Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Chưa từng có ai trở nên nghèo khó vì cho đi những gì mình có. (No-one has ever become poor by giving.)Anne Frank
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Truyện ngắn »» Nguyễn thị Hồng Yểm »»

Truyện ngắn
»» Nguyễn thị Hồng Yểm

Donate

(Lượt xem: 5.278)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Nguyễn thị Hồng Yểm

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Lời giới thiệu:
"Trò chơi trẻ con, em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu.Chú rể ngẩn ngơ ra hái hoa cà làm quà cưới cô dâu..." (nhạc TTT) Kỷ niệm tuổi thơ, có những lúc người ta tưởng rằng chỉ là những đẹp đẽ thoáng qua trong quá khứ mà thôi, nhưng có khi lại là những gắn bó muôn đời không quên.Từ những đơn sơ, ngờ nghệch đó, tình yêu sẽ lớn dậy, nối kéo cuộc đời của người ta với nhau trong một dạng thức yêu thương nào đó! Hạnh phúc, hoan ca hay dang dở, đau buồn.

Ðây là một đoản văn, viết về câu chuyện yêu thương của một người bạn, một sĩ quan trẻ của VNCH ngày xưa. Ðể kỷ niệm cho anh, cho Vân, người tình dang dở tuổi ấu thơ của anh và cho cả người cháu Nguyễn thị Hồng Yểm mà tôi đã gặp, đã ngẩn ngơ nghe kể về mối tình tuyệt đẹp nhưng hơi buồn đau của họ.
(Lưu An)

&

Vào truyện

Thanh không biết vì đưa đẩy nào đã mang gia đình Vân đến cái xóm nhỏ, khá nghèo của anh. Căn nhà Vân cách cái giếng nước chung của xóm, đằng sau nhà Thanh chỉ vài chục mét. Vân mồ côi cha từ ngày còn bé, nàng sống với mẹ và hai người chị trưởng thành, đã có gia đình, cùng nhau trông coi một sạp bán đồ gia vị ở chợ gần nhà. Vân theo đạo Công giáo cho nên thay vì học ở trường tiểu học công lập của khu vực cùng với anh em Thanh, nàng vào học ở ngôi trường của nhà thờ.

Khi Vân dọn đến xóm, nàng 11 tuổi, Thanh lên 9 và hai đứa em của Thanh mới 8 và 6 tuổi. Dù tuổi tác cách biệt nhau nhưng Vân và ba anh em Thanh thân nhau rất nhanh ngay từ những ngày đầu tiên vừa đến xóm. Ðặc biệt với Thanh, sự thân tình, gắn bó giữa hai đứa đã làm ba mẹ Thanh cũng như gia đình Vân ngạc nhiên. Gần như mỗi ngày khi vừa đi học về hai đứa lại tìm đến nhau, vui chơi với nhau đến độ quên cả giờ ăn.

Tình thân của hai đứa bé đã thắt buộc hai gia đình lại với nhau. Bà Tứ, mẹ Vân và hai người chị vì bận bịu buôn bán, không chăm sóc bài vở thường xuyên cho Vân được. Ba mẹ Thanh đã kéo Vân đến nhà học hành, chỉ dạy bài vở cùng với anh em Thanh.

Trong bất cứ trò chơi nào với lũ trẻ trong xóm, cần đến sự chia phe nhóm, hai đứa luôn luôn vào một nhóm. Cả đến những trò chơi cần đến cảnh ẵm bế, cõng nhau hay tập tành hỏi han, săn sóc nhau khi bệnh hoạn... bắt chước sinh hoạt của người lớn, chúng vẫn về phe với nhau. Ở cái tuổi ấu thơ, chưa biết gì ngại ngùng thích bắt chước đó. Chúng đã diễn tả những hành động, lời nói và dáng điệu đôi khi làm cho cha mẹ của chúng ngẩn ngơ suy nghĩ.

Một lần, khi vừa làm xong bài kiểm, trước mặt ba mẹ Thanh. Vân xếp vội mấy cuốn vở vào cặp, rồi chạy vòng qua chiếc bàn học, cầm lấy tay của Thanh, với giọng nói rất ngọt ngào:

- Thanh, ra đây chơi với Vân. Chúng ta tiếp tục chơi trò vợ chồng nữa nhe?

Trong khi Thanh còn đang bận bịu với mấy cái bút chì màu đang gọt dở. Con bé nói tiếp:

- Vân làm mẹ bị bệnh, nằm trên giường với con. Còn Thanh làm cha săn sóc cho Vân và con nhe.

Ông bà Chánh, ba mẹ của Thanh im lặng ngẩn ngơ nhìn và nghe hai đứa bé đối đáp. Một lúc sau, bà Chánh kéo Vân vào lòng mình, âu yếm vuốt ve, hỏi nhẹ con bé:

- Vân, cháu có thương Thanh không?

- Cháu thương mà, bác không thấy sao, ngày nào cháu và Thanh cũng chơi trò vợ chồng. Cháu là vợ của Thanh, còn Thúy và Trọng hai em của Thanh là hai đứa con của chúng cháu đó.

Rồi với giọng ngây thơ, con bé kể lể ra những hình ảnh một mái gia đình đầm ấm với đủ hoạt cảnh, giặt giũ, săn sóc nhau khi bệnh tật... Ông bà Chánh thích thú ngồi nghe, thỉnh thoảng đưa ra vài câu hỏi han hay giúp vài ý kiến cho cái khung gia đình tưởng tượng đầy ắp hạnh phúc trong đầu nó.

Bà Chánh quay sang nhìn chồng tâm sự:

- Cứ đà này, chúng nó chắc chắn sẽ có rất nhiều kỷ niệm đẹp lắm. Tương lai không biết ra sao đây?

Ngẫm nghĩ một chút, bà Chánh tiếp:

- Em tự nhiên thương con Vân này quá anh ạ. Em mong với 2 tuổi lớn khôn hơn của nó, không phải là trở ngại cho thằng Thanh của chúng mình...

Ông Chánh vỗ nhẹ lên vai vợ, ngắt lời:

- Ðúng là vớ vẩn, em chỉ lo xa mà thôi. Nếu chúng yêu thương nhau thì kể gì tuổi tác.

Thấm thoát đã hơn một năm kể từ ngày gia đình Vân dọn đến xóm. Những trò chơi ngây thơ vẫn tiếp nối mang theo thân tình càng ngày càng gắn bó của hai đứa bé. Ngày cuối tuần Vân vẫn trong chiếc áo dài trắng đều đặn đi lễ nhà thờ. Thanh dù không theo đạo nhưng vẫn theo Vân đến nhà thờ, rồi chia tay khi Vân vào xem lễ. Thanh lang thang ở phía ngoài sân, lén lút hái những bông hoa sứ trong sân nhà thờ bỏ vào trong một bọc giấy. Chờ lúc tan lễ, trên đường về nhà hai đứa chia nhau thích thú, hút những giọt mật hoa ngọt lịm từ cuống hoa.

Một buổi chiều sau khi đã hoàn tất xong tất cả những bài vở của nhà trường, Thanh và hai đứa em cùng với Vân tham dự với trẻ trong xóm chơi trò trốn tìm ''năm mười''. Dĩ nhiên, cũng như tất cả các cuộc chơi khác, Thanh và Vân không rời nhau, luôn luôn cùng chạy, cùng trốn với nhau. Một lần hai đứa cùng núp vào một hốc kẹt kín đáo của căn nhà. Cả hai nín thở, im lặng cố giữ kín nơi ẩn núp của mình. Thanh nhìn thấy đứa trẻ “kiếm tìm” từ xa đang đi lại, sục sạo tìm kẻ trốn. Vì sợ bị tìm thấy, Thanh cố ép sát thân mình vào Vân, đôi tay ôm sát lấy Vân, khuôn mặt hai đứa chạm sát vào nhau. Hơi thở đứt quãng, hồi hộp vì lo sợ bị thằng bé kiếm tìm khám phá ra chỗ hai đứa đang ẩn núp.

Có lẽ vì quá hăng say với trò chơi và lo sợ bị thua... Thanh không chú ý đến thái độ khó chịu, có tí chút giận dỗi của Vân. Cô bé cố cựa mình ra khỏi vòng tay của Thanh, tìm cách đẩy thằng bé ra xa. Nhưng vì mắc trong góc kẹt, quá chật chội, khó xoay trở. Con bé đã không làm sao thoát ra khỏi được mà còn bị Thanh ghì chặt hơn nữa! Ðến một lúc vì quá bực bội, không thể nào làm hơn được, Vân gắt lên:

-Bỏ người ta ra, kỳ lắm !

