiều kinh này không mở đầu với “Như thị ngã văn” và thường là những kinh ngắn, làm thành các vần thơ để chư tăng học thuộc lòng. Điển hình, Kinh Pháp Cú (The Dhammapada) là tập họp nhiều kinh Phật giáo Sơ thời.

Các kinh Phật giáo Sơ thời trong “The Parayana Vagga: The Chapter on the Way to the Far Shore” – qua bản dịch trên Access to Insight (Accesstoinsight.org) -- đều ngắn gọn, trực tiếp, không nói gì về Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ, Tứ Thiền, Thất Giác Chi… Các kinh Phật giáo Sơ thời cho thấy Đạo Phật qua lời Đức Phật được cô đọng trong một vài lời ngắn gọn để thực tập, làm thành vần thơ để có thể dùng như kinh nhật tụng. Và trong các kinh này, rất nhiều trường hợp cho thấy nhiều vị cư sĩ hay các du sĩ đạo khác sau khi nghe lời dạy xong, tức khắc đắc một trong tứ thánh quả.

Khi nói “vô sở trụ” hay nói “không chỗ trụ” hay “vô trụ” – là nói về thức (consciousness), tuy chỉ là một trong năm uẩn, nhưng lại là kẻ dẫn lối đưa đường đi khắp ba cõi.

THỨC DẪN ĐI BA CÕI

Thức khi trở thành một ý định (intention), đó là mời gọi cho những cuộc sinh tử luân hồi kế tiếp. Chỗ này nên ghi nhận: Không nên hiểu tái sinh hay sinh tử luân hồi là có một “cái tôi” nào trôi nổi, trôi lăn; chỉ nên hiểu đó là dòng ý thức (stream of consciousness) chảy xiết vô thường, cuốn trôi nhóm ngũ uẩn quen gọi là “tôi” hay “ta” đi trong ba cõi.

Nhưng thức là gì?

Trong Kinh SN 22.79, Đức Phật giải thích:

“Và tại sao người gọi đó là ‘thức’? Bởi vì nó nhận biết, do vậy nó được gọi là thức. Nó nhận biết những gì? Nó nhận biết những gì chua, đắng, hôi, ngọt, có chất dầu alkaline hay không, mặn, và không mặn. Bởi vì nó nhận biết, nó được gọi là thức.” (1)

Nếu chỉ thuần nhận biết như thế, thức sẽ không dẫn chúng ta đi khắp cõi luân hồi. Thức dẫn chúng ta đi sinh tử là vì thức đã trở thành ý niệm miên man trưởng dưỡng, gọi là tâm phan duyên, được Đức Phật phân tích kỹ trong Kinh Lăng Nghiêm, trong khi đời thường gọi là “tâm khỉ vượn” (monkey mind) – tiếng Pali là Papañca, được Bhikkhu Bodhi dịch là "mental proliferation" và được Bhikkhu Nanamoli dịch là "mental diversification."

Đức Phật dạy trong Kinh SN 12:

“Chư tăng, những gì mình có ý định, và những gì mình lên kế hoạch, và bất cứ những gì mình có khuynh hướng nghiêng về: điều này trở thành một nền tảng để duy trì ý niệm. Khi có một nền tảng, tất sẽ có sự hỗ trợ để dựng lập ý niệm. Khi ý niệm được dựng lập, và rồi trưởng dưỡng, tất sẽ sinh ra sự sinh tồn kế tiếp tương lai. Khi có việc sinh ra sự tái sinh tương lai, vậy là tương lai sẽ lại sinh ra, già đi và chết, buồn sầu, than khóc, đau đớn, khổ não và tuyệt vọng. Như thế là cội nguồn của toàn bộ mớ đau khổ này…

…Khi thức không được dựng lập, và không được trưởng dưỡng, sẽ không có cuộc tái sinh tương lai.” (2)

Tới đây, chúng ta có thể nhớ tới Kinh Pháp Cú, câu đầu tiên là “Tâm dẫn đầu các pháp…” Nghĩa là, khi là thức (hiểu là tâm chúng sinh), sẽ cứ mãi sinh tử luân hồi, nhưng khi trở thành trí, chính trí tuệ này sẽ dẫn chúng ta qua bờ bên kia. Nghĩa là, lúc đó bụi sẽ rơi rớt, và lúc đó khả năng nhận biết này chính là Niết bàn của các vị A La Hán khi đã đoạn tận tham sân si, vốn nguyên sơ chính là “tâm chói sáng” (Kinh AN 1.49-52 - Pabhassara Sutta).

