Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Học Phật Trong Mùa Đại Dịch »» Học Hiểu và Hành Kinh Phổ Môn »»

Học Phật Trong Mùa Đại Dịch
»» Học Hiểu và Hành Kinh Phổ Môn

Donate

(Lượt xem: 4.524)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Học Hiểu và Hành Kinh Phổ Môn

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Như đã trình bày ban đầu, chương trình Học Phật Trong Mùa Đại Dịch là phần ôn lại một loạt kinh được tụng và giảng vào lúc Dịch Covid 19 bùng phát và lan tràn khắp thế giới, tức vào đầu tháng Hai năm 2020, do chùa chiền bị đóng cửa hoặc hạn chế sinh hoạt nên Đạo Tràng của chúng ta đành phải sinh hoạt qua mạng internet, với lập trình Zoom. Cho đến sau Hè 2022 chúng ta mới trở lại sinh hoạt bình thường ở chùa. Để mở đầu cho chương trình ôn tập này, chúng ta đã học xong bài Kinh Châu Báu, tiếp đến là bài Kinh Phổ Môn mà Nhật Duyệt hân hạnh xin trình bày lại cùng các bạn đồng tu trong Đạo Tràng An Lạc, chùa Trúc Lâm Paris, cũng như toàn thể các độc giả bốn phương.

1. Kinh Phổ Môn - Xuất Xứ

Chúng ta thường quá quen với ba từ Kinh Phổ Môn nhưng thật ra chỉ là một Phẩm, phẩm thứ 25 trong cuốn Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, gồm 28 phẩm, gọi tắt là Kinh Pháp Hoa. Vậy muốn Học, Hiểu và Hành Phẩm Phổ Môn này thì chúng ta cũng cần phải Học, Hiểu và Hành Kinh Pháp Hoa, cho dù chỉ nêu ra những điểm chính yếu mà thôi.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tiếng Phạn là Saddharma Puṇḍarīka Sūtra, theo kinh tạng của Bắc Truyền, đã được Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng trên đỉnh núi Linh Thứu trước khi ngài nhập Niết Bàn. Đại sư Trí Giả hay Trí Khải (538-597) đã dựa theo kinh Pháp Hoa, sáng lập tông Thiên Thai, một tông phái Phật giáo lớn ở Trung Quốc, mà chúng ta có sự phân chia thành Ngũ Thời Giáo như sau : Hoa Nghiêm, A-hàm, Phương Quảng, Bát Nhã, Pháp Hoa - Niết Bàn.

Kinh điển của Bắc Truyền, được dịch từ tiếng Phạn, Sanskrit, hoàn toàn khác với Ngũ Bộ Kinh của Phật Giáo Nam Truyền, kinh tạng bằng tiếng Pali, được gọi là Nikaya, gồm có :

1. Trường Bộ kinh

2. Trung Bộ kinh

3. Tương Ưng Bộ Kinh

4. Tăng chi Bộ kinh.

5. Tiểu Bộ kinh

Tương đương với tạng Nikaya, chúng ta có thêm bộ A Hàm (Agama), Hán tạng, gồm Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Tạp A Hàm.

Ôn lại về sự xuất hiện kinh điển Phật Giáo thì chúng ta biết là những lời dạy của Đức Phật chỉ được truyền miệng. Ba tháng sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, các vị đại đệ tử, đứng đầu là ngài Ca Diếp (Kasyapa) đã kết hợp với năm trăm vị A La Hán để trùng tuyên lại những lời dạy của Đức Phật. Chính nhờ tôn giả Anan (Ananda) là người có trí nhớ xuất phàm được mệnh danh là Đa Văn bậc nhất, lập lại lời Phật mà chính tôn giả đã nghe và với sự chấp thuận của các vị A La Hán khác trong buổi trùng tuyên này, lời Kinh hay Giới Luật, được phê chuẩn đúng lời Phật dạy mới được công nhận. Đây là cuộc Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần thứ nhất, hơn một trăm năm sau thì lại có cuộc Kết Tập lần thứ nhì và tuần tự như thế, trải dài qua nhiều thế kỷ cho đến Sáu lần Kết Tập, kết thúc vào năm 1956, Phật Lịch 2500, tại thủ đô Rangoon, Miến Điện.

Những lời Phật dạy từ khẩu truyền cho tới khi được ghi chép, viết lại cũng phải trải qua nhiều thế kỷ, có tài liệu ghi là khoảng vào thời vua Asoka tức là vào Đại Hội Kết Tập lần thứ Ba. Các trụ đá mà vua Asoka cho dựng lên và khắc ghi lời Phật dạy là một di tích lịch sử. Song cũng có tài liệu ghi là sau cuộc Kết Tập lần thứ Tư, kinh điển mới được ghi chép trên lá bối tại Tích Lan. Như vậy có thể xem trong khoảng từ 300 năm cho đến 500 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn thì lời Phật dạy mới được ghi chép thành kinh điển và lưu trữ dưới ba tạng Kinh, Luật và Luận. Các tạng Kinh, Luật và Chú Giải sớm nhất được ghi chép lại bằng tiếng Pali, từ lần Kết Tập thứ III trở đi và Phật Giáo từ Ấn Độ được truyền sang phía Nam, vào các nước như Tích Lan, Miến Điện, Cao Miên, Lào, Thái Lan chịu ảnh hưởng Phật Giáo của hệ thống kinh tạng này. Từ đó chúng ta có tên gọi Phật Giáo Nam Truyền hay Phật Giáo Nguyên Thủy. Phải chờ vào khoảng đầu thế kỷ Thứ II Tây Lịch mới xuất hiện các kinh tạng dịch từ tiếng Phạn hay Sanskrit, từ miền Bắc Ấn Độ, không được trùng tụng và ghi chép qua các cuộc Kết Tập của hệ thống kinh điển tiếng Pali và được truyền qua các nước Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản, Viết Nam, Đại Hàn...Từ đây chúng ta có hệ thống kinh điển Bắc Truyền.

Tham khảo thêm: https://thuvienhoasen.org/a21469/7-lich-su-ket-tap-kinh-dien-va-truyen-giao-ty-kheo-thien-minh

Như vậy để hiểu vì sao chúng ta không tìm thấy Kinh Pháp Hoa trong tạng Nikaya hay A Hàm, do Kinh Pháp Hoa thuộc tạng Bắc Truyền, được ghi chép bằng tiếng Sankrit và được người Trung Quốc thỉnh từ Ấn Độ và dịch sang Hán văn, vào khoảng thế kỷ thứ III Tây Lịch. Có nhiều bản dịch, song bản của chúng ta thường dùng là của Ngài Cưu Ma La Thập, do cố Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch sang tiếng Việt.

