Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu tập Phật pháp »» Những Chặng Đường Tu Tập »»

Tu tập Phật pháp
»» Những Chặng Đường Tu Tập

Donate

(Lượt xem: 5.316)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Những Chặng Đường Tu Tập

Font chữ:

Đạo Phật như một khu rừng mênh mông rộng lớn đủ làm choáng ngợp bất cứ ai lần đầu tiên tiếp xúc. May thay, đó không phải là một khu rừng nguyên sinh với đầy dẫy hiểm nguy chờ đợi người lạc lối, mà thực sự là một khu địa đàng với vô số kỳ hoa dị thảo cùng những hoa thơm trái ngọt có thể được tìm thấy ở bất cứ nơi đâu. Do vậy, bất cứ ai nếu đã có đủ nhân duyên để một lần bước chân vào “khu rừng đạo Phật” đều có thể nhận được những lợi lạc lớn lao từ thể chất đến tinh thần. Nói cách khác, đó là một môi trường sống lý tưởng cho mọi người, mọi loài, vì nó cung ứng những điều kiện tốt đẹp và hoàn thiện nhất để giúp cho hết thảy mọi nguồn sống đều được nuôi dưỡng trong sự hài hòa san sẻ thay vì là giành giật và giẫm đạp lên nhau như thói quen tự muôn đời của hầu hết muôn loài chúng sinh.

Điều may mắn lớn nhất cho mọi chúng ta là đạo Phật tuy rộng lớn mênh mông và cực kỳ phong phú, nhưng đồng thời cũng là một hệ thống giáo pháp mang đậm tính khoa học và nhất quán. Mỗi một phương thức tu tập được chỉ dạy cho người Phật tử đều có thể được trải nghiệm và kiểm chứng một cách khách quan trong suốt quá trình thực hành. Và chính người tu tập chứ không phải bất kỳ ai khác sẽ nhận chân được những giá trị thực sự của con đường tu tập, thông qua mỗi một chặng đường mà họ đang từng bước vượt qua. Cho dù có rất nhiều phương pháp tu tập khác nhau, được phân chia thành nhiều giai đoạn và thuộc về nhiều tông phái khác nhau, nhưng tất cả những phương pháp ấy đều đạt đến thành tựu thông qua những nguyên lý nhất quán mà khi nhận rõ được thì người tu tập luôn có thể tự xác định được hướng đi đúng đắn cho chính mình.

1. Động lực tu tập

Khi cất bước ra đi trên bất kỳ lộ trình nào, chúng ta đều có một động lực nhất định. Ngay cả những chuyến đi du lịch cũng có thể được thực hiện với nhiều chủ ý khác nhau, như có kẻ muốn thăm thú vùng đất lạ, có người muốn tìm hiểu, học hỏi văn hóa phương xa, lại cũng có những người chỉ đơn giản là muốn được thưởng thức những món ăn ngon của một vùng miền nào đó...

Trong ý nghĩa này, con đường tu tập thật ra cũng không khác mấy. Có bao nhiêu người đến với con đường tu tập là sẽ có bấy nhiêu nguyên nhân, động lực khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh sống và căn cơ riêng của mỗi người.

Tuy nhiên, nếu quan sát một cách khái quát, thì trong tất cả những nguyên nhân, động lực riêng biệt đó, chúng ta vẫn thấy rằng có những nhóm nguyên nhân, động lực chung, có thể dùng để mô tả thích hợp đối với một số những trường hợp gần giống nhau.

Nổi bật nhất trong số đó là những người nuôi chí xuất trần, thật đáng khâm phục kính ngưỡng. Các vị này muốn tu tập cho đến khi thành tựu quả Phật nhằm chấm dứt khổ đau cho hết thảy chúng sinh, không phải riêng vì sự giải thoát của bản thân mình. Đây chính là những “trụ cột tòng lâm” đã giữ vững và phát huy giáo pháp của Phật từ hàng ngàn năm qua. Con số những vị thuộc loại này có thể nói là hiếm hoi như bụi vàng lẫn trong cát sông và không phải thời nào cũng có, nhưng chính họ là những người thực hành đúng lời Phật dạy và truyền bá, khuyến tấn nhiều người khác tu tập.

Có thể thường gặp hơn là những người tu tập vì nhận ra những khổ đau trong cuộc đời giả tạm, nhận ra tính chất vô thường, luôn biến đổi và đi đến suy hoại của mọi giá trị vật chất giữa thế gian. Những người này đến với đạo Phật vì nhận thấy đó là con đường duy nhất để giảm nhẹ và chấm dứt khổ đau, đạt được những giá trị chân thật trong cuộc sống.

