Bên Tây Tạng có một hạng tu sĩ học phép nội công chạy đường trường,( ) người ta gọi mấy vị ấy là Loung-gom-pa. Mấy sư này chạy nhanh vô cùng, có thể chạy một hơi mấy trăm cây số không cần ngừng nghỉ và ăn uống chi cả. Chính thánh Milarespa( ) có tự nhận thế này: Sau khi luyện phép nội công ấy, trong vài ngày ông trải qua một con đường mà trước kia ông phải đi trên một tháng. Ông bảo rằng nhờ biết cách đưa hơi thở vào trong nên mới được cái thuật ấy.
Tôi( ) có biết một vài vị sư Loung-gom-pa. Tuy rằng có nhiều vị học phép chạy đường trường này, song thành tựu đến nơi đến chốn thì không mấy người.
Lần đầu, tôi gặp một sư Loung-gom-pa ở cánh đồng cỏ phía Bắc xứ Tây Tạng.
Hôm ấy, nhằm buổi xế chiều, chúng tôi cỡi ngựa đi lững thững trên một khoảng đồng rộng. Tôi vừa nhìn ra xa, chếch về bên trái, thấy có một chấm đen nhỏ. Đặt ống dòm vào, tôi biết là một người. Tôi rất lấy làm lạ. Ở miền này không hay gặp ai, chúng tôi đi đã mười bữa mà chẳng nhìn thấy một người nào. Vả lại, trên khoảng đồng vắng bao la này, có ai một mình đi bộ thì cũng lạ thật.
Một kẻ tùy tùng của tôi nghi rằng người ấy có lẽ cùng đi với một đoàn khách thương, chẳng may bị bọn cướp chặn đánh nên lạc đoàn. Vì chạy cho thoát chết nên mới một mình bơ vơ trên đồng vắng.
Lời nói ấy, ngẫm cũng có lý. Nếu hẳn thật như vậy, tôi sẽ đưa người đến một dãy trại của kẻ chăn chiên hay một xóm nào theo đường mà gởi gắm người, rồi người muốn đi về đâu thì đi. Tôi lấy ống dòm mà xem nữa, thấy người lướt tới một cách lạ lùng và mau lẹ vô cùng. Mấy kẻ tùy tùng của tôi lấy mắt không mà nhìn nên chỉ thấy một chấm đen lay động trên cỏ mà thôi. Song một lát sau, họ cũng nhận ra rằng cái chấm ấy lướt tới mau lạ thường. Tôi trao ống dòm cho họ. Xem đâu được ít phút, một người nói nhỏ rằng: Chắc là một ông sư Loung-gom-pa.
Nghe mấy tiếng Loung-gom-pa, tôi bỗng lấy làm thích. Tôi đã từng nghe nói về mấy ông sư ấy chứ chưa được thấy tận mắt. Dịp may này nay xảy đến cho tôi chăng?
Người ấy càng đến gần và rõ ràng lướt tới một cách mau lẹ. Nếu hẳn là một vị sư Loung-gom-pa thì tôi phải làm sao? Tôi muốn nhìn người tận mặt, nói chuyện với người, hỏi thăm người và luôn tiện chụp ảnh người. Tôi muốn rất nhiều việc. Nhưng vừa nghe tôi nói mấy điều ấy, người tùy tùng khi nãy nhận ra sư Loung-gom-pa liền nói rằng:
– Bạch sư bà! Sư bà đừng có chặn đường ông sư ấy, đừng có nói chuyện với ông ấy. Làm như vậy, ông ấy có thể phải chết mất. Những vị sư Lạt-ma ấy, trong khi phi hành không được ngưng sự thiền định của mình. Các vị chẳng ngớt niệm chân ngôn và có thâu vào mình sức linh của một đức Phật hộ trì. Nếu đức linh ấy thình lình thoát ra, không thể tránh khỏi việc bị kích thích mạnh cho đến chết.
Lời dặn phòng ngừa ấy tuy mới nghe như quá đáng, nhưng thật có phần hữu lý. Theo tôi biết về thuật này, người đang chạy ở trong cơn nhập định, nếu thình lình bị ngăn đón, dẫu không đến nỗi chết thì cũng bị xúc động rất đau đớn về thần kinh. Tôi không biết cuộc xúc động này sẽ nguy hiểm đến đâu, song không nỡ đem một vị sư ra mà thí nghiệm, e sự rủi ro bất tường. Lại còn một lẽ nữa cản không cho tôi thỏa tánh hiếu kỳ. Người Tây Tạng đều công nhận tôi là một sư bà, họ biết tôi theo đạo Phật, song họ không biết phân biệt sở kiến về triết lý đạo Phật của tôi với đạo Phật Lạt-ma giáo. Vậy muốn cho họ tin tưởng và kính phục bộ đồ nhà sư tôi đang mặc, tôi phải giữ theo phong tục Tây Tạng, nhất là phong tục của nhà thiền. Cho nên tôi đành gác lại một bên những sự nghiệm xét về khoa học, đành dẹp bỏ cái ý muốn phỏng vấn, chỉ lặng nhìn vị sư viễn khách dị kỳ ấy thôi.
