Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình.
(Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau.
(Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công.
(Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may.
(If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận.
Kinh Pháp cú
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Nói đến Vu-lan, ý người viết muốn nói về những kinh điển liên quan đến ý nghĩa Vu-lan, bao gồm những chú sớ, trước thuật của lịch đại Tổ sư đã dày công biên soạn và đã được xếp vào Đại Tạng cũng như Tục Tạng Kinh. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một bài viết sơ lược trong khuôn khổ một đặc san, với những tài liệu khiêm tốn mà người viết được đọc. Hơn nữa, những trước tác của các Tổ sư qua nhiều đời về Kinh Vu-lan-bồn quá nhiều (hơn 60 loại), không thể đối chiếu hết được, chỉ xin chọn một vài tác phẩm quan trọng để dẫn chứng. Ngưỡng mong các bậc cao minh thùy từ chỉ giáo.
I. Tổng luận
Kinh Vu-lan-bồn chỉ là một kinh điển nhỏ thuộc Phương Đẳng bộ, vỏn vẹn chưa đầy một trang giấy trong ĐẠI CHÁNH TÂN TU ĐẠI TẠNG KINH, quyển 16. Thế nhưng qua các triều đại ở Trung Quốc, từ Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đến đời Dân Quốc, đời nào cũng có chư Tổ trước thuật, chú sớ, luận giải bản kinh này, đủ thấy tầm quan trọng của bộ kinh đối với tín ngưỡng Phật giáo như thế nào. Ở Việt Nam, Kinh Vu-lan và Kinh Báo Hiếu được diễn dịch khá sáng tạo, đã đi vào lòng Phật tử như một thứ TÂM KINH mà gần như ai thường xuyên đi chùa tụng kinh lễ Phật đều ít nhiều thuộc lòng bản kinh này. Lễ Vu-lan tự nhiên đã trở thành một lễ hội lớn nhất của giới Phật giáo ở Việt Nam, do đó việc tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa Kinh Vu-lan là một việc làm cần thiết. Hiện chưa có vị nào dịch một bộ sớ nào về Vu-lan để phổ cập cho Phật tử hiểu, đây cũng là một thiếu sót rất lớn. Sự diễn dịch sáng tạo Kinh Vu-lan và Báo Hiếu mà các chùa ở Việt Nam hiện nay đang tụng đọc vào dịp tháng Bảy theo thể văn vần, dễ hiểu, gần gũi với tâm hồn Việt. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc gieo vần, nhiều chỗ trong bản dịch vẫn còn dùng từ Hán Việt quá hàm súc mà giới bình dân khó hiểu được, như "cửu tự cù lao", "hiếu hạnh vi tiên", "thần tỉnh mộ khan" v.v... Điểm thứ hai là toàn bộ kinh chỉ giúp cho người đọc tụng hiểu chữ HIẾU ở phạm vi Nhân thừa, chưa phát huy hết được thâm nghĩa Đại thừa siêu tuyệt của bản kinh nói chung và ý nghĩa của những chi tiết quan trọng trong kinh.
Kinh Vu-lan-bồn (Phạn : Ullambana-sùtra), 1 quyển, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch sang Hán văn vào đời Tây Tấn (750 - 801). Nội dung thuật lại việc đệ tử của Phật là ngài Mục-kiền-liên (Phạn : Maudgalyàyana; Pàli : Moggallàna) xót thương cho mẹ đang bị khổ ở đường ngạ quỷ, nên mới hỏi Phật. Phật chỉ dạy vào ngày Rằm tháng Bảy, ngày Tự tứ của chúng tăng, dùng bá vị cơm canh, ngũ quả để cúng dường mười phương chư Phật và Tăng chúng, có thể cứu mẹ thoát khổ nạn.
Hội Vu-lan-bồn mà kinh này nói vốn phù hợp với bổn phận hiếu hạnh của thế gian. Ngài Tông Mật, vị Tổ thứ 5 của tông Hoa Nghiêm đời Tống đã cường điệu tư tưởng làm con hiếu phải báo ân cha mẹ, dung hòa tính chất tương quan giữa Phật giáo và luân lý thế gian của người Trung Quốc, vốn lấy Nho gia làm nền tảng. Từ đó kinh này có tác dụng khá tích cực và được lưu truyền vô cùng rộng rãi.
Đồng bản dị dịch (cùng bản Phạn nhưng khác người dịch) với kinh này là Báo Ân Phụng Bồn Kinh (còn gọi là Báo Tượng Công Đức Kinh), không rõ dịch giả là ai. Kinh Đại Bồn Tịnh Độ được thuật trong PHÁP UYỂN CHÂU LÂM quyển 62 cũng là dị bản của kinh này. Các bộ mục lục lớn như LỊCH ĐẠI TAM BẢO KỶ quyển 6, VÕ CHU SAN ĐỊNH CHÚNG KINH MỤC LỤC quyển 9, KHAI NGUYÊN THÍCH GIÁO LỤC quyển 2 đều cho rằng dịch giả của kinh này là Trúc Pháp Hộ, nhưng cũng có thuyết cho rằng kinh này là ngụy tạo, vì nói nội dung và sự phiên dịch trong bản kinh thường không chính xác. XUẤT TAM TẠNG KÝ TẬP thì cho rằng kinh này không rõ dịch giả.
Thế nhưng, ở Ấn Độ từ xưa đã có tín ngưỡng tin cái khổ "đảo huyền" ở địa ngục, không thể võ đoán kinh này là ngụy tạo. Nếu so sánh kinh văn và một số dị bản thì có thể dịch giả đã thêm vào một số câu trong bản dịch. Điều này cũng thường thấy trong một số bản dịch các kinh khác, dịch giả đã đưa một số chi tiết phù hợp với tín ngưỡng và tư tưởng của địa phương đương thời, miễn là vẫn giữ được tinh thần cốt tủy trong văn kinh.
II. Nguồn gốc chữ Vu-lan-bồn
Ở Việt Nam gần đây có một số sách báo chỉ ra sự sai lầm căn để của một vài cách hiểu chữ Vu-lan-bồn. Đại loại từ trước, ở Việt Nam, nhiều người hiểu chữ "bồn" có nghĩa là cái chậu; "bồn bát" là vật của Tỳ-kheo dùng để đựng thức ăn. Nhiều người đã lớn tiếng công kích và trích dẫn Phạn văn để chứng minh chữ "bồn" cũng là âm dịch trong ba chữ Vu-lan-bồn chứ không phải là cái chậu. Thật ra, sự sai lầm này không phải ở các dịch giả Việt Nam, mà chính từ xưa ở Trung Hoa đã có cách hiểu như vậy rồi.
