Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Khoảng trống cuối đời »»

Tùy bút
»» Khoảng trống cuối đời

Donate

(Lượt xem: 7.215)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Khoảng trống cuối đời

Font chữ:

Một nén hương cho những người mẹ bất hạnh mà tôi quen biết.


Vài hàng phi lộ

Bất cứ người Việt Nam nào đã trưởng thành và sống qua thời kỳ từ năm 1975 đến nay đều chứng kiến biết bao nhiêu hiện tượng buồn đau, xuống dốc đạo đức trong gia đình, tập thể người Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Những cảnh anh em chém giết, thưa kiện nhau vì tranh dành tài sản, đất đai; bỏ bê, đày đoạ, bất hiếu với cha mẹ khi về già. Vợ chồng tan vỡ chỉ vì tham bạc bỏ tình, bạn bè thì lừa đảo, đổi trắng thay đen không trừ thủ đoạn nào để dành quyền lợi cho mình, như một kẻ ăn cướp..v..v.. Riêng cá nhân tôi, sau hơn 45 năm sống và làm việc tại hải ngoại, đã có biết bao nhiêu dịp du hành vui chơi, thăm viếng người thân quen hay công tác tại nhiều quốc gia trên thế giới, đã chứng kiến bao nhiêu chuyện đau buồn trong tập thể người Việt Nam tại những nơi chốn đi qua mà ngẩn ngơ vì nó ra ngoài sự tưởng tượng của mình. Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao con người Việt Nam chúng ta đã đổi thay đến mức kinh hoàng như vậy.

Mà cũng rất lạ lùng, nơi mà tôi chứng kiến những cảnh buồn đau đó lại phần lớn xảy ra các các quốc gia giàu có, thịnh vượng tại Âu châu, Bắc Mỹ, những nơi mà tôi tưởng rằng với cuộc sống cao sang, luật lệ đàng hoàng con người ta sẽ ý thức, lòng ngay thẳng và trong sáng tâm hồn hơn. Nhưng tôi đã lầm, sự ngay ngắn, đàng hoàng, đạo đức không phải chỉ sinh ra từ những nơi vật chất dư dả, luật lệ khắt khe ... Mà đôi khi còn ngược lại, trong những xã hội văn minh, tân tiến đó con người ta tinh khôn hơn, lòn lách cao cấp hơn trong lừa đảo nữa là khác. Nhờ văn minh, kiến thức, người ta biết tính toán, biết xếp đặt sao cho hợp với luật pháp để lừa đảo mà nạn nhân chỉ còn biết khóc than, chịu thiệt. Hãy ngoái nhìn lại Việt Nam ngày xưa lúc còn đối diện với khó khăn, nghèo túng thì cha mẹ, anh em vợ chồng, cha mẹ hoà thuận, thương yêu nhau, chia cho nhau từng nắm cơm, con cá ... Nhưng ngày nay vật chất thừa mứa, nhà cao cửa rộng thì coi nhau như kẻ thù, sẵn sàng làm những chuyện vô luân, bất đạo để chiếm đoạt hay kéo nhau ra toà với mọi thủ thuật miễn là giành được mối lợi về mình ..v..v..

Sinh ra, trưởng thành trong tao loạn, có thể nói tôi đã nếm đủ những mùi vị, đắng cay, chua ngọt của nhân sinh, nhưng đã bao lần ngẩn ngơ, ngao ngán thở dài khi phải chứng kiến biết bao nhiêu những cảnh tượng không vui trong tập thể người Việt Nam của chúng ta mà buồn bã. Hôm nay, trong cái không gian vắng vẻ, buồn chán, tôi đã để cho ký ức mình lang thang về một hoàn cảnh rất buồn của một bà mẹ gốc Tây học. Một gia đình quý phái ngày xưa tôi đã quen biết để viết ra câu truyện xót đau của đời bà, như môt nén hương dành cho bà và cũng để tưởng nhớ đến một vài bà mẹ khác mà tôi cũng rất thân thiết, mang ơn họ với những bữa cơm hay những bát bún, tô canh... họ đã cho tôi vào những năm tháng nghèo đói của đời tôi khi còn đi học tại Viêt Nam. Những bà mẹ ân tình của tôi ở trong nước cũng như hải ngoại, họ cũng đã vướng vào một dạng thức khổ đau nào đó trước khi vĩnh viễn rời xa trần thế.

