Ông Thái Nguyên thưa hỏi rằng: “Chu tử chú giải sách thường
dẫn nhiều lời trong kinh Phật, không biết có những sách nào,
ông ấy dùng từ ngữ nào của Phật để chú giải?”
Thiền sư Không Cốc đáp: “Những từ ngữ của đạo Phật mà Hối Am
thường dùng như là “hư linh bất muội”, “bất khả hạn lượng”,
“tự thị nhi phi”. Trong sách Đại học bổ khuyết thì dùng
những câu như là “thủy ngôn nhất lý, trung tán vi vạn sự,
mạt phục hiệp vi nhất lý”, hoặc nói “chân thật vô vọng, chân
thật chi lý”, hoặc nói “hữu thị lý nhi phục hữu thị sự”,
hoặc nói “thiên địa chi lý, chí thật vô vọng”, hoặc nói
“thánh nhân chi tâm chí thật vô vọng”, hoặc nói “năng tri
giác, sở tri giác”, hoặc nói “thiên thánh tương truyền tâm
pháp”, hoặc nói “thoát nhiên hữu ngộ xứ, hựu phi kiến văn tư
lự chi khả cập dã”, hoặc nói “vật ngã nhất lý, cố hữu chi
tánh, tâm chi thể dụng”, hoặc nói “ngô tâm chánh, nhi thiên
địa chi tâm diệc chánh”, hoặc nói “vạn vật chi bổn nguyên,
nhất tâm chi diệu dụng” hoặc nói “hoạt bát bát địa, triệt
đầu triệt vĩ tố công phu”, hoặc nói “đáo giá lý”, “giảo thái
căn”, “vô phùng tháp”. Hoặc dùng ba câu để phá trừ bệnh chấp
trước là: “một đao chặt đứt làm đôi”, “đánh một gậy để lại
một lằn” và “một cái tát in dấu bàn tay máu”.
“Khi chú giải quẻ phục, Hối Am dẫn lời trong kinh Lăng
Nghiêm làm chứng cứ rằng: Không chỉ là năm có sự biến đổi,
mà tháng cũng có biến đổi.
“Những sách mà Hối Am chú giải, chỉ riêng có một quyển Mao
thi là do sức học của ông làm thành mà thôi, ít dùng đến
Phật pháp. Ngoài ra, trong sự chú giải các sách Tứ thư cũng
như trước tác, Hối Am đều dùng đến Phật pháp. Ông dùng rất
nhiều lời trong kinh Phật và các Thiền ngữ, chỉ thay đổi
hình thức, biến đổi câu văn, nhưng vẫn giữ lấy ý tứ. Cách
dùng như vậy phổ biến trong khắp các sách của ông. Hối Am đã
sử dụng những từ ngữ trong đạo Phật như vậy, lại sợ các ông
Chu tử và Trình tử làm sáng rõ lời Phật, thật chẳng biết
lòng dạ của ông ta như thế nào?
“Hối Am trước theo học với Lý tiên sanh ở Diên Bình. Sau
giận vì học lâu mà không có chỗ sáng rõ, lại tìm hỏi các bậc
trưởng thượng, ai nấy đều hướng về Thiền học. Do đó ông mới
tìm học khắp các bậc tiền bối trong nhà Thiền. Ông có cùng
với Lữ Đông Lai và Trương Nam Hiên đến hỏi đạo nơi ngài
thiền sư Đại Huệ.
“Năm 18 tuổi, Hối Am cùng với Lưu Bình Sơn dạo chơi. Bình
Sơn có ý cho rằng Hối Am lưu tâm về đường khoa cử, bèn lục
tìm trong rương của Hối Am, nhưng chỉ thấy có một bộ ngữ lục
của thiền sư Đại Huệ mà thôi. Qua năm sau, Hối Am thi đỗ.
“Hối Am gửi thư cho thiền sư Khiêm ở chùa Khai Thiện nói
rằng: ‘Chu Hy này nhờ ơn thiền sư Đại Huệ chỉ bày cho câu
thoại đầu tánh Phật của con chó, nhưng chưa có chỗ ngộ nhập.