Vu-lan-bồn là phiên âm từ chữ Phạn Ullambana, có chỗ phiên âm là Ô-lam-bà-noa, nếu dịch ý thì có nghĩa là "Đảo huyền" (cái khổ bị treo ngược). Thật ra, Ullambana là một chuyển ngữ của Avalambana, dụ cho cái khổ của người chết hết sức khó chịu, giống như người bị treo ngược lên vậy. Các bộ sách lớn của Trung Quốc như PHIÊN DỊCH DANH NGHĨA TẬP quyển 9, THÍCH THỊ YẾU LÃM quyển hạ, VU-LAN-BỒN KINH LƯỢC SỚ... đều cho rằng chữ Vu-lan Bồn là phiên âm sai. Bởi vì chữ "bồn" là phiên âm từ chữ "bana" của tiếng Phạn chứ không phải nghĩa "bồn bát" – "dùng bồn bát bằng thất bảo để cúng Phật và Tăng" – như PHÁP UYỂN CHÂU LÂM đã trích dẫn để giải thích ĐẠI BỒN TỊNH ĐỘ KINH, nhưng trải qua nhiều đời, phần nhiều đều viện dẫn nghĩa này một cách sai lầm mà không để ý đến những trích dẫn đã nói ở trên.
Bắt đầu từ tác phẩm VU-LAN-BỒN KINH TÁN THUẬT của ngài Huệ Tịch đời Đường. Ngài cho rằng đặt các trân hào mỹ vị vào trong một cái chậu, rồi dâng cúng cho Phật cùng Tăng để cứu cái khổ "Đảo huyền". Ngài Tông Mật giải thích trong VU-LAN BỒN KINH SỚ quyển hạ rằng Vu-lan nghĩa là Đảo huyền, còn "bồn" là đồ để cứu giúp, cho nên giải thích Vu-lan Bồn là "Cứu đảo huyền, giải thống khổ". Từ cách giải thích này của ngài Tông Mật, đời sau đều y theo đó để hiểu chữ Vu-lan Bồn.
Còn trong VU-LAN BỒN KINH SỚ HIẾU HÀNH SAO quyển thượng của ngài Ngộ Vinh đời Tống thì dịch đề Kinh Vu-lan Bồn là "Giác Giả Thuyết Cứu Đảo Huyền Khí Kinh" (Bậc Giác ngộ nói về Kinh "vật để cứu cái khổ Đảo huyền"). Chữ "bồn" là cách tỉnh lược sai lầm, Cựu dịch là Bồn-tá-na; Tân dịch là Môn-tá-nẵng, tức "Cứu khí" (vật để cứu giúp), đây là cách phiên âm từ chữ mun壡na của tiếng Phạn. Mun壡na là chuyển ngữ (đọc trại) của chữ muccana tiếng Pàli và chữ mocana tiếng Phạn. Nhưng thật ra chữ này có nghĩa là "cứu giúp" chứ không có nghĩa là "đồ cứu giúp", cho nên thuyết của ngài Ngộ Vinh cũng sai lầm.
III. Nguồn gốc của lễ Vu-lan
Lễ Vu-lan hiện nay đã trở thành một lễ lớn và rất quan trọng trong tín ngưỡng các nước Phật giáo. Vậy tư tưởng này xuất phát từ đâu ?
Khởi nguyên của Vu-lan-bồn rất sớm, tư tưởng này có trước cả thời Đức Phật tại thế. Trong cả hai bộ Đại sử thi của Ấn Độ cổ đại đều có thuật lại những điều liên quan đến Vu-lan-bồn. Trong chương thứ 74, phần 1 của bộ Mahàbharata nói đến từ Putra, nghĩa là người đàn ông cần phải chẩn cứu (trayate) cha mình ở dưới địa ngục (pun). Do vì ở Ấn Độ ngày xưa tin rằng nếu người đàn ông mà không có con trai nối dõi thì sau khi chết sẽ đọa vào nơi hiểm ác, cho nên một người Bà-la-môn đến 20 tuổi, sau khi học hành đầy đủ rồi phải về nhà lấy vợ, sinh con để nối dõi tông đường, lấy đó để tế cúng tổ tiên.
Còn lễ Vu-lan-bồn mà ngày nay vẫn còn duy trì trong các chùa viện Phật giáo là xuất phát từ Kinh Vu-lan-bồn. Đệ tử của Phật là Mục-kiền-liên dùng Thiên nhãn thông thấy thân mẫu của mình đọa vào ngạ quỷ khổ sở, da bọc lấy xương, đêm ngày bị hành hạ liên tục. Thấy vậy, Mục Liên mới đưa bát cơm đến dâng cho mẹ, nhưng vì nghiệp báo nên bát cơm hóa thành than lửa. Vì muốn cứu thoát mẹ khỏi khổ, Mục Liên về bạch Phật để xin Ngài chỉ bày pháp giải cứu cho mẹ. Đức Phật chỉ dạy rằng vào ngày Rằm tháng Bảy, ngày Tự tứ của chúng tăng, dùng bá vị thức ăn đựng trong bình bát để cúng dường Tam bảo thì sẽ được vô lượng công đức, cứu được cha mẹ bảy đời quá vãng. Ở Ấn Độ từ xưa đã y theo lời dạy này mà thực hành pháp Vu-lan- bồn, như Bình Sa Vương, cư sĩ Tu-đạt, Mạt-lợi phu nhân... đã từng tạo 500 bình bát bằng vàng để cúng dường Phật và Tăng.
Ở Trung Quốc, theo các bộ sử hiện còn thì vua Lương Võ Đế là người đầu tiên thiết cúng Vu-lan-bồn. Năm 538, nhà vua đã đến chùa Đồng Thái mở hội cúng dường Vu-lan rất lớn. Sau đó Vu-lan trở thành một phong tục, các bậc đế vương cũng như thần dân nhiều đời đều có tổ chức hội này để báo đáp ân đức của tổ tiên, cha mẹ.
Vào đời Đường, các vị vua như Đại Tông, Đức Tông hết sức chú trọng việc cúng tế Vu-lan-bồn. Vua Đại Tông cải biến nghi thức cúng thí bồn bát trong các tự viện thành một nghi thức trong cung đình, và dùng những khí vật hết sức trang nghiêm. Ngoài dân gian cũng bắt chước kết hoa đăng trang trí trước cửa nhà hoặc bày biện khắp điện đường, sĩ thứ nô nức đến chùa tranh tu công đức.
