Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Văn hóa Phật giáo »» Kinh Địa Tạng - Bà Mẹ của mặt đất điêu linh »»

Văn hóa Phật giáo
»» Kinh Địa Tạng - Bà Mẹ của mặt đất điêu linh

Donate

(Lượt xem: 5.674)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Kinh Địa Tạng - Bà Mẹ của mặt đất điêu linh

Font chữ:

“… mỗi khi có dịp đạp xe ra khỏi thành phố dọc theo những con đường quê, bất chợt nhìn thấy dây mướp hay dây bầu trổ bông vàng bên cạnh những đọt non mơn mởn, thì lập tức tâm hồn tôi lại quay về những ngày thơ ấu của tôi. Ở đó, có đồng lúa chín vàng đang nằm phơi dưới ánh nắng gay gắt của những ngày cuối hạ, có con sông chạy ngang qua trước làng đầy nước sau những tháng hè khô cạn, có từng đàn két kêu la inh ỏi, cứ buổi sáng bay vào núi để ăn trái sim, rồi buổi chiều lại bay về trong bầu trời đầy mây trắng khơi vơi, và quan trọng hơn nữa là có hình bóng của mẹ tôi đi chợ về đội trên đầu cái rổ có mấy trái bầu, trái mướp hay những bó cải tươi nước còn dính nơi đầu ngọn.”
- Phước An

Lúc nào có dịp đọc lại mấy câu ca dao này: “Lạy trời mưa xuống; Lấy nước tôi uống; Lấy ruộng tôi cày; Lấy đầy bát cơm; Lấy rơm đun bếp” thì tự nhiên trong ký ức bề bộn của tôi cũng đều hiện lên những mảnh đời lam lũ của một vùng quê nghèo xơ xác, trong đó có cả bà mẹ nhà quê của tôi nữa. Gần như suốt cả cuộc đời của họ hễ cứ đến tháng mười một âm lịch, nghe gà gáy thì dân làng lại bắt đầu đổ ra đồng để chuẩn bị cho mùa gặt tháng ba. Rồi cứ đến cuối tháng sáu hoặc đầu tháng bảy, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống thì dân làng lại phải vào núi đốn củi hay vỡ đất trồng khoai, trồng đậu, trồng bắp…

Dù lam lũ quanh năm, nhưng tôi vẫn nghĩ những người nông dân này ít ra còn một an ủi là họ có thể hưởng được một chút tinh khiết, một chút u tịch của đất trời bao la. Họ có thể đụng chạm trực tiếp với đất đai, cây cỏ, sương mù, ráng chiều hay nắng quái chiều hôm. Nhưng những người làm nghề tay chân ở thành phố thì ngược lại, quanh năm họ chỉ biết cam chịu bên những đống rác khổng lồ, những cống nước, những con sông đen ngòm luôn luôn bốc mùi xú uế nồng nặc. Nghĩa là họ có bổn phận phải dọn cho sạch sẽ cái đống rác “văn minh” mà chính họ không có quyền được hưởng thụ đó.

Có lẽ chính vì thế, mà tôi vẫn nghĩ rằng, người dân ở thành phố mới thích tạo ra những công viên, những vườn cây, những hòn non bộ hay những vòi phun nước giữa phố để che giấu sự nghèo nàn thiên nhiên của chính họ chăng?

Những khi có dịp đứng nhìn các loại hoa bày bán nơi chợ Tết, hoặc những vườn phong lan khoe đủ màu sắc rực rỡ thì trong lòng tôi lúc nào cũng có một nỗi u hoài khó tả. Tôi bỗng nhớ đến những cây hoa dại màu vàng, màu tím hoặc màu trắng nhỏ li ti trên những con đường mà tuổi thơ tôi thường đi qua. Những bông hoa lặng lẽ và vô danh đó không hề biết phô trương màu sắc lộng lẫy của mình nhưng lại âm thầm nuôi dưỡng tình yêu cho tuổi thơ của tôi.

Còn có một loại hoa nữa, loại hoa này tầm thường đến nỗi mà suýt nữa tôi đã lãng quên mất trong ký ức tuổi thơ của tôi, nhưng nhờ một hôm tôi đã tình cờ bắt gặp nó qua một tác phẩm của một nhà văn, mà theo tôi nghĩ có thể là một trong những người viết về thiên nhiên và tuổi thơ hay nhất. Nhà văn ấy viết rằng: “Tôi yêu mến những dây mướp bỏ ngọn mỗi ngày bò một dài thêm, bò trải rộng ra khắp giàn, lá xanh che mát một vùng và những cái vòi cong manh mảnh ngo ngoe như râu con tôm hùm, con châu chấu rập rình linh động. Sau này lớn lên, hễ mỗi lần nhìn một dây bầu, dây mướp bắt vòi ra lá là y như tâm hồn tôi vắng lặng trở lại, tôi tự tách rời ra khỏi cảnh sinh hoạt hiện tại để đắm hồn mình trôi về những ngày thơ ấu. Tôi thấy lòng mình êm ả vô cùng, thời gian ngưng đọng lại và tôi vẫn còn là cậu bé thơ dại ngày nào.” (Võ Hồng - Người về đầu non)

