Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Người khôn ngoan học được nhiều hơn từ một câu hỏi ngốc nghếch so với những gì kẻ ngốc nghếch học được từ một câu trả lời khôn ngoan. (A wise man can learn more from a foolish question than a fool can learn from a wise answer.)Bruce Lee
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tiểu luận Phật giáo »» Thiền Tông Như Bè Pháp Qua Sông »»

Tiểu luận Phật giáo
»» Thiền Tông Như Bè Pháp Qua Sông

Donate

(Lượt xem: 7.682)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Thiền Tông Như Bè Pháp Qua Sông

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Bài này ghi lại một số lời dạy về Thiền Tông – để thấy rằng trong tận cùng, tất cả các phương tiện chư Tổ sử dụng khi truyền pháp chỉ là các bè pháp để lìa tham sân si, bằng cách nhận ra bản tâm vốn đã tròn đầy giới định huệ. Khi nhận ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt các lời Đức Phật dạy qua nhiều thời kỳ khác nhau, sẽ thấy tất cả đều tương thông, trong tận cùng là không dị biệt, không trái nghịch giữa các truyền thống, dù là Nam Tông hay Bắc Tông. Với người đã sống được trong các pháp ấn vô thường, vô ngã… lúc đó không thấy còn bè pháp nào nữa, vì sẽ thấy tất cả các phương tiện tu học chỉ là sản phẩm của tâm quá khứ, chỉ là thêu dệt từ những ngũ uấn của ngày hôm qua và hôm kia, trong khi cái hiện tiền chảy xiết ngay bây giờ là cái dòng tịch lặng vô thường bất khả ngôn thuyết. Cũng y hệt như khi đã nắm được bâu áo tràng (cổ áo tràng), tự động chiếc áo sẽ xuôi một dòng, phẳng lì, không rời tay mình bất kể khi đi đứng nhanh hay chậm, lúc đó cũng chẳng bận tâm tới tay áo nghiêng về phía Nam hay Bắc, cũng không thắc mắc chuyện tà áo cách tân kiểu phát triển hay lướt thướt kiểu trưởng lão.

.

Lời dạy thường nhật của Thiền Tông là nhận ra tự tánh các pháp vốn rỗng rang vô tự tánh. Đó là lý do các chùa tụng hàng ngày bài Bát Nhã Tâm Kinh, với lời dạy: Sắc tức thị không, không tức thị sắc.

Nghĩa là, sắc (cái được thấy, được nghe, được cảm thọ…) chính thực là rỗng rang vô tự tánh. Chính những gì chúng ta thấy nghe hay biết đã và đang hình thành thế giới này, và khi nhận ra gương tâm vốn tịch lặng rỗng rang đó, tự động các bụi sẽ rơi rụng dần.

Thí dụ, như khi gặp một cô ca sĩ xinh đẹp hát với giọng ca quyến rũ (một hoàn cảnh chúng ta có thể gặp thường trực, hàng tuần qua lễ hội hay hàng ngày qua truyền hình), hễ chúng ta thấy nghe hay biết qua trần, tâm sẽ dao động, ô nhiễm; hễ thấy nghe hay biết qua thức, tâm sẽ sinh biện biệt phan duyên; và chỉ khi thấy nghe hay biết qua tự tánh rỗng rang của gương tâm, sẽ nhận ra tất cả những cái gọi là mình và thế giới cũng chỉ là rỗng rang Như Thị. Nghĩa là, người và giọng ca hiện lên là trong sanh diệt, sẽ tới rồi đi; trong khi tánh gương sáng là lìa sanh diệt, là vô sanh diệt, trong ba thời vẫn luôn là như thế.

Y hệt như thế, trong Tiểu Bộ của Tạng Pali, có Kinh Sn 5.15 trong nhóm Kinh Tập, trích như sau:

“1118. Do vậy, con xin hỏi vị Có Mắt Tối Thượng: Nên nhìn thế giới như thế nào để Thần Chết không nhìn thấy mình?

1119. [Đức Phật] Hỡi Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không thể thấy người đã nhìn thế giới này như thế.” (1)

Tương tự, trong Kinh SN 35.242 (Kinh Đàn Tỳ Bà), Đức Phật kể về một nhà vua nghe tiếng đàn tỳ bà, nhận ra tiếng đàn khả ái, khả lạc, mê ly, say đắm, hấp dẫn nên ra lệnh triều đình đi tìm tiếng đàn, chẻ cây đàn tỳ bà làm cả trăm mảnh, nhưng cũng không tìm ra, vì tiếng đàn là do nhiều nhân duyên mới thành. (2)

.

Một lời dạy thường gặp khác của Thiền Tông là vô sở trụ. Tức là tâm không chỗ trụ, tức là không để tâm dính vào bất kỳ sắc thanh hương vị xúc pháp nào.

Theo Thiền sử, Ngài Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa, mang theo Kinh Lăng Già để dạy Thiền. Kinh này là ly tứ cú, tuyệt bách phi – nghĩa là, không dính vào bất kỳ mệnh đề nào trong bốn câu và dứt bặt một trăm mệnh đề về không. Nhiều thập niên sau, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn dạy Thiền qua Kinh Kim Cang, tông chỉ là ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, tức là không để tâm trụ vào bất kỳ nơi nào (dù là 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới) thì Niết bàn diệu tâm sẽ hiển lộ.

Lời dạy vô sở trụ trong tiếng Anh là “no clinging” – có khi dịch là không nắm giữ, không chấp thủ “no grasping”… Trong bản Anh ngữ Diamond Sutra (Kinh Kim Cương), James M. Ford dịch là "Without clinging they find the boundless mind.”

Trong sách Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận của Đại Sư Huệ Hải, bản Việt dịch của Thầy Thích Thanh Từ, giải thích:

“Chẳng trụ tất cả chỗ là: Chẳng trụ nơi lành dữ, có không, trong ngoài, chặng giữa, chẳng trụ không, cũng chẳng trụ chẳng không, chẳng trụ định, cũng chẳng trụ chẳng định, tức là chẳng trụ tất cả chỗ. Chỉ cái chẳng trụ tất cả chỗ, ấy là chỗ trụ. Người được như thế, gọi là tâm không trụ. Tâm không trụ là tâm Phật.” (3)

Tâm không chỗ trụ cũng có nghĩa là không trụ tâm vào quá khứ hay tương lai, chỉ an tâm vào hiện tại, nhưng vì hiện tại chảy xiết như hoa đốm trong mơ, cũng có nghĩa là tâm không trụ vào cả ba thời quá, hiện, vị lại. Như thế là tức khắc Niết bàn.

.

Trong Kinh Sn 5.11 thuộc nhóm Kinh Tập ở Tạng Pali, Đức Phật dạy:

“1098. [Đức Phật] Hỡi Jatukanni, hãy gỡ bỏ lòng tham ái dục, hãy nhìn thấy an toàn trong hạnh xuất ly. Chớ để trong tâm khởi lên ý muốn nắm giữ hay xua đẩy gì.

1099. Hãy để khô héo tất cả những gì của quá khứ, và chớ hề có chút gì dính tới tương lai. Nếu con không nắm giữ gì trong chặng giữa (hiện tại), con sẽ sống trong bình an.” (4)

Vô sở trụ cũng được giải thích trong Thiếu Thất Lục Môn của Bồ Đề Đạt Ma: “Ngoại tức chư duyên, nội tâm vô đoan, tâm như tường bích, khả dĩ nhập đạo.” (Bên ngoài dứt bặt muôn duyên, bên trong không còn tư lường tăm hơi manh mối gì, tâm y hệt như tường vách không chỗ bấu víu, lúc đó mới có thể vào đạo.) Vô sở trụ còn có nghĩa là buông bỏ, là phóng hạ -- trong ý chỉ Tào Động là buông bỏ thân tâm, phóng hạ thân tâm. Là, không dính vào bất kỳ chút gì trong năm uẩn của thân tâm trong ba thời quá, hiện, vị lai. Cũng có hình ảnh tâm vô sở trụ là: trâu bùn qua sông.

.