Xin ngài ban cho một lời để gợi mở chỗ mà Chu Hy chưa hiểu
được.’ Thiền sư Khiêm viết thư đáp rằng: ‘Cứ nắm chặt lấy
một niệm nêu lên cái thoại đầu con chó ấy, không cần so đo
tính toán, mạnh mẽ xông về phía trước, một đao chặt đứt làm
đôi.’ Hối Am xem thư có chỗ thức tỉnh.
“Hối Am tụng kinh Phật nơi mái hiên chùa Trúc Lâm, có làm
bài thơ rằng:
Nghiêm cẩn sống riêng, lòng rỗng không,
Lần dở Phật kinh, lướt đôi dòng.
Bụi trần tạm phủi trong thoáng chốc,
Vượt lên cùng Đạo bỗng tương thông.
Cửa chùa khép lại chiều buông tối,
Núi vắng mưa xong tiếng chim rền.
Pháp vô vi ấy vừa thấu suốt,
Thân tâm cùng tĩnh lặng như như.
“Hối Am có thư nói với thiền sư Quốc Thanh rằng: ‘Khi nào
thơ của Hàn Sơn Tử khắc xong, xin thầy sớm gửi cho tôi.’
“Hối Am lại có gửi cho một vị tăng ẩn cư trên núi bài thơ
rằng:
Mái thiền thanh thản mấy thanh ngang,
Nước trong êm chảy trước lan can.
Đệm cỏ, ghế tre, ngồi suốt sáng,
Quét đất, xông hương, ngày ngủ càn.
Đất hẹp không đón người khách lớn,
Nhà trống sao trời chẳng rải hoa?
Trong ấy có lời không ai biết,
Đâu phải chuyện thiền khắp muôn phương?
“Các ông Lục Văn An, Công Cửu Uyên đều đã cùng tranh luận
với Hối Am về thuyết Thái cực đồ, đều biết chỗ học thiền của
Hối Am, nên nói rằng Hối Am có chỗ chứng ngộ thì người đời
đều chê cười việc ấy.
“Có người hỏi: ‘Hiện nay kẻ sĩ đều lần hồi bỏ đạo Nho vào cả
trong nhà Thiền, việc ấy thế nào?’
“Hối Am đáp: ‘Những người ấy thấy biết hơn ông đó. Bình sanh
ông đọc biết bao nhiêu sách vở, học thuộc bao nhiêu áng văn
chương, chỉ là để mưu cầu được công danh lợi lộc mà thôi.
Đến chỗ thiết yếu nhất trong đời thì những việc ấy đều chẳng
cậy nhờ được gì cả. Vì thế nên bị những người kia vượt qua
cả rồi.
“Vương Giới Phủ bình sanh học rộng đạo lý, đến khi được tỏ
ngộ rồi thì biến nhà mình thành cảnh chùa. Cũng trong đời
Tống này, hãy xem các ông Lý Văn Tĩnh Công, Vương Văn Chánh
Công, Lưu Nguyên Thành, Lữ Thân Công... là người như thế nào
mà đều theo vào Thiền học cả?
“Những điều Phật dạy về Sáu căn, Sáu trần, Sáu thức, Bốn
đại, Mười hai duyên sanh... đều hết sức tinh vi mầu nhiệm,
nên người theo đạo Nho nói rằng Đức Khổng tử không thể theo
kịp. Mười hai duyên sanh được giảng rõ trong bộ Hoa nghiêm
hiệp luận. Phật dạy căn bản là phải buông bỏ hết muôn việc
nơi thế gian, sau lại dạy rằng chỗ chân thật nhất là không
hề vướng một mảy may bụi trần, nhưng đối với muôn việc diễn
ra trước mắt không bỏ qua việc nào! Tổ Đạt-ma phá sạch mọi
khuôn mẫu cứng nhắc, khởi xướng Thiền học, so với cái học
ngữ nghĩa rất khác xa, thật cao siêu mầu nhiệm.