Nhưng ở cái tuổi lên 10. Ðứa con trai còn đầy rẫy ngờ nghệch, tâm hồn trong sáng và nhất là lo sợ bị thua cuộc chơi thì làm sao Thanh hiểu được câu nói “Kỳ lắm” của Vân, cô gái vừa bước sang tuổi 12 được? Nó còn cố ghì sát hơn, như muốn hóa giải sự cưỡng lại của con bé. Thấy không còn làm sao hơn được, Vân lấy hết sức đẩy bật thằng bé ra khỏi chỗ núp và giơ thẳng bàn tay với tất cả sức mạnh tát một cái vào má thằng bé đánh “chát”! với nét mặt bực tức Vân nói:

- Ðã bảo mà không nghe.

Với cái tát như đổ lửa đó, trên khuôn mặt đau đớn đầy nét bàng hoàng, ngạc nhiên của Thanh in rõ dấu bàn tay đỏ gay của Vân. Giương mắt tức giận lên nhìn thẳng vào mặt con bé, Thanh nói như hét:

- Sao tự nhiên đánh tôi?

Rồi đưa tay lên xoa má ra chiều đau đớn, đứng bật dậy bước ra khỏi chỗ núp, chỉ thẳng ngón tay vào sát mặt Vân, giận dữ nó hét:

- Vân điên hả, tôi không thèm chơi nữa!

Hình như nhìn thấy dấu bàn tay đỏ hồng của mình còn in trên khuôn mặt đau đớn và nhất là hai dòng lệ đang chảy từ khoé mắt Thanh đã làm cho Vân hối hận, sợ hãi. Cô bé vội vàng đưa tay nắm lấy cánh tay Thanh kéo trở lại với giọng nói run run như muốn khóc:

- Thanh, Vân xin lỗi Thanh. Tại Vân đã nói “kỳ quá” bao nhiêu lần, mà Thanh không nghe.

Nói xong Vân đưa bàn tay vuốt nhẹ lên má Thanh, nhìn thằng bé với ánh mắt như van lơn, xin lỗi. Nhưng đứa con trai lên 10, ngây ngô, làm sao hiểu được nguyên nhân bực bội để cảm thông, chấp nhận ánh mắt hối hận van xin của cô bạn gái lớn khôn hơn nó được? Nó giận dỗi hất tay Vân, vùng vằng đứng dậy, bước ra khỏi chỗ ẩn nấp, không quên quay đầu lại nói như gắt vào khuôn mặt cũng đang rướm lệ, ân hận của Vân:

- Thôi, tôi không thèm chơi nữa, tôi ghét Vân lắm!

Nói xong Thanh quay mặt, lầm lì bước đi, không thèm nhìn lại, dù biết rằng phía sau mình vẫn còn đôi mắt ân hận và khuôn mặt đẫm lệ của Vân nhìn theo bước chân nó với vài tiếng gọi với theo:

- Thanh, đừng giận Vân nữa. Vân đã xin lỗi Thanh rồi mà.

Bỏ cuộc chơi, thằng bé lủi thủi đi về nhà. Lúc đó bà Tứ và ba mẹ Thanh đang ngồi nói chuyện trong phòng khách. Bà Chánh thấy thằng con cúi mặt dáng dấp rầu rĩ, khuôn mặt vẫn còn nhem nhuốc nước mắt bước vào nhà. Bà ngoắc tay gọi:

- Thanh, con sao vậy? chắc lại đánh nhau với ai rồi phải không? Lại đây mẹ bảo.

- Vân, nó đánh con đó.

Câu trả lời của thằng bé không những làm bà Chánh ngạc nhiên mà còn làm cho mẹ Vân và ông Chánh ngẩn ngơ giương mắt nhìn. Ðúng lúc đó mọi người đều nhìn thấy Vân đang khép nép nấp ở cánh cửa ra vào, nhìn vào trong với vẻ mặt sợ sệt. Bà Tứ với nét mặt không vui, định lên tiếng gọi Vân vào để trách mắng. Nhưng bà Chánh có lẽ cảm thấy có điều gì không bình thường, khó tin xảy ra giữa hai đứa bé rất thương yêu nhau, chưa bao giờ trái ý, gây gỗ nhau. Bà kín đáo ra dấu cho bà Tứ im lặng, rồi đưa tay vẫy gọi Vân, với giọng âu yếm:

- Vân, cháu vào đây với bác.

Vân với khuôn mặt vẫn còn ướt lệ rón rén đến bên cạnh mẹ của Thanh. Bà Chánh kéo cô bé sát vào thân bà, đứng bên cạnh Thanh. Ðưa bàn tay âu yếm vuốt nhẹ mái tóc Vân, nhẹ nhàng bà hỏi:

- Vân, tại sao cháu đánh Thanh đau như vậy? Cháu không thương nó sao?

- Cháu đã nói mãi mà Thanh không nghe...

Thanh bực bội ngắt lời Vân:

- Chứ không phải tự nhiên tát người ta hay sao? Tôi ghét Vân lắm, từ nay tôi không thèm chơi với Vân nữa, người đâu mà ác quá như vậy!

Mẹ Thanh đưa tay vỗ nhẹ vai nó:

-Thanh, con để im cho Vân nói cho ba mẹ và bà Tứ nghe.

Rồi bà quay sang Vân, lời lẽ rất ôn tồn:

-Vân, cháu kể cho bác nghe đi, tại sao cháu đánh Thanh?

Với chút e dè, ngượng ngập Vân kể lại tất cả những diễn tiến. Dù với lời kể đứt khúc, ngập ngừng, không rõ ràng nhưng cũng quá đủ cho ba người lớn hiểu rõ vấn đề. Bà Chánh đưa mắt nhìn chồng và bà Tứ như thầm nói: Thanh đứa con trai 10 tuổi vẫn con ngập chìm trong cái ngây thơ, trong trắng của đứa trẻ đúng nghĩa. Làm sao hiểu được cái lớn khôn đang khởi đầu của Vân cô bé 12 tuổi được? Ngần ngừ một tí bà Chánh quay bên má của Thanh vẫn còn in hằn dấu bàn tay đỏ ửng về hướng con bé, bà nói rất nhẹ bên tai Vân:

-Vân, cháu thấy không, cháu đánh Thanh đau như thế này, thôi cháu lấy tay xoa má cho nó một tí rồi xin lỗi Thanh đi.

Vân lưỡng lự một chút, khuôn mặt hơi đỏ hồng, đưa bàn tay mát lạnh lên xoa nhẹ trên má thằng bé với giọng ân hận:

- Vân xin lỗi Thanh, đừng giận Vân nữa nhé!

Thanh im lặng nhìn Vân, ra vẻ vừa lòng rồi đưa bàn tay lên vuốt má mình. Bàn tay hai đứa bé chạm nhau, chúng nhìn nhau nở nụ cười trước khi nắm tay nhau chạy ra khỏi cửa.

Sau đó, tình thân của Thanh và Vân vẫn không có gì giảm sút, nhưng hình như đã êm nhẹ bước sang một trạng thái tình thân khác trong những cuộc chơi đùa với nhau. Nó manh nha một tí vẻ ngượng ngập, giới hạn của Vân mỗi khi Thanh có vài hành động quá thân cận vì vô tình hay quá ngây ngô của nó đem lại. Tuy vậy những buổi đi lễ của Vân, Thanh vẫn là kẻ đồng hành, chờ đợi cô bé ra về với những bông hoa sứ còn tươi đựng trong bao giấy nhỏ. Hai đứa vẫn chia cho nhau hút mật hoa ngọt lịm cùng với tiếng cười thích thú.

Mỗi ngày sau khi hoàn tất xong bài vở nhà trường, khi ánh nắng chiều đã mất đi cái nóng cháy của mặt trời buổi giữa trưa. Thanh vẫn ra giếng làm công việc giúp đỡ mẹ, múc nước đổ đầy mấy thùng phuy của gia đình. Vân cũng ra giếng giúp đỡ gia đình giặt quần áo. Trong dịp làm việc đó, Thanh múc nước cho Vân giặt giũ, ngược lại không lần nào Vân quên nhắc nhở Thanh đưa quần áo của nó cho cô bé giặt hộ... Những hình ảnh đơn sơ đó cứ chồng chất lên thể xác và trí nhớ của chúng, vô tình tạo cho chúng những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi ngây thơ.

Nhưng mấy năm sau, khi Thanh vừa lên năm đầu tiên trung học. Gia đình Thanh dọn nhà sang một ngõ hẻm khác khang trang hơn, nhưng cũng không quá xa xóm cũ. Có lẽ vì bận rộn với việc học hành hơn hay vì chưa quen thuộc với nếp sống của căn nhà mới. Thanh không có dịp sang thăm xóm cũ để gặp lại bạn bè trong xóm, trong số đó có Vân, người con gái thân thiết nhất trong tuổi ngây thơ mà đôi lần nó cũng cảm thấy nhớ nhung.