Tới đây, một người quen đọc Kinh Pali sẽ có thể có câu hỏi: Tâm không chỗ trụ như thế có liên hệ gì tới sơ thiền… có liên hệ gì tới đoạn tận lậu hoặc để chứng quả A La Hán?

Câu trả lời sẽ gồm 2 phần: Tâm không chỗ trụ là một lối vào sơ thiền… nhẫn tới vào tứ thiền, nhẫn tới chứng quả A La Hán.

Trả lời phần thứ nhất, rằng vô sở trụ sẽ vào sơ thiền, cho tới tứ thiền… Có hai Kinh – Kinh SN 48.9, Kinh SN 48.10 -- trong nhóm Kinh Tương Ưng Bộ, ghi rằng vô sở trụ là cách vào sơ thiền, vào nhị thiền, vào tam thiền, vào tứ thiền… Nơi đây, chúng ta sẽ dẫn Kinh SN 48.10, cho thấy tâm vô sở trụ là sẽ hoàn tất các pháp định. Ý chỉ Vô sở trụ trong Kinh SN 48.10 được Thầy Thích Minh Châu dịch là “từ bỏ pháp sở duyên sẽ được định… ly dục, ly bất thiện pháp sẽ chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất”…

Bản dịch này trích như sau:

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử, sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ … an trú Thiền thứ hai … an trú Thiền thứ ba … từ bỏ lạc, từ bỏ khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.” (5)

Nên đọc thêm nơi ghi chú (5) sẽ trích từ cả 2 bản Anh dịch của Sujato và Thanissaro để nghĩa này sáng tỏ hơn.

Trả lời phần thứ nhì, rằng vô sở trụ sẽ tận cùng đi tới giải thoát. Có rất nhiều Kinh trong Tạng Pali nói như thế.

--- Như trong Kinh Sn 3.12 bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu, viết rằng sau khi Đức Phật giải thích về một số câu hỏi, thì “the minds of 60 monks, through lack of clinging, were fully released from fermentation” (tâm của 60 vị sư, nhờ tâm không trụ vào bất kỳ pháp nào, đã được hoàn toàn giải thoát khỏi các lậu hoặc). (6)

Bản Anh dịch của Bhikkhu Sujato viết: “And while this explanation was being spoken the minds of sixty bhikkhus were freed from the corruptions without grasping.” (Và trong khi giải thích này được nói lên, tâm của 60 nhà sư đoạn tận lậu hoặc nhờ không nắm giữ bất cứ gì). (6)

.

Tâm vô sở trụ là giải thoát – ý này còn được nói minh bạch trong Kinh SN 22.63 của Tương Ưng Bộ, khi một nhà sư tới bạch Đức Phật, xin một lời ngắn gọn để sư này lui về một góc rừng sống đơn độc, tu tới khi giải thoát.

Kinh SN 22.63, bản dịch của Thầy Thích Minh Châu, trích:

“—Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp tóm tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

—Ai chấp trước, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.” (7)

Kinh SN 22.63, bản Anh dịch của Bhikkhu Bodhi viết: “Bhikkhu, in clinging one is bound by Mara; by not clinging one is freed from the Evil One.” (7)

Kinh SN 22.63, bản Anh dịch của Bhikkhu Sujato viết: “When you grasp, mendicant, you’re bound by Māra. Not grasping, you’re free from the Wicked One.” (7)

Đó chính là Kinh Kim Cương. Là vô sở trụ, là tông chỉ Thiền Tông, là không một pháp để làm, là không cửa để vào.

.

Có một lời dạy cũng thường nói trong Thiền Tông là hãy sống với sát na sinh diệt. Cũng có nghĩa là cảm thọ vô thường trong từng khoảnh khắc. Một số công án thường nói “nghĩ ngợi là trễ rồi”… Nhưng cái gương tâm cảm thọ vô thường dó vẫn là vô sinh diệt. Không phải vì có tiếng chim kêu thì tánh nghe mới sinh, không phải vì tiếng chim lặng mà tánh nghe diệt mất. Nhận ra sát na sinh diệt cũng là nhận ra bản tâm vốn bất sinh bất diệt và trong cái sát na sinh diệt đó đã sẵn lìa tham sân si.

