Tôi sinh ra đời khi Thế chiến thứ hai bắt đầu bùng nổ tại Âu châu. Thế nhưng tại một tỉnh lỵ nhỏ bé tại miền Nam trên quê hương tôi, nơi tôi sinh ra đời, thì người dân vẫn sống yên lành. Thật ra gốc gác của gia đình tôi ở thật xa nơi này, tận miền Bắc. Cha tôi là một công chức trong chính quyền thuộc địa, được thuyên chuyển về cái tỉnh lỵ này một năm trước khi tôi ra đời. Tuy thế, khi lớn lên tôi vẫn cứ xem cái tỉnh lỵ bé tí xíu đó là cả một góc quê hương gần gũi và thân thiết nhất đối với tôi, nơi mà người ta chôn buồng nhau của mẹ tôi và cái cuống rốn của tôi.
Tỉnh lỵ nằm ở cửa một con sông nhỏ, mở ra một vùng biển sình lầy, sau này từng là một trong các cửa ngõ của những người vượt biên, và ngày nay cũng đã trở thành một tỉnh lỵ sầm uất. Thế nhưng cái khung cảnh êm đềm và nếp sống thật đơn sơ của cái tỉnh bé xíu đó của hơn ba phần tư thế kỷ trước vẫn còn in đậm trong ký ức tôi. Tôi vẫn còn nhớ ngôi trường và cả lớp học của tôi. Tôi vừa học hết ‘lớp năm’, còn gọi là ‘lớp đồng ấu’, thì Thế chiến thứ hai lan đến cái tỉnh nhỏ bé đó. Gia đình cha mẹ tôi cùng các gia đình khác ‘chạy giặc’, còn gọi là ‘tản cư’. Mọi người thuê ghe tiến sâu vào các vùng rừng ngập nước và hoang vu, gần biên giới xứ Cao Miên, ngày nay là nước Kampuchea. Tôi biết chiến tranh là như thế nào từ những ngày thơ ấu đó.
Câu chuyện mà tôi sắp thuật lại không nhằm mục đích nêu lên một biến cố lịch sử nào cả, mà chỉ là để gợi lại một vài sự kiện làm bình phong cho một câu chuyện rất riêng tư và giản dị, một câu chuyện về một ngọn đèn dầu. Nói là một câu chuyện, thế nhưng thật ra cũng không hẳn là một câu chuyện, bởi vì các tình tiết nêu lên trong câu chuyện thật hết sức giản dị và tầm thường, một câu chuyện giữa một đứa bé và một người mẹ.
Thời bấy giờ, nơi cái tỉnh lỵ nhỏ bé của tôi, không có nhà nào có điện cả, tối đến phải thắp đèn dầu. Sau bữa cơm chiều, khi trời chập choạng tối thì mẹ tôi thắp một ngọn đèn dầu ở gian nhà trên, cha tôi thường ngồi đọc sách bên cạnh chiếc đèn này. Chiếc đèn có chân cao và ống khói cũng cao, dễ bị lật đổ, bấc bằng vải, đốt bằng dầu lửa, người thời bấy giờ gọi là dầu hôi. Thế nhưng chiếc đèn mà tôi sắp nói đến trong câu chuyện này không phải là chiếc đèn này, mà là chiếc đèn riêng của mẹ tôi.
Lúc trời bắt đầu sụp tối thì lúc nào mẹ tôi cũng có một chiếc đèn bên cạnh. Chiếc đèn này bé tí xíu, mang một cái tên rất ngộ nghĩnh là đèn chong cóc. Tôi cũng chẳng hiểu cái tên gọi chong cóc ấy có nghĩa là gì. Mãi về sau này khi lớn lên, tôi mới hiểu đấy là ngọn đèn của những người dân quê cầm tay ra đồng vào buổi tối để bắt ếch. Chữ chong là tiếng miền Nam, có nghĩa là rọi sáng hay soi sáng. Người đân nơi đồng ruộng miền Nam không nói thắp đèn mà nói là chong đèn. Thật vậy lúc trời sụp tối là lúc mà một số sinh vật rời khỏi chỗ ẩn nấp để đi kiếm ăn, nói lên một sức sống âm thầm và yên lặng, khác hơn với sức sống ồn ào và náo nhiệt của con người và các sinh vật khác, thức dậy giữa ban ngày dưới ánh nắng chói chang.
