Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Viết cho một người »»

Tùy bút
»» Viết cho một người

Donate

(Lượt xem: 6.288)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Viết cho một người

Font chữ:

Anh,

Thế là anh đã ra đi, tự anh chọn con đường ấy, tôi nhìn theo bóng anh nhưng trời tối và ánh đèn chói lòa trước mắt tôi không cho tôi nhận rõ được đâu là đâu. Định quay vào hiệu ăn nhưng lại thôi, ăn cũng không nuốt xuống, thà nhịn đói.

Về gian nhà trống trải, ánh đèn không che được nỗi âm u trong tâm tư mà tiếng máy lạnh cũng như tiếng xe cộ còn vang ngoài đường không đủ để lấp đi.

Nhưng ngày hôm nay thế nào rồi cũng phải đến, thà nó đến sớm như thế này lại hơn. Đổ vỡ quá nhiều, còn gì nữa đâu. Anh có biết, bước chân tôi lên gác nặng nề đến thế nào không? Giờ phút này tôi chỉ muốn gục xuống, giá khóc được anh nhỉ, khóc thật nhiều chắc tôi sẽ khóc suốt trọn đêm nay. Nước mắt có làm vơi được ưu tư không anh? Hay là chỉ vơi một phần nào thôi? Mà anh đi đâu, người ta sẽ dẫn anh đi đâu?

Lúc nãy tôi dặn anh nhớ mang theo một bộ quần áo lót, anh cười chế nhạo nhưng rồi anh cũng lặng lẽ nghe lời. Kinh nghiệm mà anh, biết đâu người ta sẽ dẫn anh đến một nơi thật xa, lúc đó mới thấy sự có sẵn quần áo lót mà thay là may mắn.

Anh có biết hồi quân Nga sang chiếm Tiệp Khắc năm 68, đêm ấy các đảng viên và chính phủ đang hội họp. Nghe báo tin có quân Nga kéo tới, một vị tổng trưởng khôn ngoan và từng trải vội thò tay vào hộp đường bốc mấy viên bỏ túi. Thì ra ngài đã tiên đoán rất đúng là tí nữa thế nào cũng bị bắt, mà bị bắt tất nhiên sẽ có sự đói khát kèm theo. Mấy viên đường sẽ giúp cho con người chịu đựng lâu hơn tí nữa. Cũng vì vậy mà lúc ngồi trong quán nước, khi cô gái bán ba cho anh và tôi mỗi người một cái kẹo, tôi đã nhịn phần bỏ vào túi anh.

Nghĩ đến đây tôi đứng lên nhìn đồng hồ, hơn chín giờ rồi, thế là chúng ta xa nhau được một giờ, anh đang nghĩ gì, đang nói gì? Liệu anh có nghĩ đến vợ con anh đang vời vợi trông chờ tin anh ở bên kia phương trời? Liệu anh có nghĩ đến các bạn anh đang thắc mắc?

Ban nãy tôi đặt câu hỏi “anh có gửi vài dòng về vợ con anh không?”, anh hỏi lại “để làm gì?” Và anh tỏ vẻ buồn vì các con anh đã hững hờ không gửi thư cho anh.

Anh đã làm cho tôi buồn, kể từ ngày chúng mình mới quen nhau. Thật ra thì độ ấy tôi cũng xem anh như trăm nghìn người khác. Chúng ta gặp nhau, anh có nhớ không, ở cái hội nghệ sĩ lỡ đời. Thằng nào con nào cũng bị vợ đá hoặc chồng chê, thằng nào con nào cũng khuynh tả. Thời trang mà anh, phải khuynh tả mới đúng điệu. Cũng như ở trong một nước thì phải chửi chính phủ và đọc báo đối lập, bất kỳ chính phủ nào, có vậy mới hợp thời trang.

Anh cũng đã tỏ ra rất đúng điệu, mặc dầu cái điệu của các anh chỉ là cái điệu bên ngoài vậy thôi. Đọc báo đối lập đấy, chửi chính phủ đấy, nhưng vừa nghe tin tiền sắp sụt giá là vội vã rút hết tiền ở ngân hàng đi gửi ra ngoại quốc, báo hại kinh tế gần như kiệt quệ, bò lết, chứ đừng nói đến sự rung rinh, khuynh ngã.

Hôm ấy tuyết rơi nhiều quá anh nhỉ, lần đầu tiên vào đông chăng? Và thú thật, tôi đã bị một thằng bạn đồng nghiệp gần như là trói chân tay bỏ lên xe lửa mới chịu đi nghỉ ở cái hội nghệ sĩ lỡ đời ấy.