Đến đời Tống thì phong tục cúng Vu-lan cũng y như đời Đường, nhưng bình bát và các vật trang nghiêm có phần giảm thiểu, không còn tráng lệ như trước. Theo ĐÔNG KINH MỘNG HOA LỤC quyển 8, điều Trung Nguyên Tiết, vào ngày này, người ta đốt tiền âm phủ, áo giấy, đồng thời diễn kịch Mục Liên cứu mẹ. Trong sách SỰ VẬT KỶ NGUYÊN của Cao Thừa có chỉ trích hội Vu-lan-bồn đã mất đi ý nghĩa đích thực nói trong kinh Phật. Rất nhiều kinh điển của Phật giáo nói nội dung của hội Vu-lan-bồn chỉ là tụng kinh và thí thực mà thôi, còn nếu nghĩ rằng hội Vu-lan-bồn là chỉ để thí thực cho quỷ thần là sai. Thế mà người đời sau không hiểu, các tự viện cũng quy tụ tín đồ, lấy việc tiến vong độ quỷ làm chính, đó là do xưa bày nay bắt chước, thật ra như thế là trái với ý của Phật. Còn việc dùng "đồ ăn trăm món", "trái cây năm màu" là ý nói tất cả những món ngon vật lạ chứ không phải là đủ số 100; ngũ quả [1] là chỉ chung cho các loại trái cây chứ không phải là "trái cây 5 màu" như Kinh Vu-lan bản Việt ngữ đã dịch. Dùng những món ngon vật lạ cúng dường Phật, Tăng để được phước báo, đời sau không biết lại dùng đủ rau dưa hoa quả, bún bánh cơm canh, hương hoa trà phẩm để cúng thí quỷ thần, quả là sai một ly đi một dặm.
Ở Nhật Bản, việc cúng tế bắt đầu từ thời Suy Cổ Thiên Hoàng (606), đến năm 657 thời Thiên hoàng Tề Minh mới có hội Vu-lan-bồn. Hội Vu-lan dầu sao cũng dễ dung hòa với phong tục "Tổ tiên sùng bái" của dân gian Nhật Bản, cho nên về sau hội này thịnh hành khắp cả trong triều ngoài nội. Phong tục này vẫn còn mãi đến ngày nay.
Ngày nay, hội Vu-lan-bồn được các tự viện tổ chức long trọng. Ngoài việc tụng kinh và thí thực còn có tổ chức cúng dường trai tăng. Gần đây, giới Phật giáo ở Đài Loan xem ngày Rằm tháng Bảy là Tăng Bảo tiết, đây cũng là thời gian mà dân gian gọi là Trung Nguyên tiết. Đối với tín ngưỡng dân gian phần nhiều truyền tụng rằng ngày này cửa địa ngục rộng mở để phóng thích ngạ quỷ, cho nên ngày này họ giết nhiều súc sanh, bày biện đủ thứ thức ăn để đãi cúng cho ngạ quỷ, rồi thỉnh Đạo sĩ tụng kinh siêu độ, với kỳ vọng tiêu tai giải nạn, bảo hộ bình an, làm ăn thuận lợi. Nhưng đứng trên lập trường "Giới sát" của Phật giáo thì làm như thế chẳng những không lợi ích gì mà còn tạo thêm nghiệp sát, gây sự tham lam, sân hận cho mình và mọi loài, quả báo sẽ vô cùng tai hại, hoàn toàn khác xa với ý nghĩa Vu-lan-bồn nói trong kinh Phật.
Ở Việt Nam, không biết có tài liệu nào ghi chép việc cúng Vu-lan-bồn xuất phát từ lúc nào ? Nhưng thiết nghĩ từ xưa ở Việt Nam phần nhiều ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa, nên chi chẳng có gì khác mấy. Khi đọc "Vân Đài Loại Ngữ" của Lê Quý Đôn, chúng tôi thấy có một đoạn nói về Vu-lan-bồn, đặc biệt là có một vài nhận xét của Lê Quý Đôn rất hay, chúng tôi xin trích dịch nguyên văn đoạn ấy để tham khảo :
"Chu Tử lại nói : Các bậc hiền triết đời trước cúng tế ở mộ phần thì không nói gì đến Nghĩa lý (Tiên chánh mộ tế bất ngôn nghĩa lý).
Sách MỘNG HOA LỤC chép : Tết Trung Nguyên người ta bày đồ mã, giấy màu, lấy tre làm cái giường ba chân giống như cái bầu dầu trong cây đèn, treo đồ mã, áo giấy lên đó rồi đốt, gọi là Vu-lan-bồn. Lục Du nói : Tục lệ đến ngày Rằm tháng Bảy làm đồ chay cúng tổ tiên, chuốt tre làm bồn chậu để đựng tiền giấy rồi lấy cọng tre châm lửa mà đốt.
Sách THÍCH THỊ YẾU LÃM chép : Tiếng Phạn nói Vu-lan-bồn cũng như tiếng Hán nói Cứu Đảo Huyền. Sách THÔNG GIÁM đời Đường nói vua Túc Tông sai Vương Dư làm chức Từ Tế Sứ. Lúc cúng tế, có khi Vương Dư đốt giấy tiền giống như những người đồng bóng. Truyện Vương Dư nói : Từ đời Hán về sau, khi chôn cất người chết người ta đều chôn tiền theo. Đời sau dân tục lấy giấy làm tiền để cúng tế quỷ thần. Vương Dư cũng dùng theo cách ấy để cúng tế trừ tai ương.
Chu Tử nói : Người xưa dùng ngọc và lụa, người đời sau dùng tiền, đến đời vua Huyền Tông, việc thờ cúng quỷ thần thật nhiêu khê. Không có nhiều tiền, Vương Dư bèn lấy tiền giấy để thay thế. Sách THANH DỊ LỤC lại nói : Ngày đưa xe Huyền Tông đi an táng, những thứ vàng bạc châu báu tiền tài đều làm tượng hình để ngụ ý cả.
Chu Tử lại nói : Đầu đời nhà Tống, hễ nói đến lễ thì làm mũ áo giấy, nhưng không dùng tiền giấy. Không biết tiền giấy và mũ áo giấy có gì khác biệt nhau không ? Tiền giấy có từ đời vua Túc Tông (756 – 762), do Ất Thái sứ Vương Dư làm ra, còn mũ áo giấy thì có từ thời Ngũ đại.
