Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Những cái vui trong Đạo Phật »»

Tu học Phật pháp
»» Những cái vui trong Đạo Phật

Donate

(Lượt xem: 5.721)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Những cái vui trong Đạo Phật

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Trong nhà Phật, ngày mùng một Tết là ngày Vía đức Di Lặc. Đức Di Lặc hiện là Bồ-Tát, nhưng tương lai sẽ thành Phật. Thế nên, lễ Ngài chúng ta xưng “Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật”. Chúng tôi gọi Ngài là Phật vì Ngài là Phật sẽ thành, còn gọi Ngài là Bồ-Tát vì Ngài là vị Bồ-Tát hiện tại. Đa số các chùa thuộc hệ Bắc tông, đến ngày mùng một Tết đều cử lễ Vía Ngài. Đó là một thông lệ nhưng mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Người thế gian ai cũng quan trọng ngày đầu năm, cho ngày đầu năm là ngày chứa đựng đầy đủ ý nghĩa quan trọng một năm. Vì vậy, mọi hành động, mọi ngôn ngữ đều phải dè dặt để giữ gìn một năm đầy tốt đẹp.

Đức Di Lặc là hình ảnh đẹp đẽ, vui tươi mà ai cũng thích. Gương mặt Ngài lúc nào cũng nở nụ cười hoan hỷ là nụ cười Di Lặc. Nụ cười Di Lặc không bị thời gian chi phối, lúc nào Ngài cũng cười: thuở bé cũng thấy Ngài cười, đến già cũng thấy Ngài cười, sắp tắt thở cũng thấy Ngài cười. Đó là nụ cười Di Lặc.

Đón mừng Bồ-Tát Di Lặc, một vị Phật sẽ thành là hình thức bên ngoài của buổi lễ, còn ý nghĩa bên trong là đón mừng những người con Phật mai kia sẽ thành Phật. Ngày Vía đức Di Lặc là ngày vui của mọi người, cũng là lời hứa hẹn chúng ta sẽ toàn giác thành Phật.

Người đời cho rằng, đạo Phật chán đời, yếm thế không có niềm vui. Nói thế là chủ quan, chưa hiểu gì về đạo Phật. Thực tế đạo Phật tràn trề sức sống, tràn trề niềm vui, những niềm vui của đạo Phật phát xuất từ cạn tới sâu nơi tâm người, qua năm giai đoạn tu tiến.

1. Niềm vui phát xuất từ tâm “TÙY HỶ”

Tùy là theo, hỷ là vui mừng. Tùy hỷ là vui mừng theo. Khi thấy bạn hay người thân làm điều lành hay việc tốt, chúng ta phát tâm vui đó là tùy hỷ. Người làm lành vui bao nhiêu, chúng ta vui bấy nhiêu. Người phát được niềm vui đó công đức bằng công đức người làm việc lành. Thí dụ ông A đem mười đồng tới chùa cúng, chúng ta nghèo không có tiền cúng, thấy ông A cúng chùa ông vui sướng, chúng ta vui theo thì công đức của ông A cúng mười đồng với công đức tùy hỷ của chúng ta bằng nhau. Mới nghe qua thấy như bất công vô lý, chúng ta không cúng một xu nào tại sao công đức bằng ông A cúng mười đồng được? Nhưng Phật nói công đức hai người bằng nhau.

Có người hỏi:

- Bạch Thế Tôn, tại sao công đức tùy hỷ và công đức bố thí bằng nhau?

Phật trả lời bằng một ví dụ: Cây đuốc thứ nhất đang cháy, có một người cầm cây đuốc thứ hai đến mồi. Khi mồi xong, cây đuốc thứ nhất cháy, cây đuốc thứ hai cũng cháy, ánh sáng hai cây đuốc đó không hơn không kém nhau. Cây đuốc bị mồi, ánh sáng cũng không giảm bớt. Cũng vậy, người làm việc lành, chính họ đã có công đức và người phát tâm tùy hỷ công đức cũng ngang bằng với người làm lành đó. Tu nhẹ nhàng quá, không đợi chúng ta có nhiều tiền mới làm được việc công đức. Chỉ thấy ai làm lành chúng ta tùy hỷ tán thán là có công đức rồi.