Anh và tôi gặp nhau vào lối nửa đêm, người ta giới thiệu đơn sơ, anh bắt tay và bóp bàn tay tôi thật chặt làm tôi phải hét lên. Rồi hết, sau bữa ăn khuya tôi vội vàng từ giã mọi người để về phòng ngủ. Ngày mai lại chúng ta cũng không quen nhau, mãi đến ngày kia, lúc xuống ăn dưới nhà bếp với bà họa sĩ Gia Nã Đại ương ương gàn gàn, anh đã đặt nhiều câu hỏi bắt tôi phải trả lời, mục đích muốn tìm hiểu tôi. Anh mới gia nhập hội và đây là lần thứ nhất bước chân đến, tôi là hội viên từ hai năm trước. Mọi người không ai gợi nổi chuyện với tôi vì tính tôi lầm lì, ăn xong là giả vờ dọn dẹp tí xíu rồi đi ra rừng ngay, nếu không trở về phòng làm việc.

Thế mà anh là hội viên mới, anh lại gợi được, bắt tôi phải nói chuyện. Anh đã chế giễu tôi vì cái tội đi tàu lửa hạng nhất. Làm sao bây giờ, người ta chen lấn ở hạng nhì, tôi không được trời cho một tấm thân đẫy đà thì phải đi hạng nhất chứ nào phải tại phân chia giai cấp đâu anh.

Gần mười giờ rồi, anh đang làm gì? Người ta đang khoe với anh những hành động tốt đẹp và đang kể xấu cái miền Nam thối nát của tôi phải không anh. Chắc anh đang say mê, đang đắc ý, tự thấy mình đi đúng lối.

Hồi trưa này cãi nhau, chúng ta còn hét lên, anh bảo phải đi tìm sự thật. Theo tôi thì đầu óc anh đã bị thời trang thấm nhuần, bây giờ tôi có nói gì anh cũng không tin, anh chỉ tin những người nào nói đúng giọng thời trang. Cãi nhau làm gì nữa, tốt hơn là nhịn đi.

Anh tội nghiệp và lo sợ cho dân tôi quen chịu đựng và không dám vùng lên. Tôi cũng nghĩ như thế nhưng đặt hướng nghĩ về một chiều khác. Anh chấp nhận sự thủ tiêu, chém giết từ một chiều, tôi không chấp nhận từ cả hai chiều. Chúng ta khác nhau ở chỗ đó.

Anh có bao giờ bị đói, anh có bao giờ thèm ăn, có bao giờ bị hăm dọa tinh thần, cuộc sống? Anh có bao giờ chờ chết chưa anh? Nếu chưa thì sao dám nói là hiểu rõ tất cả những khía cạnh riêng biệt của con người, nhất là của một con người Việt Nam. Bao nhiêu trăm năm cúi đầu…

Thật đấy anh, những người sinh làm dân Việt Nam là những người bị trời đày, nếu không thì đã làm dân Thụy Sĩ, Thụy Điển, dân Anh, dân Pháp…

Lắm khi đi ra đường tôi đã ngập ngừng chẳng biết có nên mặc chiếc áo dài Việt Nam, biết rằng với chiếc áo dài khoác lên người, vai tôi sẽ bị trĩu xuống vì những hành động, những lời tuyên bố sơ xuất của những kẻ có trách nhiệm với đất nước. Không riêng mình tôi, tất cả những người Việt Nam khác đều nghĩ như thế mỗi khi họ có chút thì giờ để suy tư.

Nhưng anh đi rồi, mỗi một phút đi qua là mỗi một phút thắc mắc tăng lên. Tôi chỉ sợ anh sẽ không trở về nữa, mà như anh vẫn nói, vợ anh khờ khạo và con anh thơ ngây, anh là người cầm lái, người đẩy xe cho gia đình. Thảo nào mà trước khi lên đường anh đã lo lắng hùn vốn mở hiệu, cho nhà băng vay, bán cổ phần v.v… Như thế cũng đã là chu đáo và tính nước cờ cao lắm. Nếu ngày trở về mà thân xác còn nguyên vẹn, tâm trí còn sáng suốt thì tên tuổi anh sẽ lẫy lừng hơn.