Tôi đã dùng kỹ thuật văn chương để chuyển đổi tí chút về thời gian, về địa phương và cả về nhân vật trong câu truyện để tránh đi những tác động không tốt cho sự giao tế của tôi với những người thân của bà. Nhưng cứu cánh mà tôi muốn đem vào câu truyện vẫn là những tiếng thở dài, thương xót như một nén hương lòng với mồi lửa tâm hồn, lòng biết ơn mà tôi muốn dành cho những bà mẹ bất hạnh, những bà mẹ mà tôi đã từng quen biết, mang ơn họ trong quá khứ xa xưa, thời mà tôi còn là một học sinh, sinh viên trong tình trạng đói nghèo.

(Lưu An, Vũ Ngọc Ruẩn)

&

Vào truyện

Qua người bạn thân cùng lớp, tôi quen với gia đình bác Chấn, một gia đình gốc Tây học, giàu có và thế lực của miền Nam trước năm 1975. Bác có hai người con, một trai, anh Quang hơn tôi 3 tuổi. Một gái, chị Yến hơn tôi 1 tuổi. Hai người con của bác đều theo học chương trình Tây. Sự quen biết của tôi với gia đình bác rất sơ sài, không bước xa hơn những lời chào hỏi xã giao thông thường hay vài câu hỏi tò mò về thân thế tôi trong những lần tôi theo người bạn đến nhà bác chơi.

Sau này tôi được biết hai người con của bác Chấn đã đi du học tại Thụy Sĩ ngay sau khi tốt nghiệp bậc trung học Pháp. Còn tôi không có điều kiện nên học đại học trong nước. Năm 1971 tôi tốt nghiệp rồi xuống Cần thơ dạy học. Từ ngày lên đại học rồi đi làm tôi không có dịp nào đến chơi nhà bác Chấn nữa. Đầu năm 1974 trước khi nhận học bổng di du học ở Nhật bản, tôi được người bạn cho biết bác Chấn trai đã bị mất vì ung thư. Bác gái vẫn sống với vài người cháu họ xa ở căn khá nhà lớn, sang trọng ngày xưa ở đường Ngô Tùng Châu.

Rồi với bao nhiêu đưa đẩy của thời cuộc, cuối năm 1979 tôi rời bỏ Nhật Bản vì tìm được việc làm đúng với chuyên môn ở thành phố Zürich, vùng nói tiếng Đức ở miền bắc Thụy Sĩ. Sang Thụy Sĩ được khoảng một năm tôi lập gia đình với người bạn gái người Nhật mà tôi đã quen biết nhiều năm trong thời du học tại đó.

Một lần vào năm 1983 gia đình tôi xuống Genève thăm người bạn, ngẫu nhiên tôi gặp được chị Yến, cô con gái của bác Chấn. Chị cho biết chị và anh Quang đã tốt nghiệp xong đại học Genève từ lâu, cả hai đang đi làm, vẫn sống ở Genève, nhưng kẻ ở đầu tỉnh, người ở cuối tỉnh, lại bận rộn với công việc làm cho nên cũng rất ít gặp nhau. Chị cũng cho biết cả hai vẫn chưa lập gia đình nhưng sống chung với người yêu đều là người Thụy Sĩ. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì cả hai đều đã xấp xỉ 40 tuổi mà vẫn độc thân, nhưng không dám thắc mắc vì có lẽ lối sống Tây phương là thế.

Trong lần gặp nhau đó, tôi cho chị địa chỉ, số điện thoại của gia đình, ân cần mời chị và anh Quang đến chơi, coi như tìm được người bạn xa xưa nơi xứ lạ quê người. Nhưng tôi có cảm tưởng chị không có vẻ hồ hởi với lời mời vồn vã, chân thành của tôi lắm. Vô tình hay cố ý, chị cũng không cho tôi biết địa chỉ! Tuy nhiên tôi cũng chẳng bận lòng vì nghĩ họ đã sống với nền văn hóa Tây Phương từ ngày bé, sự lạnh lùng, cách biệt với những người không cần thiết là lẽ tự nhiên như thế mà thôi.

Chỉ có vậy, lần gặp nhau như thoáng qua, được quên đi dễ dàng. Bất thình lình, khoảng gần 2 năm sau ngày chúng tôi gặp chị, tôi nhận được điện thoại của chị cho biết bác Chấn gái đã được anh em chị bảo lãnh sang đoàn tụ, hiện đang sống với chị ở Genève đã được khoảng một tháng rồi. Chị có nói với bác Chấn về gia đình chúng tôi, bác mong muốn mời gia đình tôi đến chơi để tâm sự. Đặc biệt trong cuộc điện thoại này chị rất thân thiện, thân thiện đến nỗi tôi có cảm tưởng chị năn nỉ chúng tôi đến chơi với mẹ chị, giúp bà vui mà quên đi nỗi nhớ quê hương khi chưa quen biết ai ở Genève.