Tại sao tùy hỷ có công đức lớn như vậy?

Người có công, có của đem giúp người là họ xả được tâm tham lam ích kỷ. Còn người phát tâm tùy hỷ thì xả được tâm tật đố, vì thông thường người thế gian thấy ai hơn mình là sanh tâm đố kỵ. Thí dụ hai huynh đệ đi chùa, ông A có mười đồng cúng chùa, mình không có thì buồn rầu nói móc, nói ngoéo, chứ không có tâm tùy hỷ vui theo. Thấy người làm được, mình làm không được sanh đố kỵ là tật xấu. Bây giờ chúng ta phát tâm tùy hỷ là dẹp được tật đố xấu xa nơi mình rồi. Người bố thí xả được tâm tham lam ích kỷ, người tùy hỷ xả được tâm tật đố thì công đức hai người bằng nhau. Ở thế gian, chúng ta thường thấy, thậm chí anh em ruột trong nhà, em làm ăn thất bại nghèo thiếu thấy anh làm ăn phát đạt thì có mặc cảm đố kỵ với anh. Do đó tình anh em phai nhạt xa cách. Tại vì sao? Vì cái tâm tật đố không muốn ai hơn mình, thấy người hơn mình là sanh tâm đố kỵ. Đó là cái bệnh chung của con người. Thế nên, chúng ta học đạo phải tập phát tâm tùy hỷ. Không phải đợi mình làm việc công đức mới vui, mà thấy ai làm việc tốt đẹp, sống hạnh phúc, chúng ta đều phát tâm vui mừng theo.

Một thí dụ nữa. Chúng ta nghèo ăn cơm hẩm với muối hột, bạn chúng ta giàu ăn cơm gạo lúa thơm với thịt cá đầy bàn. Thấy như vậy, chúng ta tùy hỷ nói: “Anh sung sướng quá, tôi mừng cho anh được đầy đủ sung túc.” Thấy chúng ta tùy hỷ, người bạn giàu đó có ghét chúng ta không? Không ghét mà thương, có thể còn giúp đỡ chúng ta nữa. Nhưng ở đời người ta có chịu làm như vậy không? Hay mình ăn cơm hẩm với muối hột, bạn mình ăn cơm gạo lúa thơm với cá thịt đầy bàn, thì mình không vui, rồi kiếm chuyện nói xa, nói gần, khiến cho tình bạn phai nhạt, dần dần xa cách? Mình đố kỵ người ta, người ta thương mình sao được! Từ đó mà sanh ra ngăn cách, bạn trở thành thù do đố kỵ mà ra. Từ hoàn cảnh ăn ở, cách xử sự, cho đến làm việc thiện v.v… tất cả chúng ta đều tập phát tâm tùy hỷ. Người làm được việc mà chúng ta không đủ khả năng làm, chúng ta nên vui mừng theo.

Một thí dụ khác. Hồi thuở bé đi học ở trường, khi thầy giáo kêu trả bài, hôm nào mình không thuộc bị điểm nhỏ, bạn mình thuộc bài được điểm lớn thì mình đố kỵ, ghét bạn. Bạn siêng học, học giỏi được điểm lớn, mình lười biếng, học dở thua bạn, tại sao mình lại ganh ghét, đố kỵ? Hoặc cuối năm học, những bạn học giỏi được khen thưởng những món quà xứng đáng, còn mình học dở, khi thấy bạn lãnh quà, mình vui lây hay ganh ghét kiếm chuyện để thách đố? Cái tâm đố kỵ có từ thuở bé, chớ không phải bây giờ mới có, chúng ta mang sẵn nó từ thơ ấu. Giờ đây biết tu, chúng ta phải bỏ tâm tật đố, vì nó tương đương với tham lam; tham lam thì tật đố cũng có. Người biết làm phước, họ xả được lòng tham, người biết tùy hỷ bỏ được tâm tật đố. Như vậy, mỗi người bỏ được một tật cho nên đức Phật nói: “Công đức ngang nhau”. Về sau, huynh đệ đi chùa, họ có tiền của cúng Phật, cúng tăng; mình không có cũng vui theo, mừng cho bạn có tiền cúng chùa, được như vậy thì cả hai đều được công đức như nhau. Đừng mặc cảm mình nghèo không có tiền của cúng chùa, không cùng đi chung. Nghĩ như vậy là trái đạo lý. Học hiểu ứng dụng đúng với lời Phật dạy chúng ta mới thấy Phật pháp công bằng, không thiên người giàu, không bỏ người nghèo. Ai cũng có phước hết, chỉ cần có tâm lành là được.

