Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tùy bút »» Khúc nhạc buồn trong ký ức »»

Tùy bút
»» Khúc nhạc buồn trong ký ức

Donate

(Lượt xem: 4.109)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Khúc nhạc buồn trong ký ức

Font chữ:

Viết cho những người bạn một thời bi thương trong đời tôi

Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay vui , hoan lạc hay bi đát đau thương xẩy ra trong cuộc đời của họ. VN với một dẫy dài lịch sử toàn là chiến tranh và loạn lạc, có lẽ không một ai trong chúng ta không ít hay nhiều cũng phải chịu những những khổ ải do bom đạn đem đến dù ở thị thành hay nông thôn.

Cá nhân tôi cũng không ngoại lệ. Sinh ra và trưởng thành trong khói lửa của hai cuộc chiến tranh, vì vậy tôi có khá nhiều ký ức buồn đau trong cuộc đời ngay từ lúc sinh ra. Những cảnh chết chóc, đau đớn vì bom đạn đã được tôi chứng kiến từ khi mới 3,4 tuổi cho đến gần hết tuổi thanh niên. Nhưng cuối cùng số phận đã mỉm cười với tôi, mang may mắn cho tôi để tôi đến Thuỵ Sĩ, một đất nước thanh bình, hơn 600 năm chưa biết gì về chiến tranh. Sống trong cái không khí thanh bình, thịnh vượng đó, đôi khi ngoái nhìn lại những khoảng thời gian đi qua trong đời mình. Nhớ đến những người bạn thủa ấu thơ cũng như những người bạn vì hoàn cảnh mà tôi và họ quen biết nhau. Những người đã có số phận hẩm hiu vì những bấp bênh của thời cuộc, họ đã trở về với đất đá khi tuổi còn xanh. Lòng tôi chợt trĩu năng vì cảm thương họ, muốn dành một chút thời gian để viết về những kỷ niệm vui buồn giữ tôi và họ như thắp một nén hương lòng tưởng nhớ và tôn vinh tình bạn của chúng tôi.

Nhập cuộc, vẫn cái lặng lẽ trong đời

Cuối năm 1971 khi đang dạy học tại Cần Thơ, tôi nhận được lệnh từ bộ quốc phòng phải cắt ngang công việc dạy học để tham dự khoá 1/72 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Cầm tờ giấy nhập ngũ trên tay, dù không ngạc nhiên vì biết chắc chắn nó phải đến với mình sau khi hoàn tất việc học. Nhưng tôi cũng không thể che giấu được cảm giác thờ thẫn, lo buồn khi nghĩ đến tương lai, khi sắp phải bước vào một giai đoạn mới của đời mình. Nhất là lúc đó cường độ của cuộc chiến đang ở mức kinh hoàng của thời kỳ hậu Mậu thân, mùa hè đỏ lửa....

Sau khi thu xếp xong tất cả những thủ tục hành chánh ở Cần Thơ. Từ giã bạn bè quen biết, lên Sàigon với cái túi nhỏ đựng vài vật dụng cá nhân. Tôi hoà mình vào đám đông cùng với những người như tôi, đang sửa soạn đem số phận của mình vào một giai đoạn mới. Chúng tôi tụ họp ở khuôn viên Quân Vụ Thị Trấn, Sàigon để làm vài thủ tục cần thiết trước khi được chở đến quân trường Thủ Đức.

Tôi nhớ rất rõ ngày hôm đó, ngày mà thêm một lần nữa cái cảm giác buồn tủi vì cô đơn lạc lõng lại đến trong đời tôi. Chung quanh tôi những vòng tay thương ái, ánh mắt ân cần, níu kéo lo buồn của mẹ cha, anh em, vợ con, người yêu... dành cho họ lúc lên đường , xa rời cuộc sống dân sự. Còn tôi, thì vẫn dáng vẻ im lặng, lủi thủi một mình giữa đám đông bởi vì tôi chẳng có ai đến tiễn đưa, từ giã. Tôi không báo tin việc nhập ngũ của mình cho bất cứ ai trong gia đình cũng như bạn bè quen biết, chỉ vì nghĩ cuộc thay đổi của đời mình nhỏ bé quá chẳng cần thiết cho người khác phải quan tâm. Tôi trầm mặc ra vẻ vô ưu ( dù có chút buồn tủi ) trong cái ồn ào chia tay của người khác. Nhưng tôi cũng không thể dấu được cái cảm giác cô đơn, lạc lõng rất nhẹ nhàng trổi dậy trong lòng mình khi nhìn thấy niềm vui ( hay chia buồn ) của tha nhân.

Cuối cùng mọi thủ tục cần thiết đã xong. Tôi tìm một góc thoáng khoát trong khuôn viên của trang trại. Ngồi đưa mắt kín đáo dõi theo những ánh mắt ân cần, những bàn tay vướng víu của đám đông dành cho nhau nhưng cũng để cho lòng mình bay theo những ước mơ mà mình không có !

Rồi khi những chiếx xe quân xa chở chúng tôi lăn bánh qua chiếc cổng của trường sĩ quan, đổ chúng tôi xuống vườn Tao Ngộ của quân trường. Những tiếng hét la ồn ào có chút bạo lực pha sự đe doạ nhiếc mắng từ các huynh trưởng khoá đàn anh. Họ dàn chào chúng tôi, khởi đầu cho một ngày gia nhập đời lính. Họ là những người khoá trước. Được phái đến dẫn dắt nhưng cũng để gột rửa, xoá đi dáng dấp hào hoa phong nhã còn vương lại trong đời sống của những kẽ thư sinh . Họ dậy cho chúng tôi từ cách đi đứng chào kính bình đẳng trong quân đội. Họ biến đổi những mái tóc bềnh bồng được uốn ép tỉ mỉ của chúng tôi ( vài người trên tóc họ vẫn còn vương chút mùi thơm của mỹ phẩm ) thành những mái tóc gần như hớt trọc luôn luôn thấm đẫm mồ hôi chẳng bao giờ biết đến lược gương .