Lúc trời chiều hay chạng vạng, kể cả những lúc đêm đã xuống hẳn, tôi thường hay đứng trước sân nhà, nhìn những con cóc nhảy chồm chồm, muỗi mòng và đom đóm bay lượn hằng đàn, tiếng ểnh ương ì ọp. Mẹ tôi cấm bước xuống cỏ vì rất nhiều rắn rết. Không một ánh đèn, quang cảnh mờ mờ hiện lên dưới ánh sao đêm, hoặc rạng rỡ dưới ánh trăng vằng vặc vào những ngày rằm. Trong sân có một cây xoài, bên cạnh là một hàng cây cau cao vút, phía sau các cây cau là một con đường mòn cặp theo bờ con sông Cái lớn. Đêm tối có một sức sống của nó. Tiếc thay ngày nay không mấy người có dịp trông thấy cái sức sống trong đêm tối đó của thiên nhiên. Ánh đèn điện sáng choang, cùng mọi thứ ồn ào, từ truyền hình cho đến quán ăn, nhà hát, đã làm mất đi cái thiêng liêng của đêm tối.
Tuy còn bé thế nhưng tôi rất thích ngắm nhìn vạn vật mờ ảo trong bóng đêm. Quay vào nhà thì tối nào cũng vậy, mẹ tôi sau khi dọn dẹp và rửa chén bát và nồi niêu xong, thì bước lên nhà trên, ngồi vào một chiếc chiếu trải dưới đất, khâu vá quần áo cho tôi và hai em tôi, trước mặt là chiếc đèn chong cóc. Thời bấy giờ, người phụ nữ nào cũng biết may vá cả, là con gái thì phải học may học vá với mẹ từ lúc còn bé. Mẹ tôi đưa hai tay kề gần ngọn đèn, luồn từng mũi kim. Bóng hình của mẹ tôi cúi xuống ngọn đèn, hắt lên thật lớn, lung linh trên vách tường màu trắng phía sau lưng. Mỗi lần mẹ kéo sợi chỉ cho thẳng, thì hình bóng cánh tay trên tường cũng đưa cao, chạm lên đến tận trần nhà. Trên tường và trần nhà vào buổi tối lúc nào cũng có những con thằn lằn, người miền Bắc gọi là thạch sùng. Tôi thường nhìn những con thằn lằn rình mồi và bóng hình cánh tay của mẹ trên tường, nhịp nhàng đưa lên và hạ xuống. Thỉnh thoảng bóng hình bàn tay cầm kim của mẹ chạm cả vào một con thằn lằn đang bò trên trần.
Vào các thời kỳ xa xưa đó nhà cửa quét vôi, sơn dầu dường như chưa có hoặc hiếm hoi, mỗi năm thường phải thuê thợ quét vôi trắng trong nhà, tường vách bên ngoài thì pha thêm màu vàng. Bóng dáng mẹ tôi ngồi khâu vá nổi bật trên vách và trần nhà trắng xóa. Ngày nay, khi hồi tưởng lại hình ảnh đó tôi thường nghĩ rằng trong bóng đêm của cuộc sống, mỗi người trong chúng ta dường như đôi khi cũng có thể chợt thấy hiện lên với mình các hình ảnh rất sinh động và rất thật như vậy, thế nhưng đôi khi chỉ vì chúng ta không để ý nên không nhận thấy mà thôi. Bóng dáng hắt lên tường của một bàn tay cầm kim kéo thẳng sợi chỉ cùng với những con thằn lằn bò trên vách tìm mồi, in đậm trong ký ức của tôi. Bóng đêm trong cuộc sống dường như rất thiêng liêng và cần thiết, giúp chúng ta trông thấy cái rạng rỡ của một buổi sáng hừng đông.
