Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Đọc sách »» LỜI BẠT viết cho sách "Một ngày kia đến bờ" của Đỗ Hồng Ngọc »»

Đọc sách
»» LỜI BẠT viết cho sách "Một ngày kia đến bờ" của Đỗ Hồng Ngọc

Donate

(Lượt xem: 4.645)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - LỜI BẠT viết cho sách "Một ngày kia đến bờ" của Đỗ Hồng Ngọc

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tôi nhận được bản thảo này của anh Đỗ Hồng Ngọc với lời nhắn gửi thân tình: “Anh nhờ em ĐỌC giùm, và viết cho anh một lời Bạt.” Chữ “đọc” anh cố ý viết in hoa làm tôi hơi... sợ. Với một bậc đàn anh đa tài mà tôi luôn kính trọng, tôi tự biết việc đọc và viết lời Bạt cho tập sách đặc biệt này của anh quả thật không dễ. Tôi không dám chắc rằng mình có thể đọc hiểu đúng và đủ những ý tưởng độc đáo của anh để có thể viết ra một lời Bạt đúng nghĩa.

Nhưng rồi hôm nay vẫn phải mở sách ra đọc để cố gắng viết một lời Bạt như lời anh dặn, cũng là lúc một trong những người anh thân thiết đã vĩnh biệt chúng tôi để ra đi “về cõi hoang sơ” như lời thơ anh ấy nói. Có vẻ như khi mái tóc đổi màu thì chúng ta càng có nhiều cơ hội hơn để cảm nhận những bài học về vô thường.

Anh Đỗ Hồng Ngọc là người từ lâu tôi quý mến, và anh cũng xem tôi như đứa em thân thiết, nhưng không phải vì thế mà tôi dám dễ duôi tự cho phép mình quên đi việc anh là một “cây đại thụ” trong thế hệ những người đi trước mà tôi may mắn được biết tên. Tôi từng đọc Nguyễn Hiến Lê viết về anh: “Một bác sĩ, lại là một thi sĩ thì luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị...” Tôi biết, không có nhiều nhà thơ hay nhà văn đương thời tạo được ấn tượng tốt đẹp với lời ngợi khen như vậy từ một người uyên bác và nghiêm túc như Học giả Nguyễn Hiến Lê, và bọn hậu sinh như chúng tôi không thể không vui mừng khi may mắn có được tấm gương sáng như anh để noi theo, trong sự học tập cũng như khi tập tành viết lách.

Và bây giờ thì anh đã cho tôi thêm một sự ngạc nhiên thú vị nữa qua tập sách này, khi anh còn là một tấm gương sáng trong sự tu tập Phật pháp. Tôi bỗng dưng muốn lặp lại nhận xét của Học giả Nguyễn Hiến Lê, tất nhiên là với một chút “cải biên” của riêng tôi: “Một nhà văn, bác sĩ, lại là một thiền sư thì luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên một cách thú vị...”

Tôi biết là anh không muốn và thậm chí có thể sẽ trách nhẹ tôi vì đã gọi anh là “thiền sư”, nhưng tôi không... sợ. Vì tôi tin là tôi có thể chứng minh rằng tôi nói đúng. Sự kết hợp những phẩm tính của nhà văn, bác sĩ và thiền sư trong anh đã hòa quyện, biểu lộ rất rõ với tập sách này.

Ngay cái tựa đề “Một ngày kia đến bờ” mà anh mượn trong ca từ nhạc phẩm Phôi pha của Trịnh Công Sơn cũng đã cho thấy cái tố chất mơ màng lãng mạn của một nhà văn. Nhưng trong khi Trịnh Công Sơn gây cho chúng ta một nỗi buồn man mác khi nhìn lại “đời người như gió qua” thì Đỗ Hồng Ngọc lại chuẩn bị cho “một ngày kia đến bờ” với tinh thần tích cực của một người học Phật và hiểu Phật, cho một cuộc viễn du với tấm thông hành đóng dấu “well-dying”.

Và khi nghe anh bàn về “well-being” với “well-dying” thì chúng ta không còn nghi ngờ gì điều đó nữa. Anh nói về những chuyện này với tư cách là người trong cuộc, không giống như bàn chuyện người khác. Những gì anh nói, ta có thể thấy rõ đều là những cảm nhận, những trải nghiệm của riêng anh, bằng chính cuộc đời mình. Anh đã “well-being” ngay cả trong nhiều hoàn cảnh khắc nghiệt, bệnh tật, thiếu thốn... từ thời thơ ấu, và tiếp tục “well-being” cho đến nay vào độ tuổi U90, độ tuổi của những chiếc lá vàng hiếm hoi cùng thời với anh còn sót lại. Vì thế, chúng ta có đủ căn cứ để tin rằng những gì anh nói, anh làm, hoàn toàn có thể bảo đảm cho anh một viễn cảnh “well-dying” tốt đẹp như dự tính.