Trong số này, lại có một số ít đủ cơ duyên để nuôi chí xuất trần, sống đời xuất gia giới hạnh thanh tịnh, nhưng đa số là những người chưa dứt bỏ được cuộc sống thế tục, vẫn cố gắng học hỏi và áp dụng lời Phật dạy ngay trong cuộc sống ràng buộc với gia đình. Mặc dù vậy, sự thực hành tu tập của những cư sĩ tại gia này chính là bằng chứng cho những lợi lạc của pháp Phật ngay trong thế gian, đồng thời cũng cho thấy rõ việc đức Phật ra đời là vì để giải thoát khổ đau cho mọi chúng sinh, không phân biệt giai cấp, trình độ hay năng lực nhận thức.

Nói tóm lại, như một khách viễn du có thể đặt cho mình một lộ trình xa hoặc gần, với một mục đích cụ thể của chuyến đi và xuất phát từ một động cơ, nguyên nhân nhất định, một người Phật tử khi đến với con đường tu tập theo Phật pháp cũng luôn hướng đến một mục tiêu hướng thượng nào đó và xuất phát từ một nguyên nhân, động cơ cụ thể. Động cơ ban đầu của sự tu tập sẽ tạo ra động lực xuyên suốt trong tiến trình tu tập của một người, thúc đẩy mọi nỗ lực của người đó trong việc đạt đến mục tiêu đã định.

Lấy ví dụ, một người có thể xuất gia vì lòng ngưỡng mộ đối với phẩm hạnh cao quý của một bậc xuất gia mà người ấy có duyên may tiếp cận. Một người khác có thể xuất gia nhờ vào những hiểu biết học được từ kinh điển, sau đó chiêm nghiệm và thấy ra được những lẽ vô thường, khổ đau trong thế gian và mong muốn thoát ra. Lại có những người xuất gia vì có người thân đã xuất gia trước đó khuyên bảo, khích lệ. Trong một số trường hợp, lại có cả những người xuất gia sau một sự biến động lớn trong đời sống, như khổ đau vì tình ái hoặc thất bại trong công việc. Nhiều người chê trách các động cơ xuất gia thuộc loại này vì cho rằng nó làm xấu đi hình ảnh Phật giáo, khiến người ta có thể nghĩ rằng cửa chùa như một nơi trốn chạy của những kẻ thất tình, những người thất chí... Nhưng thật ra cách nghĩ như thế là không phù hợp với giáo lý Phật dạy, bởi vì càng khổ đau người ta càng dễ hướng đến Phật pháp như một phương thuốc cứu khổ, đó cũng là lẽ đương nhiên. Tất nhiên, chúng ta ai cũng ngưỡng mộ hình tượng hào hùng của những bậc “xuất trần thượng sĩ” dứt áo ra đi từ bỏ vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng... Thế nhưng, một người xuất gia sau khi nếm trải những khổ đau của đời sống thế tục cũng vẫn thể hiện một ý chí vươn lên hướng thiện mà không phải ai cũng làm được. Có biết bao nhiêu người đã khổ lụy vì tình ái, nhưng trong số đó liệu có mấy người tìm đến con đường xuất gia, trong khi đa số lại rất thường tiếp tục lún sâu bằng cách đi tìm một cuộc tình khác, để rồi sẽ tiếp tục khổ đau cho đến tận cuối đời.

Sự tu tập trong hàng cư sĩ tại gia cũng vậy. Có những người nhờ thấm nhuần Phật pháp mà phát tâm tu tập hành trì, nhưng cũng có không ít người thực hành tu tập do những động cơ hết sức nhỏ nhoi, hạn hẹp. Chúng ta có thể dễ dàng tìm gặp rất nhiều người Phật tử siêng năng đi chùa lạy Phật, cúng dường, tụng kinh, niệm Phật, nhưng trong sự nhận thức hạn hẹp của họ thì đó chỉ là cách để cầu nguyện cho bản thân và gia đình được bình an, thậm chí là “mua may bán đắt, tai qua nạn khỏi”. Mặc dù vậy, chúng ta không nên xem thường những người Phật tử có hiểu biết kém cỏi này, vì dù sao họ cũng tốt hơn rất nhiều lần so với những kẻ không có duyên may đến với Phật pháp và sống đời buông thả, phóng túng, gây hại cho bản thân và bao người chung quanh. Động cơ của họ tuy có phần hạn hẹp nhưng cũng hoàn toàn không có gì sai trái, và với niềm tin cùng sự hành trì Phật pháp theo nhận thức giới hạn, họ vẫn đang góp phần tích cực của mình vào việc làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, nhờ vào sự hạn chế những việc làm gây hại của họ.

