Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tạp bút Lưu An »» Những bát cơm phiếu mẫu »»

Tạp bút Lưu An
»» Những bát cơm phiếu mẫu

Donate

(Lượt xem: 3.112)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Những bát cơm phiếu mẫu

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Vài hàng khai lộ:

Trong thời gian đi dạy học, tôi rất thường tâm tình với sinh viên về văn chương thơ phú, đó là cái thú vui văn nghệ của tôi lúc nhàn rỗi. Một lần khi đề cập đến những khó khăn, nghèo hèn trong cuộc sống. Một sinh viên đã hỏi tôi: “Nghèo đói có phải là một tội không?“. Ngẫm nghĩ tí chút rồi tôi đọc vài câu trong bài “Hàn nho phong vị phú“ của Nguyễn công Trứ cho họ nghe:

Chém cha cái khó! Chém cha cái khó!
Khôn khéo mấy ai? Xấu xa một nó.
Lục cực bày hàng sáu, rành rành kinh huấn chẳng sai
Vạn tội lấy làm đầu, ấy ấy ngạn ngạn ngôn hẳn có.

Đúng như vậy, với khoảng thời gian sống rất cơ cực từ khi chào đời cho đến hết tuổi thanh niên, tôi đã phải lăn lộn với đói nghèo và chiến tranh. Đã cho tôi tin rằng, tôi đã hiểu nhiều về ý nghĩa của chữ nghèo hèn trong xã hội. Còn nghèo hèn có phải là cái tội đúng nghĩa đen trong phạm vi hình sự hay không thì lại khác, còn tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân. Có người thấm thía nỗi khổ đau, thua thiệt vì nghèo khổ mà lấy đó làm động lực vươn lên thoát nghèo trong khuôn thước luật lệ, trong phạm vi đạo đức… khi đó cái nghèo không phải là cái tội mà là một điều đáng cảm phục. Trái lại vì nghèo túng mà buông xuôi, lấy gian trá, lừa gạt… để mong thoát nghèo thì nó đúng nghĩa là cái tội. Con đường thoát nghèo theo hướng tiêu cực đó không sớm thì muộn cũng dẫn đến nhà tù hay khốn khổ vì lương tâm mà thôi.

Trong bài tạp bút này tôi không đề cập đến sự đói nghèo của tôi ở tuổi ấu thơ tại miền quê tình Nam Định và tại Hà nội trước khi di cư vào Nam. Lúc đó tôi khoảng 8 tuổi, còn quá nhỏ chưa đủ ý thức cảm nhận được nỗi khó khăn, khổ sở của đói nghèo một cách trung thực nên tôi không viết ra trong bài viết. Tôi chỉ thu nhỏ “ cái nghèo “ của tôi vào lãnh vực ăn uống hàng ngày của tôi trong 2 giai đoạn của cuộc đời tôi mà thôi, đó là:

-Giai đoạn tuổi thiếu niên ( phần một ), khi tôi là đứa học trò ban tiểu học và vài ba năm cấp trung học, khi đó tôi khoảng 10 đến 16 tuổi với đề tựa “ Những món đơn sơ, nhớ đời “ . Giai đoạn này gồm 3 sự việc như sau:


1.- Nồi canh chua thập cẩm của cô Lộc

2.- Anh Lương và những bát cơm

3.- Nồi xí quách mỗi chiều chủ nhật


-Giai đoạn tuổi thanh niên, vài năm cuối trung học cho đến khi xong đại học, đi làm việc. Giai đoạn này, tôi đã là một thanh niên. Những món ăn mà tôi nhận được từ những ân nhân, nó có phần đúng nghĩa một bữa cơm với đề tựa :“ Những bữa cơm ân tình “ . Giai đoạn này gồm 3 sự việc như sau :

1.- Những bữa cơm trong phi trường Tân Sơn Nhất

2.- Căn cứ Mỹ, Long Bình và những món ăn dư thừa .

3.- Mẹ của Đắc, những món ăn Bắc bộ khó quên.

Trong 2 giai đoạn này, tôi chỉ gom lại vài sự việc biểu tượng trong hàng chục sự việc khác tương tự. Tôi cố gắng lột tả tất cả xúc cảm, suy tư của tôi trong những biểu tượng đó một cách rất trung thực trong khoảng thời gian đói nghèo đó của đời tôi. Bài viết cũng như một lời cám ơn rất chân thành của tôi đến những vị ân nhân đã cảm thông hoàn cảnh thiếu thốn của tôi, đã cho tôi những món ăn, những bữa cơm đúng lúc tôi đang cần vì bụng đói.

Chú ý: Hàn Tín lúc hàn vi đã được bà thợ giặt (phiếu mẫu) bên sông cho ăn.


Phần một

Những món ăn đơn sơ, nhớ đời

(Giai đoạn tuổi thiếu niên)

Để tưởng nhớ cô Lộc, anh chị Lương và người mẹ muôn đời kính yêu của tôi.


Sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh của đất nước, dân tộc vào thời tao loạn, tôi đã hưởng thụ gần như tất cả mùi vị của đói nghèo và nỗi khốn cùng của chiến tranh. Ngay lúc là thằng bé lên 4, 5 tuổi tôi đã chứng kiến cảnh Tây đen, Tây trắng về làng bắn giết, hiếp dâm dân làng. Những cảnh người cháy đen rên la vì bom napal, xác người thối rữa bên bờ ruộng, bập bềnh dưới giòng sông dọc theo những con đường khi gia đình tôi tản cư lánh nạn binh đao… Tất cả là những kinh hoàng đã in sâu vào ký ức trẻ thơ của tôi. Cuối cùng vì thời thế và hoàn cảnh đã đưa gia đình tôi lên Hà nội. Rồi di cư vào Nam với đôi bàn tay trắng trong thân phận dốt nát của giới cùng đinh trong xã hội. Tóm lại ở miền Bắc hay miền Nam gia đình tôi vẫn là thành phần của đói nghèo, bất hạnh. Nhưng may mắn thay, trong hoàn cảnh cực nhọc, đói nghèo đó, nhờ lòng hy sinh to lớn của bố mẹ và cũng nhờ cố gắng của chính cá nhân tôi, tôi đã “ vượt khó “ vươn lên để có được một hậu vận tàm tạm tốt trong xã hội ( dù hơi muộn màng ). Ngày nay tôi thực sự đã bước vào đoạn cuối cuộc đời, với tuổi gần 80. Đôi lúc ngoái nhìn lại quá khứ lại làm tôi thẩn thờ vì những diễn biến khó tin trong cuộc đời mình. Làm sao tôi có thể quên được những vết tích không đẹp và dĩ nhiên cũng có cả những vết tích hoan ca, mỹ miều mang đến cho tôi những niềm vui, hạnh phúc trong suốt cuộc đời có tí chút gió sương của tôi.

Trong đoản bút ký này tôi không muốn lái trí nhớ của tôi về hướng của buồn bã than van mà ngược lại tôi muốn viết về một vài hoài niệm đẹp đẽ, rất đơn sơ đã có trong cuộc đời tôi. Tôi sẽ dùng văn chương, chữ nghĩa để nói về những món ăn đầy ân tình của một ngừơi nào đó đã dành cho tôi, cho gia đình tôi, giúp chúng tôi thoát được những giây phút đói nghèo. Nó có thể là một bữa cơm, một món ăn, một tô cháo, một nồi canh … Những cái đó đã đến đúng lúc bụng chúng tôi đang đói cồn cào hay lúc chúng tôi thiếu thốn. Đó là những món ăn rất đơn sơ nhưng đã làm tôi nhớ mãi. Nhớ cái mùi vị tuyệt hảo của món ăn chứa đầy tình người tốt đẹp đã cho tôi, cho gia đình tôi khi đó. Viết ra đây như là một kỷ niệm cho chính tôi và cũng là những lời nhớ ơn rất chân thành dành cho những vị ân nhân về những món ăn “ nhớ đời “ khi chúng tôi đang trong cơn đói nghèo.


1.- Nồi canh chua thập cẩm của cô Lộc.

Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác theo chủ nhân di cư vào Nam năm 1954. Rời Hà nội, miền Bắc với 2 bàn tay trắng. Đến Sàigon, miền Nam cũng vẫn 2 bàn tay trắng. Chúng tôi tiếp tục theo chủ nhân lên Đà Lạt làm rẫy, hoàn toàn không biết gì về những quyền lợi của mình trong chương trình di cư bởi vì nó đã được ăn chặn rất bài bản! Chúng tôi trở lại Saigon sau khoảng gần 1 năm đổ mồ hôi, sức lực tại Đà Lạt. Thời gian đó, việc sinh sống của gia đình tất cả đều trông chờ vào tiền lương hàng tháng của bố tôi, người hạ sĩ nhất trong quân đội. Với đồng lương èo ọt phải nuôi gia đình nhiều miệng ăn lại phải lo chuyện học hành cho lũ chúng tôi, đã thế mẹ tôi cứ bị ốm bệnh liên miên. Đúng là một gánh nặng, một thời túng nghèo của chúng tôi.

