Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tìm hiểu Phật giáo »» Đức Phật Và Cuộc Chuyển Hóa Nhân Sinh Tận Gốc Rễ »»

Tìm hiểu Phật giáo
»» Đức Phật Và Cuộc Chuyển Hóa Nhân Sinh Tận Gốc Rễ

Donate

(Lượt xem: 4.914)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Đức Phật Và Cuộc Chuyển Hóa Nhân Sinh Tận Gốc Rễ

Font chữ:

Khi Thái tử Siddhàrtha vượt thành Kapilavatthu trong đêm trường thanh vắng để vào núi Himalayas tìm đường tu tập, Ngài đã xác định hướng đi cho cuộc chuyển hóa nhân sinh toàn diện nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng có lẽ đó chỉ là thời điểm chín muồi của một quá trình tư duy và chiêm nghiệm lâu dài từ trước về bản chất và ý nghĩa đích thực của đời sống.

Thật vậy, ở ngôi vị của một Thái tử quyền quý cao sang như Ngài thì quyết định từ bỏ gia đình để xuất gia tầm đạo không thể xảy ra mà không có những nguyên nhân và động lực sâu xa. Sử truyện ghi rằng, khi Thái tử đi dạo chơi trong nhân gian, Ngài đã chứng kiến những thực trạng của cuộc đời như già yếu, bệnh hoạn và chết chóc. Từ đó Ngài bắt đầu tư duy về bản chất vô thường, giả tạm và khổ đau của cuộc đời để rồi quyết tâm tìm đường chuyển hóa. Tuy nhiên, trên thực tế có lẽ với trí tuệ nhận thức bén nhạy và lòng thương yêu rộng lớn, Thái tử đã thường trực cảm nhận được bản chất biến dịch không ngừng của cuộc đời ngay trong chính những sinh hoạt và giao tiếp hằng ngày của Ngài, rồi cũng qua đó Ngài đã trầm tư sâu thẳm về con đường diệt khổ cho bản thân và đồng loại.

Sau khi thành đạo, đức Phật cùng chư vị Tỷ Kheo về thăm vua Tịnh Phạn và thân bằng quyến thuộc ở thành Kapilavatthu. Trong dịp này, hình ảnh của một vị xuất gia đầu tròn áo vuông, tay ôm bình bát an nhiên đi khất thực từng nhà làm cho vua Tịnh Phạn vì chưa hiểu được công hạnh xuất thế của Phật đã cảm thấy đau lòng. Nhưng cũng từ đó, chúng ta thấy được hai biểu tượng: Một nhà vua với tâm nguyện an bang tế thế bằng quyền lực chính trị, quân sự và kinh tế trong tay. Một vị đạo sư với thệ nguyện cứu khổ độ sinh bằng con đường cách mệnh tâm linh tận gốc rễ. Đức Phật trong lần về thăm cố hương này đã lại một lần nữa khẳng quyết con đường chuyển hóa nhân sinh toàn diện của Ngài.

Tại sao đức Phật đã không chọn con đường chuyển hóa nhân sinh bằng quyền lực chính trị, quân sự và kinh tế như phụ thân Ngài đã làm?

Con đường cách mệnh nhân sinh thế tục cưu mang trong nó chủ trương đấu tranh không loại trừ yếu tố bạo lực. Giải pháp nhân sinh như vậy tự nó không thoát khỏi phạm trù ý thức nhị nguyên. Ý thức nhị nguyên dẫn đến thái độ phân biệt bỉ thử, nhân ngã, bạn thù, do đó chỉ chấp nhận cái gì của mình là đúng, là chân lý, còn những cái khác đều sai, đều tà vạy. Thay vì chuyển hóa mọi tranh chấp, bất an trong xã hội, cách mệnh nhân sinh thế tục mang sắc thái nhị nguyên và đấu tranh chỉ tạo ra thêm những đối lực thù nghịch, những chính sách bất công, thiên vị. Hơn nữa, bạo lực không phải là giải pháp nhân sinh kiến hiệu để mang lại ổn định xã hội và hạnh phúc cá nhân. Dùng bạo lực chỉ có thể thống trị xã hội nhất thời, nhưng không thể chuyển hóa được tận gốc mầm mống của phân hóa, thù hận, bất công, lại càng không thể tập trung được sức mạnh của quần chúng để xây dựng xã hội, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của con người.

Con đường cách mệnh nhân sinh thế tục chỉ nhắm đến đối tượng là cái tổng thể xã hội, hoặc là cơ chế lãnh đạo xã hội xét như là một tập hợp quyền lực của tổng thể xã hội, mà không nhắm đến đối tượng cá nhân xét như là thực thể của xã hội. Thực chất, tổng thể xã hội hay một tập hợp quyền lực của tổng thể xã hội chỉ là cái tên gọi suông, không phải là thực thể xã hội. Thực thể xã hội, nếu có, chính là từng cá nhân, vì xã hội là một tập hợp của nhiều cá nhân. Nếu cá nhân mà không hiện hữu như một thực thể tồn tại thì xã hội cũng không thể hình thành. Tất nhiên, khi quan niệm về cá nhân như là một thực thể đó chỉ là nói theo nghĩa thông tục tương đối, bởi vì đức Phật qua sự quán chiếu của trí tuệ Bát-nhã thâm sâu đã thấu suốt được bản chất vô thường, giả tạm, không có tự tánh của xác thân tập hợp ngũ uẩn được mệnh danh là cá nhân.