Ngay sáng sớm thứ bảy cuối tuần, vợ chồng tôi lái xe xuống Genève đến tạm trú nhà một người bạn cũng ở trong Genève, nghỉ ngơi một lúc, khoảng 2 giờ chiều chúng tôi mới đến nhà chị Yến thăm bác Chấn. Trong lần gặp gỡ này có cả anh Quang cùng với hai người Thụy Sĩ là bạn trai và bạn gái của chị Yến và anh Quang.

Ngay khi bước vào nhà, sau vài câu chào hỏi thông thường, vợ chồng tôi đã nhận thấy ngay bầu không khí nặng nề giữa bác Chấn với hai người con của bác cùng với 2 người bạn của họ. Bác Chấn hoàn toàn bị tách xa trong cuộc sinh hoạt của hai người con và bạn của họ, dù ngôn ngữ Pháp với bác không thành vấn đề. Sau vài câu xã giao bình thường, nói chuyện vu vơ với chúng tôi, nhóm con của bác Chấn cũng tự tách rời. Họ nói chuyện, cười đùa, âu yếm nhau trước mặt chúng tôi, chẳng có tí ngại ngần rồi dẫn nhau vào phòng bên cạnh đùa giỡn trong âm thanh của âm nhạc khá ồn ào.

Bác Chấn có vẻ ngượng ngùng, nhưng chúng tôi cố làm ra vẻ không để ý, coi như chuyện bình thường của giới trẻ Tây phương. Chúng tôi cũng ân cần mời bác lên nhà chúng tôi chơi bất cứ lúc nào, bác có thể ở với chúng tôi hàng tháng cũng chẳng sao vì nhà khá rộng lại có vườn riêng nên rất thoải mái. Bác tỏ vẻ rất cảm động với nhiệt tình của chúng tôi, lại càng thích hơn khi thấy vợ tôi cầm chiếc áo len mà bác đang đan nửa chừng, tò mò xem ra chiều hiểu biết và đồng sở thích thêu thùa. Lúc sửa soạn ra về, vợ chồng tôi có ý gặp hai người con để chào từ giã, đưa mắt nhìn chúng tôi với tí ngần ngừ, trong vẻ ngượng ngùng bác nói:

- Thôi, các cháu cứ về đi, bác sẽ nói với chúng nó sau.

Thông hiểu sự khó nói của bác, chúng tôi thân thiết quàng tay ôm bác trước khi chia tay bác ra về.

&

Sáng hôm sau, ngày chủ nhật, sau khi ăn sáng với gia đình người bạn xong chúng tôi từ giã để về lại Zürich. Tôi định lái xe đi một vài vòng thành phố Genève trước khi về lại Zürich. Đang lúc chạy xe tôi thoáng thấy bác Chấn ngồi ở chiếc ghế của một trạm xe bus. Dừng xe vào lề đường tôi chạy vội đến nói với bác:

- Bác Chấn, bác đi đâu vậy? Bác lên xe cháu chở đi.

Bác giật mình khi nhìn thấy tôi, nhưng ngay lúc đó cảm giác ngượng ngùng buồn bã hiện rõ trên khuôn mặt, ánh mắt của bác. Chẳng đợi cho bác trả lời tôi nói tiếp:

- Cháu đang định chạy lòng vòng xem thành phố đây, bác đừng ngại gì cả, cứ lên cháu chở đi mà.

Nói xong tôi cầm tay, kéo bác về hướng chiếc xe, nơi đó vợ tôi đang mở cửa xe chờ đợi. Ngần ngừ tí chút, nhìn tôi như gửi gấm nỗi buồn kín đáo, bác nói như muốn khóc:

- Bác có muốn đi đâu đâu! Ở nhà buồn và cô đơn quá cháu ạ, chịu không được, ngày nào bác cũng ra ngồi ở các trạm xe bus, xe điện để nhìn người ta lên xe, xuống xe cho đỡ buồn đó mà thôi!

Tôi ngẩn ngơ, nhìn bác trân trối, câu trả lời của bác xót đau quá! Tôi cảm nhận người đàn bà xấp xỉ tuổi 70 đang đứng tước mặt tôi có rất nhiều tâm sự buồn đau khó nói. Hình ảnh cuộc gặp mặt chiều hôm qua ở nhà cô Yến, con gái bác lại hiện ra, trở về trong ký ức tôi! Tôi thoáng hiểu một phần nào nỗi buồn, cô đơn của bác. Nhân dịp gặp lại trong ngẫu nhiên này tôi muốn được nghe bác tâm sự, biết đâu tôi có thể tìm được điều gì đó giúp bác giảm được nỗi buồn mà bác đang chất chứa trong lòng? Nghĩ như vậy, tôi thân thiện khoác tay lên vai bác, khẩn khoản nói:

- Bác lên xe với cháu, chúng ta tìm một quán nước nào đó nói chuyện, bác đừng ngại gì cả, ngày hôm qua cháu muốn nói chuyện với bác nhiều mà chưa hết.