Thời gian đó, chúng tôi sống trong ngõ hẻm 116 Tô Hiến Thành, được gọi là Xóm Tre, cư dân phần lớn là lính tráng, du đãng và đĩ điếm. Tôi còn nhớ rất rõ ràng hàng ngày tôi vẫn phải ra tiệm tạp hoá ở trong ngõ để mua từng lon gạo, bát nước mắm về cho mẹ tôi nấu cơm. Những bữa cơm đơn sơ nghèo túng, lập đi lập lại hàng ngày với món rau muống luộc hay xào với nước mắm và muối, kèm theo vài ba con tép hay cá nhỏ kho mặn chát làm mồi cho bữa ăn. Hoạ hoằn vì một ngoại lệ nào đó, có thể vào ngày bố tôi lãnh lương hay mẹ tôi may mắn mua được một miếng thịt ba rọi, vài con tôm, con cá bị ế hàng trong buổi chợ chiều… Chúng tôi mới biết mùi vị của những món ăn đậm đà bổ dưỡng đó. Trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, bố mẹ tôi đã giữ được việc học cho anh em chúng tôi, dù không được như những đứa trẻ khác, đã là một điều kỳ diệu rồi. Nói đến chuyện hàng ngày có nắm xôi, khúc bánh mì thịt ăn sáng hay có tí tiền đến trường ăn quà vặt như bạn bè với chúng tôi là chuyện cổ tích, không bao giờ có thật.

Tuy nhiên có một điều rất lạ kỳ, đến nay, dù thời gian đã mang biết bao nhiêu sướng khổ buồn vui qua đi trong đời tôi. Nhiều khi ngoái nhìn lại những tháng năm khổ nghèo, thua thiệt đó, tôi vẫn không tìm được lời giải thích tại sao ngày đó, mỗi buổi sáng cắp sách đến trường với bụng đói. Nhìn bạn bè cùng lứa bu đầu vào những gánh hàng rong, ngửi được những món ăn thơm tho bốc khói từ những những chiếc xe “pò pía “, bánh cuốn nóng hổi … trước cổng trường, bên đường đi với với cảm giác thèm thuồng, ước mơ. Nhưng tại sao tôi vẫn bình thản đi qua, coi sự kiện và cả mơ ước của mình như một lẽ tự nhiên. Tôi hoàn toàn không than van, không ghanh ghét với bạn bè, cũng chẳng bao giờ xin xỏ hay chê trách bố mẹ mình? Rất có thể những thua thiệt đó, nó quá nhỏ bé so với những dấu tích kinh hoàng lúc tôi còn ấu thơ, ngày tôi còn ngoi ngóp ở quê nhà miền Bắc hay lê lết tại Hà nội xa xưa và tôi đã nhìn nó như chuyện bình thường.

Tôi nhớ rõ, thời gian gia đình tôi còn ở xóm Tre, cô Lộc, một người cùng làng quê ở miền bắc với bố mẹ tôi đã mang đến cho gia đình tôi những nồi canh thập cẩm. Đến nay dù thời gian đã qua trên 60 năm, hình như tôi vẫn không quên được khẩu vị ngon ngọt của những nồi canh đó. Cô Lộc làm việc nấu nướng cho một gia đình khá giả, rất thường có bạn bè, khách khứa của các con cháu đến ăn uống. Cô thu gom tất cả những món ăn thừa dư hàng ngày của gia đình chủ nhân cũng như của khách, cho vào nồi rồi nấu sôi để cho những món ăn không bị hư hỏng. Cô cứ tích góp như vậy nhiều ngày thành một nồi khá to. Cô nêm nước mắm, gia vị, kèm với vài ba trái cà chua, vài cụm dưa muối cắt nhỏ hay bất cứ loại rau nào chưa ung thối, còn ăn được rồi cho vào nấu chung với mọi thứ đã có trong nồi. Kết quả là một nồi súp canh chua thập cẩm rất to nấu rất nhừ. Những miếng thịt heo, bò gà, cá, tôm… kể cả xương đều được nấu đi nấu lại nhiều lần, chúng mềm nhũn tạo ra một món canh đủ mùi vị của tôm cá, thịt heo, thịt bò, thịt gà, rau dưa… rất ngon .

Cứ mỗi lần thu gom đồ ăn dư thừa, tạo ra một nồi canh chua thập cẩm như vậy cô Lộc lại nhắn tôi đến chở nồi canh về. Bất cứ khi nào nhận được tin nhắn đó, dù có bận bịu thế nào tôi cũng dẹp qua một bên, vội vàng đạp xe đến chở món ăn “ ước mơ “ đó về. Đúng như vậy , đó là một món ăn trong mơ của anh em chúng tôi. Nó quá ngon vì mùi vị từ những miếng cá, con tôm, miếng thịt dư thừa trong canh tiết ra khi nấu nhừ . Cứ mỗi lần đến chở nồi canh về, mẹ tôi thường cho thêm tí nước mắm, vài loại rau kèm theo vài ba trái cà chua … Lại làm cho món ăn càng ngon hơn, nhiều hơn để cho chúng tôi ăn được 2, 3 ngày. Cứ như vậy, vài ba ngày hay một tuần lễ, suốt trong khoảng 2 năm chúng tôi vẫn có những nồi canh chua thập cẩm từ những sản phẩm dư thừa tuyệt ngon và nhớ mãi đó. Cho đến khi Cô Lộc không còn đi làm nữa, trở về sống với gia đình người con trai cũng ở trong xóm Tre thì món ăn ngon ngọt đó không còn nữa. Cũng từ đó chúng tôi không còn có được những cảm giác vui mừng đạp xe đến gặp cô, rồi chở nồi canh chua thập cẩm về ăn nữa. Nhưng đến nay thời gian đã qua đi hơn 60 năm rồi, cô Lộc cũng đã ra người thiên cổ từ lâu. Bố mẹ tôi cũng vĩnh viễn rời xa nhân thế còn tôi đã là một ông già sắp chớm 80… Thời gian dù đã đi qua, tẩy rửa đi rất nhiều đẹp xấu, vui buồn nhưng làm sao tôi và những đứa em của tôi quên được cô Lộc. Quên được mùi vị đậm đà, ngon ngọt của nồi canh thập cẩm đủ mùi vị mà ở thời gian nghèo túng đó, nó là một món ăn rất ngon, nhớ mãi, không quên trong đời chúng tôi.