Bẵng đi, nhiều tháng trời sau đó, khi đã quen thuộc với xóm mới, Thanh mới có dịp sang thăm lại xóm cũ vài lần. Lần nào Thanh cũng nhìn thấy hay gặp Vân trong xóm hay trên đường đi lễ... Thời gian xa cách dù không quá xa, nhưng kỳ lạ làm sao, khi chúng gặp nhau, hai đứa chỉ nhìn nhau, ánh mắt hình như dò hỏi, pha nhuộm rất nhiều ngại ngần ngượng nghịu rồi im lặng đi qua! Cũng có vài lần Thanh đi cùng với mẹ, dù có sự nối kết của bà Chánh nhưng Thanh và cả Vân cũng chỉ nói với nhau vài câu ngắn ngủi, nhiều khi chẳng có nghĩa lý gì hay vờ vĩnh nhìn ra hướng khác.

Thanh còn nhớ có một lần vào ngày cuối tuần, khi nó đang học lớp đệ ngũ. Bà Chánh cho biết mẹ của Vân mời gia đình Thanh sang ăn mừng lễ đầy năm của đứa cháu ngoại. Con trai đầu lòng của một người chị của Vân. Thanh đang sửa soạn đi với gia đình, thì một đứa bạn cùng lớp đến rủ đi đá banh, Thanh nhìn ông bà Chánh tỏ vẻ ngần ngại không muốn đi dự tiệc. Bà Chánh nhìn thằng con với đôi mắt khó hiểu:

- Con không muốn đi sao? Có lẽ Vân nó rất mừng gặp con đó!

Thanh tỏ vẻ không mấy chú ý, hơi cau mày, tí ngập ngừng nó nói:

- Thôi, con không đi đâu mẹ. Ðể dịp sau vậy.

Nghe lời lựa chọn của thằng con, bà Chánh đã nhìn thấy đứa con trai 14 tuổi của bà vẫn còn ngờ nghệch lắm, tâm hồn vẫn trắng trong, đơn giản của một đứa con nít. Bà biết chắc chắn rằng, Vân đứa con gái mà bà thương yêu muốn kết hợp với con trai bà, nay đã 16 tuổi. Cái tuổi chưa được gọi là khôn lớn, nhưng ít ra con bé đã pha trộn bóng dáng của một cô thiếu nữ rồi. Làm sao có thể hòa hợp được cái vẻ ngây ngô, vẫn còn mê đá bóng tạt hình của con bà được.

&

Rồi Sài Gòn mùa mưa như nước đổ, mùa nắng gắt cháy da tiếp nối nhau nhiều năm sau đó. Ðôi lần Thanh cũng gặp Vân thoáng qua trên đường phố. Hai đứa vẫn chỉ nhìn nhau, không một lời chào hỏi, nhưng ánh mắt lại như quen nhau và mang rất nhiều nối kết. Vân đã chững chạc trong bóng dáng cô thiếu nữ 21 tuổi, đã ra đời buôn bán cùng mẹ và hai người chị. Thanh cũng tạm đủ lớn khôn với cái đẫy đà của người thanh niên 19 tuổi vừa lên đai học. Nhưng vẫn còn đôi nét non choẹt, thư sinh, vẫn phải xin tiền cha mẹ ăn điểm tâm mỗi sáng hay vẫn thích ồn ào với lũ bạn trai.

Năm sau, một buổi chiều khi Thanh vừa về học, mẹ cho biết đã nhận được thiệp mời đám cưới của Vân. Chồng Vân là một hạ sĩ quan. Mặc dầu đã mấy năm nay, cuộc quen biết thân thương thủa ấu thơ đã đi vào kỷ niệm, chẳng có gì khả dĩ được gọi là tình yêu, nhưng khi cầm tấm thiệp cưới trên tay Thanh có cảm tưởng như vừa bị mất mát một cái gì rất nhẹ nhàng nhưng xói buốt trong lòng mình. Hình ảnh ngày xưa, thời thơ ấu với những trò chơi và cả lần giận dỗi vì cái tát nảy lửa đánh dấu sự lớn khôn của Vân... Tất cả lại hiện ra trong trí nhớ làm Thanh im lặng đờ đẫn. Anh không nhìn thấy bà Chánh cũng đang theo dõi nét mặt tiếc nuối có tí chút buồn đau của đứa con trai.

- Thanh, con buồn lắm phải không? Mẹ cũng không ngờ chuyện xảy ra nhanh như vậy.

Tiếng nói của mẹ đã làm Thanh sực tỉnh, kéo anh trở lại với thực tế:

- Thật sự đã có gì đâu giữa con và Vân hả mẹ? Cô ta hơn con hai tuổi, huống chi con có gì để bảo đảm tương lai đâu.

-Nhưng mẹ tiếc quá con ạ! Không hiểu sao mẹ rất thương con bé đó. Mẹ không quên được hình ảnh con và nó thân nhau lạ kỳ ngày hai đứa còn bé.

Thanh lấy cớ bận học hành không tham dự đám cưới của Vân, nhưng anh không quên gửi quà tặng và nhờ mẹ nói lời chúc mừng cũng như xin lỗi vì không tham dự đám cưới của Vân được.

Sau khi Vân lấy chồng được khoảng 5, 6 tháng. Qua sự móc nối của mẹ một người bạn thân, Thanh quen với cô em họ của anh ấy, kém anh vài tuổi. Tình yêu lớn rất nhanh vì cả hai ở trong lứa tuổi yêu đương và có sự đồng ý của hai bên gia đình. Biết bao nhiêu âm thanh của hẹn hò và dự tính tương lai, nhưng cũng chỉ kéo dài được khoảng nửa năm, rồi vì một lần giận dỗi vu vơ, mối tình gãy đổ không hàn gắn được. Kết qủa Thanh nhận lấy cái đau đớn thất tình đầu tiên trong đời mình khi cô quyết định lập gia đình với người khác!

Một dịp không lâu sau ngày thất tình đó Thanh có dịp đi cùng với mẹ sang xóm cũ thăm người bà con trong họ. Khi đi gần đến căn nhà của Vân, từ đằng xa, trong chiếc hiên tráng xi măng trước căn nhà. Vân lệch thệch với chiếc bụng mang thai đang phơi quần áo. Vừa trông thấy Thanh, không biết vô tình hay cô ý, Vân vội vàng thu gom đống quần áo vào chiếc giỏ mây rồi cúi đầu đi thẳng vào trong nhà.

Bà Chánh quay sang hỏi Thanh:

- Thanh, con có muốn gặp Vân nói chuyện một tí không?

Hơi cau mày ra ý không hiểu, Thanh hỏi lại mẹ:

- Tại sao mẹ lại hỏi con như vậy? Người ta có chồng và sắp có con rồi, con gặp để làm gì? Mẹ vớ vẩn thật!

- Ai chả biết chuyện đó. Mẹ đâu có nói con yêu thương cô ta và mẹ cũng đâu có nói cô ta yêu thương con. Nhưng mẹ nghĩ tình thân của con và Vân ngày còn bé quá đẹp, khi có dịp gặp lại nhau mà con tránh mặt, không nói vài lời hỏi thăm, có vẻ vô tình quá!

Ngẫm nghĩ một chút, mẹ nói tiếp:

- Hơn nữa có mẹ cùng đi với con mà, có gì là không minh bạch đâu? Con gặp Vân nói chuyện đàng hoàng cũng là điều lịch sự với nhau mà.

Thấy Thanh im lặng có vẻ xiêu lòng, mẹ mỉm cười:

- Thôi, để lúc về hãy vào thăm, tiện hơn. Mẹ cũng muốn gặp bà Tứ hỏi thăm một chút, lâu nay không thấy bà ấy đi chợ.

Sau khi thăm người bà con, Thanh và mẹ trở về. Không biết vô tình hay có chủ đích, khi hai người vừa đến gần đoạn đường trước nhà Vân, đã thấy nàng đứng tựa cửa như có ý đợi chờ. Vừa thấy Thanh và mẹ, Vân vồn vã chào hỏi:

- Chào bác Chánh và anh Thanh. Bác và anh vẫn khỏe chứ ạ?

- Cám ơn cháu Vân, Bác định tạt vào thăm mẹ cháu đây. Mẹ cháu có nhà không?

- Có bác ạ. Mẹ cháu hôm nay hơi khó chịu trong mình, đang nằm trên gác, để cháu lên gọi mẹ cháu xuống.