Hình như sự nhiệt tình của tôi, cũng có lẽ vì quá buồn, bác im lặng đi theo tôi lên xe. Sau một lúc chạy lung tung, chúng tôi vào một quán nước bên ngoài hành lang của một khách sạn trên đại lộ Quai du Mont Blanc, bên kia đường là hồ Lehmann. Bầu trời trong xanh, ánh sáng ban mai chiếu rọi lên mặt hồ nhấp nhô tạo ra những dải sáng lấp lánh tuyệt đẹp của một buổi sáng nắng tốt. Bác Chấn đã khóc gần như suốt thời gian ngồi kể cho tôi nghe về lý do của bác khi lựa chọn rời xa Việt Nam, sang Thụy Sĩ định cư. Một lựa chọn mà bác nghĩ rằng đã sai lầm, đang làm cho bác buồn đau vì cô đơn.

Bác cho biết, với lời khuyên nhủ rất hợp lý, chân tình của hai con. Bác đã bán căn nhà của mình ở trong nước, gom vào với tất cả nữ trang, tiền bạc mà bác đã dành dụm từ khi mới kết hôn để giúp hai con, mua cho mỗi người một căn hộ ở Genève. Căn hộ mà chúng tôi đến thăm hôm qua là của Yến. Một căn khác cho Quang, đến nay dù đã hơn một tháng ở Thụy Sĩ nhưng bác vẫn chưa có dịp đến xem nó to nhỏ, xấu đẹp ra sao.

Trước khi rời bỏ quê hương sang Thụy Sĩ, bác nghĩ rằng, tuổi đã già, bệnh hoạn, sống chết không biết lúc nào, vì vậy nếu được sống với chính con của mình là một điều rất hợp lý, vẫn hơn sống với những đứa cháu họ ở Việt Nam. Đã thế với khả năng thông thạo tiếng Pháp của bác, có lẽ chẳng khó khăn trong việc giao tế với người địa phương, ngoài ra với sở thích đọc sách báo, thêu thùa cũng sẽ giúp bác che lấp được những lúc nhà rỗi, cô đơn khi các con đi làm. Với ý nghĩ lạc quan như vậy bác đã chờ đợi từng ngày cho việc ra đi đoàn tụ với hai con. Nhưng khi đến Thụy Sĩ, chỉ sau một tuần lễ đầu tiên bác đã nhận thấy mình sai lầm, cái sai lầm ra ngoài tưởng tượng, tính toán của bác. Dù thích đọc sách, thích thêu thùa nhưng bác chẳng có được hứng thú mà làm được như mong muốn!

Bác được Yến, người con gái mà bác thương yêu nhất đón về sống chung. Mấy ngày đầu tiên Yến nghỉ làm việc, dẫn bác đi lo giấy tờ hành chánh, bảo hiểm sức khỏe đồng thời chỉ dẫn bác cách mua vé, xử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, xe tram của thành phố. Yến cũng không quên hướng dẫn bác sử dụng các máy móc trong nhà như máy giặt, máy sưởi cùng với những việc làm trong tập thể chung cư.

Mấy ngày đầu tiên còn bận rộn với những học hỏi, làm quen với cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người, bác không có thời gian để cảm thấy cô đơn. Nhưng chỉ một tuần sau, mọi hoạt động đã được đưa vào thứ tự và đều đặn. Buổi sáng Yến vội vàng đi làm, chiều tối về nhà, mệt mỏi cô ta chẳng có thì giờ và hứng thú để nói chuyện với bác ngoài vài câu hỏi sức khỏe vu vơ. Đã thế Yến thường về với người bạn trai, họ lại quây quần với nhau trong phòng riêng, chẳng thèm để ý đến bác. Bác sống im lìm như một chiếc bóng thừa thãi trong căn hộ.