Như thế, làm sao để thức trở thành trí? Hay có phải, vốn từ nguyên sơ, thức đã là trí tuệ rồi?

Cũng nhìn thêm rằng, riêng thức sẽ không dẫn được chúng ta đi sinh tử luân hồi, mà cần có đủ duyên.

Trong Kinh AN 3.76 Bhava Sutta, Đức Phật dạy, “Nghiệp là cánh đồng, thức là hạt giống, và tham ái là ẩm nước.” (…kamma is the field, consciousness the seed, and craving the moisture.)

Trong một giải thích về lý nhân duyên, bản dịch Kinh Đại Duyên trong Trường Bộ, bản dịch của HT Thích Minh Châu có đoạn vấn đáp:

“21. Trước đã nói: "Do duyên thức, danh sắc sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên thức, danh sắc sanh"? Này Ananda, nếu thức không đi vào trong bụng của người mẹ, thời danh sắc có thể hình thành trong bụng bà mẹ không?

- Bạch Thế Tôn, không!” (3)

Nghĩa là, duyên theo thức, sẽ có danh-sắc, sẽ có thân và tâm hình thành trong bụng mẹ.

Tóm lược các đoạn trên, chúng ta đã thấy khi thức lan man, trưởng dưỡng… là sức mạnh dẫn đi sinh tử luân hồi. Câu hỏi nơi đây là, thức dựa vào đâu để lan man, trưởng dưỡng như thế?

Câu trả lời: thức dựa vào cảnh giới các uẩn để tham luyến, và đó là động lực dẫn đi miên man như thế.

Tới đây, Đức Phật dạy pháp “giữ tâm vô sở trụ,” nghĩa là đoạn tận chỗ y chỉ của thức, và muốn thế, là phải đoạn tận tham luyến.

Kinh SN 22.53, bản Việt dịch của HT Thích Minh Châu viết:

“Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, sự tăng thịnh hay sự lớn mạnh của thức”, sự việc như vậy không xảy ra.

Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới … đối với tưởng giới … đối với hành giới … Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thức giới, do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu.

Không có chỗ y chỉ ấy, thức không tăng thịnh, không có hành động, được giải thoát. Do giải thoát nên được kiên trú; do kiên trú nên được tri túc; do tri túc nên không có ưu não; do không có ưu não nên tự mình cảm thấy tịch tịnh hoàn toàn.” (4)

Như thế, chúng ta thấy trở lại lời dạy trong Kinh Kim Cang, rằng khi chỗ y chỉ của thức không có hiện hữu, tức là đã ưng vô sở trụ, đó chính là cảnh giới của giải thoát. Tới đây, chúng ta khảo sát một nhóm kinh khác, có tên là “Parayana Vagga - The Chapter on the Way to the Far Shore.” Và sẽ có cảm giác rằng Kinh Kim Cương như dường được chư Tổ Bắc Tông soạn theo nhóm kinh này.



BƯỚC QUA BỜ BÊN KIA

Qua bờ bên kia hiểu là pháp để tới Niết bàn. Cội nguồn của nhóm kinh Lối Đi Qua Bờ Kia được Thanissaro Bhikkhu giải thích trong bài “The Parayana Vagga: The Chapter on the Way to the Far Shore” (5) rằng một nhóm 16 đạo sĩ trẻ, học trò của một đạo sĩ Bà La Môn có tên là Bavari, tới tham vấn với Đức Phật, hỏi về cách nào để giải thoát tối hậu. Đức Phật trả lời tuần tự từng câu hỏi của 16 đạo sĩ, trong đó có một số vị đã thiền tập mức độ cao.

Nhóm kinh Cula Niddesa ghi rằng, nghe xong các câu Đức Phật trả lời, 15 đạo sĩ đầu tiên tức khắc trở thành bậc A La Hán; trong khi đạo sĩ thứ 16 là ngài Pingiya đạt Pháp Nhãn, nghĩa là quả Dự Lưu. Tuy nhiên, bộ luận về Cula Niddesa ghi rằng ngài Pingiya đắc thánh vị thứ ba, tức quả Bất Lai.