Với khoảng hơn một tuần lễ được các huynh trưởng tẩy rửa và dậy cách làm quen với đời sống quân đội. Chúng tôi được phân chia vào những đại đội có trang trại riệng biệt trong khuôn viên rộng lớn của quân trường . Tôi được xếp vào đại đội 17, một đại đội phần lớn là những người đã tốt nghiệp đại học , đã đi làm, có chức vị trong xã hội. Có người đã từng là giám đốc, giảng viên đại học, trưởng ty, nghệ sĩ ..v..v.. của các cơ quan, trường sở từ khắp nơi gửi đến.

Sau thời gian huấn nhục, kéo dài khoảng 4 tuần lễ, chúng tôi đã có phần dễ thở hơn như được về phép cuối tuần, tự tổ chức lấy những sinh hoạt hàng ngày cũng như lúc học tập. Đại đội 17 của chúng tôi mang tiếng là một đơn vị lè phè, có lẽ vì đại đội có nhiều người lớn tuổi, đã có chức vị trước khi nhập ngũ nên việc tập luyện không được nghiêm chỉnh lắm. Nhưng cũng có thể vì sự thiên vị của các sĩ quan cán bộ hướng dẫn nên sinh ra ỷ lại trong học tập chăng ? Cuối cùng chúng tôi bị chia nhỏ, chuyển đổi với các đại đội khác cùng khoá . Tôi được đổi đến đại đội 16 , một đại đội toàn là những hạ sĩ quan từ khắp các chiến trường có thành tích tốt nên được đề bạt theo học khoá sĩ quan. Phần lớn họ là những người ở khoảng tuổi trên dưới 20, đã có kinh nghiệm vài ba năm trên chiến trường, vì vậy thể lực của họ rất tốt cũng như rất nghiêm túc trong việc tập luyện. Ngay tuần lễ đầu tiên tôi đã mệt nhoài để theo kịp họ ở mức tối thiểu, nhưng rồi mọi khó khăn cũng qua. Môi trường quân đội không dễ gì bị gục ngã khi người ta bắt buộc phải hoà nhập vào tập thể.

Có lẽ khi chuyển sang Đại đội 16 , bên cạnh sự cực nhọc nhưng cũng là khoảng thời gian ghi dấu rất nhiều kỷ niệm buồn vui trong cuộc đời của tôi nhất . Tôi được gần gũi nhưng người lính từ chiến trường trở về. Họ kể cho tôi nghe rất nhiều về những nỗi hiểm nguy cũng như sợ hãi trong chiến tranh mà họ đã trải qua. Cũng từ họ tôi cảm thông những ước mơ đôi khi rất đơn giản và nhỏ bé của họ trong những ngày lăn lộn trên chiến trường, đùa giỡn với sống chết. Đến nay dù thời gian đã lùi vào dĩ vãng quá xa, với hơn 40 năm đằng đẵng, nhưng tôi luôn luôn nhớ đến họ. Những người bạn chỉ thoáng qua trong đời tôi nhưng không kém phần thân thương, khi rời xa nhau. Rồi vì ngẫu nhiên nào đó tôi gặp lại họ hay những người khác nói về họ lại làm tôi thẫn thờ vì toàn là những câu truyện nhuốm mầu bi thương .


Người bạn ngủ mê trong nghệ thuật

Vào khoảng thời gian gần cuối khoá, một lần tôi có dịp lên thư viện của trường, ngẫu nhiên gặp anh Thuần, giảng viên trường mỹ thuật Sàigòn. Anh cũng từ đại đội 17 chuyển sang Đại đội 16 như tôi. Trong một căn phòng nhỏ rất bề bộn không khác gì một nhà rác, toàn những mảnh giấy báo được xé cắt cùng với đủ các vật dụng khách lăn lóc khắp nền nhà. Giữa phòng một khung vẽ rất lớn hình chữ nhật dính các miếng giấy báo to nhỏ , hình dáng, đủ mầu sắc khác nhau do anh xé hay cắt dưới cái nhìn nghệ thuật của riêng anh. Cạnh bên khung vẽ, một cái chậu nylong đựng keo dán và hàng chục lọ sơn đủ mầu sắc với những chiếc cọ vẽ to nhỏ khác nhau vương vãi khắp nơi. Anh quàng chiếc áo khoác bằng vải thô trắng dính đầy sơn, mặt mũi, râu, tóc lem luốc, trông như một tên hề. Đứng trước khung vẽ, đôi mắt anh nhíu lại, thỉnh thỏang đưa tay lên chà xát vào trán ra chiều suy nghĩ, rồi anh lựa chọn lấy một miếng giấy báo, quết tí keo dán dính trên khung. Anh hiện ra trong mắt tôi không có tí gì giống người lính thông thường mà là một người hoạ sĩ ( có chút mát thần kinh ) đang đắm mình vào nghệ thuật.

Thấy tôi bước vào phòng, giơ tay chào anh, anh chỉ hất nhẹ đầu rồi lại đắm mình vào nghệ thuật. Tôi im lặng ngắm nhìn tác phẩm chưa hoàn chỉnh của anh với thái độ thích thú. Có lúc tôi dí sát mặt vào bức tranh để đọc, để xem rất kỹ những ý nghĩa lời viết hay hình ảnh trên những mảnh giấy báo hay tạp chí mà anh dùng như những vật thể tạo ra bức tranh. Có lẽ sự thích thú và cách xem tranh của tôi đã làm cho anh vừa lòng nên anh quay sang nói chuyện với tôi tí chút.

Anh giải thích cho tôi hiểu về chủ đề “ Giã biệt “mà anh gửi gấm vào tác phẩm. Nội dung lời viết, hình ảnh của những miếng giấy đủ hình dạng được anh dính trên khung ngoài việc tạo hình tượng của bức hoạ nó còn mang theo ý nghĩa làm thâm thuý hơn cho chủ đề của tác phẩm. Đứa con trai trong tác phẩm , chân bước về phía trước nhưng quay đầu lại nhìn bà mẹ già nua, nghèo khổ, miệng nở nụ cười vui khác hẳn vẻ lo buồn của bà mẹ. Trên vai người con, chiếc ba lô mầu xám tro nổi bật lên tấm ảnh một cô gái xinh tươi, kèm theo một mảnh báo in hình trái tim đỏ chói biểu tượng trong hành trang của kẻ ra đi vẫn có một bóng hình .

Cứ như vậy anh đã chỉ từng góc cạnh bức tranh. Đọc cho tôi nghe những câu viết trên những miếng giấy báo hay tạp chí bằng tiếng Anh, tiếng Việt . Anh giải thích cho tôi hiểu cái chủ đề mà anh muốn gửi gấm vào tác phẩm của mình. Cuối cùng anh cho biết đang cố gắng hoàn tất tác phẩm này trước ngày mãn khoá như một dấu vết nghệ thuật mà anh muốn gửi lại nơi đây. Nhà trường đồng ý cho anh tham dự các buổi huấn luyện ở mức tối thiểu, công việc chính của anh là tạo ra một bức tranh nghệ thuật dành cho hội trường chính của quân trường .

Trong buổi lễ mãn khoá, một người bạn cho tôi biết anh cũng được tốt nghiệp như mọi người bình thường khác và được gửi lên Sư Đoàn 1 Bộ Binh đồn trú tại Quảng trị. Còn tác phẩm “ Giã biệt “ của anh có được hoàn tất đúng thời hạn hay không, không ai biết và nếu hoàn tất nó đã được bầy biện nơi đâu. Sau ngày tốt nghiệp vài tháng mặt trận Quảng Trị trở nên sội động với những trận đánh kinh hoàng , vỡ núi tan bia ở Cổ thành Quảng Trị, sông Thạch Hãn....Dù luôn luôn cầu mong cho anh an toàn , nhưng tôi nghĩ dạng người mơ mộng luôn luôn bay bổng , sống hết mình cho nghệ thuật của mầu sắc như anh có lẽ không dễ dàng thoát khỏi khói mù bi đát của chiến cuộc . Nhưng biết đâu ( một sự biết đâu rất bé !) trong cái không khí tanh hôi máu xương và thuốc súng đó anh gặp một kỳ tích nào đó mà được yên bình, giúp anh tìm ra nguồn sáng tạo mới mẻ cho một chủ đề độc đáo nào đó trong hội hoạ . Đó không phải là một khám phá tuyệt vời của anh trong nghệ thuật sao ?! Tôi cầu mong điều này là sự thật và ao ước được chiêm ngưỡng tác phẩm mới tiềm ẫn sắc mầu bi tráng của anh.

Người bạn với hình xâm và những bản nhạc buồn

Có lẽ người bạn khắc vào trí nhớ và tình cảm của tôi sâu đậm nhất , đó là Mừng văn Thông , người dân tộc thiểu số Pleiku. Thông xuất thân từ trường Thiếu sinh quân Vũng Tầu rồi theo học khoá Hạ sĩ quan Đồng Đế ( Nha Trang ). Ra trường, được điều lên sư đoàn Bộ binh 22, tại Kontum. Sau khoảng 2 năm chiến đấu với nhiều thành tích Thông được đề bạt theo học khoá sĩ quan Thủ Đức. Nhờ vậy chúng tôi có dịp quen biết nhau.

Thông kém tôi 5 tuổi, nên coi tôi như một người anh để học hỏi trong nhiều lãnh vực. Đặc biệt, sự đồng cảm về văn chương và âm nhạc đã kết nối tình thân của chúng tôi rất nhanh. Thông chơi đàn guitar và hát khá chuẩn, nhiều lần với giọng hát rất truyền cảm và dáng vẻ dìm trọn cảm xúc mình vào ý nghĩa của bản nhạc, Thông đã làm cho tôi và các bạn khác cảm động muốn chẩy nước mắt.

Trong những buổi học tại bãi tập ban ngày cũng như ban đêm, tôi và Thông luôn luôn tìm dịp để tâm sự hay giải trí bằng văn chương, âm nhạc. Chính những dịp gần gũi này mà Thông đã bị tôi kéo vào mê say những bài thơ tình yêu lãng mạn nổi danh thời tiền chiến cũng như những bài thơ đương thời.

Tôi còn nhớ một ngày học chiến thuật trong một khu rừng, gặp hôm trời mưa như xối nước. Những chiếc lều cá nhân của chúng tôi gần như hoàn toàn vô dụng, ai ai cũng ướt như chuột lột. Trong khi chờ đợi giờ cơm trưa, Thông cởi bỏ chiếc áo để vắt cho ráo nước. Ngẫu nhiên tôi nhìn thấy trên phía trái vòm ngực của Thông có xâm hình một con dao cắm vào một trái tim đang chẩy máu. Dưới hình xâm một giòng chữ mầu đen: “Hận kẻ bạc tình “ ! Nhìn hình xâm, ký ức kéo tôi lại thời còn là sinh viên, nhiều lần trên đường phố hay trong con hẻm nghèo nàn nơi gia đình tôi sinh sống, tôi cũng đã nhìn thấy những hình xâm với những câu văn , hình vẽ rất ngớ ngẩn, lạ kỳ trên cánh tay, bả vai hay lồng ngực của những người lính hay những tên du đãng. Tôi và lũ bạn sinh viên vẫn coi đó là một trò cười, một màn trình diễn “cải lương“, cường điệu, tình cảm thấp kém về văn hoá ! Chẳng hạn, xâm một bà già lụm khụm bên giòng chữ “ Xa quê hương nhớ mẹ hiền “. Hay một trái tim rướm máu kèm theo lời than trách :“ Này em yêu ! Xin đừng làm tim anh tan nát !“ . Hay một ngôi mộ với giòng chữ bi thương “ Em chết tôi xây mộ, tôi chết ai là người an táng cho tôi ?“..v..v..và ..v..v...

Nhưng khi có dịp gần gũi họ, nghe họ tâm sự về những vết thương, nỗi buồn ẩn chứa trong các hình xâm, câu viết rất “sến “đó, hay chứng kiến sự mong manh của cuộc đời họ trong chiến tranh.... Tôi không bao giờ mang cái “cải lương “ đó ra làm trò vui đùa nữa mà ngược lại trong lòng tôi chứa đầy cảm giác thân thương , mong được nghe họ kể lể về niềm đau dấu kín trong các “ tác phẩm “ trên thân thể họ.

Tối hôm đó, trong căn lều cá nhân trên bãi tập. Thông kể cho tôi nghe về cuộc tình đứt đoạn ẩn chứa trong hình xâm trên ngực của mình. Sau khi ra khỏi trường Thiếu sinh quân Vũng Tầu, Thông về nhà bố mẹ tại Pleiku nghỉ phép 2 tuần lễ trước khi theo học khoá hạ sĩ quan tại Đồng Đế, Nha trang . Qua mai mối, Thông quen và yêu thương một cô gái trong buôn làng. Mối tình không có gì trắc trở, những lá thư thắm thiết yêu đương qua đường bưu điện là sợi dây cột chặt họ với nhau . Những lần viếng thăm , chăm nuôi của cô gái vẫn dành cho Thông đều đặn cho đến hết khoá học. Ra trường Thông được chuyển lên sư đoàn 22 bộ binh ở Kontum, cũng là lúc tình yêu mờ nhạt, Thông hoàn toàn không biết lý do . Rồi mối tình thực sự chấm hết khi người yêu im lặng bỏ buôn làng đi lấy chồng. Mang cái cảm giác xót đau bị tình phụ, Thông muốn để lại một dấu tích trên thân thể như nhắc nhở mình đừng quên nỗi đau vì phản bội.

Có lẽ Tài năng đàn hát của Thông mới là cái độc đáo đã ghi sâu vào ký ức bạn bè sâu đậm nhất. Tôi nhớ, hôm đó là đêm giao thừa duy nhất và đáng nhớ nhất trong thời gian quân ngũ ngắn ngủi của tôi. Lệnh cắm trại 100% , chúng tôi không phải đi học bãi nhưng vẫn phải chia nhau ra làm tạp dịch và canh gác doanh trại. Ban đêm, tiểu đội của tôi được phân chia canh gác cho một đoạn tuyến của quân trường . Không biết có phải vì bản chất yêu văn nghệ hay có chủ đích mừng xuân, Thông mang theo cây đàn guitar và xấp nhạc ra tuyến. Thế là chúng tôi đã có một đêm giao thừa đơn sơ nhưng đáng nhớ đầy thi tứ lãng mạn. Với khoảng 4, 5 người chúng tôi quây quần nhau trong ụ gác. Thông vẫn là người chủ quản, đem niềm vui và cả nỗi nhớ của ngày tết cho mọi người. Thông say sưa hát từ bài này đến bài khác. Hình ảnh khuôn mặt xạm đen pha chút khắc khổ của người thanh niên sơn cước trong bộ đồ xanh tác chiến. Ôm chiếc guitar, ánh mắt nhìn bông lung ra khoảng trống bên ngoài, tối đen của ụ chiến đấu,Thông như dìm mình vào chính tiếng hát của mình . Tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn cái đẹp vững trãi, đầy nét phong trần hoà trộn trong vẻ nghệ sĩ của Thông một cách say sưa.

Thông hát rất nhiều , có những bài hát đã làm chúng tôi cảm động chỉ biết im lặng ngồi nghe. Như bài “Phiên gác đêm xuân “ : Khơi dậy nỗi cô đơn, nhớ nhà của người lính chiến nơi chiến trường trong đêm giao thừa. Tiếng súng xa xa vọng lại như tiếng pháo mừng xuân :

Đón giao thừa một phiên gác đêm ,chào xuân đến súng xa vang rền. Xác hoa tàn rơi trên báng súng, ngỡ rằng pháo tung bay , ngờ đâu hoa lá rơi.

..........................