Tóm lại, trong gia đình, anh em ai được giàu sang, ai được khá giả, ai được hạnh phúc, chúng ta đều vui mừng như chính chúng ta được. Ngoài xã hội từ bạn bè cho đến người láng giềng, ai được phú quý, ai có danh vị, chúng ta vui mừng như chính chúng ta được. Trong đạo huynh đệ ai có cái gì hay, cái gì tốt, chúng ta vui mừng như chính chúng ta được thì không còn khổ, lúc nào cũng có niềm vui; vui theo cái vui của người! Chúng ta không bị tật đố làm cho cách biệt, làm cho mất tình anh em ruột thịt trong nhà, làm mất tình bè bạn ngoài xã hội và làm mất tình đạo bạn ở trong chùa. Được như vậy đi đến đâu chúng ta cũng có niềm vui, dù tay không, không giúp ai được việc gì. Trái lại chúng ta nghèo, mặc áo rách, thấy người ta mặc áo lành thì đố kỵ, xụ mặt xuống, như vậy làm gì có vui! Đi đâu cũng buồn vì thấy người hơn mình, buồn tràn trề, ở đời làm sao mình bằng tất cả mọi người được! Bây giờ, chúng ta biết tùy hỷ, thấy ai có cái gì hơn, chúng ta đều vui theo, mừng cho họ. Tâm niệm của người Phật tử phải là tâm niệm làm cho mọi người hết khổ. Phật là vị cứu khổ chúng sanh, chúng ta là Phật tử, tức là con Phật phải có quan niệm làm cho chúng sanh hết khổ; nếu chưa hết khổ, ít ra cũng bớt khổ. Thấy mọi người bớt khổ về cái ăn, cái mặc, hoặc bớt khổ về cái gì là chúng ta vui mừng. Nếu chúng ta đố kỵ thì không phải là con Phật. Vì vậy, muốn được niềm vui đầu tiên, người Phật tử phải phát tâm tùy hỷ, ai có điều hay, cái tốt đều vui theo chớ không đố kỵ. Đó là cái vui thứ nhất của người mới vào đạo.

2. Cái vui thứ hai sâu hơn, tế nhị hơn là “HỶ XẢ”

Hỷ là mừng, xả là buông bỏ. Hỷ xả có hai mặt:

- Hỷ xả tài vật bên ngoài.

- Hỷ xả phiền não cố chấp trong lòng.

Nếu chúng ta có tài vật dư dả, nên vui vẻ xả, giúp cho những người bần cùng, đói rách. Của cải do mồ hôi nước mắt mình tạo, mình cảm thấy đầy đủ hay dư thì vui xả cho người nghèo thiếu hay những người ít oi hơn. Đó là hỷ xả tài vật bên ngoài. Tuy vậy, cũng hơi khó làm, vì có nhiều người, kẻ khác thấy dư mà bản thân họ thấy thiếu; có một đồng muốn hai đồng, có hai đồng muốn mười đồng, muốn cho đến ngày tắt thở mà vẫn thấy chưa đủ. Như vậy làm sao xả được? Cho nên muốn xả chúng ta phải học Phật; Phật dạy ít muốn, biết đủ. Chúng ta biết đủ thì mới xả được, không biết đủ thì không thể nào xả được. Người không biết đủ giống như cái túi không đáy, bỏ vào bao nhiêu tuột hết bấy nhiêu, bỏ bao nhiêu cũng không đầy, do cái bệnh không biết đủ như vậy làm sao mà xả?

