Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Nghe “Xuân Hành” của Phạm Duy, Suy Nghĩ về “Người Là Ai” »»

Tùy bút
»» Nghe “Xuân Hành” của Phạm Duy, Suy Nghĩ về “Người Là Ai”

Donate

(Lượt xem: 7.410)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Nghe “Xuân Hành” của Phạm Duy, Suy Nghĩ về “Người Là Ai”

Font chữ:

Nhạc sĩ Phạm Duy là một thiên tài. Rất hiếm hoi để có một tài năng như thế. Tôi đã nghe nhạc Phạm Duy từ thời mới lớn, qua nhiều thể loại nhạc, phần lớn thời xa xưa là nghe qua các làn sóng phát thanh tại Sài Gòn, và rồi nghe qua băng Cassette – đó là những năm chưa có máy truyền hình màu, và dĩ nhiên là rất xa với kỷ nguyên Internet bây giờ. Chỉ gần đây, nghe được ca khúc “Xuân Hành” qua CD Phạm Duy Hát Vào Đời trong đó gồm 10 ca khúc do ca sĩ Bích Liên chọn và hát. Tôi không biết rằng việc mưu sinh bằng nghề bác sĩ của chị Bích Liên có ảnh hưởng gì tới việc chọn lựa nhóm ca khúc này từ cả ngàn ca khúc của Phạm Duy hay không, nhưng tự nhiên một bài trong CD lưu mãi một câu hỏi trong tôi, và nhiều ngày đầu mới nghe, tôi cứ nghĩ rằng ca khúc đó có tên là “Người Là Ai” – nhưng đó là nhớ nhầm, nhan đề đúng của ca khúc đó là “Xuân Hành”…

Ngay từ dòng nhạc đầu tiên, sức mạnh của chữ “ai” đã chụp lấy suy nghĩ của tôi:

Người là ai, từ đâu tới
và người ơi, người sẽ bước chân về nơi nao?

Tôi đã sống với chữ “ai” nhiều năm từ thời mới lớn ở Việt Nam. Mở bất kỳ Kinh Phật nào ra, trong nhóm chữ đầu tiên luôn luôn có chữ “vô ngã” – tức là, không hề có cái gì gọi là ta, người, hay ai đó; tức là, sự thật hãy thấy rằng không ta, không người, không ai. Trong các công án thường gặp cũng là những câu hỏi: Ai niệm Phật đây? Ai lôi cái xác sống này đây? Trước khi cha mẹ sinh ra, ngươi là ai? Và tương tự… Nhưng lần đầu khi nghe ca khúc Xuân Hành của Phạm Duy, tôi kinh ngạc khi câu hỏi này được nêu trong âm nhạc như thế.

Kho tàng âm nhạc Phạm Duy là một ngọn núi khổng lồ, với bóng mát trải dài trên nhiều lối đi. Các nhạc sĩ đi sau sẽ có một hành trình gian nan, khi phải sáng tác nhạc khác đi và phải bước chệch ra khỏi bóng mát của Phạm Duy. Nhưng để bước ra khỏi bóng mát Phạm Duy, không thể không học từ ông. Cũng y hệt như các nhà thơ sau Nguyễn Du, phải học từ họ Nguyễn và rồi phải tìm cách bước đi những lối ngõ khác.

Trong cương vị nhà báo, tôi có cơ duyên phỏng vấn, kết thân, quen biết với nhiều nhạc sĩ trong vùng Nam California. Một lần được tới nhà Phạm Duy ở Midway City để phỏng vấn, khoảng hai thập niên trước, tôi biết thêm một phương diện ít người khác so bằng ông: Nhạc sĩ Phạm Duy đưa tay chỉ về dàn máy điện toán, và dàn âm thanh kềnh càng lúc đó, ông nói là của hãng Apple. Tôi chưa bao giờ giỏi về máy móc, cho nên chỉ gật gù, lòng rất mực thán phục khi thấy nhạc sĩ họ Phạm rất giỏi về sử dụng các phương tiện kỹ thuật mới. Trong khi đó, bản thân mình cũng không biết gì về âm nhạc, và thâm tâm vẫn xem họ Phạm như một nghệ sĩ lớn, nhưng tự nghĩ là không bao giờ có đủ trình độ thẩm âm để đánh giá chính xác ảnh hưởng về nghệ thuật của ông.

