Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu tập Phật pháp »» Lá thư hằng tuần và Chia sẻ Phật pháp bài số 10 - năm 2024 »»

Tu tập Phật pháp
»» Lá thư hằng tuần và Chia sẻ Phật pháp bài số 10 - năm 2024

Donate

(Lượt xem: 4.045)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Lá thư hằng tuần và Chia sẻ Phật pháp bài số 10 - năm 2024

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Trong bài chia sẻ Phật pháp lần thứ mười hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu 2 yếu tố là niệm và định, tức niệm giác phần (念覺分) và định giác phần (定覺分). Đây là hai yếu tố luôn đi đôi, gắn bó cùng nhau, cũng tương tự như khinh an giác phần và xả giác phần.

Niệm (念) trong sự tu tập của Phật giáo nên được hiểu đầy đủ là chánh niệm, nghĩa là duy trì ý niệm một cách chân chánh. Nếu một người cũng nắm giữ, duy trì được ý niệm nhưng là những ý niệm tà vạy, xấu ác, thì đó không phải là tu tập niệm giác phần. Bởi vì đó là nhân sẽ dẫn đến đọa lạc chứ không phải sự giải thoát, an vui. Vì chánh niệm là nhân dẫn đến sự giải thoát nên niệm giác phần là sự tu tập duy trì ý niệm có yếu tố tỉnh giác, giác ngộ.

Trong Hán tự, chữ niệm (念) gồm chữ kim (今) phía trên, có nghĩa là hiện nay, vào lúc này, và chữ tâm (心) phía dưới, có nghĩa là tâm ý, ý thức. Cho nên, trong ý nghĩa chiết tự này chúng ta dễ dàng ghi nhớ được rằng niệm chính là nắm giữ, duy trì được tâm niệm ở ngay trong thời điểm hiện tại, ngay vào lúc này. Làm được như vậy là có chánh niệm (正念), không làm được như vậy là thất niệm (失念), nghĩa là đã mất đi chánh niệm.

Nhưng vì sao phải nắm giữ, duy trì ý niệm? Bởi vì do tập khí vọng động đã huân tập từ nhiều đời trong quá khứ cũng như ngay trong đời hiện tại, sự vận hành tự nhiên của ý thức chúng ta sẽ luôn chạy theo bất kỳ một đối tượng nào đó. Đối tượng đó có thể là một ước muốn trong tương lai hoặc một ký ức trong quá khứ, hoặc cũng có thể là một sự tính toán, suy diễn về sự việc hiện tại. Và ngay cả khi suy nghĩ về những sự việc trong hiện tại, chúng ta vẫn có khuynh hướng kết hợp với những dữ kiện quá khứ hoặc dự tưởng về tương lai. Do vậy, nếu quay nhìn lại tâm niệm của chính mình, chúng ta sẽ thấy đó là cả một chuỗi dài tiếp nối những ý tưởng loạn động, xôn xao, không mấy khi có được trạng thái an tĩnh.

Cho nên, để duy trì được chánh niệm, chúng ta cần phải có sự rèn luyện, tu tập. Nhưng trước hết ta cần phải biết nhìn lại tự tâm để thấy được những loạn động trong tâm ý, sau đó mới có thể bắt đầu tiến trình tu tập để làm lắng xuống những ý tưởng loạn động ấy.

Trong thực tế, sự tu tập không phải là để dứt trừ, ngăn chặn những ý niệm trong tâm của chúng ta, mà chỉ cần nhận biết, thấu hiểukhông buông thả chạy theo những ý niệm đó.