Đức Phật trong nhóm kinh này nhắc đi nhắc lại hình ảnh dòng nước lũ – trận lụt của sinh, già, chết; của nỗi buồn và thương khóc; của căng thẳng và đạu khổ. Như Lai nói rằng pháp tu là phải tìm đường vượt qua dòng nước lũ lụt để tới bờ bên kia. Tất cả vướng mắc đều làm chúng ta bị cuốn chìm theo dòng nước lũ.

Thanissaro Bhikkhu viết rằng có chứng cớ cho thấy 16 đoạn đối thoại (của Đức Phật với 16 đạo sĩ trẻ) được chư tôn đức trong các thế kỷ đầu của Phật giáo tôn kính. Có 5 kinh (một trong Kinh Tương Ưng Bộ, bốn trong Kinh Tăng Chi Bộ) thảo luận về một số câu thơ trong nhóm 16 kinh này. Có nghĩa là, nhóm kinh này có trước nhiều kinh trong Tương Ưng Bộ và Tăng Chi Bộ.

Có nhiều chứng cớ cho thấy những năm đầu tiên thuyết pháp, chư tăng và nhiều cư sĩ dùng nhóm 16 đoạn đối thoại làm kinh nhật tụng. Bản Anh dịch Kinh Tăng Chi Bộ của Ni Trưởng Sister Upalavanna có một kinh ghi rằng nữ cư sĩ Velukantaki Nanda mỗi rạng sáng đều tụng đọc lớn tiếng nhóm 16 kinh Parayana Vagga. Trong một lần xuống nhắc vị nữ cư sĩ này cúng dường chư tăng hướng dẫn bởi ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên sắp tới thành phố Velukandaka, Vua cõi trời Vessavana phải tôn kính, chờ nữ cư sĩ đọc trọn 16 kinh mới tới thưa chuyện. (6)

Các kinh này có thể đọc đầy đủ qua bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu ở Kinh Tiểu Bộ, Kinh Tập, Chương Năm - Phẩm Con Đường Đến Bờ Bên Kia. (7)

Nơi đây, chúng ta sẽ trích dịch một số lời dạy của Đức Phật trong nhóm kinh này, dựa vào các bản Anh dịch từ Access to Insight.

.

Trong Kinh Sn 5.1, Như Lai trả lời câu hỏi của chàng thanh niên Ajita, cho thấy tỉnh giác (mindfulness) sẽ ngăn chận dòng nước lũ, và rồi dòng nước lũ đó sẽ bị cắt đứt bởi trí tuệ (wisdom). Chỗ nay nên hiểu, tỉnh giác là công cụ để đối trị tham dục, nhưng khi trí tuệ bật sáng thì không cần đối trị gì, vì dòng sông tham dục tự khô cạn. Giới luật được giải thích là phải ly tham dục, giữ tâm trong sạch và vắng lặng, tỉnh giác khéo léo trong mọi trường hợp.

“Như Lai: Bất cứ dòng sông nào trên thế giới, chỉ có tỉnh giác mới ngăn cản và hạn chế chúng, và bằng trí tuệ chúng bị cắt đứt.

“Ajita: Đó là trí tuệ và tỉnh giác. Bây giờ thân và tâm, kính thỉnh Như Lai giải thích: thân tâm tịch diệt thế nào?

“Như Lai: Thân tâm tịch diệt hoàn toàn, bằng cách tịch diệt ý thức.

“Ajita: Kính thỉnh Như Lai giải thích về giới luật (rule of conduct).

“Như Lai: Chớ tham dục, giữ tâm trong sạch và vắng lặng, nhà sư phải tỉnh giác, khéo léo trong mọi hoàn cảnh.”

.

Trong Kinh Sn 5.2, Đức Phật trả lời câu hỏi của chàng thanh niên Tissa-metteyya, đặc biệt nói về tư duy thâm sâu.

“Tissa-metteyya: Ai an lạc trong đời, ai không dao động. Người trí biết gì về 2 phía, và không dính mắc chính giữa? Ngài gọi ai là đại nhân? Ai vượt qua được thêu dệt, tham ái?

