Chúng ta đã đi qua mười bài chia sẻ Phật pháp. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau ôn lại tất cả những bài trước và hệ thống hóa những hiểu biết về giáo lý này để chuẩn bị cho những bước sắp tới nhấn mạnh nhiều hơn vào tính thực hành, tức là những phương thức tu tập cụ thể cần áp dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Nền tảng trước tiên và quan trọng nhất của người học Phật chính là tín tâm. Vì thế, tín căn (信根) được xếp đầu tiên trong 5 căn lành. Như vậy, có thể nói hoàn toàn chính xác rằng khi chưa có tín tâm, chưa thật sự có lòng tin, thì cho dù chúng ta có học tập, nghiên cứu bao nhiêu kinh điển, giáo pháp, thực hành bao nhiêu pháp môn đi nữa, vẫn chưa phải là người chân chánh học Phật. Và vì thế, chúng ta không thể nhận được lợi ích chân thật từ việc học Phật.
Cho nên, không có bất cứ bậc thầy nào trong Phật giáo mà không đi lên từ tín tâm vững chắc; không có bất cứ thành tựu nào của một người tu tập theo Phật giáo mà không dựa trên tín tâm. Hơn thế nữa, khi người tu tập với một lòng tin không vững chắc thì nguy cơ sa đọa là rất lớn. Trong kinh Đại Bát Niết-bàn kể chuyện Tỳ-kheo Thiện Tinh tu tập thành tựu uyên bác, có thể giảng giải cả 12 bộ kinh điển thông suốt, nhưng cuối cùng phải đọa vào địa ngục A-tỳ ngay khi còn đang sống chỉ vì đánh mất niềm tin vào Tam bảo, đánh mất niềm tin vào nhân quả.
Hiểu được điều này, chúng ta phải luôn tự xét để thấy mình đã phát khởi được tín tâm hay chưa và đã thực sự nuôi dưỡng, làm tăng trưởng được niềm tin vào chánh pháp hay chưa. Đây chính là thước đo quan trọng và thiết thực ban đầu của người học Phật để tự biết mình.
Dựa trên nền tảng ban đầu là tín căn, chúng ta mới có thể sinh khởi và phát triển 4 căn lành khác là tấn căn (進根), tức là sự tinh tấn; niệm căn (念根), tức là sự nhớ nghĩ, duy trì, kiểm soát được ý niệm; định căn (定根), tức là sự an định trong tâm thức và tuệ căn (慧根), tức là trí tuệ sáng suốt để nhận biết và phân biệt những việc thiện ác, đúng sai, tà chánh…
Khi kết hợp cùng nhau, 5 căn lành này lại trở thành một nền tảng lớn hơn, để trên đó chúng ta bắt đầu xây dựng ngôi nhà Phật pháp của chính mình. Và từ đó, những pháp tu kế tiếp bao gồm tứ chánh cần (四正勤), tứ niệm xứ (四念處), và tứ như ý túc (四如意足). Trong sự tương quan tu tập thì tứ chánh cần là sự phát triển của tấn căn; tứ niệm xứ là phát triển niệm căn; tứ như ý túc là sự phát triển và thành tựu của định căn và tuệ căn.
Các bước tu tiến này mang lại cho chúng ta ngũ lực (五力) hay 5 sức mạnh, cũng tức là kết quả thành tựu của 5 căn lành, bao gồm tín lực (信力), tấn lực (進力), niệm lực (念力), định lực (定力) và tuệ lực (慧力). Kể từ khi thành tựu ngũ lực, có thể xem như người tu tập đã hoàn thiện được phần căn bản đầu tiên để chuẩn bị cho các pháp tu tập cao hơn.
Và các pháp tu tập tiếp theo đó chính là thất giác phần (七覺分), tức là 7 yếu tố góp phần đưa đến sự giác ngộ. Bảy giác phần này bao gồm Trạch pháp giác phần (擇法覺分), Tinh tấn giác phần (精進覺分), Hỷ giác phần (喜覺分), Khinh an giác phần (輕安覺分), Xả giác phần (捨覺分), Niệm giác phần (念覺分) và Định giác phần (定覺分).
Sự tu tập bảy giác phần là phần tu tập nâng cao, đòi hỏi người tu tập đã chuẩn bị tốt nền tảng từ các pháp tu trước đó. Do vậy, ngay từ nội dung các pháp tu này cũng đã thể hiện đây là kết quả thành tựu có được từ sự nỗ lực tu tập từ trước. Chẳng hạn, khi mới tu tập, không ai có thể bắt đầu với trạch pháp giác phần, vì đây là năng lực phân biệt giữa các pháp chân chánh và tà vạy. Năng lực này chỉ có thể có được sau một thời gian tu tập các pháp tu căn bản và học hỏi, nghiên cứu giáo lý. Mặt khác, khi đã có được năng lực này rồi, người tu tập vẫn phải không ngừng rèn luyện và nâng cao hơn nữa. Đó chính là nội dung thực hành tu tập của trạch pháp giác phần. Đối với bảy giác phần, chúng ta cũng đều phải nhận hiểu tương tự như vậy.
Như vậy, trong 37 phần Bồ-đề, chúng ta đã tìm hiểu qua 29 yếu tố, gồm 5 căn lành, 4 chánh cần, 4 niệm xứ, 4 như ý túc, 5 lực và 7 giác phần. Trong cấu trúc tổng thể của 37 phần Bồ-đề thì 29 yếu tố này lại có thể xem là nền tảng. Dựa trên nền tảng đó, những pháp tu tập cao hơn sẽ được thực hành, bao quát toàn bộ các phương diện của sự tu tập. Những pháp tu tập tiếp theo đó chính là Bát chánh đạo (八正道) mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong những bài sắp tới.
Cuối cùng, biểu đồ dưới đây tóm tắt những gì chúng ta đã tìm hiểu: