Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Chùa chết »»

Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn
»» Chùa chết

Donate

(Lượt xem: 8.972)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Chùa chết

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Gần nhà tôi là chùa Hà nổi tiếng. Nổi tiếng từ ngày xưa. Nổi tiếng khắp Hà Nội và thậm chí đến nhiều tỉnh thành miền Bắc. Ngày xưa tôi cũng đã hay đến đây. Người ta đồn nhau rằng chùa rất thiêng, đặc biệt là cho dân làm ăn và chuyện tình duyên. Chùa Hà của Thủ đô Hà Nội đông khách thập phương lắm, nhất là ngày rằm và mồng một. Dòng người nườm nượp vào cúng lễ, cầu xin. Tôi có cảm nhận nhộn nhịp chẳng kém đền bà Chúa Kho ở Bắc Ninh. Thật sự là vậy.

Nhiều người bảo chùa thì phải đông người đến như chùa Hà, phải phát triển như thế chứ. Tiền công đức nhiều lắm,… quanh năm như hội,… Nhưng tôi lại nghĩ bậy rằng, mặc dù người đến nườm nượp nhưng đây có lẽ là một ngôi chùa chết. Chùa không có bất cứ 1 nhà sư nào. Chùa do địa phương tự quản. Chùa Hà hình như bị biến thành một ngôi đền hoặc nơi thờ tự tâm linh chứ không còn là một ngôi chùa nữa. Đức Phật nơi đây được những người mua thần bán thánh dựng lên, tô vẽ như một ông thần đầy đủ quyền năng ban phúc giáng họa. Thế rồi người dân, trong đó có thể có cả phật tử, đến cúng bái, cầu xin. Đạo Phật sẽ đi về đâu? Ôi Phật ơi!

Là Phật tử, chúng ta biết rất rõ quan trọng nhất đối với mỗi người con Phật là quy y Tam Bảo. Các em trẻ ít biết chữ Nôm, chữ Hán chắc khó hiểu Tam Bảo nghĩa gì, nhưng đó là BA NGÔI QUÝ. Ba ngôi quý đó, ba tài sản vô giá đó là Phật, Pháp và Tăng. Chùa Hà có một ngôi quý đó là Phật. Ở đó có thờ Phật, có tượng Phật thật mà. Và người ta hiểu rằng đã có PHẬT BẢO. Nhưng đức Phật bằng xi măng hay bằng gỗ trong các ngôi chùa như ở chùa Hà này có thật sự là Phật Bảo hay không???

Chùa Hà cạnh nhà tôi rất nổi tiếng mà hoàn toàn vắng mặt ngôi thứ 3 là TĂNG BẢO. Ở đây không có bất cứ vị tăng hay ni nào. Tôi có thưa chuyện này với một quý thầy. Thầy bảo, ban quản lý ở đây không cho sư về đâu, họ đang thu lợi rất lớn từ tiền công đức chảy về mỗi ngày. Các sư muốn nhận chùa phải là những chùa ở nơi xa, chùa chưa xây dựng, đổ nát hoặc hẻo lánh. À ra vậy. Bạn có tin không ạ? Chùa để kiếm chác ư. Thế này thì không khéo nay mai muốn trụ trì 1 chùa “ngon”, “đông khách” có khi các nhà sư, những quý thầy xuất gia cũng phải phong bì, phải chạy chọt như người đời mất thôi. Con lạy Phật!

Câu hỏi đặt ra rằng ở những ngôi chùa như chùa Hà nổi tiếng liệu có Pháp bảo hay không. Ở nhiều ngôi chùa rất ít kinh Phật, không có giảng kinh, giảng Pháp, không có các khóa tu. Pháp của Phật quý giá vô cùng, càng tu tôi mới càng thấy quý lắm. Vậy mà tại nhiều nơi, tài sản lớn và quý giá này không còn nữa. Không có kinh, không được học, mình tu mù ư. Và biết đi đâu về đâu! Tiếc và ngậm ngùi làm sao.