Đúng là như vậy rồi, mỗi khi có dịp đạp xe ra khỏi thành phố dọc theo những con đường quê, bất chợt nhìn thấy dây mướp hay dây bầu trổ bông vàng bên cạnh những đọt non mơn mởn, thì lập tức tâm hồn tôi lại quay về những ngày thơ ấu của tôi. Ở đó, có đồng lúa chín vàng đang nằm phơi dưới ánh nắng gay gắt của những ngày cuối hạ, có con sông chạy ngang qua trước làng đầy nước sau những tháng hè khô cạn, có từng đàn két kêu la inh ỏi, cứ buổi sáng bay vào núi để ăn trái sim, rồi buổi chiều lại bay về trong bầu trời đầy mây trắng khơi vơi, và quan trọng hơn nữa là có hình bóng của mẹ tôi đi chợ về đội trên đầu cái rổ có mấy trái bầu, trái mướp hay những bó cải tươi nước còn dính nơi đầu ngọn.

Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn còn ngồi nghĩ bâng quơ, nếu có một màu xanh đậm đà nào còn đọng lại trong tuổi thơ của tôi, thì nhất định đó phải là màu xanh ở những trái bầu, trái mướp hay bó cải tươi nước còn dính ngọn mà tôi vẫn thường ngồi ngóng bà về, từ nơi ngạch cửa trước nhà.

Nhiều khi ngồi nhớ lại những ngày xa xôi của tuổi thơ ấy, rồi nhìn dòng sông, rặng núi, cánh đồng xanh, vườn cây chi chít trái, nhìn những bình minh rồi nhìn những buổi chiều tà tiếp tục đi qua trên cuộc đời của mình, tôi boăn khoăn tự hỏi tại sao những cảnh vật ấy, bề ngoài trông chúng có vẻ lạnh lùng, lãnh đạm và thờ ơ nhưng tại sao lại âm thầm tác động tâm hồn tôi một cách mãnh liệt đến như vậy?

Lớn lên, đọc được Kinh Địa Tạng, nơi phẩm có tên là Địa Thần Hộ Pháp (Thần Đất hộ vệ Phật Pháp), là trong lòng tôi lại kinh ngạc và xúc động biết bao, trong đó có một đoạn Đức Phật đã ca tụng công đức vĩ đại mà kinh gọi là Kiên Lao Địa Thần, Hòa Thượng Trí Quang dịch là Thần Đất Cứng Chắc như sau:

“Phật dạy Thần Đất cứng chắc, thần lực của ông lớn lắm, ít có thần nào sánh nổi. Vì lẽ đất đai xứ Diêm Phù đều nhờ ông hộ vệ cả. Cỏ cây, cát đá, lúa mè, tre cau, thóc gạo, vàng ngọc tất cả đều do đất mà có, đều nhờ thần lực của ông. Vậy mà ông lại luôn luôn ca tụng cho người biết việc lợi ích chúng sanh, của Địa Tạng đại sĩ, thì công đức và thần lực của ông gấp trăm ngàn lần đối với những vị Thần Đất bình thường.”

Trong phẩm Đao lợi Thiên cung thần thông phẩm (Thần thông tại cung trời Đao lợi), ta thấy không phải chỉ có các Chúa quỷ ở cõi đất này đến Đao lợi Thiên cung để nghe đức Phật thuyết pháp thôi, mà lại còn có cả các Thần, gọi là Thần Biển, Thần Sông, Thần Rào, Thần Cây, Thần Núi, Thần Đất, Thần Suối, Thần Lúa, Thần Ngày, Thần Đêm, Thần Không Gian, Thần Loài Trời, Thần Ẩm Thực, Thần Thảo Mộc… cũng đều từ thế giới hệ Ta Bà tức cõi đất này đến Đao Lợi Thiên Cung để nghe Đức Phật thuyết pháp nữa.

Riêng tôi mỗi lần đọc lên các vị Thần có tên là Thần Sông, Thần Núi, Thần Rào, Thần Suối, Thần Lúa… thì tôi luôn có cảm tưởng là tâm hồn mình như có cái gì dịu lại và mặt đất này bớt đi khô cằn và trơ trọi.

Cố Giáo sư Nguyễn Đăng Thục trong Lịch sử Tư tưởng Việt Nam đã viết về tục thờ Thần với cây cối của người Việt cổ đại như thế này: “Người ta thường thấy giữa đồng ruộng Bắc Việt nổi lên một cái gò, cái đống đất, bên trên có một gốc cây cổ thụ che một cái bệ xây gạch gọi là cái án. Dân quê xung quanh đấy thường đem lễ vật hương hoa đến lễ bái, vì đấy là cái án thờ Thần. Người ta kiêng kỵ không xâm phạm vào khu vực ấy, kỵ chặt cây, cuốc đất trên cái gò ấy. Án thờ Thổ Thần có thể có ba hình thức:

1. Một cái gò có cây cổ thụ.

2. Một cái gò có án xây dưới gốc cây cổ thụ.

3. Một gốc cây cổ thụ với một cái án xây.

Hình thức thứ hai có lẽ phổ thông hơn cả vì đủ bộ hơn. Người ta bày lễ vật trên án rồi gia chủ khấn vái vào ngày sóc (mùng Một) và vọng (ngày Rằm) hằng tháng. Phần nhiều đến lễ bái chỉ có đàn ông, không thấy đàn bà, vì đàn bà không biết khấn vái Thổ Thần. Như vậy thì Thổ Thần là Thần linh thuộc nam tính hay dương thần mà cây cối ở đây chỉ là vật phụ.