Chúng ta đã hiểu về sự phân chia Phật Giáo Nam Truyền còn được gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy, tuy có quan điểm cho rằng không thực sự là Nguyên Thủy vì từ khẩu truyền cho đến khi lời Phật được ghi chép đã trải qua nhiều thế kỷ thì cũng khó lòng giữ được tánh chất nguyên sơ, sơ khai ban đầu từ kim khẩu Phật thốt ra. Lần Kết Tập thứ nhất là sau ba tháng khi Đức Phật nhập diệt, lúc ấy còn có những vị đại đệ tử như Ca Diếp, Anan, Ưu Bà Li…Nhưng qua đến lần Kết Tập thứ Hai, khoảng một trăm năm sau thì đâu còn những vị đại đệ tử này nữa. Do đó tính chất thật nguyên sơ, sơ khởi thời Phật còn tại thế khó lòng trọn vẹn. Vậy, cũng nên hiểu Phật Giáo Nguyên Thủy ám chỉ giai đoạn từ khi Đức Phật Chuyển Pháp Luân cho đến khi có cuộc Kết Tập lần thứ Nhất, thời kỳ Phật Giáo chưa chia thành Bộ Phái.

Phật Giáo Bắc Truyền còn được gọi là Phật Giáo Phát Triển, tuy căn bản vẫn là Giáo Lý mà Đức Phật Thích Ca đã giảng dạy nhưng với thời gian, Phật Giáo được truyền bá khắp nơi, lan rộng trong nước cũng như ngoài nước Ấn Độ, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều triều đại vua chúa, thể chế chính trị, hoàn cảnh xã hội đổi khác từ vùng, từ miền, từ các quốc độ, từ nhiều tầng lớp giai cấp, tùy phong tục, tập quán mỗi nơi mỗi khác, ngôn ngữ cũng khác biệt, cách diễn đạt cũng phải khác biệt, chắc chắn để tồn tại, Giáo Lý Nguyên Thủy ban đầu cũng phải được trình bày một cách uyển chuyển, linh hoạt, cần thích nghi với môi trường sống của người dân bản địa, tôn trọng những tập tục, thói quen của họ, còn mang nặng bản sắc dân tộc, thành kiến giai cấp hay cúng kiến, thờ bái thần linh, đối mặt với ngoại đạo, muốn truyền Giáo Pháp Phật cần phải dùng nhiều phương tiện để gieo duyên, dẫn dắt, giáo hóa, như vậy mới giúp cho sự tiếp thu được dễ dàng, và tất nhiên sẽ phong phú hơn. Tinh thần này được tìm thấy trong Mười Hạnh Nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát, Hạnh Nguyện thứ Chín là Hằng Thuận Chúng Sinh. Phật Giáo tuy phát triển nhưng không hề xa rời những lời Phật dạy, vẫn mạch lạc, liên hệ chặt chẽ với Giáo Lý Nguyên Thủy.

Tuy vậy, có sự mâu thuẫn về Giới luật đã xảy ra trong Tăng đoàn sau khi Đức Phật diệt độ khoảng một trăm năm, vào kỳ Kết Tập kinh điển lần thứ II. Và cũng từ Đại Hội Kết Tập này mà chính thức có sự phân chia thành hai bộ phái : Trưởng Lão Bộ và Đại Chúng Bộ.

Trưởng Lão Bộ nghiêng về tinh thần bảo thủ, không thay đổi, thêm bớt một Giới luật nào đã được Đức Phật nói ra. Cho dù vào kỳ Kết Tập lần thứ Nhất, Tôn giả Anan có nhắc lại lời Phật trước khi nhập Niết Bàn là có thể bỏ bớt một số giới nhỏ, không cần thiết, hãy đọc lại một đoạn trong tài liệu của Tỳ Kheo Thiện Minh :

Sau cuộc kết tập, Đại Đức Ananda có bạch với Chư Thánh Tăng rằng lúc Như Lai sắp sửa viên tịch, Ngài có dạy: "Khi ta viên tịch các vị có thể bỏ bớt những giới học nào không quan trọng". Ngài Mahakassapa hỏi Đại Đức Ananda học giới nào là không quan trọng, ngài Ananda trả lời vì lúc Đạo sư Niết-bàn, Đại Đức quá bận rộn nên không hỏi điều đó. Ngài Mahakassapa với tư cách là chủ tọa liền tụng tuyên trước Chư Thánh Tăng như vầy: "Kính bạch Chư Tăng, vấn đề giới luật rất quan trọng, nó liên quan đến đời sống của sa môn, nhưng Thế Tôn trước khi viên tịch không nói rõ điều nào không quan trọng. Vì vậy cho nên kính xin Chư Thánh hiền Tăng từ nay về sau Chư vị đừng thêm mà cũng đừng bớt học giới nào mà Thế Tôn đã chế định, cứ vậy mà thực hành".

Trưởng Lão Bộ (Theravada), với tinh thần bảo thủ, chú trọng vào sự tu tập ở tu viện, nghiêm trì giới luật, trụ ở miền Nam, Đại Chúng Bộ (Mahasamghika) phát triển phía Bắc Ấn Độ, tiếp cận, hòa đồng với dân gian, trực tiếp truyền bá Giáo Pháp và cũng thực hiện các cuộc Kết Tập kinh điển riêng. Với thời gian, Trưởng Lão Bộ cũng như Đại Chúng Bộ đều lại phân phái ra thành nhiều nhánh do sự khác biệt về quan điểm, quan kiến. Cũng là một lời Phật nói ra nhưng sự hiểu biết, nhận biết, tiếp thu và diển đạt cũng như sự truyền bá của người này không thể nào giống người kia vậy.

Chúng ta lại nghe đến các danh xưng như Tiểu Thừa, Đại Thừa. Vậy cũng nên hiểu rõ nghĩa và xuất xứ của các danh xưng đó.

Nhắc lại Trưởng Lão Bộ và Đại Chúng Bộ được phân chia từ cuộc kết Tập lần thứ Hai, được xếp vào thời kỳ Phật Giáo Bộ Phái. Các danh xưng Tiểu Thừa và Đại Thừa chưa xuất hiện nên không thể gán cho Trưởng Lão Bộ là Tiểu Thừa và Đại Chúng Bộ là Đại Thừa. Có sự nhầm lẫn cũng dễ hiểu vì Tăng chúng phía Trưởng Lão Bộ không đông bằng phía Đại Chúng Bộ, và do nghĩa của Tiểu Thừa là cỗ xe nhỏ, chở ít người, đại Thừa là cỗ xe lớn, chở được nhiều người thì cũng dễ dàng kết luận Trưởng Lão bộ hay Thượng Tọa Bộ là Tiểu Thừa và Đại Chúng Bộ là Đại Thừa vậy. Cách lý luận này không đúng. Tuy rằng không thể phủ nhận khi tư tưởng Đại Thừa thực sự được biết đến vào nhiều thế kỷ sau khi Phật diệt độ, đã xuất hiện từ các khu vực mà Đại Chúng Bộ đã phát triển, do vậy cũng có thể suy đoán tư tưởng Đại Thừa đã manh nha từ Đại Chúng Bộ và vội kết luận Đại Chúng Bộ là tiền thân của Đại Thừa.