Sách TRIỀU DÃ THIÊM TÁI chép rằng : Theo phong tục vùng Lãnh Nam, hễ trong nhà có người bệnh thì giết gà giết ngỗng cúng để cầu phước, nếu bệnh chưa khỏi thì giết bò heo dê để cầu đảo, tục này đến nay vẫn còn. Người xưa chê cười thói này đã lâu, vì muốn cầu sinh thì lại sát sinh, đó là điều mà quỷ thần giận ghét. Ở vùng Trung Châu, người ta chỉ dùng hương đèn, tiền giấy, ngựa giấy, hoa quả, đồ chay để cầu đảo chứ không sát hại sinh mệnh loài vật. Đã giữ gìn lòng nhân từ, tô bồi phúc đức, muốn cầu thần ban cho tuổi thọ thì phải dùng lòng nhân từ và phúc đức, dâng hiến lòng thành chứ đâu phải ở vật ? ..." (VÂN ĐÀI LOẠI NGỮ quyển 4, Điển Vựng 9 b, 10 a, 10 b, 11 a).
Lê Quý Đôn hiển nhiên không phải là nhà Phật học. Ông là kẻ bước ra từ cửa Khổng sân Trình. Tuy nhiên, ông đọc nhiều hiểu rộng, có thái độ bàng quan, nên những điều ông viết rất khúc chiết và thâm thúy. Xem ra, việc đốt giấy tiền có từ Trung Quốc, còn việc giết súc sanh để cúng tế lại là phong tục vùng Lãnh Nam (Việt Nam?). Người xưa đã chê bai và chỉ ra chỗ sai lầm trầm trọng như vậy, lẽ nào đến ngày nay, thời đại khoa học phát triển mà mọi người còn đốt áo giấy, đồ mã và giết súc sanh để cúng tế thì quả là lạc hậu. Đừng biện bạch rằng xưa bày nay bắt chước, biết nó đã sai mà vẫn tin và làm theo thì tai hại vô cùng.
Vậy để hiểu Kinh Vu-lan mà Đức Phật chỉ dạy với mục đích gì, chúng ta cần phải khảo sát ý nghĩa trong văn kinh một cách nghiêm túc, từ đó chúng ta tự tạo cho mình một thái độ, một cách nhìn đúng đắn đối với kinh điển mà bậc Giác ngộ đã ân cần chỉ dạy.
IV. Ý nghĩa Kinh Vu-lan-bồn
Để hiểu ý nghĩa của kinh một cách chính xác nhất, lẽ ra phải dựa vào những bản chú sớ "tùy văn giải thích". Chú sớ Kinh Vu-lan-bồn như trên đã nói là rất nhiều, chư Tổ đã phân khoa, chiết tự, phân tích một cách tỉ mỉ. Hiện tại ở Việt Nam chưa thấy dịch bộ Chú sớ nào, nên việc hiểu cặn kẽ Kinh Vu-lan-bồn là rất khó. Trước khi lược nói ý nghĩa của kinh, chúng ta cần khảo sát xuất xứ của kinh.
Các kinh nói về việc báo hiếu và Vu-lan, hiện tại trong ĐẠI CHÁNH TÂN TU ĐẠI TẠNG KINH tập 16 có "Phật Thuyết Phụ Mẫu Ân Nan Báo Kinh", 1 quyển, do Tam Tạng pháp sư An Thế Cao, người nước An Tức dịch sang tiếng Trung Quốc vào đời Hậu Hán; "Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh" do Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Thị dịch sang Hán văn vào đời Tây Tấn; "Phật Thuyết Báo Ân Phụng Bồn Kinh", còn gọi là Báo Tượng Công Đức Kinh, khuyết dịch, phụ Đông Tấn Lục [2], "Phật Thuyết Hiếu Tử Kinh", Thất dịch nhân danh, phụ Tây Tấn Lục [3].
Trong ĐẠI TẠNG TÂN TOẢN VẠN TỤC TẠNG KINH tập 21 có rất nhiều chú sớ, tạm liệt kê như sau :
- Vu-lan-bồn Kinh Sớ Tân Ký, 2 quyển, ngài Tông Mật sớ vào đời Đường, ngài Nguyên Hiểu ký vào đời Tống.
- Vu-lan-bồn Kinh Sớ Hội Cổ Thông Kim Ký, 2 quyển, do ngài Phổ Quán thuật.
- Vu-lan-bồn Kinh Sớ Hiếu Hạnh Sao Khoa, 1 quyển, phần khoa nghi do ngài Ngộ Vinh tập định vào đời Tống.
- Vu-lan-bồn Kinh Sớ Hiếu Hạnh Sao, 2 quyển, gồm 1 bản chánh văn Phật Thuyết Vu-lan-bồn Kinh, Vu-lan-bồn Niệm Tụng Thức và phần sớ sao, cũng do ngài Ngộ Vinh sao lục vào đời Tống.
- Vu-lan-bồn Kinh Sớ Sao Dư Nghĩa, 1 quyển, do ngài Nhật Tân soạn vào đời Tống.
- Vu-lan-bồn Kinh Tân Sớ, 1 quyển, do ngài Trí Húc sớ vào đời Minh.
- Vu-lan-bồn Kinh Sớ Chiết Trung Sớ, 1 quyển, do ngài Linh Huy soạn vào đời Thanh.
- Vu-lan-bồn Kinh Lược Sớ, 1 quyển, do ngài Nguyên Kỳ soạn vào đời Thanh.
Trên đây là các bộ kinh sớ rất nổi tiếng, được xếp vào Đại Tạng cũng như Tục Tạng; còn theo tài liệu của Phật Quang Đại Từ Điển thì có đến hơn 60 loại, trong đó có bộ Vu-lan-bồn Kinh Sớ của ngài Cát Tạng đời Đường, không hiểu sao lại không được xếp vào Đại Tạng. Bản Kinh Vu-lan-bồn trong ĐẠI CHÁNH TÂN TU ĐẠI TẠNG KINH và bản được chép trong VU LAN BỒN KINH SỚ HIẾU HẠNH SAO của ngài Ngộ Vinh tương đối giống nhau, có thể là dị bản chứ không phải là đồng bản dị dịch, bản trong ĐẠI CHÁNH TÂN TU tương đối nhiều chữ hơn, câu cú đầy đủ hơn.
Xem qua các đề kinh sớ trên, ta đủ thấy chư Tổ nhiều đời đã dày công biên soạn, nào là nghĩa, sớ, sao, ký, chú và có cả khoa nghi nữa. Đọc qua các bộ này, chúng tôi thấy bộ Vu-lan-bồn Kinh Tân Sớ của ngài Trí Húc đời Minh là hay nhất. Tác phẩm này được Đại sư Trí Húc soạn khi Ngài còn là Sa-di và được ngài Đạo Phưởng tham đính [4]. Tác phẩm được chia thành hai phần, phần 1 là một bài tóm lược nội dung và ý nghĩa của kinh; phần 2 là giải thích cặn kẽ từng chữ của kinh. Văn chương dùng trong tác phẩm rất hay, giải thích gọn ghẽ nhưng rất sáng sủa, dễ hiểu. Vì phần này quá dài nên chúng tôi không thể dịch hết nguyên văn đưa vào đây, chỉ xin trích dịch vài đoạn và tóm lược nội dung phần giải thích đề kinh :
"Kinh này lấy pháp cúng làm tên, lấy Tự tánh Tam bảo làm thể, lấy Hiếu từ làm tông, lấy sự cứu khổ ban vui làm dụng, lấy Đại thừa làm giáo tướng. Tất cả những phước điền ở thế gian không gì hơn Tam bảo, đạo pháp xuất thế không gì trước Hiếu từ, muốn báo đáp thâm ân không gì cần yếu hơn là sự cứu khổ ban vui, muốn thành tựu được việc tế độ không gì lớn lao bằng pháp Vu-lan..."