Thí dụ: mỗi ngày, buổi trưa chúng ta ăn ba chén cơm là đủ no, dù có đồ ăn ngon, chúng ta cũng ăn ba chén, phần dư thì giúp cho người, hoặc cho vật. Dù đây là phần dư của mình, nhưng cũng là một lối xả. Chớ nên ăn ba chén vừa no, thấy đồ ăn ngon, ăn thêm nữa, như vậy là phí phạm, vì lượng thức ăn chừng đó là đủ, ăn thêm là dư. Đó là nói về cái ăn, còn bao nhiêu cái khác, chẳng hạn như cái mặc, chúng ta có ba bộ đồ đủ để mặc, thêm bộ thứ tư là dư rồi, nhưng có bộ thứ tư thấy chưa đủ, mua thêm bộ thứ năm cũng thấy chưa đủ nữa. Như vậy chừng nào mới đủ xả? Không biết đủ thì không bao giờ xả được. Muốn xả phải biết đủ, biết đủ mới xả được, của dư đem giúp người không một chút luyến tiếc. Đó là tâm hỷ xả, vui vẻ giúp người chớ không bị bắt buộc.

Hỷ xả tài vật tuy khó nhưng dễ hơn hỷ xả cố chấp phiền muộn ở tâm. Khi có người làm phiền mình, thì gương mặt mình buồn hoặc nhăn nhó. Muốn hết phiền phải tập xả; xả này là tha thứ, là bỏ qua. Phiền ở đây là phiền não và sân hận, hai thứ đó chất chứa trong lòng, mình phải buông xả nó đi. Người nào ôm lòng phiền hận thì đau khổ, đau khổ từ hiện tại cho đến mai kia, chớ không phải đau khổ trong hiện tại mà thôi. Vì vậy, khi biết mình đang ôm lòng phiền hận người này kẻ khác, thì phải vui vẻ bỏ, nghĩa là bao nhiêu cái phiền muộn đang chất chứa trong lòng phải hỷ xả hết.

Muốn xả của cải, chúng ta phải biết đủ. Bây giờ muốn bỏ phiền hận, phải làm sao? Bỏ bằng cách nào? - Muốn bỏ phiền hận trong lòng, chúng ta phải thấy cuộc đời là vô thường, cái chết đang kề cận, ôm phiền hận làm gì? Do nghĩ cái chết sắp đến nên chúng ta buông xả được phiền hận. Phiền hận chỉ làm khổ mình, khổ người không lợi cho ai cả. Quán xét như vậy chúng ta buông hết, không buồn giận ai, lo tu cho tâm an ổn.

Tiến hơn nữa, chúng ta thấy cuộc đời như ảo mộng, ngày nay có mặt đây ngày mai đã mất rồi. Sống trong tạm bợ mong manh, mình tạm bợ, người tạm bợ, tại sao không thương nhau, nâng đỡ nhau? Nếu chúng ta biết mình là người bị kêu án tử hình và những người xung quanh cũng bị kêu án tử hình, thì đâu có buồn giận nhau. Trong cuộc sống hằng ngày, khi lẫn lộn chung chạ nhau, có dẫm lên nhau, hay có làm phiền toái nhau cũng bỏ qua. Phải nghĩ đến cái chết, chúng ta mới thấy cuộc đời tạm bợ, sống không có cái gì bảo đảm, vậy buồn giận nhau để làm gì? Hãy buông xả hết những gì chứa chấp trong lòng. Có ai ở đời mãi đâu mà giận hờn!

Chúng ta đã học Phật nhiều năm, vậy có tập được hạnh buông xả chưa? Đi chùa cúng Phật có còn giận hờn bạn bè anh em không? Nếu ai còn phiền giận, thì ngay bây giờ hãy nguyện đức Phật chứng minh xả hết, cho lòng trống rỗng không còn vướng bận việc gì. Dù có buồn giận ai từ mười năm hay hai mươi năm, ngày nay dứt khoát phải xả. Phiền hận là rắn độc, dại gì chúng ta chứa rắn độc trong nhà. Nếu chứa rắn độc trong nhà thì sớm muộn gì cũng bị nó cắn. Thế nên khi biết phiền não là rắn độc thì phải xả ngay, đuổi ra khỏi nhà, không dung chứa nó. Biết như vậy là tu đó. Phiền hận thì không vui, hết phiền hận tâm hồn rỗng rang trống trải thì rất vui vẻ. Muốn được vui vẻ, chúng ta phải tập hỷ xả những vật bên ngoài, hỷ xả những phiền hận trong lòng. Trong ngoài đều hỷ xả hết mới có cái vui chân thật.