Tại sao chùa chết?

Có câu chuyện rằng, tại đám tang của ông A, người ta nói rằng chôn ông ấy lúc ông 83 tuổi nhưng ông ấy đã chết từ lúc 51. Như vậy là 32 năm ông A chỉ tồn tại trên đời này mà không sống. Ông đã chết 32 năm trước khi chôn. Chuyện làm tôi luôn suy nghĩ. Đến nay, mình đã sống bao nhiêu năm và đã chết bao nhiêu năm?

Chùa chết là có và đã rõ. Chùa chết là khi có chùa mà không thực hiện chức năng của một ngôi chùa. Tôi chợt nhiên nghĩ, trong số khoảng 15.000 ngôi chùa trên đất nước Việt Nam ta, có bao nhiêu phần trăm chùa đang sống, và bao nhiêu ngôi chùa chết. Tôi mơ rằng chùa chết chỉ chiếm dưới 10 phần trăm mà thôi. Tôi mong rằng trên 50% số chùa này đang sống khỏe và rất khỏe.

Ai giết chùa?

Tôi có người nhà sống tại một phường thuộc quận Bắc Từ Liêm, thủ đô Hà Nội. Vợ chồng có cậu con trai bị chết đuối. Các em ra chùa địa phương mời nhà sư về làm lễ. Các em còn huy động cả bố mẹ mình đã rất lớn tuổi ra mời nhưng sư mắng như té tát vào mặt. Chuyện lạ rằng sư yêu cầu gia đình mang gà, thịt, vàng mã ra chùa và đóng mười triệu. Chỉ có như vậy và chỉ ở chùa thì bà sư mới làm lễ. Các em tôi khóc lóc với tôi rằng tại sao lại lễ mặn như vậy và là lễ mặn với vàng mã ở trong chùa. Là phật tử nên các em rất hoang mang. Cuối cùng chúng tôi đã quyết định làm lễ tai gia đình em bằng cách ngồi thiền, tụng các kinh “Phúc đức”, kinh “Bát nhã”, kinh “Sức mạnh Quan Âm”, kinh “Tưới tẩm hạt giống tốt”… Cả gia đình em đều thấy rất hoan hỷ với cách làm nhẹ nhàng, ít tốn kém này. Chúng tôi cũng nói chuyện với gia đình em về chuyện sống chết, về cận tử nghiệp, về nhân quả, về luân hồi, về nghiệp quả. Chúng tôi làm đồ chay, ăn cơm chay, tưởng nhớ đến cháu trong thanh tịnh và bình an. Giờ đây 2 vợ chồng em và cả gia đình đã lấy lại niềm tin vào Phật Pháp. May thay!

Tôi cũng lại nghĩ bậy bạ rằng liệu có thêm những ngôi chùa khác mà các vị sư trụ trì đóng vai thầy cúng, thu tiền, thậm chí kinh doanh mê tín dị đoan, trái với lời Phật dạy, ngược hẳn với lời Phật gốc hay không. Sư trụ trì và quý thầy phải là những người lái đò, đưa chúng sinh từ cõi mê về cõi tỉnh, đưa thuyền Bát nhã chở chúng ta thoát khỏi sinh tử trầm luân, để có bình an, để tăng trưởng phước huệ. Các nhà sư không thể là những người phản Phật, giết chùa.

Tôi đến thăm một ngôi chùa khá nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội. Tôi lễ Phật rồi đi vãn cảnh chùa. Tự nhiên tôi muốn được gặp thầy trị trì. Tôi hỏi thăm và được bà cụ đang quét chùa nói rằng bà không thấy thầy đâu. Hoặc thầy vẫn đang ngủ. Hoặc thầy đã đi từ sớm. Lúc đó quãng 8h30 sáng.