Trong phần đầu này, ngài Trí Húc đã chia giáo tướng của Kinh Vu-lan thành 5 lớp, trong mỗi lớp lại chia thành 2 phần, một là giải thích theo sự, hai là giải thích theo nghĩa Quán tâm (lý). Năm lớp là :
1. Nương theo sự và pháp Quán tâm để giải thích Danh.
2. Nương theo sự và pháp Quán tâm để phân biệt Thể.
3. Nương theo sự và pháp Quán tâm để làm rõ Tông.
4. Nương theo sự và pháp Quán tâm để hiển bày Dụng.
5. Nương theo sự và pháp Quán tâm để phán Giáo tướng.
Trong lớp thứ nhất, Đại sư Trí Húc đã giải thích đề kinh là tên của pháp cúng. Trong pháp cúng ấy có đầy đủ Tam bảo. Nghĩa Tam bảo trong phần này được giải thích rất tỉ mỉ, có thể nói đây là cách giải thích Tam bảo sâu rộng nhất. Nghĩa Vu-lan-bồn cũng được giải thích cặn kẽ, duy có điều ở đây đã giải thích "bồn" là vật cúng, rồi thăng hoa với những ý nghĩa thật phong phú, như nói :
"Chén bát là bồn, bách vị ngũ quả là thức ăn, giải cái khổ treo ngược nơi ngạ quỷ. Nhiếp tâm là bồn, mười chi là thức ăn, giải cái khổ treo ngược nơi cõi Dục. Niệm xứ là bồn, hành quán Tứ đế là thức ăn, giải cái khổ treo ngược nơi ba cõi. Hoằng nguyện là bồn, Lục độ vạn hạnh là thức ăn, giải cái khổ treo ngược Tứ khô [5]. Nhất tâm là bồn, bất tư nghì quán là thức ăn, giải cái khổ treo ngược Nhị biên. Nói một cách cụ thể thì dùng chén bát (bồn) và bá vị thức ăn làm cảnh chánh nhân duyên, nếu không có sự thì lý quán biết dựa vào đâu ? Nếu không có lý quán thì lực dụng của sự sẽ không sâu sắc. Có người chợt nghe thuyết này liền muốn bỏ sự mà theo lý, nếu quả vậy thì ngài Mục-liên khi mới được Lục thông cũng đã thành tựu được Niệm xứ bồn, Tứ đế thực, sao mẹ của Ngài vẫn chưa thoát khỏi cái khổ nơi đường Ngạ quỷ ?"
Ở phần Quán tâm của lớp thứ nhất, tác giả cũng đã giải thích pháp cúng Vu-lan-bồn rất sâu sắc :
"Tịnh giới là khí (bồn), Vô tác Tứ đế, Bất Tư Nghì Quán Huệ là thức ăn, cúng dường tự tánh Nhất thể Tam bảo, giải thoát trọn vẹn cái khổ treo ngược của Bát đảo. Sớm đặt chân đến cảnh giới Nhất thật. Vô minh là cha, Tham ái là mẹ, ngay nơi đó được giải thoát. Trí độ là mẹ, Phương tiện là cha, nhậm vận tự tại mà nhập vào trí huệ Vô công dụng, cho nên gọi là Vu-lan-bồn".
Ở lớp thứ hai, tác giả nương vào sự để phân biệt Thể của kinh. Sư nói :
"Tất cả các kinh đều có chánh thể, nếu không có chánh thể thì không thể phân biệt được tà đảo, như vậy thì thành ma thuyết. Các kinh điển Đại thừa đều luận Thật tướng là ấn, là chánh thể của kinh. Thật tướng tuy có một nhưng có nhiều tên gọi. Như trời Đế Thích chỉ có một người nhưng có nhiều tên, cùng khắp các cõi trời. Thật tướng cũng vậy ! Một pháp nhưng có nhiều tên gọi, cùng khắp các kinh điển. Tên kinh thì khác, nhưng lấy cái khác đó để gọi cho một cái thể chung, đối với lý thì chẳng sai. Nay trong Kinh Vu-lan nói : "Phải nhờ thần lực của mười phương tăng". Lại nói : "Trước khi thọ thực đàn trai... trước Phật tiền hoặc tự tháp trung, chư tăng chú nguyện viên dung, sau rồi mới tự thọ dùng bữa trưa". Như vậy, chú nguyện tức là pháp, có đầy đủ Tam bảo. Ngài Mục Liên lại nói : "Lại cũng nhờ oai thần Tam bảo", Tam bảo ở đây chính là Tự Tánh của tất cả chúng sanh. Nếu không có đủ công đức của Tam bảo thì phàm và thánh xa nhau, tối và sáng mãi cách ngăn, phàm không cảm được mà thánh cũng chẳng ứng được. Tâm, Phật và chúng sanh, cả ba vốn không sai biệt, mê và ngộ tuy khác nhau nhưng thể tánh vẫn thường nhất. Do đó chư Phật ở trong tâm chúng sanh, nương theo sự mà gửi cái lý. Cảm được chư Phật trong tâm chúng sanh thì chư Phật trong tâm chúng sanh vô duyên vô niệm, nhậm vận mà ứng hiện..."
Tiếp theo, tác giả phân biệt Tam bảo có 4 nghĩa, rồi giải thích cặn kẽ 4 nghĩa này, bao hàm Trụ trì Tam bảo, Thắng nghĩa Tam bảo, Đại thừa biệt tướng Tam bảo và Nhất thể Tam bảo. Sau đó, tác giả lại nương vào pháp Quán tâm để biện biệt Thể của kinh, đại ý "Tất cả chúng sanh tức là tướng của Niết-bàn, không thể đoạn diệt, chư Phật cầu giải thoát ngay nơi tâm hạnh chúng sanh. Nếu quán tâm như thế thì có thể đầy đủ tất cả Phật pháp. Cho nên nói : Biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ nơi tâm tưởng chúng sanh. Nếu không quán tâm để phân biệt rõ cái thể ấy của kinh thì làm sao nói rằng trong mỗi sát-na đều nhớ nghĩ đến cha mẹ mà tu hiếu từ đây ?"