Nói xong, Vân đang định quay đi, nhưng mẹ Thanh ra tay cản lại:

- Thôi, khỏi phiền mẹ cháu xuống, để bác lên đó tiện hơn. Cháu ở dưới này nói chuyện với Thanh đi.

Dù có ngớ ngẩn, Thanh và Vân cũng biết rõ chủ ý của bà Chánh, muốn tránh mặt để cho họ có dịp nói chuyện với nhau. Khi bà Chánh vừa biến mất phía sau căn phòng khách. Khoảng không gian bao trùm Thanh và Vân hình như trở lên nặng nề, đầy âm vang ngượng ngập làm cho cả hai bối rối. Mãi một lúc sau, Thanh lấy lại được phần nào bình thản, anh hỏi nhẹ:

- Vân khoẻ không? Thanh xin lỗi vì không tham dự được đám cưới của Vân vừa rồi.

- Em cũng nghĩ anh sẽ không đến dự, nhưng...

Thanh vội vã ngắt lời:

- Thật ra ban đầu Thanh cũng muốn đi lắm, nhưng lại sợ mình quá buồn không tốt cho ngày vui của Vân nên đổi ý không đi nữa!

Tiếp theo là những kể lể về những kỷ niệm của những năm chơi đùa với nhau thủa ấu thơ, bầu không khí trở lên thoải mái hơn, mất đi vẻ ngại ngần ban đầu. Thanh hỏi Vân:

-Bao giờ em sinh nở?

-Hai tháng nữa anh ạ.

Vừa trả lời xong, với chút ngập ngừng Vân chậm rãi nói rất nhẹ như vừa đủ cho Thanh nghe:

- Thanh, anh đặt tên cho con em đi?

Thanh cau mày ra vẻ khó nghĩ với ý kiến lạ lùng của Vân. Hình như nhìn thấy ý nghĩ của Thanh, Vân nói tiếp:

- Ghi dấu kỷ niệm của một người bạn thời thơ ấu, có gì lạ lùng đâu Thanh? Anh đừng ngại gì cả.

Ngần ngừ một chút, ra vẻ suy nghĩ rồi Thanh nói nhẹ:

- Yểm, Hồng Yểm tên đó được không?

Vân giương mắt nhìn ra vẻ muốn Thanh giải thích thêm về ý nghĩa cái tên lạ kỳ mà anh vừa nói. Thanh đưa bàn tay xoa nhẹ lên gò má của mình, hơi nhăn mặt ra vẻ đau đớn, rồi mỉm cười anh giải thích:

- Yểm, tiếng Hán có nghĩa là gò má. Nếu con trai thì khỏi cần chữ đệm, con gái thì dùng chữ hồng để...

Chẳng để cho Thanh nói tiếp, Vân tỏ vẻ buồn bã nhìn Thanh nàng hỏi nhẹ:

- Anh vẫn không quên được lần quá đáng của em ngày đó sao? Vẫn còn giận dỗi vì lỗi lầm của em sao?

Ngần ngừ một chút, tỏ vẻ buồn bã, Thanh trả lời:

- Giận dỗi thì không, mà có gì để phải giận dỗi Vân đâu. Nhưng quên thì chắc không bao giờ quên được. Dù sao đó cũng là kỷ niệm mà bất cứ ai nếu có cũng không thể nào quên được!

&

Bước sang năm 1973, Khi Thanh vừa lên năm cuối cùng ban cử nhân, anh lại có một cuộc tình với một người bạn gái cùng trường, sau anh hai lớp. Ông bà Chánh và cha mẹ cô bạn gái đã gặp nhau, đồng ý tổ chức đám cưới cho Thanh vào cuối năm khi hoàn tất việc học. Nhưng dự định cũng lại bị gãy đổ, khi gia đình người bạn gái lấy cớ không hợp tuổi để từ chối, rồi cô ta kết hôn với người khác có nhiều điều kiện tốt đẹp hơn.

Ðây là một lần thất bại đau đớn nhất, làm thay đổi tương lai cuộc sống của Thanh. Mang cho anh cảm giác chán nản, buông xuôi mà kết quả cuối niên học Thanh đã không tốt nghiệp và phải động viên vào Thủ Ðức.

Vài tháng trước khi mãn khóa sĩ quan Thủ Ðức, trong lần về phép cuối tuần. Thanh ngẫu nhiên gặp Vân bế con đi bộ trên đường phố, trong dáng dấp thiểu não, mất tất cả vẻ khỏe mạnh vui tươi ngày trước. Trên đầu nàng và đứa con gái quàng chiếc khăn tang màu trắng còn mới. Trông thấy Thanh, Vân đứng sửng lại ngẩn ngơ như kẻ mất hồn, không lời chào hỏi! Thanh đoán có gì không may cho nàng, ngần ngừ anh hỏi:

- Vân, em có chuyện buồn phải không?

Vân im lặng, từ khoé mắt đôi dòng lệ chảy dài xuống gò má, mãi sau nàng mới nói:

- Vài tuần trước chồng em tử trận rồi anh ạ!

Thanh thừ người ra, anh không biết nói gì để chia sớt nỗi đau khổ hiện rõ trên khuôn mặt hốc hác, hơi xanh với những giọt lệ chảy dài trên đôi má của Vân. Vân ôm chặt đứa con gái vào lòng như muốn chuyền cho con sự ấm áp thương tâm mà hoàn cảnh đã đẩy đưa sự bất hạnh cho đời nó:

- Tội nghiệp con quá! Chỉ mới hơn 2 tuổi đầu đã mồ côi cha!

Thanh càng bối rối hơn, anh im lặng đưa tay nắm nhẹ lấy vai Vân, thẩn thờ nhìn sự âu yếm buồn bã của Vân đối với đứa con. Mãi một lúc tự thấy thái độ của mình có vẻ kịch cỡm và ngờ nghệch, Thanh mới chậm rãi với giọng buồn bã, an ủi nàng:

- Anh chỉ biết chia buồn vơí em mà thôi Vân ạ. Số phận là những gì mà người ta khó có thể đổi thay được! Nhất là trong cuộc chiến tranh khốc liệt này, có mấy người may mắn thoát khỏi một vài điều bất hạnh, khổ đau đâu.

Dừng lại một chút như để nhìn lại vị trí của mình trong bộ đồ quân nhân, Thanh nói tiếp:

- Em thấy không, anh cũng đã khởi đầu rồi... Có gì bảo đảm cho tương lai an toàn của anh đâu? Em cố gắng vững mạnh để sống với con, đó là điều cần thiết và thực tế nhất Vân à.

Hình như lời nói chí tình, cảm thông của Thanh đã mang được vài an ủi cho Vân, nàng đưa tay vuốt đi những giọt lệ trên khuôn mặt. Cố lấy lại vẻ tự nhiên, Vân nói với đứa con gái:

- Yểm, Hồng Yểm con chào bác Thanh đi!

Thanh giật mình, cảm động khi nghe Vân nói đến tên đứa bé. Ký ức chợt kéo anh trở lại hơn 2 năm về trước, trong lần gặp nhau, lúc đó Vân đang có thai. Vân đã nhờ anh đặt tên cho đứa con đầu lòng sắp sinh nở. Rồi cũng vì kỷ niệm thủa thơ ngây, anh đã đưa cho nàng cái tên Yểm để ghi dấu lần giận dỗi của anh và nàng... Hôm nay gặp lại, dù trong nỗi buồn đau và bất hạnh của Vân. Nhưng trong lòng anh vẫn thoáng nhẹ cái cảm giác xúc động nhè nhẹ dễ thương vì cái tên ghi dấu kỷ niệm thời ấu thơ.

Thái độ ngẩn ngơ của Thanh khi nghe Vân gọi tên đứa bé lộ hẳn ra trên mặt, nhưng có lẽ vì quá buồn đau Vân đã quên bẵng đi ý nghĩa và nguyên thủy của cái tên kỷ niệm của nàng và Thanh. Thanh vuốt đầu đứa bé gái, âu yếm bế nó lên tay nghe vài tiếng chào thỏ thẻ chưa rõ ràng của nó, ngần ngừ một chút anh nói nhẹ với Vân:

- Hồng Yểm! Cám ơn em, Vân ạ.

Lúc này thì Vân đã hiểu ra, nàng ngước mắt nhìn Thanh trong ánh mắt cảm động, khó hiểu.

&

Sau lần gặp gỡ đó, Thanh trở lại quân trường, cho đến ngày mãn khoá vào giữa năm 1974, anh không có dịp về phép Sài Gòn nữa. Ngày mãn khóa được diễn ra trong khói mù của chiến tranh, Thanh được điều động trực tiếp ra đơn vị chiến đấu để cung ứng cho đòi hỏi của chiến trường đang bước vào giai đọan khốc liệt.