Cách mệnh nhân sinh do vậy phải nhắm đến đối tượng là những cá nhân, thực thể của xã hội. Chính vì thế, mọi cuộc cách mệnh nhân sinh chỉ nhắm đến đối tượng là cái tổng thể xã hội hoặc là tập hợp quyền lực của tổng thể xã hội, xưa nay đều không thể hoàn thành được mục đích chuyển hóa xã hội tận gốc rễ.

Con đường cách mệnh nhân sinh thế tục chỉ nhắm đến việc chuyển đổi và cải tạo xã hội ở giới hạn bề ngoài mà không đi sâu vào việc chuyển hóa bản chất bên trong. Thế nào là chuyển đổi và cải tạo xã hội ở giới hạn bề ngoài? Ở đây con người chỉ nhắm đến việc thay đổi, sửa đổi hay cải thiện những mô thức, định chế, cơ cấu, nguyên tắc trong sinh hoạt xã hội từ văn hóa, giáo dục đến kinh tế, chính trị, v.v... Tất nhiên, không ai chối cãi rằng công cuộc chuyển đổi và cải tạo xã hội ở giới hạn bề ngoài ấy đã có những tác động, những thay đổi, những cải thiện trong chiều hướng tích cực và lợi ích. Nhưng vấn đề mà chúng ta nói đến ở đây chính là sự chuyển hóa tận gốc rễ, mà điều này thì con đường cách mệnh nhân sinh ở giới hạn bề ngoài vẫn chưa thể đạt được.

Tại sao? Bởi vì những mầm mống và thảm trạng của bất an, khủng hoảng, khổ đau, và những tệ nạn xã hội khác vẫn còn đó. Một điển hình dễ thấy là luật pháp của các nhà nước đã được công bố và thi hành, nhưng luật pháp ấy chỉ nhắm đến việc ngăn chận và trừng phạt những hệ quả mà không có giải pháp để chuyển hóa tận gốc từ nguyên nhân. Vậy, muốn giảm thiểu tối đa hay loại trừ các tội trộm cướp, tham nhũng, v.v... việc chế tài và trừng phạt theo hệ quả của luật pháp nhà nước đối với tội phạm vẫn chưa đủ, cần phải có phương thức để con người bỏ bớt hay diệt trừ lòng tham lam thì tệ nạn đó mới có thể chấm dứt. Lòng tham chính là căn nguyện của tội trộm cướp, tham nhũng, v.v... Ngày nào mà con người còn lòng tham thì ngày ấy xã hội vẫn còn tội trộm cướp, tham nhũng, v.v... Công cuộc chuyển hóa bản chất bên trong chính là ý nghĩa này. Do đó, các cuộc cách mệnh nhân sinh thế tục không nhắm đến việc chuyển hóa bản chất con người mà cụ thể là chuyển hóa tâm thức, cho nên đã không thể đem lại thành công tận gốc rễ.

Như vậy, công cuộc chuyển hóa nhân sinh của đức Phật là gì?

Trước hết, đức Phật đã nêu cao giá trị làm người. Mặc dù nhận thức được bản chất vô thường, giả tạm và không thật của tập hợp ngũ uẩn, đức Phật đã không có thái độ phủ nhận giá trị hiện hữu của con người, vì ít ra con người còn có thể vận dụng được xác thân ngũ uẩn ấy cho công cuộc chuyển hóa vô minh và giải thoát phiền não khổ đau đối với tự thân và tha nhân. Trong mối tương quan tương duyên của cộng đồng xã hội, mỗi người đều có giá trị hiện hữu bình đẳng như nhau. Không ai có quyền nhân danh bất cứ thế lực gì để chà đạp lên quyền sống và quyền làm người của kẻ khác. Làm người ai cũng muốn bảo vệ sự sống và sợ cái chết, ai cũng tránh khổ đau và mưu cầu hạnh phúc, ai cũng có sự tôn nghiêm trong tư cách làm người, cho nên phẩm giá của con người là giá trị phổ quát, không một ai có thể chối bỏ hay chà đạp.