Lớp thứ ba là nương nơi Sự để làm rõ Tông chỉ. Đại sư Trí Húc viết :
"Giới tuy có nhiều vô lượng, nhưng lấy Hiếu làm tông. Vạn hạnh tuy nhiều, nhưng Hiếu hạnh vẫn là đứng đầu. Do đó, Đức Thích-ca từ vô lượng kiếp đã luôn tu hạnh Báo hiếu; ngài Mục Liên ngay khi thành đạo đã liền nghĩ đến ân bú mớm của cha mẹ, nên biết không phải sau khi thành đạo mới nghĩ đến cha mẹ, mà là do nhân duyên muốn báo đáp thâm ân mới tu Thánh đạo. Giống như Địa Tạng Vương Bồ-tát, kiếp xưa vốn là người con gái Bà-la-môn, vì muốn cứu độ mẹ nên mới phát Đại Bi Tâm, khi nào còn một chúng sanh đau khổ thì nguyện không thành Phật đạo. Nhân duyên phát tâm của chư Phật, Bồ-tát cũng tương tợ như thế".
Tiếp theo, Đại sư Trí Húc phân biệt chữ Hiếu thành hai nghĩa là Hiếu thế gian và Hiếu xuất thế gian, trong đó mỗi loại lại chia chẻ thành nhiều nghĩa để phân tích, dẫn chứng những gương hiếu hạnh của thế gian và xuất thế gian, của nội giáo và ngoại giáo. Đồng thời, đoạn này còn trích dẫn nhiều kinh luận liên quan để chứng minh, hiển bày rõ tông chỉ của Kinh Vu-lan, như trích dẫn Luật Ngũ Phần, Kinh Phật Thuyết Hiếu Tử, Kinh Tỳ-ni Mẫu, Kinh Đốc Ý, Kinh Lễ của Nho gia... Nói chung, đoạn này tác giả đã tham khảo rất nhiều kinh sách, trích dẫn nhiều danh ngôn, sử dụng nhiều điển cố để dẫn dụ đâu là hiếu thế gian, đâu là hiếu xuất thế gian, pháp nào thuộc về quyền (phương tiện), pháp nào thuộc về thật (cứu cánh).
Ở đoạn kế tiếp, tác giả làm sáng tỏ ý nghĩa "Tâm từ bi chính là hiếu". Từ bi ở đây có 3 hạng : Sanh duyên từ, Pháp duyên từ và Vô duyên từ.
Sanh duyên từ là quán tất cả chúng sanh tưởng như cha mẹ. Cho nên Kinh Phạm Võng nói : "Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta. Ta đời đời thọ sanh nơi họ". Khi quán tưởng như thế, tất cả kẻ oán người thân đều bình đẳng. Trong bảy cảnh giới, tuần tự ban cho họ ba niềm vui, lấy đó để điều phục sân hận, phiền não, san tham và tật đố, cho đến chứng được Từ Tâm Tam-muội. Hễ ai có duyên với ta thì ta đều cứu khổ ban vui cho họ. Thâm ân của cha mẹ là sâu dày hơn cả, cho nên cha mẹ là những người đầu tiên mà ta phải cứu khổ ban vui.
Pháp duyên từ là quán tất cả các pháp đều từ duyên sanh. Cho nên Kinh Phạm Võng nói : "Tất cả đất, nước là thân trước của ta; tất cả lửa gió là chính thân thể của ta". Chúng sanh đều do Tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) hợp thành, không nhân ngã, không thọ mạng, Tứ đại đã không hai thì Từ tâm duyên đến cũng bất nhị. Khi quán tưởng như thế, kẻ oán người thân đều cùng một tướng, cho đến chứng đắc Từ Tâm Tam-muội, năng lực cứu khổ ban vui còn thù thắng hơn Sanh duyên từ.
Vô duyên từ là biết rõ Tâm, Phật và chúng sanh, cả ba chẳng có gì sai khác. Cả pháp giới là nhất tướng, chân thật bình đẳng, không trụ ở tướng của pháp và tướng của chúng sanh, quán Bồ-đề tức Phiền não, Niết-bàn tức Sanh tử, khởi thệ nguyện Vô tác, phá trừ gốc khổ; quán Phiền não tức Bồ-đề, Sanh tử tức Niết-bàn, khởi thệ nguyện Vô tác, ban phát niềm an lạc. Từ ở đây chính là Bi, Bi ở đây chính là Từ, xứng tánh khởi tu pháp viên đốn, hiện thành Tam-muội. Năng lực Đại từ bi này không thể nghĩ bàn.
Trong ba pháp Từ trên, Sanh duyên từ là pháp tu của chung cả Tam thừa, nhưng hàng Nhị thừa thì không có hoằng nguyện lợi tha; Pháp duyên từ thì hàng Nhị thừa cũng có một số ít tu tập được, còn chính là pháp tu của Bồ-tát; còn Vô duyên từ chính là Trung đạo đệ nhất nghĩa, hàng Nhị thừa không thể vói tới nổi. Ở đây, ý nghĩa Kinh Vu-lan đã trở thành pháp tu Đại thừa cao tột mà nếu không có căn cơ Đại thừa thì khó có thể lãnh hội được. Đại sư Trí Húc đã trích dẫn lời của Nho gia để làm rõ tông chỉ : Vô cớ mà làm thương hại đến một côn trùng, không phải là hiếu; vô cớ mà làm tổn hại đến một lá cây ngọn cỏ, không phải là hiếu. Nho gia còn nói như vậy, huống là Phật đạo thậm thâm ? Tóm lại, hiếu thuận cha mẹ, sư tăng, Tam bảo chính là pháp hiếu thuận cao tột.
Ở phần Quán tâm để làm rõ tông chỉ, tác giả đã phân tích rằng ngay nơi một niệm hiện tiền mà có đầy đủ Tam bảo, tùy thuận quán sát thì gọi là Hiếu. Như vậy, mê là bất hiếu và ngộ là hiếu. Khởi tâm động niệm mà trái nghịch với pháp tánh thì cả thập giới còn mê huống gì cha mẹ. "Ngộ thì Trí Độ Mẫu, Phương Tiện Phụ cùng được giải thoát; Mê thì Vô Minh Phụ, Tham Ái Mẫu cùng đọa vào nẻo khổ".