Nhà Thiền có câu “sinh tử sự đại”, nay anh đã đối diện, giải tỏa và vượt qua được cái ngưỡng “sự đại” đó thì chuyện “một ngày kia đến bờ” hẳn cũng là một lẽ đương nhiên, và chắc chắn rồi sẽ đến trong sự thản nhiên của một “người vô sự” theo đúng tinh thần của nhà Thiền.

Điều đáng nể phục nơi anh là ở độ tuổi vào bậc huynh trưởng của hàng “cổ lai hy” nhưng ngòi bút của anh vẫn không mất đi nét dí dỏm, hài hước xưa nay vẫn thường gặp ở giọng văn anh. Cái chất hài hước nhẹ nhàng ấy như bàng bạc trong mọi tác phẩm của anh, dù là khi anh viết về chuyện sức khỏe, chuyện văn chương hay ngay cả về Phật học. Tôi đã gặp không ít người trì tụng hoặc tìm hiểu kinh Pháp Hoa, nhưng đọc kinh Pháp Hoa mà nhìn thấy được Phật Thích-ca bước vào bảo tháp “tay bắt mặt mừng” với Phật Đa Bảo thì duy nhất chỉ có anh. Những vấn đề khô khan trong y học, phức tạp và siêu hình trong Phật học, qua ngòi bút của anh đều trở nên nhẹ nhàng, vui vui, dễ tiếp nhận.

Và lần này, giọng văn hài hước của anh không ẩn giấu nữa mà khởi đầu ngay từ tiểu mục “Nghĩ tức cười”, ấy là anh muốn công khai nêu ra những cái “tức cười” trong cuộc tồn sinh của vạn hữu từ muôn triệu năm nay (hay còn lâu hơn nữa?)... mà thật ra ai cũng nhìn thấy nhưng lại chẳng biết cười như anh. Bây giờ nghe anh nói rồi thì thấy đúng là thật “tức cười”.

Nhưng với Đỗ Hồng Ngọc thì cười không chỉ để... mà cười. Cái cười của anh thật ra là thâm trầm, sâu lắng, khởi đi từ manh mối của sự “Nhìn lại mình”, vốn là khởi đầu cốt yếu của mọi pháp môn tu tập trong Phật pháp. Không “nhìn lại mình” thì có bỏ nhà lên núi tu hành miên mật năm bảy chục năm cũng không mong gì đạt được sự giải thoát hay giác ngộ. Bởi vậy, anh cười như kiểu “vui thôi mà” nhưng lại bật ra một câu hỏi làm choáng váng cả mấy tỷ người trên thế giới này: “Có kiếp sau không?” Choáng váng là vì đối với những con người còn đầy tham chấp với hỷ nộ ái ố, vất vả lắm mới quên đi được câu hỏi ấy để sống vui thì anh quẳng vào đầu họ câu hỏi chát chúa này khiến họ không thể nào vui sống.

Mà thật ra thì anh cũng chỉ đùa thôi. Bởi anh không hỏi để tìm câu trả lời, mà chỉ để gợi ra những phương thức rất tuyệt vời giúp mọi người vui sống. Đó chính là rõ biết và chấp nhận “bốn thứ ma” (bởi không nhận thì chúng cũng đang có đó) và “bắt tay làm hòa”, vui sống với chúng. Nhưng thử nghĩ mà xem, làm được như anh nói chẳng phải đã là một thiền sư “thõng tay vào chợ” rồi đó sao? Đâu còn bận lòng gì với tử sinh, sinh tử?

Nhưng rồi anh quá rõ biết tâm niệm “chúng sinh” nên tuy nói vậy mà vẫn ân cần giải thích. Hẳn anh biết là rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn luôn ưu tư, thắc mắc. Anh nói về “nghiệp”, về “bản ngã” và rồi cuối cùng chỉ ra một sự thật để ta thấy rằng mỗi người chỉ có thể nỗ lực tự tu tập để cứu lấy chính mình, bởi vì “Phật cũng già, cũng bệnh”, và tất nhiên là rồi... cũng chết.