Ðược khoảng hơn 3 tháng, trong một cuộc đụng độ dữ dội với địch quân. Thanh chỉ còn nhớ mang máng là đơn vị của anh trong lần tiến chiếm mục tiêu đã bị rơi vào ổ phục kích của địch, Thanh bị thương và được trực thăng cấp cứu.

Không biết qua bao nhiêu ngày mê man và giải phẩu, khi vừa mở mắt ra, người mà Thanh nhìn thấy đầu tiên là ba mẹ anh và toàn thể gia đình của hai người em. Mọi người nhìn Thanh với ánh mắt đầy đau thương, buồn bã. Cũng chính lúc nửa mê nửa tỉnh đó, cái nhói đau đã làm Thanh nhìn xuống phần dưới thân thể mình. Cảm giác đau buốt tâm can đến với Thanh, khi biết mình đã thành kẻ tàn phế, ống chân trái không còn nữa, phần đùi cũn cỡn đã được bó gọn gàng bằng băng vải trắng xóa.

Có lẽ nhìn thấy nỗi bàng hoàng, đau khổ hiện trên khuôn mặt Thanh. Bà Chánh đưa bàn tay âu yếm vuốt vài sợi tóc loà xòa trên vừng trán còn tái xanh của Thanh, với giọng nói êm ả nhưng không giấu được buồn rầu. Lo lắng:

-Thanh, con có đau lắm không? Tội nghiệp con quá!

Thanh vuốt cánh tay mẹ, im lặng nhìn những giọt nước mắt chảy giàn giụa trên khuôn mặt u ám đầy lo lắng của mẹ mà lòng anh quặn đau. Anh có cảm tưởng khuôn mặt của mẹ hôm nay như bị già đi vì đau khổ với bất hạnh của mình. Cố trấn tỉnh, lấy can đảm, nở nụ cười trên môi với giọng nói cứng mạnh Thanh an ủi mẹ:

- Mẹ đừng lo lắng làm gì cho khổ! Khối óc của con còn minh mẫn, đôi tay, mắt mũi còn toàn vẹn, con vẫn còn nhiều dịp để vươn lên mà. Trong cuộc chiến tranh hiện tại, sự mất mát của con như thế này vẫn còn may mắn hơn so với nhiều người khác đó mẹ.

Bà Chánh nắm lấy bàn tay đứa con trai nắn nhè nhẹ. Dù biết đó là những lời trấn an của con, muốn xua đuổi đi nỗi buồn đau trong lòng bà, nhưng dù sao lời nói đó cũng mang đến cho bà đôi phần an ủi vì sự bất hạnh không đến nỗi bà phải vĩnh viễn xa rời nó. Mấy năm vừa qua, bà biết rõ đứa con của bà đã liên tiếp gặp những chuyện buồn khổ. Qua mấy lần trắc trở yêu đương, dù nó không nói với bà, nhưng bà hiểu, những dở dang đó đã làm nó buồn chán, bỏ bê việc học hành.

Sáng hôm sau khi mấy người y tá vừa thay băng vết thương xong. Thanh nằm trên giường để mắt bâng quơ qua khung cửa sổ dõi theo vài con chim chuyền nhảy trên hàng cây điệp ngoài sân. Cảm giác cô đơn, buồn bã xấm chiếm tâm hồn, khi Thanh nhìn đến những ngày tháng sắp tới của đời mình với tấm thân tàn phế và việc học hành dở dang. Một tiếng động nhẹ làm Thanh giật mình quay lại khi thấy Vân và đứa con gái đã đứng sát bên chiếc giường của anh từ lúc nào, đôi mắt buồn bã, đẫm lệ đang nhìn anh. Thanh ngẩn ngơ, chưa kịp mở miệng, Vân đã nói:

- Anh Thanh, mẹ con em đến thăm anh đây!

Không giấu được sự mừng rỡ, ngạc nhiên, Thanh hỏi dồn dập:

- Vân, em đến đây bao giờ vậy? Làm sao em biết anh bị thương mà đến thăm?

- Chiều hôm qua, mẹ anh báo tin cho em đó!

Thanh ngước mắt, im lặng nhìn thật kỹ dáng dấp của Vân. Dù đã là một thiếu phụ nhưng vẫn còn những nét mù mờ của cô bé với biết bao nhiêu kỷ niệm thủa ấu thơ của anh. Vẫn cặp má hơi ốm, làn da mịn màng làm nổi bật đôi môi mỏng. Hình ảnh của ngày xưa, của lần giận dỗi trong trò chơi trốn tìm hiện lên trong trí nhớ, làm Thanh chợt hiểu ý tứ của mẹ khi báo tin cho Vân. Mẹ lại muốn nối lại tình thân giữa anh và Vân, người con gái mà mẹ yêu mến từ ngày nàng còn bé.

Nhưng khi vừa day thân mình, cảm giác nhói đau từ chiếc chân cụt đã kéo Thanh nhớ đến hiện trạng tàn phế của mình, cùng với nỗi đau đớn vì bị phản bội trong 2 cuộc tình dĩ vãng. Cảm giác tự ti và chán ngán, nghi ngờ tình yêu lại đổ ập đến nhắc nhở Thanh. Với giọng buồn bã Thanh nói với Vân:

- Cám ơn Vân, anh không dám phiền em đâu!

Vân ngẩn ngơ khi nghe câu trả lời của Thanh, ngẫm nghĩ một tí, nàng hỏi nhẹ:

- Anh không muốn em đến đây sao? Chắc anh có người khác lo lắng săn sóc cho anh rồi hả?

Thanh biết thái độ lạnh lùng, buồn chán của mình đã làm Vân hiểu lầm. Ngần ngừ tí chút rồi anh trả lời:

- Không! Em hiểu lầm rồi. Sau vài lần bị phản bội anh chẳng còn dám nghĩ đến yêu thương nữa. Huống chi ngày nay anh là một kẻ tàn tật Vân ạ! Anh....

Chẳng để Thanh nói tiếp, Vân ngắt lời:

- Thanh, anh tưởng rằng em không biết tình trạng bị thương của anh trước khi đến đây sao?

Vân âu yếm vuốt nhẹ trên khuôn mặt Thanh, nàng tiếp:

- Nếu anh không quên những kỷ niệm ngày xưa. Chúng mình sẽ nối tiếp trở lại, chẳng có gì ngăn cách được, Thanh ạ.

Thanh cảm động nắm lấy bàn tay Vân ép nhẹ lên khuôn mặt, bờ môi của mình. Niềm hạnh phúc ấm cúng lan khắp tâm hồn anh.

Thanh phải nằm bệnh viện hơn một tháng trời, Vân và Hồng Yểm gần như hằng ngày đều đến thăm nuôi, chăm sóc anh. Hạnh phúc cuả mối tình muộn màng luôn luôn hiện diện, nồng nàn giữa Thanh và hai mẹ con Vân. Mọi người trong gia đình Thanh cũng vui mừng vì cuộc đời anh đã được an ủi rất nhiều sau những khổ đau và thất bại.

Rời bệnh viện, mối tình gắn bó hơn bằng tất cả những ngọt ngào, chiều chuộng nhau. Sau những buổi chợ Vân thường bế Hồng Yểm đến với Thanh, mang cho anh những món ăn ngon ngọt. Những ngày rảnh rỗi, họ hẹn nhau đi phố, hình ảnh mái gia đình hạnh phúc với người vợ hiền thục, gắn bó thương yêu người chồng tàn tật bên đôi nạng gỗ, trong tiếng cười vui của đứa bé gái ngây ngô 3 tuổi trên đường phố, trong tiệm ăn. Ðôi khi đã làm cho vài khách bộ hành ngẩn ngơ, cảm động ngó theo.

Tháng 4 năm 1975, cuộc chiến tranh chấm dứt trong ngỡ ngàng của thời thế, đưa đến biết bao nhiêu đổi thay của cuộc sống. Gia đình Thanh cũng như hầu hết mọi người khác của miền Nam đã rơi vào một giai đoạn kinh hoàng của khó khăn. Ba Thanh, ông Chánh sau một lần bịnh hoạn đã bất thình lình ra đi trong thời điểm nhiễu nhương đổi thay đó.

Không hiểu vì đưa đẩy thế nào mà toàn thể gia đình hai người chị và bà Tứ, mẹ của Vân đã kịp di chuyển theo đoàn người di tản rồi được định cư tại Mỹ. Vân và bé gái Hồng Yểm còn ở lại.