Thêm nữa, thật sự là rất nhiều trường hợp tôi tránh né âm nhạc. Vì từ thơ ấu đã mê chữ hơn âm thanh, về sau lại tự nhủ lòng mình phải dè dặt, chớ để đắm say cõi thanh và sắc, trong khi âm nhạc vốn ru lòng người, và các ca sĩ luôn luôn là những giọng ca ngọt ngào đi kèm với nhan sắc tuyệt vời. Mỗi khi nhìn một nữ ca sĩ hát, lòng tôi vẫn tự nhủ rằng ráng đứng cho vững, không thì sẽ tan xương nát thịt. Đó là lý do có những ngày mệt mỏi vì đọc, vì viết… tôi mở YouTube ra xem, chỉ ưa tìm xem các hình ảnh phố chợ quê nhà, hay tìm xem các kỹ năng bóng đá thế giới, và tương tự. Do vậy, bản thân không dám nghe nhạc nhiều, cũng không dám xem phim lãng mạn, vì sợ thấy người đẹp, sợ nghe nhạc hay. Có những bạn đạo nói với tôi rằng họ thích nghe thượng tọa này giảng, ưa nghe ni sư kia giảng. Tôi không dám hỏi về ngờ vực của mình, dựa vào phân tích của một nhạc sĩ: có phải cô này ưa nghe giọng đầy nam tính của thầy kia, và có phải anh này ưa nghe giọng đầy nữ tính của vị ni kia… Đặc biệt là âm nhạc, tôi sợ là mình sẽ rơi vào say đắm cõi sắc thanh… bất kể là trong nghề báo, mình ngồi giữa những người đẹp nhất và hát hay nhất, và cứ phải viết về các hoạt động âm nhạc, ca múa. Kể cả, khi nhạc sĩ Trần Chí Phúc yêu cầu, tôi đã làm thơ thiền cho bạn này phổ nhạc, và lòng vẫn tự nhủ là phải cố gắng trong từng chữ một, không để xa rời chánh pháp.

Nhưng đối với CD Phạm Duy Hát Vào Đời do ca sĩ Bích Liên thực hiện, tôi đã nghe đi, nghe lại ca khúc Xuân Hành nhiều lần. Trong trí nhớ của mình, tự nhiên cứ nghĩ ca khúc này có tên là “Người là ai”… và rồi khi ráng nhớ, mới nhận ra mình nhớ lầm, tên đúng nguyên thủy là ca khúc “Xuân Hành”… Đây là một bài hát kỳ dị, mang đầy sức mạnh, lôi kéo tôi tức khắc vào từng chữ, từng câu, từng âm thanh. Khi thoạt nghe CD, tới ca khúc này (đặt theo thứ tự thứ 10 trong 10 ca khúc của Phạm Duy), tôi muốn bật lên lời nói rằng, bác Phạm Duy tuyệt vời, và tự hỏi sao tới năm 2019 mình mới nghe ca khúc này. Thêm nữa, giọng ca của ca sĩ Bích Liên rất mực hiếm hoi, có thể thích nghi với ca khúc đầy những câu hỏi về Thiền này của Phạm Duy.

Một lời nằm giữa ca khúc “Xuân Hành” thoạt nghe có vẻ kinh dị, nhưng là sức mạnh ngàn cân của sự thật Khổ đế:

Trưa hôm qua còn là người
Đêm hôm nay hồn lạc loài,
thành vị thần hay lũ ma lẻ loi…

Nhạc sĩ Phạm Duy giải thích ra sao về ca khúc này? Trên trang mạng phamduy.com, bài viết “Những Xuân Ca Trong Đời Tôi” ghi lời của nhạc sĩ, trích:

“Mùa Xuân bao giờ cũng làm cho lòng tôi xáo động. Sau bài Lữ Hành có tính chất siêu hình, vào mùa Xuân năm 1959, tôi có soạn một bài hát cũng mang tính chất tâm linh là XUÂN HÀNH. Với bài này tôi muốn trả lời câu hỏi muôn đời: qui es tu? d'où viens-tu? où vas-tu? Cũng là câu hỏi mà tôi luôn luôn tự hỏi.