Nói cách khác, những giá trị lợi lạc của Phật pháp không chỉ được phát huy ở những bậc thiện tri thức uyên bác, những vị cao tăng đạo hạnh, mà ngay cả với những người dân quê mộc mạc chất phác không hiểu biết nhiều thì khi đến với đạo Phật, cuộc sống của họ vẫn được đượm nhuần lợi lạc. Điều này cũng tương tự như trong một vườn cây xanh tốt, ngoài những cây trái trĩu quả ngọt ngào thì ngay cả những lùm cây bụi cỏ nhỏ nhoi cũng đều góp phần làm nên cảnh quan tươi đẹp ấy.

Tuy nhiên, điều chắc chắn là những động cơ tu tập khác nhau sẽ tạo ra động lực khác nhau, và do đó sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Những người phát tâm mạnh mẽ, chí khí ngút trời, mục tiêu cao tột thì chắc chắn cũng sẽ có những nỗ lực hơn người, thành tựu vượt bậc. Ngược lại, những kẻ phát tâm nhỏ hẹp, động cơ tầm thường, tuy sự tu tập của họ vẫn mang lại lợi lạc nhưng chắc chắn phải có phần giới hạn trong phạm vi tự lợi mà khó lòng mở rộng trên phương diện lợi tha.

Và nếu phải đúc kết những điều vừa trình bày trên như một nguyên lý chung cho sự tu tập Phật pháp, bất kể là thuộc tông phái nào, bất luận là người xuất gia hay tại gia, thì nguyên lý đó chính là như ngài Thật Hiền đã nói trong bài văn Khuyên phát tâm Bồ-đề:

“... cửa ngõ vào Chánh đạo, sự phát tâm quan trọng nhất; việc gấp trên đường tu, không gì hơn lập nguyện. Nguyện đã lập thành thì có thể cứu độ chúng sinh, tâm đã phát khởi thì quả Phật ắt thành tựu. Ví như không phát tâm rộng lớn, lập nguyện kiên cố, ắt là trải qua vô số kiếp vẫn còn nguyên trong chốn luân hồi...”

Do vậy, người phát tâm mạnh mẽ, kiên cố, rộng lớn thì động lực tu tập cũng sẽ dũng mãnh, kiên trì, bền bỉ. Có như vậy thì mới mong vượt qua được những chặng đường dài để đạt đến sự thành tựu viên mãn, lợi mình lợi người.

2. Giới luật là nền tảng

Khi đã phát tâm tu tập, nghĩa là đã xác định mục tiêu cao quý nhất của đời mình, thì bước đi đầu tiên chính là phải thọ trì giới luật. Giới (戒) hay giới luật là điểm khởi đầu cho mọi người Phật tử, bất kể là xuất gia hay tại gia và cũng bất kể là tu tập theo tông phái nào. Tuy có sự khác biệt đôi chút về giới luật được thọ trì ở các tông phái khác nhau, nhưng sự khác biệt này là rất ít nếu so với những khác biệt về hệ thống luận giải hay các phần giáo lý khác. Do đó, có thể nói giới luật cũng là điểm chung nhất và dễ dàng đi đến một nhận thức nhất quán về tầm quan trọng của nó ở tất cả các tông phái khác nhau.

Vì vậy, cho dù đối với tông phái nào của đạo Phật, giới luật vẫn luôn được xem là nền tảng của sự tu tập. Chúng ta đều biết, một nền tảng vững chãi sẽ cho phép xây dựng trên đó cả một tòa lâu đài nguy nga đồ sộ, nhưng nếu không có nền tảng hoặc nền tảng quá mong manh yếu ớt, thì cho dù một ngôi nhà nhỏ bé cũng không thể nào đứng vững. Trong ý nghĩa này, người tu tập thọ trì giới luật như bước đầu căn bản nhất để thiết lập nền tảng cho sự tu tập dài lâu của chính mình. Nền tảng đó chẳng những cần thật vững chắc ngay từ đầu, mà còn phải luôn được tiếp tục vun bồi, gìn giữ trong suốt tiến trình tu tập để không mai một với thời gian hay bị xói mòn đi vì những sóng gió của cuộc đời.

Giới luật dành cho mỗi tầng bậc tu tập đều khác nhau, khởi đầu từ những điều đơn giản nhất mà bất cứ ai cũng có thể nhận hiểu để thực hiện, như không nói dối, không uống rượu, nằm trong Ngũ giới của người cư sĩ, cho đến những quy định tinh tế và rất khó thực hiện, đòi hỏi một tinh thần buông xả hoàn toàn như điều giới không sở hữu tiền bạc, vật quý, dành cho các vị xuất gia từ sa-di, sa-di ni lên đến tỳ-kheo, tỳ-kheo ni...