Các danh xưng Tiểu Thừa, Đại Thừa và cả Tam Thừa, Nhất Thừa đều không tìm thấy trong tạng kinh Nikaya, mà tìm thấy trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tạng Sanskrit, xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ II Tây Lịch, được dịch sang Hán văn vào thế kỷ thứ III Tây Lịch. Tuy nhiên Kinh Pháp Hoa không phải là kinh xuất hiện sớm nhất trong các kinh mang tư tưởng Đại Thừa. Trước Pháp Hoa đã có kinh Bát Nhã, Bảo Tích, Hoa Nghiêm, Duy Ma Cật, Đại Trí Độ Luận của ngài Long Thọ…

Ngoài ý nghĩa là cỗ xe nhỏ chở ít người, Tiểu Thừa còn được hiểu là cỗ xe chở những ai tu hành chỉ cốt lo cho chính bản thân mình hay Tự Độ là chính, mục đích là được Giác Ngộ, Giải Thoát, đạt Niết Bàn, thoát ly sanh tử luân hồi. Ngược lại, tinh thần của Đại Thừa là Tự Độ và Độ Tha, tu hành cho mình cũng là tu cho người khác, mình hướng đến Giác Ngộ, Giải Thoát thì cũng tìm mọi cách, mọi phương tiện, tạo nhân duyên, chỉ dẫn, dìu dắt, từ thấp đến cao, từ người ít học, đến người trí cao học rộng, không trừ ai, giáo hóa mọi người cùng Giác Ngộ, Giải Thoát như mình. Đôi khi cũng còn phải hi sinh cả tánh mạng cũng không màng. Tinh thần này được thể hiện qua Bồ Tát Đạo hay Bồ Tát Hạnh. Tuy Bồ Tát vẫn còn trên con đường tu tập nhưng việc độ tha vẫn song hành, không phải chờ giác ngộ, đạt đạo quả rồi mới giúp người khác, Bồ Tát cũng không giới hạn phải là bậc xuất gia, tại gia, cư sĩ đều có thể trở thành Bồ Tát. Bồ Tát không lấy sự giải thoát của mình là hàng đầu, chừng nào còn chúng sinh trầm luân khổ đau là Bồ Tát phát nguyện đồng hành để cứu vớt.

Tuy nhiên tư tưởng Đại Thừa không chỉ giới hạn nơi sự tu hành của Bồ Tát mà còn được hiểu qua các khái niệm như Tánh Không, Chân Không Diệu Hữu, Nhứt Thiết Duy Tâm Tạo, Niết Bàn Vô Trụ, Sinh Tử tức Niết Bàn, Phiền Não tức Bồ Đề, Tam Thân của Phật và các cảnh giới Tịnh Độ. Và theo Kinh Pháp Hoa thì khái niệm nổi bậc là Phật Tánh cần được liễu ngộ. Tiếp thu tư tưởng Đại Thừa đòi hỏi một lòng tin vững chắc, Tín Tâm kiên cố, mạnh mẽ vì không dễ dàng tiếp thu nếu chỉ dùng cái trí hạn hẹp và tâm lượng chấp trước của phàm phu. Có những điều gọi là Bất Khả Tư Nghì vì ngôn ngữ không thể nào diển tả hết được cũng như con mắt trần không thể nhìn thấy. Nếu đòi hỏi một sự chứng minh cụ thể thì cũng khó lòng, có thể nói là bất khả thi. Cũng như nói Niết Bàn, Phật Tánh thì ai tu nấy chứng, làm sao…cầm Niết bàn hay Phật Tánh trong tay đưa ra cho mọi người thấy hoặc lấy ngón tay chỉ chỗ này là Niết Bàn, chỗ kia là Phật Tánh được ?!

Chúng ta cần nắm rõ tư tưởng Đại Thừa để hiểu Kinh Pháp Hoa vì kinh này thuộc hệ thống kinh điển Đại Thừa.

Tham Khảo thêm https://thuvienhoasen.org/a1460/gioi-thieu-kinh-phap-hoa

Kinh là lời Phật dạy, và cũng có thể hiểu là quyển sách ghi chép lại lời Phật dạy, là quyển Kinh, cuốn Kinh, bài Kinh, bản Kinh được nói gọn là Kinh.

Diệu là mầu nhiệm, huyền diệu, vi diệu, thù diệu, thù thắng, và cũng hàm chứa cái ý vượt ra khỏi tầm hiểu biết, siêu việt, khó nghĩ, khó lường, khó cắt nghĩa, diển tả cho chính xác với ngôn từ, với hình ảnh, cho dù cụ thể hay trừu tượng, với cái trí giới hạn của phàm nhân vẫn không thể nào diển tả rốt ráo được. Diệu cũng đồng nghĩa với Bất Khả Tư Nghì.

Pháp là Giáo Pháp, Giáo Lý mà Phật đã nói ra, cũng có thể hiểu là phương pháp hay pháp môn tu tập mà Phật dạy. Pháp trong kinh Pháp Hoa đồng nghĩa với Chân lý vi diệu, thù thắng. Chân Lý đó là Tri Kiến Phật, là Phật Trí, cái Thấy, sự Hiểu thông suốt thật tướng của các pháp, đúng như thật, không thêm bớt, không sai lệch, không bị ngăn ngại, che mờ bởi vô minh, phiền não, nghiệp chướng, và hạn hẹp như cái thấy Nhị Nguyên của phàm phu, mang nặng Kiến chấp, Ngã chấp và Tà Kiến. Chư Phật đã chứng đắc Chân Lý vì không chỉ có cái nhận biết, hiểu biết qua tri thức mà còn có sự chứng ngộ, vượt ngoài tri thức, và Chân Lý này bất kỳ ai cũng có thể chứng, có thể đạt tới bằng sự tự nổ lực, tinh tấn tu tập đúng như Chánh Pháp. Chân Lý đó không hề mất, vẫn hiển hiện nhưng chúng sanh chưa nhận ra mà thôi. Chân Lý đó là Phật Tánh. Mỗi chúng sanh đều có Phật Tánh. Đồng nghĩa mỗi chúng sanh đều có thể trở thành một vị Phật cũng như đã là một vị Phật vì mang sẳn Phật Tánh trong mình.