“Đức Phật: Người đứng giữa dục lạc, sống được đời thánh hạnh, luôn tỉnh giác, ly tham; nhờ tư duy thâm sâu, nhà sư sẽ giải thoát, sẽ không còn dao động. Người tư duy đó biết cả 2 phía, và không dính mắc chặng giữa. Ta gọi đó là đại nhân. Người đó đã vượt qua được thêu dệt, tham ái.”

.

Câu hỏi rằng, 2 phía là gì, và chặng giữa là gì? Access to Insight có ghi chú rằng, Kinh AN 6.61 kể về cuộc thảo luận của nhiều vị sư trưởng lão về bài thơ trên với ý nghĩa “2 phía” và “chặng giữa.” Có 6 trưởng lão giải thích như sau, ý kiến dị biệt nhau:

- Xúc là phía thứ nhất, cội nguồn của xúc là phía thứ hai, và tịch diệt của xúc là nằm trong chặng giữa.

- Quá khứ là phía thứ nhất, tương lai là phía thứ hai, và hiện tại là chặng giữa.

- Thọ vui là phía thứ nhất, thọ đau đớn là phía thứ hai, và không vui cũng không khổ là chặng giữa.

- Danh (tâm) là phía thứ nhất, sắc (thân) là phía thứ hai, và thức là chặng giữa.

- Nhóm 6 trần (sắc thanh hương vị xúc pháp – tức là: cảnh thấy được, âm thanh nghe được, mùi hương ngửi được, vị nếm được, cảm xúc nhận từ thân, hình ảnh ý nghĩ hiện trong tâm) là phía thứ nhất, nhóm 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) là phía thứ hai, và thức là chặng giữa.

- Tự nhận mình có ngã (self-identity) là phía thứ nhất, cội nguồn của cái tự nhận mình có ngã là phía thứ hai, và tịch diệt cái tự nhận mình có ngã là chặng giữa.

Đó ý kiến khác nhau từ 6 trưởng lão. Khi quý ngài trình với Đức Phật, Đức Phật trả lời rằng tất cả 6 giải thích trên đều là thích nghi, khéo thuyết, nhưng khi Đức Phật đọc bài thơ trả lời chàng thanh niên, chỉ nghĩ tới giải thích đầu tiên.

Tới đây, chúng ta có thể suy nghĩ: với cả 6 giải thích nêu trên, là tất cả những gì chúng ta nhận ra trong cõi này. Như thế, khi Đức Phật dạy, không để vướng hai bên, không để dính mắc chặng giữa… có nghĩa lời dạy rút gọn là: vô sở trụ, không dính mắc vào bất kỳ pháp nào, dù là “quá khứ, hiện tại, vị lai,” dù là căn-trần-thức, dù là thân-tâm-thức, dù là “ngã, phi ngã”…

.

Trong Kinh Sn 5.15, Đức Phật trả lời chàng thanh niên Mogharaja, dạy rằng hãy nhìn thế giới như là rỗng rang, bứng gốc rễ cái nhìn về “tự ngã” và đó là giải thoát.

“Mogharaja: … người tu nên nhìn thế giới như thế nào, để sẽ không bị Thần Chết nhìn thấy?

“Đức Phật: Luôn luôn tỉnh giác nhìn thế giới như là rỗng rang, Mogharaja; bứng gốc cái nhìn về tự-ngã, như thế ngươi sẽ có thể vượt qua cái chết. Nhìn thế giới như thế, người tu sẽ không bị Thần Chết nhìn thấy.”

Nhưng rỗng rang (empty) là gì? Trong bản Anh dịch Kinh Tương Ưng Bộ, nơi trang 1164 trong sách bản in trên giấy "The Connected Discourses of the Buddha: A New Translation of the Samyutta Nikaya," nơi Kinh "Empty is the World," do ngài Bhikkhu Bodhi dịch, Đức Phật giải thích cho ngài Ananda rằng vì sắc, nhãn thức, nhãn xúc (tuần tự với thọ, tưởng, hành, thức) đều "không có ngã và không thuộc về ngã cho nên nó rỗng rang... Do vậy thế giới rỗng rang." Tâm Kinh Bát Nhã có lẽ soạn ra từ kinh này. Tâm Kinh cũng được xem là bản cô đọng của Kim Kim Cang.