Chốn biên thuỳ này xuân tới chi ? Tình lính chiến khác chi bao người. Nếu xuân về tang thương khắp lối, thương này khó cho vơi thì đừng đến xuân ơi !

Rồi hình ảnh, người lính cô đơn đứng ngẩn ngơ dưới trời mưa, buổi chiều nơi biên giới, không biết đi về đâu. Cái lạnh lùng, ngơ ngác khi nhớ đến người thương mà buông tiếng thở dài, chán ngán với mộng khanh tướng, công hầu trong bài “ Chiều mưa biên giới “:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu ? Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu? Kìa rừng chiều âm u rét mướt, chờ người về vui trong giá buốt, người về bơ vơ !

.............................

Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay ? Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng. Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng , người tìm về trong hơi áo ấm, gợi niềm xa xăm......

Lòng người còn tơ vương khanh tướng , thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi !

Sau ngày mãn khóa Thông trở lại đơn vị cũ, sư đoàn 22 bộ binh, tôi không còn liên lạc hay biết tin tức gì về Thông nữa cho đến cuối năm 1973. Trong lần về Sàigon lo hồ sơ đi Nhật, bất chợt tôi gặp một người bạn cũng trong đại đội 16 với tôi và Thông. Anh ta và Thông được chuyển lên SĐ 22 , cùng đóng ở một đồn sát biên giới Lào Việt. Trong một đêm vào khoảng giữa tháng 3 .1973 đồn bị tấn công và Thông tử trận. Di vật của Thông để lại trong chiếc ba lô là một xấp thư cũ của cô bạn gái viết cho Thông nhiều năm trước, vài tập nhạc, chiếc đàn guitar và một cuốn thơ Nguyên Sa mà tôi viết tặng khi còn học tại Thủ Đức.

Món quà không bao giờ được nhận, người bạn không dấu tích.

Trần văn Chiến một thành viên rất trầm lặng và kín đáo trong tiểu đội. Có lẽ chúng tôi chưa bao giờ thấy anh cười vang hay to tiếng trong tất cả sinh hoạt . Một dạng người chỉ biết im lặng mỉm cười đứng ngoài nhìn người khác ồn ào, kích động hơn là nhập cuộc. Điều mà tôi ngạc nhiên nhất là không biết lý do nào đưa đẩy anh bước vào binh chủng Nhẩy dù, một binh chủng không thích hợp cho dạng nguời nhu mì, nhỏ nhẹ như anh. Chiến thua tôi 2 tuổi nhưng đã có gia đình và 2 con nhỏ. Ba của Chiến và 2 cô em gái và cả vợ của Chiến đều học hành đến nơi đến chốn và làm nghề giáo trong Sàigon. Chiến học hành lết bết , chỉ xong bằng trung học và bị động viên và xung phong vào sư đoàn Dù .

Trong những lần về Saigon ứng chiến, tôi có đến nhà Chiến vài lần ở khu Tân Định. Ngay khi bước vào căn nhà , tiếp xúc với đại gia đình của Chiến, tôi không thể tin được sự khác biệt hướng đi của Chiến với tất cả mọi người trong gia đình. Trong một lần ngồi với nhau bên ly cafe, Chiến tâm sự :

- Cái sai lầm của bố mẹ tôi là đã định hướng cho tôi quá kỹ lưỡng, ngay từ khi tôi còn là một đứa bé tiểu học. Dù bố tôi là một nhà giáo nhưng ông quên một điều, tôi là đứa con có cá tính, khác hoàn toàn với các cô em gái của tôi. Tôi không muốn bị ai xếp đặt dù người đó là ông bố mà tôi kính sợ. Cuối cùng tôi đã theo bạn bè để rời xa cha mẹ tìm những cái kích động cho riêng tôi.

Mãn khóa sĩ quan, Chiến cũng như các người khác , anh trở về binh chủng nhẩy dù nơi mà anh đã phục vụ trước kia. Thỉnh thoảng anh và một vài người bạn cùng đơn vị tạt vào Cần Thơ thăm tôi. Chúng tôi lại có dịp ngồi quanh bàn nhậu hay quán cà phê trên bến Ninh Kiều để nghe chuyện chiến trường . Môt lần vào khoảng cuối năm 1973, sau mấy ngày cuối tuần rong chơi ở Sàigòn, tôi trở lại Cần Thơ , cô thư ký cho biết có 2 người nhẩy dù đến thăm tôi nhưng không gặp. Tôi chỉ nghe thoáng qua, vì chuyện bạn bè đến kiếm tôi gần như rất thường xẩy ra, họ đến không gặp rồi họ ra đi. Nhưng sau đó vài tuần tôi lại có dịp lên Saigòn, ngẫu nhiên tôi gặp Chiến trên phố. Kéo nhau vào cà phê , lúc đó tôi mới biết người đến Cần thơ tìm tôi là Chiến và người lính phục dịch ( anh gọi là thằng Robert !) . Tôi còn nhớ nụ cười mỉm kèm theo câu nói có chút dí dỏm của anh :

- Đúng là xui xẻo ! Hôm đó mình rỗng túi, bụng đói meo, lết bết đến tìm cậu mong “ăn chực “ và xin tiền cậu mua vé xe đò về Saigon, nhưng không gặp !

Ngỡ ngàng, có chút ân hận, tôi nói vài lời xin lỗi và hỏi Chiến về cái túi rỗng thì làm sao Chiến no bụng mà về Saigon được. Vẫn nụ cười mỉm đùa dỡn, trên khuôn mặt khá điển trai , bình thản anh trả lời, không có tí gì cay đắng:

- Thì lại nhờ thắng Robert chây mặt ra xin xỏ tụi lơ xe đi ké về Saigon chứ sao ?!Còn cái đói thì có chết đâu mà lo !