Mấy ngày đầu tiên, có lẽ vì món ăn lạ hay nể nang công lao nấu nướng của bác, Yến và người bạn trai còn về nhà ăn cơm tối. Nhưng chỉ được vài ngày, họ chẳng còn thú vị với món ăn của bác nữa, Yến nói với bác đừng nấu cơm cho họ, họ tự lo được. Từ đó Yến và bạn trai thường ăn cơm ở đâu đó trước khi về nhà khá muộn. Thỉnh thoảng Yến mua đồ ăn nguội, rượu bia mang về bày ra bàn, ăn uống với bạn trai, nói chuyện cho đến khuya rồi chẳng thèm thu dọn…. Sáng hôm sau khi thức dậy, nhìn thấy đống bát đĩa bác lại phải lau chùi, thu dọn… Không nói ra nhưng bác Chấn đã có cảm tưởng mình là người hầu hạ trong nhà, không còn là người mẹ được con đón sang để phụng dưỡng nữa. Còn Quang thỉnh thoảng cùng cô bạn gái đến chơi, nói chuyện vu vơ với bác rồi quây quần ăn uống với Yến và bạn trai một vài giờ đồng hồ rồi ra về và cuối cùng việc thu dọn lại cũng là bác!

Đôi lần thấy bác buồn, than van cô đơn không bạn bè… Yến khuyên bác hãy làm theo lối giải trí, tìm vui của người Thụy Sĩ khi về già, không có việc gì làm, để tránh thời gian rảnh rỗi, cô đơn họ mua vé tháng của thành phố cho xe bus, xe tram… Rồi sáng đi, tối về, ngày ngày dùng phương tiện giao thông đi từ phố này, sang phố kia ngắm nhìn người ta buôn bán ở các siêu thị. Buổi trưa hay lúc mệt mỏi thì tạt vào những nhà ăn bình dân rẻ tiền trong các siêu thị uống cà phê hay ăn trưa.

Nghe lời đề nghị của cô con gái, bác hình dung khá rõ con đường sống của mình sẽ ra sao nếu còn sống nơi đây. Bác chợt hiểu ra rằng hai đứa con của bác thật sự đã là dân Thụy Sĩ rồi, chúng sống, chúng suy nghĩ và giải quyết theo xã hội, con người Thụy Sĩ. Chúng không thể nào nhìn thấy hay cảm thấy nỗi buồn, cô đơn của bác được nữa. Nói đến đây, bác Chấn ngước nhìn tôi với đôi mắt nhòa lệ, buông tiếng thở dài buồn bã bác than thở:

- Có lẽ bác phải về lại Việt Nam cháu ạ, sống ở đây chắc bác sẽ chết vì cô tịch mà thôi. Mấy ngày trước bác có liên lạc với tòa lãnh sự Việt Nam ở Genève để hỏi về việc hồi hương. Theo bác không khó khăn lắm, nhưng cần nhiều thủ tục để lấy lại hộ khẩu của bác ở Việt Nam và nhất là chứng minh được sự bảo đảm về tài chánh cho sự sinh sống của bác khi hồi hương.

Thấy tôi im lặng, bác buồn rầu nói tiếp:

- Hiện nay bác chẳng có gì ở Việt Nam nữa, nhà cửa đã bán, tiền bạc, nữ trang cũng không còn nữa. Bác đúng nghĩa một người nghèo, già lão đơn độc nếu về lại quê hương thì sống làm sao đây?

Tôi buột miệng hỏi:

- Tại sao bác không nói với anh Quang, chị Yến trả lại bác một ít tiền để có thể về Việt Nam sinh sống?

Lắc đầu ra vẻ thất vọng, bác cho biết tiền bán nhà, bán nữ trang vừa rồi rất lớn so với xã hội Việt Nam nhưng có đáng bao nhiêu so với Thụy Sĩ đâu. Bác đã chia cho hai con để giúp chúng mua nhà, theo bác biết thì hai người con cũng phải mượn ngân hàng hơn một nửa mới có đủ tiền để mua hai căn hộ. Hiện nay tiền lời ngân hàng cùng với chi phí dịch vụ cho chung cư như thang máy, điện nước, lau chùi, cắt cỏ, xúc tuyết, làm vườn… tất cả không phải nhỏ, chẳng thua gì tiền đi thuê nhà. Bác đã bàn với hai con để đưa trả lại bác một số tiền cho bác mua một căn nhà nhỏ ở Việt Nam, nhưng coi vẻ không được vì chúng vẫn phải trả nợ ngân hàng mỗi tháng, chẳng dư dả để đưa cho bác được. Đã thế khi về Việt Nam tiền sinh sống, thuốc thang, bệnh viện khi ốm đau cũng không thể coi là nhỏ được!

Nhẩm tính lại cuộc sống ở Việt Nam, tôi nói với bác:

- Theo cháu nghĩ nếu hai người con của bác giúp bác mỗi tháng 200 quan Thụy Sĩ (thời điểm 1986) chắc bác sống không khó khăn lắm đâu!