Những điều giới đơn giản, dễ thực hiện là nhằm mang tính khả thi đối với tất cả những ai mới bước vào đạo Phật, và những điều giới chi ly, tinh tế hơn là nhằm giúp người tu tập kiểm thúc thân tâm ngày càng toàn diện và vững chãi hơn. Sự khác biệt về công năng cũng như được áp dụng cho những mức độ tu tập khác nhau không có nghĩa là có những điều giới quan trọng hơn những điều giới khác. Thật ra, đối với người tu tập thì tất cả những điều giới đã thọ trì đều có sự quan trọng như nhau. Và điều quan trọng nhất không phải ở nội dung của từng điều giới, mà nằm ở chỗ người thọ giới có nghiêm trì được những điều giới đã thọ nhận hay không. Như trong kinh Đại Bát Niết-bàn, đức Phật đưa ra một ví dụ hình tượng để so sánh rất dễ nhận hiểu. Giống như người đang vượt biển chỉ hoàn toàn dựa vào một chiếc phao nổi, thì việc làm thủng chiếc phao ấy với một lỗ nhỏ như đầu cây kim hay lớn bằng bàn tay cũng đều dẫn đến kết quả như nhau, đó là: phao chìm, người chết. Trong biển khổ luân hồi cũng vậy, người tu tập khi bám vào chiếc phao giới luật thì chắc chắn sẽ được sống sót vượt qua, nhưng bất kỳ một sự khuyết thiếu, vi phạm nào đối với một trong những điều giới đã thọ nhận đều sẽ làm thủng chiếc phao ấy, và kết quả chắc chắn là phải ngập chìm trong biển khổ.

Khi nhận hiểu về giới luật như một nền tảng tất yếu của sự tu tập, chúng ta sẽ thấy rằng bất kỳ pháp môn tu tập nào cũng không thể tách rời giới luật. Cho dù thọ nhận những điều giới nào, bước khởi đầu quan trọng nhất của người tu tập vẫn là phải nghiêm cẩn giữ gìn theo những điều giới ấy. Thành tựu giới hạnh là điều kiện tiên quyết để đưa đến bất kỳ thành tựu tu tập nào sau đó. Do vậy, việc phạm giới cũng đồng nghĩa với một sự thất bại hoàn toàn ngay từ khởi đầu.

3. Định lực là năng lượng

Định (定) có nghĩa là sự yên lắng, dừng lại, an tĩnh, có thể hiểu theo cả hai nghĩa là thân yên và tâm yên. Người tu tập bước đầu thọ trì giới luật chính là để giữ thân yên lắng, dừng lại, không tiếp tục phạm vào những điều xấu ác. Chẳng hạn như giữ giới không nói dối thì miệng dừng lại, không tiếp tục nói những lời sai sự thật, những lời gây tổn hại cho mình và người khác. Giữ giới không giết hại thì thân dừng lại, không tiếp tục làm những điều gây tổn hại đến sinh mạng của chúng sinh. Giữ tròn giới luật thì thân được ngăn giữ, không phạm vào các hành vi gây tạo nghiệp xấu. Một khi thân được kiểm thúc, tâm cũng sẽ nhờ đó mà dần được lắng dịu, dừng lại những suy tưởng vọng động, toan tính, có thể tập trung nhiều hơn vào những mục tiêu tu tập hay pháp môn mà mình đang hành trì, như niệm Phật, trì chú, tụng kinh, ngồi thiền... Đặc biệt, sự thực hành thiền tập có tác động trực tiếp đến khả năng phát triển định lực.

Giới luật do Phật chế định là cả một hệ thống rào chắn hết sức tinh vi và khoa học, giúp ngăn cản hữu hiệu mọi hành vi gây nghiệp xấu ác và khuyến khích phát triển những hành vi hiền thiện. Hơn thế nữa, công năng của việc trì giới còn là giúp cho người tu tập phát triển khả năng kiểm soát thân tâm, khiến cho thân và tâm được ngày càng an định hơn và có thể giữ vững sự an định đó giữa những khuấy động của ngoại cảnh.

Khả năng giữ vững sự an định gọi là định lực. Người giữ giới luật và tu tập đúng hướng thì định lực sẽ phát triển dần qua thời gian. Do vậy, trong kinh luận dạy rằng “giới sinh ra định”.

Định lực là năng lượng cần thiết để người tu tập tiếp tục tiến bước trên con đường hướng thượng. Nhờ có nguồn năng lượng đó mà người tu tập mới có thể vượt qua những khó khăn chướng ngại. Định lực càng cao thì năng lượng càng nhiều, người tu tập sẽ có thể đứng vững ngay cả khi gặp phải những hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn nhất.