Lớp thứ tư là nương nơi sự để hiển bày lực dụng của kinh. Về phần dụng, Đại sư Trí Húc đã nói hết sức ngắn gọn, bởi hiểu được Danh, Thể và Tông rồi thì Dụng của Kinh không cần trình bày cũng tự rõ. Nói chung, "cứu khổ ban vui" chính là Dụng của Kinh. Cứu khổ sanh tử, ban vui Niết-bàn; cứu cái khổ Nhị biên, ban niềm vui Trung đạo... Ở phần Quán tâm để hiển dụng, Sư nói : Chỉ cần quán một niệm hiện tiền có đầy đủ thể tánh Tam bảo thì có thể bạt trừ được tự tánh Khổ, Tập trong mười cõi một cách trọn vẹn, cùng với tự tánh của mười cõi tịch diệt viên mãn.
Lớp thứ năm là nương theo sự để phán thích giáo tướng của kinh. Lý luận ở đoạn này rất sắc bén, minh tuệ. Trước hết, Sư nói Kinh này thuộc về giáo Đại thừa Phương Đẳng. Rồi lý luận rằng cả hai tạng Đại thừa và Tiểu thừa đều thâu về Bồ-tát tạng. Có người hỏi : Ngài Mục-kiền-liên chứng được lục thông trong lúc Đức Phật giáo hóa mới có 12 năm, tức thuộc thời kỳ giáo lý A-hàm, sao gọi là thuộc Đại thừa Phương Đẳng ? Sư đáp : Người chỉ biết 5 thời riêng biệt mà không biết được cái nghĩa chung của 5 thời, cần phải dựa trên nghĩa lý để xác định nghĩa vị của kinh ấy thuộc bộ nào mới khỏi sai lầm. Ở phần Quán tâm để phán thích giáo tướng, Sư nói : Tâm có đầy đủ các thừa nên chính tâm là giáo tướng. Nếu Tâm là Đại thừa thì không có gì không chuyên chở hết. Chỉ cần thành tựu một niệm quán tâm này thì có thể chuyển hóa hết tất cả tâm, tâm sở. Nếu không nương nơi Sự để giải thích kinh thì không thể hiểu được những điều mà Đức Như Lai đã ân cần giáo hóa. Nếu không dựa vào sự Quán tâm mà giải thích thì không thể trong tất cả thời thường tu pháp cúng Vu-lan-bồn. Trong kinh nói : Trong từng ý niệm thường phải nghĩ đến cha mẹ v.v... chính là Đức Phật dạy chúng ta phải Quán tâm. Còn kinh nói : Ngày Rằm tháng Bảy mỗi năm đều tác pháp Vu-lan-bồn... chính là Đức Phật dạy chúng ta phải tu theo Sự. Còn nói : Tất cả Phật tử phải nên phụng trì pháp này, chính là khuyên chúng ta phải hành trì cả hai pháp Sự và Quán. Đại sư Trí Húc cho rằng chúng sanh từ vô thủy kiếp trôi lăn trong sanh tử vô minh, mê cả lý lẫn sự, phiền não và ác nghiệp nặng nề nên cần phải Sự Quán song tu.
Toàn bộ năm lớp Sự quán nói trên chỉ là giải thích đề kinh, sau đó ngài Trí Húc mới bắt đầu nhập văn giải thích. Từng câu từng chữ được Ngài phân tích thấu đáo, dẫn chứng cụ thể, đủ thấy giá trị của tác phẩm này. Tuy nhiên, để hiểu sơ lược ý nghĩa Kinh Vu-lan, chỉ cần hiểu đề kinh là cũng đủ cho ta thấy được tầm quan trọng và giá trị đích thực của kinh này trong Tam Tạng giáo của Phật. Hiểu được như thế thì việc tụng đọc, thọ trì của chúng ta mới có ích lợi thật sự. Chúng ta đã khởi được niệm Từ nào khi tụng đọc Thánh điển thậm thâm ?
V. Lạm bàn về lễ Vu-lan ở Việt Nam
Phật giáo truyền vào Việt Nam đã 20 thế kỷ. Chúng ta thường ca ngợi Phật giáo là nguồn sống của dân tộc, văn hóa Phật giáo là văn hóa dân tọ䣮 Đặc trưng của văn hóa trong dân gian, không gì có tính đại chúng bằng lễ hội. Lễ hội biểu hiện được nét đẹp tín ngưỡng, hình thái phong phú, vui tươi và lành mạnh. Lễ hội còn có tác dụng hướng đạo, khuyến hóa rộng rãi nhất. Cho nên, muốn phát triển văn hóa Phật giáo, việc chú trọng lễ hội là việc làm hết sức cần thiết.
Trong Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Việt Nam, lễ lớn chỉ có hai ngày : Phật Đản và Vu-lan. Các lễ hội mùa Xuân mặc dù mang nặng màu sắc Phật giáo, nhưng nói cho cùng, đó là lễ hội ảnh hưởng từ tín ngưỡng Phật giáo chứ chưa phải là lễ hội Phật giáo đích thực. Ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam có rất nhiều lễ hội truyền thống gắn liền với chùa chiền được duy trì, gần như tỉnh nào cũng có, như Lễ hội chùa Hương, chùa Thầy (Hà Tây), giỗ Đức Thánh Trần (Côn Sơn, Kiếp Bạc - Hải Hưng), hội chùa Dâu (Hà Bắc), hội Quán Âm (Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng) v.v... Nhưng, những lễ hội này chỉ mang tính chất địa phương, mang nặng màu sắc tín ngưỡng dân gian. Giáo lý Phật giáo nói chung và nét đẹp văn hóa đặc thù của Phật giáo gần như chưa được chú ý.
Thiển nghĩ, một ngày lễ như lễ Noel của Thiên Chúa giáo - một tôn giáo mới được truyền vào Việt Nam mấy trăm năm, với lượng tín đồ chưa được 1/10, mà lễ Noel đã được người ta chào đón rầm rộ ở các tỉnh thành như thế nào. Trong khi lễ Phật Đản hoặc Vu-lan, với truyền thống và lượng tín đồ đông đảo gần như tuyệt đối, tại sao lễ Phật Đản và Vu-lan không được nâng lên ở hàng Quốc lễ ?
Văn hóa là quốc hồn quốc túy của dân tộc. Hẳn không ai dám phủ nhận vai trò của Phật giáo trong kho tàng văn hóa dân tộc. Thế mà thực chất, ngay nơi hàng ngũ tín đồ Phật giáo, hai chữ Vu-lan đối với họ cùng còn mơ hồ.
Trong ca dao dân gian có câu : "Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân".