Tôi cho rằng: Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là người, vừa là thần thánh và ma quỷ, biết thương yêu dai và cũng biết hận thù dài, rất là đắm say ... Nhưng trong khoảnh sống ngắn ngủi này, người phải biết nhìn toàn đời trong từng chớp mắt, phải biết vui biết buồn ngay trong một cơn tim đập, tim ngưng...” (ngưng trích) (1)

Hóa ra, nhạc sĩ Phạm Duy luôn luôn tự hỏi rằng người là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Đó cũng là một bất ngờ, khi người sáng tác cả ngàn ca khúc, nhiều thể loại, nhiều chủ đề, nhưng vẫn giữ trong lòng các câu hỏi cốt tủy nhất của đời người.

Tôi không biết rõ nhạc sĩ Phạm Duy khi viết dòng nhạc trên có nghĩ tới sáu nẻo luân hồi trong cái nhìn nhà Phật, và rằng “thành vị thần” có phải là chỉ cho cõi A tu la hay cõi chư thiên, và “lũ ma lẻ loi” là chỉ cho cõi ngạ quỷ… Nhạc sĩ dĩ nhiên không lý luận, nhưng tôi biết rằng Phạm Duy là một người rất uyên bác, đọc nhiều và đọc kỹ. Tôi nghe CD tới câu nhạc “thuyền theo lái về kiếp cũ” và cảm nhận như đang tràn ngập toàn thân giữa vô lượng làn sóng vô thường của cõi này… Làm sao chiếc thuyền có thể chống cự muôn ngàn lượn sóng để không bao giờ trở về kiếp cũ nữa… Thiên tài âm nhạc Phạm Duy đã đẩy người nghe tới nơi những câu hỏi cốt tủy lắng sâu hơn vào lòng người, vào cõi của băn khoăn, của xao xuyến…

Tới đây, xin mời nghe trực tiếp lời nói của nhạc sĩ Phạm Duy trên mạng

https://youtu.be/oGV8AHpFrjc

và được người viết chép lại như sau:

“Nhân nhà văn Phạm Xuân Đài có viết một bài nghiên cứu nhan đề "Cái Chết Trong Ca Khúc Phạm Duy" đăng trên Tập San Thế Kỷ 21, tôi xin được đóng góp vào sự soi sáng của nhà văn đó bằng một audio CD gồm một số bài hát của tôi nói tới toàn bộ cuộc nhân sinh và nói về cái chết là một hình thái biểu hiện sự sống. Ở VN cũng có nhiều nhạc sĩ của nền tân nhạc cũng đã đề cập tới cái chết, dường như họ đã xem như một chấm hết, một giải thoát, ví dụ như ý “sống để chờ xem có chết không” của Nguyễn Đình Toàn, hoặc “ô hay tại sao ta sống chốn này quay cuồng mãi hoài” của Vũ Thành An, tôi thì nhìn cái chết hơi khác các bạn đó, nhìn nó dưới nhiều góc độ và thấy rằng sự chết đến từ sự sống, cho nên cần nhìn cái chết thật đẹp để mong mỏi tìm được ý nghĩa sự sống. Ngay khi còn trẻ, tuy tôi nói nhiều tới sự sống, như trong Tâm Ca có bài Giọt Mưa Trên Lá đem lại sự sống: một cành củi khô, một tờ lá úa... hay một ngọn gió may... đã tạo nên cuộc đời chung quanh. Nhìn vào cả hai cõi tử sinh, tôi cũng không muốn nhìn vào chuyện eo sèo trước mắt, tôi quan tâm tới cái đẹp của cả hai cõi đó, cái chết đang chờ nơi đầu kia của mỗi người, nào có xa xôi gì trong chớp mắt của thời gian, cái chết đã tới để bắt đầu một chuyển hóa mới, cuộc du hành mới. Trước hết tôi xin mời quý bạn nghe một bài tôi soạn năm 1959 nói tới toàn bộ cuộc nhân sinh, đó là bài Xuân Hành. Nó là sự trả lời câu hỏi muôn đời Người Là ai, từ đâu tới, đi về đâu -- qui es tu? d'où viens-tu? où vas-tu? -- ba câu hỏi từ muôn đời của lòai người, nhưng không bao giờ cũ cả. Vì ngày nào con người không đặt ra những câu hỏi đó về thân phận mình, nghĩa là con người đã dừng lại trên con đường hoàn thiện chính mình. Trong bài Xuân Hành tôi cho rằng người từ lòng người đi ra, rồi sẽ trở về lòng người, người vừa là người, là thần thánh và là ma quỷ. Làm người thì phải biết thương yêu dai và cũng phải biết hận thù dài. Yêu hay ghét cái gì cũng phải rất là đắm say, như trong khoảnh sống ngắn ngủi này, người phải biết nhìn toàn đời trong từng chớp mắt, phải biết vui, biết buồn, ngay cả trong một cơn tim đập, tim ngưng (tới đây, nhạc sĩ Phạm Duy hát để kết thúc audio).”

