Năm ấy Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Nguyên hoằng pháp. Ngài gặp Lương Võ Đế, một ông vua có tiếng sùng đạo, mến mộ Phật pháp. Lương Võ Đế khoe đã xây dựng hơn 480 ngôi chùa, độ hàng vạn tăng ni xuất gia. Ý Võ Đế muốn được khen tặng, tán dương nào ngờ Đạt Ma nói lời thật “Chẳng có công đức chi cả”, đây là một gáo nước lạnh hắt vô mặt Võ Đế. Đạt Ma nói lời thật những mong vua tỉnh thức, những việc đó chỉ là phước, phước có thể sống đời giàu sang quyền quý chứ không cứu được huệ mạng, không thể giác ngộ dĩ nhiên không có cửa thoát luân hồi sanh tử. Tiếc là Võ Đế tình chấp sâu nặng nên không thể tỉnh ra. Bồ Đề Đạt Ma cũng vì vậy mà bỏ đi, ngài quả là hết sức ngay thẳng, từ bi và vô úy. Đối diện một ông vua của một nước lớn hùng mạnh mà không xun xoe ton hót, không nói lời mị ngữ, không tán tụng theo thói thường. Ngài vì pháp mà đến, vì pháp mà nói, tuyệt đối không vì quyền uy hay danh lợi mà nói lời dua nịnh hay lời mê hoặc lòng người. Mạng có thể mất nhưng pháp không thể để bị tổn hại hay diễn giải sai lệch.
Tổ sư Từ sau khi thuyết pháp, vua nước Kế Tân (vùng Kashmir ngày nay) hỏi: “Tôn giả nói tứ đại giai không, vậy tôn giả có thể cho ta mượn tạm cái đầu”. Tổ sư Từ liền đưa đầu cho vua chém. Thật khó có thể nghĩ bàn hay suy luận bằng những lý luận thông thường. Tổ sư xem chuyện sống chết như du hí nhân gian, xem thân tư đại đúng nghĩa tứ đại, đủ duyên thì hợp hết duyên thì tan. Tinh thần vô úy của ngài cao ngất trời, sống vì pháp mà chết cũng vì pháp, pháp như thế nào thì nói như thế đấy, làm như thế đấy (như thị), tuyệt đối không vì mạng sống mà khiến cho thiên hạ nghi ngờ pháp, hiểu sai pháp.
Ngài Tăng Triệu viết Triệu Luận làm kinh ngạc giới Phật giáo Trung Nguyên, nâng duy thức học lên một tầm cao mới, làm rạng rỡ duy thức học ở Trung Nguyên. Ngài tài hoa rất mực, tinh tấn rất mực và dĩ nhiên tinh thần vô úy cũng khó ai sánh kịp. Ngài bị vua nhà hậu Tần giết, trước khi bị chém đầu ngài còn ung dung đọc kệ: “Đưa đầu nhận kém bén/ như chém làn gió xuân”. Mạng sống không hề gì, chém đầu cũng không sao miễn là pháp phải được nói và truyền đúng như vậy.
Thiền sư Minh Toản rất miên mật tinh chuyên, tuy nhiên bề ngoài thì lại giải đãi lười biếng, phóng khoáng, buông thả…bởi vậy mà pháp lữ mới gọi là Lại Toản (ông Toản lười). Ngài đã đắc pháp được tâm ấn từ ngài Phổ Tịch nhưng dấu kín việc này. Vua Đường biết tiếng tăm nên cho vời vào cung. Thiền sư không vào. Vua Đường cho sứ giả vào tận núi Hành Nhạc, thiền sư không tiếp. Sứ giả bảo quỳ nghe thánh chỉ, ngài không quỳ. Sứ giả đọc xong bảo tạ ơn thì ngài ngồi yên trong bếp bới củ khoai lùi trong tro, khói bếp làm nước mắt nước mũi chảy dầm dề. Sứ giả cười: “Tôn giả lau nước mắt đi”. Thiền sư Lại Toản trả lời: “Ta không có rảnh để người đời lau nước mắt”. Thế đấy! tinh thần vô úy, tinh thần “sa môn bất bái quân vương” đã làm rạng rỡ tính tôn quý của Phật pháp, làm sáng tỏ nghĩa thanh tịnh của ngôi tăng bảo. Đầu có thể chặt, mạng sống có thể tiêu diệt nhưng Phật pháp không thể để cho lu mờ hoen ố. Phật là giác, giác phải sáng tỏ không thể để cho mê. Pháp là chánh, chánh không thể để hiểu tà vạy. Tăng là tịnh, tịnh không thể để nhiễm ô vì bất cứ lý do gì. Phật như vậy, pháp như vậy và các ngài thanh tịnh như vậy. Các ngài không vì quyền lực mà sợ sệt, không vì danh lợi mà suy xuyển. Các ngài một mực nói như pháp, làm như pháp.