Liên Hoa là hoa sen, biểu tượng cho cái gì thanh khiết, từ nơi đất bùn, ao đầm lầy lội mà sen vẫn mọc lên thật đẹp, tỏa hương thơm ngát, không chút bợn nhơ. Hoa có tàn, lá có héo, có rụng mà gương sen dường như vẫn còn đầy đặn, dường như không tàn không úa. Hình ảnh Hoa Sen nói lên cái Chân Lý mà Phật muốn truyền dạy, có hoa sen là có gương sen giống như có cái thân ô uế này là có cái bản tánh thanh tịnh, gọi là Phật Tánh. Chân Lý này nó không ở đâu xa, sẳn có nơi mỗi hữu tình, cho dù vẫn còn ở nơi cõi Ta Bà, Ngũ Trược Ác Thế, cho dù vẫn còn mang cái thân Ngũ Uẩn, cho dù cái thân Ngũ Uẩn có bị hoại diệt, như lá sen rơi rụng mà gương sen vẫn còn, thì cái bản tánh thanh tịnh, Phật Tánh ấy vẫn mãi thường còn.

Đề Kinh đã nói lên đại ý của Kinh rồi : chúng sanh hãy nhận ra bản tánh thanh tịnh này, Phật Tánh có sẳn nơi mình, đừng quên, đừng tìm tòi đâu xa hay kỳ vọng vào một cảnh giới nào đó.

Quyển Kinh gồm 28 Phẩm cũng chỉ muốn nói lên điều này, thức tỉnh chúng sinh, giúp chúng sinh phát khởi tín tâm với tinh thần lạc quan, sống trong cảnh ô trược mà thực ra là không ô trược, sống trong cảnh khổ nhưng thực ra là không khổ. Vì nơi chúng sanh có sẳn bản tánh không ô trược, không đau khổ. Vậy hãy nhận ra, đừng khước từ, đừng chối bỏ nó ! Để Khai Thị Ngộ Nhập cho chúng sinh cái Tri Kiến của Phật, tức là cái Thấy, sự Hiểu đúng Chân Lý hay Thật Tướng của các Pháp và cũng chỉ vì một mục đích này, nhơn duyên lớn này mà chư Phật ra đời.

Nơi bản kinh Pháp Hoa, Đức Phật và các vị đại đệ tử, các Bồ Tát, đều nói lên những Phương Tiện và Thí Dụ qua đó mà Phật Tri Kiến được chỉ bày, được nhận ra, được hiểu rõ và rồi chứng nhập vào Tri Kiến đó.

Phương tiện là nói Tam Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát) nhưng thực ra cũng chỉ nói Nhất Thừa hay Phật Thừa. Giáo lý mà Đức Phật Thích Ca đã truyền dạy từ ban sơ mới ngộ đạo là Tứ Thánh Đế, Vô Ngã, Vô Thường, Duyên Khởi Pháp, Niết Bàn… tất cả đều thiết yếu, là sự thật, không mảy mai sai trái, là nền tảng theo đó tu tập nhưng chưa thể ngừng ở đó, qua Kinh Pháp Hoa, Đức Phật thuyết Nhất Thừa để mọi người cùng vươn lên đỉnh cao là thành Phật. Tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh. Tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật. Tất nhiên phần tu tập từ các pháp căn bản nêu trên cho Thanh Văn, Duyên Giác, cùng với các Pháp Ba La Mật của Bồ Tát đều cần thiết chứ không phải là không cần tu, vô bổ, vô ích. Nếu chỉ lý luận tôi có Phật Tánh sẳn rồi, tôi là Phật sẽ thành, tôi chẳng cần tu hành gì nữa cả thì không đúng. Một khi mà vẫn còn ích kỷ, ngã mạn, ngã chấp, tham sân si, phiền não đủ thứ thì Phật Tánh cũng không thể nào hiển lộ. Không thể nào vỗ ngực tự xưng với mọi người tôi là Phật được !

Nhiều Thí Dụ như gã say, được bạn cột trong chéo áo một viên ngọc quí mà không biết, cứ lây lất cùng khổ, cho đến khi người bạn chỉ cho biết mới lấy viên ngọc đem đổi chác, nhờ vậy mà hết thiếu thốn. Thí dụ về một cùng tử khác, gã này có cha là trưởng giả giàu có nhưng lại bỏ cha đi lang thang vất vả kiếm sống, về sau được người cha giàu có dùng mưu chước đem về lại, giúp công ăn việc làm và cho hưởng gia tài đồ sộ. Thí dụ về một Hóa Thành được dựng lên để làm chỗ nghỉ chân cho đoàn người đi tìm trân bảo, vì đường xa hiểm trở, nên thối chí, nhờ được tạm dừng chân nơi Hóa Thành rồi thì sẽ được khuyến khích đi tiếp cho đến nơi có trân bảo. Dược Thảo Dụ đưa ra một trận mưa lớn đổ xuống, cây lớn, cây nhỏ đều thấm ướt như nhau. Thí dụ vị trưởng giả cứu các người con ra khỏi nhà lửa, bằng cách dụ dỗ, hứa cho các thứ xe dê, xe hươu, xe trâu để ngoài cửa và khi các con đã ra khỏi nhà lửa, chỗ hiểm nguy rồi thì lại cho đồng một thứ xe lớn hơn, quí báu hơn các loại xe như đã hứa.

Dùng nhiều phương tiện, thí dụ như vậy vì căn tánh, trình độ, cao thấp, chậm lẹ, mức hiểu biết, khả năng thâm nhập giáo lý, giáo pháp, lời dạy của Phật thì không ai giống ai, cũng như trong thiên nhiên, có cây lớn, cây nhỏ và tùy theo hoàn cảnh, các điều kiện chung quanh, đất đai, chỗ mọc lên, có bị che khuất hay không, mà trận mưa dội xuống thì thấm ướt nhiều ít như thế nào, không thể đồng đều được vậy.

Các thí dụ về gã say, gã cùng tử, trưởng giả cứu các con trong nhà lửa, Phật dựng hóa thành cũng chỉ muốn nói lên còn cái gì giá trị hơn, vượt bực hơn, đáng vươn tới, đáng đạt cho được mà chúng sanh không ngờ tới, không nghĩ ra, cũng không mong đợi và tìm cầu nên chư Phật phải gióng lên tiếng nói, cho lời khuyến dụ, khai mở, chỉ cho thấy và giúp cho đạt được cái giá trị cao quí hơn những gì đã có. Đó là bản tánh thanh tịnh sẳn có nơi chúng sanh, gọi đó là Phật Tánh và tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, như chư Phật không khác.