Những Thổ Thần ngự trên cây thường ở một cái gò chỉ hành động trong phạm vi một địa phương nhất định. Nông dân bảo các Ngài trông coi ruộng đất mùa màng của một khu. Khu ấy có thể nhỏ hơn một làng, cho nên trong một làng thường có nhiều án thờ Thổ Thần, không phải để cúng riêng Thổ Thần mà còn để tống tiễn chúng sanh gồm các vong linh cô hồn không có thừa tự, của kẻ chết đường, chết chợ, xa cửa xa nhà, không nơi nương tựa, là những linh hồn cầu bơ cầu bất đáng thương nhất đối với dân tộc Việt Nam.”

Kinh Địa Tạng (Kstigarbhaprani Dhāna Sutra) được Ngài Thực Xoa Nan Đà dịch sang tiếng Hán dưới đời nhà Đường của Trung Quốc. Lúc đó, Việt Nam ta còn lệ thuộc Trung Quốc, nhưng chắc chắn không phải vì ảnh hưởng Kinh Địa Tạng mà dân tộc Việt mới biết tục thờ cúng các Thần Cây, Thần Cối, Thần Đất… mà chắc chắn sự thờ cúng này đã xảy ra trước đó rồi. Vậy ta có thể xem đây như là sự đồng thanh tương ứng của văn hóa dân tộc Việt với các nền văn minh lớn của nhân loại vào thời đó chăng?

Và thông điệp của các nền văn minh lớn đó là gì?

Có thể mượn câu nói sau đây của Dịch truyện:

Thiên địa chi đại đức viết sinh.

Cái đức lớn nhất trong trời đất là nguồn sống.

Vậy là ta có thể kết luận giản dị như thế này, rằng chúng ta đừng vì sự sống của mình mà nhẫn tâm chà đạp và hủy diệt mọi sự sống khác trên mặt đất này.

Ở đây tất nhiên chưa có ai đủ thẩm quyền để xác nhận hoặc phủ nhận là Thần linh có hay không? Mà ta chỉ biết rằng, có một thời cách đây không lâu lắm, con người đã rất đỗi tự hào “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” hay “thay trời làm mưa”, nhưng lòng tự hào đó vừa nổi dậy thì lập tức núi rừng bị chặt phá tan hoang, chùa, đình nhiều nơi biến thành nhà kho chứa lương thực, có nơi còn mở nhà hàng ăn nhậu và nhảy múa ca hát nữa.

Có lẽ chính vì thế mà ngày nay con người đã phải đổi một cái giá quá đắt cho sự kiêu ngạo hợm hĩnh của mình chăng?

Tất nhiên bất cứ sự tin tưởng mù quáng nào cũng đều có mặt trái của nó, nhưng ta có quyền tin rằng, chính vì quan niệm có Thần Cây, Thần Đất, Thần Sông, Thần Núi của người xưa mà thiên nhiên cũng như mọi giá trị của đời sống trong quá khứ đã được tôn trọng hơn bây giờ.

Vậy sẽ thật là một điều nguy hiểm nếu con người sống mà không có bất cứ một niềm tin nào, hay nói đúng hơn là chỉ có một niềm tin duy nhất nơi sức mạnh của quyền lực thì chắc chắn cuộc đời này sẽ chỉ còn là một cơn ác mộng không hơn không kém.

Chính vì thế mà, tại Hội nghị Thượng đỉnh về việc Bảo vệ môi trường và phát triển được Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Brazil vào năm 1992, Đức Đạt Lai Lạt Ma của Phật Giáo Tây Tạng đã cho thế giới văn minh biết rằng, vào đầu thế kỷ thứ 17, Tây Tạng đã ban hành một luật về môi trường, còn các loài dã thú thì được bảo vệ theo giới luật của Phật Giáo. Và sau đây là một đoạn mà Ngài đã đứng trên quan điểm của Phật Giáo, để cho biết vì sao con người phải tôn trọng mọi sự sống trên mặt đất này:

“Dĩ nhiên sự phụ thuộc cũng như tương trợ vào nhau để tồn tại là chúng được đặt trên nền tảng của quy luật tự nhiên. Không chỉ có loài người với những hành thái trong đời sống, mà còn có vô lượng những hiện tượng vật chất đang lệ thuộc vào nhau để phát triển. Tất cả những gì chúng ta đang có là đại dương, bầu trời, núi rừng và cỏ cây hoa lá và những hiện tượng vật chất đang hiện hữu chung quanh ta, chúng đã và đang vươn lên trong các dạng năng lượng hoàn hảo, nếu chúng thiếu sự tương tác với nhau thì chúng sẽ tan rã và vữa nát vậy.” (Thích Nguyên Tạng dịch)

Đọc đoạn trên khiến chúng ta nhớ đến lời dặn của đức Phật cho các đệ tử của Ngài khi bước xuống sống giữa cuộc đời:

Như ong đến với hoa
Không hại sắc và hương
Che chở hoa lấy nhụy
Bậc Thánh đi vào làng.

Có lẽ câu kệ trong kinh Pháp Cú trên nên được các nhà soạn sách giáo khoa ghi vào giáo trình cho môn Đạo đức môi trường (Environmental Ethics), một môn học mới xuất hiện tại các nước Âu Mỹ trong những năm cuối thế kỷ 20 chăng?

Vào cái thời mà thiên nhiên vẫn còn hoang sơ, đất rộng người thưa, con người chưa hề biết chinh phục thiên nhiên là gì, vậy mà Đức Phật, bằng trí tuệ siêu việt, đã linh cảm được rằng, con người trong những thế kỷ sau sẽ tàn phá thiên nhiên, mà tàn phá thiên nhiên cũng có nghĩa là tàn phá chính sự sống của mình, nên mới có một Bồ Tát Địa Tạng xuất hiện trong Kinh Địa Tạng chăng?

“Vị Đại sĩ này bằng định lực, làm cho tất cả trái hạt phong phú. Tại sao vậy? Vì vị Đại sĩ này, qua vô số kiếp, nơi vô số Phật, phát cái nguyện cùng cực tinh tiến và kiên cố. Do năng lực của nguyện ấy, để hóa độ chúng sanh, Ngài giữ gìn tất cả đất đai và mầm giống, cho chúng sanh tùy ý hưởng dụng. Chính cái năng lực của Ngài đã làm cho cõi đất to lớn này, hết thảy cỏ cây rau lá sinh trưởng tươi tốt, hết thảy lúa má hoa quả đầy đủ chất lượng.” (HT Trí Quang dịch)

Nhưng ta có thể tự đặt câu hỏi là nếu con người cứ tiếp tục xây dựng trên tàn phá và đổ nát, mà không tìm hiểu nguyên nhân nào đã đưa đến tàn phá hủy diệt trên mặt đất này, thì sự xây dựng đó chắc chắn sẽ hoàn toàn vô ích chăng?

Trong phẩm Diêm Phù Chúng sanh Nghiệp cảm (Nghiệp báo của người Diêm Phù) đức Phật đã bảo cho bốn vị Thiên Vương biết rằng, Bồ Tát Địa Tạng đã phải vận dụng trăm ngàn vạn cách để chuyển hóa triệt để cái tâm xấu xa của con người ở thế giới hệ Ta Bà này:

“Này các Thiên Vương, Địa Tạng Đại Sĩ gặp kẻ sát sanh thì nói đến ác báo trả thù chết yểu, gặp kẻ trộm cướp thì nói đến ác báo nghèo nàn khốn khổ, gặp kẻ tà dâm thì nói đến ác báo se sẻ uyên ương, gặp kẻ ác khẩu thì nói đến ác báo bà con kình chống, gặp kẻ phỉ báng thì nói đến ác báo không lưỡi lở miệng, gặp kẻ giận dữ thì nói đến ác báo xấu xí tàn tật, gặp kẻ keo lẫn thì nói đến ác báo ước muốn không thỏa, gặp kẻ ăn uống vô độ thì nói đến ác báo đói khát thực khí bệnh tật, gặp kẻ săn bắn tha hồ thì nói đến ác báo cuồng sợ táng mạng, gặp kẻ kình chống cha mẹ thì nói đến ác báo trời đất giết bằng tai họa, gặp kẻ đốt rừng cây cỏ thì nói đến ác báo cuồng điên mà chết, gặp kẻ cha ghẻ mẹ ghẻ cư xử bất nhân thì nói đến ác báo trở lại chịu sự hành hạ ngay trong đời này, gặp kẻ sập bắt chim non thì nói đến ác báo cốt nhục phân ly, gặp kẻ phỉ báng Tam Bảo thì nói đến ác báo đui điếc câm ngọng, gặp kẻ khinh thường Giáo Pháp thì nói đến ác báo ở mãi ác đạo, gặp kẻ tàn phá hoặc lạm dụng thường trú thì nói đến ác báo ức kiếp luân hồi địa ngục, gặp kẻ làm bẩn phạm hạnh và vu khống Tăng sĩ thì nói đến ác báo ở mãi súc sanh, gặp kẻ sát hại sinh vật bằng cách cắt mổ nấu nướng thì nói đến ác báo luân hồi thường mạng, gặp kẻ phá giới phạm trai thì nói đến ác báo cầm thú đói khát, gặp kẻ phung phí vô lý thì nói đến ác báo ước mong thiếu hụt, gặp kẻ mày tao kiêu ngạo thì nói đến ác báo tôi tớ hèn hạ, gặp kẻ đâm thọc rối loạn thì nói đến ác báo không lưỡi nhiều lưỡi, gặp kẻ tà kiến ngoại đạo thì nói đến ác báo sanh chỗ mọi rợ.

Đại loại như vậy, người Diêm Phù, từ thân miệng và ý tạo ra ác nghiệp và kết ra ác báo có đến trăm ngàn sắc thái, ta chỉ nói đơn sơ mà thôi. Đối với ác nghiệp và ác báo khác nhau như vậy của người Diêm Phù, Địa Tạng Đại Sĩ đã vận dụng trăm ngàn phương tiện mà hóa độ cho họ. Vì lẽ những kẻ ấy, chịu những ác báo mà Địa Tạng Đại Sĩ đã cảnh cáo rồi, sau đó còn đọa địa ngục bao nhiêu đời kiếp cũng khó thoát khỏi. Nên các ông hộ vệ dân chúng và hộ vệ đất nước thì đừng để ác nghiệp mê hoặc mọi người.” (HT Trí Quang dịch)

Chiến tranh, khủng bố, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm xã hội chắc chắn đều bắt nguồn từ những tâm thức hỗn loạn trên?

Vậy điều mà Phật Giáo khẳng định là, bên trong của con người như thế nào thì thế giới bên ngoài sẽ giống như vậy.

Khi vua Lý Thái Tông lên núi Thiên Phúc thuộc huyện Tiên Du thăm Thiền Lão Thiền sư, nhà vua hỏi Thiền sư:

- Lão tăng hằng ngày làm gì ở đây?

Thiền sư đáp:

- Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chơn.

Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh
Trăng soi mây bạc hiện toàn chơn.

(Nguyễn Lang dịch)

Qua hai câu kệ trên ta có thể tạm hiểu rằng, khi nội tâm đã được chuyển hóa thì sự phân chia đối đãi bên trong cũng liền được chấm dứt. Vậy thì lấy đâu ra cái thường gọi là sự vật bên ngoài, như thiên nhiên chẳng hạn để ta nuôi giấc mộng chiếm hữu hay chinh phục?

Kinh Địa Tạng đã được trì tụng ở khắp các nước khu vực thuộc Bắc Tông từ bao nhiêu thế kỷ nay. Riêng ở Việt Nam cũng thế, danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, chẳng những được niệm vang lên vào buổi tối mà người dân quê Việt Nam thường gọi rất cung kính là thỉnh chuông U Minh tại các chùa, các Thiền viện u tịch, mà danh hiệu cũng như đại nguyện vĩ đại của Ngài được đức Phật ca tụng trong Kinh Địa Tạng, cũng được trì tụng liên tục tại những nơi có người chết, nghĩa là những nơi nào có đau khổ, thì nơi đó đều lập tức nghe danh hiệu của Ngài vậy.

Từ Kinh Địa Tạng, một bộ kinh được tụng cho người chết này, tôi liên tưởng đến một tác phẩm cũng nói về cái chết của một Thiền sư Tây Tạng, Thiền Sư Sogyal Rinpoche, tác phẩm có tên là Tạng thư Sống chết, do cố Ni trưởng Trí Hải dịch. Tác phẩm mà mỗi lần đọc tôi đều được nhắc nhở rằng tôi phải nhìn vào bên trong (nội quán) thay vì cứ nhìn ra ngoài như Thiền Sư Sogyal Rinpoche đã cảnh giác: “Chúng ta đã quá ghiền nhìn ra ngoài đến nỗi ta hầu như hoàn toàn mất liên lạc với bản thể sâu xa của chính ta.”

Nhân mùa Vu Lan xin được nhắc qua tác phẩm Tạng thư Sống chết như một nén hương để tưởng nhớ đến Ni trưởng, một người mà tên tuổi hầu như đã gắn liền với sự phát triển văn hóa và tư tưởng của Phật Giáo Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua.

Mở đầu tác phẩm, tác giả nhớ lại cái chết của những người thân thiết, lúc tác giả khoảng chừng 7, 8 tuổi từ cái chết của Samten, một cái chết “không dễ dàng cho lắm” đến cái chết của Lạt Ma Tsenten “chết một cách phi phàm”, và Thiền Sư Sogyal Rinpoche cũng còn nhắc đến cái chết trong nghĩa bóng của chính mình nữa: “Thế là tôi đã khởi sự giáp mặt cái chết và những hàm ẩn của nó khi tuổi còn rất nhỏ. Lúc ấy tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng phải trải qua biết bao nhiêu là cái chết dồn dập, hết cái chết này đến cái chết khác. Cái chết mất nước Tây Tạng sau khi bị ngoại xâm chiếm đóng. Cái chết bị lưu đày. Cái chết mất mọi thứ mà gia đình tôi đã sở hữu.”

Rồi tác giả còn ghi lại những lời đầy cảm động tại một tu viện ở Nepal, Thiền sư Dilgo Khientse Rinpoche, vị Thiền sư mà theo tác giả: “Tất cả chúng tôi đều ngước lên mà chiêm ngưỡng con người vĩ đại như núi Tuyết ấy, một bậc học giả, thi sĩ, và hành giả Mật Tông đã trải qua hơn 25 năm trong đời để nhập thất ẩn cư. Ngài dừng lại và đưa mắt nhìn xa xăm, rồi Ngài dạy rằng:

“Ta nay đã già 78 tuổi, đã trông thấy quá nhiều việc trong đời. Bao nhiêu người trẻ tuổi đã chết, bao nhiêu người già đã chết. Nhiều người ở trên cao đã tụt xuống thấp. Nhiều người ở dưới thấp đã vượt lên cao. Nhiều xứ sở đã biến đổi. Đã có bao nhiêu biến động đau thương. Bao nhiêu chiến tranh, tật dịch, bao nhiêu tàn phá trên khắp thế giới. Tuy thế tất cả những biến chuyển kia không thực gì hơn là một giấc mộng chiêm bao. Khi ta nhìn thật sâu xa, ta nhận ra rằng không có một cái gì trường cửu miên viễn, không có một cái gì, cả đến một sợi lông măng trên thân thể ta. Và đây không là một lý thuyết, mà là điều bạn có thể thực sự chứng nghiệm, thấy biết bằng chính mắt bạn.

“Có lẽ nhờ chứng kiến nhiều cái chết từ thuở ấu thơ, đến những lời giảng của các bậc Thầy về những cái chết ấy, nên thay vì sợ hãi, tác giả Tạng thư sống chết lại thấy rằng sự vô thường chóng qua của cuộc đời, tự nó cũng thơ mộng và đẹp làm sao: “Mỗi khi tôi nghe tiếng thác đổ, hay tiếng sóng vỗ vào bờ, hay tiếng tim tôi đập, tôi lại nghe tiếng của vô thường. Những thay đổi ấy, những cái chết nhỏ ấy là những móc nối sống động giữa ta với sự chết. Đó là mạch nhảy của Thần Chết, là nhịp tim của Thần Chết, nhắc ta buông mọi sự mà ta đang bám víu.”

“Bởi vậy, tất cả những nỗ lực của Thiền, theo tác giả cũng không gì hơn là: “Khơi dậy trong bạn cái nhận thức Vạn Pháp điều huyễn hóa, như mộng, bạn hãy duy trì nhận thức ấy trong lòng sanh tử. Một bậc Thầy vĩ đại đã nói, ‘Sau khi thực tập Thiền định, người ta phải trở thành đứa con của huyễn hóa’.”

Tác giả Tạng thư sống chết nói rằng, hồi còn ở Tây Tạng ông cứ thắc mắc tại sao khi có một người nào đó đến xin học Đạo thì các Thiền sư thường hỏi một câu: “Bạn có tin đời sau không?”

Sau này tác giả mới ý thức được rằng: “Nếu người ta tin có đời sau, thì toàn bộ nhân sinh quan của họ sẽ khác, họ sẽ ý thức rõ về trách nhiệm cá nhân và về đạo đức. Những gì các bậc Thầy phải hoài nghi là, với những người không tin đời sau, thì có nguy cơ là họ sẽ kiến tạo một xã hội chỉ nhắm đến đoản kỳ. Không cần suy nghĩ nhiều về hậu quả hành động. Phải chăng điều này có thể là lý do tại sao chúng ta đã tạo nên một thế giới tàn bạo như hiện nay, một thế giới ít có lòng bi mẫn thực sự?”

Chính vì lý do đó mà Phật Giáo Tây Tạng đã có riêng một tác phẩm mà theo tác giả là: “Để chỉ lộ trình những trạng thái sau khi chết, cốt để một bậc Thầy hay bạn đạo đọc cho một người sắp chết và sau khi chết.”

Tác phẩm này được một dịch giả người Mỹ là Evans-Went đã phỏng theo nhan đề một tác phẩm danh tiếng của Ai Cập có tên là Tử thư Ai Cập. Nhưng theo tác giả: “Tên thật của quyển sách là Bardo Todrol Chenmo, có nghĩa là Sự giải thoát lớn do nghe trong cõi trung gian chứ không phải là Tử thư Tây Tạng như mọi người vốn gọi như vậy.”

Dù đó là tác phẩm riêng của Phật Giáo Tây Tạng, nhưng nó vẫn phù hợp với giáo lý nguyên thủy của Phật Giáo vì theo tác giả: “Thông điệp chính của Giáo lý Phật vẫn là, nếu ta có chuẩn bị thì có hy vọng tràn trề ở trong đời sống cũng như vào lúc chết. Giáo lý ấy cho ta thấy cái khả tính về một sự giải thoát vô giới hạn, mà ta phải đạt đến ngay bây giờ trong đời này, sự giải thoát làm cho chúng ta có thể chọn lựa cái chết của mình và bởi thế, chọn lựa sự sinh ra của mình. Đối với một người có chuẩn bị và thực tập, thì cái chết đến với họ không phải như một chiến bại mà là một chiến thắng, cái giờ phút vinh quang nhất của cuộc đời.”