Tương tự như giới hạnh, định lực là phẩm tính được xem trọng ở bất kỳ tông phái nào, trong bất kỳ pháp môn tu tập nào. Không có định lực, người tu tập không thể tiến bộ trên đường tu, thậm chí cũng không thể duy trì được dài lâu ý chí, tâm nguyện ban đầu. Do vậy, phát triển định lực cũng là một nguyên lý chung cần thiết trong sự hành trì Phật pháp, được áp dụng cho người tu tập thuộc mọi tông phái, mọi trình độ khác nhau.

4. Trí tuệ là ngọn đuốc soi đường

Nếu như giới luật là bước khởi đầu thì trí tuệ chính là phẩm tính cần thiết để tiếp tục tiến bước xa hơn và luôn đi đúng hướng. Ví như một người đi xa, dẫu có quyết tâm và chuẩn bị đầy đủ hành trang, nhưng khi đã thực sự cất bước lên đường thì cần phải có thêm sự chỉ dẫn chính xác về lộ trình mình sẽ đi qua. Nếu không, mọi nỗ lực có thể sẽ không đưa người ấy đến được nơi cần đến.

Trong Phật giáo, trí tuệ hay tuệ (慧) là một trong những khái niệm khó nắm bắt và dễ gây ngộ nhận. Điều cần lưu ý trước tiên là trí tuệ được đề cập trong Phật giáo không hoàn toàn đồng nghĩa với tri thức hay kiến thức tích lũy từ sự học hỏi qua kinh điển, sách vở. Tuy nhiên, việc tách rời hay phủ nhận hoàn toàn những tri thức loại này và cho đó là “thế trí biện thông” cũng là không đúng. Trong thực tế, trí tuệ của người tu tập trong Phật giáo được nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh trực giác, sự sáng suốt của tâm ý khi thoát khỏi mọi chi phối của những định kiến, thành kiến hay cảm xúc và tác động từ ngoại cảnh, nhưng đồng thời cũng không loại trừ sự học hỏi, tiếp thu kiến thức. Nói cách khác, trí tuệ là sự phát huy khả năng nhận thức thực tại của tâm ý trong điều kiện hoàn toàn khách quan, không bị chi phối bởi bất kỳ yếu tố nào khác, và mọi kiến thức học hỏi được đều phải được sử dụng theo cách hoàn toàn khách quan như thế.

Khi bị chi phối, tâm chúng ta mất đi sự sáng suốt. Điều này có thể thấy ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn, khi nhận xét về một người mà ta rất yêu thích, ta rất khó nhìn thấy những khuyết điểm của họ. Ngược lại, đối với những người ta không thích hoặc sẵn có định kiến thì ta lại dễ dàng nhìn thấy rất nhiều điểm xấu, trong khi không nhận ra được những điểm tốt đẹp mà họ thật có. Tương tự, một doanh nhân khi quyết định ký kết một hợp đồng, nếu bị chi phối mạnh mẽ bởi lòng tham trước những đề xuất lợi nhuận béo bở thì thường rất khó nhận ra những điểm khuất tất, mờ ám, cố tình lừa dối của đối phương...

Người tu tập rèn luyện và phát triển trí tuệ thông qua việc luyện tập một nhận thức khách quan, đúng thật về thực tại, về những gì đang xảy ra trong đời sống. Sự luyện tập này chỉ có thể đạt được hiệu quả một khi chúng ta dần dần dứt trừ bỏ được những sự chi phối của tham lam, sân hận và si mê. Khi làm được như vậy, chúng ta sẽ thấy biết rõ ràng hơn những gì là hiền thiện, những gì là xấu ác, cũng như những gì mang lại lợi lạc chân chánh và những gì sẽ gây ra tổn hại cho mình và người khác. Trong ý nghĩa đó, sự phát triển trí tuệ rõ ràng cũng cần đến những tri thức học hỏi từ kinh điển, sách vở để góp phần giúp ta nhận thức đúng thật về thực tại. Tuy nhiên, nếu chỉ hoàn toàn dựa vào những tri thức kinh viện mà không có sự thực chứng, trải nghiệm từ nội tâm qua tu tập thì nhận thức của ta sẽ không thể nào đạt đến sự đúng thật, “như thị”. Do vậy, một sự phát triển trí tuệ tốt nhất là tiến trình kết hợp hài hòa giữa học hỏi tiếp thu kiến thức và chứng nghiệm tự thân. Thiếu đi một trong hai yếu tố, chuyên cần học hỏi và tinh tấn tu tập, thì rất khó để phát triển trí tuệ.

Nhờ có trí tuệ, người tu tập mới có thể nhận biết đúng về những lợi ích chân chánh mà sự tu tập hành trì mang lại. Và chỉ khi ta nhận biết được như vậy, tiến trình tu tập mới có thể tiếp tục bền bỉ và tiến xa hơn nữa.