Nghe bạn nói, như một chuyện đùa dỡn đã qua, nhưng tôi vẫn có cảm giác chỉ vì mình mà bạn phải làm cái trò không vui đó. Đưa tay vỗ nhẹ vai Chiến tôi nói rất chậm :

- Xin lỗi cậu , lần này về lại Cần thơ tôi sẽ đưa cho cô thư ký vài trăm , bất cứ lúc nào cậu đến thăm mà không có tôi. Khỏi cần cậu nói gì, cô ta sẽ tự động đưa cho cậu. Ít nhất món tiền đó đủ chi cho bữa cơm bình dân và tiền vé xe về SG ... !

Chiến cười ( vẫn kiểu cười mỉm, têu tếu cố hữu ), hứa chắc chắn sẽ đến để nhận món quà đó ! Nhưng cho đến đầu năm 1974 tôi chuẩn bị xa VN. Món quà vẫn y nguyên, Chiến không đến nhận như đã hẹn. Rồi bận rộn với giấy tờ tu nghiệp, tôi chẳng còn bụng dạ nào nghĩ đến món quà đó nữa! Mãi sau này , năm 1988 trong lần về VN rong chơi, chợt nhớ đến Chiến, với khá nhiều công sức dò hỏi tôi tìm được căn nhà của gia đình Chiến ở Đa Kao. Căn nhà gạch 3 tầng khang trang vẫn còn đó, nhưng chủ nhân hoàn toàn xa lạ. Qua vài người hàng xóm họ cho biết đầu năm 1975 Chiến bị mất tích trên chiến trường miền trung. Vợ con và bố mẹ Chiến đã vượt biên, hiện đang định cư tại Mỹ. Rồi cũng lần về VN năm 1988 đó, tôi tạt xuống Cần thơ gặp lại một số người quen , trong đó có cô thư ký. Cô ta cho tôi biết món quà vẫn không có ai nhận ! Tôi cười, có chút buồn bã trả lời cô ta :

- Nó là món quà sẽ không bao giờ có người nhận !

Một đám cưới với một tuần trăng mật không chân dung

Với nhiều năm làm việc và sinh sống ở Cần thơ, tôi đi gần như hầu hết các tỉnh thành và thị xã của đồng bằng sông Cửu Long, nhưng có lẽ Mỹ Tho là một trong vài thành phố tôi yêu thích nhất. Một thành phố cất giữ khá nhiều dấu tích và kỷ niệm của tôi trong những năm còn sống ở VN. Ngày đó, mỗi khi có dịp từ Cần Thơ về SG rong chơi hay công việc, tôi thường dành thời gian tạt vào Mỹ tho, nhiều khi chỉ để ăn một bữa cơm trưa hay tô hủ tíu trong nhà hàng nổi hay đi dạo dọc công viên Lạc Hồng gần trung tâm thành phố.

Mỹ Tho càng gần gũi, yêu kiều với tôi hơn khi tôi quen biết Thanh, một người bạn cùng tiểu đội và cũng là dân chính hiệu của thành phố Mỹ Tho. Thanh kém tôi 2,3 tuổi, trước khi theo học Thủ Đức khoá 1/72 Thanh là một trung sĩ nhất Địa Phương Quân thuộc tiểu khu Sa Đéc, vì vậy sau khi ra trường anh cũng như mọi người khác phải trở lại đơn vị cũ. Dù Sa Đéc gần với Cần thơ hơn Mỹ Tho nhưng tôi chưa một lần nào đuợc tiếp đón anh tại Cần Thơ. Nguợc lại tôi đã nhiều lần đến Mỹ Tho gặp anh và thăm gia đình, ba mẹ của anh. Tình thân của tôi và gia đình anh khá tốt, nhờ họ mà tôi biết khá nhiều về các di tích văn hoá lịch sử của tỉnh Tiền Giang, tôi thường cho họ hạt giống và cá giống do tôi có được từ Cần Thơ. Cũng chính vì vậy đám cưới của Thanh ( hình như vào khoảng tháng 10 năm 1973 ?) tôi đã đến tham dự .

Một đám cưới khá huy hoàng, ăn uống, hát hò kéo dài suốt hai ngày liền, bạn bè cũng như cấp trên cấp dưới trong tiểu khu Sa Đéc đều đến tham dự. Có lẽ vì lý do quân vụ nên anh chỉ được phép nghỉ khoảng một tuần lễ để lo việc lễ hỏi và lễ cưới. Tôi còn nhớ vị Đại uý cấp trên của anh đã hứa trước khách mời và gia đình hai họ là sau đám cưới, anh chỉ phải trở về tiểu khu khoảng một tuần lễ, rồi anh sẽ lại có phép trở lại Mỹ Tho làm một cuộc tuần trăng mật với vợ .

Khoảng hơn một tuần lễ sau đám cưới , trên đường về Saigòn, tôi lại ghé vào Mỹ Tho định mang cho bố mẹ Thanh một số hạt giống hoa và rau cải như đã hứa với họ hôm đám cưới . Từ xa tôi nhìn thấy những dải phướn đám ma treo dọc theo hàng hiên căn nhà khá uy nghi của gia đình Thanh. Cảm giác ngỡ ngàng đã làm đôi chân tôi chậm lại, tôi nghĩ ngay đến dáng dấp già nua của ba mẹ Thanh vì một căn bệnh nào đó mà ra đi. Trong đầu tôi hiện ra những câu chia buồn cho đúng phép. Nhưng khi vừa bước qua ngưỡng cổng căn nhà , nhìn vào căn phòng khách, tôi như muốn quỵ xuống vì không thể tin nổi. Tấm hình chụp Thanh trong bộ quân phục xanh với cặp lon chuẩn uý trên cổ áo vẫn còn sáng chói, được để trên bàn thờ khói hương nghi ngút !