“Đại ý kinh Kim cang chỉ ở nơi hai câu hỏi của ông Tu-bồ-đề:
Nên trụ tâm vào đâu? Làm thế nào để hàng phục tâm? Vậy nên
Phật dạy rằng: Không nên trụ nơi pháp mà sanh tâm. Không nên
trụ vào sắc mà sanh tâm...
“Thiền tông có lời rằng:
Có vật sanh trước trời đất,
Không hình tướng, vốn lặng yên;
Chi phối khắp thảy hiện tượng,
Chẳng theo bốn mùa tàn suy.
Đánh rụng không là vật khác
Dọc ngang chẳng phải bụi trần;
Khắp cả núi sông, cõi đất,
Hiện bày toàn thân Pháp vương.
“Nếu ai nhận biết được tâm thì khắp cõi đất này cũng chẳng
có lấy một tấc đất. Hãy xem kiến thức của người ta là thế
nào, nay cứ bo bo giữ lấy kiến thức của hạng tiểu nho thì
làm sao ra khỏi tay người, tránh sao khỏi bị người đánh
ngã?’
Hối Am đã học biết rộng về Phật học như vậy, nhưng lại dạy
người từ bỏ Phật học, thật chẳng biết tâm ý của ông ấy là
thế nào?”
(Trước đây có nói rằng Hối Am tự mình sử dụng từ ngữ của đạo
Phật, nhưng lại sợ các ông Chu tử và Trình tử giảng rõ lời
Phật; tự mình học rộng về đạo Phật, nhưng lại dạy người ta
từ bỏ Phật học. Hai điểm này đều làm lộ rõ chỗ tâm bệnh của
Hối Am.)
Thiền sư Không Cốc lại nói với Vương Trung rằng: “Nếu ông có
thể thâm nhập hòa hợp, quán chiếu thấu suốt, thấy được một
cách toàn diện, thì mới biết rằng các ông Chu, Trình,
Trương, Tạ, Du, Dương và Hối Am thảy đều làm như vậy. Trong
khi viết sách, đặt câu, những chỗ thuyết dạy đạo lý thì mỗi
việc đều lấy ý tứ trong kinh Phật, lời Thiền. Há chẳng nghe
Trung Túc Công có nói rằng: ‘Học thuyết tánh lý do thầy Đông
Lâm truyền cho Liêm Khê, những lời dạy ấy đều thấy có trong
khắp các kinh Phật.’
“Gần đây, thảng hoặc có đôi kẻ chỉ vào Thiền ngữ mà nói
rằng: ‘Chương sách này sao giống với lời lẽ của Tống nho!
Những câu này cũng giống với văn chương Tống nho!’
“Than ôi! Họ chưa từng biết rằng ngôn ngữ của Tống nho đều
từ nơi Thiền tông mà ra vậy!”
Thái Nguyên thưa rằng: “Những lời thầy vừa nói đó đều lấy từ
sách Nho, nên chẳng phải theo ý riêng, mà quả thật là công
bằng. Vả lại, những người đời bài bác đạo Phật, có thể là do
sức học chưa được sâu rộng hay chăng? Có thể là do lý lẽ
chưa được thông suốt hay chăng? Có thể là do công phu học
Phật chẳng đến nơi đến chốn nên trở lại bài bác hay chăng?
Có thể là do sự dụng tâm như Kỷ Xương ngày xưa hay chăng?
Cũng có thể là do trói buộc nơi tâm lượng hẹp hòi, không thể
giáo hóa làm cho lớn rộng, thông suốt được hay chăng?”
Thiền sư Không Cốc nói: “Than ôi! Với người tầm thường còn
chẳng dám coi khinh, huống chi lại chỉ vì muốn chuốc lấy
chút hư danh mà cố tình thiên lệch để bài bác nền Đại pháp
cứu độ nhân sanh của bậc Đại thánh nhân trong Ba cõi? Tôi
thật lấy làm lo lắng cho những kẻ bài bác kia phải suy tổn
âm đức cho đến mức cùng cực vậy.