Chỉ qua mấy đoạn văn ngắn với cách đề cập “vui vui” rất đặc thù của riêng anh, người đọc như bừng tỉnh để nhìn lại chính mình và tự thấy ra cái “cuộc đời như gió qua” này thật không đáng để chúng ta ôm giữ mãi quá nhiều khổ đau mà hầu hết đều do chính mình tạo ra. Một cái nhìn nhẹ nhàng nhưng sáng rõ về cuộc đời sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta cũng tự nhiên trở nên nhẹ nhàng hơn. Phải chăng đây là định nghĩa thiết thực và dễ hiểu nhất của sự giải thoát?

Tập sách khá mỏng nhưng anh đã đề cập đến hầu hết các phần giáo lý quan trọng từ những bộ kinh quan trọng của Phật giáo như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Kim Cang, Duy-ma-cật... Đây thật đúng như tinh thần mà anh tự bộc bạch: “Tôi chỉ học lõm bõm ít kinh Phật..., và cũng chỉ học lấy cái ‘cốt lõi’”.

Thì quả đúng vậy. Những kinh anh đã đọc qua và nhắc đến, nếu so với số lượng Kinh điển Phật giáo hiện còn trong hai tạng Nam truyền và Bắc truyền thì quả thật là quá ít. Nhưng hai chữ “lõm bõm” của anh thì tôi thật không khỏi hoài nghi, bởi lời anh nói là “chỉ học lấy cái cốt lõi” thì quả thật không phải ai cũng làm được. Bởi muốn làm được cái việc “đãi cát chọn vàng”, từ vô số những ngôn từ phương tiện Phật đã thuyết trong kinh mà trích xuất ra được “cái cốt lõi” thì phải hết sức thông thuộc, am hiểu thấu đáo mới có thể làm được.

Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng “cái cốt lõi” mà anh rút ra từ Kinh điển là “cái cốt lõi” cho riêng anh, anh không hề có ý đưa ra để làm khuôn mẫu cho ai khác. Chính cái tinh thần tự khai phá, tự tìm tòi trong sự tu tập của anh mới là tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Anh nói rõ: “Có tới 40 đề mục để thiền quán, tôi chỉ chọn một...” Với tôi, chính sự chọn lựa này có thể đã quyết định phần lớn khả năng thành công trong tu tập. Rất nhiều người khi mới đến với thiền phải loay hoay rất lâu giữa các lựa chọn khác nhau, bởi không biết chắc được mình thích hợp với đề mục nào, phương pháp nào. Khi hành giả xác định được một chọn lựa thích hợp cho chính mình, sự tu tập sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều, bởi có thể tập trung toàn bộ tâm ý vào đề mục đó mà không bị phân tán bởi các lựa chọn khác.

Tôi cũng thực sự thán phục khi đọc qua những tiểu mục anh nêu đại lược chặng đường anh tìm đến và đi qua nội dung những bộ kinh lớn. Tôi có cảm giác anh như một nghệ sĩ tài hoa đang ngắm nhìn và cảm thụ một bức tranh đẹp, không mất nhiều thời gian cho những họa tiết, phông nền... mà có thể dễ dàng nhận biết ngay những đường nét chính yếu, những ý nghĩa ẩn tàng mà tác giả muốn thể hiện. Bởi vậy, những bộ kinh đồ sộ đối với nhiều người trong chúng ta thì qua mô tả của anh trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận hơn, nhưng không vì thế mà mất đi phần tinh túy. Tôi cũng từng đọc Pháp Hoa, Duy-ma-cật... như anh, nhưng tôi chưa bao giờ có được khả năng “tóm lược” một cách rõ ràng các điểm tinh yếu của giáo pháp theo cách như anh.

Một sự “ngạc nhiên thú vị” khác cần đề cập đến ở đây là anh cũng “tóm lược” cả cuộc đời mình từ ấu thơ cho đến... U90 một cách mạch lạc, dễ hiểu nhưng đầy đủ, cũng như điểm qua được hầu hết những thành tựu từ ngòi bút của anh trong cả ba lãnh vực: văn chương, y học và Phật học. Anh chỉ điểm “sơ sơ” thôi mà có đến 7 tập thơ, hơn 60 đầu sách... Những con số hẳn là phải gây ấn tượng với bất kỳ người cầm bút nào.