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Phẩm Cơ Duyên Thứ Bẩy, bản dịch của Thầy Thích Duy Lực, ghi lời Lục Tổ Huệ Năng dạy ngài Chí Đạo, trích:

“...chơn lạc của Niết Bàn, sát na chẳng có tướng sanh, sát na chẳng có tướng diệt, cũng chẳng có sanh diệt để diệt, ấy tức là tịch diệt hiện tiền. Đang lúc hiện tiền, cũng chẳng có số lượng hiện tiền, nghĩa là chẳng có một tí khái niệm nào về không gian, thời gian, và số lượng của tịch diệt hiện tiền, mới gọi là thường đức, lạc đức, nghĩa là chơn vui. Vui này chẳng có kẻ thọ dụng, cũng chẳng có kẻ không thọ dụng...”(8)

Trong khi sống với cái sát na sinh diệt đó, sẽ thấy “không hề có ai” và sẽ thấy “không hề có cái của ai”… Chỉ duy nhận ra cái dòng chảy vô thường được cảm thọ trên thân tâm đang sinh diệt từng khoảnh khắc.

Nơi đây, chúng ta dẫn ra một câu chuyện Thiền, ngài Mã Tổ đi trên đường cùng với đệ tử là ngài Bách Trượng. Thấy một con vịt trời bay lên vì nghe động.

Mã Tổ hỏi Bách Trượng: Cái gì vậy?

Bách Trượng đáp: Con vịt trời.

Mã Tổ hỏi: Đâu rồi?

Bách Trượng đáp: Bay mất rồi.

Ngài Mã Tổ đưa ta véo mũi ngài Bách Trượng một cái.

Bách Trượng la lớn: Đau quá.

Mã Tổ nói: Đã bay mất rồi, thì làm sao đau được.

Tóm gọn nội dung chuyện Thiền này có thể viết như sau: Cái được thấy (tức là, con vịt trời) đã bay mất là quá khứ, nhưng cái cảm thọ đau (khi bị véo mũi) là cái gương tâm thấy nghe hay biết vẫn luôn luôn hiện tiền, và phải sống với cái hiện tiền này, tức là tâm phải tỉnh thức không lìa cái thấy nghe hay biết của bây giờ và ở đây, trong cái sinh diệt hiện tiền. Đó cũng là sống cái vô sinh diệt.

.

Tương tự, trong Kinh SN 56.11, ngài Koṇḍañño đắc pháp nhãn thanh tịnh ngay khi được nghe Đức Phật dạy rằng cái gì có sinh là phải có diệt. Có nghĩa là, nhận ra pháp ấn vô thường đang chảy xiết, và như thế thấy ngay là không có gì có thể chấp thủ.

Kinh SN 56.11, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích như sau:

“Trong khi lời dạy này được tuyên bố, Tôn giả Koṇḍañño khởi lên pháp nhãn thanh tịnh, không cấu uế như sau: “Phàm vật gì được tập khởi, tất cả pháp ấy cũng bị đoạn diệt.” (9)

Hình ảnh sát na sinh diệt còn được ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) ghi lại trong bài thơ “Guhatthaka-suttaniddeso: Upon the Tip of a Needle” mô tả rằng tất cả các pháp chảy xiết qua các khoảnh khắc thời gian, y như điểm tiếp giáp của một hạt đậu rất nhỏ đặt lơ lửng trên đầu một mũi kim. Nội dung bài thơ của ngài Xá Lợi Phất, nơi đây sẽ viết lại như văn xuôi cho dễ đọc, có thể dịch nghĩa như sau:

