Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng.
(Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới.
(Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp.
(Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Thoát Vòng Duyên Khởi (TVDK)- cụm từ này mới nghe qua có vẻ như một cụm từ cấm kỵ, nhưng những nguyên tắc đằng sau nó không đến nỗi khó hiểu lắm. Về cơ bản, TVDK mô tả tâm lý của thiền, nghĩa là, những tiến trình trong thiền định được kinh nghiệm như thế nào từ lúc đâù cho đến lúc cuối.
TVDK liên quan chặt chẽ với giáo lý duyên khởi trong đạo Phật . Để cho bạn nào chưa quen thuộc nhiều với những lời Phật dậy, lý duyên khởi là một chuỗi 12 yếu tố nhân quả kết nối với nhau. Yếu tố cuối cùng trong chuỗi nhân qủa này là khổ. Bởi vì là một chuỗi nhân qủa, nó cho ta thấy khổ phát sanh như thế nào. Yếu tố thứ nhất của mười hai nhân duyên là vô minh, không có khả năng thấy được thế gian như nó là, và nó thật sự hoạt động như thế nào. Như thế, bắt đầu với vô minh, yếu tố này dẫn đến yếu tố sau, tiếp luôn cho đến khổ đau. Vậy lý duyên khởi chỉ cho ta thấy khổ đau chính là hậu qủa của vô minh.
Đây là cách mà Đức Phật đã giảng tại sao có khổ đau. Nhưng Đức Phật cũng giảng về một chuỗi nhân qủa đưa đến sự thoát khổ. Chính cái chuỗi nhân qủa này được gọi là TVDK (SN12:23). TVDK bắt đầu với khổ, nói một cách khác, nó bắt đầu ở yếu tố cuối của lý duyên khởi – và, qua 12 yếu tố nhân qủa kết nối khác , nó chỉ cho bạn thấy làm thế nào để dần dần đi đến giải thoát.
Triển vọng chấm dứt khổ đau là một thông điệp vô cùng tích cực. Đôi khi người ta nói đạo Phật bi quan-chỉ thấy nói đến khổ đau- nhưng đây lại là điều hoàn toàn ngược lại. Đức Phật nói rằng nhờ vào khổ đau mà bạn có thể đi suốt cho đến giải thoát bằng chính ngay cái khổ đau đó.
Chúng ta hãy duyệt qua 12 móc nhân duyên của TVDK. Yếu tố đầu là khổ ( dukkha). Đây không phải chỉ muốn đề cập đến thực tế là có cái khổ, mà còn muốn cho chúng ta nhận thức được vấn đề. Chỉ khi nào bạn hiểu được là có vấn đề thì bạn mới tìm cách giải quyết. Một phần là phải hiểu rõ về vấn đề khổ đau bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng điều quan trọng hơn là phải thấy cái phạm vi rộng lớn của khổ đau. Sự hiểu biết này bắt đầu khởi lên khi thiền định của bạn tiến sâu hơn và bạn bắt đầu thấy chính mình và thế giới theo môt cách khác. Nhưng cụ thể nhất là khái niệm về sự tái sanh- nhất là khi chính bạn tự mình thấy được- sẽ khiến cho bạn hiểu rõ phạm vi rộng lớn thực sự của vấn đề.
Đạo Phật cho bạn biết là có giải pháp cho vấn đề này. Khi bạn hiểu là có vấn đề và nhận biết có một giáo lý có thể hướng dẫn bạn tìm ra giải pháp, bạn sẽ có niềm tin (saddha ) vào giáo lý này. Đây là yếu tố thứ hai.
Điều đáng ghi nhận trong những lời Phật dạy là nó chỉ cho bạn thấy giải pháp này nằm ở một nơi hoàn toàn khác hẳn với những gì bạn tưởng. Bình thường, trong đời sống, chúng ta nghĩ rằng giải pháp cho khổ đau sẽ được tìm thấy trong những mối quan hệ tình cảm, tình bạn, của cải vật chất, địa vị, quyền thế, được kính trọng, được khen ngợi, v.v.- những điều mà trong đạo Phật gọi là “pháp thế gian” ( lokadhamma, AN8:6). Người ta thường nghĩ câu trả lời cho đau khổ nằm ở đó. Nhưng rồi Đức Phật đến và nói cho bạn biết là bạn đã đi tìm không đúng chỗ, rằng giải pháp được tìm thấy ở một nơi khác.
Thật là siêu việt. Nó cho bạn cảm tưởng, ừ nhỉ, đúng là giải pháp phải ở chỗ nào khác, bởi vì đã biết bao lần bạn cố gắng tìm hạnh phúc qua những pháp thế gian mà bạn vẫn cứ khổ đau. Trong một nghĩa nào đó, đây chính là bi kịch của con người: chúng ta luôn muốn được hạnh phúc, nhưng thường chúng ta lại tìm không đúng chỗ, nên thay vào đó chúng ta chuốc lấy khổ đau. Khi bạn hiểu là có vấn đề và biết có một giáo lý hứa hẹn cho bạn một giải pháp thực tiển, niềm tin của bạn sẽ khởi lên. Bạn nhận ra rằng có một điều gì đó thật đặc biệt trong những lời giảng dạy này.
Niềm tin là một điều tuyệt đẹp. Bạn cảm thấy an toàn vì có được một giáo lý vạch rõ một giải pháp giúp bạn thoát khổ.Trong kinh nói rằng, một người không có niềm tin, không có nơi nương tựa, giống như một người băng qua sa mạc. Trừ khi người đó tìm được cách đi qua, nếu không họ sẽ không thể chống chọi được với sức mạnh của thiên nhiên - nắng nóng, thiếu nước, tất cả những vấn đề trong sa mạc. Nhưng người có niềm tin thì giống như một người đã băng qua khỏi sa mạc (MN39).
Bởi vậy niềm tin trong đạo Phật là rất quan trọng. Đôi khi người ta nghĩ là niềm tin không thật sự quan trọng, rằng người ta chỉ cần tìm hiểu, nghiên cứu xem điều đó đúng hay sai là đủ rồi. Dĩ nhiên, nghiên cứu, tìm hiểu là điểm chính yếu trong đạo Phật . Tuy nhiên, khi niềm tin mạnh mẽ nó sẽ trở thành một sức mạnh đẩy bạn vào con đường đạo và khiến cho bạn đi đúng hướng. Đây là một đức tính cần thiết mà ta phải mang theo trong suốt cuộc hành trình tâm linh. Hơn thế nữa, khi niềm tin được đặt đúng chỗ thì tất cả những yếu tố sau đó sẽ đi theo như một hệ qủa tự nhiên. Nó trở thành con đường tự hoàn mãn bởi mỗi yếu tố sẽ khiến cho yếu tố kế khởi lên, từng giai đoạn một, cho đến khi bạn đạt đến hoàn toàn giác ngộ.
Kết qủa trực tiếp của niềm tin là hân hoan ( pamojja), yếu tố thứ ba của chuỗi TVDK. Niềm hân hoan đến từ sự khám phá một điều gì đó thật là qúy báu. Bạn đã tìm được sự hướng dẫn cho ý nghĩa thật sự của đời sống và bạn cảm nhận được đây là những lời giảng dạy phi thường . Sự liên hệ giữa niềm tin và hân hoan được mô tả ở nhiều nơi trong kinh. Chẳng hạn, những điều quán tưởng quan trọng trong kinh là qúan tưởng về “Ân Đúc Phật”, “Ân Đức Pháp” và “Ân Đức Tăng”. Bởi vì những quán tưởng này được thiết lập trên sự nhận biết về giá trị sâu sắc của giáo lý nhà Phật, hân hoan sinh khởi trong tâm bạn. Điều này được gọi là atthaveda và dhammaveda, cảm hứng trong ý nghĩa và cảm hứng trong Pháp. Nguồn cảm hứng tuyệt vời phát sinh cũng giống như “pamojja” mà chúng ta đang nói đến ở đây. Như vậy hân hoan đến cùng với niềm hứng khởi, và đây là kết qủa của niềm tin ( AN6:10)
Một khi pamojja sinh khởi, đạo lộ tự nó sẽ tiếp tục mở ra . Nó là như vậy bởi vì hân hoan khiến cho bạn có chánh niệm và năng lực. Có chánh niệm và năng lực thì khi ngồi xuống thiền bạn sẽ có khả năng giữ được đề mục và bạn sẽ tiến bộ đều đặn. Thiền tập có kết quả. Đôi khi có vẻ như thật khó hiểu vì sao thiền định lúc được, lúc không, nhưng đây chính là lý do tại sao. Thiền tốt đẹp khi bạn cảm thấy hân hoan và niềm hứng thú sẽ đến cùng với chánh niệm và năng lực. Như vậy, phần còn lại của đạo lộ chủ yếu là một tiến trình tự động. Đây là một tiến trình thiền định dẫn bạn đi từng giai đoạn một cho suốt đến giác ngộ. Đây là tâm điểm của tiến trình nhân qủa của sự đoạn diệt duyên khởi.
Vậy tiến trình này xẩy ra như thế nào? Bạn ngồi xuống, theo dõi hơi thở, thật dễ dàng. Khi thiền phát triển, hỷ lạc (piti) bắt đầu khởi lên trong bạn. Đây là yếu tố thứ tư của chuỗi nhân qủa này. Khi thiền tiến bộ thêm, hỷ lạc lắng xuống và bạn có cảm giảc tĩnh lặng (passaddhi), yếu tố thứ năm. Sự tĩnh lặng này, khi được phát triển, sẽ trở thành một cảm giác mãn nguỵên sâu xa và hạnh phúc (sukha), yếu tố thứ sáu. Và rồi, điều này dẫn đến tâm định tĩnh (samadhi), yếu yố thứ bảy, đây là khi thiền định trở nên vững mạnh thực sự. Khi tâm ra khỏi trạng thái định sâu, bạn sẽ có sự hiểu biết và cái nhìn đúng như sự thật ( yatha-bhuta-nana-dassana). Đây là yếu tố thứ tám. Bởi vì samadhi khắc phục những chướng ngại - cái tâm ô nhiễm ngăn cản không cho bạn thấy được sự thật đúng đắn- bây giờ, lần đầu tiên bạn thấy rõ mọi việc.
Khi bạn nhìn thấy sự vật một cách đúng đắn, bạn sẽ thấy đau khổ kết nối chặt chẽ với sự hiện hữu như thế nào. Bạn sẽ muốn từ bỏ (nibbida) tất cả. Đây là yếu tố thứ chin. Bạn nhận ra rằng mình phải thoát ra khỏi bánh xe luân hồi. Từ bỏ dẫn đến nhàm chán (viraga), yếu tố thứ mười. Viraga là sự chấm dứt ham muốn, sự ngược lại của khát vọng, đam mê thế gian. Và khi cái say đắm, ham muốn biến mất, bạn được giải thoát (vimutti), yếu tố thứ mười một. Khi được giải thoát , bạn cũng sẽ biết ( tri kiến ) rằng bạn đã được giải thoát ( khayananam) Đây là yếu tố thứ mười hai và là yếu tố cuối cùng của chuỗi TVDK. Đây là phương cách khổ đau dẫn đến giải thoát.
Để có một cái nhìn sâu hơn ( deeper perspective) về sự đoạn diệt của vòng duyên khởi, bây gìờ tôi muốn xem nơi bắt đầu của chuỗi ở một góc cạnh hơi khác. Tôi muốn tập trung vào vài bước đầu của trình tự, bởi vì làm cho đúng những bước này rất quan trọng. Nếu bạn làm đúng những bước đầu, những bước còn lại chỉ tiếp theo như một kết qủa tự nhiên.
Để có được cái nhìn xuyên sâu, ta có thể xem xét một biến thể (variation) của sự đoạn diệt vòng duyên khởi thường gặp trong một số bài kinh (thí dụ AN11:3). Cái biến thể này, thay vì bắt đầu bằng khổ đau và niềm tin , thì bắt đầu bằng giới hạnh. Giới hạnh khiến ta không hối hận (avipatisara), và không hối hận phát sinh hân hoan, pamojja. Và những phần còn lại thì chủ yếu giống như đã trình bày ở trên.
Vậy thì điều này hoạt động như thế nào? Sự hoan hỷ phát sanh từ giới hạnh thuộc về bản chất tâm linh và không liên quan gì đến những niềm vui của giác quan. Đó là niềm hân hoan bởi có một tấm lòng tốt đẹp. Những hân hoan đó luôn gắn liền với chánh niệm và năng lượng. Khi bạn vui, tâm bạn có một luồng năng lượng tự nhiên, năng lượng đến từ những cảm giác tốt và tích cực. Và bạn chánh niệm bởi vì niềm vui tâm linh làm cho giây phút hiện tại thú vị.
Trong kinh, bạn thấy lập đi lập lại nhiều lần rằng thiền định bắt đầu với chánh niệm. Khi bạn đọc những gì Đức Phật giảng về theo dõi hơi thở trong bài kinh Qúan niệm hơi thở (MN118), khi bạn đọc Đức Phật dạy gì trong bài kinh Satipatthana về 4 trọng tâm của chánh niệm (MN10), bạn sẽ nhận ra chánh niệm là điều kiện tiên khởi cho thiền định. Nếu bạn không có chánh niệm thì bạn sẽ không thể thiền đúng đắn được. Hiểu điều này rất là quan trọng. Thiếu chánh niệm là lý do chính mà đại đa số người ta không thể vào những trạng thái thiền định sâu được.
Bởi vì tầm mức quan trọng của chánh niệm, bạn cần phải học để biết cách thẩm định cường độ và biết mình đã có đủ tỉnh thức để hành thiền chưa. Hãy tự hỏi “Tôi có thật sự chánh niệm? Tôi có ở đây trong hiện tại? Tâm tôi có đi lung tung khắp nơi? Tôi có rối trí không? Tôi có biết rõ ràng những điều đang xảy ra không?” Nếu tâm bạn tương đối yên ổn và bạn có ý thức rõ ràng – dù vẫn còn một chút suy nghĩ nhưng không nhiều - đó là khoảng thời gian mà thiền có khả năng thật sự đem lại kết qủa.
Vì không thể có thiền đúng đắn nếu không có chánh niệm, vì đó là nền tảng mà bạn cần phải xây dựng cho thật vững chắc, bạn cần phải biết rõ ràng làm sao để có chánh niệm. Chánh niệm là một đề tài thời thượng trong tâm lý học Tây Phương trong nhiều năm qua. Thông thường, những thảo luận chính xoay quanh về việc chánh niệm sẽ giúp bạn vượt qua các vấn đề như thế nào, những phẩm chất của chánh niệm là gì, làm sao có thể đo lường bằng khoa học,..v..v. Nhưng một điều thường thấy thiếu vắng là một cuộc thảo luận có ý nghĩa về nguyên nhân đưa đến chánh niệm. Để hiểu được nguyên nhân đưa đến chánh niệm là hiểu được làm thế nào để có được chánh niệm.
Người ta thường nghĩ rằng nếu dùng sức mạnh của ý chí, nếu mình cố gắng hết sức, bạn sẽ có chánh niệm. Nhưng nếu tâm bạn bị tác động bởi phiền não, thì dù bạn cố gắng đến đâu cũng không thể có chánh niệm được. Chánh niệm không phải chỉ là giữ yên lặng hay cố gắng hết sức – như thế chưa đủ. Bạn phải sửa soạn tâm như thế nào để có thể có chánh niệm.
Vậy thì nguyên nhân đưa đến chánh niệm là gì? Trong cái biến thể của sự đoạn diệt vòng duyên khởi, yếu tố trước pamojja- như tôi đã nói, đến cùng với chánh niệm- là sự không hối hận. Không hối hận đến từ giới hạnh - đạo đức, sự tử tế và có một cái tâm tốt đẹp. Ở đây, hối hận không phải chỉ có nghĩa là cảm thấy tồi tệ vì đã làm một việc thiếu đạo đức. Nó bao gồm tất cả những gì có ảnh hưởng xấu đến tâm do chính những hành vi của mình. Khi tâm mệt mỏi, ngu si, bất an, tiêu cực, hay sao đi nữa, thường thường là kết qủa của những hành vi chưa đủ trong sạch. Vậy hối hận ở đây bao gồm tất cả những chướng ngại làm cản trở không cho bạn cảm thấy được sự hân hoan, niềm vui tự nhiên có ở trong tâm. Điều này có nghĩa nguyên nhân đưa đến chánh niệm là giới hạnh, và nếu không có giới hạnh thì chánh niệm sẽ qúa yếu để hành thiền. Vậy nếu chuyện thiền của bạn không đi đến đâu hay không tiến bộ, bạn cần phải xét lại xem mình có thể làm gì để cải thiện giới hạnh của bạn.
Trong Đạo Phật quan niệm về giới hạnh rất rộng lớn. Dĩ nhiên nó bao gồm chánh nghiệp - tử tế, tránh những hành động xấu. Nó cũng bao gồm giới hạnh của lời nói tốt đẹp – nói những điều tử tế, không nói những điều xấu. Cho đại đa số, chỉ nội trong lãnh vực này cũng đã có rất nhiều điều cần phải làm. Một điều quan trọng cần phải nhớ là giới hạnh không phải chỉ tránh làm xấu mà còn làm việc thiện nữa.Vậy thì trong cuộc sống, hãy đi làm việc thiện, nói những lời tử tế, làm những hành động tốt nho nhỏ. Khi làm như vậy là bạn đang xây dựng một cái tâm đẹp đẽ. Và điều này sẽ là một hỗ trợ mạnh mẽ cho việc thiền của bạn.
Nhưng để cho chánh niệm được thiết lập vững chắc, giới hạnh về thân và khẩu thôi chưa đủ. Bạn còn cần giới hạnh của tâm. Lúc đầu khi thực tập giới hạnh về thân và khẩu qua sự thu thúc, tâm bạn vẫn còn ô nhiễm. Để đối phó với cái ô nhiễm này bạn cần phải làm việc với cái tâm như thế nào để bạn có thể thay đổi cách suy nghĩ. Đôi khi người ta cho là điều này khó làm, nhưng với quyết tâm đầy đủ và sự bền chí thì ai cũng có thể làm được. Và nó là điều cần thiết để cho việc thiền của bạn có thể phát triển.