2.- Anh Lương và những bát cơm.

Gia đình tôi sống trong xóm Tre ( 116 Tô Hiến Thành ) khoảng 7 năm, con xóm có quá nhiều tật ách đó nhưng ít hay nhiều nơi đó cũng ghi sâu vào ký ức tôi khá nhiều kỷ niệm buồn vui của những năm đầu tiên mà chúng tôi đặt chân lên đất miền Nam xa lạ. Chính nơi con xóm nghèo khổ đầy tật ách này tôi đã xong cấp tiểu học, tôi đã được giảng dậy bởi những vị thầy cô tài năng đạo đức. Chính họ là những người đã khơi giòng chẩy cho con sông tạm gọi là ngọt ngào trong sáng của cuộc đời tôi. Đúng như vậy, khi từ Đà lạt trở lại Sàigon, tôi bước vào lớp tư ( lớp 2 ngày nay ) trường tiểu học Chí Hoà. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến trường lớp và thầy cô. Chính nơi ngôi trường đầu đời này, dù là đứa trẻ nhem nhuốc với đất bùn nhưng tôi như một tờ giấy trắng. Tờ giấy đó đã được các thầy cô những người tôi mãi mãi kính yêu, Thầy Hà Mai Anh, thầy Trần hữu Linh và cô Nguyễn thị Mỹ Linh. Họ đã viết lên tờ giấy trắng cuộc đời tôi những bài học về công dân giáo dục, về lịch sử địa lý, về văn hoá bình dân… Chính nhờ những bài học đó, ngày nay dù tôi đã tha phương kiếm sống gần 50 năm dài, tôi vẫn giữ được cái gốc của một con người Viêt Nam đúng nghĩa. Một người Việt nam rất bình thường, không có gì vượt trội trong nhân gian. Nhưng chắc chắn những bài học của họ đã cho tôi biết thế nào là một người công dân có ích trong xã hội, hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ quốc gia, dân tộc và không được phép phản bội nó.

Tôi đã rời bỏ xóm Tre khi chớm bước lên bậc trung học vài ba năm, để đến sinh sống tại con hẻm 521 đường Lê văn Duyệt. Con hẻm này sát cạnh, chạy song song với đường Tô Hiến Thành nơi xóm Tre hiện diện. Căn nhà mới với khoảng 36 mét vuông, khá chật chội cho một gia đình 10 người. Đây cũng là xóm lao động nhưng nó không có quá nhiều tật ách, phức tạp kinh sợ như xóm Tre. Cũng chính nơi con xóm này gia đình tôi đã khởi đầu một không khí mới tươi sáng và thành công hơn. Tôi đã hoàn tất chương trình trung học, rồi ngạo nghễ vượt kỳ thi truyển vào phân khoa chuyên môn của cấp đại học. Tôi cũng đã biết tìm ra con đường kiếm tiền phụ giúp cho cho bố mẹ trong vấn đề sinh nhai. Những đứa em của tôi cũng dựa theo làn sóng trước của tôi, người anh cả trong gia đình để vươn lên thoát ra khỏi bóng đen của cuộc sống đói nghèo.

Tuy nhiên khi mới đến xóm, không thể một sớm một chiều thay đổi được những khó khăn, nghèo khổ ngay được. Những năm đầu tiên gia đình tôi vẫn phải nhận chịu những khổ cực, thiếu thốn, vẫn dựa dẫm vào đồng lương quân đội èo ọt của bố tôi. Tuy nhiên sức khoẻ của mẹ tôi đã dần dần khá hơn để rồi mấy năm sau mẹ tôi đã bước vào việc buôn bán chuối bên lề đường. Tôi đã kiếm được vài ba nơi dậy kèm… Tất cả những cái đó, tụ họp lại đã là những bước thăng hoa dù bé nhỏ nhưng rất cần thiết cho cái nền căn bản để gia đình tôi vươn lên sau này.