Trong bối cảnh đó, tình thân thương của hai mẹ con Vân và Thanh cũng như gia đình anh càng trở nên thắm thiết. Mọi người nương tựa nhau, giúp đỡ nhau trong hoàn cảnh khó khăn về mọi mặt của xã hội như một đại gia đình đầy hạnh phúc. Mặc dầu sống tách biệt nhau, nhưng dưới mắt mẹ cũng như hai em của Thanh, Vân đã là thành viên ruột thịt của gia đình họ chưa chính thức mà thôi. Thanh và Vân dự định chờ đủ 3 năm mãn tang của của ba Thanh sẽ làm đám cưới và chính thức sống với nhau.

Cuộc sống hạnh phúc đó kéo dài được hơn 2 năm dù trong khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng lại đầy tràn hoan lạc, thương yêu. Những bất hạnh trong quá khứ, mặc cảm tự ti, chán nản sau hai lần tình yêu gãy đổ cũng như khiếm khuyết thân thể vì chiến cuộc... Tất cả đã dần dần biến mất trong cảm nghĩ, trí nhớ của Thanh. Thay vào đó là những tin tưởng, hạnh phúc của hiện tại để chờ đợi ngày mãn tang đang gần đến cho ngày đám cưới chính thức kết hợp thành một mái gia đình.

Nhưng cuộc sống vẫn có những hạt mầm của ngỡ ngàng phi lý. Ðôi khi mang cho người ta những buồn đau ngoài tính toán. Vân tự nhiên giảm dần việc đến nhà Thanh, thái độ thay đổi kỳ lạ, khó hiểu của nàng, không riêng gì Thanh mà tất cả mọi người trong gia đình anh linh cảm có điều gì khác lạ, không hay sắp xảy ra cho tình yêu của Thanh.

Tuy nhiên, trong cái xã hội hết sức phức tạp và đầy rẫy những mù mờ của vài năm sau 1975. Thanh nghĩ rằng Vân đang gặp điều gì khó khăn mà nàng không muốn thộ lộ với mọi người trong gia đình anh. Rất có thể những rắc rối riêng tư của gia đình mấy người chị và mẹ nàng ở bên Mỹ gửi về, hay lại có vài lộn xộn về bé Hồng Yểm với gia đình bên người chồng cũ của Vân như đã xảy ra vài lần trước đây?...

Nhưng bất thình lình, Thanh và gia đình bàng hoàng khi nhận được lá thư đoạn tuyệt của Vân:

Sàigòn, ngày... tháng... năm 1977

Anh Thanh thân mến,

Suốt mấy tháng vừa qua, em đã giấu anh một điều rất khó nói, đã giày vò em với biết bao nhiêu lưỡng lự. Nhưng hôm nay thì sự kiện đã rõ ràng rồi, em không thể giấu giếm anh được nữa. Em phải nói với anh, dù biết rằng sẽ làm anh buồn đau, hận ghét em.

Như anh đã biết, mẹ và hai người chị của em đang sống tại Mỹ, hầu hết những lá thư gửi về cho em đều nói đến vấn đề đoàn tụ. Mẹ em đã già, đau ốm liên miên, không biết sống chết lúc nào, mẹ chỉ ước ao được nhìn thấy em và bé Hồng Yểm được sang Mỹ, cùng sống với hai chị của em. Gia đình đã xếp đặt để cho em ra đi sang Pháp dưới dạng kết hôn với một người quen biết, rồi sau đó sẽ tìm cách sang Mỹ. (Thời gian này chỉ có con đường sang Pháp để ra đi chính thức được mà thôi.)

Em đã mang nhiều lưỡng lự trong hơn một năm vừa qua, bởi vì bên anh em đã tìm được quá nhiều hạnh phúc. Cái hạnh phúc của tình yêu nồng nàn mà anh dành cho em cũng như của tình thân gắn bó, chân thật mà mẹ anh cũng như hai người em của anh đối đãi với em trong nhiều năm qua.

Nhưng biết làm sao được khi hoàn cảnh đẩy đưa, bắt em phải chọn lựa. Cái chọn lựa khổ tâm với rất nhiều ân hận và đau buồn. Ðó là em phải ra đi, phải chấp nhận rời xa anh, dù em thật sự yêu anh! Em biết rằng sự lựa chọn miễn cưỡng của mình sẽ mang đến biết bao nhiêu buồn đau và tức giận nơi anh, nhưng em hy vọng anh hiểu cho hoàn cảnh của em, tha thứ cho em. Thời gian và ngăn cách sẽ là những cấu chất làm phai nhoà những buồn đau Thanh ạ.

Thôi, viết thế nào cho anh, cuối cùng vẫn là chia ly. Em cầu chúc mọi sự an lành và niềm vui mãi mãi đến với anh và mọi người trong gia đình.

Kính mến và thương yêu!

(Vân và Hồng Yểm )

Ðọc xong lá thư, Thanh thẩn thờ như người mất hồn, buông mình ngồi xuống chiếc ghế, đưa mắt nhìn bâng quơ ra phía ngoài đường mà lòng cảm thấy xót đau như bị cắt xé. Bà Chánh cầm lá thư lên, nhìn thoáng qua nét chữ và dáng điệu thất thần của đứa con trai tàn tật, bà cũng đoán được bất hạnh lại đổ lên cuộc đời của nó! Ðọc thoáng qua, bà buông tiếng thở dài buồn bã:

- Thanh, mẹ không ngờ Vân nó vô tình, bất nhân như thế! Mẹ xin lỗi con, chính mẹ đã tìm cách kết nối cho con để rồi ngày nay con lại nhận chịu lấy khổ đau.

Thanh khập khễnh đứng dậy, đưa đôi tay ôm lấy vai mẹ, miệng nở nụ cười cay đắng, anh nói:

- Tại sao mẹ xin lỗi con nhỉ? Con người vô tình, giả dối khéo léo như vậy, mẹ con ta làm sao mà ngờ được!

Ngẫm nghĩ một chút rồi Thanh tiếp:

- Hơn nữa đó cũng là số phận của con mà thôi mẹ a! Từ nay con sẽ không dại khờ nữa. Ba lần đau khổ vì phản bội, dễ tin đã quá đủ cho con biết rằng đời con chẳng còn gì để mất mát nữa.

***

Vân ra đi được khoảng gần hai năm, hoàn toàn im lặng, chẳng có một lá thư nào gửi về. Cuộc sống của gia đình Thanh cũng như phần lớn người VN khác, vẫn bị cơn lốc xoáy của thời cuộc nhấn sâu vào đói khổ. Vẫn phải làm việc quần quật kiếm ăn, phải tìm đủ cách sinh tồn với những bữa cơm độn bo bo hằng ngày. Trong hoàn cảnh cùng cực đó Thanh chẳng còn thời gian và trí não để nhớ đến hay giận hờn người đàn bà phản bội mà một lần mình đã yêu đương. Mẹ và hai đứa em của Thanh cũng không bao giờ nhắc nhở, cố tránh khơi dậy nỗi đau đớn thầm kín mà mọi người biết chắc chắn vẫn còn rướm máu trong lòng anh.

Một buổi sáng khi Thanh đang ngồi trong nhà đọc vớ vẩn vài tờ báo. Bất chợt một người đàn ông vơí chiếc xe Honda, khá sang trọng dừng trước cửa nhà. Với vẻ mặt mừng rỡ như quen thuộc anh từ lâu, ông ta bước vào nhà hỏi Thanh:

- Ông là ông Thanh phải không?

Thanh ngẩn ngơ nhìn ông ta trong thắc mắc, nhưng cũng trả lời:

- Vâng, Có chuyện gì liên quan đến tôi vậy?

- Tôi đang kiếm ông đây. Người nhà tôi ở ngoại quốc, nói tôi tìm ông để đưa cho ông món tiền tương đương với 200 dollars Mỹ (khá to vào cuối thập niên 1970).

Nói xong ông ta móc trong cặp ra một bịch tiền, cùng một tờ giấy và cái bút:

- Xin ông viết cho tôi vài hàng vào tờ giấy này để tôi gửi đi, báo tin là ông đã nhận tiền rồi.

Thanh giương mắt nhìn ông ta với tất cả ngạc nhiên. Thật rõ ràng Thanh nói:

- Ông lầm người rồi! Tôi chẳng có ai quen biết thân thiết ở ngoại quốc, đến độ họ gửi tặng cho tôi món tiền lớn như thế đâu! Ông nên hỏi lại người quen của ông để không gây ra rắc rối cho ông và cả cho tôi nữa.

- Ông Thanh, tôi không lầm đâu. Chẳng nhẽ sai địa chỉ còn sai cả hình dạng mà người quen tôi viết cho tôi nữa sao?

Ngần ngừ một tí, ông ta nói rất nhẹ, đủ để Thanh nghe:

- Ông có phải là chuẩn úy Sư Ðoàn 25 VNCH không? Và ông có phải là phế binh, mất chân trái không?... Tôi không lầm đâu ông Thanh à. Ông cứ nhận đi...