Phiền não quan trọng nhất cần phải vượt qua là sự sân hận dưới mọi hình tưóng của nó, kể cả sự khó chịu và tiêu cực ( AN3:68). Sân hận là một trạng thái tâm tạo nên rất nhiều đau khổ cho ta và cho những người chung quanh ta. Nếu chúng ta thật sự nghiêm túc về con đường tâm linh, thì đây là lãnh vực mà ta thật sự cần phải chú tâm đến. Để khắc phục được sân, chúng ta phải tự hỏi làm sao ta có thể nhìn thế giới chung quanh chúng ta bằng một cách khác. Có thể nào có một cách nhìn nào khác khiến cho những trạng thái tiêu cực không khởi lên không? Bạn sẽ thấy rằng nếu mình chịu khó nỗ lực quán chiếu như thế thì theo thời gian bạn sẽ từ từ thay đổi - bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy mọi chuyện theo một cách mới; bạn sẽ bắt đầu nhìn thế gian một cách từ bi và nhân ái hơn. Khi sân hận, khó chịu và tiêu cực bắt đầu giảm bớt, bạn sẽ cảm nhận được trong tâm là mình đã trở nên một người tốt hơn, trong sạch hơn. Thật tuyệt diệu khi quan sát điều này đang xẩy ra trong chính bạn. Từ từ bạn thay đổi; bạn tự chuyển hoá mình thành một con người khác.
Người ta thường nghĩ rằng quyền lực của ý chí ( will-power) là cách để giải quyết những trạng thái tinh thần có hại. Họ nghĩ là họ có thể bắt họ dễ thương, họ có thể đè bẹp sân hận, nghiền nát sự tiêu cực. Và đôi lúc, khi đọc kinh, bạn thấy nó có vẻ là như vậy. Bạn đọc thấy là bạn cần phải “tiêu diệt” trạng thái tâm tiêu cực, “ loại bỏ” chúng , “hủy diệt” chúng. Ngữ vựng dùng có thể rất mạnh và rất dễ dàng để nghĩ rằng bản kinh muốn ám chỉ đến quyền lực của ý chí. Nhưng thật ra Đức Phật thật sự muốn nói cách tốt nhất để vượt qua những trạng thái tiêu cực là dùng trí tuệ (MN19).
Dùng trí tuệ là tự hỏi sự sân hận sẽ dẫn bạn về đâu. Nếu bạn suy nghiệm trên điều này, bạn sẽ thấy nó luôn luôn dẫn đến đau khổ, cho chính bạn và cho người khác (MN19). Nó dẫn đến đau khổ cho chính bạn vì nếu so sánh thì cái tâm giận dữ gây đau đớn hơn là một cái tâm bình an. Nó dẫn đến đau khổ cho người khác vì khi sân chúng ta có khuynh hướng làm những điều có hại đến người khác. Hơn thế nữa, bạn tạo bất thiện nghiệp khi bạn sân, nhất là khi bạn hành động vì sân hận. Bạn tự tạo bất hạnh cho mình đời này lẫn đời sau. Như vậy, cả một chuỗi phản ứng với kết qủa khó chịu và phiền muộn đến từ sự tiêu cực. Hãy tự nhắc bạn như vậy. Suy nghĩ thường xuyên về điều này. Sân hận, tiêu cực, làm hại – đó là địa hạt nguy hiểm; nó thật sự sẽ dẫn đến đau khổ cho bạn và cho những người chung quanh bạn. Nhận thức càng mạnh mẽ bao nhiêu, rằng đây là một vấn đề thật sự , bạn càng có nhiều khả năng để quay lưng lại với nó.
Khi nhận thức về sự nguy hiểm của sân hận trở nên vững chắc và rõ ràng, nó trở thành một phương tiện mạnh mẽ trong việc phát triển tâm. Khi một ý nghĩ sân hận bắt đầu khởi lên, bạn chỉ cần khởi lên nhận thức về sự nguy hiểm là ý nghĩ sân hận này sẽ biến mất. Trí tuệ làm việc này cho bạn. Nhưng hãy nhớ rằng để xây dựng trí tuệ phải cần rất nhiều thời gian, như hầu hết tất cả những việc làm trên con đường tâm linh. Thật ra không phải là khó nhưng cần phải có quyết tâm và kiên trì. Dần dần bạn sẽ thấy sự nguy hiểm ngày càng rõ ràng hơn. Bạn càng hiểu rõ bao nhiêu thì bạn càng có khả năng để khắc phục sân hận mỗi khi nó khởi lên. Cũng chính vì vậy mà Đức Phật dùng những chữ như “tiêu diệt”, “loại bỏ”, “ huỷ diệt” để diễn tả sự khắc phục những tư tưởng này. Những từ này không có ý nói đến sức mạnh của ý chí mà nói đến một phương tiện có hiệu qủa hơn nhiều, đó là phương tiện trí tuệ. Trí tuệ, khi được phát triển tốt đẹp, sẽ cắt đứt những điều này – cũng giống như nó “tiêu diệt” những trạng thái tâm tiêu cực. Chúng sẽ đơn giản biến mất ngay. Vậy thì hãy tiếp tục phản tỉnh về sự nguy hiểm của sân hận ở dưới tất cả các hình thức. Cuối cùng bạn sẽ có một phương tiện hữu ích cho việc tu tập tâm linh.