Trong đoản văn này, tôi muốn viết về khoảng thời gian ba, bốn năm đầu tiên mới đến xóm, khi gia đình tôi vẫn còn khá nhiều cực nhọc với sinh nhai. Khoảng thời gian đầu tiên đó tôi đã may mắn có được người hàng xóm rất tốt, sát cạnh nhà tôi. Đó là một tiệm tạp hoá to lớn nhất trong xóm, bán đủ mọi vật dụng, đồ ăn, thức uống, than gạo, dầu hoả ..v...v… Chủ tiệm là một cụ ông khoảng 70 tuổi mà chúng tôi thường gọi là cụ Tiệm. Trên danh nghĩa cụ Tiệm là chủ cơ sở, nhưng thật ra mọi hoạt động thương mại, bán ra, mua vào đều do vợ chồng anh chị Lương, người con trai của cụ điều hành. Anh Lương một người rất hiền hoà, tốt bụng có trình độ văn hoá cấp tú tài, tuổi khoảng trên 30. Chính vì vậy anh chị Lương xem anh em chúng tôi như những đứa em. Đặc biệt với tôi anh Lương có sự thân tình khá đặc biệt, có thể anh đã cảm thương khi nhìn thấy cuộc sống và học hành của tôi khá cực nhọc và thiếu thốn. Cũng có thể, đôi khi đứng bên ngoài, anh đã nhiều lần xuyên qua chiếc cửa sổ rất lớn của căn nhà tôi, thấy những bữa cơm quá đạm bạc, đơn sơ nghèo túng của gia đình tôi mà có chút mủi lòng. Nhất là thấy tôi, thằng con trai đang tuổi lớn, ăn không biết no mà hàng ngày vẫn phải quần quật giũp đỡ mẹ khuân vác những quầy chuối ra chợ cho mẹ bán.

Chính vì vậy rất nhiều lần khi thấy tôi đi học về hay lúc tôi đứng bâng quơ trước nhà, anh Lương giơ tay vời tôi lại gần rồi đưa vào tay tôi một tô cơm rất lớn. Lúc thì một hai trái trứng gà, trứng vịt kèm theo 3, 4 con tôm kho mặn. Lúc thì 5, 6 miếng thịt kho, cá kho ngon lành mầu đỏ ngậy tren tô cơm…. Rồi nhìn tôi mỉm cười rất hiền hoà, anh nói :

-Chú ăn đi! Chắc đói lắm phải không ?

Dĩ nhiên với tô cơm quá ước mơ đó làm sao mà tôi từ chối được? Chỉ với câu cám ơn ngắn ngủi, chẳng một tí ngại ngần tôi ăn tô cơm với tất cả niềm vui và ngon miệng. Anh Lương im lặng nhìn tôi ăn hết tô cơm với vẻ rất thích thú rồi cầm lấy cái tô trống trơn, sạch sẽ như lau trên tay tôi, anh mỉm cười hỏi tôi:

-Ngon không ? Chú có muốn ăn thêm, tôi bảo bà Năm làm cho chú một tô nữa nhe?

Suốt nhiều năm, câu hỏi của anh Lương cứ lập đi lập lại như thế mỗi khi anh đưa tô cơm cho tôi ăn, rồi khi nhận lại cái tô trống không, sạch bóng ! Còn tôi, khi đưa chiếc tô không cho anh, kèm theo câu cám ơn :

-Cám ơn anh, rất ngon ! Em đã no rồi!

Những câu đối thoại đó cứ lập đi, lập lại như một điệp khúc. Tôi không biết câu trả lời của tôi đó có làm cho anh Lương tin đó là câu trả lời thực lòng của tôi không? Hay anh dư biết là tôi ngại ngần mà trả lời cho qua bởi vì tôi không dám lợi dụng lòng tốt của anh quá mức, anh mỉm cười, cầm lấy cái bát mà không nói gì. Nhưng có lẽ anh không biết được một điều rất thật, đó là tôi đã không có can đảm hay trơ mặt ra để nói với anh rằng:

-Anh Lương ơi, với tô cơm mơ ước của anh vừa cho em. Nó to, nó lớn thật! Nhưng có lẽ với thằng con trai đang sức lớn như em thì có thêm 1 hay 2 tô nữa vẫn chẳng có gì khó khăn để em cho nó vào cái bao tử gần như lúc nào cũng trống rỗng, làm reo của em ! Em không muốn trả lời anh thật lòng bởi vì ngượng ngùng không muốn lợi dụng lòng tốt của anh quá mức, đó mà thôi!