Cũng nên ghi nhận rằng, thói quen “thương yêu dai và hận thù dài” của chúng sinh luôn luôn là cội nguồn sinh tử luân hồi, nhưng để “hoàn thiện chính mình” trước tiên cần nhìn ra sự thực đó, cội nguồn dẫn tới Khổ đế.

Nơi đây, xin chép lại toàn văn lời ca khúc “Xuân Hành” do nhạc sĩ Phạm Duy hát trong link trên:

XUÂN HÀNH

Người là ai, từ đâu tới và người ơi, người sẽ bước chân về nơi nao?
Người vì sao mà chớm nở, rồi sớm tối, cánh hoa tươi tơi bời theo với những lá úa.
Người là chi? Là cơn gió, là giọt mưa, là cát trắng hay bụi xanh lơ?
Người từ xưa, thuyền theo lái về kiếp cũ.
Người lên xe đi từ hư vô qua hư vô.
Ta ra đi từ lòng người, với tiếng khóc và nụ cười, thương yêu dai, hận thù dài, nuôi đắm say
Trưa hôm qua còn là người, đêm hôm nay hồn lạc loài, thành vị thần hay lũ ma lẻ loi
Mỗi chớp mắt nhìn toàn đời, nuốt thế giới vào lòng rồi
Muôn năm vui ở nửa vời câu hát đôi
Nghe con tim chạy miệt mài, khi tim ngơi nhịp từng hồi
Buồn nghìn đời len giữa cơn đập vui.
Người là ta, một mùa Xuân toả ánh nắng mai
Bước lên đời mang một đôi tình duyên mới
Người là ta, đường nhân ái còn đi mãi mãi
Hết bước Xuân, ta gọi nhau về trong người
về trong người… (hết ca khúc)

Nhà văn Phạm Xuân Đài đã viết gì, để nhạc sĩ Phạm Duy lên YouTube giải thích thêm ở audio trên? Tôi tìm đọc và nhận ra: đó là, viết về cái chết. Trên mạng phamduy.com đăng lại từ Thế Kỷ 21 bài viết “Cái Chết Trong Ca Khúc Phạm Duy” của Phạm Xuân Đài, trong đó có nói về “Xuân Hành” với cách nhìn của Phạm Duy rằng trong chớp mắt là cả sống và chết, trích:

“Khi chúng ta còn nhỏ, sự chết đối với chúng ta là chuyện... của người lớn. Khi vào đời ở tuổi thanh niên thì đó là chuyện của... người già. Chính mình thì chối hết. Nhưng khi bắt đầu vào tuổi già thì như một khả năng tự nhiên, càng ngày ta càng cảm nhận được trong thân tâm mình cái "khả năng chết" một rõ hơn, mãi đến một lúc, hết chối nữa, đành nhận nó là của mình. Nó dần dà, tự nhiên biến thành một phần của sự sống. Phạm Duy là một người hiếm hoi "biết" cái chết, "sống" với cái chết ngay từ tuổi thanh niên. Tại sao? Ðể làm gì? Trong nhân loại, thỉnh thoảng nẩy ra một người có khả năng trình bày hộ cho mọi người khác ý nghĩa toàn bộ cuộc nhân sinh mà thông thường người phàm mắt thịt chỉ thấy rất ngắn, toàn là chuyện eo sèo trước mắt. Chứ sao, phải nói về cái chết chứ, làm sao có sự sống nếu không có sự chết? Cái chết chờ bên đầu kia cuộc đời mỗi người, nào có xa xôi gì, trong chớp mắt của thời gian đã tới nơi, để bắt đầu một chuyển hóa mới, một cuộc du hành mới.” (hết trích) (2)

Minh bạch như thế: cảm nhận về sự chết đã ẩn tàng trong sự sống… Trong khi đó, ca sĩ Quỳnh Giao, cũng là một nhà phê bình nghệ thuật uyên bác, nhận định rằng nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại một thông điệp tôn giáo.