Một hậu qủa tiêu cực khác của sân hận là nó hủy hoại trí tuệ (MN19). Trí tuệ là một phẩm chất tâm linh quan trọng nhất. Chính trí tuệ đã khiến cho bạn hiểu sự khác biệt giữa hạnh phúc và khổ đau, quan trọng hơn nữa, hiểu được sự khác biệt giữa nguyên nhân của hạnh phúc và nguyên nhân của đau khổ. Trí tuệ giúp chúng ta giải quyết vần đề của cuộc sống.
Đức Phật nói rằng trí tuệ chấm dứt (pannanirodhika, MN19) như là một hậu quả của những trạng thái tâm bất thiện. Xét tầm mức quan trọng của trí tuệ, phải chăng đó không phải là lý do chính đáng đủ cho ta từ bỏ chúng (những trạng thái tâm bất thiện, LND), tiêu diệt chúng hay sao? Hãy so sánh tâm khi bạn giận và khi bạn không giận. Hãy nhìn sự khác biệt. Bạn sẽ nhận thấy rằng khi bạn giận bạn không thể thấy thế giới một cách rõ ràng. Bạn không hiểu đâu là phải đâu là trái - tất cả mọi việc trở nên đảo ngược, méo mó đi bởi giận dữ. Xem thử nó phá hủy trí tuệ như thế nào. Tư duy về điều này rất có hiệu qủa.
Một cách tư duy khác được Đức Phật khuyên là hãy xem thử giận dữ làm tổn hại tâm như thế nào (MN19). Hãy suy ngẫm xem bạn cảm thấy tâm mình như thế nào khi giận dữ so với tâm khi bình an. Sự khác biệt thật là lớn lao! Khi giận dữ bạn bị thiêu đốt bên trong. Tại sao bạn lại muốn giận dữ khi có một lựa chọn khác là không giận dữ ?
Những tư duy như thế là một trong những khiá cạnh mạnh mẽ nhất của giáo pháp và cũng hữu hiệu nhất để vượt qua những trạng thái tâm bất thiện. Nếu bạn muốn thay đổi cách suy nghĩ của bạn, trí tuệ là con đường, không phải sức mạnh của ý chí.
Với thời gian, khi được khai mở với một cái nhìn mới mẻ, bạn sẽ thấy những ô nhiễm của bạn thoái giảm, những vấn đề trong đời sống của bạn bớt đi, và pamojja – sự hân hoan - từ từ tăng lên trong tâm bạn. Sự hân hoan đến từ sự thanh tịnh, từ thực tế là bạn đã trở nên một người tốt hơn. Và khi pamojja mạnh hơn, chánh niệm cũng mạnh hơn. Chính những ô nhiễm của tâm là hàng rào cản không cho chánh niệm trở thành một sức mạnh tâm linh thực sự. Ô nhiễm càng giảm đi, chánh niệm càng mạnh lên. Nếu bạn có thể làm giảm bớt những chướng ngại trong sự thực tập hàng ngày, bạn sẽ thấy mỗi lần bạn đi thiền dài ngày bạn có thể theo dõi những điều mà trước đây bạn không thể theo dõi.
Khi bạn theo dõi hơi thở mà không đủ chánh niệm, tâm bạn có khuynh hướng đi lung tung khắp nơi. Bạn hoàn toàn không làm chủ được tâm mình – thay vào đó bạn bị những ô nhiễm lôi đi vòng vòng. Nhưng một khi chánh niệm có đó, bạn sẽ cảm thấy bạn làm chủ được chính mình. Và bởi vì bạn có cảm giác tự chủ, bạn có thể hướng sự chú ý của mình vào hơi thở hay vào bất cứ điều gì bạn muốn chú tâm vào. Chánh niệm được xây dựng đúng đắn là một sức mạnh, và đây là điều được nói rõ trong kinh (SN50:1). Chính vì vậy mà chánh niệm rất quan trọng.
