Những tưởng dừng lại để tận hưởng những phút giây an lạc ngắn ngủi trong đời, cứ ngỡ những khoảnh khắc lặng xuống lắng trầm để tâm hồn thư thái. Nào ngờ chưa kịp nghỉ thì lòng Xíu lại bận tâm vì bao nhiêu chuyện lớn, nào là Bão tố cuồng phong dồn dập, bao nhiêu nhà cửa, phố xá mùa màng tiêu tan. Ngay cả sa mạc Sahara cũng ngập lụt, đây là một hiện tượng quái lạ hàng ngàn năm nay chưa từng thấy. Trái đất nóng lên, băng hai cực tan, khí hậu thay đổi… Cộng nghiệp của nhân loại và muôn loài, vận hạn của trái đất đến hồi suy.
Ấy là mặt tự nhiên, mặt xã hội cũng quái đản không thể tưởng. Những chính phủ dân túy, cực đoan, ích kẻ, hẹp hòi gây ra bao tai họa cho những sắc dân thiểu số. Chủ nghĩa cực đoan, dân túy đang gây sự chia rẽ trầm trọng giữa các tầng lớp dân trong xã hội, mối nguy hiểm cho những nước nhỏ và nghèo.
Ngay tại xứ Cờ Hoa này, những tưởng là vùng đất tự do, đất mơ (dreamland, Freedomland) nhưng giờ cũng đang loạn động, chia rẽ, thù hận trầm trọng. Cờ Hoa là xứ tự do nhưng chữ tự do bị biến dạng kinh khủng. Nhân danh tự do, những kẻ xấu, những thế lực ác tự do tung tin thất thiệt, tự do tung thuyết âm mưu, tự do phỉ báng, mắng chửi, nhục mạ người; tự do chụp mũ, kết tội người lương thiện. Tự do cho mình cái quyền ngồi xổm trên pháp luật, tự do phá hoại dân chủ, pháp quyền; tự do kỳ thị, tự do bài ngoại, tự do gian trá…
Xíu vốn không liên can gì đến chính trị, không thích chuyện chính trị vì đụng đến rất dễ bị chụp mũ. Bản tánh Xíu vốn thanh tịnh, hiền hòa chỉ đem lại sự sống cho người và muôn loài, chỉ muốn chế tác cái đẹp, thụ hưởng cái đẹp, chỉ muốn ngao du khắp đất trời mười phương … ấy vậy mà giờ tình hình này khiến cho Xíu và anh em Xíu cũng phải vướng víu vào. Ngày trước đức tăng thống Thích Quảng Độ đã từng dạy: “Mình không làm chính trị nhưng mình có chánh kiến của mình”. Vì chánh kiến mà Xíu không chịu hùa theo cái ác, cái xấu, không theo đám đông phò thịnh nên bị những kẻ cực đoan cuồng ý tấn công, nhục mạ, xỉ vả, đòi bịt miệng… Nhưng không hề gì, Xíu ẫn giữ lấy chánh kiến của mình! Xíu không hề muốn dính vào chuyện thế sự nhưng sự tham lam, si mê và ngu muội của con người tác động xấu vào môi trường tự nhiên, gây loạn động xã hội nên Xíu mới phải nói lên chánh kiến.
Xíu vô cùng ngạc nhiên khi thấy một số lượng lớn những người tự xưng mình là Phật tử thuần thành, con chiên ngoan đạo nhưng họ lại cuồn cuộn ủng hộ cái xấu, người xấu. Họ ủng hộ kẻ gian trá, xảo quyệt, nói dối, tham lam, ích kỷ, kỳ thị, hằn học, chửi mắng và nhục mạ người khác. Họ toàn tâm ý ủng hộ kẻ cả một đời chưa từng nói lấy một lời ngay thật, chưa từng làm một việc tử tế. Họ tung hô kẻ suốt đời lươn lẹo, lường gạt, chà đạp nhân phẩm con người. Họ rần rật chạy theo kẻ hủy hoại mội trường, phá vỡ mọi mối quan hệ thân hữu tốt đẹp xưa nay… Xíu và anh em nhà Xíu suy nghĩ nhiều lắm nhưng không sao hiểu nổi tâm lý của những con người này. Đức Phật, chúa Jesus, thượng đế, thánh thần… đều không hề dạy hay chấp nhận sự gian xảo, nói láo, tham lam, sân hận, si mê, hại người, hại vật… Bọn họ tự nhận mình là Phật tử, con chiên nhưng xem ra họ đang báng bổ Phật, chúa, thánh thần bằng việc ủng hộ cái ác, phò kẻ ác! Xíu nghĩ có lẽ dùng câu ngạn ngữ của loài người để nói trường hợp này, đó là câu: “Ngưu tầm ngư mã tầm mã”vậy! Hay nói một cách văn vẻ hơn thì là những kẻ có cùng tần số, có cùng bản tánh giống nhau sẽ quy tụ lại với nhau.