Bác Chấn mỉm cười trả lời:

- Cháu tưởng đơn giản như thế sao? Giả dụ mà chúng nó gửi cho bác 200 quan mỗi tháng thì cũng chỉ đủ cho sinh sống bình thường mà thôi. Còn lúc ốm đau, chi dụng cho việc thuê nhà, cho người quen, họ hàng để người ta vui vẻ mà săn sóc cho mình làm sao mà đủ? Tuổi già của bác đâu có thể sống độc lập được, mà phải dựa vào người khác, nhất là lúc ốm đau, dù là họ hàng, quen biết cũng phải có tiền, không dễ dàng như cháu nghĩ đâu!

Nghe bác tâm sự, tôi đã đã tạm hiểu hoàn cảnh của bác. Đúng như vậy, cái sai lầm là bác đã bán nhà, thu dọn tài sản để gửi cho con mong được sống gần con. Điều này nghe ra đơn giản và hợp lý như thói thường của gia đình văn hoá Việt Nam, nhưng với hai người con của bác, sự việc đã xảy ra khác hoàn toàn. Tìm một giải quyết cho bác không dễ dàng, họa chăng một hay cả hai người con bác biết cảm thông nỗi cô đơn, buồn bã của mẹ mà tìm cách giúp đỡ mà thôi. Bác không nói ra, nhưng tôi có cảm tưởng hai người con bác không như bác chờ mong.

Trước khi chia tay tôi ân cần nhắc lại lời mời của gia đình tôi, bất cứ lúc nào bác có ý muốn đến nhà tôi chơi nhiều tuần, vài tháng hoàn toàn không có gì khó khăn. Hình như nhìn rõ sự chân thành của tôi, bác vuốt nhẹ bàn tay vợ tôi mỉm cười và hỏi vợ tôi:

- Cháu có phiền lòng nếu bác đến nhà cháu chơi không?

Dù ngôn ngữ Việt Nam chỉ hiểu lõm bõm, nhưng vợ tôi cảm nhận hoàn toàn ý nghĩa lời nói của bác qua ánh mắt, khuôn mặt và cả dáng điệu chân thành trong giọng nói, nụ cười của bác. Vợ tôi đưa tay ra dấu thêu đan, lõm bõm câu tiếng Việt:

- Bác cứ đến chơi đi… có nhiều việc làm với nhau lắm, bác đừng lo! …

Nghe vợ tôi nói, không giấu được niềm vui ngỡ ngàng hiện lồ lộ trên khuôn mặt, ánh mắt, bác cầm lấy bàn tay vợ tôi vuốt ve:

- Bác cám ơn cháu lắm lắm, cháu là người vợ hiền, dâu thảo.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc gặp gỡ bác, hôm qua và hôm nay tôi đã nhìn thấy bác cười, vẻ buồn bã biến mất, thay vào đó là niềm vui hiện trên khuôn mặt, trong ánh mắt của người đàn bà xấp xỉ 70 tuổi mà tôi cũng chỉ quen biết thoáng qua trong quá khứ.

&

Trở về Zürich đã cả tháng trời, vì bận rộn với sinh nhai tôi cũng chẳng có dịp liên lạc với bác nữa. Đôi lúc trong trí nhớ tôi cũng nghĩ đến bác, nhưng cho rằng với thời gian bác sẽ làm quen với những người Việt Nam khác, rồi cũng giống như mọi người, đâu vào đó mà thôi. Nhưng bất thình lình vào buổi tối khi tôi đang ăn dở bữa cơm thì bác gọi đến. Với giọng nói thều thào, chứa đầy buồn bã, chán nản bác cho biết hiện đang ở bịnh viện đã gần một tuần lễ nay. Tôi hỏi lý do, bác không nói rõ ràng lắm nhưng có lẽ liên quan đến tim mạch lại thêm bị trầm uất vì buồn bã, cô đơn mà ra. Bác khóc qua điện thoại cho biết hai người con chỉ đến thăm bác một lần duy nhất vào ngày đầu tiên, sau đó vì bận rộn họ chỉ điện thoại hỏi thăm mà thôi. Tôi buông tiếng thở dài, nói vài câu an ủi bác, hứa sẽ chở vợ đến thăm bác vào ngày mai hay ngày kia! Có lẽ cảm nhận được ý nghĩa tiếng thở dài của tôi trong điện thoại, bác nói rất nhẹ:

- Cám ơn vợ chồng cháu, biết là làm phiền cháu nhưng bác muốn gặp lại các cháu lắm. Cháu cố đến với bác lần nữa nhé. (Rồi một tiếng thở dài, bác nói tiếp) chắc bác không có dịp gặp lại vợ chồng cháu nữa đâu.