Thanh vội vã ngắt lời ông ta:

- Nhưng lạ quá! Tôi chắc với ông, không có ai tốt đến độ gửi tiền bạc khơi khơi cho tôi như vậy đâu! Tôi nhận rồi, người quen của ông tìm ra sự nhầm lẫn thì làm sao tôi có tiền mà trả lại cho ông được? Thôi, ông mang về đi, hỏi người quen ông cho chắc chắn vẫn hơn.

- Ông Thanh à, tôi biết chắc chắn tiền này gửi cho ông mà! Ông đừng lo, mọi sự sai lầm nếu xảy ra tôi chịu trách nhiệm.

Thấy Thanhvẫn còn ngần ngại, chưa quyết định. Ông ta ghé sát vào tai Thanh nói nhỏ:

- Theo tôi nghĩ, Hội cưụ chiến binh VNCH ở hải ngoại giúp đỡ ông đó...

Thanh ngẩn ngơ với lời giải thích qúa hợp lý của ông ta, quay sang nhìn mẹ như hỏi ý kiến. Mẹ hơi gật đầu nói với Thanh:

- Ông ta đã nói chắc như vậy thì con cứ nhận đi.

Rồi bà quay sang ngươì đàn ông, với giọng rất minh bạch:

- Nếu có gì lầm lẫn, sai trái, mong ông đừng đổ trách nhiệm lên đầu chúng tôi nhé!

- Bác và anh Thanh đừng lo, cháu không đến nỗi ngu muội đưa một món tiền lớn ra làm trò đùa đâu.

Món tiền đó, phải gọi là vĩ đại cho hoàn cảnh cùng túng vào thời điểm quá khó khăn đó. Nó đã giải quyết biết bao nhiêu vấn đề sinh sống cho Thanh và mọi người trong gia đình.

Rồi lạ kỳ lại tiếp nối, khoảng 3 tháng sau lại cũng người đàn ông đó đến, lần này thì chẳng còn gì để bàn cãi, tranh luận đúng sai nữa. Ông ta cho biết, do một nhóm cựu sĩ quan VNCH ngày xưa đóng góp.

Sau đó lại cứ khoảng 3 hay 4 tháng Thanh lại nhận được những giúp đỡ tương tự, khi bằng ngoại tệ, khi bằng tiền Việt Nam. Người đưa tiền cũng thay đổi luôn, lúc thì một Việt kiều, khi thì một kẻ trung gian ăn lời... Ðặc biệt là chẳng ai nói rõ tên, địa chỉ của ân nhân hay hội đoàn giúp đỡ, dù Thanh gặng hỏi. Thanh chỉ nói được vài lời cám ơn hay viết lá thư tổng quát tỏ bày cảm động biết ơn sự giúp đỡ đó mà thôi.

Sự giúp đỡ liên tục như vậy kéo dài suốt gần 15 năm trời, gia đình Thanh đã dư giả và còn có vốn để làm ăn. Cuộc sống của gia đình Thanh thay đổi hoàn toàn. Từ thiếu ăn khổ cực đến nhàn nhã sung túc. Từ chật chội với 12 người lớn bé, chui rúc trong căn nhà lụp xụp trong xóm, đã được thay bằng một căn nhà 3 tầng lầu khang trang ở mặt đường lộ để cho cô em gái mở tiệm may ở tầng trệt.

Bước sang thập niên 1990, Mẹ đã già yếu, Thanh cũng đã gần 50, sức khoẻ sau lần bị nạn trong chiến tranh cũng đã xuống rất nhiều, vì vậy Thanh và mẹ cũng chỉ quanh quẩn ở nhà giúp đỡ phần nào cho gia đình cô em gái hay chăm sóc việc học cho vài đứa cháu mà thôi.

Một buổi chiều, Thanh đang ngồi đọc báo trong phòng khách. Chị thợ may dẫn vào một cô gái, khá sang trọng, còn trẻ khoảng trên dưới 20 tuổi. Vừa trông thấy Thanh, cô ta mừng rỡ chào hỏi:

- Bác Thanh, bác có khoẻ mạnh không?

Nhìn thấy nét ngỡ ngàng, xa lạ của Thanh, cô ta cười nói tiếp:

- Bác không nhận ra cháu sao?

Thanh cau mày, cố lục lọi trí nhớ để tìm ra sự quen biết với cô ta, nhưng đành chịu. Anh nói với cô ta:

- Xin lỗi cô, tôi chẳng nhận ra cô là ai cả.

Cô gái mỉm cười có vẻ thích thú vì sự lạ lùng của Thanh:

- Cháu là Hồng Yểm đây!

Thanh ngẩn ngơ, nhìn thật kỹ cô gái, lúc đó anh mới tìm được một vài điểm quen thuộc của cô bé Hồng Yểm đã hơn 17 năm ngày trước. Cô bé 4, 5 tuổi mà anh đã từng ẵm bế, thân thương. Nhưng cũng ngay lúc đó cảm giác uất hận, đau đớn đổ dồn đến xoáy buốt tâm hồn anh. Hình ảnh người đàn bà phản bội, bạc tình, lừa dối lại hiện ra trong trí nhớ anh. Phải cố trấn tỉnh, Thanh mới không phát ra những lời sỗ sàng, xua đuổi cô gái ra khỏi nhà. Thanh nhíu lông mày nhìn cô gái trong ánh mắt lạnh lùng, không vui, anh nói với cô ta:

- Vâng, chào bà. Tôi đã nhận ra bà rồi!

Chẳng để cho cô gái trả lời Thanh đay nghiến tiếp:

- Bà đến đây để làm gì vậy? Tôi nhờ bà nói với mẹ của bà, tôi chẳng còn gì để mẹ con bà lợi dụng nữa đâu!

Giơ chiếc chân trái tàn phế về hướng cô gái, anh tiếp:

- Bà thấy không, với cái thân thể tàn tật, khiếm khuyết này làm sao xứng đáng với cái danh giá cao sang của mẹ con bà được?

Dù nhìn thấy nét mặt đau khổ, ngẩn ngơ của cô gái, Thanh cũng không bớt được cơn giận dữ. Anh phẩy tay về phía cô gái:

- Thôi bà để tôi yên, bà về đi! Tôi không còn dại khờ để bị lừa đảo, phản bội lần nữa đâu. Mời bà ra khỏi nhà tôi!

Cô gái đau khổ nhìn sự tức giận của Thanh. Mãi một lúc sau, nét mặt ướt đẫm vì dòng lệ đang chảy ra từ đôi mắt. Cô gái nói thật nhẹ trong tiếng khóc:

- Bác Thanh! Mẹ cháu không còn nữa, vừa mất hai tháng nay. Mẹ cháu đã sống trong hối hận, trong đau khổ suốt hơn 17 năm qua! Từ ngày rời xa bác.

- Thật buồn cho mẹ của bà! Nhưng có gì để liên quan đến tôi chứ?

Cô gái lại nói như năn nỉ:

- Bác Thanh, bác hãy bình tĩnh lại để hiểu và tha thứ cho mẹ cháu.

Vừa nói, cô ta vừa mở chiếc xách tay, rút ra một lá thư đưa tận tay Thanh với thái độ buồn bã cô ta nói rất nhẹ:

- Bác hãy đọc lá thư này của mẹ cháu gửi cho bác, trước khi mất. Sau khi đọc xong, nếu bác còn nghĩ rằng mẹ cháu là ngươì đáng nguyền rủa. Cháu không đủ tư cách làm đứa cháu của bác như mẹ cháu mong muốn, cháu sẽ rời xa bác ngay, vĩnh viễn không bao giờ làm phiền đến bác nữa!

Cầm lá thư trong tay, Thanh định xé tan nó trước mắt cô gái để tỏ lòng thù hận mà anh đã tích chứa trong 17 năm vừa qua. Nhưng khi ngước lên nhìn khuôn mặt đau khổ đầy nước mắt của cô gái. Ký ức lại kéo anh trở về với hơn 2 năm trời ấm cúng, hạnh phúc với mẹ cô ta. Anh đã từng bế ẵm cô ta trong tay mình với biết bao nhiêu nồng nàn như tình cha con. Cái tên Nguyễn Thị Hồng Yểm của cô ta cũng chính do anh đặt ra để kỷ niệm lần giận hờn ngây ngô thủa ấu thơ của Thanh và mẹ cô ta... Tất cả những cái đẹp đẽ, kỷ niệm xa xăm đó đã trở lại hiện ra trước mắt Thanh, làm anh ngần ngừ tí chút rồi cũng mở lá thư ra đọc:


Cali, ngày... tháng... năm 1994

Anh Thanh thương mến,

Ðã hơn 17 năm qua rồi. Thời gian, đã tưởng rằng đã quá đủ dài để chôn vùi được những kỷ niệm thủa ấu thơ và hơn hai năm yêu nhau ngọt bùi, hạnh phúc của chúng mình từ ngày anh bị thương vào bịnh viện.