Bao nhiêu kẻ xây vinh quang cũng như nhà cửa trên những xác chết của người dân Việt Nam đó anh. Nếu một ngày nào cuộc chiến ở Việt Nam chấm dứt thì nguồn lợi ấy cũng sẽ chấm dứt, và đấy là một sự thiệt thòi chung cho thế giới chăng?

Nói thế cũng oan, có một số người vì nghề nghiệp đã bỏ xác trên đất Việt Nam, dòng máu vô tư không oán thù đã thấm xuống lòng đất. Tôi chợt nhớ đến R., người bạn đã chết, chết vì tò mò. Chết một cách oan uổng, chết mà chưa có vợ con để thương tiếc cho đủ thời hạn. Mồ hắn lâu lắm mới được một cành hoa, cha mẹ hắn già không đủ sức ra nghĩa trang mỗi ngày. Ngay cả bạn bè thân nhất cũng không có thì giờ để nghĩ đến.

Mười giờ rưỡi, anh đang làm gì giờ này? Chắc anh bắt đầu buồn ngủ, lệ thường anh vẫn ngủ sớm. Anh cũng như tất cả mọi người, làm việc rất tích cực, rất hăng hái nhưng làm để rồi hưởng thụ cho chính thân mình và nhất là cho vợ con. Anh cũng sợ đau, sợ đói, sợ chết như tất cả mọi người. Nhưng nếu vì một lý do gì bắt anh phải thay đổi cuộc sống trong vài tháng chắc anh cũng sẽ khổ sở.

Anh có nhớ chúng ta hay bàn cãi đến cái tôi, cái “hạ tôi” và cái “siêu tôi” không? Nếu cái “hạ tôi” mà điều khiển và thắng trận thì cả hai cái tôi kia sẽ bị vứt vào đâu? Mà cái “hạ tôi” bao giờ cũng hùng mạnh.

Con người chiến đấu để làm gì anh nhỉ, để cho cái tôi hay cái “siêu tôi” được sung sướng? Chỉ có những vị chân tu mới chiến đấu cho cái “siêu tôi” mà thôi. Con người tầm thường khác có tài giỏi lắm chắc cũng nghĩ đến cái tôi và cái vợ con tôi là cùng.

Anh vẫn chưa về, có người đến gọi cửa, tôi ngỡ là anh, vội chạy ra nhưng không, người ta chỉ đến hỏi thăm anh… Tôi bảo với họ rằng anh đi rồi, đi tìm sự thật và mời họ vào. Anh vẫn nhất định là sự thật đã trốn ở trong bóng đêm. Tôi làm sao cãi lại được, anh đã gặp rất nhiều người… hầu hết toàn những người giàu sang, trí thức, có của nổi của chìm, của cất vào ngân hàng ngoại quốc, của hùn vào các xí nghiệp. Những nhà giàu, khi họ thấy quá dư dả thì tất nhiên phải đi mua danh chứ anh, mà danh vọng thì ở đâu dễ mua bằng trên thị trường chính trị…

Nhưng họ đã dùng cái giọng thiết tha đạo đức, yêu chuộng sự công bằng xã hội, nghĩ đến những người dân nghèo nàn đói rách v.v… và với tấm lòng nhân đạo sẵn có nơi anh, tất nhiên là anh đã tin.

Quê hương tôi rách nát thật, nhưng chính những ông bà nhà giàu ấy là những kẻ đã xé rách trước nhất đấy anh ạ. Nếu ngay từ đầu họ biết sống thanh đạm sạch sẽ thì họ đã không đẩy quê hương vào cái đống rác hôm nay. Nhưng quá khứ bao giờ cũng được che đậy, người ta chỉ đưa ra một vài điểm tốt đẹp thêu dệt bên trên.

Anh đã tin như thế và đã nhất định cho rằng đất nước tôi… chỉ còn đợi ngày sụp đổ. Thú thật với anh rằng cũng có lúc tôi lo sợ hồi hộp, không biết rồi sẽ đi về đâu…

Nhìn lại, cuộc cách mạng nào cũng khởi đầu bằng những bài ca để tiếp theo là những vũng máu. Quê hương tôi, hầu như nếu đào xuống sâu một chút sẽ thấy toàn màu trắng của xương người lớp lang ở bên dưới. Nếu ngồi trên máy bay nhìn xuống anh thấy cây cỏ xanh tươi, đó là nhờ những cái xác chết gục ngã ở đấy. Những cái xác người chôn vội vàng, da thịt máu huyết đã chuyển mình vào lòng đất, giúp hoa màu cho cỏ cây, cho đồng lúa.