Xá tội vong nhân thôi ư ? Thế thì ý nghĩa tích cực của Vu-lan nằm ở chỗ nào, nếu ngoài ý nghĩa hiếu hạnh mơ hồ đối với người đã khuất ? Điều này không thuộc về phía quần chúng, lại cũng không phải của nhà nước, mà là của những người lãnh đạo tinh thần, đại diện là Giáo hội Tăng-già.
Không đơn thuần chỉ là bảo vệ nét đẹp truyền thống, bởi như trên đã nói, truyền thống về lễ Vu-lan ở Việt Nam chưa có gì đặc sắc lắm. Chúng ta còn cần phải phát huy, tìm tòi những thứ hay, những điều tốt đẹp nơi những nền văn hóa khác, miễn sao phù hợp với giáo lý và tín ngưỡng của tôn giáo mình. Chắc hẳn có người sẽ cho như thế là lai căn, là vay mượn ? Thì đã sao nào ? Ngay đến việc "Bông hồng cào áo" chẳng phải là sự vay mượn của một văn hóa khác đó sao ? Thế mà từ khi nó được thực hiện ở Việt Nam (khoảng thập niên 60) đến nay, biết bao nhiêu loại hình nghệ thuật đã theo đó mà nảy mầm, nào là thơ, nhạc, họa, kịch..., đến nỗi nếu không biết, dù hết sức mới mẻ, nhiều người vẫn cứ tưởng chuyện cài hoa hồng trong lễ Vu-lan là "nét đẹp truyền thống" của Phật giáo. Chúng ta nghĩ gì về vấn đề này ?
Nguyên nhân mà lễ Vu-lan không được nhân rộng và tổ chức thành lễ hội đàng hoàng, theo thiển ý của chúng tôi, là vì lễ Vu-lan chỉ được tổ chức tập trung tại các chùa viện. Phật tử ghi tên cầu siêu Cửu huyền thất tổ, mỗi gia đình một cái sớ dài lê thê, có chùa đọc mỗi đêm mấy tiếng đồng hồ mới xong tên của các hương linh. Phật tử đến ngồi lắng nghe tới tên cha mẹ, gia đình của mình, ngáp ngắn ngáp dài chờ đợi. Ở trên thì đọc lướt thật nhanh cho mau hết, ở dưới thì nghe không kịp, nhiều khi đọc qua rồi mà không biết, đâm ra lo lắng, sợ cha mẹ mình không nghe được tên thì... không biết rằng mình có hiếu (!). Ngày lễ Vu-lan không phải là Quốc lễ, hàng Phật tử ai đến chùa thì được nghe pháp, tụng kinh, tham dự các hoạt động văn hóa như văn nghệ, cài hoa. Còn nhiều người bận việc làm ở công sở thì không thể đến chùa trong ngày này, nên lâu dần quên cả ngày Đại lễ mà Phật giáo thường gọi là Vu-lan Thắng Hội. Thắng hội là hội lớn, hội thù thắng hơn hết, nhưng rốt cuộc chỉ còn trên danh nghĩa.
Vào ngày lễ Noel, các tín đồ Thiên Chúa mỗi nhà đều có sắm sửa một cây thông, treo đèn hoa lộng lẫy để đón mừng. Tại sao ta không khuyến tấn Phật tử cũng tổ chức lễ Vu-lan trong từng gia đình ? Chẳng hạn như cũng quét dọn nhà cửa sạch sẽ, quy định một giờ giấc nào đó trong ngày Rằm tháng Bảy, con cái sẽ tặng hoa cho cha mẹ, nói một điều gì đó để tỏ lòng hiếu thuận, cũng treo đèn hoa, thắp nến, chọn hoa sen làm biểu tượng Phật giáo để trưng bày trong ngày này. Nếu giáo hội soạn được một nghi thức đàng hoàng cho buổi lễ cài hoa trong gia đình được thì càng tốt. Sau buổi lễ tại gia đình, Phật tử sẽ đến chùa nghe pháp, hoặc dự một lễ hội mang tính chất đại trà tổ chức đặc biệt tại một cơ sở Phật giáo nào đó trong quận huyện, làng xã. Lễ hội tập trung phải hết sức đặc biệt, như triển lãm tranh tượng, thư pháp, hàng mỹ nghệ với chủ đề Vu-lan, tổ chức văn nghệ, ca hát, phát hành các đặc san nói về công ơn cha mẹ, tổ chức các cuộc thi mang hình thái sinh hoạt dân gian như đua thuyền, biểu diễn võ thuật v.v... Người đến tham dự lễ hội không nhất thiết phải là Phật tử mà bất kỳ già trẻ sang hèn, không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp. Dần dần, hình thức lễ hội này sẽ thành truyền thống, tốt đẹp và lợi lạc biết bao, tác dụng giáo hóa của nó cũng hữu hiệu vô cùng.
Trên đây cũng chỉ là gợi ý, hy vọng những người có tâm đối với văn hóa Phật giáo sẽ tư duy và sáng tạo, để cho ngày lễ Vu-lan trở thành một ngày lễ có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến toàn thể quần chúng Việt Nam.
________________________________________
Chú Thích
(1) Theo VU-LAN-BỒN KINH TÂN SỚ của ngài Trí Húc, Ngũ quả là chỉ cho 5 phần của một cây : Căn, hành, diệp, hoa, quả (rễ, thân, lá, hoa, quả). Còn theo VU-LAN-BỒN KINH SỚ HIẾU HÀNH SAO của ngài Ngộ Vinh, Ngũ quả gồm : 1/ Hạch quả (loại quả có hạt, như Táo, hạnh, đào, lý...), 2/ Phu quả (loại quả có da, như Dưa, lê, táo tây, dâu...), 3/ Xác quả (loại quả có vỏ, như Dừa, hồ đào, thạch lựu...), 4/ Cối quả (loại quả có vỏ sần sùi, như Tùng, bá...), 5/ Giác quả (loại quả có góc cạnh, như Ấu, các loại đậu...).
(2) (bản đời Tống đề là Thất dịch, phụ Tây Tấn Lục, bản đời Nguyên và bản đời Minh đề là Thất dịch nhân danh, phụ Đông Tấn Lục).
(3) (bản đời Tống và đời Nguyên ghi là Thất dịch, bản đời Minh ghi là Thất dịch nhân danh).
(4) Bồ-tát Sa-di Cổ Ngô Trí Húc tân sớ, Bồ-tát Tỳ-kheo Ôn Lăng Đạo Phưởng tham đính.
(5) Tứ khô : Gọi đủ là Tứ khô tứ vinh (Bát đảo), tức 4 thứ chấp trước Vô thường, Phi lạc, Vô ngã và Bất tịnh của hàng Nhị thừa (Tứ khô) và 4 thứ chấp trước Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của phàm phu (Tứ vinh).
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.225.54.147 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.