Lịch sử hiện đại cho chúng ta thấy những vị sư thanh tịnh vô úy vẫn đang hành hoạt. Khi Trung Cộng xâm lăng Tây Tạng, bọn họ phá chùa, bách hại tăng chúng, tiêu diệt văn hóa Tạng. Hàng vạn tăng ni bị cầm tù và bị tra tấn dã man. Tất cả những vị ấy vẫn không một ai từ bỏ tín tâm, suy thoái bồ đề tâm. Có một vị Lạt ma sau khi được phóng thích và đến được Ấn Độ, nơi có cộng đồng người Tây Tạng lưu vong. Trong một lần trả lời phỏng vấn, các phóng viên đặt câu hỏi: “Ở trong ngục tù tàn bạo của Trung Cộng, ngài sợ gì nhất?”. Vị Lạt Ma Tây Tạng ấy đã trả lời: “Sợ nhất là đánh mất lòng từ bi đối với những kẻ bách hại mình”. Lời nói này, tâm niệm này, hành động này quả là Bồ Tát giữa đời thường.
Thế sử, quốc sử, Phật sử hiện đại cũng cho thấy có những ông tăng sống như pháp, nói như pháp và hành như pháp. Các ngài nêu cao tinh thần vô úy, bố thí vô úy, bất bái quân vương. Năm 1963, khi Phật giáo Việt Nam gặp pháp nạn. Ngài Thích Quảng Đức phát nguyện thiêu thân để bảo vệ chánh pháp. Ngài để lại di thư cầu mong tổng thống sáng suốt để yêu thương quốc dân đồng bào, ngừng việc bách hại Phật giáo đồ. Ngài không một chút sợ hãi, không một lời than vãn oán trách. Ngài bình thản ngồi trong biển lửa vững vàng như bàn thạch. Tinh thần từ bi và vô úy của ngài chấn động nhân tâm, thức tỉnh lương tri loài người tiến bộ trên toàn thế giới.
Thiền sư Nhất Hạnh bị bên này nghi kỵ, bên kia chụp mũ, người hai bên hai đều đánh phá, mạ lỵ ngài rất dữ dội. Bọn họ thêu dệt dủ thứ chuyện, gán ép những điều hét sức vô lý nhưng ngài vẫn bình thản trong từng bước chân. Ngài đã thổi một luồn gió mới vào Phật pháp Việt, đã đem hạt giống bồ đề truyền bá ở phương Tây, độ được rất nhiều người Âu Mỹ. Ngài từ bi và vô úy, nhẹ nhàng trong từng hành động, trong từng hơi thở.
Ngài Huyền Quang cũng vì Phật pháp, suốt đời hy hiến cho phật pháp, mặc cho khủng bố, mạ lị, truy bức, cầm tù, giam lỏng… Suốt cuộc đời ngài vẫn hiền hòa từ ái cứ như pháp mà hành. Ngài thiết tha chăm lo giáo dục, thỉnh cầu chúc sinh cho người sống, chúc siêu cho người chết, chúc hòa cho dân tộc, chúc an cho quố độ.
Ngài Quảng Độ cũng thế, suốt một đời bị ngục tù, hình án, giam lỏng, khủng bố, mạ lỵ, vu khống, đấu tố, ly gián…Ngài hoàn toàn vô úy, một tấm gương sa môn bất bái quân vương của thời kỳ hiện đại. Ngài khảng khái: “Ta không làm chánh trị nhưng ta có chánh kiến của ta”.