Có lẽ chính vì được nuôi dưỡng trong một bối cảnh văn hóa như vậy, một nền văn hóa đã dạy con người chẳng những đừng tránh né cái chết mà còn xem cái chết như một chiến thắng, một giờ phút vinh quang nhất của cuộc đời như vậy, nên ta chẳng có gì ngạc nhiên khi tác giả lần đầu tiên đến Tây Phương vào đầu những năm 70, tác giả nhận thấy “bất cứ ở đâu tôi đến tại Tây Phương, tôi đều kinh ngạc trước nỗi đau khổ tinh thần lớn lao do sự sợ chết phát sinh, dù họ có chấp nhận nỗi sợ ấy hay không?”

Nhưng nguy hiểm hơn nữa là, theo tác giả xã hội ấy cung cấp cho con người quá nhiều phương tiện để con người cứ ảo tưởng rằng họ có thể tránh né được cái chết: “Nhịp điệu đời sống chúng ta rộn ràng tới nỗi ta không có thời giờ để nghĩ đến cái chết. Ta ém nhẹm những sự sợ hãi thầm kín của ta về vô thường, bằng cách bao vây quanh mình thêm nhiều đồ đạc, của cải, tiện nghi, chỉ để tự thấy mình biến thành nô lệ cho chúng,”

Nhìn cái xã hội cố ém nhẹm về cái chết ấy, tác giả đau lòng tự than thở trong nỗi cô đơn của chính mình: “Thế giới này có vẻ chắc ăn một cách kỳ tuyệt cho đến lúc Thần Chết giật sập ảo tưởng và đuổi ra khỏi chỗ ẩn nấp. Vậy cái gì sẽ xảy đến cho ta nếu ta không có một cái mốc của thực tại sâu xa hơn, để mà bám víu?”

Tất nhiên ai trên đời này mà chẳng khao khát được hạnh phúc, nhưng tác giả Tạng thư sống chết đã nói rất đúng rằng: “Chúng ta muốn có hạnh phúc, nhưng chính cái cách ta đeo đuổi hạnh phúc lại quá vụng về đến nỗi nó chỉ đem lại nhiều phiền muộn mà thôi.”

Nhưng chính sự đau khổ cùng cực này, khiến tác giả vẫn tin tưởng một cách mãnh liệt rằng: “Tình trạng tuyệt vọng của hành tinh này đang dần dần đánh thức mọi người tỉnh dậy, để thấy sự cấp thiết phải thay đổi trên một phạm vi rộng lớn có tính cách toàn cầu.”

Cho nên theo tác giả một xã hội văn minh đúng nghĩa không chỉ có chạy đua chế tạo võ khí hay đưa người lên Mặt Trăng mà thôi, trong khi lại để đồng loại của mình dưới Mặt Đất chết trong cô đơn và đau khổ. Bởi vậy tác giả tin rằng đã đến lúc con người phải xét lại nền văn minh của chính mình: “Phải chăng một trong những quyền chính của bất cứ xã hội văn minh nào, là để mỗi người trong đó có quyền được chết trong sự săn sóc phần tâm linh một cách toàn hảo nhất. Có phải chúng ta chỉ thực sự văn minh khi điều này trở thành một tiêu chuẩn được chấp nhận? Có nghĩa gì các nền kỹ thuật đưa người lên cung trăng, khi mà không biết cách nào giúp đồng loại của mình chết có tư cách và hy vọng?”

Chính vì lý do đó tác giả hy vọng rồi cuối cùng con người cũng nhận ra rằng, sự săn sóc tâm linh cho con người cũng thiết yếu như các quyền dân sự khác: “Một lý tưởng dân chủ thực sự phải bao gồm sự săn sóc tâm linh có thể thừa nhận đối với mọi người, kể như một trong những quyền thực sự thiết yếu nhất.”

Cố Ni trưởng Trí Hải còn có một dịch phẩm nổi tiếng nữa, ký tên là Phùng Khánh và người em ruột là Phùng Thăng được nhà xuất bản Lá Bối phát hành giữa những năm cuối thập niên 1960, vừa phát hành thì lập tức đã trở thành tác phẩm “gối đầu giường” của nhiều thanh niên trí thức tại các thành phố miền Nam trước 1975, đó là tác phẩm Siddhartha (Câu chuyện dòng sông) của văn hào Đức Hermann Hesse, người đã đoạt giải Nobel Văn chương năm 1946. Điều đó chứng tỏ rằng Cố Ni trưởng không chỉ là một dịch giả tài hoa mà còn có một tâm hồn nhạy bén với cái nhìn tinh tế mới thấy được những khát khao cháy bỏng của tuổi trẻ thời đại.