Tôi nghe mà rụng rời, tưởng như bác muốn gặp để nói lời trối trăn! Tôi nói vài câu an ủi, nâng đỡ tinh thần rồi hứa chắc ngay ngày mai sẽ xin nghỉ làm một ngày đến thăm bác.

Xế chiều hôm sau chúng tôi đến bệnh viện của tỉnh, căn phòng khá rộng có 4 bệnh nhân. Chúng tôi đã giật mình đến độ nghi ngờ thị giác của mình khi nhìn thấy bác nằm như đang ngủ. Chỉ hơn một tháng trời mà sắc diện của bác thay đổi quá mau! Khuôn mặt tái xanh, hốc hác như người bệnh lâu năm, cơ thể như bị thu nhỏ lại nằm ép dính xuống tấm nệm của chiếc giường! Cánh tay trái khẳng khiu, tái xanh thò ra ngoài chiếc chăn, được nối với sợi dây truyền serum treo lủng lẳng trên chiếc giá bằng alumin trắng. Tôi nhẹ nhàng nắm lấy cổ tay xương xẩu làm bác giật mình tỉnh dậy. Nhìn thấy chúng tôi, sự vui mừng, cảm động hiện rõ trên khuôn mặt già nua trắng bệch, bác gật đầu nhẹ, đáp lại lời chào hỏi của vợ chồng tôi, rồi thều thào:

- Cám ơn hai cháu đã đến thăm bác, mời hai cháu ngồi!

Bác cho biết mấy ngày trước tự nhiên bị mệt mỏi, chóng mặt rồi bị xỉu, ngã ngay ở bếp vào ban đêm. Yến nghe tiếng động của chiếc ghế bị đổ, chạy ra mới biết và chở bác đến bệnh viện. Qua kiểm nghiệm bác sĩ cho biết do chứng suy tim đã có từ trước kèm theo thận và gan hoạt động không bình thường gây tắc trách sự tuần hoàn dẫn đến chứng lậm độc máu.

Sau vài giờ đồng hồ tâm sự, bác kể cho chúng nghe những ngày tháng cô độc, buồn chán càng lúc càng đè nặng lên bác vừa qua. Tôi cũng chỉ biết khuyên nhủ để nâng đỡ tinh thần bác mà thôi. Trước khi từ giã, bác nói với vợ chồng tôi trong nước mắt:

- Chắc bác và vợ chồng cháu không có dịp gặp lại nhau nữa đâu! Dù thế nào thì bác rất cảm động với lòng tốt của các cháu đã vì thương bác mà nghe tất cả những lời tâm sự của bác. Bác cũng không ngờ cuối đời mình lại cô độc và buồn đau như thế này. Con của bác vì bận rộn hay vì vô tâm mà chúng quên săn sóc bác, nhưng biết làm sao ngoài sự im lặng, tủi thân! Nhưng ít ra vào lúc cuối đời bác cũng có một niềm vui đó là có hai cháu để hàn huyên, tâm sự ….

Dù rất mệt, tiếng nói thều thào nhưng bác nói với chúng tôi khá nhiều, toàn là những câu nói đượm buồn và kín đáo than van! Tôi có cảm tưởng tinh thần bác hoàn toàn suy sụp, buông xuôi. Nỗi chán nản cùng cực của bác không những thể hiện trên khuôn mặt mà còn trong những lời nói như muốn gửi những lời trăn trối với vợ chồng tôi. Tôi cố gieo vào bác lòng tin về tài năng của y học Thụy Sĩ, họ sẽ mang lại cho bác sức khoẻ và niềm vui. Tôi hứa chắc chắn khi bác khỏe mạnh tôi sẽ xuống chở bác lên chơi với gia đình tôi vài tháng. Bác nghe lời hứa của tôi trong trạng thái bâng quơ hình như kín đáo che dấu sự thất vọng ở trong lòng.

Sau khi từ giã ra về, tôi tạt vào phòng y tá trực của dãy phòng bác nằm, ý định gặp người y tá nào đó nói với họ vài lời cám ơn, nhân tiện nhờ họ thông báo cho tôi biết ngay nếu có gì cần thiết. Thật may, tôi gặp được cô y tá trưởng, biết nói tiếng Đức, nhờ vậy mà vấn đề giao tiếp, nhờ vả của tôi dễ dàng hơn. Tôi cũng chẳng ngần ngại nói rõ với cô ta sự thật về hoàn cảnh không vui của bác cùng với sự nhạt tình, thiếu săn sóc của hai người con. Tôi mong cô ta cảm thương nỗi cô tịch của bác mà đặc biệt quan tâm. Tôi cũng không quên đưa cho cô ta số điện thoại, ân cần xin cô ta báo tin cho tôi biết ngay, bất cứ giờ nào, ban đêm hay ban ngày nếu có gì bất trắc, để tôi kịp đến thăm viếng hay giúp đỡ bác nếu cần.