Ngài Tuệ Sỹ đã đồng hành và tiếp nối công cuộc còn dang dở của hai ngài Huyền Quang, Quảng Độ. Ngài Tuệ Sỹ cũng thế, cả đời tù đày cấm bế, thậm chí mang cả án tử trên đầu nhưng ngài nào có sợ chi, ngồi trong ngục thất an nhiên gõ ngón tay trên tường rêu mà xem thế sự xoay vần. Ngài giữ vững bản thể thanh tịnh của tăng già, giữ vững cơ nghiệp của Như Lai, không chấp nhận việc “lấy chùa tháp làm nơi ẩn nấp của ma vương”. Pháp như thế nào thì hành như thế ấy chứ không thể làm sai pháp vì quyền lực hay danh lợi.
Đời muôn màu muôn vẻ, đạo cũng lắm phân biệt chẻ chia. Đời có anh hùng quân tử nhưng cũng có nhiều tiểu nhân, xấu ác. Đạo có long tượng sư vương thì cũng có nhiều hổ báo cáo chồn. Phật năm xưa từng huyền ký “sư tử trùng phàm thực sư tử nhục”. Ma vương Ba Tuần cũng từng tuyên bố “Vào đời mạt pháp, con cháu ta sẽ khoác cà sa hết ráo”, bởi vậy không phải ai cạo đầu đắp cà sa đều là tăng cả! Có rất nhiều vị mang hình tướng tăng nhưng lại phá hoại Phật pháp rất ghê gớm. Có kẻ vì vô minh, vì danh văn lợi dưỡng mà phá hoại pháp, xu phụ quyền thế, lấy việc kết giao với quan gia làm vinh hạnh, tham của cải vật chất… làm hoen ố bản thể thanh tịnh, làm ảnh hưởng xấu đến Phật pháp cũng như tác động xấu vào niềm tinh của Phật tử sơ cơ. Những người khoác cà sa nhưng nói và làm không như pháp, làm loạn pháp, sai lệch pháp để phục vụ chính trị thế tục, làm mê hoặc quần chúng.
Có những ông tăng đăng đàn nói xàm, nói bậy “Xây dựng quân đội như Bắc Hàn”, “Ta là em, Trung Quốc là anh, em đánh anh là hỗn”, “Án oan sai 0,001 phần trăm, thấp nhất thế giới”… Có nhưng ông tăng bày trò cúng vong, trục vong, trừ tà, mở ngải… để thu tiền thật nhiều, dẫn dắt và hù dọa người mê “Thà mất tiền hơn mất mạng”. Có những ông tăng khếch trương cúng sao, đội sớ để thu tiền, đã thế còn kỳ kèo “Với giá tiền đó thì làm sớ chẳng lời lãi gì bao nhiêu” trong khi thực tế thì cầm lấy số tiền khổng lồ. Nói làm sao cho hết những trò mê muội vô minh phá hoại pháp của các tà sư, xàm tăng.
Sau đời mạt pháp, tà sư cấu kết với thế lực chính trị thế tục kể cả danh môn chánh phái hay tà bang tả đạo để lũng đoạn Phật pháp, mua bán Phật pháp, đấu loạn tăng chúng, phá hòa hợp tăng, loạn tình pháp lữ, mê hoạc quần chúng, kéo bè kết cánh… thật đáng buồn thay!
Phật pháp đã trải qua 26 thế kỷ, đã và đang lan rộng khắp mọi nơi. Phật pháp đã đem lại sự an lạc, tỉnh thức cho vô số người. Phật pháp là con đường giải thoát cho nhân loại tuy nhiên Phật pháp cũng như thế gian pháp, không thể không tránh khỏi sự thăng – trầm, thịnh – suy, đó là quy luật vô thường. Tuy nhiên dù cho có thịnh – suy hung – mạt như thế nào đi nữa thì Phật pháp vẫn tồn tại cho đến khi có một vị Phật mới ra đời. Phật pháp dù có bị “sư tử trùng” phá như thế nào đi nữa thì Phật bảo vẫn là giác, pháp bảo vẫn là chánh, tăng bảo vẫn là tịnh. Phật pháp vẫn là con đường duy nhất để thoát khổ, ra khỏi luân hồi sanh tử.
Tiểu Lục Thần Phong Ất Lăng thành, 0425