Người còn cách chúng tôi chẳng bao xa. Tôi có thể trông rõ gương mặt tự nhiên không cảm xúc của người với cặp mắt mở rộng dường như nhìn chăm chú vào một chấm nào đâu đó ở trên hư không. Nhìn người ấy không phải đang chạy như bình thường, mà dường như băng mình lên khỏi đất trong khi bước tới và nhảy từng cái một, toàn thân dẻo và nhẹ như trái banh cao su. Người mặc đồ nhà sư Tây Tạng, áo trong và áo choàng đều màu hơi sậm. Tay trái nắm lấy một vạt áo choàng và phân nửa ẩn vào trong áo. Tay mặt cầm một cái gươm phép.( ) Trong khi đi tới, người nhẹ nhẹ lung lay tay mặt cho ăn rập với bước chân, và người chống trên gươm như chống gậy, tuy là mũi gươm cao khỏi mặt đất rất xa.
Mấy kẻ tùy tùng của tôi thảy đều xuống ngựa và quỳ lạy sát đất trong khi ông sư đi qua. Nhưng ông cứ đường thẳng mà tiến tới, dường như không để ý đến chúng tôi. Còn tôi thì tưởng cho rằng không ngăn đón ông, tức là tôi kính trọng phong tục trong xứ nhiều rồi. Tôi khởi sự tiếc vì không được hầu chuyện cùng ông. Định nhìn ông lâu hơn, tôi bèn kêu bọn tùy tùng lên ngựa cho mau đặng chạy theo, tuy ông đi đã xa. Chúng tôi không muốn theo kịp ông, chúng tôi cũng không muốn cách xa ông. Nhờ có ống dòm, con tôi và tôi vẫn thấy ông rất rõ.
Chúng tôi không còn thấy mặt ông nữa, song có thể nhìn bước chân nhẹ nhàng của ông nối nhau một cách đều đặn lạ lùng, đều như tiếng tích tắc đồng hồ. Chúng tôi đi theo trên một đoạn đường độ chừng ba cây số ngàn, kế ông bỏ đường mòn, chạy dài theo một triền núi và lẫn khuất vào trong mấy trái núi. Ngựa theo không được nữa, chúng tôi thôi nhìn và quay đầu trở lại, đi theo hướng cũ. Tôi đoán rằng ông sư biết chúng tôi theo sau, nên tách qua đường khó đặng chúng tôi theo không được nữa.
Bốn ngày sau, vào buổi sáng, chúng tôi đến miền Thébgyai, nơi đây có nhiều trại của kẻ chăn chiên nằm cách nhau xa xa. Chúng tôi thuật với họ rằng chúng tôi có gặp một ông sư chạy bộ trên con đường mòn đưa vào đồng cỏ của họ. Vài kẻ chăn có thấy ông ấy năm bữa trước, lúc chạng vạng tối, trong khi họ lùa chiên về. Tôi độ ra biết rằng mấy sư Loung-gom-pa có thể chạy luôn cả đêm lẫn ngày, chạy một mực không ngừng nghỉ trong nhiều hôm. Thật lạ, thật tài, người bình thường không thể nào làm như vậy được.
Lần thứ nhì, tôi gặp một sư Loung-gom-pa ở xứ sở của những phường dân độc lập, gần phía tây tỉnh Tứ Xuyên,( ) Trung Quốc. Chúng tôi đang đi trong rừng, đến một ngả quanh, con nuôi tôi và tôi đang đi bộ trước đoàn tùy tùng bỗng thấy một người ở trần có quấn xiềng sắt khắp mình. Người ấy ngồi trên một hòn đá và dường như trầm ngâm trong cơn thiền định, cho nên không nghe chúng tôi đến. Chúng tôi lấy làm lạ, bèn dừng chân lại. Nhưng có cái dấu hiệu chi báo cho người ấy biết rằng có chúng tôi đến. Người ấy quay đầu lại thấy chúng tôi, lẹ làng đứng dậy, và phóng vào rừng rậm mất dạng. Trong một lát, chúng tôi chỉ còn nghe tiếng dây xiềng sắt khua nhỏ dần, rồi im bặt.