Trở lại với thực tế thì sau những năm cả gia đình chạy giặc, sống sợ hãi và gian nan trong rừng, thì người Pháp trở lại Đông Dương. Các cơ quan hành chánh lại được thiết lập trở lại nơi cái tỉnh lỵ nhỏ bé trên bờ của một vùng biển sình lầy đó. Cha tôi thuê xuồng đưa gia đình trở về và tìm lại được chức vụ cũ. Thế nhưng sau đó thì cha tôi xin thuyên chuyển lên Sài Gòn. Chiến tranh không những vẫn tiếp diễn mà còn trở nên kinh hoàng hơn nữa. Các trục lộ bị đào phá, an ninh không có, cha tôi phải thuê thuyền cặp bờ biển đưa gia đình đến tỉnh Kampot của xứ Cao Miên, ngày nay là hải cảng Sihanoukville của nước Kampuchéa. Từ Kampot lấy xe đò đi Nam Vang, ngày nay là thủ đô Phnom Penh, và từ Nam Vang lại lấy xe đò đi Sài Gòn.
Cậu bé nhà quê cảm thấy choáng ngộp trước một đô thị to lớn, ồn ào và tấp nập, nào là xe đạp, xe xích lô, xe thổ mộ chở khách do ngựa kéo, thỉnh thoảng có các xe cá bốn bánh, chở hàng hóa hoặc dọn nhà, do hai con ngựa kéo. Những người buôn gánh bán bưng khắp nơi. Thế nhưng những gì khiến tôi choáng váng và kinh ngạc hơn cả là ánh đèn điện. Lần đầu tiên tôi trông thấy ánh sáng tỏa ra từ nền văn minh và kỹ thuật tân tiến. Cha mẹ tôi mua một căn nhà trong một con hẽm nhỏ. Trên trần nhà lòng thòng một bóng đèn điện, bóng đèn chỉ bằng một quả cam thế nhưng chiếu sáng cả gian nhà trên. Dưới bếp cũng lòng thòng một bóng đèn khác nhưng nhỏ hơn. Thế nhưng ánh sáng tỏa ra từ hai chiếc bóng đèn điện sáng choang đó cũng đã đánh mất đi những gì rất thân thiết với tôi. Ánh đèn mờ ảo và lung linh của chiếc đèn chong cóc hắt lên gương mặt của mẹ tôi, trong lúc mẹ tôi chăm chú luồn từng đường chỉ mũi kim, từ nay chỉ là những gì còn sót lại trong ký ức của tôi mà thôi, kể cả ánh đèn mờ mờ và di động, trong những lúc mẹ tôi lục đục trong bếp, cũng không còn.
Vừa dọn vào nhà mới thì công việc đầu tiên của mẹ tôi là dẫn tôi và em tôi đi học trong một ngôi trường tiểu học bé xíu gần nhà, ngôi trường mang tên là Nguyễn Bá Tòng. Người mẹ nào mà lại chẳng muốn thắp lên một ngọn đèn trong tâm trí của con cái mình. Vị hiệu trưởng đưa một quyển sách tập đọc hỏi tôi từng chữ cái, tôi nói đúng không sai chữ nào, tôi thuộc lòng hai mươi bốn chữ cái, thế nhưng nguyên một chữ thì tôi chỉ đánh vần được một vài chữ dễ. Vị hiệu trưởng nói với mẹ tôi : « Dì ơi, tôi xếp cháu lớn vô lớp tư, bởi vì nó lớn rồi, nếu xếp chung với mấy đứa nhỏ trong lớp năm thì cũng khó coi, nhưng nó phải tự cố gắng thì mới được. Còn thằng em thì tôi xếp nó vô lớp năm. Dì chịu không ? » Mẹ tôi trả lời : « Chuyện đó là tùy Thầy ». Lúc đó tôi lên mười và em tôi thì lên tám. Tôi nghĩ rằng lời nói của vị hiệu trưởng rất đúng, cho đến ngày hôm nay, trong khi viết các dòng chữ này, thì tôi vẫn còn tự mình cố gắng. Chốc nữa nếu muốn đứng lên thì phải chống tay vào thành bàn để lấy đà.