Theo chỉ lối của bà, tôi đi xuống phía sau. May thay, gặp thầy đang uống trà và hút thuốc lào. Tôi tự giới thiêu và chúng tôi làm quen với nhau. Thầy năm nay 40 tuổi và đã trụ trì ở ngôi chùa nổi tiếng này gần 20 năm. Thầy cho biết trong chùa chỉ có mình thầy là sư. Các thầy khác đi nhận chùa hết rồi. Khi tôi bàn với thầy nguyện vọng của tôi muốn tổ chức các khóa tu, các buổi giảng pháp cho các bạn trẻ, cho người dân, thầy bảo rằng không làm được đâu. Bởi thầy có một mình sao mà làm được. Tôi hỏi tại sao thầy lại có một mình, sao không có thêm các thầy khác. Thầy nhìn tôi như người ngoài hành tinh “Anh học rộng biết nhiều mà không biết ngoài bắc mình có truyền thống nhất tăng nhất tự à”. Thì ra vậy. Truyền thống bao đời nay rằng chỉ có 1 sư cho 1 ngôi chùa. Các thầy tu lớn dần và tự đi nhận chùa, coi như ra ở riêng. Phật ơi, tu cần có tăng thân, ngay cả quý thầy xuất gia tu môt mình cũng rất khó, tu giữa làng một mình rất khó, chưa nói đến hoằng pháp. Tôi đã tìm ra kẻ giết chùa đây rồi. Tên nó là “truyền thống nhất tăng nhất tự”.

Lại nhớ đến câu chuyện tuần trước. Tôi được một Đại đức (lại là trụ trì 1 ngôi chùa khác, cũng ở ngoại thành Hà Nội) mời về để thăm. Thầy rất nhiệt tình và mong tôi một lần về đó giúp thầy. Thầy tiếp đón tôi nồng hậu lắm. Cuối cùng thầy dẫn lên thất riêng để tâm sự. Chúng tôi nói rất nhiều chuyện. Tôi tập trung nói về 2 chủ đề: thực hành lời Phật dạy và hoằng pháp. Trước khi về, tôi xin phép thầy nói thẳng rằng có mấy chai bia ở trong thất riêng thờ Phật rất nguy nga thế này là không ổn. Thầy xin lỗi và nói rằng do các Phật tử cúng. Tôi đề nghị thầy cất ngay đi, dấu kín ngay đi, bởi nếu Phật tử có tu học nhìn thấy, thầy mất hết uy tín và nói không ai nghe đâu. Tôi cũng nói rằng tôi linh cảm ở chùa có đồ mặn. Thầy thú thât rằng các Phật tử vẫn mang thịt, rượu đến cúng ở ban Đức Chúa Ông. Tôi tỏ ra khó chịu. Thầy hỏi, thế thì làm thế nào. Tôi nói rằng phải giải thích cho dân làng. Rằng nếu thầy đồng ý cho họ mang rượu, thịt vào chùa là tiếp tay cho họ phạm giới. Trên đường lái xe về nhà tôi đã tìm ra kẻ giết chùa. Đó là chính là việc các nhà sư không giữ giới. Đó là chính việc các nhà sư chiều theo ý của dân làng, ủng hộ họ làm bậy, làm trái lời Phật dạy.

Tôi chợt nghĩ, cư sỹ tại gia giữ 5 giới. Các thầy mới xuất gia làm sa di giữ 10 giới, còn các tỳ kheo và tỳ kheo ni giữ 248 và 350 giới. Tại sao một vị Đại đức xuất gia từ nhỏ lại vẫn uống bia, uống rượu. Tôi thật sự không hiểu. Và cứ nghĩ, liệu có quý Đại Đức, Thượng Tọa nào giữ không trọn 5 giới của người tại gia không?