Yongden, con nuôi của tôi nói rằng: “Ấy là một vị sư Loung-gom-pa. Con có thấy một số vị như vậy. Các vị quấn xiềng cho nặng thêm, vì phép nội công làm cho thân hình nhẹ đi, sợ e bay trên không mà chạy chẳng tiện.”
Chính mắt tôi có lần đã thấy một vị sư dùng phép nội công mà chạy đến giáp mặt chúng tôi. Chừng gặp rồi, ông đứng yên một lát, mắt hãy còn ngó ngay tới trước. Xem ông không mệt, song nửa tỉnh nửa mê và không nói năng, hành động chi được. Lần lần ông ra khỏi cơn thiền định, bấy giờ mới bình tĩnh lại như thường.
Đáp lại mấy câu hỏi của tôi, ông nói rằng ông học phép nội công chạy đường trường do thầy ông ở gần chùa Pabong truyền dạy. Thầy ông không còn ở trong xứ nên ông tính qua Chalu mà học thêm. Thầy ông có dạy rằng những lúc tảng sáng, chạng vạng( ) và những đêm trong trẻo rất tiện lợi cho nhà sư chạy đường trường. Thầy ông cũng có dặn rằng, trong khi luyện phép ấy, hãy nhìn chăm chú vào một ngôi sao trên trời.
Tôi khó mà hỏi thêm nữa, vì ông cũng như mấy thầy tu huyền bí khác, phải giữ kín những khoa mật ẩn mà mình đã thọ truyền. Song tôi có thăm nhiều vị sư về phép nội công chạy bộ, nên cũng góp nhặt được đại lược đôi điều, tôi đều ghi ra dưới đây:
Muốn học môn này, cũng như mấy môn khác, trước hết phải chịu lễ điểm đạo truyền Pháp.( ) Kế đó, nhờ có thầy dắt dẫn, phải luyện tập phương pháp hô hấp trong nhiều năm. Tới chừng có sự tiến bộ mới khởi sự chạy đường trường. Chừng ấy, tôn sư điểm đạo truyền Pháp cho một lần nữa và dạy niệm một câu chân ngôn. Vị đệ tử phải định tâm mà niệm thuộc lòng câu chân ngôn ấy trong trí mình, niệm cho ăn nhịp với hơi thở trong khi chạy bộ và cũng niệm cho những chữ trong câu chân ngôn ăn nhịp với bước chân mình.
Trong khi chạy chẳng được nói, chẳng được tưởng đến việc chi khác, chẳng được ngó bên này bên kia. Cặp mắt phải nhìn một vật nào ở xa, về phía trước, không được chú ý đến vật gì khác.
Nhập định rồi, tuy tâm thức bị chặn lại, nhưng cũng còn đủ sức để dắt mình tránh khỏi những chỗ chướng ngại và đưa mình đi theo đúng hướng. Hai việc ấy được thi hành một cách tự nhiên không cần suy nghĩ. Những khoảng đồng trống, những nơi bằng phẳng, cùng là những lúc hừng đông hay trời chạng vạng, đều là những cảnh ngộ rất thuận tiện cho cuộc chạy đường trường. Có khi trọn cả ngày chạy xa, sức mệt, song vào lúc mặt trời lặn thì nhập định lại cũng rất dễ dàng. Bấy giờ hết thấy mệt, nhà sư có thể chạy thêm hàng trăm cây số nữa. Lúc rạng sáng chạy cũng tốt, song không bằng buổi hoàng hôn. Còn giữa trưa, xế qua, với những nơi sủng thấp, quanh quẹo, những chỗ cây cối, gập ghềnh, thật rất trở ngại cho người luyện phép chạy bộ. Duy có những vị thật tài giỏi mới lướt qua được những cảnh ấy mà thôi.
Về đêm, những đêm trong trẻo rất dễ luyện tập, nhất là những đêm có sao. Chư vị tôn sư thường bảo đệ tử nên nhìn mãi một ngôi sao trong khi chạy đường trường. Có nhiều đệ tử đang chạy, không thấy ngôi sao, hoặc vì lặn mất, hoặc ẩn phía sau núi, liền ngừng lại ngay. Có những vị khác, mặc dầu sao đã mất, song cũng dùng tư tưởng mà tạo ra một ngôi sao trong mắt, nên chạy như thường.
Một ít vị lại nói rằng hễ luyện tập trong nhiều năm, chừng mình chạy được một quãng xa, bấy giờ hai bàn chân hết chấm đất, mình như lướt tới trên không gian một cách mau lẹ vô cùng. Ở trong cảnh ấy, nhà sư đi giờ này đến giờ kia chẳng biết mệt mỏi chút nào, lại thấy mình vui thích, sung sướng là khác.