Phẩm thứ 20, Thường Bất Khinh Bồ Tát chẳng chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ làm một chuyện là chắp tay vái Tứ Chúng và khen ngợi : « Tôi chẳng dám khinh quí ngài, quí ngài sẽ thành Phật. » Tứ Chúng là Tỷ Kheo, Tỷ Kheo Ni, Cận sự nam, Cận sự nữ là những vị đều đang tu tập theo Tứ Thánh Đế, theo Thập Nhị Nhân Duyên, theo con đường Bát Chánh có đầy đủ Giới Định Tuệ để hướng tới Niết Bàn, trình độ tuy khác nhau song dưới mắt Bồ Tát Thường Bất Khinh thì không có chút ngăn ngại, sự tu tập ấy không phải đáng xem thường, các vị ấy đều là những vị Phật sẽ thành, chỉ là chưa nhận ra điều này thôi. Sự tu tập của các vị này đều đáng kính nể, là những đọan đường cần phải có để tiến tới một nấc thang cao hơn nữa.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi thế nào là một vị Phật, Phật Tánh là tánh ra làm sao và tu theo pháp môn gì để thành Phật ?

Qua phần Phật Bảo nơi bài học về Kinh Châu Báu chúng ta đã học định nghĩa chữ Phật là tỉnh thức, giác ngộ. Đức Phật là bậc đã giác ngộ ra Chân Lý và tuyên nói Chân Lý đó cho chúng sanh được hiểu cùng với sự chỉ dạy con đường tu tập để đi đến Giác Ngộ Giải Thoát, chứng nhập Niết Bàn tịch diệt. Chân Lý đó là gì ? Là Duyên Sinh Vô Ngã. Một thực tại vắng bặt cái Tôi độc lập và thường hằng bất diệt mà chỉ do nhân duyên sanh, nhân duyên diệt. Niết Bàn thì vắng lặng, không có Ngã, không đeo níu, bám víu, chạy theo tiếng gọi của Ngã, để rơi vào cạm bẫy của Chấp Thủ, Hữu Ngã, và Ngã Kiến. Đạt Niết bàn thì cũng đạt được cái gọi là Vô Sanh. Không lấy cái Sắc thân Ngũ Uẩn làm Ta nữa, cũng không bám vào một chút Danh vi tế của tâm thức, thì sẽ không còn bị tái sanh luân hồi nữa. Con đường tu tập được dạy rõ nơi Đạo Đế hay Bát Chánh Đạo và cũng là Giới Định Tuệ.

Bậc Giác Ngộ còn được xưng là Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Samyaksambodhi., cao quí hơn các vị Độc Giác hay A La Hán và có Mười hiệu Mười Lực, Bốn Vô Sở Uý, Bốn Vô Ngại Trí, Mười Tám Pháp Bất Cộng, Đại Từ - Đại Bi…

Xin tham khảo ở đây https://quangduc.com/a74345/hoc-hieu-va-hanh-kinh-chau-bau-tiep-theo-2-

Vậy để được gọi là một vị Phật thì phải có đủ các phẩm chất cao quí bậc nhất, về cả hai phương diện Đức hạnh và Trí tuệ cùng với Tâm Từ Đại Bi. Nói về Lục Thông thì một vị Phật đều có đủ, song một vị A La Hán cũng có được Lục Thông nên thần thông không phải là điều quan trọng nhất, cao quí nhất để đánh giá đó là một vị Phật.

Bài học tiếp qua phần tìm hiểu kinh Pháp Hoa này thì chúng ta có thêm định nghĩa về một vị Phật qua tư tưởng Đại Thừa, nghĩa là Đức Phật hay Như Lai phải được hiểu thêm qua Tam Thân : Hóa Thân, Báo Thân và Pháp Thân. Vì đã chứng Pháp Thân thì Đức Phật Thích Ca không phải chỉ mới ra đời nơi cõi Ta Bà này, con Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Maya, đây chỉ là một Báo Thân hay Ứng Thân mà thôi. Và do có Pháp Thân thường trụ thì đức Phật cũng không sanh không diệt, có thọ mạng vô lượng và cũng nhờ có Pháp Thân mà có Hóa Thân, Ngài có thể thị hiện trong cùng một lúc ở nhiều thế giới trong vũ trụ.

Sau khi thành Phật, Đức Phật thị hiện ở cung trời Đâu Suất để thuyết pháp cho mẫu thân là Hoàng hậu Maya. Theo tài liệu trích trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp của tỳ kheo Narada Thera chúng ta đọc thấy : Vài ngày sau khi hạ sanh Thái tử Sĩ Đạt Ta ( Sidhatta ) thì Hoàng hậu Maya thăng hà và tái sanh vào cung trời Đâu Xuất Đà ( Tusita ). Trong Hạ thứ bảy, Đức Phật thuyết Vi Diệu Pháp ( Abhidhamma ) cho chư Thiên ở cung Trời Đao Lợi và vị trời trước kia là Hoàng hậu Maya từ Đâu Xuất đến Đao Lợi nghe Pháp. Mỗi ngày Đức Phật trở về quả địa cầu để tóm tắt bài Pháp cho ngài Xá Lợi Phất và ngài Xá Lợi Phất giảng rộng giáo lý ấy cho hàng đệ tử. Tạng Luận còn lưu truyền đến nay là bài Pháp đầy đủ chi tiết do Đại Đức Xá Lợi Phất truyền dạy.

https://theravada.vn/duc-the-ton-thuyet-giang-tang-vi-dieu-phap/

Và theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ thì Đức Phật đã thuyết cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà cho Hoàng hậu Vi Đề Hi lúc ấy đang đau khổ vì con trai là Thái Tử A Xà Thế đã bắt cầm tù vua cha mình cho đến chết, để chiếm đoạt ngôi vàng. Hãy cùng đọc trích đoạn từ tài liệu của Minh Đức Triều Tâm Ảnh :

Quán Vô Lượng Thọ kinh (觀無量壽經, Amitāyurdhyāna Sūtra) là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh độ tông. Kinh miêu tả thế giới phương Tây của Phật A-Di-Đà và dạy cách hành trì: sống thanh tịnh, giữ giới luật và niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà, hành giả thoát khỏi các nghiệp bất thiện và được tái sinh nơi Tịnh độ của A-Di-Đà.