Ba mẹ Thanh cho biết, anh trở lại Sa Đéc chỉ được vài ngày, đã lo xong việc mướn nhà gần chỗ đóng quân. Dự định vài ngày sau sẽ về Mỹ Tho để dẫn vợ đi hưởng tuần trăng mật như tính toán rồi sẽ dẫn vợ mới cưới về thẳng căn nhà mới thuê ở Sa Đéc. Nhưng trước một ngày về phép, nơi đóng quân của anh bị pháo kích, không may anh đã tử trận.

Một đám cưới đông vui bè bạn, họ hàng thân nhân. Những ly rượu nồng ấm kèm theo những món quà cưới, lời chúc tụng tốt đẹp cho lứa đôi hoà cùng những câu vọng cổ, những bản nhạc mừng vui trong ngày cưới. Tất cả đã trở thành vô nghĩa trớ trêu trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi, chưa trọn một tuần lễ sau đám cưới . Lời ước hẹn tuần trăng mật để có vài tấm ảnh kỷ niệm ghi dấu niềm vui quan trọng và đẹp đẽ nhất của một đời người, Cuối cùng cũng chỉ là hư ão, một tuần trăng mật không chân dung!

Từ đó tôi không bao giờ liên hệ với gia đình của Thanh nữa. Tôi chẳng còn lý do nào để đến thăm gia đình, bố mẹ Thanh hay mang cho họ những hạt giống hoa, cây cỏ... như lời hứa hẹn nữa. Tôi không muốn việc thăm viếng của mình đào sâu nổi đau khổ của gia đình Thanh. Hãy để cho những u buồn trở về với lặng im , quên lãng !

Có những bất hạnh mà chết đi lại là một giải thoát

Có lẽ Hùng là người bạn có số phận bi đát nhất trong khoá SQ Thủ Đức 1/72 mà tôi được biết . Hùng kém tôi 3 tuổi , sinh viên năm thứ 2 Đại học Luật Sàigòn, vì không qua được kỳ thi cuối năm nên anh bị gọi nhập ngũ. Hùng cũng có sở thích thơ văn nên chúng tôi khá hoà hợp khi tâm sự về những vấn đề liên quan đến báo chí , văn chương. Gia đình ba mẹ Hùng thuộc loại khá giả ở khu Bàn Cờ, mỗi khi tình hình chiến sự bất an, chúng tôi không được về phép vì cắm trại 100% . Hùng luôn luôn được cô bạn gái, bà mẹ và các cô em gái chăm nuôi rất chu đáo. Nhờ vậy đứa con “ bà sơ “ như tôi lại được dịp “ăn ké “!

Ra trường Hùng được chuyển lên sư đoàn 18 Bộ binh ở Long Khánh , từ đó chúng tôi không còn dịp nào gặp nhau nữa . Thỉnh thoảng khi có việc về Sàigòn tôi cũng tạt vào hỏi thăm Hùng qua bố mẹ và các cô em gái. Họ cho tôi biết Hùng có vài lần tạt về thăm gia đình và dẫn bạn gái “ bát Bonard“ nhưng rất vộị vàng rồi đi ngay !

Khoảng một tháng trước ngày đi Nhật, hồ sơ đi tu nghiệp của tôi có chút khó khăn về tờ giấy an ninh quân đội. Đang lúc túng quẩn không biết nhờ vả ai, tôi chợt nhớ có lần Hùng cho tôi biết ba của Hùng là đại uý trong nghành An ninh quân đội . Chẳng còn cách nào hơn, tôi đánh bạo đến nhà Hùng coi như một cuộc tìm may!

Nhưng ngay khi bước vào nhà Hùng. Chưa kịp chào hỏi gì, mẹ của Hùng đã khóc và nói với tôi Hùng bị mìn rất nặng, đang nằm ở quân y viện Cộng Hoà đã gần một tháng rồi. Ngay hôm đó tôi và gia đình Hùng lên thăm Hùng. Lúc nhìn thấy bệnh tình cũng như những kích động về tâm lý của Hùng tôi không thể nói được một lời mà chỉ biết nhìn người bạn mà ứa nước mắt. Trong một cuộc hành quân, đơn vị của Hùng vướng phải mìn giết chết 4 người và bị thương nhiều người khác. Hùng bị đứt hết hai chân đến háng, bộ phân sinh dục cũng bị phá nát! Khi được chở đến quân y viện Cộng Hoà, không biết lý do tâm lý ra sao mà Hùng nhất định đòi gia đình bắt cô bạn gái túc trực săn sóc Hùng và còn bắt gia đình lo chuyện cưới hỏi . Khi tôi đến thăm, Hùng tỏ vẽ nóng giận, nói những lời rất khó nghe và xua đuổi tôi về. Chẳng biết làm sao hơn, bà mẹ và các cô em gái nhẹ nhàng xin lỗi để tôi ra về mang theo dòng nước mắt và cảm giác kinh hoàng còn đọng trong trí nhớ .