Sự “đầy đủ” trong những tóm lược của anh nên được hiểu theo ý nghĩa do chính anh nêu ra, “bởi chính đó là một trong những yếu tố của ‘chất lượng cuộc chết’”, và nếu nói theo thuật ngữ chuyên ngành cũng do anh đề nghị thì đó là “well-dying”. Hẳn độc giả sẽ không khỏi ngạc nhiên đầy thú vị khi thấy hành trình cả một đời người rồi sẽ chi phối như thế nào đến “chất lượng” của chuyến đi xa cuối đời.

Có 26 tiểu mục được anh đưa vào tập sách, với những chủ đề dàn trải hầu như đề cập đến tất cả những vấn đề quan trọng trong sự tu tập, từ sự nhận hiểu tinh yếu giáo pháp cho đến kinh nghiệm thực hành. Độc giả có thể từ từ, thong thả “nhâm nhi” từng tiểu mục ngắn trong sách này, mà theo tôi rất nên đọc lại nhiều lần để thấy hết được sự tài tình của anh khi biến mọi vấn đề khô khan hay trừu tượng, siêu hình trở nên gần gũi, dễ hiểu, thiết thực và... hấp dẫn. Nhưng đối với riêng tôi, những phần “hấp dẫn” nhất chính là khi anh chia sẻ “vài kinh nghiệm riêng”, những điều không thể tìm thấy trong bất kỳ bài thuyết giảng hay luận văn Phật giáo nào. Đó là những điều theo tôi hoàn toàn thể hiện được “dấu ấn Đỗ Hồng Ngọc”.

Chẳng hạn, anh chia sẻ một câu “thần chú” chưa từng có ai tụng đọc trong Phật giáo, nhưng đúng là sẽ rất ư “linh nghiệm” đối với nhiều người. Câu thần chú đó là “thả lỏng toàn thân thả lỏng chưa” mà anh thường “tụng” khi ngồi xuống bắt đầu thiền tọa.

Thật ra, “thả lỏng” hay “buông thư” là điều mà bất cứ vị thầy nào khi hướng dẫn thiền tập cũng đều nhắc đến, nhưng chia sẻ quan trọng của anh ở đây là sự nhấn mạnh phải “thả lỏng toàn thân” cũng như tính chất quyết định của việc này, mà anh cho rằng nếu không làm được thì sẽ “hỏng bét”.

Dù vậy, không phải ai cũng may mắn có được khả năng “thả lỏng toàn thân” ngay tức khắc khi ngồi xuống bắt đầu thiền tập. Một số người, thật ra là đa số, tuy vẫn muốn làm thế nhưng chưa thể làm được. Điều này cũng bình thường thôi, vì cần phải có công phu luyện tập qua thời gian. Nhưng nguyên tắc chung được áp dụng cho mọi trường hợp là thân và tâm luôn tương quan chặt chẽ với nhau. Do vậy, nếu khi bắt đầu thiền tập mà toàn thân chưa buông thư hoàn toàn thì cũng không nên lo lắng, chỉ cần tiếp tục giữ tâm an tĩnh, chú ý vào đề mục thiền đã chọn thì sau một thời gian, chắc chắn mọi việc sẽ tốt hơn. Khi tâm an tĩnh thì thân cũng sẽ dần dần đi vào trạng thái buông thư, cơ bắp giãn ra, không còn “căng cứng” nữa. Tuy nhiên, vì điều này thực sự rất quan trọng nên việc “tụng thần chú” như anh nói để nhắc nhở chính mình khi bắt đầu thiền tập là rất hữu ích.

Một chia sẻ quan trọng khác của anh cũng hết sức thú vị là mối tương quan giữa tình trạng thiếu oxy của não với trạng thái hỷ lạc, lâng lâng sảng khoái. Anh giải thích theo cách nhìn của khoa học thì có thể là do tình trạng thiếu oxy làm cơ thể tạo ra các hormone liên quan đến trạng thái hạnh phúc, sảng khoái đó. Anh cũng liên kết hiện tượng này với kinh nghiệm riêng của anh sau những cơn bệnh sốt rét và cho rằng có thể việc thiếu hồng cầu khiến cơ thể thiếu oxy đưa đến trạng thái sảng khoái sau mỗi cơn sốt rét. Và anh cũng đưa ra giả định rằng các thiền sư thường tìm lên núi cao để dễ tu tập vì trên đó không khí loãng, tỷ lệ oxy thấp, như vậy tất nhiên hành giả dễ rơi vào tình trạng thiếu oxy, từ đó có được trạng thái thiền duyệt, sảng khoái.