Ca sĩ Quỳnh Giao viết trên Diễn Đàn Thế Kỷ vào năm 2013, bài nhan đề “Ngày Xuân, Nghe Lại Ca Khúc "Xuân Hành" Của Phạm Duy” – bài này cũng đăng lại trên mạng phamduy.com trong đó có ý:

“...Phạm Duy đã dẫn chúng ta vào tác phẩm với lời giới thiệu về câu hỏi muôn đời là người từ đâu tới và đi về đâu. Nhưng trong ca khúc mà cũng là một đời người từ thuở là mầm non chớm nở đến khi trở thành lá úa, ông còn diễn tả nhiều điều khác nữa. Nổi bật trong đó là chữ nhân, hay tinh thần nhân ái là chữ mà ông dùng. Chúng ta sinh ra là từ lòng người với tiếng khóc và nụ cười, với thương yêu và hận thù lẫn đắm say. Nhưng chân lý muôn đời là trưa hôm qua có thể còn là người, đêm hôm sau thì đã thác, có khi là vị thần hoặc một lũ ma lẻ loi....

…Khi liên lạc với chú Phạm Duy - người viết vẫn gọi ông như vậy với sự tôn kính - về bài Xuân Hành, tôi đã lẩm nhẩm hát lại và ngẫm lại rồi nghĩ đến một thông điệp tôn giáo.

Đó là lẽ tử sinh của luân hồi, là ngũ uẩn gồm có sắc-thọ-tưởng-hành-thức. Nhờ sự suy ngẫm đó mình tìm ra một chữ "hành" trong kinh sách nhà Phật. Đấy là ý khác của "hành" trong bài Xuân Hành. Rất đơn giản thì hành động tốt sẽ tạo ra thiện nghiệp để có ngày vượt khỏi lẽ tử sinh. Phải chăng, câu "Đường nhân ái còn đi mãi mãi" của ca khúc nói về một cách sống bất tử? Nếu quả như vậy thì thông điệp này còn sâu xa hơn lời ca trong bài "Đường Chiều Lá Rụng" của Phạm Duy...”(hết trích) (3)

Tới đây, người viết xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn ca sĩ Bích Liên, người đã bỏ ra 2 năm để thực hiện CD Phạm Duy Hát Vào Đời. Nghĩa là, chọn ra 10 ca khúc từ cả ngàn ca khúc, và thực hiện thu âm là một hành trình rất gian nan của chị.

Nhà báo Doãn Hưng trong bài viết trên Việt Báo vào tháng 6/2019, nhan đề “Bích Liên - Người Cầu Toàn Đối Với Âm Nhạc Phạm Duy” kể về CD nhạc này, trích:

“…với CD Phạm Duy Hát Vào Đời. Bạn bè đều biết chị Bích Liên là một người cầu toàn, từ trong lĩnh vực chuyên môn y khoa đến niềm đam mê âm nhạc. Có một lần chị đã nói với tôi rằng hát nhạc Phạm Duy “toàn bích” giống như Thái Thanh là một điều không tưởng. Mà chị cũng chẳng muốn làm điều này. Chị yêu mến, hiểu nhạc Phạm Duy theo cách riêng của mình, và muốn diễn đạt nó bằng tâm tình và giọng hát của chính mình…

…Chị Bích Liên cho biết chị đã hoàn thành 10 bài hát trong CD Phạm Duy Hát Vào Đời trong vòng gần 2 năm. Tôi tưởng tượng ra rằng, trong suốt thời gian đó, chị đã nghiền ngẫm ý nghĩa của từng bài, chọn cách diễn đạt cảm xúc cho từng câu hát, thử cách ngân nga cho từng nốt nhạc, phát âm từng lời ca sao cho phù hợp nhất. Mỗi bài có lẽ chị phải thâu đi thâu lại đến hàng chục lần mới vừa ý. Đành rằng kỹ thuật phòng thâu sẽ giúp cho chị hoàn thiện bài hát theo đúng ý mình. Nhưng nếu không có niềm đam mê âm nhạc, không có tinh thần “tri kỷ” đối với các ca khúc Phạm Duy, sẽ rất khó cho một người không phải là ca sĩ chuyên nghiệp có thể thực hiện được “sự cầu toàn” này.