Nhận biết là tiến trình đầu tiên như đã nói, vì chỉ khi nhận biết rồi ta mới có thể giải quyết được vấn đề. Thông thường, các ý niệm đến rồi đi, khởi lên trong tâm thức rồi diệt mất đi mà chúng ta không hoàn toàn nhận biết chúng, vì ta vốn xem đó như những điều rất tự nhiên, tất yếu phải như vậy. Tuy nhiên, khi có sự quán sát nội tâm, ta sẽ thấy rõ được từng ý niệm đến rồi đi trong tâm mình, và rất nhiều trong số những ý niệm ấy không phải do ta làm chủ mà chỉ sinh khởi do sự kích thích ở ngoại duyên, hoàn toàn không có mục đích hay ý nghĩa rõ rệt. Khi lặng lẽ quán sát những ý niệm khởi sinh trong tâm, chúng ta sẽ dần dần rèn luyện được thói quen chủ động hơn đối với các ý niệm, tiến đến việc có thể kiểm soát, làm chủ những ý niệm ấy.

Thấu hiểu là bước thứ hai, khi ta có được khả năng nhận biết và phân tích những ý niệm trong tâm mình. Ta sẽ bắt đầu nhận ra được sự vô nghĩa của rất nhiều trong số những ý niệm đó. Những hồi tưởng về quá khứ chẳng hạn, thường tạo ra cho chúng ta nhiều cảm xúc tiêu cực, nhưng chúng không giúp được gì cho việc hoàn thiện cuộc sống. Đơn giản là vì chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng những cảm xúc phiền não của quá khứ thì luôn có thể quay lại với chúng ta bất cứ khi nào ta nhớ đến. Mặt khác, khi tâm thức ta chạy theo những dự tưởng về tương lai, có vẻ như sẽ giúp ta chuẩn bị tốt cho một sự kiện nào đó chưa xảy đến, nhưng thật ra thì rất hiếm khi thực tế sẽ diễn ra đúng như ta dự tưởng, và vì thế mà rất nhiều trong số những ý tưởng của chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là… ý tưởng. Cho nên, chúng thường là nguyên nhân khiến ta hao phí tâm lực một cách vô ích và đánh mất đi những giá trị quý giá của hiện tại mà lẽ ra ta đã dễ dàng có được. Khi có thể nhận biết và thấu hiểu những ý niệm khởi sinh trong tâm, ta sẽ nhận ra được sự vô nghĩa, không cần thiết của rất nhiều, thậm chí là hầu hết những ý niệm đó.

Và cuối cùng của tiến trình rèn luyện là chủ động dừng lại, không chạy theo những ý niệm mà ta đã thấy rõ là vô nghĩa. Trong thực tế, sự chạy đuổi của tâm thức theo các đối tượng chính là tiến trình đang diễn ra từng giây phút trong tâm niệm của mỗi chúng ta. Đạo Phật gọi tiến trình này là phan duyên (攀緣), nghĩa là vin theo, leo theo, giống như một sợi dây leo luôn vươn ra, bám lấy bất kỳ cành nhánh nào ở gần nó để rồi tiếp tục bò ra đến một nơi khác xa hơn. Tâm ý của chúng ta cũng vậy. Khi có một đối tượng nào đó gợi sự chú ý, trước tiên ta sẽ hướng vào đó, ví dụ như khi ta đang ngồi nghe tiếng chó sủa bên nhà hàng xóm. Tiếp theo, ta sẽ có khuynh hướng nghĩ đến bất kỳ điều gì có tương quan gần gũi với đối tượng đó, chẳng hạn như con chó ta nuôi đã chết cách đây vài tháng… Và tiếp theo nữa là bất kỳ điều gì có liên quan đến ý niệm vừa khởi lên đó, chẳng hạn như những kỷ niệm, những điều đã xảy ra khi con chó của ta còn sống… Và cứ như thế, có khi vô số sự việc dẫn đến vô số ý niệm sẽ liên tục khởi sinh rồi diệt đi trong tâm thức ta, cho đến khi có một ngoại duyên nào khác xuất hiện và đủ cường độ lôi cuốn để cắt đứt dòng suy nghĩ đó, chẳng hạn như bất ngờ ta nghe có tiếng pháo nổ…

Toàn bộ tiến trình phan duyên như vừa nói, trong thực tế diễn ra vô cùng nhanh chóng và âm thầm, nên thường không được nhận biết nếu không có sự quán sát tự tâm. Một khi có sự quán sát, nhận biết và thấu hiểu như vừa nói, ta sẽ không còn chạy đuổi theo những ý niệm bất chợt khởi lên trong tâm. Khi đó, chúng sẽ tự động biến mất đi, giống như những gợn sóng trên mặt nước khi có viên sỏi rơi xuống, chúng tự nhiên giảm dần cường độ cho đến khi hoàn toàn biến mất.