Sở dĩ đức Phật Di Dặc cười hoài là vì Ngài hỷ xả, còn chúng ta buồn hoài là vì chúng ta cố chấp phiền hận. Cố chấp phiền hận là nguyên nhân của đau khổ, của bệnh tật rất xấu xa đê hèn, dứt khoát phải xả bỏ. Mọi người, ai cũng muốn mình là người vui tươi. Ai cũng muốn mình là người sung sướng, nhưng tại sao lại chứa cái nhân đau khổ? Có phải tự mình mâu thuẫn với mình không? Khi nào giận ai, buồn ai là biết mình đang hại mình làm cho mình xấu xa, làm cho mình đau khổ, làm cho mình bệnh hoạn. Biết như vậy thì ngày mùng tám tháng giêng có cần đi cúng sao không? Cúng sao là để cầu năm nay mình khỏi tai nạn, được vui sướng. Bây giờ xả hết, không buồn ai, không giận ai thì năm nay an ổn vui sướng rồi, dù có gặp sao La-hầu, Kế-đô cũng an vui như ngày xuân, nên không cần cúng sao! Mình không giận ai thì ai thù mình? Không thù người thì ai hại mình? Đó là cái nhân làm cho an ổn thực tế. Còn cúng sao là cái cầu mong huyễn hoặc trên trời, không phải việc làm thiết thực cụ thể. Hỷ xả là cái đức rất cần thiết và quý báu cho cuộc sống hiện tại của chúng ta. Muốn được vui, muốn được tươi đẹp, sống lâu chúng ta phải hành hỷ xả. Người không chịu hỷ xả là người sẽ chết yểu, bệnh hoạn xấu xa. Vậy ngày đầu năm, quý vị hãy tu hạnh hỷ xả cho trọn năm được vui như đức Di Lặc. Đó là cái vui thứ hai.

3. Cái vui thứ ba là “PHÁP HỶ”

Pháp là chánh pháp, hỷ là vui. Pháp hỷ là vui với chánh pháp. Khi nghe kinh học đạo, thấy lời Phật dạy là chân lý, rất thực tế, không xa vời huyễn hoặc, có thể thực hành được, chúng ta thích thú, cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng, đó là pháp hỷ hay pháp lạc. Tại sao vui? Vì nghe kinh học đạo, chúng ta thấy được lẽ thật, lòng nhẹ nhàng vui sướng. Người nào nghe kinh học đạo, thấy lòng vui nhẹ nhàng sung sướng, đó là người được pháp lạc. Còn người nào nghe kinh học đạo mà gục lên gục xuống, nghiêng qua ngả lại, người đó không được pháp lạc. Nếu không có cái vui khi nghe kinh học đạo, dù có đi chùa cũng thấy khó tinh tấn. Việc gì chúng ta thích thú mới cố gắng làm, nếu không thích thú thì làm miễn cưỡng chớ không cố gắng. Người học đạo phải nghiền ngẫm mới thấy lời Phật dạy là chân lý. Thấy được chân lý, chúng ta mới vui sướng. Cái vui sướng đó là pháp hỷ hay pháp lạc là cái vui chân thật. Có được cái vui chân thật mới tinh tấn, thích tu hành. Nếu không được pháp hỷ, có tu chăng, cũng chỉ cầu mong được tài lợi danh vị… chớ không phải vui thích mà tu. Người học đạo chân chính vui với đạo mà tu, chớ không phải cầu mong cái gì khác. Như vậy khi nghe kinh hoặc đọc sách Phật phải chịu khó nghiền ngẫm tư duy. Tư duy đúng đắn, tột cùng thấy được lẽ thật thì vui thích; cái vui thích đó tạo thành sức mạnh khiến chúng ta tinh tấn trên con đường tu.