Tôi lại nghĩ đến buổi gặp gỡ với một thầy từ châu Âu. Thầy cũng rất muốn găp tôi, và hẹn gặp trước khi lên máy bay về nước. Ở buổi nói chuyện, thầy buồn 2 điều. Thứ nhất, các ban trẻ rất không muốn xuất gia. Bởi ở nhà sướng quá, vào chùa không chịu kham khổ và kỷ luật được. Rồi nếu có xuất gia thì lại không giữ giới. Hoặc xin quay lại đời Thứ 2, thầy buồn vì nhiều Phật tử bây giờ khi quy y nhưng xin quy y Nhị Bảo chứ không phải Tam Bảo. Họ chỉ quy y Phật, quy y Pháp chứ không quy y Tăng. Họ mất lòng tin vào Tăng. Ôi tôi buồn quá. Tôi không tin vào điều này. Cứ như nghe trong mơ, trong mộng. Thế này thì kẻ giết chùa là chính các quý thầy và quý phật tử chúng ta thật rồi!

Ngày hôm qua tôi đến thăm 1 ngôi chùa rất lớn, rất nổi tiếng. Bao lần qua đây mà chưa một lần được gặp người trụ trì. Lần này, trước khi có chuyến hành hương xa, tôi muốn được đảnh lễ và thăm Sư Bà. Tôi cũng muốn mời Sư Bà tham gia 1 khóa tu ở nước ngoài. Rồi những câu chuyện của Sư Bà làm tôi rất cảm động. Sư Bà bị bệnh. Sư Bà rất tâm huyết với phát triển Phật Giáo nhưng lực bất tong tâm. Thậm chí, nay mai bà mất, không biết ai sẽ lên thay đây. Không tìm ra người kế nhiệm xứng đáng!

Qua câu chuyện tôi lại nhận ra một điều rằng, ở đâu chùa được công nhận di tích lịch sử thì thì ở đó Phật Giáo không (hoặc rất khó) phát triển. Nghe vô lý quá đúng không ạ. Hóa ra vấn đề ở chỗ, đã là di tích thì địa phương quản lý hết, nhà chùa không có quyền gì cả. Làm bất cứ gì cũng cần xin phép mà xin thì rất lâu, phép thì khó, cho lại rất ít. Lãnh đạo và ban quản lý di tích thì không quan tâm đến tu tập, đến hoằng pháp, bởi họ không là Phật tử. Họ chỉ quan tâm đến lễ hội và thu tiền, rồi bán vé, rồi quyên góp, rồi xin công đức. Đây rồi. Kẻ giết chùa đã được tìm thấy rồi.

Bạn có thể không biết và không tin rằng, các nhà sư không thích về các ngôi chùa là di tích lịch sử. Về đây họ không được tu, không được hoằng pháp. Về đây họ bị biến thành công cụ phục vụ tín ngưỡng, phục vụ địa phương. Phật ơi, con sợ chùa di tích lắm rồi. Tự nhiên con muốn đi Làng Mai Pháp để được bên những ngôi chùa giản dị mà có rất nhiều tăng, ni đang tu học và hoằng pháp ở đó.

Ai là kẻ giết chùa? Còn những kẻ giết chùa nào nữa? hãy hiện nguyên hình ra để những phật tử chân chính nhận diện nào.

Nếu sống cùng chùa chết ta phải làm gì?

Có một bạn trẻ viết thư cho tôi như sau “Con xin được chia sẻ một số cảm nhận với chú vì con cũng đã từng rất buồn và thắc mắc rất nhiều sáu năm về trước khi biết đến Phật giáo. Bao nhiêu lần con đã phải bước vô chùa nhìn rồi ngậm ngùi, buồn vô cùng. Sau đó có dịp sang Hàn Quốc và gần đây là Nhật Bản lại càng buồn hơn.

Tuy nhiên, thầy tổ và hòa thượng đã tháo gỡ tâm giúp con khá nhiều. Biết huyễn mộng thì ráng tự đi. Và con càng khâm phục hơn trí tuệ của Đức Phật khi Ngài đã nói hiện nay là thời kỳ Đấu Tranh Kiên Cố, suốt ngày người ta chỉ biết tranh luận cãi nhau, xây chùa to Phật lớn chứ không phải thật tu, làm những chuyện bề ngoài lôi kéo tín đồ, lễ hội linh đình mất tiền tốn của, đi ngược lại với sự thanh bần giản di, đầy trí tuệ nhưng an lạc của Đức Phật”.

