Trong thế gian này, chúng ta muốn học một môn chuyên khoa nào cũng đều phải nói đến điều kiện. Học Phật cũng không ngoại lệ, cũng có điều kiện, cổ nhân gọi điều kiện ấy là pháp khí. Pháp khí đó là gì? Chính là bản thân của chính mình. Chúng ta phải lấy bản thân của chính mình làm pháp khí để học Phật thì mới có thể lãnh hội nổi Phật pháp. Chúng ta hãy tự xét xem chính mình có phải là pháp khí để học Phật hay không? Nếu bản thân của chính mình chẳng phải là pháp khí, chẳng phải là công cụ để học Phật, thì dù ban pháp khí có thổi kèn, đánh khánh, gõ mõ, dóng chuông giỏi đến đâu, đối với chúng ta cũng chỉ là vô ích, họ thật sự chẳng thể giúp chúng ta khai ngộ trong Phật pháp. Tỷ dụ, chúng ta muốn có nước thì cần phải có cái bát để đựng nước. Nếu chúng ta dùng cái bát nhỏ thì chỉ có thể đựng được chút ít nước. Nếu chúng ta dùng cái bát lớn thì sẽ đựng được nhiều nước. Cái bát tượng trưng cho pháp khí học Phật, nước tượng trưng cho Phật pháp. Người có pháp khí học Phật lớn sẽ tiếp thu Phật pháp lớn. Người có pháp khí học Phật nhỏ sẽ tiếp thu Phật pháp nhỏ; cho nên trong Phật pháp mới có Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa và Nhất thừa. Nay, chúng ta đem bản thân của mình ra học Phật cũng giống như đem cái bát ra đựng nước, có người đem cái bát nhỏ tí teo ra học Phật, có người đem cái bát thật to lớn ra để học Phật, nên sự tiếp nhận và thành tựu của mỗi người có nhỏ, có lớn khác nhau. Đấy đều là do pháp khí học Phật của mỗi người không đồng giống nhau.
Trong Phẩm Phổ Môn của Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Ngài Vô-Tận-Ý Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát dạo đi trong cõi Ta-bà như thế nào? Vì chúng sanh nói pháp như thế nào? Sức phương tiện của Ngài như thế nào?"
Phật bảo Vô-Tận-Ý Bồ-Tát: "Thiện-nam-tử! Nếu có chúng sanh trong quốc độ nào đáng dùng thân Phật đặng độ thoát thời QuánThế-Âm Bồ-Tát liền hiện thân Phật vì đó mà nói pháp. Nơi đáng dùng thân Duyên-giác đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện thân Duyên-giác vì đó nói pháp. Nơi đáng dùng thân Thanh-văn đặng độ thoát, Bồ tát liền hiện thân Thanh-văn vì đó nói pháp v.v...”
Nói chung, sức phương tiện giáo hóa chúng sanh của Phật, Bồ-tát chính là “Nơi đáng dùng thân nào, Phật, Bồ tát liền hiện thân đó vì đó nói pháp.” Đấy đã nói rõ, sự gia trì của Phật, Bồ-tát đối với một người đều tùy thuộc pháp khí học Phật của bản thân người đó. Tỷ dụ: Nếu có người đem cái bát nhỏ bé tí teo đến trước Phật, Bồ-tát xin bố thí cho thật nhiều nước cam lồ; như vậy có được không? Dẫu Phật, Bồ-tát rất muốn bố thí cho người ấy cả một ao nước cam lồ, nhưng người ấy chẳng có đồ đựng đủ lớn để chứa thì cũng là vô ích. Do đó, chúng ta phải biết, nếu ai có pháp khí học Phật to lớn sẽ tiếp nhận nhiều Phật pháp thâm sâu, vi diệu nhiệm mầu, khiến cảnh giới trí của họ càng thêm tăng thượng. Nếu ai có pháp khí học Phật bé tí teo thì chỉ có thể tiếp nhận được một tí Phật pháp mà thôi. Nói cách khác, mỗi người tương xứng với khả năng nhận lãnh Phật pháp khác nhau vì pháp khí học Phật của mỗi người chẳng giống nhau.