Tiến trình tu tập của mỗi cá nhân thường không hoàn toàn giống nhau, mặc dù có thể vẫn đi theo một lộ trình chung nào đó. Sở dĩ như vậy là vì mỗi người có thể gặp phải những chướng duyên khác nhau cũng như có thể khởi sinh những nghi ngại khác nhau trong tiến trình tu tập. Do đó, sự trải nghiệm và vượt qua của mỗi người đều có những khác biệt nhất định so với người khác. Chính vì có những khác biệt như thế trên đường tu tập, nên mỗi người nhất thiết phải rèn luyện cho mình một trí tuệ sáng suốt, để có thể tự biết được phương cách vượt qua những hoàn cảnh khó khăn của bản thân mình, không thể sao chép rập khuôn từ bất kỳ ai khác.

Do vậy, có thể so sánh trí tuệ đối với người tu tập giống như ngọn đuốc soi đường của người đi trong đêm tối. Nó giúp chúng ta có thể tự tin tiến bước mà không sợ vấp phải chông gai chướng ngại hay lạc lối giữa đêm trường. Hơn thế nữa, một người tu tập chân chánh bao giờ cũng phải xem trí tuệ là vị thầy tin cậy nhất. Bởi ngay cả khi chúng ta có duyên may được nghe những lời dạy từ một bậc thầy uyên bác, nhưng nếu tự thân mình không có trí tuệ thì sẽ dễ dàng hiểu sai hoặc thực hành sai những lời dạy ấy. Và điều này chắc chắn không thể quy lỗi cho vị thầy, mà phải thấy rõ chính là do ta đã không có sự tu tập đúng hướng.

Trong một chừng mực nhất định, trí tuệ được phát triển như hệ quả tất yếu của một tiến trình tu tập đúng hướng, như lời chư Tổ thường khái quát: “Nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ.” (Nhờ có giới mà sinh ra định, nhờ có định mà phát triển trí tuệ.) Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển trí tuệ, sự chuyên cần học hỏi từ kinh luận, giáo pháp cũng như từ lời dạy của các bậc thầy, các vị thiện tri thức cũng là yếu tố không kém phần quan trọng. Chính trong kinh điển đức Phật cũng nhiều lần nhắc đến “văn, tư, tu” như ba phần thiết yếu để đạt đến một sự hiểu biết chân chánh. Trong đó, văn (聞) cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ là nghe pháp, mà còn có nghĩa là học hỏi, nghiên tầm kinh điển, giáo pháp. Bởi trong điều kiện chúng ta hiện nay, muốn “nghe” được lời Phật dạy thì không có cách nào khác hơn là đọc trực tiếp từ kinh điển. Tư (思) hàm nghĩa tư duy, suy ngẫm, cứu xét, là tiến trình nhất thiết phải được thực hiện để có thể hiểu đúng, hiểu sâu những gì được nghe. Và cuối cùng, tu (修) hay tu tập chính là tiến trình vận dụng những gì đã nghe, đã hiểu vào sự tu tập của chính mình, để tự thân chứng nghiệm sự đúng đắn, lợi lạc từ đó.

Nếu nhìn theo ý nghĩa của tiến trình này thì khi chúng ta học giới và tìm hiểu để đi đến quyết định thọ giới, đó chính là văn và tư, trong khi việc thực hành trì giới chính là tu. Khi thực hành trì giới, chúng ta tự mình trải nghiệm và nhận ra được những ý nghĩa sâu xa, những lợi ích thực tế của sự trì giới. Chính những hiểu biết thực nghiệm này là nhận thức đúng thật nhất. Và do vậy, chúng ta có thể thấy rằng sự tu tập hay phát triển trí tuệ luôn đòi hỏi cả hai mặt lý thuyết và thực hành. Hơn thế nữa, toàn bộ tiến trình này luôn bao gồm đầy đủ các phẩm tính giới, định, tuệ mà người tu tập đã không ngừng tích lũy và phát triển kể từ khi bắt đầu bước vào con đường tu tập.

5. Sự hỗ tương giữa các phẩm tính

Khi thực sự phát tâm tu tập theo Phật pháp, chúng ta như bước vào một nếp sống mới, bởi khi ấy cuộc sống của ta bắt đầu có sự chi phối của tâm nguyện đã phát khởi. Sự chi phối ấy có thể có những mức độ khác nhau, tùy theo phát tâm ban đầu của chúng ta mạnh mẽ đến mức độ nào, nhưng đó là một sự chi phối có khả năng làm xoay chuyển cuộc đời ta theo hướng tốt đẹp hơn. Theo sau sự phát tâm ban đầu đó, khi thọ trì giới luật chúng ta bắt đầu hình thành một phẩm tính cao quý là giới hạnh. Và nhờ vào sự tu tập tinh tấn cũng như nghiêm trì giới luật, chúng ta sẽ dần dần phát triển khả năng kiểm soát thân tâm và tập trung tâm ý, đó là định lực.