May thay, vẫn còn có những bạn trẻ như em Hằng này, có trí tuệ, biết tự tìm đường mà đi, biết nương tựa vào kinh Phật và những lời gốc Phật dạy. Bạn trẻ đã biết đúng sai, có chánh kiến và chánh tư duy để bước đúng, bước vững trên con đường chánh (chứ không phải đường tà).

Tôi chợt nhớ đến những vị thầy tổ tu trên núi, trong hang trong cốc, sống vô cùng khiêm cung, giản dị. Nhiều nhà sư lấy hạnh đầu đà làm lẽ sống. Để rồi tôi cũng đang học dần theo. Có những quý thầy hạn chế xây dựng càng ít càng tốt, chỉ thanh bần cũ kỹ vậy thôi, để tập trung tu. Các thầy muốn chùa sống mà sống khỏe, muốn Phật Pháp trường tồn. Quý thầy hạn chế việc quảng cáo, và chỉ "quảng cáo" với mong mỏi phật tử đầu tư càng nhiều thời gian ra tu tập càng tốt.

Tôi viết bài này với hy vọng khêu gợi ra một góc nhỏ của vấn đề tu học của tứ chúng. Tôi vẫn tin rằng, tại rất nhiều các ngôi chùa, Pháp của Phật đang được vận hành, và phật tử chúng ta vẫn đang nắm tay nhau, luôn bên nhau thực hành đúng lời Phật dạy. Đời người ngắn ngủi làm sao, không tu hết kiếp lúc nào chẳng hay.

Người tu là nhìn lỗi mình chứ không ngó lỗi người. Ngẫm lại thấy mình nhiều lỗi quá. Chỉ còn cách mong Phật chỉ đường để con và các bạn đồng tu biết TU ĐÚNG. Và rồi, tu gì thì tu những phải diệt được bản ngã của mình. Cái ngã của tôi vẫn đang lớn lắm. Cái tôi không có thật của tôi vẫn đang lớn lắm. Vô ngã là niết bàn. Đích đến theo lời Phật dạy có rồi. Chỉ còn tự thắp đuốc lên mà đi nữa thôi.



Chùa để làm gì?

Phải nói thật rằng câu hỏi này lởn vởn trong đầu tôi nhiều lần, trong nhiều năm nay. Nghe có vẻ ngớ ngẩn. Mà cũng có thể tôi là người ngớ ngẩn. Ai đời lại đi đặt câu hỏi mà đứa trẻ học tiểu học cũng có câu trả lời thế này.

Ấy thế mà khi ngồi tĩnh tâm tại ngôi chùa lớn nhất thế giới Borobudur, Indonesia câu hỏi này lại hiện về. Hiện về 1 cách rất rõ nét. Đây là lần thứ 3 câu hỏi này làm tôi trăn trở nhiều nhất.

Borobudur, ngôi chùa lớn nhất thế giới, trung tâm Phật giáo lớn và huy hoàng ngày nào, bây giờ thành khu du lịch. Phần lớn những người có mặt nơi đây là khách du lịch. Số lương Phật tử có mặt cõ lẽ chỉ vài phần trăm. Không còn thấy các nghi lễ tôn giáo, không thấy ai ngồi thiền, không thấy tiếng tụng kinh, không bóng dáng một nhà sư. Cảnh thì đẹp, công trình thì hùng vĩ, người thì đông, nhưng ngôi chùa lớn nhất thế giới đang đóng vai trò gì của thế kỷ XXI này đây…. Ngậm ngùi.