Kinh này chỉ rõ quá trình phát sinh giáo pháp của Tịnh độ tông và thật ra đã được đức Phật lịch sử Thích-ca trình bày. Tương truyền rằng, hoàng hậu Vi-Đề-Hi, mẹ của vua A-Xà-Thế, bị con mình bắt hạ ngục cùng với chồng là vua Tần-Bà-Sa-La (sa., pi. bimbisāra). Bà nhất tâm cầu nguyện Phật và khi Phật hiện đến, bà xin tái sinh nơi một cõi yên lành hạnh phúc. Phật dùng thần lực cho bà thấy mọi thế giới tịnh độ, cuối cùng bà chọn cõi Cực lạc của A-Di-Đà. Phật dạy cho bà phép thiền định để được tái sinh nơi cõi đó. Phép thiền định này gồm 16 phép quán tưởng, và tùy theo nghiệp lực của chúng sinh, các phép này có thể giúp tái sinh vào một trong chín cấp bậc của Tịnh độ.

Chúng ta thấy rõ qua các tài liệu trên thì Đức Phật đã dùng thần thông, biến hóa lên trời Đao Lợi để thuyết pháp cho thân mẫu và hiện ra trước mặt bà Vi Đề Hi để giúp cho bà thấy cảnh giới Cực Lạc mà bớt khổ và phát nguyện tái sinh vào cõi đó.

Nhắc lại, khi Đức Phật thành đạo, ngài đã chứng đủ Tam Minh và Lục Thông thì việc biến hóa thân hình, hiện chỗ này, chỗ kia là có thật. Các vị A La Hán cũng đạt được Lục Thông và tôn giả Mục Kiền Liên được xem là Đệ Nhất Thần Thông.

Qua Kinh Pháp Hoa, nơi Phẩm thứ 16, Như Lai Thọ Lượng, chúng ta đọc thấy lời Phật dạy là Như Lai chẳng thực diệt độ mà thị hiện diệt độ để phương tiện giáo hóa chúng sinh, Ngài đã thành Phật trải qua vô lượng kiếp số không hể tính đếm. Nơi Phẩm thứ 21, Như Lai Thần Lực, nói đến sự việc Như Lai thể hiện vô lượng thần lực, và chúng ta đọc thấy Đức Phật và Phân Thân, chính là ám chỉ Hóa Thân Phật vậy.

Tiếp đến là định nghĩa hai chữ Phật Tánh. Chúng ta đã học qua bài Kinh Châu Báu định nghĩa chữ Phật, gốc Phạn ngữ là Budh, tỉnh thức, hiểu biết, giác ngộ. Không theo nghĩa thông thường của thế gian mà là giác ngộ Chân Lý, Thực Tướng của vạn pháp. Tánh là bản thể, bản chất, bản tánh. Vậy Phật Tánh là Bản Tánh của sự Giác Ngộ thực sự sáng suốt, thanh tịnh, không ô nhiễm phiền não tham sân si, chấp Ngã, Ngã Kiến và Tà kiến. Vì ngộ ra được Thực Tướng của vạn pháp là Vô Tướng, không tướng thì tất cả đều dung thông, vô ngại, không gì bất đồng, xung đột nhau, không bị sanh cũng không phải chịu diệt. Phật Tánh mang tính chất Vô Tướng này thì dù có hiện tướng cũng vẫn là Vô tướng. Vô Tướng mà vẫn có thể hiện tướng được. Các cụm từ như Bản Lai Diện Mục, Chân Như, Chân Tâm, Tự Tánh đều được dùng để chỉ Phật Tánh và theo Kinh Pháp Hoa thì đấy chính là Phật Tri Kiến.

Trả lời câu hỏi tiếp đến là tu hành như thế nào để thành Phật hay thể nhập vào Phật Tánh này ?

Y cứ theo Phẩm thứ 2, Phẩm Phương Tiện, qua các lời Kệ sau đây :

Nếu có loài chúng sinh
Gặp các Phật quá khứ
Hoặc nghe pháp Bố Thí
Hoặc Trì Giới, Nhẫn Nhục

Tinh Tấn, Thiền, Trí thảy
Các món tu Phước Huệ
Những người như thế đó
Đều đã thành Phật Đạo.

Như vậy chúng ta nhận ra các pháp tu Lục Độ của Bồ Tát là cửa ngõ để thể nhập vào Phật Tánh.

Nhưng không chỉ có chừng đó, vì Phật Tánh đã có sẳn nơi mỗi loài chúng sinh thì qua các hành động hướng thượng, có tín tâm thanh tịnh nơi Phật cũng thể nhập được vào Phật Tánh như các câu Kệ tiếp theo nói lên điều đó:

Nếu lòng người lành dịu…
Người cúng dàng Xá Lợi…
Chứa đất thành miếu Phật…
Nhóm cát thành tháp Phật…
Xây dựng, chạm trổ, vẽ hình tượng…
Ca ngâm khen Đức Phật…
Dâng hoa, lễ lạy, xưng tán…

Với câu kết :

Những người như thế đó
Đều đã thành Phật đạo.

….

Những hạng người như thế
Lần lần chứa công đức
Đầy đủ Tâm Đại Bi
Đều đã thành Phật Đạo.

Kinh dạy: « Đều đã thành Phật Đạo » bởi vì Phật Tánh đã có sẳn trong mỗi người rồi và nó chỉ hiển lộ khi có « cơ hội » cũng như một Nhân đã có rồi thì chỉ cần Duyên trợ giúp là hiện ra Quả. Người có lòng hiền thiện, cúng dàng xá lợi, xây miếu, tháp, tượng Phật, dù bằng đất, bằng cát, như trẻ con chơi giỡn, dâng hoa, lễ lạy hay chỉ cúi đầu…đều nói lên tấm lòng thành, lòng tin nơi một vị Phật, dù không phải là mình, ở ngoài mình nhưng vị Phật này không khác với vị Phật có sẳn nơi bản tánh, tự tánh của chính mình, nên nói đã thành Phật Đạo là vậy.

Tuy nhiên trở về với thế giới của hiện tượng, thuộc pháp Hữu Vi, thì có phân chia thời gian, trước, sau cũng như không gian thì có nơi này chỗ nọ, phần vật chất thì có Tứ đại, có Ngũ uẩn, có sanh có diệt, có lớn có nhỏ, có thấp đến cao, có sạch có dơ, có thêm có bớt... Và cho dù đã « Thành Phật Đạo » vẫn phải « lần lần chứa công đức, đầy đủ tâm Đại Bi » mới thực sự thành Phật Đạo tức là thể nhập vào Phật Tánh vậy.

Tiếp đến nơi phẩm thứ 10, Phẩm Pháp Sư, chúng ta đọc thấy Đức Phật dạy :

Nếu người nói kinh này
Nên vào nhà Như lai
Mặc y của Như Lai
Mà ngồi tòa Như Lai

Và được cắt rõ nghĩa hơn nữa qua các câu Kệ sau đây :

Ở trong chúng không sợ
Rộng vì người giải nói
Từ Bi lớn làm nhà
Y nhu hoà nhẫn nhục
Các pháp Không làm toà
Ở đó vì người nói.