Mặc dù có thể được mô tả theo một tiến trình tuần tự, nhưng chúng ta không nên hiểu về các phẩm tính trên như những chặng đường sẽ lần lượt trải qua của sự tu tập. Bởi vì trong thực tế sẽ không bao giờ ta có thể rời khỏi một giai đoạn này để bước sang một giai đoạn khác như cách hiểu thông thường về một tiến trình với nhiều giai đoạn. Thay vì vậy, tất cả những phẩm tính này sẽ luôn song song tồn tại và có tác động hỗ tương trong suốt tiến trình tu tập. Chẳng hạn, tâm nguyện ban đầu của người tu tập phải luôn được giữ vững và bồi đắp để ngày một kiên cố hơn. Nếu để mất đi tâm nguyện thì người tu tập sẽ không còn động lực để tiếp tục đường tu. Ngược lại, nếu bồi đắp được một tâm nguyện ngày càng kiên cố hơn thì chúng ta sẽ có một động lực mạnh mẽ trong sự tu tập. Nhờ vào động lực mạnh mẽ này, mọi phẩm tính tương quan đều sẽ được phát triển tốt đẹp hơn.

Tương tự, chúng ta sẽ không bao giờ có thể “vượt qua” giai đoạn thọ trì giới luật. Việc trì giới là một cam kết suốt đời, trong giới văn gọi là “tận hình thọ” (盡形壽). Hiểu rộng hơn thì chúng ta không chỉ cam kết thọ trì giới luật trong suốt đời này mà còn là nhiều đời nhiều kiếp, mãi mãi về sau. Do vậy, giới hạnh cũng là một phẩm tính phải được giữ gìn và bồi đắp trong suốt tiến trình tu tập chứ không phải là một giai đoạn tu tập có giới hạn. Và cũng giống như tâm nguyện, sự phát triển giới hạnh sẽ giúp cho các phẩm tính khác được phát triển dễ dàng và mạnh mẽ hơn, bởi vì việc trì giới là điều kiện thiết yếu cho sự tu tập và phát triển bất kỳ pháp môn nào. Một khi đánh mất đi giới hạnh có nghĩa là đã mất đi nền tảng, và không có nền tảng giới hạnh thì chắc chắn bất kỳ công phu tu tập nào cũng đều sẽ nhanh chóng sụp đổ.

Trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật từng dạy các vị tỳ-kheo “hãy lấy giới luật làm thầy”. Điều này đủ cho thấy tầm quan trọng quyết định của giới luật trong sự tu tập.

Định lực cũng là một phẩm tính không thể phát triển độc lập. Chỉ khi giữ trọn được giới luật và duy trì tâm nguyện tu tập, chúng ta mới có thể đạt được định lực qua từng mức độ. Đồng thời, việc phát triển định lực cũng sẽ giúp cho việc trì giới được trọn vẹn hơn, tâm nguyện tu tập ngày càng kiên cố hơn. Như một cỗ máy cần có đầy đủ năng lượng để vận hành hoàn hảo và mạnh mẽ qua thời gian, sự tu tập luôn cần có định lực như nguồn năng lượng để có thể tiếp tục duy trì và phát triển.

Cuối cùng, tất cả những phẩm tính trên đều góp phần làm khởi sinh và phát triển một tâm thanh tịnh, sáng suốt, đó chính là trí tuệ. Trí tuệ ấy sẽ soi rọi, dẫn dắt cho sự tu tập của chúng ta luôn đi đúng hướng và đúng pháp, để chắc chắn mang đến những thành quả thiết thực ngay trong cuộc sống này. Bởi xét cho cùng, tu tập Phật pháp không phải là dựa vào niềm tin để khẩn cầu một sự ban ơn hay cứu rỗi, mà chính là sự vận dụng thích hợp những phương thức sống khôn ngoan và hợp lý để giúp cho đời sống ngày càng tốt đẹp hơn, giảm bớt khổ đau và phát triển một niềm an vui chân chánh.

6. Những chặng đường tu tập

Như vậy, tại mỗi thời điểm bất kỳ trên con đường tu tập, chúng ta thấy rằng những phẩm tính căn bản từ ban đầu vẫn luôn hiện diện và hòa quyện, hỗ trợ lẫn nhau trong suốt tiến trình tu tập của một cá nhân.

