Tỉnh thức trong mỗi giây phút - đó là sự diễn tả rất chính xác về con
đường đi đến giải thoát. Nhưng con đường ấy cũng có thể diễn đạt bằng
nhiều cách khác nưa. Đạo, hoặc sự tu tập nói chung, hiểu theo một nghĩa
rộng là trau dồi và nuôi dưỡng những đức tính nào có thể nâng đỡ, dẫn
dắt chúng ta đến giải thoát. Trong tiếng Pali có danh từ parami
(ba-la-mật) nói đến mười đặc tính thiện mỹ trong tâm và những năng lực
tích lũy mà chúng có thể đem lại là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh
tấn, thiền định, bát-nhã, phương tiện thiện xảo, nguyện, lực và trí tuệ.
Trong Phật giáo ít khi tìm thấy danh từ ân sủng. Điều này khiến ta phải
xét lại ý nghĩa của nó, mà cách hay nhất là nhìn lại kinh nghiệm của
chính mình. Tôi cảm thấy rằng các ba-la-mật có một ảnh hưởng rất lớn và
rất tương xứng với ý niệm về ân sủng hay tha lực. Đây không phải là một
chủ thuyết thần học hay một ý niệm huyền bí nào hết, mà chính là những
gì ta có thể thực sự cảm nhận và biết được.
Ý niệm về ba-la-mật gợi tôi nhớ đến một câu thơ của Dylan Thomas: “Một
năng lượng chạy qua dây điện xanh chuyển hóa những bông hoa.” Ba-la-mật
không đến từ bên ngoài chúng ta. Thật ra, chúng phát xuất từ những hạt
giống thanh tịnh mà ta đã tích lũy lâu đời. Người Phật tử bao giờ cũng
hiểu rang khi nương tựa vào một quyền lực siêu nhiên, điều đó không nhất
thiết có nghĩa là phải dựa vào một nhân vật siêu hình nào đó. Thật ra
thì nó có nghĩa là chúng ta đang nương tựa vào những năng lực thanh
tịnh, mặc dù chung nằm bên trong nhưng vẫn hiện hữu bên ngoài cái ngã
nhỏ bé của ta. Và đó mới chính là nguồn gốc của những ân phước và tha
lực trong cuộc đời.
Suốt hành trình tiến hóa dài đằng đẵng của ta trong đời này, và có lẽ
trong nhiều đời trước nữa, ta đã tích tụ được những năng lượng thanh
tịnh trong tâm mình. Năng lượng ấy là do kết quả của những hành động từ
ái, của sự hiểu biết thâm sâu, của tuệ giác. Dần dần, chúng biến thành
sức mạnh của nghiệp báo, có khả năng mang lại những may mắn trong đời
ta. Thế nên, chính sự tu tâm chứ không phải do bất cứ một động lực bên
ngoài nào đã mang lại ân phước cho đời ta. Hãy phát triển và củng cố
những ba-la-mật trong ta, và rồi một ngày ta sẽ hưởng được những hoa quả
an lạc của chúng.
Galway Kinnel có viết một bài thơ diễn tả được ý niệm về một tha lực bắt
nguồn từ nội tâm này thật đẹp:
Thánh Francis và hạt giống
Một mầm non
nhưng tiềm chứa tất cả,
cả những gì không bao giờ nở hoa, kết trái,
cả những gì nở hoa, từ bên trong, nhờ biết tự thương yêu.
Mặc dù đôi khi cũng cần thiết
dạy cho một vật biết được vẻ đẹp của chính nó,
đặt bàn tay lên chân mày
một đóa hoa
và dùng ngôn từ kể cho nó biết rằng
nó rất đáng yêu
cho đến một ngày nó lại nở hoa từ bên trong,
nhờ biết tự thương yêu;
Cũng như thánh Francis
đặt bàn tay lên vầng trán nhọc nhằn
cua hạt giống, và nói cho nó nghe bằng hành động và ngôn từ
về sự thương yêu bảo bọc của đất, và hạt giống
tưởng nhớ lại suốt thân dài,
từ cái mõm đầu thấm nhuần trọn vẹn đất lành
qua những rơm rạ, phân bón, đến phan đuôi xoắn tít tâm linh,
từ những chiếc gai nhọn cứng nhô ra từ xương sống
thông xuống một trái tim to rạn nứt
đến một màu tuyền xanh sữa đục mờ ảo rùng mình phun ra
từ mười bốn đầu núm vú trong mười bốn chiếc miệng bu mút
nằm phía bên dưới:
một hình thể dài và vẻ đẹp tuyệt vời, của hạt giống.
Tự do không thể nào tìm thấy được trong sự nhỏ nhoi và hạn hẹp của chấp
ngã. Giáo pháp của Đức Phật đã đánh thức ta dậy để nhìn thấy một thực
tại cơ bản khác hiện hữu bên ngoài cái ngã ấy. Khi những ba-la-mật được
phát triển bằng sự tu tập - cũng như đã được nuôi dưỡng qua nhiều đời,
nhiều kiếp - chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự phát sinh của dhammoja,
tieng Pali có nghĩa là tinh túy của đạo pháp.