Với tình trạng bi thương như vậy, tôi chẳng còn can đãm đến thăm Hùng hay nhờ vả ba của Hùng như dự tính nữa. Nhất là thời gian đó tôi muốn khùng lên, vì phải lo biết bao giấy tờ cần thiết trong khoảng một tháng trời còn lại cho một cuộc ra đi. Sang Nhật được vài tháng , từ một người bạn cho tôi biết sau khi xuất viện, Hùng trở về nhà. Anh như người bất bình thường, chửi bới tất cả mọi người vì mặc cảm tàn phế, nhất là đau khổ vì cô bạn gái không bao giờ đến thăm anh nữa. Rồi một hôm, không có ai ở nhà , Hùng đã treo cổ tự vận !

Tôi đã lịm người khi biết được tin buồn đó, viết liền 2 lá thư về chia buồn với gia đình Hùng nhưng không bao giờ nhận được hồi âm ! Tôi hoàn toàn cảm thông cho im lặng đó. Với nỗi đau mất mát quá to lớn như vậy, chẳng ai rảnh để nghĩ đến chữ lịch sự mà hồi âm cho tôi nữa. Đôi khi tôi tự đặt vào hoàn cảnh bi đát của Hùng, có lẽ nếu đủ can đảm tôi cũng sẽ tìm một giải thoát giống như Hùng mà thôi. Giải thoát cho chính mình và cho cả những người thân thương của mình là điều thực tế nhất. Kéo dài sự sống trong bất hạnh khổ đau chỉ là sự đầy đoạ chính mình, mẹ cha, người thân của mình mà thôi.

Những đoản khúc mới tiếp theo

Cuối tháng 3 năm 1974 hồ sơ tu nghiệp của tôi đã hoàn tất . Cầm chiếc vé máy bay trong tay, nói vài lời từ giã bố mẹ và mấy đứa em, tôi im lặng xách cái túi nhỏ bước qua khu kiểm soát của phi trường để lên máy bay .Ngồi trên máy bay nhìn xuống phía dưới xuyên qua những đám mây trắng lửng lờ bay bên ngoài . Từ độ cao khoảng 8000 mét tôi thấy quê hương mình yên bình qúa, những làn sóng biển lăn tăn tiếp nối nhau di chuyển vào bờ biển miến trung , chẳng có dấu hiệu gì của Việt Nam đang bao trùm bom đạn, chết chóc cả. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được rất rõ, hình ảnh thanh bình đó chỉ là ảo giác do khoảng cách không gian , với 8000 mét trên cao đã tạo ra trong thị giác của tôi mà thôi . Thật sự thì Việt nam vẫn đang ngập trùm trong chiến tranh đã đến đỉnh điểm của chết chóc. Chính vì nhận chân được sự thật như vậy nên tôi vẫn chưa có cảm giác là mình đang trên đường rời xa đất nước.

Nhưng một lúc sau, khi nghe cô tiếp viên của Việtnam Airlines cho biết máy bay chuẩn bị đi vào không gian quốc tế, chúng ta đang bay trên quần đão Hoàng Sa nơi mà Trung Cộng đã dùng vũ lực chiếm đóng! Lúc đó tôi mới thực sự có cảm giác là mình đang trên lộ trình rời xa đất nước. Ít ra , tôi cũng xa VN đang sôi sục đạn bom được 3 năm, khoảng thời gian không dài nhưng cũng chẳng thể gọi là ngắn với một nơi mà người thanh niên vẫn phải dùng đơn vị từng ngày để đo đếm cuộc sống của họ.

Tôi chợt nói nhỏ một câu chào giã biệt Việt Nam ( Good bye Vietnam ) ! Và cũng chính lúc đó tôi chợt nghe thấy bản trường ca của đời tôi vừa chuyển sang một đoản khúc mới. Dù tôi không còn nghe thấy tiếng trống , tiếng phèng la( cymbal), tiếng kèn trompete chối tai trong tấu khúc thúc quân ngoài trận địa. Nhưng tôi vẫn nghe đựợc những tiếng réo rắt của vài loại kèn, sáo mô tả một dạng cực nhọc mới trong đời tôi. Chuyện đèn sách, thi cử lại trở về với tôi kèm thêm việc phải dành dụm tiêu pha để cưu mang cho cha mẹ, lũ em đang réo gọi từ quê nhà.

Nhưng tất cả đã ra ngoài tính toán, gần 6 năm sau ngày rời bỏ quê hương tu học tại Nhật, thời thế đã đổi khác và tôi thực sự đã phải nói câu chào từ biệt Việt Nam và Nhật bản ( Good bye Vietnam & Japan ) để sang Thuỵ sĩ . Bản trường ca của đời tôi lại chuyển sang một đoản khúc mới . Đoản khúc của yên bình và nhàn nhã. Âm vang của những nốt nhạc khi thì cao chót vót, khi xuống thấp tận cùng , đang xen kẽ vào nhau mô tả sự đổi thay dồn dập trong đoản khúc vừa qua trong đời tôi không còn nữa. Nó đã được thay bằng những âm vang trầm êm của cây Đại vĩ cầm hoà hợp với tiếng sáo du dương êm nhẹ diễn tả sự bình thản vui ca trong không gian trong sạch hiền hoà của Thuỵ Sĩ . Trong đoản khúc yên bình đó hình như tôi chợt nghe được tiếng dương cầm phù họa của vợ tôi cùng với vài tiếng vui cười của lũ con tôi trong một ngày Thuỵ sĩ tuyết rơi tuyệt đẹp.

Hết

Lưu An
(Tháng 8 năm 2014)

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.238.150 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...