Vì chánh niệm phát sinh từ giới hạnh, nhất là giới hạnh của tâm, nỗ lực khắc phục những khuynh hướng tiêu cực của tâm là điều rất quan trọng. Đôi lúc nó không dễ dàng, vì những khuynh hướng và thói quen của ta thường là đã thâm căn cố đế. Cần phải có quyết tâm và kiên trì để thay đổi cách bạn nhìn sự việc, cách bạn ứng xử. Nhưng dần theo năm tháng, bạn sẽ thấy sự thay đổi trong bạn. Một khi bạn thay đổi, việc hành thiền của bạn trở nên an tịnh và sâu lắng hơn.Thật là tuyệt vời khi thiền bắt đầu tiến triển, khi bạn có thể bám lâu trên đề mục thiền và thấy tiến bộ thật sự. Khi chánh niệm đã vững, với niềm hoan hỷ trong tâm, bạn chỉ cần ngồi xuống, theo dõi hơi thở và thiền định diễn tiến tự nó.
Khi thiền diễn ra tự nó, không cần đến sức mạnh. Tất cả những gì bạn cần làm là ngồi đó, hay biết, và theo dõi hơi thở. Bởi vì bạn có chánh niệm nên sự theo dõi sẽ tự nhiên và dễ dàng, không cần sức mạnh của ý chí. Mỗi giây phút trôi qua, thiền càng lúc càng trở nên mạnh mẽ, và càng lúc càng trở nên thâm sâu. Tất cả những gì bạn cần phải làm là chỉ việc ở đó thôi. (all you have to do is be there).
Đến một thời điểm nào đó trong tiến trình này, piti, hỷ lạc, bắt đầu phát sinh. Piti là một cảm giác của niềm vui thường biểu hiện mạnh mẽ qua thân thể. Nó có thể được trải nghiệm như những làn sóng vui thú chạy qua khắp châu thân. Thật ra nó là sự hân hoan trước đó giờ được tăng thêm cường độ mà thôi. Cái mà ta cảm nhận ở đây là khởi đầu của niềm vui thuần túy của tâm, niềm hạnh phúc tinh thần. Sau buổi thiền ta nên suy ngẫm về những tính chất của những cảm giác này, xem thử nó khác với những niềm vui vật chất như thế nào. Bạn sẽ nhận ra rằng piti là kết qủa của tâm thanh tịnh, đặc biệt là sự vắng mặt của sân hận và tham ái mạnh mẽ. Sự thanh tịnh này là kết qủa của sự thực hành giới hạnh trước đó. Bằng trực giác bạn biết đó là một cảm giác thiện lành. Và đồng thời cũng cảm thấy rất dễ chịu. Bạn biết mình đã đi đúng hướng và bạn cần phải phát triển điều này thêm nữa.
Bạn tiếp tục theo dõi hơi thở. Từ từ các khía cạnh “thú vị” của piti bắt đầu lắng xuống và bạn kinh nghiệm được một cảm giác tĩnh lặng sâu hơn, passaddhi. Khi sự tĩnh lặng vào sâu hơn nữa, bạn kinh nghiệm một cảm giác sâu sắc bình an của hạnh phúc, sukha. Với mỗi bước, thiền định trở nên tuyệt đẹp và mạnh mẽ. Ở thời điểm này bạn cảm thấy hoàn toàn mãn nguyện nên tâm không muốn đi nơi nào khác. Đây là bắt đầu của Samadhi. Một lần nữa, tất cả chuyện này xẩy ra hoàn toàn tự nó. Bạn chỉ cần ngồi đó theo dõi cả tiến trình mở ra.
Samadhi là nhất tâm, khả năng tập trung một cách dễ dàng vào một đối tượng, dù là hơi thở, ánh sáng trong tâm hay bất cứ điều gì. Ở thời điểm này, tâm rất vững vàng; nó gắn liền với đối tượng mà không dao động. Bạn để cho Samadhi phát triển cho đến khi năm triền cái hoàn toàn bị loại trừ và tâm chói sáng và hoàn toàn tập trung. Tiến trình này lên đến đỉnh điểm là khi đạt được jhanas ( các tầng thiền).
Sau khi bạn ra khỏi samadhi, tâm bạn trong sáng và mạnh mẽ. Bởi vì sự trong sáng này mà bạn biết và thấy sự vật đúng như nó là, yatha-bhuta-nana-dassana. Thấy sự vật như nó là chỉ có thể làm được sau Samadhi, bởi vì chỉ với Samadhi mà các chướng ngại- các ô nhiễm bóp méo tiến trình tâm- được loại trừ. Hơn thế nữa, chỉ với jhanas sự loại trừ các chướng ngại mới được bền vững (MN68). Đây là một trong những lý do chính tại sao jhanas thuận lợi cho việc thấy sự việc như nó là.