“Đời sống, thọ mạng, niềm vui, nỗi đau đều buộc chung vào một khoảnh khắc của tâm, một khoảnh khắc nhanh chóng trôi đi. Ngay cả các vị phi nhơn sống lâu tới 84 ngàn tỷ năm cũng không sống được 2 khoảnh khắc nào trong tâm y hệt nhau. Cái ngưng lại nơi người đã chết hay cho người còn đứng nơi đây đều là cùng các uẩn, khi biến đi là vĩnh viễn không nối lại được. Các trạng thái đang biến mất bây giờ và các trạng thái sẽ biến mất trong các ngày tương lai đều có đặc tướng y hệt như các đặc tướng đã biến mất trước đây. Khi không tạo tác gì nữa, sẽ không có sinh ra; chỉ với hiện tại này, chúng ta đang sống. Khi đã nắm được nghĩa tối thượng, thế giới chết ngay khi tâm ngưng lại. Không cất giữ gì được những gì đã biến mất, không để gì được cho tương lai. Những người đã sinh ra trong đời này đang đứng y hệt như hạt đậu rất nhỏ trên đầu mũi kim. Sự biến mất của tất cả các trạng thái này đã không hề được hoan nghênh, mặc dù hiện tượng khoảnh khắc tan rã như thế đã có từ thời ban sơ. Từ nơi chưa được nhìn thấy, các trạng thái này hiện ra và biến đi, được nhìn thấy chỉ khi chúng đang trôi đi vào quá khứ. Y hệt tia chớp trên bầu trời: tất cả các pháp khởi lên và rồi biến hẳn đi.” (10)

.

Có một bạn hỏi về pháp niệm hơi thở… Xin trả lời theo một Kinh rằng, Đức Phật từng dạy pháp niệm hơi thở như một công cụ, như một bè pháp, trước khi yêu cầu các sư quán vô thường. Nghĩa là, quán vô thường, hay sống với sát na sinh diệt, là pháp tận cùng để phá trừ vô minh. Trong Kinh dẫn sau, niệm hơi thở là để quán bất tịnh, để lắng tâm, sau đó là phải quán vô thường.

Trong Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Như Thị Ngữ) - Itivuttaka - Chương 3, bản dịch của Thầy Thích Minh Châu, trích:

“(LXXXV) (Tik. IV, 6) (It. 80) --- Này các Tỷ-kheo, hãy sống tuỳ quán bất tịnh trên thân, hãy khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm; hãy sống tùy quán vô thường trong tất cả các hành.

Này các Tỷ-kheo, khi sống tùy quán bất tịnh trên thân tham tùy miên đối với tịnh giới được đoạn trừ; khi khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm, thời các tâm hướng ngoại, dự phần vào tổn hại không có; khi sống tùy quán vô thường trong tất cả hành, thời vô minh trừ diệt, minh được khởi lên.” (11)

Kinh này trong bản tiếng Anh của Ireland ghi rằng niệm hơi thở là quán bất tịnh của thân để lìa tham dục đối với cái đẹp, niệm hơi thở tới khi các niệm lăng xăng biến mất thì hãy quán vô thường, bấy giờ mới đoạn tận vô minh được, trích:

“For those who live contemplating foulness in the body, the tendency to lust with regard to the element of beauty is abandoned. When mindfulness of breathing is inwardly well established before one, the tendencies of extraneous thoughts to produce vexation of mind remain no more. For those who live contemplating the impermanence of all formations, ignorance is abandoned and knowledge arises.” (11)

.

Có một bạn thắc mắc rằng: Tứ Niệm Xứ có liên hệ gì tới Thiền Tông hay không?

Xin trả lời: Kinh ghi là có. Trong Kinh MN 10 (Kinh Niệm Xứ), Đức Phật dạy rằng sau các pháp Niệm Thân, Thọ, Tâm, Pháp… là phải nắm lấy tông chỉ Thiền Tông là vô sở trụ. Nghĩa là, phải giữ tâm không nương tựa, không chấp trước.

Nơi đây, xin trích Kinh MN 10, bản Việt dịch của Thầy Thích Minh Châu:

“…vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời...” (12)

Bản của Bhikkhu Sujato: “They meditate independent, not grasping at anything in the world...” (12)

Bản của Thanissaro Bhikkhu: “And he remains independent, unsustained by [not clinging to] anything in the world…” (12)

Bản của Nyanasatta Thera: “…and he lives detached, and clings to nothing in the world…” (12)

.