…Xuân Hành là một trong những ca khúc tuyệt diệu nhất của Phạm Duy trong chủ đề thân phận con người, nhưng ít được phổ biến. Có lẽ chị Bích Liên cảm nhận ca khúc này sâu sắc lắm, cho nên trong CD chị đã hát Xuân Hành thật khoan thai, thênh thang, sâu thẳm. Hành trình tử sinh “từ hư vô qua hư vô” là không thể tránh khỏi. Và vô thường. Chỉ trong khoảnh khắc, một kiếp người đã trở thành “một vị thần hay lũ ma lẻ loi”. Thế nhưng, mỗi người trong chúng ta đều có thể tự chọn cho mình cách đi riêng của mình trong kiếp lữ hành đó. Và Phạm Duy đã chọn cho mình một con đường đầy nhân ái…

Trong cuộc sống thường nhật, tôi vẫn đang cố hướng về mục tiêu vượt thoát vòng tử sinh. Nhưng khi nghe CD Phạm Duy Hát Vào Đời của chị Bích Liên, tôi chợt thoáng nghĩ: nếu có một niềm đam mê nào đó kéo tôi trở lại với kiếp người, thì đó có lẽ là niềm đam mê âm nhạc…”(ngưng trích) (4)

Cũng nên ghi nhận rằng nhà báo Doãn Hưng cũng là một người thiền tập hàng ngày, và là một trong những Phật tử góp sức thành lập nhóm Giới Trẻ Mây Từ. Khi anh viết rằng anh đang cố gắng vượt thoát vòng tử sinh và sau khi nghe chị Bích Liên hát CD Phạm Duy Hát Vào Đời, anh viết “nếu trở lại với kiếp người” thì sẽ giữ mãi niềm đam mê âm nhạc, nghĩa là một lời ca ngợi các nghệ sĩ đã nêu lên được ý thức mạnh mẽ về pháp ấn vô thường. Doãn Hưng cũng ghi rằng các độc giả có thể tìm CD Phạm Duy Hát Vào Đời qua điện thoại: 714-894-2500.

Một điều tôi suy nghĩ là: nhạc sĩ Phạm Duy có CD Thiền Ca (10 ca khúc), CD Tâm Ca (10 ca khúc), CD Đạo Ca (10 ca khúc), CD Hương Ca (10 ca khúc)... nhưng ca khúc Xuân Hành lại nằm riêng trong nhóm 6 ca khúc về Xuân.

Không rõ vì sao. Nhưng có thể nhạc sĩ Phạm Duy khi nói về cái chết và đã nghĩ về mùa xuân, như trong bài thơ của Thiền sư Mãn Giác (1052-1096), viết về mùa xuân và cành mai: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua – sân trước – một cành mai.”

Điều chắc chắn rằng, nhạc sĩ Phạm Duy đã ý thức về vô thường rất mạnh mẽ, đã ghi lại với dòng nhạc nêu bật được pháp ấn này. Và qua giọng ca trong vắt của ca sĩ Bích Liên với CD Phạm Duy Hát Vào Đời, ca khúc “Xuân Hành” của Phạm Duy đã tự động trở thành ca khúc “Người Là Ai” trong tâm thức tôi. Từng âm thanh một vang lên, từng nốt nhạc được trình diễn, từng lời ca được nghe trong tôi, và cũng là khi cảm nhận lạnh buốt rằng không hề có ai nghe, không hề có ai hát, không hề có ai viết nhạc… Tất cả chỉ là ngọn gió vô thường chảy xiết, không ngừng nghỉ… nơi các âm thanh biến tức khắc vào tịch lặng.

GHI CHÚ:

(1) Những Xuân Ca Trong Đời Tôi: https://phamduy.com/en/am-nhac/chu-de/tinh-ca/5856-nhung-xuan-ca-trong-doi-toi

(2) Phạm Xuân Đài. Cái Chết Trong Ca Khúc Phạm Duy: https://phamduy.com/vi/viet-ve-pham-duy/phe-binh/5594-cai-chet-trong-ca-khuc-pham-duy

(3) Quỳnh Giao. Ngày Xuân, Nghe Lại Ca Khúc "Xuân Hành" Của Phạm Duy. https://phamduy.com/vi/viet-ve-pham-duy/phe-binh/5115-ngay-xuan-nghe-lai-ca-khuc-qxuan-hanhq-cua-pham-duy

(4) Doãn Hưng, Việt Báo. “Bích Liên - Người Cầu Toàn Đối Với Âm Nhạc Phạm Duy”

https://vietbao.com/a295528/bich-lien-nguoi-cau-toan-doi-voi-am-nhac-pham-duy

.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hoa nhẫn nhục


Sống thiền


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Em Là Vì Sao Sáng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.201.240 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...