Tôi nhớ lại cách đây nhiều năm, lần đầu tiên là khi tôi dẫn bạn đạo từ Sài Gòn đi thăm chùa Dâu. (Nói rất thật rằng, có bất cứ nhóm bạn nào ở bất cứ nơi đâu về thăm Hà Nội, không kể từ nước ngoài về hay từ các miền khác của đất nước đến, nơi đầu tiên tôi muốn dẫn đi tham quan và cùng lắng lòng chậm bước hành thiền là chùa Dâu và các ngôi chùa khác của Bắc Ninh, Hà Tây, Ninh Bình). Chùa Dâu luôn là lựa chọn hàng đầu của tôi. Bởi đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Vậy mà không thấy bóng dáng các nhà sư. Không thấy các khóa tu, khóa thiền. Không thấy những áo nâu, áo lam lẽ ra phải có ngập trời tại một trung tâm Phật giáo lớn thế này. Phật ơi, chẳng lẽ chùa Dâu nay đã thành bảo tàng, thành điểm tham quan du lịch….. Ngậm ngùi làm sao.

Lần cuối mới đây, tôi lại dẫn sư bà Thích Nữ Giác Liên ra thăm chùa Dâu. May thay tôi gặp được một sư cô. Thấy tôi, sư cô mời “Mời chú công đức cho nhà chùa”. Tôi công đức. Sư cô lấy giấy định viết tờ công đức. Tôi bảo không cần vì mình góp chút tâm thành thôi mà. Thì ra ở đây hiện nay có 4 sư cô tất cả.

Lát sau tôi thấy sư cô ra ngồi quán nước trước cửa chùa. Tôi đứng mà mơ rằng tại đây khóa thiền được diễn ra ít nhất 1 tháng 1 lần. Tôi ngồi xuống và lại mơ tưởng rằng nơi đây có nhiều buổi thuyết pháp và Phật tử khắp nơi về đây tu học. Cơ sở vật chất tốt thế này mà lại thành bảo tàng hay sao.

Tôi nhớ rằng mình đã về chùa Bái Đính 1 lần duy nhất kể từ ngày xây dựng. Bởi biết rằng người ta bỏ tiền bỏ của ra xây dựng Bái Đính thành khu du lịch tâm linh. Ý tưởng và kế hoạch đã rất rõ: Đây là khu du lịch. Tôi cứ nghĩ rằng, rồi đây sẽ có hàng chục khu du lịch tâm linh như Bái Đính và sẽ còn to hơn Bái Đính nữa mọc lên. Và vậy là du lịch sẽ rất phát triển. Nhà đầu tư sẽ kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên không khéo, người dân lại biến đây thành nơi tín ngưỡng thậm chí mê tín thì nguy hiểm quá. Biết đâu sẽ có nơi mang Đức Phật và hình ảnh Ngài ra để làm bậy, làm trái lời dạy của Ngài, làm sai con đường mà Ngài đã tìm thấy. Nếu vậy thì ngậm ngùi lắm.

Tôi rất thích các tu viện của Làng Mai. Dù ở đâu cũng được xây dựng rất đơn giản. Có khi chỉ là nhà tranh, mái lá. Tuy nhiên trong đó luôn có hàng trăm tăng và ni tu học. Nơi đây, các khóa tu dành cho cư sỹ liên tục diễn ra. Lợi ích to lớn vô cùng cho cả giới xuất gia và cư sỹ tại gia.

Có phải càng ngày hình như càng khó tìm ra những ngôi chùa theo đúng nghĩa của từ này. Nhiều ngôi chùa đã biến thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng, thậm chí cúng lễ đồ mặn, thậm chí bà đồng ông cốt cũng vào cả chùa. Có những ngôi chùa vắng tanh vắng ngắt, chỉ có ông từ, bà từ hương khói trông nom.

Có phải càng ngày càng ít đi các ngôi chùa tốt đẹp. Hình như bây giờ các chùa cũng đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu và học hỏi các giáo lý của Phật mà thiếu đi phần thực hành. Nhiều nơi người ta đốn cây, phá rừng làm chùa to, tượng lớn nhưng hình như chưa đầu tư vào việc luyện tâm. Chùa để tu chứ nhỉ. Quý thầy quý sư cô tu cả đời. Phật tử tại gia đến đây tu và thực hành lời Phật dạy thông qua cách huấn luyện tâm mình thường xuyên.