Như thế, khi đã nói là vô sở trụ, tất nhiên các kỹ thuật hay phương pháp chỉ là công cụ, là bè pháp. Và đó là lý do trong Kinh Kim Cương, Đức Phật nói rằng “Chánh pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp”… Nguyên văn câu vừa dẫn, lời Đức Phật nói là Chánh pháp còn phải bỏ… cũng ghi trong Kinh MN 22 của Tạng Pali.(13)

Rời bỏ bè pháp… Dù vậy, cách diễn tả của một số vị sư trong Thiền Tông có thể là quá mạnh bạo, có lẽ chỉ thích nghi khi dạy cho một số môn đệ thân cận, thí dụ như khi bảo học trò chẻ tượng Phật để sưởi ấm…

Một điều chắc chắn nên thấy rằng: Khi đã thấy được sợi chỉ đỏ xuyên suốt các Kinh Phật, dù Nam Truyền hay Bắc Truyền, sẽ không còn bị vướng vào những ngờ vực hay tranh luận vô ích.



GHI CHÚ:

(1) Kinh Sn 5.15: https://thuvienhoasen.org/p15a30626/sn-5-15-mogharaja-manava-puccha-cac-cau-hoi-cua-mogharaja

(2) Kinh SN 35.242: https://suttacentral.net/sn35.242/vi/minh_chau

(3) Đốn Ngộ Nhập Đạo: https://thuvienhoasen.org/images/file/T-QYop1G0QgQAJ0b/donngonhapdaoyeumon.pdf

(4) Kinh Sn 5.11: https://thuvienhoasen.org/p15a30622/sn-5-11-jatukanni-manava-puccha-cac-cau-hoi-cua-jatukanni

(5) Kinh SN 48.10, Việt dịch: https://suttacentral.net/sn48.10/vi/minh_chau

Bản Anh dịch của Bhikkhu Sujato: “It’s when a noble disciple, relying on letting go, gains immersion, gains unification of mind. Quite secluded from sensual pleasures, secluded from unskillful qualities, they enter and remain in the first absorption…” --- https://suttacentral.net/sn48.10/en/sujato

Bản Anh dịch của Thanissaro Bhikkhu: “There is the case where a monk, a disciple of the noble ones, making it his object to let go, attains concentration, attains singleness of mind. Quite withdrawn from sensuality, withdrawn from unskillful mental qualities, he enters & remains in the first jhana...” --- https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn48/sn48.010.than.html

(6) Kinh Sn 3.12, bản Thanissaro: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/snp/snp.3.12.than.html

Bản Sujato: https://suttacentral.net/snp3.12/en/sujato

(7) Kinh SN 22.63, bản Việt dịch: https://suttacentral.net/sn22.63/vi/minh_chau

Bản Bhikkhu Bodhi: https://suttacentral.net/sn22.63/en/bodhi

Bản Bhikkhu Sujato: https://suttacentral.net/sn22.63/en/sujato

(8) Kinh Pháp Bảo Đàn: https://thuvienhoasen.org/p16a687/pham-co-duyen-thu-bay

(9) Kinh SN 56.11: https://suttacentral.net/sn56.11/vi/minh_chau

(10) Bài thơ trong bài Các Pháp Vào Định: https://thuvienhoasen.org/a28417/cac-phap-vao-dinh

Upon the Tip of a Needle, bản tiếng Anh: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/nm/nm.2.04.olen.html

(11) Kinh Phật Thuyết Như Vậy, bản Việt: https://thuvienhoasen.org/p15a1541/chuong-03

Bản dịch của Ireland: https://suttacentral.net/iti85/en/ireland

(12) Kinh MN 10, bản của Thầy Minh Châu: https://suttacentral.net/mn10/vi/minh_chau

Bản của Bhikkhu Sujato: https://suttacentral.net/mn10/en/sujato

Bản Thanissaro Bhikkhu: https://www.dhammatalks.org/suttas/MN/MN10.html

Bản Nyanasatta Thera: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.010.nysa.html

(13) Kinh MN 22: https://suttacentral.net/mn22/vi/minh_chau




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.31.82 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...