Nhưng hôm nay đứng trước một mất mát cuối cùng của đời mình. Em lại muốn tâm sự với anh, khơi lại những buồn đau, giận ghét trong lòng anh vì sự bạc tình, bất nghĩa của em đối với anh. Nhưng em cũng muốn kể lể, giải thích cho anh những lý do đau lòng và hình như rất hợp lý mà em đã chọn lựa để xa anh hơn 17 năm về trước.

Như anh đã biết, em đã mất cha từ ngày còn bé, lúc mẹ em vẫn còn xuân trẻ. Mẹ em đã ở vậy, dành hết tình thương cho 3 đứa con gái mà em là út. Rồi biến cố năm 1975 xảy đến làm đảo lộn tất cả nếp sống của gia đình em. Mẹ em và hai chị đã ra đi, em còn sót lại. Sang bên xứ lạ, quê người, mẹ em buồn khóc vì không thể nào quên được em, vì thế hai người chị đã tìm đủ mọi cách để làm sao em phải đến được Mỹ. Lúc đó trực tiếp đi Mỹ dưới dạng bảo lãnh cho con chưa được xét đến, vì vậy gia đình em đã phải dùng con đường kết hôn với một người quen. Anh ta có quốc tịch Pháp và điều kiện để mang em đi Mỹ sau khi em đến Pháp.

Em đã lưỡng lự rất nhiều trước khi quyết định vì em thật sự yêu anh, không muốn rời xa anh, vì bên anh em đã tìm thấy hạnh phúc. Nhưng khi nghĩ đến hoàn cảnh lo buồn, bệnh hoạn của mẹ, em đã chọn lựa lỗi lầm với anh, nhận lấy sự hối hận ray rứt cho đến ngày nhắm mắt để được gần mẹ và hai người chị của em.

Dù đã hình dung ra những khổ đau khi chọn lựa mất anh, nhưng khi sang được Pháp, rồi đến Mỹ. Em mới thực sự hiểu rõ thế nào là nghĩa của hai chữ yêu đương! Em không thể nào quên được anh, nhớ anh ban ngày và thường gặp anh trong mơ! Người đàn ông bên cạnh em chỉ là chiếc bóng mờ nhạt, không tình cảm, để rồi kết quả là sự chấm dứt sau hơn một năm chung sống.

Sau đó em đi làm việc và cùng bé Hồng Yểm trở về sống với mẹ em, nhưng cũng chỉ được vài năm, mẹ em mất. Em đi làm việc, cố gắng dành dụm, tìm cách gửi tí chút về giúp đỡ anh. Em biết rằng nếu nói thật, chắc chắn anh sẽ không nhận sự giúp đỡ của em, vì vậy em đã ngụy tạo ra lý do để cho anh an lòng chấp nhận.

Anh Thanh thương mến, suốt hơn 17 năm qua em đã sống trong ân hận vì đã gây đau khổ cho anh. Nhưng chính lúc này đây em tự hỏi, nếu hoàn cảnh lặp lại giống như vậy một lần nữa, em có dám vì yêu anh mà rời xa người mẹ kính yêu, đã một đời hy sinh cho em được không? Có lẽ là không anh Thanh ạ! Chính vì vậy em viết lá thư này đến anh, chỉ mong anh thông hiểu và tha thứ cho em đã vì hoàn cảnh mà gây ra đau khổ cho anh.

Anh thương, Anh có bao giờ nghĩ rằng suốt 17 năm qua em đã bao nhiêu lần muốn viết thư, muốn liên lạc với anh để xin anh tha thứ và cho em lại được gần anh? Anh có biết rằng đã vài lần về nước, em đứng xa xa nhìn về căn nhà của anh. Trông thấy anh thấp thoáng mà lệ chảy rồi em xót đau ra đi. Chỉ vì em nghĩ rằng sự hận ghét vẫn còn đầy ắp trong lòng anh và nỗi ngượng ngùng, xấu hổ vẫn chưa nguôi trong trí nhớ của em... Những cảm giác đó đã làm em ngại ngùng, không đủ can đảm tìm đến anh, mặc dù em vẫn yêu anh.

Em đã tưởng rằng cuộc sống của mình sẽ mãi mãi trong trạng huống ngăn cách đó. Nhưng mấy tháng trước sau một lần bị bệnh, em phải vào bệnh viện và khám phá ra bệnh ung thư gan đã đến thời kỳ tuyệt vọng. Hôm nay, đứng trước ngưỡng cửa của tử thần, em cố dành sự bình thản viết lá thư này cho anh, nhờ Hồng Yểm đưa tận tay anh. Lá thư cuối cùng viết cho anh để rồi em sửa soạn vĩnh viễn ra đi. Lá thư mong anh chấp nhận tha thứ cho em những lỗi lầm mà em đã vì hoàn cảnh đem đến cho anh những khổ đau giận ghét trong 17 năm qua. Em cũng mong ước anh chấp nhận, coi Hồng Yểm là đứa cháu của anh như ngày xưa anh đã từng ẵm bế thương yêu. Nó sẽ giúp đỡ cưu mang anh như một đứa cháu trả nghĩa cho người bác mà mẹ nó yêu thương nhưng vì hoàn cảnh mà gây lên lầm lỗi!

Anh Thanh thương, những kỷ niệm thời ấu thơ và bóng hình anh sẽ chẳng bao giờ xóa nhòa trong trí nhớ và tâm hồn em, dù cho chúng ta miên viễn xa nhau.

Thương anh

( Vân )

Ðọc xong lá thư, Thanh thẫn thờ buông mình, ngồi xuống chiếc sofa. Anh không ngờ, suốt 15 năm vừa qua, nhờ những đồng tiền mà anh đã nhận được, đã nuôi sống, tạo hạnh phúc, ấm êm cho đại gia đình anh qua cơn đói khổ buổi giao thời, lại là mồ hôi, sức lực của Vân, người đàn bà mà không bao giờ anh quên với lòng hận ghét! Bây giờ đứng trước sự thật, lòng tốt và tình nghĩa của Vân đã hiện rõ làm anh hối hận, cảm động.

Thanh ngước đầu nhìn ra phía ngoài đường, từ khoé mắt anh hai dòng lệ chảy dài xuống gò má, với âm thanh buồn bã anh nói:

- Vân, anh cám ơn em, tội nghiệp em quá!

Hồng Yểm yên lặng nhìn xúc cảm đau đớn hiện rõ trên nét mặt Thanh. Cô ta nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh Thanh, nắm lấy cánh tay anh, đưa mắt nhìn Thanh như cầu khẩn:

- Bác Thanh, bác tha lỗi cho mẹ cháu nhé!

- Cháu Hồng Yểm, Nguyễn thị Hồng Yểm! Mẹ cháu chẳng có lỗi lầm gì với bác cả. Mà chỉ vì Hoàn cảnh và Ðịnh mệnh oái oăm đã đẩy mẹ cháu và bác ra xa nhau mà thôi. Còn cháu, cháu sẽ mãi mãi là người cháu mà bác thương yêu như mẹ cháu mong chờ.

Im lặng một chút, đưa ánh mắt buồn bã nhìn xa xa, Thanh nói nhẹ vu vơ:

- Vân, em đã sai lầm, em đã nhìn không chính xác về anh! Những lần em về Việt Nam, cũng như em đã ngại ngần không liên lạc, gặp gỡ lại anh. Vân ơi, em đâu có biết được rằng, sự giận ghét của anh làm sao có thể so sánh được với tình yêu sâu kín, nồng nàn mà anh luôn luôn dành cho em!

Bà Chánh im lặng ngồi ở góc phòng. Dù không đọc lá thư của Vân nhưng tất cả những diễn tiến đã cho bà hiểu rõ vấn đề. Bà không hề lầm lẫn về Vân, đứa con gái mà bà thương yêu từ ngày còn ấu thơ. Bà biết chắc chắn nó không phải là dạng người mang cá tính phản bội và dễ quên kỷ niệm. Bà cũng biết Thanh đứa con trai của bà nói rất đúng, sự giận ghét trong lòng nó làm sao có thể sánh được với tình yêu mà nó ấp ủ trong tim được. Buồn bã, bà chép miệng nhắc lại câu nói của Thanh:

- Hoàn cảnh và định mệnh đã đẩy hai đứa chúng xa nhau!




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


Kinh Bi Hoa


Chắp tay lạy người


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.235.100 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...