Người đời có những lúc vui mừng quá người ta khóc. Chẳng hạn thân nhân đi đâu xa khoảng hai mươi năm, ba mươi năm không gặp, khi gặp lại mừng quá rơi nước mắt. Trong đạo cũng thế, khi đọc kinh Phật cũng cảm động rơi nước mắt. Đó là trường hợp của ngài Khuê Phong, người được ban tặng quyển kinh Viên Giác, đọc qua ngài vui sướng cảm động rơi nước mắt. Đó là cái vui sướng tột cùng khiến nước mắt rơi. Người học đạo mà vui như thế thì không bao giờ thối chuyển. Khi nào đọc kinh thấy Phật nói hay quá cảm động, sung sướng, rơi nước mắt, đó là duyên lành khá sâu với Phật pháp. Người được cái vui đó, là người ít bị khó khăn hay chướng ngại làm lui sụt. Còn khi đọc kinh thấy buồn ngủ, tụng kinh ngáp dài, thì không tìm được cái vui trong đạo. Không vui thì sự tu khó tiến bộ. Đó là cái vui của pháp hỷ hay pháp lạc.

4. Cái vui sâu hơn là “THIỀN DUYỆT”

Thiền là thiền định, duyệt là vui, thiền duyệt là vui trong thiền định. Trong nhà thiền có tả trong lúc tọa thiền, khi thân tâm an ổn, hơi thở nhẹ nhàng, lúc đó cảm thấy khinh an thư thới khác hơn bình thường. Cái vui này lâng lâng nhè nhẹ chớ không phải cái vui hớn hở nhộn nhàng. Chỉ khi nào chúng ta lắng sâu trong thiền định, thân an hơi thở điều hòa tâm định, thì cái vui nhè nhẹ xuất hiện, cái vui này nhà Phật gọi là “Thiền duyệt”.

Người mới tập ngồi thiền thì thấy đau chân, thân mỏi nhọc, mồ hôi chảy, chẳng vui chút nào cả, thấy ngồi thiền khổ như một hình phạt. Nhưng đến lúc quen thì nhẹ nhàng an ổn. Tới giờ ngồi thiền, không ngồi thấy như thiếu cái gì, giống đến giờ ăn mà không ăn, cảm thấy khó chịu. Tu thiền cũng phải như vậy. Đến giờ ngồi thiền mà không ngồi được, chúng ta cảm thấy thiếu thốn cái gì, phải đi ngồi thiền mới thấy an ổn, giống như đói cần ăn, phải ăn mới no. Do đó mà nói “Thiền duyệt vi thực”. Người tu ít ai lấy cái vui trong thiền định làm thức ăn, vì phải khó nhọc tu tập lâu dài, công phu đắc lực mới có trạng thái an vui đó, chớ không phải ngồi năm tháng, ba tháng mà được. Buổi đầu ngồi thiền nhọc nhằn, khổ sở lắm; qua giai đoạn nhọc nhằn, khổ sở mới được an vui. Cái vui này là thiền duyệt. Bao giờ chúng ta thấy cái vui thiền định không thể thiếu như bữa cơm không thể thiếu khi đói, mới được gọi là “Thiền duyệt vi thực”. Đó là cái vui thứ tư.

5. Đến cái vui thứ năm khó hơn là “TỊCH LẠC”

Cái vui này ít được nghe nói. Nó xuất phát từ tâm tịch tịnh được diễn đạt qua bốn câu kệ trong kinh Đại Niết Bàn:

Chư hành vô thường
Thị sanh diệt pháp
Sanh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc.

Tịch lạc được ghép chữ đầu và chữ cuối của câu kệ chót là vui, đó là cái vui cứu cánh của người tu. Hai cái vui đầu gần gũi với người mới học đạo, thế mà đa số người học Phật chưa thực hiện được, phải thực hiện từ cái vui thứ nhất đến cái vui thứ hai, có được hai cái vui đó rồi mới đến cái vui thứ ba, thứ tư, cuối cùng tới cái vui thứ năm là tịch lạc. Tịch là lặng lẽ, lạc là vui, tịch lạc là tâm lặng lẽ an vui. Cái vui này như thế nào?