Khi xưa, Ngài Vô Hà Đại sư trú ẩn một mình trong Cửu Hoa Sơn suốt cả một cuộc đời cho đến khi viên tịch, thọ một trăm mười tuổi, mỗi ngày Sư chỉ ăn củ bình tinh sống đào được trong núi rừng, ngày đêm sống trong hang động trích máu của chính mình để viết lại bộ kinh Hoa Nghiêm. Sau khi viên tịch, Ngài để lại nhục thân bất hoại trên Cửu Hoa Sơn. Pháp khí học Phật ấy thật là quá to lớn!
Vào thời nhà Đường bên Trung Hoa, có Ngài Huyền Trang Pháp sư, người đời gọi Ngài là Đường Tam Tạng Pháp sư vì Ngài thông suốt tam tạng mười hai bộ kinh. Đường Tam Tạng Pháp sư đã trải qua mấy mươi năm viễn du từ Trung Hoa đến Ấn độ để thỉnh kinh và nghiên cứu kinh. Sau khi trở về bổn quốc, Ngài từ chối mọi mọi vinh hoa phú quý vua Đường ban thưởng, bỏ hết cả cuộc đời còn lại để dịch kinh. Pháp khí học Phật to lớn đến ngần ấy, ai dám sánh bằng?
Ngoài ra, còn có biết bao nhiêu chư Cổ Đại Đức xuất gia lẫn tại gia cũng có pháp khí học Phật rất to lớn, phàm phu chúng ta chẳng thể nào sánh nổi. Chư vị ẩn mình mấy chục năm, không tiếp xúc bên ngoài, tịnh tâm học kinh, hội tập kinh, dịch kinh và chú giải kinh v.v…, lấy đó làm công cụ giáo hóa chúng sanh. Đây mới là pháp khí học Phật thật sự to lớn trong Phật pháp! Người có pháp khí học Phật to lớn đến dường ấy ắt hẵn được hết thảy chư Phật, Bồ-tát thân cận gia trì, được thấy Phật, Bồ-tát hiện thân vì họ nói pháp. Nếu chúng ta chẳng có pháp khí học Phật gần giống như các Ngài, thì dù Phật, Bồ-tát có ban cho chúng ta thật nhiều Phật pháp vi diệu, liệu chúng ta có tiếp nhận nổi không? Do vậy, chính mình phải là pháp khí thì mới có tư cách học Phật, chớ chẳng phải mỗi ngày cứ chăm lo rèn luyện đánh chuông, gõ mõ, đáng khánh cho thật giỏi, ca xướng tán tụng cho thật hay, rồi gọi đó là pháp khí trong Phật môn. Thật tình mà nói, các pháp khí ấy chẳng thể giúp mình khai ngộ, liễu sanh tử, pháp khí học Phật phải là chính mình tạo điều kiện, phải là tự mình phát huy năng lực để nhận lãnh Phật pháp. Học Phật với pháp khí như vậy mới có thể thành tựu!
Chư Phật, Bồ-tát thích nhất hai loại người học Phật: Một là loại người thượng trí siêng năng cần cù học Phật; hai là hạng hạ ngu. Phật gọi hạng hạ ngu là Anh Nhi, tức là người thật thà, hồn nhiên, vô tư giống như trẻ thơ. Chúng ta thấy Hòa thượng Hải Hiền có giống Anh Nhi không? Hòa thượng Hải Hiền xuất thân bần hàn, không biết chữ nên chẳng thể theo sư phụ học kinh Phật, nhưng Ngài rất vô tư, hiền lành, chất phát, cái gì cũng không chấp, cái gì cũng thấy ngon thấy tốt như nhau, tâm của Ngài trắng sạch như xà cừ, trong suốt như pha lê. Hòa thượng Hải Hiền đúng thật là một bảo bối trong Phật môn trong thời hiện đại, suốt đời chỉ biết niệm một câu A Di Đà Phật, ngoài câu A Di Đà Phật ra cái gì cũng chẳng quan tâm tới. Lúc sanh thời Ngài nhiều lần thấy A Di Đà Phật hiện tướng lành vì Ngài nói pháp. Sau khi vãng sanh Cực Lạc, Ngài để lại nhục thân bất hoại để chứng tín sự vi diệu của pháp môn Niệm Phật. Pháp khí tu hành niệm Phật của Hòa thượng Hải Hiền là một tấm gương sáng lớn cho người đời noi theo tu tập.