Tôi nhớ rằng, ngày xưa, các nhà sư sống trong rừng, sống với thiên nhiên, không kiến tạo hay xây dựng gì cả. Ngày nay, có nơi xem việc xây dựng chùa chiền là việc chính và nhiều người, thậm chí cả các nhà sư cũng thích làm việc này. Tôi thì nghĩ bụng, có lẽ 80% thời gian của các nhà sư là dành cho thực hành những lời Phật dạy. Thực hành giáo pháp của Đức Phật mới là quan trọng nhất. Thời gian còn lại là giúp đỡ mọi người. Liệu có những nhà sư đang dành nhiều thời gian lo xây chùa và làm những việc không phải là pháp hành không. Nếu có thì tiếc lắm Phật ơi.

Tôi lại ngẫm từ mình ra và nghĩ thầm rằng muốn dạy người khác, tự mình phải kiểm soát được mình, tự mình phải có những kết quả của pháp hành nhất định. Có kiểm soát được chính mình thì mới có thể giúp được người khác. Nếu không ta lại đi gánh việc của người khác mất. Nghe pháp, đọc kinh là rất quan trọng nhưng việc thực hành những điều đã học hỏi mới là đích chính của những người con Phật chúng ta.

Tôi luôn tự đặt câu hỏi: Mình đã tìm thấy những lời dạy dỗ này trong chính mình chưa? Mình đã thưc hành đúng những lời dạy của Phật chưa? Mình đã có kết quả gì rồi? Mình đang đi đúng đường chưa? Ai giúp mình và cùng mình tu tập?

Chùa là nơi có các quý thầy sống và tu tập. Chùa là nơi tứ chúng cùng bên nhau tu tập để chuyển hóa thân và tâm. Chùa không phải là bảo tàng hay nơi thực hành các nghi lễ mê tín. Chùa là nơi tâm của chúng ta được huấn luyện. Rồi về nhà mình tiếp tục luyện tâm mỗi ngày.

Chùa quan trọng nhưng tăng tài mới là quan trọng nhất. Nếu có sự đầu tư cho tăng và ni, nếu có thật nhiều quý thầy và quý sư cô chú tâm vào pháp hành để có chứng ngộ, để tu tập có kết quả thì nhất định Phật giáo Việt Nam của chúng ta sẽ lại hưng thịnh. Tôi nhớ về tổ Khương Tăng Hội và các tổ ngày xưa của nước Nam quá đi thôi.

Tự nhiên tôi nhớ đến câu chuyện của Đức Phật. Ngài nói rằng”

"...sống giữa những kẻ chất chứa đầy hận thù nhưng vẫn không đánh mất từ tâm, sống giữa những kẻ hung hăng hiếu chiến nhưng vẫn giữ được tâm ôn hòa bình thản, sống giữa những kẻ bị danh vọng vật chất cuốn đi nhưng vẫn an nhiên vô nhiễm. Ta gọi kẻ đó là một Brahmana, kẻ có trái tim tinh khiết như giọt nước đầu nguồn."

Tôi mong sao có nhiều ngôi chùa của thế kỷ XXI này vẫn giữ đúng vai trò và nhiệm vụ của ngôi chùa. Tôi rất rất muốn được đọc, được thăm những ngôi chùa đang sống chứ không phải những bảo tàng hay những khu du lịch.

Nếu bạn biết những ngôi chùa đang là chùa, hãy chia sẻ để thật nhiều người được biết đến. Tôi thật sự muốn những ngôi chùa vô nhiễm, nhưng ngôi chùa – giọt nước đầu nguồn. Nhưng những ngôi chùa ấy đang ở đâu… ở đâu….

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.76.183 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...