Gia đình tôi sống trong xóm 521 Lê văn Duyệt đó được khoảng 10 năm, đó là khoảng thời gian tôi trưởng thành, khôn lớn và đứng dậy vươn lên của đời tôi. Gia đình tôi càng lúc càng vững trãi về mọi lãnh vực. Với thực tài trong chuyên môn, tôi đã được hai người quen biết khá giả tin tưởng, giúp đỡ và hùn vốn với tôi để xây dựng một trại chăn nuôi heo nhỏ tại quận Bà Quẹo. Đó cũng là bước thang rất chắc chắn để tôi kéo tất cả gia đình tôi tại VN đứng dậy. Những thành quả đó đến nay dù thời gian đã gần 50 năm qua nhưng dấu tích của nó vẫn là cái nền vững chắc cho sự an định vươn lên của những đứa em của tôi. Dù con đường an định, vươn lên đó đã hướng theo một hướng khác không có gì liên hệ đến cái gốc khởi đầu của nghề chăn nuôi nữa.

Hôm nay trong cái không gian lạnh lẽo buồn tẻ chốn tha hương, tôi viết đoản văn này nói đến những tô cơm của anh Lương như để thêm một lần nữa cám ơn lòng tốt của anh và gia đình đã dành cho tôi những ân tình mà tôi luôn nhớ mãi. Đoản văn này cũng để tưởng nhớ đặc biệt như một nén hương thơm dành cho linh hồn anh Lương, người anh tinh thần mà tôi mãi mãi kính trọng, mến thương. Tôi vừa biết tin anh đã ra người thiên cổ năm vừa qua.


3.- Nồi xí quách mỗi chiều chủ nhật.

Thời gian sống tại xóm Tre, lúc học tại trường tiểu học Chí Hoà, tôi quen biết Thịnh, người bạn cùng lớp. Chúng tôi không thân nhau lắm, quen nhau chỉ vì sống gần nhau, hàng ngày gặp nhau trên đường đến trường mà thôi. Gia đình Thịnh khá giầu, chủ một tiệm phở thuộc hàng lớn nhất trên đường Tô Hiến Thành, rất gần với Đơn Vị Quản Trị của VNCH thời đó . Hàng ngày trên đường về học, thỉnh thoảng tôi và Thịnh cùng đi với nhau, đùa giỡn dọc đường. Khi đến đầu xóm Tre chúng tôi tách ra ai về nhà nấy, hiếm khi chúng tôi hẹn hò hay đến tận nhà rủ nhau đi chơi nên bố mẹ hai gia đình cũng chẳng biết gì về sự quen biết của chúng tôi.

Một hôm, vào buổi tan học trên đường về nhà lúc gần trưa ngày thứ sáu trong tuần, thay vì chia tay nhau ở đầu ngõ xóm Tre. Thịnh lại rủ tôi đến nhà để cho tôi xem một vài món đồ chơi mà Thịnh vừa được ông bà nội từ Vĩnh Long gửi cho. Tôi theo Thịnh đến quán phở, lúc đó chỉ có vài ba người khách. Bố của Thịnh đang loay hoay nhúng bánh phở cho khách, mẹ của Thịnh ngồi gần đó đang bận bịu với mấy rổ giá sống và rau gia vị. Khi tôi và Thịnh bước vào tiệm, mẹ của Thịnh ngước nhìn chúng tôi, như có chút ngạc nhiên khi thấy thằng con dẫn bạn đến chơi, đứa bạn mà bà chưa bao giờ gặp. Nhìn con trai bà nói :

-Thịnh, đã về học rồi sao? Lại còn dẫn bạn đến chơi hả ?

Tôi nói vài lời chào bố mẹ Thịnh rồi im lặng đứng chờ ở cửa quán như lời Thịnh dặn trước khi Thịnh vội vàng trả lời mẹ vài ba câu rồi ôm cặp sách chạy lên chiếc cầu thang phía sau cùng của quán. Thịnh lên tầng lầu mang xuống một túi đồ chơi, đổ túi đồ chơi trên chiếc bàn khá lớn trong cùng của quán rồi vẫy tay gọi tôi vào cùng chơi. Chúng tôi cười đùa, cùng chơi với nhau được một lúc thì bố của Thịnh bê ra một cái chậu nhỏ bằng thiếc, đầy những khúc xương nấu phở đủ loại. Những khúc xương chân bò to lớn như bắp tay mầu trắng bệch, những khúc xương heo, xương gà , nhỏ hơn mầu xám tối hơn vẫn còn dính đầy thịt … Ông để tô xương cùng với 2 cái đĩa khá lớn, 2 đôi đũa trên một cái bàn khác nhỏ hơn sát cạnh chiếc bàn to mà chúng tôi đang mầy mò những món đồ chơi. Đưa mắt nhìn chúng tôi ông nói:

-Dẹp đồ chơi đi ! Hai đứa ăn tô xí quách này rồi hãy chơi !

