Bài tựa sách Đại Đường Tây Vực KýThiết nghĩ: Trong khoảng trời đất rộng vô cùng, mỗi nơi đều có sự hiểu biết khác nhau, nên chương Đàm thiên không xét được đến chỗ cùng cực, mà sách Quát địa sao có thể nêu rõ chỗ khởi nguyên? Do vậy nên biết rằng, làm sao có thể nói rõ được về những nơi sách vở chưa ghi chép đủ, sự giáo hóa của triều đình chưa truyền đến?
Được biết về nước Thiên Trúc vốn lập quốc đã lâu, các bậc thánh hiền nhiều phen giáo hóa, điều nhân nghĩa quen thành tập tục. Nhưng các thời đại trước đây chưa từng biết đến, vì biên giới chia cách với Trung Hoa. Trong chương Sơn kinh chẳng thấy ghi, mà chương Vương hội cũng không hề chép. Bác Vọng mở đường, phí công vẫn mơ màng dấu trúc. Đường Côn Minh bí lối, lầm uổng sức đào hồ Thần Trì. Vậy nên điềm lành sao sáng hiện rõ ràng, mà đạo diệu huyền ngăn trở ngàn năm không đến, mộng thấy tượng vàng hào quang tỏa sáng, mà chánh đạo quang minh còn xa xôi vạn dặm.
Phải đến khi Sái Âm cầu đạo, Ma-đằng được thỉnh về Lạc Dương. Kinh điển cất giữ trong thạch thất, chưa có những uyên áo chốn Long Cung. Hình tượng vẽ ở Lương Đài, sao tả hết nét thiêng trên đỉnh Thứu?
Rồi từ đó về sau, thời thế chính sự nhiều lo âu, bọn hoạn quan tiếm quyền, làm tan vỡ thế vững vàng của Đông Kinh. Mẫu hậu chuyên quyền, triều đình chia rẽ tan nát. Chính sự lụi tàn nơi Hàm, Lạc. Lửa đồn canh rực cháy nơi quan ải, bốn phương thành lũy cách ngăn, huống chi xứ [Thiên Trúc] ấy lại quá xa xôi.
Thế nhưng hiếm hoi vẫn có ít người, vì mưu lợi lớn nên tìm đến đó. Tuy họ cũng có ghi chép lại, nhưng thật không đủ để hiểu hết về xứ này. Họ chỉ uổng công thu thập chuyện thần dị, không tìm cầu lẽ chân thật nhất như.
Cho đến đời Tùy, thống nhất thiên hạ, chấn chỉnh khôi phục biên cương, nhưng cũng chỉ xa trông biển tây, ngóng nhìn Đông Lạc mà không qua được. Biết rằng đã có nhiều người giương cờ ra khỏi cửa Ngọc Môn, nhưng chẳng nghe nói có ai từng vượt qua Thông Lĩnh. Nói chi đến việc rong ruổi qua Tuyết sơn, đến được Long Trì dừng nghỉ trong chốc lát? Chỉ vì đức độ [nhà Tùy] không phủ khắp, uy phong cũng chẳng đến nơi xa.
Đại Đường ta từ khi được thiên hạ, mở mang bờ cõi, dựng lập đế đồ, quét sạch nhiễu nhương, sáng ngời vận nước. Công nghiệp ấy sánh ngang tạo hóa, sáng soi như mặt trời. Người người tái sanh, như vừa thoát loài lang sói; nhà nhà yên ổn, khác nào hoàn hồn khỏi nạn quỷ yêu. Dân tứ xứ về sống ở Cảo Nhai, đất xa xôi gồm thâu trong triều nội. Gộp mười châu thành vườn cảnh, gom biển lớn như ao nhà. Ngũ Đế so ra vẫn kém, Thượng hoàng chưa đủ sánh cùng.
Pháp sư [Huyền Trang] từ thuở bé đã thấm nhuần pháp Phật, hận chưa đến được Kỳ viên. Ôm lòng noi theo vết xưa, tâm luôn hướng về Lộc uyển. Phất áo ra đi hướng về đất tịnh, vốn thật lòng khát ngưỡng từ lâu. Gặp thuần phong dừng gót phương tây, đợi tiết lành quay về cố quốc.
Năm Trinh Quán thứ ba (629), [Ngài] chống tích trượng lên đường. Tập tục nhiều nơi sai khác, nhờ tiên linh giúp sức vượt qua, hiểm nguy đối mặt trùng trùng, nguy lại thành an. Đường xa xôi bao nỗi hãi hùng, nương thần lực một lòng tiến bước, bao phen tưởng chết rồi lại sống. Nóng lạnh thất thường, dần dần qua khỏi.
Đi tìm chân tướng, phải thấy được giữa khoảng có-không. Rộng khảo tinh vi, cần nghe thấu bến bờ sinh-diệt. Biển tánh mênh mông, xóa sạch nghi nan; bến mê mờ mịt, mở bày diệu giác. Cho nên, [Pháp sư] thâu tóm muôn kinh, chẳng một lời nào không thấu suốt, viếng thăm Thánh tích, không chỗ nào không xem kỹ. Trải bao năm ngài đi qua khắp chốn, rồi mới quay về.
Tháng Giêng niên hiệu [Trinh Quán] thứ 19 (645), ngài về đến Trường An. Kinh, luận mang về được 657 bộ, liền có chiếu chỉ thỉnh ngài phiên dịch.
Đích thân ngài [Huyền Trang] đã đi qua 110 nước, lại nghe biết thêm về 28 nước. Có những nước trước đây từng được ghi chép trong sách cổ, lại có những nước lần đầu tiên mới biết đến tên. Tất cả đều thấm nhuần hòa khí và ân trạch [của Pháp sư], dập đầu cúi lạy, quy thuận [triều đình]; mong ơn sửa trị, vượt núi cao đưa tiễn. Kẻ vỗ tay mừng vui nơi cửa khuyết, người nhận quan phục họp lại thành đoàn.
[Khi nói về những nước này], sản vật, phong thổ khác nhau, tập tục, núi sông chẳng giống, nên việc xa thì khảo xét ở điển lệ quốc gia, việc gần ắt phải hỏi rõ nơi những bậc kỳ lão. Bao nhiêu đất nước xa xôi kỳ lạ mà đều như ở ngay trước mắt. Chẳng cần nhọc công khắc bản, nay đã viết rõ ràng trên lụa trắng, đặt tên là “Đại Đường Tây Vực Ký”, trọn bộ 12 quyển.
Thiết tưởng sách này, ghi lời chép việc đều đã tinh tường, đôi câu thô thiển chỉ là mong thêm vào cho trọn đủ.
Bí Thư Trước Tác Tá Lang là Kính Bá viết lời tựa này.