Như thế, các lời dạy vừa dẫn trong nhóm kinh trong Phẩm Con Đường Đến Bờ Bên Kia, có thể tóm gọn:

-- Về cách nhìn: hãy thấy khắp thế giới là rỗng rang, vì không hề có gì là ngã hay ngã sở, thực tướng chính là rỗng rang vô tướng. Đây là cốt tủy Bát Nhã Tâm Kinh.

-- Về pháp đối trị: hãy vô sở trụ, không dính mắc tâm vào bất kỳ pháp nào, không dính tâm vào quá-hiện-vị lai, không dính tâm vào căn-trần-thức. Đây là cốt tủy Kinh Kim Cang.

.

ỨNG DỤNG TRONG ĐỜI THƯỜNG

Chúng ta có thể ứng dụng cách nào trong đời thường, trong khi các pháp này diệu dụng mãnh liệt như thế? Trong nhóm Kinh Qua Bờ Bên Kia, ngay khi nghe Đức Phật nói xong, 15 chàng thanh niên đạo sĩ tức khắc đắc quả A La Hán, trong khi chàng thứ 16 đắc quả Bất Lai. Nếu chúng ta lập tức vô sở trụ được, hay nếu lập tức nhìn được thế giới như là rỗng rang vô tướng, là xong, sẽ không còn gì để viết, để nói, để bàn nữa.

Chúng ta đang đứng trên dòng nước lũ của sinh tử, của tham sân si… và trong thế giới phải cạnh tranh để sinh tồn, không thể nào tránh được các phiền não trong thế gian.

Trong khi chư tôn đức tăng ni phải học rất nhiều – như học về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, và thiên kinh vạn quyển – người cư sĩ chúng ta không có nhiều thì giờ, do vậy nên học những pháp ngắn gọn, có thể ứng dụng hiện tiền… sao cho đi đúng hướng và có sự an lạc tức khắc. Nghĩa là, một phút tu, là một phút an lạc. Và trong khi làm việc, giao tiếp ngoài đời… chúng ta tất sẽ gặp những hoàn cảnh bất như ý, nên tu làm sao có thể giữ tâm an trong mọi hoàn cảnh.

Mặc khác, nếu đã từng trải qua thời gian tu với các pháp, chúng ta đều có thể ứng dụng chung với nhóm kinh trong Phẩm Con Đường Đến Bờ Bên Kia.

Nếu bạn đang tu pháp chánh niệm về cái “bây giờ và ở đây,” vẫn nên giữ pháp tu đó, xem pháp tu chỉ như cây gậy đi đường, nhưng đồng thời cần tỉnh giác rằng chớ nên dính mắc vào ngay cả cái “bây giờ và ở đây”, cần vô sở trụ mới thực sự giải thoát… Đi đứng nằm ngồi đều giữ nên tâm như thế.

Nếu bạn đang tu Thiền Lâm Tế, nên ghi nhận là hoàn toàn không có gì mâu thuẫn cả, vì “vô sở trụ” là câu thứ tư trong Tứ Liệu Giản. Câu đầu, "Có khi đoạt nhân không đoạt cảnh" là khi gặp cảnh, luôn luôn phòng hộ tâm mình. Câu thứ nhì, "Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân" là khi gặp cảnh, hãy nhìn tất cả cảnh như thế là như thế thôi (như thị tướng, như thị tánh, như thị thể...) không có tâm nào khác để phan duyên. Câu thứ ba, "Có khi nhân cảnh đều đoạt" là khi gặp cảnh, thấy tâm và cảnh đều tự đặt trong chỗ như thị lặng lẽ. Câu thứ tư, "Có khi nhân cảnh đều không đoạt" là khi gặp cảnh, hoàn toàn vô sở trụ, không có gì để nắm giữ cả, tâm và cảnh đều rỗng rang, không có gì dính mắc. Tự nghiệm hoài trong tâm, bạn sẽ thấy cả 4 câu đều ứng dụng hay vô cùng tận.