Chính phủ dân túy, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sự tư lợi ích kỷ của cái chính phủ thượng đẳng da trắng rút ra khỏi những tổ chức WHO, HUMAN RIGHT, hiệp ước phòng thủ NATO, Hiệp ước chống biến đổi khí hậu, UNESCO… Quả là một tai họa lớn cho tự nhiên môi trường, xã hội, văn hóa, dân chủ, nhân quyền… Thấy tình thế như thế, giọt Út thì thào với tâm trạng đầy lo lắng:
- Không lẽ trái đất gần hủy diệt rồi chăng?
Giọt Điệu cũng sợ sệt:
- Eo ơi ghê quá, em không muốn chết theo số phận trái đất, không muốn mất mình trong cơn loạn động của xã hội của loài người!
Giọt Thừa lanh lẹ:
- Không đâu, chúng ta không thể chết. Chúng ta chưa bao giờ chết vì có sanh bao giờ!Chúng ta chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Chúng ta có khả năng vi diệu hơn muôn loài, khi kiếp nạn xảy ra thì chúng ta sẽ hóa làn hơi bay trong trời đất mặc cho núi lở non mòn, mặc cho xã hội loài người loạn động. Chúng ta không hề hấn gì, chẳng qua là vì lòng trắc ẩn, vì tình thương mà chúng ta mới khổ với cái khổ của con người và muôn loài.
Giọt Cả vỗ tay khen:
- Khá lắm, giọt Thừa có chánh kiến! Giọt Thừa nói đúng đấy, trong cộng nghiệp có biệt nghiệp. Cộng nghiệp của con người và muôn loài dù có xấu cỡ nào đi nữa thì biệt nghiệp của họ hàng nhà giọt nước chúng ta vẫn ung dung tự tại trong hành trình của mình. Vận hạn của trái đất có hết thì hành trình của chúng ta vẫn tiếp tục. Kiếp nạn của con người và muôn loài ở thế gian này có tận thì chúng ta vẫn là chúng ta, hành trình của chúng ta vĩnh viễn và vô cùng tận. Một khi thế giới này hư hoại thì chúng ta sẽ đến thế giới khác, thế giới khác hư hoại thì đến thế giới khác nữa, cứ như thế cho đến khi thế giới này hình thành trở lại thì chúng ta lại quay về thế giới này. Hành trình vô tận, nghiệp lực cũng vô cùng vô tận. Các em đừng lo lắng làm gì cho mệt, chữ kiếp số trong nhà Phật dài kinh khủng lắm, dù có năng lực tài giỏi cỡ nào cũng không sao tính toán hay hình dung được. Kinh sách ví dụ rằng: Có tảng đá vuông vức mỗi bề một dặm, mỗi một 100 năm sẽ có một vị phán quan đến và dùng cái khăn lụa phất sơ qua một lần, cứ như thế cho đến khi tảng đá mòn hết thì là một kiếp. Rồi cứ mỗi 1000 tiểu kiếp mới thành một trung kiếp, rồi 1000 trung kiếp mới là một đại kiếp. Cứ như thế thì thời gian vô tận, không đầu không cuối, kiếp số hằng sa không thể nào biết được, không bắt đầu cũng không kết thúc. Không gian thì vô hạn độ, vô cùng vô tận không ngằn mé, không giới tuyến, không bến bờ. Căn cứ vào đây thì chúng ta biết hành trình của chúng ta cũng vô cùng vô tận theo thời gian.
Xíu nghe thế lắc đầu lè lưỡi:
- Những giọt nước chúng ta thật chẳng là gì cả, chẳng nghĩa lý gì trong dòng thời gian miên viễn, chẳng là gì trong cuộc chơi sanh tử bất tận. Ấy vậy mà chúng ta đem lại sự sống cho con người và muôn loài. Chúng ta có hình tướng hay không hình tướng cũng tác động đến tiến trình sanh trụ dị diệt của con người và muôn loài. Thật đúng là cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt. Chúng ta có hình tướng ở thể rắn băng đá, thể lỏng nước, thể hơi, khí trong gió mây y hệt như câu Tâm Kinh: “sắc tức thị không không tức thị sắc”. Hành trình của giọt nước trong mười phương trời đất tưởng chừng như không ấy vậy mà lại có. Có nước, có băng tuyết, có sương móc, có hơi ẩm trong gió mây nhưng ấy lại là không. Chúng ta tạm mượn ngôn ngữ của loài người để mà gọi là hành trình chứ thật ra cũng chẳng có hành trình chi.
Tiểu Lục Thần Phong Ất Lăng thành, 1124