Đại sư Liên Trì, Đại sư Ngẫu Ích Đại, Cư sĩ Hạ Liên Cư, Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, Hòa thượng Tịnh Không, Hòa thượng Thích Trí Tịnh v.v… đều là những bảo bối thuộc loại thứ nhất trong Phật môn trong thời cận đại, suốt đời học Phật vì người giảng dạy. Còn Hòa thượng Hải Hiền là bảo bối thuộc loại thứ hai trong Phật môn, thật thà niệm Phật, ngu ngu niệm Phật, chẳng màn đến nhân tình thế sự. Vì sao Phật coi hai loại người này như bảo bối? Vì họ có pháp khí học Phật rất to lớn nên họ học Phật rất mau chóng thành công. Người thượng trí vừa đọc kinh, nghe pháp liền thông suốt, liền hiểu rõ minh bạch, chẳng chút hoài nghi, có thể y giáo phụng hành một cách đúng đắn, chẳng sai lệch. Kẻ hạ ngu biết chính mình chẳng có trí huệ bằng người khác nên rất khiêm hư, rất thật thà, thiện tri thức dạy họ làm như thế nào, họ làm y như thế ấy, họ rất ngoan ngoãn chịu nghe lời và rất ham học. Cả hai loại người này đều là bảo bối trong Phật môn. Còn hạng căn tánh nửa vời chẳng có đủ pháp khí để học Phật thì dù Phật bố thí cho rất nhiều nước cam lồ nhưng chẳng có dụng cụ để đựng, hoặc dù có cũng chỉ là cái bát nhỏ bé tí teo đựng được một tí nước cam lồ mà thôi. Hạng người nửa vời càng học Phật càng sanh thêm lắm thứ phiền não, chướng ngại, vì sao? Vì họ cậy vào cái thông minh thế tục, chẳng cậy vào tâm chân thành, tâm thanh tịnh và tâm bình đẳng để học Phật, nên chẳng lãnh hội được Phật pháp chân chánh. Tục ngữ gọi họ là hạng người “cao với chẳng với tới mà thấp cũng chẳng bén gót.” Lại nữa, những hạng người này thường có quá nhiều ý kiến, nên học Phật mãi cũng không thông, chẳng có thành tựu.
Tục ngữ thường nói: ”Thông minh đâm ra bị lầm lẫn bởi thông minh.” Trong kinh, Phật gọi hạng người thông minh này là thế trí biện thông, tức là hạng người càng học Phật càng tăng lớn thêm tâm tà. Đây là hạng người không có đủ pháp khí học Phật, không có đủ điều kiện học Phật, nhưng lại tự cho mình là tài giỏi, thiện căn hơn người. Trong thời đại hiện tại, loại người thế trí biện thông này quá nhiều, đầu óc của họ chất chứa đầy ắp tà tri tà kiến thì làm sao có thể tiếp thu được Phật pháp chân chánh? Thời nay, tuy chúng ta có rất nhiều phương tiện về mặt vật chất để học Phật như phương tiện lưu thông, tự viện, phòng ốc, chuông, khánh, máy ghi âm, máy phát thanh, máy điện tính, internet, TV v.v…, thứ nào cũng tối tân, thứ nào cũng tốt hơn thời xưa rất nhiều, nhưng nơi bản thân của chúng ta thì chẳng có bẩm tánh thiên chân để học Phật như người thời xưa. Cổ nhân chẳng có nhiều phương tiện học Phật như chúng ta, nhưng các Ngài có bẩm tánh thiên chân để học Phật, các Ngài dùng bản thân của chính mình làm pháp khí chân chánh để học Phật, chẳng cậy vào vật chất bên ngoài, nên các Ngài mới dễ dàng mau chóng thành tựu. Còn chúng ta ngày nay lệ thuộc quá nhiều vào vật chất bên ngoài để học Phật, nhưng học mãi rốt cuộc biến thành một đống phiền não. Người thời xưa sống ở nông thôn, làm việc rất vất vả từ sáng đến tối. Mặt trời vừa mọc lên, liền phải ra đồng làm lụng; mặt trời lặn xuống, liền phải đi nghỉ ngơi cho sớm để chuẩn bị cho một ngày vất vả kế tiếp, trừ chuyện ấy ra, chuyện gì họ cũng chẳng biết, đầu óc của họ rất đơn thuần, nên họ học điều gì trong Phật môn cũng đều dễ dàng tiếp thu. Còn người hiện thời đầu óc quá phức tạp, có rất nhiều ý kiến này nọ, tâm phân biệt chấp trước quá nặng nề, nên tự chướng ngại việc học Phật của mình.
