Đối với chúng đệ tử, đức Phật là một ân sư, Người vạch con đường để chúng ta thoát khổ; đối với các nhà nghiên cứu Tôn giáo, các học giả và chính trị gia, xã hội học, Ngài là một Tôn sư.
Sau Phật nhập diệt, chư Thánh Tăng là ân sư của chư đệ tử kế thừa, là Tôn sư của hàng tín chúng quy ngưỡng.
Sau hàng ngàn năm mạch pháp gián đoạn, vắng bóng bậc chứng đắc, chư Tăng theo kinh điển giáo pháp tự tìm con đường hành tập; cũng có một ít vị thể nhập được mạch pháp tự thăng hóa,làm chỗ dựa cho môn nhơn.
Cho dù không nhập được mạch pháp, đắc pháp thì bậc chân tu vẫn nghiêm trì giới đức, là ngọn hải đăng cho tứ chúng giữa cuộc sống còn nhiều tăm tối, tha hóa.
Thời cận đại, trên đất nước ta, không thiếu những bậc chân tu thạc đức, đóng góp cho sự phát triển đạo giác, hoặc biên tập, dịch thuật, trước tác, giảng dạy cho đàn hậu học. Tuy nhiên cũng có những bậc lấy hạnh nguyện hành cước làm thân giáo cho đồ chúng quy ngưỡng.
Cũng thế, cố Hòa Thượng viện chủ tu viện Phước Hoa, thượng Thông hạ Quả là một ân sư cho hàng trăm đệ tử xuất gia,và một số đệ tử tục gia có duyên học hỏi trực tiếp từ người và là Tôn sư cho hàng ngàn tín đồ quy kính chưa có duyên tiếp thừa pháp mạch.
Có đến, nghe và nhìn công hạnh của một Tôn sư, mới thấy được ngài là Ân sư của bao đệ tử xuất gia đã rãi khắp mọi miền đất nước đem giáo pháp khai mở các vùng miền, họ là những đệ tử thành đạt trưởng tử Như Lai. Những bậc xuất sĩ phát xuất từ nguồn gốc Phước Hoa, có lẽ không quên được những kỷ niệm tháng ngày được gần bên Ân sư, học từ thân giáo, khẩu giáo và tâm giáo của người.
Thoáng đã đến ngày đại tường của bậc chân tu, từng khó nhọc khai mở tu viện trên 30 năm tại vùng đất hoang dại. Cũng từ đây, chúng đệ tử xuất gia được khai hóa như sự khai hóa đám cỏ dại để ngày nay, trên vùng đất xuất hiện uy nghi một tu viện, cũng như xuất hiện nhiều bậc xuất sĩ đủ năng lực đi khắp mọi miền đất nước. Đó là công đức cao dày của bậc minh sư làm tròn nhiệm vụ "truyền đăng tục diệm" cho đàn hậu học.
Chắc chắn ngày đại tường sẽ đủ mặt bốn chúng để tận mắt chiêm ngưỡng công năng của ngài mà đệ tử kế thừa lưu dấu bằng ngọn tháp uy nghi trên tòa sen biểu tượng. Biểu tượng ngôi tháp, không chỉ biểu hiện tâm tôn kính Ân sư mà còn là biểu tượng nhiều ý nghĩa ít có ngọn tháp nào được dáng dấp như thế. Có lẽ một nghệ thuật không chỉ về kiến trúc mà còn biểu hiện tâm hồn nghệ thuật mà lúc sanh tiền, người từng quý mến văn học nghệ thuật của Phật giáo thông qua anh chị em văn nghệ sĩ. Thuở ấy, anh chị em văn nghệ sĩ từng xem Phước Hoa là Tổ đình của họ, cho dù ngài ra đi, đệ tử kế thừa vẫn duy trì tinh thần thân quý đó để Phước Hoa không chỉ là tu viện mà còn là Tổ đình của giới văn học nghệ thuật mãi mãi.
Chiêu cảm lòng người, dù đệ tử xuất gia hay cư sĩ tại gia, không chỉ thông qua cung cách cư xử mà còn thể hiện năng lượng tu tập của một Ân sư, một Tôn sư. Chính nguồn năng lượng từ bi và tuệ giác đó mà đủ nuôi dưỡng lòng thành kính của mọi người.
Những Phật tử xa xôi từ phương Bắc, những môn đồ lưu lạc tại miền Nam đã quy phục Phước Hoa vô điều kiện qua công việc hỗ trợ cũng như ca tụng của họ luôn hướng về vùng đất thanh tịnh đó.
Không còn mấy ngày nữa lễ Đại tường một Ân sư, một Tôn sư, công đoạn chót hoàn thành một bảo tháp mà cả năm thi công không ngưng nghỉ, đủ thấy sụ kiên trì và năng động của một trụ trì kế thừa sự nghiệp Ân sư; chắc chắn sẽ hùng vĩ cho một ngày Đại tường, có mặt nhiều bậc cao Tăng, đông đủ những tín chúng sẵn lòng vì đạo, vì thầy.
Ban tổ chức sẽ vô cùng bận rộn sau những ngày tháng hoạch định kế hoạch, đích thân cung thỉnh chư Tôn đức, giấy mời đến từng phật tử và giới văn nghệ sĩ, điều hành mọi khâu trách nhiệm trong buổi lễ.Nhiếp chúng không chỉ là nhiệm vụ và còn thể hiện uy đức. Chính uy đức đã thành tựu mọi pháp sự từ hành trì, chấp tác đến kiến trúc và giáo dưỡng, để Phước Hoa đi vào ổn định nề nếp cho dù Ân sư đã không còn; người kế thừa cũng chứng tỏ đủ năng lực như vị Ân sự đã có; đó là sự đền đáp xứng đáng cho Ân sư và Tôn sư quý kính, đồng thời vẫn là chỗ dưa vững chắc cho niềm tin tứ chúng.