Qua đó chúng ta nhận ra ba điều kiện cần có của người muốn nói Kinh Pháp Hoa là có lòng Từ Bi, sức Nhẫn Nhục và dựa vào pháp Không tức là dựa vào cái bản thể Vô Tướng không ngăn ngại, dung thông vạn sự, vạn pháp. Hội đủ ba yếu tố này thì mới xứng đáng mang danh hiệu Pháp Sư diễn nói Kinh Pháp Hoa. Ba yếu tố, ba điều kiện này dù là dạy cho vị Pháp Sư nhưng chắc chắn tất cả ai muốn tu tập để tiến đến cửa ngõ thể nhập Phật Tánh, không nhất thiết phải là vị Pháp Sư, đều cần mở lòng Từ Bi, chịu khó Nhẫn Nhục và quán chiếu tánh Không của vạn pháp.

Tương tợ như vậy, nơi Phẩm thứ 14, Phẩm An Lạc Hạnh, đức Phật dạy cho người nói Kinh Pháp Hoa tức là muốn diễn bày, truyền bá, giảng giải cho người khác được biết, thì phải an trụ nơi Bốn Pháp : Hành Xứ, Thân Cận Xứ, An Lạc Hạnh và Phát Đại Bi Tâm. Nói tóm lược là cần có những đức tính nhu hoà, nhẫn nhục nhưng mạnh mẽ, không lòng sợ sệt, không vin theo, chấp trước mà chỉ quán tưởng Pháp Không, không gần gũi thân cận những người có chức quyền cao trọng, hay ngọai đạo, chấp chặt tà kiến, những kẻ viết sách thế tục, ca ngâm, những kẻ ác, chém giết nhau, hại người hại vật, đồ tể, săn bắn…không thân cận những ai không cùng chí hướng, phát lòng Bồ Đề, tránh gần gũi những người hoặc những chỗ dễ tạo cơ hội gây dục nhiễm…Không nói lỗi của người hay của kinh điển, không có lòng oán hiềm, ganh ghét, chê bai, bình đẳng với mọi người, nói Pháp không phân biệt, không nói ít nói nhiều, không hí luận vô ích, chuyên tâm hướng dẫn người chưa có tín tâm được vào con đường thành Phật, đạt Nhất Thiết Chủng Trí và phát Đại Bi Tâm với đại nguyện khi chính mình thành Phật thì sẽ dùng sức thần thông, sức trí tuệ để dẫn dắt những người thiếu may mắn, chưa nhận ra Diệu Pháp.

Tuy là những điều dạy cho người muốn nói Kinh Pháp Hoa nhưng suy nghĩ rốt ráo thì dù chúng ta chỉ muốn tu tập cho mình, chưa có khả năng chỉ dạy cho ai cả nhưng không vì thế mà không thể nương theo Bốn Pháp đó mà tu hành.

Bồ Tát Thường Bất Khinh xem như không tu gì cả. Chỉ chắp tay. lễ lạy, mở miệng nói : « Tôi chẳng dám khinh mạn. Quí ngài đều sẽ thành Phật ». Nhưng thật ra là ngài đang tu hạnh Nhẫn Nhục, Tinh Tấn và cả Thiền Định vì phải có Định tâm, Định Lực mới chuyên tâm vào một câu nói, chỉ một câu, như một câu niệm Phật vậy, cho đến nhất tâm bất loạn, và với lòng tin thật vững chắc, không gì lay chuyển là nhờ có Đại Bi Tâm và khi bị người khác bực tức mắng nhiếc, đánh đập vẫn không sờn lòng trách móc thì thực sự phải có Hạnh Tinh Tấn và Nhẫn Nhục.

Đến phẩm thứ 25, Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn thì chúng ta thấy Tâm Đại Bi được thể hiện đến đỉnh cao. Hãy cùng đọc :

« Thiện nam tử ! nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ Tát này một lòng xưng danh, Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời xem xét tiếng tăm kia, khiến đều được giải thoát. »

Nhờ phát tâm đại bi rộng lớn như vậy, nhờ đã thể nhập vào Phật Tánh nên không có gì ngăn ngại việc hành đạo của Bồ Tát. Không những cứu chúng sinh khỏi tai ách khổ nạn, giúp cho điều mong cầu được toại nguyện, Bồ Tát còn ứng hiện nhiều thứ thân hình tùy theo đối tượng, theo sở cầu để phương tiện giáo hóa, nói Pháp cho được giải thoát hoàn toàn khổ đau :

Quán Âm sức trí diệu
Hay cứu khổ thế gian
Đầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện.

Các cõi nước mười phương
Không cõi nào không hiện
Trong đường dữ các loài
Địa ngục quỉ súc sinh
Khổ sanh già bệnh chết
Lần đều khiến dứt hết.

Khi Phật dạy về tâm lượng bao la, vị tha của Bồ Tát Quán Âm thì : « trong chúng có tám vạn bốn ngàn chúng sinh đều phát tâm vô đẳng đẳng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. »

Chắc hẳn chúng sinh đó đã xúc động mãnh liệt với cái tâm lượng bao la, vị tha của Bồ Tát mà rồi chúng sinh phát tâm để tự mình cũng thể nhập vào Phật Tánh như Bồ Tát. Bài học rút ra ở đây : muốn thể nhập Phật Tánh thì cũng cần có cái tâm lượng bao la, vị tha như Bồ Tát vậy.

Tiếp đến nơi Phẩm thứ 28, Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát thì chúng ta đọc thấy những lời dạy của Phật khi Bồ Tát Phổ Hiền đặt câu hỏi : « Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân sau khi Như Lai diệt độ, thế nào mà có thể được kinh Pháp Hoa ?»

Đức Phật dạy : « Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân thành tựu Bốn Pháp, thời sau khi Như Lai diệt độ sẽ được Kinh Pháp Hoa này : Một là được các đức Phật hộ niệm. Hai là trồng các công đức. Ba là vào trong Chánh Định. Bốn là phát lòng cứu tất cả chúng sinh. »

Chúng ta lại đặt câu hỏi « Được Kinh Pháp Hoa » nghĩa là gì ? Để trả lời câu hỏi này chúng ta cũng cần hiểu rõ như thế nào là được các Đức Phật hộ niệm, là trồng các công đức, là vào trong Chánh Định và phát lòng cứu tất cả chúng sinh ?