Tuy nhiên, tâm thức của chúng ta không phải là gỗ đá vô tri, do đó tất nhiên là nó vẫn không ngừng hoạt động. Cho nên, sự tu tập hoàn toàn không phải là để dừng lại mọi ý niệm, mà chính là rèn luyện để làm chủ được tiến trình hoạt động đó. Khi ấy, chúng ta sẽ duy trì được ý niệm của mình một cách có chủ đích và không bị tán tâm loạn động, không chạy theo những ngoại duyên lôi cuốn. Đây là một mục tiêu rất lâu dài, không thể nào đạt được trong một thời gian ngắn. Trong thực tế, có thể nói đây là một tiến trình tu tập trong suốt một đời người, bởi vì mức độ làm chủ tâm thức có thể gia tăng theo thời gian và nỗ lực công phu tu tập, nhưng chỉ khi nào thực sự đạt đến các thánh quả thì người tu tập mới có thể hoàn toàn làm chủ được tâm thức.

Để rèn luyện sự kiểm soát tâm thức, mỗi tông phái trong Phật giáo có thể vận dụng một phương thức khác nhau. Tịnh độ tông sử dụng pháp niệm Phật. Người tu tập hướng đến sự chú tâm hoàn toàn vào danh hiệu Phật khi trì niệm, và như vậy tâm ý sẽ không chạy theo các ngoại duyên, không còn tán loạn và dần đạt đến sự an tĩnh, duy trì ý niệm vào đối tượng duy nhất là danh hiệu Phật. Với sự rèn luyện mỗi ngày, tâm thức sẽ quen dần với trạng thái an tĩnh này và sự loạn động dần dần giảm nhẹ đi. Tương tự như vậy, người tu tập Mật tông sử dụng pháp trì chú hoặc quán tưởng bổn tôn để tập trung tâm ý và ngăn dứt các ý niệm xen tạp… Những người chọn pháp môn thiền thì có thể chọn một trong các pháp thiền thích hợp với mình để áp dụng, có thể là quán niệm hơi thở hoặc đếm hơi thở… hoặc cũng có thể là quán bất tịnh, quán vô thường… Tuy nhiên, điểm chung của tất cả các pháp tu hướng đến mục đích này đều là đòi hỏi phải có sự kiên trì và tinh tấn. Nếu tu tập một cách hời hợt, không nỗ lực và thiếu kiên nhẫn thì chắc chắn sẽ không thể nào đạt được kết quả.

Khi tu tập niệm giác phần để đạt đến sự tỉnh giác, kiểm soát và duy trì ý niệm, chúng ta cũng sẽ đồng thời tiến dần đến sự an định tâm ý, vì tính chất tương đồng của hai trạng thái này đều là chấm dứt mọi sự loạn động. Tuy nhiên, định giác phần hướng đến một sự an định sâu xa hơn nên thường đòi hỏi phải có sự nỗ lực công phu chuyên biệt hơn, chẳng hạn như một thời khóa tu tập thiền định mỗi ngày. Sự tu tập như thế sẽ dần dần tạo ra khả năng an định vững chãi hơn, tức là định lực, và đó chính là nền tảng để khởi sinh trí tuệ giải thoát.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Dưới cội Bồ-đề


Em Là Vì Sao Sáng


Thắp ngọn đuốc hồng


Phật Giáo Yếu Lược

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.128.201.71 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...