Thế là may mắn đến với tôi. Đó là lần đầu tiên tôi đã có một bữa ăn vượt ra khỏi ước mơ trong cuộc đời trẻ thơ của tôi. Trong quá khứ nếu có một may mắn nào đó, bố mẹ tôi mới dám gọi chủ tiệm mang ra cho chúng tôi một đĩa xí quách với vài ba miếng xương chỉ có tí chút thịt hay gân, sụn ở đầu xương. Nhưng lần này, bố của Thịnh mang ra một cái chậu to gấp 3, 4 lần tô ăn phở với những khúc xương đủa loại, bốc khói và dính đầy thịt…làm sao mà tôi không ngẩn ngơ, mừng rỡ khi nhìn thấy món ăn khoái khẩu, mơ ước này được ?!

Bố mẹ của Thịnh im lặng nhìn tôi ăn, tôi gặm, tôi mút những khúc xương với tất cả đê mê hiện rõ trên khuôn mặt, ánh mắt của tôi. Ngược lại Thịnh ăn rất chậm rãi, có tí chút uể oải, hoàn toàn không có chút cảm giác gì ham thích món ăn mà bố mang đến. Đã thế còn lấy đũa đẩy những khúc xương to lớn, đầy thịt cho tôi nữa. Có lẽ nhìn thấy rõ sư ham thích quá mức của tôi với chậu xí quách, bố mẹ Thịnh tò mò hỏi rất nhiều về gia cảnh của tôi. Chẳng có gì phải giấu giếm, tôi trả lời rất rành mạch, rõ ràng về công việc của bố mẹ cũng như về tình trạng thiếu thốn của gia đình cho hai người nghe. Có lẽ thông hiểu được lý do tại sao tôi rất vui mừng với món ăn của ông cho, ông mỉm cười nhìn tôi và nói:

-Về nói với bố mẹ mày, cứ vào khoảng 3 hay 4 giờ chiều ngày chủ nhật, mày xách một cái sô ra đây tao bán rẻ xí quách cho. Những ngày khác thì không được vì khách mua nhiều, không có để bán. Ngày chủ nhật, các trại lính quanh đây nghỉ làm việc, ít người ăn nên còn dư nhiều, tao sẽ bán rẻ cho mày. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có nhiều, có khi còn nhiều nhưng cũng có khi hết sạch. Về giá cả thì bố mẹ mày khỏi lo, chỉ khoảng 3 hay 4 đồng như giá một tô phở là được.

Tôi chưa kịp trả lời thì ông nói tiếp:

-Hôm nay là thứ sáu, ngày mốt là chủ nhật, mày mang sô ra đây. Tao sẽ bán cho mày một sô mang về cho cả nhà ăn bữa tối.

Mừng rỡ, nói vài lời cám ơn ông rồi tôi hứa chắc chắn sẽ đến mua xí quách vào chiều chủ nhật sắp tới. Đúng như bố của Thịnh dặn, khoảng 3 giờ chiều chủ nhật, tôi mang cái sô nhựa có quai ra tiệm phở. Bố Thịnh nhìn tôi mỉm cười, không nói gì ông vớt từ nồi nước lèo ra những miếng xí quách to tổ chảng cho vào cái sô của tôi. Không những thế ông còn đổ thêm vào một vài muỗng nước phở và một ít hành ngò cắt nhỏ rồi đậy nắp sô đưa cho tôi. Nhận chiếc sô xí quách, tôi đưa cho ông tờ giấy 5 đồng, chẳng nói gì ông mở ngăn kéo bàn, trả lại tôi 2 đồng và nói:

-Tao chỉ lấy 3 đồng mà thôi. Nếu thích thì chủ nhật sau cứ đến đây nhe!

Thế là tối hôm đó, gia đình tôi đã có một bữa cơm tối thịnh soạn. Không phải chỉ nhờ những khúc xương xí quách đậm đà, dính rất nhiều thịt mà mỗi người chúng tôi còn được ăn thêm một bát bún khá to do mẹ tôi biến chế từ nước phở với cà chua, rau húng, hành tây xắt nhỏ mà ra.

Rồi cứ như lời ông bố của Thịnh dặn, gần như chiều chủ nhật nào tôi cũng mang sô ra mua xí quách của ông. Tuy nhiên không phải lần nào ra cũng có, hôm nào có nhiều thì ông lấy 3 hay 4 đồng, hôm có ít thì ông lấy 2, 3 đồng, nếu quá ít thì ông cho không. Cứ như vậy, kéo được khoảng 2 năm trời, nhờ ông mà gia đình chúng tôi có được niềm vui ăn uống vào mỗi cuối tuần. Cho đến khi tôi và Thịnh hoàn tất xong bằng tiểu học. Tôi may mắn đậu vào đệ thất Chu Văn An, Thịnh hình như theo một người bạn khác thi vào trường Nguyễn Trãi nhưng cả hai đều trượt. Thịnh và người bạn cùng ghi tên học trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến gần với toà đại sứ Miên trên đường Lê văn Duyệt.