Anh không tin sao, những trái thơm, trái dừa anh vẫn ăn và vẫn khen, những trái chuối mập mạp ruột hồng bên trong và hương vị ngọt ngào, tại sao anh không tìm thấy ở một xứ nào khác?

Có lẽ vì thấy máu đã đổ quá nhiều nên tôi sợ rằng nếu không khéo thì nó sẽ cứ phải tiếp tục đổ xuống mãi. Đổ ngấm ngầm, đổ ở các trại giam lao tù, đổ ở trong sự uất ức sợ sệt, đổ ở trong những sự vùng lên và đè bẹp xuống.

Các anh vẫn gào lên rằng thương yêu đất nước tôi, muốn đưa hòa bình đến cho đất nước tôi, hành động và ý nghĩ đều cao đẹp, nhưng liệu kết quả của sự thương yêu ấy có mang lại đúng như lòng mong muốn không anh? Người Việt Nam nào không khao khát hòa bình, chờ đợi hòa bình? Khao khát không kém gì những gia đình lúc di cư vào Nam, gia đình bị chia đôi, người mẹ lênh đênh dẫn một số con cái vào Nam chưa biết rồi đói no ra sao, người cha ở lại miền Bắc với số con cái còn lại, vì dầu sao thì miền Bắc cũng là quê hương, đã có sẵn ruộng nương nhà cửa. Để rồi giờ phút này, hơn 20 năm sau không được nhìn nhau… Tình cảm, sự tự do, sự bình yên đã thúc giục người ta cầu mong hòa bình, còn cầu mong nhiều hơn những buổi đấu láo lúc trà dư tửu hậu, cốc rượu vơi rồi đầy trên tay của mỗi người các anh. Còn cầu mong gấp nghìn lần những ông bà làm chính trị mà thân thể nhầy nhụa trong sự thừa thãi, trong tiền bạc. Và phải đặt câu hỏi lại: tiền bạc và sự thừa thãi đó ở đâu mà ra?

Tôi biết rằng mỗi con người đều muốn làm một cử chỉ gì có ích để tự xác nhận với chính mình, để thanh minh cho sự có mặt của mình. Dĩ nhiên tôi không nói đến những kẻ chỉ biết ăn và ngủ, những cục thịt mang cà vạt, những cái tủ chưng nữ trang. Vì sự mong muốn được tự xác nhận với chính mình đó mà anh đã gặp nhiều nhân vật “đặc biệt” ở xứ tôi.

Nói gì với anh nữa, tôi mở cửa đi ra ngoài nhìn những hàng cây tỏa bóng đen che lấp ngọn đèn đường. Tôi chờ anh về, một chiếc taxi nào rà tới cũng bắt tôi hướng tầm mắt khắc khoải đến.

Liệu kết quả của chuyến đi “chơi” hôm nay có mang lại thêm cho anh những sự lợi ích nào không?

Mười hai giờ đêm, tôi ra ngồi nói chuyện với các bạn, đứa nào cũng làm bộ trấn tĩnh ngoài mặt nhưng trong lòng rất hoang mang mà không chịu thú nhận. Chúng tôi đặt ra nhiều giả thuyết, đứa này tìm khéo một lời để an ủi nâng đỡ tinh thần đứa kia, đứa nào cũng làm bộ cứng rắn, không sợ, không tin mà trong ánh mắt đứa nào cũng không dấu nổi những tia lo âu.

Có tiếng chân nặng nề của anh đang lên thang gác, tôi mở cửa, anh mỉm cười bước vào. Câu thứ nhất của anh là ba chữ “mất thì giờ !”

Thì ra suốt mấy tiếng đồng hồ anh được mời đến nhà một phú ông. Theo lời anh tả thì vị phú ông vừa mập, vừa mạnh khỏe, rượu ngon thật đầy đủ, nhà cửa trang hoàng lịch sự. Phú ông cũng nói với anh tất cả những sự uất ức của một kẻ chán đời. Trong tấm áo sơ mi lụa mỏng, bộ khuy áo bằng ngọc nạm vàng lấp lánh, phú ông than thở vì những nguồn lợi đã bớt đi từ mấy năm nay tuy gia đình phú ông hiện đang được sống bình yên bên Pháp!

Các bạn anh và tôi đều vui mừng, thế là anh còn đây, thế là ngày mai chúng ta lại tiếp tục làm việc.

Minh Đức Hoài Trinh
Năm Tân Hợi
1971.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.140.198.3 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...