Phật là đấng Phước Huệ Nhị Túc Tôn, tức là đấng phước và huệ đều viên mãn. Chúng ta học Phật là học phước, học huệ giống như Phật. Phật pháp từ đầu tới cuối đòi hỏi phải tu phước, tu huệ. Huệ học từ chỗ nào? Huệ phải học từ Căn Bản trí. Căn Bản trí là gì? Căn Bản trí là Bát-nhã Vô tri, là điều trước tiên phải học. Thế nhưng, thời nay phần đông Phật tử chúng ta lại thích dùng hữu tri để học Phật. Hữu tri là gì? Hữu tri là vọng tưởng điên đảo, chẳng phải là trí huệ chân thật, chẳng phải là pháp khí chân chánh để học Phật. Chúng ta dùng vọng tưởng điên đảo để cầu Phật trí nhất định chẳng thể được. Dù chúng ta có dốc hết tánh mạng để học vọng tưởng đi chăng nữa, cũng đều hỏng bét! Trí huệ chân thật trong Phật pháp là Căn Bản trí. Muốn học Căn Bản trí thì trước hết phải định cái tâm, khiến cho cái tâm đạt đến thanh tịnh, rồi dùng cái tâm thanh tịnh ấy để đọc kinh, nghe pháp. Học Phật như vậy mới có thể khai ngộ. Tâm thanh tịnh chính là pháp khí dùng để học Phật! Nếu chúng ta chẳng có tâm thanh tịnh thì dù nghe kinh, niệm kinh suốt đời suốt kiếp, cũng chẳng thể nào khai ngộ.
Thanh tịnh tâm ví như cái bát sạch, tâm ô nhiễm ví như cái dơ, Phật pháp ví như nước. Tâm càng thanh tịnh bao nhiêu thì sẽ lãnh hội Phật pháp bấy nhiêu. Nếu tâm chẳng thanh tịnh thì chẳng thể nhận lãnh nổi Phật pháp, vì sao? Vì Phật pháp là thanh tịnh nên tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chẳng thể dùng để học Phật pháp được. Thử hỏi, chúng ta có thể dùng cái bát dơ để đựng nước uống được không? Cũng giống như vậy, chúng ta chẳng thể dùng tâm ô nhiễm để học Phật, dùng tâm ô nhiễm để học Phật thì Phật pháp chân chánh cũng biến thành tà pháp. Giác ngộ phải từ trong tâm thanh tịnh phát ra, nếu tâm chẳng thanh tịnh thì chẳng thể giác ngộ. Trí huệ hải lưu lộ từ Chân như Bổn tánh phải sanh ra từ tâm thanh tịnh, lìa hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mới là trí huệ chân thật. Do đó, chúng ta chẳng thể dùng phương pháp thế gian để tu học Phật pháp chân chánh. Phật pháp thế gian có đến vô lượng môn, nhưng Phật pháp chân chánh thì chỉ có một môn duy nhất, đó là tu Nhất tâm thanh tịnh. Làm thế nào mới có thể đạt được Nhất tâm thanh tịnh hay Căn Bản trí? Các tông phái trong Phật giáo tuy dùng rất nhiều phương pháp khác nhau, nhưng nguyên lý và mục tiêu đều giống hệt như nhau, đó là bỏ trừ phân biệt, chấp trước và vọng tưởng. Trong phẩm Nhà Cửa Lầu Gác của kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói, người nơi cõi Cực Lạc tùy theo ý thích có thể dùng một trong các phương pháp như giảng kinh, tụng kinh, thọ kinh, nghe kinh, kinh hành, quán chiếu, tọa thiền để tu Giới-Định-Huệ, nên mau chóng khai ngộ, lần lượt chứng các thánh quả như Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, La Hán cho đến A Duy Việt Trí. Hiện nay, trong Tịnh độ tông, chúng ta cũng áp dùng các phương pháp này, tức là nghe giảng kinh Tịnh độ, kinh hành niệm Phật, tọa thiền niệm Phật, lễ lạy niệm Phật v.v…. để thành tựu Giới-Định-Huệ.