Các Đức Phật hộ niệm tức là được các Đức Phật hỗ trợ, giúp đỡ, nâng đỡ, che chở và luôn nhớ đến, nghĩ đến. Trồng các công đức là biết bỏ ác làm lành, biết tự mình tu tập, tạo phước thiện, giúp đỡ người nghèo khó, họan nạn, ốm đau, biết bố thí, biết cúng dường, chỉ bảo người tu hành, chỉ bày Giáo Pháp, hộ trì Tam Bảo cho được trường tồn, xây chùa, tháp, tự viện, phát hành, phổ biến kinh điển. Vào trong Chánh Định là không để tâm dao động với những gì không đáng, không bị lung lay bởi các pháp thế gian, liên kết chặt chẽ với Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn và Chánh Niệm. Phát lòng cứu độ chúng sinh là tu tập tâm Từ Bi với muôn loài, không phân biệt, oán thân bình đẳng, như lời Phật dạy trong Kinh Từ Bi :

Không bỏ sót một hữu tình nào
Kẻ ốm yếu hay người khoẻ mạnh
Giống lớn to hoặc loại dài cao
Thân trung bình hoặc ngắn nhỏ thô
Có hình tướng hay không hình tướng
Ở gần ta hoặc ở xa ta
Đã sanh rồi hoặc sắp sinh ra
Cầu cho tất cả đều an lạc.

( Nghi Thức Lễ Phật chùa Trúc Lâm Paris. Kinh Từ Bi, Tiểu bộ Kinh, Bản dịch HT Thích Thiện Châu )

Biết rõ mỗi chúng hữu tình còn trong vòng sinh tử luân hồi là còn khổ như nhau, chỉ một lòng muốn cứu vớt, đó là phát khởi Tâm Từ Bi.

Những ai được chư Phật hộ niệm và bản thân thì có công phu tu tập, trọn đủ Giới Định Tuệ, vun bồi thiện nghiệp, tạo công đức, đồng thời mở rộng Từ Tâm với tất cả chúng sinh thì « được Kinh Pháp Hoa » tức là đã hiểu, đã nắm vững lời Phật dạy, ý Phật muốn trao truyền, bản hoài của Phật vậy. Nắm rõ rồi thì có thể bước tiếp theo là tu hành đúng lời Phật dạy trong Kinh Pháp Hoa và chỉ bày lại cho chung quanh với sự trợ lực, hộ niệm của chư Phật.

Đến đây chúng ta có thể tóm lược phần Học, Hiểu và Hành Kinh Pháp Hoa qua mấy điều sau đây :

1. Tất cả chúng sinh đều có sẳn Phật Tánh nên đều có thể thành Phật.

2. Phật Tánh này có sẳn thì không làm gì nó vẫn hiện hữu, song vẫn phải có sự tu hành, thanh tịnh tâm ý, vun bồi công đức, thực hành thiện nghiệp, phát triển tâm Đại Từ Đại Bi thương xót, cứu vớt mọi loài chúng sinh, đầy đủ Giới đức, có Chánh Định, có Trí Tuệ, đoạn trừ Vô Minh, không Ngã Kiến, không Tà Kiến, không chấp trước bất cứ gì, ngay cả sự tu hành, chứng đắc của mình, luôn quán tưởng Tánh Không của vạn pháp (Nhất thiết pháp Không như thật tướng), và thể hiện tuyệt vời tinh thần Từ Bi Hỷ Xả, thì Phật Tánh này mới hiển lộ.

3. Nhận, biết có Phật Tánh rồi thì tiến đến giai đoạn hiểu và nhập vào Phật Tánh này. Sự thể nhập này đương nhiên viên mãn khi đã thành tựu các pháp tu vừa nói trên.

4. Nhập vào Phật Tánh thì cũng như chứng đắc được Pháp Thân. Pháp Thân thì có được vô lượng diệu dụng, vô lượng phương tiện, ứng hóa thị hiện, không gì ngăn ngại, viên dung Thánh, Phàm, Ta Bà uế trược, khổ đau hay Tịnh Độ, cực lạc, thanh tịnh.

5. Chúng ta đọc thấy Phật dạy nơi kinh Chuyển Pháp Luân : « Bất Động là tâm giải thoát của ta, đây là lần sanh cuối cùng, ta không tái sanh nữa » Đúng vậy, chúng ta không thấy Đức Phật Thích Ca sinh trở lại nhưng không vì thế mà Pháp Thân của Ngài không tiếp tục Ứng, Hóa, hiện khắp nơi và chan rải tâm Đại Từ Đại Bi cùng khắp mọi loài chúng sinh, Kinh Pháp Hoa dạy chỉ với một mục đích là giúp chúng sinh thấy, nhận ra, hiểu và nhập vào Phật Tánh để chân thật, rốt ráo giải thoát, thực sự an lạc, hạnh phúc.

6. Và nơi kinh Vô Ngã Tướng, khi nói về các vị Thanh Văn đã tu tập viên mãn, tức là thành A La Hán, nhập Niết Bàn, Vô Sanh Tịch Diệt : « Vị ấy biết rõ, tái sanh đã dứt, phạm hạnh đã thành, điều nên làm đã làm, không trở lại thế gian này nữa » Nhưng rồi các vị ấy cũng đều cầu Tuệ Phật, nhận ra Phật Tánh qua sự chỉ dạy của Đức Phật và nơi Kinh Pháp Hoa các vị này đều đã được thọ ký thành Phật. ( Phẩm thứ 3, Phẩm Thí Dụ, tôn giả Xá Lợi Phất đã được thọ ký thành Phật. Tiếp đó là các tôn giả Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề, Mục Kiền Liên được thọ ký, Phẩm thứ 6, Thọ Ký và Phẩm thứ 8, Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký. Phẩm thứ 9, Thụ Học Vô Học Nhân Ký )

7. Các vị đại đệ tử của Phật đã tu tập viên mãn đến cấp bậc A La Hán cũng như các vị chưa thành tựu viên mãn đều được Thọ Ký điều đó nói lên cho chúng ta con đường tu tập đều phải đi từng nấc thang, Giới Định Tuệ vẫn là bước căn bản để tiến tới con đường thành Phật nhưng không hề quên phát khởi Tâm Từ Bi Vô Lượng xót thương, cứu độ muôn loài để cùng thành Phật như mình không khác.

Sau khi Học, Hiểu và Hành Kinh Pháp Hoa như thế nào rồi, qua 7 điểm vừa trình bày bên trên, thì chúng ta mới có thể học tiếp về Phẩm Phổ Môn. Có điều cần lưu ý là chúng ta chỉ y theo lời kinh mà cố gắng diễn tả theo sự hiểu biết nông cạn của chúng ta. Bài này không đề cập đến khía cạnh biểu tượng của Kinh cũng như tìm hiểu ý nghĩa Kinh qua lăng kính của Thiền Tông.

Xin hẹn các đạo hữu, các độc giả kỳ sau với phần Nội Dung Phẩm Phổ Môn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nhật Duyệt LKTH






    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Dưới cội Bồ-đề


Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.244.34 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...