Từ đó, vì học khác trường nên chúng tôi không còn gần gũi và cũng rất hiếm khi gặp nhau như xưa nữa. Có lẽ thấy Thịnh không còn gắn bó với tôi như trước, việc mua bán xí quách của tôi và gia đình Thịnh hình như đã có phần nhạt tình thân hơn trước. Tôi cũng vậy, đã có phần ngại ngần khi xách sô đi mua, thấy người bán không còn vồn vã với mình nữa. Đã thế bố mẹ Thịnh cũng không còn rộng rãi khi bán xí quách cho tôi nữa. Việc xách sô đi mua xí quách của tôi cũng lơi dần, tôi cũng không biết chính xác từ lúc nào nó chấm dứt. Tiếp theo khoảng vài ba năm sau đó, khi gia đình tôi dọn nhà sang xóm 521 Lê Văn Duyệt thì chuyện mua xí quách và cả việc liên hệ, chơi đùa với Thịnh hoàn toàn đi vào lãng quên.

Nhưng vào khoảng 6 hay 7 năm sau khi gia đình tôi chuyển nhà đến xóm 521 Lê Văn Duyệt. Một hôm tôi có việc phải sang xóm Tre thăm họ hàng, bất chợt tôi gặp Thịnh ngay tại đầu con ngõ với khá nhiều ngạc nhiên. Trong bộ quần áo binh chủng nhẩy dù, Thịnh hiện ra trước mặt tôi với vẻ cứng cáp, oai phong của một người lính chiến chuyên nghiệp đượm đầy gió sương. Chúng tôi tay bắt, mặt mừng với những câu hỏi han, tò mò muốn biết về cuộc sống của nhau. Qua một lúc nói chuyện tôi mới biết, khi xong văn bằng trung học đệ nhất cấp, Thịnh học tiếp lên bậc tú tài, nhưng với 2 lần thi, Thịnh không xong bằng tú tài bán phần. Đúng tuổi quân dịch nên phải nhập ngũ vào khoá hạ sĩ quan Đồng Đế tại Nha Trang. Ra trường với cấp bậc Trung sĩ, Thịnh đầu quân vào binh chủng Nhẩy Dù. Khi biết tôi đang là sinh viên đại học, vẫn đang tiếp tục tiến xa hơn trong con đường học vấn, Thịnh có chút buồn buồn, đưa tay vỗ nhẹ vai tôi, Thịnh nói :

-Mày giỏi thật !Nhà nghèo mà học hành như vậy thật đáng nể!

Buông tếng thở dài ra vẻ chán nản, không vui, Thịnh nói tiếp :

-Như tao đây, có tất cả nhưng chỉ vì ham chơi, đua đòi với chúng bạn nên việc học hành cũng chẳng ra làm sao! Đến khi bắt buộc phải ra đời, nhìn thấy mình thua kém bạn bè mới thấy mình quá dại khờ, lúc đó hối hận cũng đã muộn rồi!

Đó là lần tôi gặp Thịnh lần cuối rồi chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa dù nhiều năm sau đó khi tốt nghiệp đại học xong rồi đi làm việc tại Cần Thơ… vài ba lần khi về Sàigon. Tôi đến thăm họ hàng tại xóm Tre rồi đi lang thang trên khúc cuối đường Tô Hiến Thành nơi có tiệm phở của gia đình Thịnh. Tôi không thấy tiệm phở của gia đình Thịnh nữa thay vào đó là một tiệm may quần áo Âu Phục. Vài ba người bên cạnh, cho biết gia đình Thịnh đã bán tiệm phở từ lâu để trở về quê nội tại Vĩnh long sinh sống. Với cảm giác buồn nhè nhẹ khi nhớ đến Thịnh, tôi tự hỏi chẳng biết Thịnh và gia đình hiện giờ ra sao? Nhưng mỗi khi nhớ về họ, tôi có cảm giác nhớ đến mùi thơm, vị ngon ngọt của những sô xí quách của bố mẹ Thịnh bán cho tôi, nó vẫn hiện ra trong trí nhớ và cả trong khẩu giác của tôi. Đúng như vậy, thế nào thì đó cũng là một “ di tích “ của quãng thời gian túng nghèo của gia đình tôi, làm sao mà tôi quên được ?! Mùi thơm, vị mặn mà của món xí quách đó luôn luôn nhắc tôi rằng, đời tôi đã đi qua một giai đoạn đói nghèo, đói ăn. Tôi hãy giữ lấy cảm giác đó như là một dấu tích mà tôi không bao giờ được phép quên nó. Đó là những cái thua thiệt đáng nhớ của mình. Tôi phải nhớ nó để cảm thông và nếu cần giúp đỡ cho những người nghèo khó giống như tôi xa xưa.

(Hết phần một, xin xem tiếp phần hai.)

Thuỵ Sĩ, tháng 2 năm 2023

Lưu An Vũ Ngọc Ruẩn


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ


Học Phật Đúng Pháp


Phật giáo và Con người


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.148.76 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...