Tục ngữ có câu: “Mất dê mới lo sửa chuồng.” Nếu chúng ta thật sự thấy được chỗ sai lầm trong việc học Phật của chính mình thì mới biết lo chỉnh sửa nó trở lại cho đúng. Trên lẽ thật, học Phật chính là học cách cư xử đối với người, với ta, với vật và với hoàn cảnh nhân sự trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta phải bắt đầu từ đâu để chỉnh sửa? Một mặt nghe kinh, một mặt tu căn bản, tức tu tâm thanh tịnh! Tu tâm thanh tịnh là trong tâm không dấy lên ý niệm phân biệt, chấp trước và vọng tưởng đối với người, với ta, với vật và với hoàn cảnh nhân; kinh Kim Cang gọi đó là lìa bốn tướng: nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả. Đọc kinh, nghe kinh phải tuân thủ đúng nguyên tắc của nhà Phật là nghe hiểu thì rất tốt, nghe không hiểu thì chẳng nghiên cứu, chẳng suy lường thì đó mới là lìa tướng chúng sanh. Vì sao? Vì càng nghiên cứu suy lường bao nhiêu thì càng tăng thêm phân biệt, chấp trước và vọng tưởng bấy nhiêu, dùng cái tâm như thế để nghe kinh sẽ hiểu sai bét, sẽ cách xa Phật pháp. Chúng ta phải biết, Phật pháp chỉ có thể lãnh hội bằng trực tâm, chẳng thể dùng tâm ý thức để hiểu. Tâm ý thức chính là phân biệt, hễ rớt vào trong phân biệt liền rơi vào ý thức, rơi vào ý thức sẽ biến thành tà tri tà kiến. Tà tri tà kiến chính là vọng tưởng chấp trước. Hễ trong tâm có phân biệt thì sẽ có vọng tưởng, chấp trước. Do đó, phân biệt, chấp trước và vọng tưởng tuy ba nhưng thật ra chỉ là một. Cho nên, lúc chúng ta học Phật chớ nên dùng tâm ý thức để suy nghĩ, tư duy, nghiên cứu những thứ được viết trong kinh. Hết thảy các tông phái như Giáo Hạ, Thiền tông, Mật tông, Tịnh độ tông v.v... đều phải tu lìa tâm ý thức giống hệt như nhau thì đó gọi là Một pháp hay pháp Bất nhị.