Trở lại với ngôi nhà của cha mẹ tôi, thì gian nhà trên có môt tấm phản lớn, hai cái giường và một chiếc bàn nhỏ giữa nhà, trong hộc bàn mẹ tôi luôn để một ít tiền cắc để các em tôi và tôi ăn quà, và đồng thời cũng là để cho những người ăn xin đi ngang. Đặc biệt hơn cả là trong nhà có một cái tủ đứng khá lớn và khá cao, có hai cánh cửa, một cánh có gương soi. Trên đầu tủ mẹ tôi đặt một bát hương và một chiếc đèn chong cóc. Thế nhưng chiếc đèn cũng chỉ làm vì, mẹ tôi chẳng bao giờ châm một que diêm. Mỗi đầu tháng và ngày rằm thì mẹ tôi bắc ghế trèo lên, cắm một nén hương vào chiếc bình hương trên đầu tủ thế thôi. Duy nhất chỉ vào dịp Tết thì mẹ tôi mới mang chiếc đèn xuống, cơi bấc, châm dầu, thắp lên một đóm lửa, đặt đèn lên chiếc bàn nhỏ, chưng dọn hoa quả và bánh trái cúng ông bà.
Gia đình chúng tôi sống trong khung cảnh êm đềm và giản dị đó được vài năm, trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn khắp nơi trên giải đất quê hương. Thế rồi một hôm, bất thần mẹ tôi ngã bệnh. Cha tôi thường vắng nhà, sau cùng thì đi biệt. Mẹ tôi thường hay khóc, đêm đêm bên cạnh gối có đặt thêm một chiếc khăn, thay vì là chiếc đèn chong cóc. Hơn một năm sau thì mẹ qua đời. Cha tôi trở về, bán nhà, mua một căn nhà khác, mang hai em tôi và tôi về sống với một người dì ghẻ. Câu chuyện chiếc đèn dầu chong cóc chấm dứt ở đây, và thật ra thì câu chuyện cũng chỉ giản dị là như thế.
Nắm lấy hai tay mẹ,
Xương xương từng đốt gầy.
Con nhìn vào mắt mẹ,
Thoang thoáng một vầng mây.
Nắm lấy hai tay mẹ,
Xương xương từng ngón lạnh.
Nhìn vào trong mắt mẹ,
Áng mây trời xanh xanh.
Nắm lấy hai tay mẹ,
Vất vả đôi bàn tay,
Nuôi con từ thuở bé ?
Cả khung trời bao la.
Con nắm hai tay mẹ,
Mẹ nhìn con thật gần,
Hắt hiu trong mắt con,
Xa xôi hình bóng mẹ.
Trong mắt mẹ, ô kìa !
Bùng lên tia nắng ấm.
Âm ấm đôi tay gầy:
Vạt nắng một mùa xuân?
Trong tim con hoa nở,
Đặt vào hai tay mẹ,
Cánh hoa hồng ngày xưa,
Thuở ngày xưa bên mẹ.
Trông kìa, hai tay mẹ,
Phơi áo con trong nắng,
Thoăn thoắt đôi tay gầy,
Giữa trưa hè nắng gắt.
Hiu hắt gương mặt mẹ,
Giọt nước mắt chưa nhòe?
Đáy tim con bật khóc,
Nhạt nhòa một ngày xưa.
Đôi bàn tay mẹ lạnh,
Nhăn nheo mười ngón gầy,
Đáy tim con se thắt,
Giá buốt một ngày đông.
Cặm cụi từng mũi kim,
Âm thầm hình bóng mẹ,
Vá quần con trong đêm,
Bên chiếc đèn leo lét.
Trông kìa, hình bóng mẹ,
Lung linh in trên vách,
Đang nắm lấy tay con:
Hãy ngước lên, này con!
Ngoài kia, trong âm thầm,
Cây cỏ đang đơm hoa.
Hừng đông đang ló dạng:
Xao xuyến một ngày xuân.
Bures-Sur-Yvette, 24.01.25Hoang Phong