Như tôi đã nói lúc đầu, gốc rễ của đau khổ là vì cái hiểu sai lầm của ta về sự vận hành thật sự của thế giới. Ta thấy hạnh phúc trong khổ đau. Ta thấy một cái ngã dù rằng chẳng hề có điều này. Ta nghĩ mọi vật sẽ trường tồn mặc dù nó có thể biến mất bất cứ lúc nào. Bằng cách nhìn thấy sự vật như nó là, chúng ta sẽ chấn chỉnh lại cái nhận định bị bóp méo, vô minh hay si mê, căn nguyên của vấn đề.
Bởi vậy khi ta loại trừ chướng ngại bằng samadhi, vô minh bị yếu dần và bào mòn. Bởi vô minh là yếu tố đầu tiên của Lý duyên khởi, mỗi yếu tố sau đó, kể cả đau khổ, bị ảnh hưởng bởi cường độ của vô minh. Như thế có nghĩa là vô minh càng yếu thì khổ đau càng vơi, cho cả bây giờ và mai sau.
Nhìn thế gian như nó thật sự là và hiểu toàn bộ khổ đau trên đời, nó đi sâu đến như thế nào, qủa thật là một bừng tỉnh đáng kinh ngạc. Đức Phật nói giống như bạn bị bọc kín trong một cái vỏ và bất chợt cái vỏ bị nứt bể ra và bạn nhìn thấy thế giới lần đầu tiên (MN53). Giống như bạn bị bao trùm bởi bóng tối và bất chợt có người bật đèn lên (MN36).
Thấy được Pháp trọn vẹn sẽ khiến cho bạn có một quan điểm hoàn toàn mới về đời sống. Thấy được toàn bộ vấn đề, bạn nhận ra rằng không có lối thoát ra khỏi khổ đau trong sự hiện hữu thế tục và bạn nhàm chán tất cả. Đó là nibbida, sự gạt bỏ, chối bỏ mọi thứ, vì bạn thấy nỗi khổ đau thấm sâu đến mức nào.
Khi bạn nhàm chán tất cả, không còn gì để bám víu vào nữa và ham muốn trở thành không thể có. Đó là ly tham, viraga. Bởi vì tất cả là khổ đau, bạn xả bỏ và bạn không bao giờ còn có thể ham muốn gì nữa. Khi bạn nhận ra rằng đi tìm hạnh phúc là phù phiếm, tham ái chấm dứt. Đó là giải thoát, vimutti. Cuối cùng bạn được giải thoát, giải thoát khỏi mọi vấn đề của hiện hữu . Và bạn có tri kiến là mình đã được giải thoát. Bạn đạt đến cái hạnh phúc tối đa có thể có. Đó là những gì mà đạo lộ của Đức Phật hứa hẹn cho bạn.
Nó rất là thâm thúy. Mặc dù những lời dạy này có vẻ khó tiếp cận, nhưng tôi tin, biết trọn cả bản đồ rất quan trọng, để biết tất cả mọi thứ dẫn đi đến đâu, để thoáng thấy một khía cạnh thâm sâu của giáo Pháp của Đức Phật. Theo kinh nghiệm của tôi, cái thoáng thấy này thật ích lợi và là một động cơ cho sự thực hành.
Nhưng từ quan điểm thực tế, điều quan trọng nhất của thoát vòng duyên khởi (TVDK) là nó chỉ cho ta thấy sự thành công trên con đường tu Phật, thành công trong thiền định, tùy thuộc vào sự trong sạch của hành vi, nhất là sự trong sạch của tâm chúng ta. Chỉ khi nào bạn giảm thiểu ô nhiễm của tâm, nhất là giận dữ và tiêu cực và khía cạnh thô của tham ái, thì thiền định mới có thể từ từ bắt đầu. Đây là một tiến trình từ từ và mỗi bước trên con đường đạo đem đến một phần thưởng.Nếu bạn muốn hạnh phúc và mãn nguyện thật sự thì đây là con đường duy nhất.
_________________
(1) Bài giảng của Ajahn Brahmali tại Trung tâm Dhammaloka (Perth, Tây Úc) được ghi chép lại ngày 23/12/2012 và được một nhóm Phật tử ở Montreal dịch sang tiếng Việt )
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 98.82.120.188 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI Dinhvinh1964 KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Phan Huy Triều Pascal Bui Phạm Thiên Viên Hiếu Thành Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Chúc Huy Trương Quang Quý Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến Nguyên Ngọc Thiện Diệu Nguyễn Văn Minh Diệu Âm Phúc Thành Thiền Khách nước ... ...
Việt Nam (342 lượt xem) - Hoa Kỳ (41 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.