Mặc dù vậy, cũng giống như khách bộ hành trên con đường thiên lý, người tu tập Phật pháp vẫn thực sự trải qua những chặng đường khác nhau trên suốt cuộc hành trình hướng đến sự giác ngộ viên mãn. Những chặng đường tu tập ấy thường được nhận biết bởi chính bản thân người tu tập thông qua sự thay đổi về nhận thức và trải nghiệm. Và một lần nữa, điều này cũng mang tính cá biệt ở mỗi người, tuy có những điểm chung về lý thuyết nhưng trong thực tế vẫn luôn “đại đồng tiểu dị”, nghĩa là tương đồng về đại thể nhưng khác biệt khi đi vào chi tiết.

Lấy một ví dụ như đã đề cập ở phần trước, có những người phát tâm đến với đạo Phật sau khi vướng phải khổ đau về tình ái hoặc thất bại trên đường đời. Nhận thức của người ấy khi bước chân vào con đường tu tập thường đơn giản chỉ là để né tránh khổ đau, tìm kiếm một chút an ổn cho tâm hồn sau những vùi dập của cuộc đời. Hơn thế nữa, người ấy thậm chí còn có thể mang theo vào đường tu cả những khổ đau mất mát và phần nào oán hận đối với những ai đã gây ra đau khổ cho mình.

Tuy nhiên, sau một thời gian tu tập đúng hướng, người ấy sẽ dần dần nhận ra được những hạn chế, hẹp hòi và sai lệch trong nhận thức của chính mình. Sự nếm trải những giây phút an vui thực sự trong tiến trình tu tập cùng với một tâm ý ngày càng an tĩnh sáng suốt hơn sẽ giúp người ấy nhìn nhận thực tại một cách đúng thật. Từ đó, những tâm niệm oán hờn sẽ dần dần tan biến và nhận thức về khổ đau cũng thay đổi. Người ấy không còn xem đó là những bất hạnh rủi ro xảy đến cho riêng mình, mà hiểu được rằng đó chỉ là những hệ quả tất nhiên do nghiệp nhân đã tạo. Và nhận thức mới sẽ giúp người ấy cảm thấy nhẹ nhàng thư thái hơn. Sự thay đổi nhận thức này chính là biểu hiện của việc bước sang một chặng đường tu tập khác.

Tương tự, hầu hết chúng ta đều nhận thức về khổ đau như những trạng thái không mong muốn, chẳng hạn như phải xa cách người mình thương yêu (ái biệt ly khổ) hoặc phải đối mặt với kẻ mình căm ghét (oán tắng hội khổ) hay không đạt được điều mình mong muốn (cầu bất đắc khổ) v.v... Tuy nhiên, ở một mức độ nhận thức cao hơn trên con đường tu tập, Tổ Quy Sơn đã thấy rõ là ngay cả trong các cuộc vui cũng đã tiềm ẩn cái khổ, là nguyên nhân của khổ. Trong bài văn Quy Sơn cảnh sách, ngài dạy: “... cứ vậy chạy theo cái vui trong chốc lát, không biết rằng vui đó chính là nguyên nhân của khổ.” Đối với những ai mới bước chân vào con đường tu tập thì một nhận thức như vậy quả thật khó hiểu, nếu không muốn nói là có phần gây sốc. Tuy nhiên, trải qua sự tu tập tiến triển, người tu tập sẽ dần dần tự mình nhận ra được sự thật này. Hết thảy mọi cuộc vui thế gian đều là nguyên nhân dẫn đến khổ đau sau đó.

Nhận thức được sự tiến triển qua từng chặng đường tu tập là một khích lệ lớn lao và sẽ củng cố niềm tin của chúng ta vào những giá trị thiết thực, lợi ích của sự tu tập. Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ có khả năng nhìn nhận một cách cụ thể hơn về con đường tu tập. Đó không chỉ là những đại nguyện lớn lao bao trùm chúng sinh trong khắp pháp giới, mà cũng chính là sự chú tâm nuôi dưỡng niềm an lạc trong từng sát-na của cuộc sống hiện tại này. Đó không chỉ là sự khát khao vượt thoát sinh tử luân hồi trong ba cõi, mà còn là sự nhận biết, từ bỏ dần những thói quen xấu ác, những tâm niệm hẹp hòi, để ngay lúc này đây tâm được rộng mở hơn với lòng vị tha và yêu thương cùng khắp, để từ đó sẽ không còn bị quấy rầy bởi những cảm xúc phiền não nhỏ nhen. Và như vậy, trên con đường dù rất xa đến vô cùng tận, nhưng với từng bước chân đi trong hiện tại ta vẫn luôn nhận biết và thưởng thức được thật nhiều hoa thơm cỏ lạ ven đường.




    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nắng mới bên thềm xuân


Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.183.207 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...