Trở về nhà, vừa được 2 ngày, vào buổi sáng khi đang sửa soạn đi làm thì cô y tá trưởng từ bệnh viện Genève gọi đến. Tôi giật mình, linh cảm có gì không may xảy đến cho bác rồi. Cô ta cho biết bác hiện đang ở khoa cấp cứu, trong tình trạng tuyệt vọng! Với tí chút ngập ngừng cô ta cho biết đêm hôm qua vào khoảng nửa đêm, khi mọi người an ngủ, bác đã dùng kéo cắt đứt sợi dây chuyền serum, rồi để nguyên mũi kim trong mạch máu ở khủy tay cho máu chẩy ra ngấm vào chăn, đệm! Khi người y tá trực đêm biết thì bác đã rơi vào hôn mê. Bác sĩ khoa cấp cứu cho biết rất khó hy vọng cứu chữa vì bệnh nhân đã bị sẵn bệnh về tim mạch lại cơ thể rất yếu. Theo cô ta, nếu tôi đến bệnh viện trước buổi trưa hy vọng có thể gặp được bác lần cuối cùng.

Dù bị vướng bận với việc làm, nhưng tôi cũng xin nghỉ, lái xe một mình xuống Genève hy vọng gặp được bác thêm một lần nữa. Trên đường đi, tôi cầu mong sự kiện không phải quá bi đát như lời cô y tá nói.

Đến Genève, người đầu tiên tôi tìm gặp là cô y tá ,cô ta cho biết bác đã mất ngay sau khi cô ta điện thoại cho tôi, hiện đang nằm ở một phòng riêng gần khu nhà xác của bệnh viện để làm thủ tục cần thiết trước khi đưa vào nhà xác của bệnh viện. Tôi thẩn thờ khi biết mình đến quá chậm để không gặp được bác lần cuối cùng!

Mở cửa bước vào căn phòng nhỏ ở cuối hành lang của dãy nhà phụ được tách biệt với khu vực chính của bệnh viện. Chỉ có một chiếc giường duy nhất trên đó bác Chấn đang nằm. Cặp mắt của bác nhắm lại, bình thản như đang trong giấc ngủ! Chỉ có khác là khuôn mặt của bác hốc hác làm cho đôi gò má nổi hẳn lên giữa màu xám, tái xanh xấu xí của làn da mặt. Tôi im lặng đặt nhẹ bàn tay lên thân thể, lên cánh tay xương xẩu của bác như muốn cảm nhận rõ hơn cái lạnh lẽo của cơ thể cũng như nỗi buồn đau, cô độc của tâm hồn bác lúc ra đi.

Cũng chính lúc đó, lời tâm sự của bác mấy ngày trước khi vợ chồng tôi đến thăm bác ở bệnh viện hình như vang nhẹ bên tai tôi: “Bác đã lầm lẫn chọn lựa! cái lầm lẫn đã làm cho bác mất tất cả! Mất nhà cửa, mất tiền bạc nữ trang và có lẽ mất cả hai đứa con của bác nữa! Bác đã không thể hình dung ra cuộc sống xa quê hương lại mang đến cho bác thất vọng và buồn đau đến như thế! Nhưng ân hận cũng đã muộn, chẳng còn giải quyết nào khác hơn là phải chấp nhận những ngày tháng cô liêu đang đến. Nhưng bác tự hỏi bác có can đảm để chấp nhận nó suốt cuộc đời còn lại của bác hay không?”

Tôi đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ, bên ngoài ánh nắng hoàng hôn đổ dài trên con đường trải đá sỏi trong khung viên của bệnh viện. Vài con chim nho nhỏ chuyền nhẩy trên cành cây làm rung động những bông hoa cuối mùa đã khô vì nắng gió còn sót trên những ngọn cây… Không gian thật vô tư, im lặng, chẳng có gì khác lạ để cảm thương cho một người mẹ đã vượt xa biết bao nhiêu khoảng cách trời đất, rời bỏ quê hương đến nơi đây với hy vọng được sống gần những đứa con, tìm cho mình một niềm vui đoàn tụ. Nhưng cuối cùng phải mang lấy nỗi buồn đau, cô tịch mà về với hư vô!

Lưu An Vũ Ngọc Ruẩn
(Switzerland, Zuerich)


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1499 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2


Học đạo trong đời


Hương lúa chùa quê - Phần 1: Hồi ký của Hòa thượng Thích Bảo Lạc


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.97.14.84 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...