Trong những trạng thái thiền quán sâu thẳm, chúng ta sẽ có lúc thoát ra
ngoài thế giới của ý niệm và bước vào dòng năng lực của chánh niệm.
Dhammoja chính là dòng năng lực ấy, nó lúc nào cũng đưa đẩy ta tiến đến
giải thoát. Nó là một cái gì vĩ đại to tát hơn là cái ngã nhỏ nhoi giới
hạn.
Trong thời gian tu tập ở Miến Điện, tôi đã có dịp kinh nghiệm được
dhammoja này thật mãnh liệt. Lúc ấy tôi mới đến Á châu được vài tháng.
Tôi bị sụt cân và sức khoẻ sa sút rất nhanh. Có lần tôi yếu đuối đến độ
trong khi đang ngồi thiền thì bị ngã nhào. Mặc dù trong lúc sức khoẻ suy
yếu đến thế, năng lực của dòng chánh nhiệm trong tâm vẫn duy trì vững
mạnh và sự thiền quán của tôi vẫn tiếp tục tiến triển tốt đẹp. Lúc đó
dường như không có bất cứ một việc gì có thể ngăn chặn được đà tiến ấy.
Kinh nghiệm này làm tôi nhớ đến câu chuyện về Đức Phật khi ngài viếng
thăm những người bệnh hoặc kẻ hấp hối. Ngài thường khuyên họ: “Dù cho
thân của ông có yếu đuối và bị nhiều đau đớn, hãy luôn giữ cho tâm được
tỉnh giác và có chánh niệm.” Một lần nếm được mùi vị của dhammoja rồi,
tôi hiểu rằng mình thực sự có thể thực hành được những gì Đức Phật dạy!
Ý niệm về tha lực cũng được bắt nguồn từ quan điểm Phật giáo cho rằng có
nhiều chúng sinh hiện hữu trong những thế giới khác. Theo nền văn hóa
Phật giáo cổ truyền, người ta tin rằng trong những cõi cao hơn thế giới
loài người còn có chư thiên hay deva, có thể giúp đỡ, bảo vệ và hướng
dẫn ta trong những hoàn cảnh khó khăn. Đức Phật dạy rằng, chư thiên giúp
chúng ta qua sức mạnh những hạnh nguyện và lòng từ ái của chính chúng
ta. Khi ta trau giồi và tôi luyện những giới đức và tình thương của
mình, tức là ta đang mở rộng để đón nhận những năng lực tốt lành và sự
giúp đỡ của các vị ấy.
Tin hay không tin vào vũ trụ quan của Phật giáo là tùy ở bạn. Vấn đề
giải thoát của chúng ta không hề tùy thuộc vào ngoại vật. Bạn vẫn có thể
đạt được giải thoát viên mãn cho dù bạn có tin vào sự hiện hữu của các
chư thiên hay không. Nhưng theo lời Coleridge thì ta có thể chọn một
thái độ khôn ngoan là: sẵn lòng tạm hoãn lại sự nghi ngờ của mình. Liệu
chúng ta có nên cởi mở đối với yếu tố có thể có của những việc mình chưa
hiểu rõ mà không quá bất tín hoặc cuồng tín hay không? Ngày nay có những
chuyện ta cho là thông thường nhưng khoảng trăm năm trước đây vẫn được
xem là những phép lạ!
Mặc dù những tha lực tiềm ẩn ấy, khi gặp điều kiện thuận lợi, cũng có
thể giúp đỡ ta, nhưng chúng không bao giờ có thể thay ta hoàn tất công
việc tu tập. Sự giúp đỡ bên ngoài, như chư thiên chẳng hạn, chỉ là phụ
thuộc so với công năng tu tập của chính ta, tức những năng lực giải
thoát do dhammoja và các ba-la-mật mang lại.
Quán niệm về những ba-la-mật trong ta cũng có thể là một trợ lực lớn cho
sự tu tập. Vì sức mạnh của vô minh quá to tát nên đa số chúng ta ít ai
tin vào khả năng giải thoát khổ đau của chính mình. Ta không bao giờ dám
nghĩ rằng tâm ta lại có thể thanh lọc được hết tham, sân, si. Chỉ nhờ sự
tích lũy lâu dài của các ba-la-mật mà ta mới có thể bước vào con đường
tu tập, có đủ nghị lực và sự ham thích để tiếp tục hành trì công việc
khó khăn nhưng tột cùng giải thoát này. Biết trân quý những ba-la-mật
đang có trong ta sẽ làm phát khởi sự tự trọng và niềm an lạc. Nhiều khi,
giữa những nổi trôi thăng trầm của sự tu tập, ta lại quên đi sức mạnh vô
cùng của những ba-la-mật ấy đang có mặt trong ta. Và bạn hãy nhớ điều
này, chỉ có những ba-la-mật ấy mới thực sự là nguồn gốc của mọi ân sủng
trong đời ta.