Chư hành vô thường, thị sanh diệt pháp. Hành ở đây là hoạt động, tức là thân miệng ý hoạt động thì thành nghiệp, hoặc nghiệp thiện hoặc nghiệp ác. Nghiệp xuất phát từ ý nghĩ, miệng nói, thân làm; song ý nghĩ rồi mất, miệng nói rồi mất, thân hành động rồi mất. Thân miệng ý là chỗ tạo nghiệp sanh diệt vô thường, nên nói: “Thị sanh diệt pháp” tức là pháp sanh diệt không bền chắc. Như vậy tất cả hành động tạo tác trên thế gian đều vô thường nên đau khổ. Khi nào “Sanh diệt diệt dĩ”, thì “Tịch diệt vi lạc”. Cái vui này quá sâu kín cũng gọi là cái vui Niết bàn. Sau khi cái sanh diệt nó diệt hết rồi mới tới chỗ tịch diệt. Sanh diệt ở đây là sanh diệt của nghiệp ý, khẩu và nghiệp thân, nhưng chủ yếu là ý, vì ý chủ động cho nên nghiệp ý lặng rồi dù có nói, có làm cũng là tịch diệt. Như vậy sau khi vọng tưởng lặng hết rồi không còn khuấy động nữa thì tâm tịch diệt. Tâm tịch diệt là chỗ an ổn chân thật bất sanh bất diệt. Tâm bất sanh bất diệt đó là Niết bàn. Đó là cái vui cứu cánh chân thật ít người hưởng được.

Chúng ta học và tu theo Phật có cái vui cạn và cái vui sâu. Thứ nhất là cái vui do tùy hỷ thật dễ làm không tốn công, chỉ xả tâm tật đố của mình là được. Thứ hai là cái vui tốn công, tốn của xả bỏ tài vật của mình và xả bỏ những cái chứa chấp trong tâm niệm mình. Hai cái đó xả được là có cái vui hỷ xả. Thứ ba là cái vui pháp hỷ hay pháp lạc. Cái vui này phải có công phu nghiền ngẫm, nghiên cứu Phật pháp chúng ta mới được niềm vui trong đạo lý. Thứ tư là thiền duyệt là phải có công phu nhiều tháng, nhiều năm tu hành mới được cái vui thiền duyệt. Được cái vui thiền duyệt rồi cuối cùng mới được cái vui tịch lạc; tức là tâm lặng lẽ, rỗng rang không còn một niệm dấy động, thấy tất cả sự vật cái gì cũng nên thơ đẹp đẽ. Không còn phân biệt đây là xấu, kia là tốt, đây là hay, kia là dở, chỉ một niệm chân thật. Cho nên trong nhà thiền gọi là: “Xúc mục tức Bồ đề”; tức là nhìn cái gì cũng là Bồ đề, là giác ngộ; thấy người vật đều vui, đều đẹp. Tất cả là mùa xuân, không có cái gì buồn xấu. Như vậy, nếu tới được chỗ vui đó, thì chúng ta hưởng được mùa xuân vĩnh cửu, không bao giờ mất. Thiền sư Phật Nhãn hiệu Thanh Viễn đời Tống ở Trung Hoa có một bài thơ nói về xuân như sau:

Xuân nhựt xuân sơn lý
Xuân sự tân giai xuân
Xuân quang chiếu xuân thủy
Xuân khí kết xuân vân

Xuân khách xuân tình động
Xuân thi xuân cánh tân
Duy hữu tức xuân nhơn
Vạn kiếp nguyện nhất xuân.

Tạm dịch:

Ngày xuân xuân trong núi
Việc xuân thảy đều xuân
Hồ xuân ánh xuân chiếu
Khí xuân kết mây xuân

Khách xuân lòng xuân động
Thi xuân xuân càng tươi
Chỉ có người biết xuân
Muôn kiếp một mùa xuân.

Tại sao hoàn toàn bài thơ câu nào cũng là xuân hết vậy?

Ngày xuân xuân trong núi: Ngày xuân trong núi giống như xuân hôm nay. Tức là ngày vui, vui ở trong núi.

Việc xuân thảy đều xuân: Nếu lòng mình nhẹ thênh thang, không buồn, không giận hờn, phiền, không dấy niệm phân chia thì cái gì cũng là xuân, thấy ai cũng đẹp đẽ dễ thương. Sở dĩ chúng ta không vui được là vì thấy cái này xấu, cái kia tốt; thấy người này dễ thương, người kia dễ ghét… Thấy người dễ ghét thì hết xuân, mặt xụ xuống làm sao vui được. Còn thấy ai cũng dễ thương thì gặp ai mình cũng nở nụ cười, không phải xuân là gì? Trên mặt mình lúc nào cũng là mùa xuân, cho nên thấy cái gì cũng xuân. Tất cả đều xuân.