Nếu bạn đang tụng Kinh Pháp Hoa, hãy nhớ rằng Kinh Pháp Hoa hay vô cùng tận. Kinh này dạy khai thị ngộ nhập tri kiến Phật. Lục Tổ Huệ Năng dạy ngài Pháp Đạt, “…nói tri kiến Phật là ở nơi tự tâm của ngươi, chẳng phải Phật bên ngoài. Bởi vì tất cả chúng sanh tự che khuất ánh sáng của tự tánh, tham ái cảnh trần, phan duyên bên ngoài, nhiễu loạn bên trong, cam chịu trần lao hành hạ, làm nhọc Ðức Thế Tôn từ chánh định ra, khổ tâm khuyên dạy bằng đủ mọi cách, khiến ngừng nghỉ các duyên, chớ nên hướng ngoại tìm cầu.” (trích Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch của HT Duy Lực, phẩm Cơ Duyên). Cũng là một nghĩa với vô sở trụ.

Nếu bạn chưa tu gì hết, hãy tìm học theo pháp Văn Tư Tu (Nghe và học, Suy nghĩ nghĩa lý, Tu tập), theo các đề tài: tin sâu nhân quả, quy y, thọ giới, tập niệm hơi thở, tập lý luận theo lý nhân duyên (tức nhiên sẽ tin rằng không có gì là tự ngã), vô thường… Khi bạn quy y và thọ giới, là đã theo một vị thầy rồi, nhưng sau đó nên tìm đọc, tìm nghe từ nhiều vị thầy khác. Không nên phân biệt tông phái, hãy nhớ rằng Phật giáo Sơ thời không có chuyện tông phái, và lúc đó lời Đức Phật dạy rất ngắn gọn.

Trong xã hội, không phải nghề nào cũng hợp với chánh mạng. Khi bạn thọ giới, sẽ được vị thầy giải thích. Nhưng dễ sanh tâm phan duyên nhất là ở nghệ thuật sân khấu, nơi nhan sắc và âm thanh dễ làm lay động lòng người. Nếu bạn nhìn cảnh sân khấu trước mắt, hay đang nghe ca sĩ hát, hãy tự suy nghĩ rằng Đức Phật đã dạy là không nên sinh tâm trụ vào tất cả những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm xúc nơi thân, và ý thức… Suy nghĩ như thế, chính lúc đó, bạn thực sự là người vẫn còn đứng trong dòng nước lũ, nhưng đang vững chắc bước dần sang bờ bên kia.

Ngắn gọn, Đức Phật dạy rằng hãy luôn luôn tỉnh giác, hãy nhìn thế giới là rỗng rang không thực tướng, và hãy ưng vô sở trụ. Cốt tủy là như thế. Bây giờ, bạn hãy lắng nghe dịu dàng từng hơi thở của bạn, tuổi thọ chúng ta đang ngắn dần từng hơi thở đó. Bạn hãy lắng nghe dịu dàng từng hơi thở xem, hãy cảm nhận vô thường đang ngấm vào ngay nơi hơi thở đó… Ngay khi bạn tu như thế, tức khắc là an lạc.




GHI CHÚ:

(1) SN 22.79 -- Khajjaniya Sutta. Bản dịch Bhikkhu Thanissaro. "And why do you call it 'consciousness'? Because it cognizes, thus it is called consciousness…” http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn22/sn22.079.than.html

(2) SN 12, bản dịch Bhikkhu Bodhi. “...When consciousness is unestablished and does not come to growth, there is no production of future renewed existence.” https://suttacentral.net/en/sn12.38

(3) Kinh Đại duyên (Mahànidàna sutta) - http://thuvienhoasen.org/a224/15-kinh-dai-duyen-mahanidana-sutta

(4) Kinh Tham Luyến - Upaya Sutta - http://www.phapluan.net/dieuphap/access_to_insight/TUONG_UNGBO/Upaya%20Sutta_SN_22_53.htm

(5) The Parayana Vagga http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/thanissaro/parayanavagga.html

(6) “Velukantaki Nanda having got up in the last watch of the night was reciting loudly the Parayana Vagga…” - http://obo.genaud.net/dhamma-vinaya/mnl/an/07_sevens/an07.050.upal.mnl.htm

(7) Con Đường Đến Bờ Bên Kia - http://thuvienhoasen.org/a1548/chuong-05-tren-duong-den-bo-ben-kia

none

none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1507 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.157.93 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...