Tất nhiên, đây là những dữ kiện rất lý thú và chắc chắn cần được nghiên cứu thêm trước khi có thể vận dụng vào thực tiễn. Nhưng người học thiền cũng nên dè dặt với những mối liên kết giả định như vậy. Việc hạn chế cung cấp oxy cho cơ thể qua việc kiểm soát hơi thở là điều mà người tập thiền hoàn toàn có thể làm được, nhưng nếu như có ai muốn thử nghiệm dùng cách này để đạt được thiền duyệt thì chắc chắn là không nên, thậm chí còn rất nguy hiểm. Khi thiền giả đi sâu vào định thì hơi thở sẽ chậm dần đi cho đến lúc gần như chỉ còn duy trì ở mức tối thiểu. Nhưng đó là một hiện tượng tự nhiên do nhu cầu oxy của cơ thể giảm mạnh chứ không phải do thiền giả cố ý tạo ra, và tình trạng cơ thể khi đó tiêu thụ rất ít oxy chứ không phải thiếu oxy.

Tôi có đọc qua một kết quả nghiên cứu khoa học rất chi tiết do Tiến sĩ Antoine Lutz và Tiến sĩ Richard Davidson đồng tổ chức vào năm 2002 tại Phòng nghiên cứu Waisman (Waisman Laboratory) thuộc Đại học Wisconsin ở Madison, thuộc tiểu bang Wisconsin, Hoa Kỳ. Ngài Yongey Mingyur là một thiền giả thực hành thiền rất lâu năm, đã tự nguyện tham gia cuộc nghiên cứu này. Ngài được yêu cầu nhập định ngay bên trong một máy quét (scanner) cực kỳ hiện đại, có khả năng theo dõi và ghi nhận mọi hoạt động của não bộ. Tất nhiên, những thông số sức khỏe của ngài cũng được theo dõi và ghi nhận cụ thể. Cuộc nghiên cứu ghi nhận những hoạt động gia tăng rõ rệt của các vùng não bộ liên quan đến tâm từ bi (hay sự sinh khởi tình thương) như đã biết, trong suốt thời gian ngài nhập định, nhưng hoàn toàn không thấy ghi nhận dấu hiệu bất thường nào về sự thiếu hụt oxy trong não. Cho nên, những điều này dường như có tương quan nhưng không phải là hệ quả của nhau. Cũng vậy, khi một thiền sư lên núi cao để thiền định thì vị đó không bị thiếu oxy, cho dù không khí loãng, tỷ lệ oxy thấp, bởi vì nhu cầu oxy của người nhập định rất thấp, không phải các vị cần tìm đến tình trạng thiếu oxy để thiền định.

Tuy nhiên, đây quả thật là những nhận xét vô cùng lý thú và nó cho thấy sự thiền tập chẳng những thiết yếu cho một cuộc sống hạnh phúc mà còn luôn mang lại cho mỗi chúng ta những khám phá mới, những điều mới mẻ và cuốn hút.

Tôi đã đọc say mê cả tập sách này không một lần dừng lại, không chỉ bởi lối văn nhẹ nhàng mà hấp dẫn của anh, mà còn phần lớn là do cách anh trình bày những vấn đề rất độc đáo, rất ư là... Đỗ Hồng Ngọc, nghĩa là không thể nhầm lẫn với ai khác.

Lời cuối cùng muốn nói ở đây là tôi mong gặp lại anh biết bao! Từ lần cuối ghé nhà thăm anh đến nay e cũng đã gần chục năm rồi chưa gặp lại, và giờ thì tôi với anh ở hai đầu... trái đất. Mặc dù thường liên lạc với anh qua email, qua điện thoại, nhưng tôi vẫn luôn muốn gặp lại để được ngắm nhìn khuôn mặt anh, khuôn mặt như lúc nào cũng ẩn chứa một nụ cười hoan hỷ và sẵn sàng nở ra để lan tỏa niềm vui sống đến với người đối diện.

Cảm ơn anh rất nhiều đã một lần nữa cho tôi “những ngạc nhiên đầy thú vị”. Mong cho tập sách này sớm ra đời và đến tay bạn bè thân hữu, để một lần nữa “có dịp chí chóe cho vui” như lời anh nói.

Quế Minh Đường (Westminster), California

Tháng 9 - 2023

Nguyễn Minh Tiến

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1494 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm


Em Là Vì Sao Sáng


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại


Kinh Kim Cang

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.238.202.29 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (246 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...