Hồ xuân ánh xuân chiếu: Hồ nước mùa xuân ánh nắng mặt trời soi sáng dưới mặt hồ cũng xuân, cái gì cũng đẹp hết.

Khí xuân kết mây xuân: Mây loáng thoáng lưa thưa ở chung quanh núi, mái nhà, vườn cây là những mây nhạt gọi là xuân khí. Xuân khí đó kết thành những cụm mây, những cụm mây đó cũng là mây xuân. Như vậy, nhìn người, nhìn mây, nhìn nước, nhìn vật cũng là xuân; tất cả đều là xuân. Tại sao vậy? Tại vì trong lòng vui tươi như mùa xuân nên thấy người cảnh đều xuân. Nếu trong lòng buồn bã như đêm ba mươi thì thấy cái gì cũng buồn bã tối đen. Sở dĩ thấy cảnh vật ở ngoài đẹp là do trong lòng mình đẹp.

Khách xuân lòng xuân động: Như người khách trong mùa xuân, thấy cảnh đều vui theo, tức lòng động theo mùa xuân.

Thi xuân xuân càng tươi: Mùa xuân đã tươi rồi, thi nhân còn tô điểm làm cho nó tươi đẹp thêm.

Chỉ có người biết xuân. Muôn kiếp một mùa xuân: Cảnh xuân, khách xuân, tình xuân v.v… là cái bên ngoài. Chỉ có người biết được xuân rồi mới vui xuân muôn kiếp, không bao giờ có vẻ sầu mặt héo. Đó là mùa xuân tươi đẹp, đầy cả bầu trời, tràn trề cả nhân thế.

Quý vị có muốn hưởng mùa xuân này không? Nếu muốn thì phải tu từ cạn tới sâu. Cạn nhất là tu bỏ tật đố để phát tâm tùy hỷ vui theo tất cả việc tốt việc lành của mọi người. Kế đó là xả từ vật chất của cải đến những bực bội cố chấp trong lòng được cái vui hỷ xả. Rồi tới học hiểu giáo lý một cách đúng đắn, có niềm vui chân thật là cái vui pháp lạc. Kế nữa, là tu hành tiến tới an ổn được cái vui thiền định. Cuối cùng là dứt sạch mọi vọng niệm được an vui, tự tại chỉ một tâm thênh thang trong suốt, thì nhìn đời bằng một mùa xuân không đổi thay, bất diệt. Xuân như thế mới là xuân Di Lặc, mới là xuân muôn đời muôn kiếp. Nếu mùa xuân chỉ có ba tháng hoặc chỉ có ba ngày Tết thì xuân đó quá hữu hạn; ngày nay gượng cười, ngày mai gặp nhau quạu quọ, tức tối thì không có xuân. Phải cởi bỏ những chướng ngại trong lòng thì xuân muôn kiếp mới xuất hiện.

Mong rằng mùa xuân muôn kiếp sẽ đến với quý vị.

* Đạo Phật đã chung sống với người dân Việt gần 20 thế kỷ, sợi dây liên lạc đã thắt chặt đạo Phật với dân tộc Việt Nam thành một khối bất khả phân ly. Tư tưởng đạo Phật đã thấm nhuần tinh thần dân tộc. Bởi sự liên hệ mật thiết này nên người dân Việt coi đạo Phật là đạo của tổ tiên truyền lại. Đạo Phật bị phá hoại thì tinh thần dân tộc cũng lung lay. Vì thế để bảo vệ tinh thần dân tộc, giữ gìn tín ngưỡng truyền thống của tổ tiên, người Việt Nam tự thấy có bổn phận bảo vệ đạo Phật một cách hồn nhiên. Muốn thấy rõ những mối liên quan mật thiết giữa đạo Phật và dân tộc Việt Nam thế nào, chúng ta nên tìm hiểu về đạo Phật…

Hòa thượng THÍCH THANH TỪ

(Trích một đoạn trong “Sư Ông dạy”, in trong Dây Thân Ái, báo Tết của Gia đình Phật tử Viên Chiếu, tr. 5, xuất bản quý I/2014).


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự giết hại


Phù trợ người lâm chung


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại


Dưới cội Bồ-đề

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.22.204 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...