Sở dĩ tác phẩm Câu chuyện dòng sông chinh phục được trái tim của giới trẻ nhiều như vậy là vì theo tôi, họ đã tìm thấy hình bóng đích thực của chính họ qua nhân vật chính Siddhartha (Tất Đạt), một con người luôn luôn khát khao vượt lên khỏi mọi giới hạn tầm thường của cuộc đời để đi tìm hương sắc của cuộc đời trong chính nội tâm của mình.

Xin trích lại sau đây một đoạn tiêu biểu về cuộc đối thoại giữa Tất Đạt, nhân vật chính, mà cũng là một Sa Môn vừa từ núi xuống với một thương gia luôn luôn tự mãn về sự giàu có của mình. Tôi nghĩ rằng nội dung cuộc đối thoại này sẽ cần thiết cho giới trẻ Việt Nam hiện nay hơn là giữa những năm cuối thập niên 60 ấy, vì chưa bao giờ những giá trị vật chất lại được đề cao như lúc này:

“Tôi được nghe Ngài là một Bà La Môn học thức, nhưng muốn đi tìm việc với một thương gia. Vậy thì Ngài túng thiếu lắm sao, nên đi tìm kiếm việc làm?

Tất Đạt trả lời:

- Không, tôi không thiếu, và chẳng bao giờ thiếu gì. Tôi đến từ những vị Sa Môn mà tôi đã chung sống từ lâu.

- Nếu Ngài ở trong đoàn Sa Môn, làm sao Ngài lại không thiếu thốn? Các vị Sa Môn há không phải hoàn toàn vô sản sao?

- Tôi không có gì cả, Tất Đạt nói, hiểu theo ý ông. Dĩ nhiên là tôi vô sản, nhưng do tôi tự nguyện, vì thế tôi không thiếu thốn.

- Nhưng làm sao Ngài sống nếu không có tài sản?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy, thưa ông. Tôi không có gì cả đã gần ba năm nay, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ về việc phải sống bằng cách nào.

- Nghĩa là Ngài sống trên tài sản của kẻ khác?

- Bề ngoài thì như thế. Người thương gia cũng sống trên tư hữu của kẻ khác.

- Cũng đúng, nhưng người thương gia không lấy không. Họ cho lại hàng hóa của họ để trao đổi.

- Điều đó thành như một định luật. Mọi người đều có cho, có nhận. Cuộc đời là như vậy mà.

- Ồ, nhưng nếu Ngài không có gì, thì làm sao mà cho?

- Mỗi người cho cái mà mình có. Người lính cho sức mạnh, người thương gia cho hàng hóa, người thầy cho kiến thức, người làm ruộng cho lúa gạo, người chài lưới cho cá.

- Phải lắm, nhưng Ngài có thể cho gì? Ngài đã học được gì để cho?

- Tôi có thể suy tư, chờ đợi và nhịn đói.

- Chỉ có thế?

- Tôi nghĩ chỉ có thế.

- Nhưng những thứ ấy dùng để làm gì? Ví dụ như nhịn ăn để làm gì?

- Nó có giá trị lớn lắm, thưa ông. Khi một người không có gì để ăn, nhịn đói là điều khôn ngoan nhất. Chẳng hạn nếu tôi không học cách nhịn, thì tôi phải tìm việc làm hôm nay, hoặc với ông, hoặc nơi nào khác, vì cơn đói hướng dẫn tôi. Nhưng bây giờ tôi có thể chờ đợi một cách bình thản. Tôi không vội vàng, không thiếu thốn, tôi có thể nhịn rất lâu và xem thường sự đói. Vì thế nhịn đói là hữu ích, thưa ông.

- Thưa Sa Môn, Ngài dạy rất phải.”

Vậy cho nên chúng ta phải bình thản mà chờ đợi mọi sự, kể cả cái chết. Như một Thiền sư ở thời Lý của quê hương chẳng hạn. Thiền sư đã chờ đợi cái chết một cách thơ mộng như chờ đợi mùa Thu đến thì con chim nhạn cũng tự nhiên mà bay về vậy:

Thu lai bất báo nhạn lai quy
Lãnh tiếu nhân gian đổng phát bi
Vị báo môn nhân hưu luyến trước
Cổ sư kỷ độ, tác kim sư.
(Thị tịch cáo đại chúng)

Đại ý Thiền sư nói rằng, mùa Thu đến không báo mà bầy chim nhạn cũng vẫn bay về. Ta cười nhạt cho người thế gian cứ phát sinh buồn thương nhớ tiếc. Nay ta bảo các người đừng thương tiếc gì nữa. Vì chẳng phải trước đây ta đã từng làm Thiền sư, thì bây giờ ta cũng đang làm Thầy giảng dạy cho các người đó sao?

Vậy là Thiền sư Từ Đạo Hạnh của thời Lý cũng như biết bao nhiêu bậc Thánh Tăng khác đã đến rồi ra đi trên mặt đất này, đã nhìn thấy suốt dòng sanh tử như nhìn vào lòng bàn tay mà Thiền sư Sogyal Rinpoche của Phật Giáo Tây Tạng đã nói trong “Tạng thư Sống chết” vậy.

Thích Phước An


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.211.55 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...