Tâm ý thức là gì? Chữ tâm được dùng ở đây có nghĩa là vọng tưởng, ý là chấp trước, thức là phân biệt. Lìa tâm ý thức để học Phật tức là lìa phân biệt, chấp trước và vọng tưởng để đạt được nghĩa chân thật của Như Lai. Bài Kệ Khai Kinh có câu: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa” là nói về vấn đề này! Như Lai chân thật nghĩa chẳng thể giảng giải bằng tư duy, suy tưởng, phân biệt, chấp trước mà chỉ có thể giảng giải bằng tâm thanh tịnh mà thôi! Tỷ dụ, chúng ta đem cái bát để đựng nước, nếu cái bát ấy chứa đựng những thứ linh tinh khác thì không thể dùng để đựng nước, chúng ta phải đổ những thứ linh tinh kia ra khỏi cái bát mới có thể dùng nó để đựng nước. Cái bát sạch sẽ trống không ví cho tâm thanh tịnh rỗng không chính là Bát-nhã Vô tri, là Căn Bản trí dùng để nhận lãnh Phật pháp chân chánh. Cái bát chẳng sạch sẽ rỗng không ví cho tâm bất tịnh chứa đựng đầy các thứ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tà tri, tà kiến, chẳng thể dùng để nhận lãnh Phật pháp chân chánh. Chúng ta thử suy nghĩ xem, nếu đem cái bát có dính chất độc để đựng nước thì nước đó sẽ trở thành như thế nào? Nước đó sẽ trở thành thuốc độc giết người. Học Phật cũng giống như thế, nếu chúng ta dùng cái tâm bất tịnh chứa đựng đầy các thứ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tà tri, tà kiến để học Phật thì Phật pháp cũng biến thành tà pháp gây tổn hại đến thân tâm của chính mình và người khác.
Người học Phật đáng quý nhất là ở chỗ lúc nào cũng có thể gìn giữ tâm mình thanh tịnh, rỗng không, chẳng vọng tưởng, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước. Thế nhưng, do tập khí, thói quen từ muôn kiếp trước cho đến nay, mặc dù chúng ta rất muốn gìn giữ tâm thanh tịnh để học Phật nhưng giữ chẳng được, vọng tưởng cứ mãi sanh khởi, tuông trào như thác đổ, rất khó chế phục, huống gì là đoạn trừ hết sạch vọng tưởng. Vì vậy, Tịnh độ tông dùng phương pháp niệm Phật, Mật Tông dùng phương pháp trì chú, Thiền tông dùng phương pháp tham cứu, Giáo Hạ dùng phương pháp đọc kinh để khắc phục vọng niệm của chính mình, khiến cho tâm mình đạt tới chỗ thanh tịnh và bình đẳng. Vì thế, Lục Tổ mới nói: “Phật pháp chỉ là một pháp, không hai.” Nói cách khác, tuy Phật pháp có nhiều pháp môn, nhưng hết thảy các pháp môn đều bình đẳng, chẳng hai.
Trong Vô Lượng Nghĩa kinh, Phật nói: Vô lượng pháp môn, vô lượng nghĩa môn cũng đều từ một pháp này sanh ra. Phật pháp chân chánh chỉ là một pháp bình đẳng, không hai. Tất cả pháp môn giống như những con đường khác nhau dẫn vào thủ đô. Tuy đường vào thủ đô có nhiều nẻo, nhưng thủ đô thì chỉ có một, không hai. Cho nên, phương pháp tu hành chẳng có nhất định, ai thích dùng phương pháp nào thì cứ chuyên tu theo phương pháp ấy, điều chủ yếu là chẳng nên xen tạp. Tỷ dụ, nếu ta đã chọn một con đường nào đó để đi vào thủ đô thì cứ theo con đường đó mà đi, chớ nên cùng một lúc chọn hai, ba con đường để đi mà phải bị lạc vào ngõ cùng. Người đời thường nói: “Chẳng nên bắt cá hai tay,” trong cùng một lúc mà muốn dùng hai tay để bắt hai con cá, rốt cuộc chẳng bắt được con cá nào hết. Tu hành cũng giống như vậy, chớ nên thường xuyên thay đổi pháp môn tu, phải nên giữ lấy một pháp chuyên tu cho đến cùng mới có công phu đắc lực, mới có thể sanh ra tác dụng khiến cho tâm phân biệt, vọng tưởng, chấp trước của chính mình ngày càng ít đi, trí huệ ngày càng tăng trưởng, ắt sẽ có lúc triệt khai triệt ngộ.
Pháp môn nào có thể huấn luyện cho tâm mình trở thành Nhất tâm Bất loạn trong mọi hoàn cảnh sống hiện tại thì pháp môn đó là công phu chân chánh. Thật ra mà nói, công phu thuận tiện nhất cho người thời nay là chấp trì danh hiệu Phật. Khi vọng niệm vừa mới sanh khởi, liền dùng câu A Di Đà Phật đè nén nó xuống, trừ một niệm A Di Đà Phật ra chẳng có niệm thứ hai, cứ niệm lâu ngày như thế tự nhiên sẽ đạt tới Nhất tâm Bất loạn, đó là công phu chân chánh. Đương nhiên đối với người sơ học thì cảm thấy rất khó khăn, vì sao? Vì thành kiến quá sâu, ý kiến quá nhiều, chẳng chịu thật thà buông xuống vạn duyên để nhất tâm niệm Phật. Vì thế, người niệm Phật phải đồng thời niệm kinh Phật trong các thời khóa tu tập với hai mục đích: Một là huấn luyện cho tâm mình trở nên thanh tịnh, Hai là khiến mình hiểu biết lý luận, phương pháp và cảnh giới tu hành của chính mình là gì. Sau khi đạt được hai mục đích này rồi mới có thể khăng khăng một mực niệm Phật mà đạt được công phu chân chánh.
Niệm Phật là đơn đao trực nhập! Tu hành với một mục tiêu, một phương hướng thì cũng giống như là đang dùng một dao chém thẳng tới mục tiêu. Có chém thẳng tới như vậy thì mới có thể niệm Phật tới công phu thành phiến cho đến công phu Nhất tâm Bất loạn. Chúng ta đã tu hành nhọc nhằn, vất vả rất lâu năm như vậy mà tâm vẫn không thanh tịnh, trí huệ vẫn chưa tăng trưởng, chẳng đạt được kết quả mong muốn, thì phải biết sớm quay đầu trở lại bắt đầu học kinh, nghe pháp để hiểu phương pháp rõ ràng hơn. Khi chúng ta thật sự hiểu rõ phương pháp tu hành và thật sự nương theo đúng phương pháp ấy để tu, thì chỉ cần niệm Phật ba tháng để huấn luyện tâm thanh tịnh bèn thấy có kết quả tốt đẹp, chẳng cần phải mất ba mươi năm niệm Phật mà chẳng thấy có kết quả gì cả. Sau sáu tháng huấn luyện tâm thanh tịnh bằng câu niệm Phật bèn có thành tựu, tâm trở nên thanh tịnh, pháp hỷ sung mãn. Cứ tiếp tục tu hành như vậy trong suốt ba năm thì nhân sinh quan và vũ trụ quan sẽ khai mở, trí huệ tăng trưởng, khí chất con người biến đổi, tướng hảo cũng thay đổi khác hẳn lúc xưa. Nếu chúng ta chẳng chịu tu hành đúng như lời Phật dạy trong kinh Vô Lượng Thọ hay Tịnh độ Tam kinh (kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ) thì sau ba mươi năm tu hành niệm Phật vẫn y như cũ, chẳng có tiến hóa gì cả, vẫn còn phiền não một đống, tật bệnh vẫn đầy mình, tướng hảo vẫn ủ rũ, sắc thái vẫn xám xịt như xưa. Thậm chí, có người còn trở nên tệ hại hơn trước, rồi lại còn bị ma dựa nữa chứ! Tu hành Phật pháp suốt mấy chục năm, rốt cuộc bị ma dựa, theo làm con cháu của ma, còn tưởng lầm là mình được công đắc lực, đắc thần thông thấy được ma giới, thì thật là oan uổng quá sức.
Ấn Quang Đại sư suốt đời chẳng lừa dối ai, Ngài đối xử với mọi người bằng một tấm lòng chân thật. Ai theo học với Ngài, Ngài khai thị cho một hồi, rồi bảo trở về nhà mà thật thà niệm một quyển kinh, thật thà niệm một câu A Di Đà Phật, chẳng xen tạp thêm bất cứ một thứ nào khác. Ngài dạy chúng ta cứ giữ thái độ tu tập như vậy suốt cả một đời thì chắc chắn sẽ thành tựu. Như vậy, một dao chém thẳng tới mục tiêu cũng chính là pháp khí chân chánh của người thật thà học Phật!