Sau khi dựng lại giá trị làm người, đức Phật đã mở ra khung trời quang đãng hơn trước mặt sự hiện hữu quý giá ấy. Khung trời đó chính là khả năng mà con người vốn có trong việc tác tạo khổ đau hoặc xây dựng hạnh phúc. Theo định luật hiển nhiên của nhân quả và lý thuyết tất yếu của nghiệp, khổ đau hay hạnh phúc là do chính con người tạo ra. Tu tập các thiện pháp, gieo trồng những nhân lành thì con người chắc chắn sẽ có được sự an lạc trong đời này và đời sau. Ngược lại, buông thả ba nghiệp thân-miệng-ý theo sự thao túng của vô minh và các phiền não tham sân si để rồi tạo ra nhiều điều bất thiện thì trong đời này và đời sau không thoát khỏi khổ não. Từ đây, con người có đủ niềm tin và khả lực để đứng lên gánh lấy trách nhiệm trước vận mệnh cuộc đời mình mà không phải cầu cạnh nơi bất cứ thế lực nào khác. Đây chính là mở đầu của thời đại nhân chủ.

Tuy nhiên, với khả tính vi diệu tiềm tàng bên trong bản thể sâu nhiệm, con người có thể đạt thành mục tiêu tối hậu của đời sống, đó là thực nghiệm sự chuyển hóa toàn diện và tận gốc rễ nơi tự thân để giác ngộ vô minh và giải thoát phiền não khổ đau rốt ráo. Chỉ có con đường này, cảnh giới này mới thật sự kết thúc chuỗi xích trói buộc của sanh tử luân hồi từ vô thỉ kiếp.

Nhưng làm sao để thực nghiệm sự chuyển hóa con người tận gốc rễ?

Một con người có hai bình diện cấu trúc và sinh hoạt chính yếu: Thể xác vật chất với các cơ năng vận hành để duy trì và phát triển sự sống, hoạt động tinh thần bao gồm nhận thức và tình cảm hay nói cách khác là lãnh vực tâm thức trách nhiệm chi phối và chỉ đạo mọi động thái của tư duy, ngôn ngữ và hành động. Lẽ tất nhiên, cả hai cấu trúc này đều đóng vai trò tương tác như nhau. Trong hoạt động của con người không thể thiếu cái nào cả. Một thân xác không có tâm thức thì đó chỉ là một xác chết. Ngược lại, một tâm thức không có thân xác thì không có căn thân sở y để thực hiện mọi động thái của tư duy, ngôn ngữ và hành động thể xác, như vậy cũng chẳng khác gì là một bóng ma. Cho nên, yếu tố đầu tiên và cơ bản để thực nghiệm sự chuyển hóa con người tận gốc rễ một cách thành công chính là cần có một chánh báo tương đối hoàn bị, nghĩa là một thân xác với các cơ năng đầy đủ và hoạt động tốt, một tâm thức bình thường.

Vấn đề còn lại là công cuộc chuyển hóa. Đến đây chúng ta cần phải ngược dòng lịch sử để dõi theo dấu chân tầm đạo của Thái tử Tất Đạt Đa. Thoạt đầu Ngài khởi sự công cuộc chuyển hóa nơi thể xác vật chất theo như một số quan niệm về tu tập của các giáo phái đương thời. Chính vì vậy Ngài đã liên tục thực hiện việc tu khổ hạnh suốt mấy năm trường với ý tưởng rằng làm như thế sẽ đoạn diệt được tất cả nghiệp chướng của tham-sân-si và đạt thành giải thoát. Nhưng thân xác vật chất chỉ là cơ năng thừa hành của tâm thức chủ đạo. Tạo tác nghiệp thiện hay ác, thọ nhận an lạc hay khổ đau đều do tâm thức dẫn đầu. Không có tâm thức tác ý, không có tâm thức điều động thì thân khẩu không làm sao tạo nghiệp.

“Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp nói năng hoăëc hành động, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe.” (Kinh Pháp Cú, Phẩm Song Yếu, kệ số 1, Thích Trí Đức dịch.)

Tu khổ hạnh áp chế thân xác vật chất không những không đạt được giải thoát mà còn làm suy nhược thể chất và tinh thần khiến cho con người mất sức khỏe, mất nghị lực để tiếp tục cuộc chuyển hóa. Do vậy, Thái tử Tất Đạt Đa đã quyết định chấm dứt việc tu tập theo phương thức này.

Ngài bắt đầu suy nghiệm lại để tìm một đạo lộ khác. Khi trải cỏ ngồi dưới gốc cây Tất Bát La, thệ nguyện không rời bỏ chỗ ngồi này cho đến lúc thành tựu được mục tiêu tối thượng, dường như Thái tử đã khẳng quyết về một phương cách chuyển hóa tận gốc rễ: Chuyển hóa tâm thức. Sau bốn mươi chín ngày đêm tĩnh tọa thiền định, đức Phật đã thành tựu được tuệ giác cứu cánh. Qua bao nhiêu năm đem thân lịch nghiệm con đường giác ngộ vô minh và giải thoát phiền não với muôn vàn gian lao khó nhọc, cuối cùng Ngài đã đến đích, đó là điểm tận cùng siêu việt mà một chúng sinh có thể vươn tới, vì không còn cảnh giới nào cao hơn, rộng lớn hơn, siêu thoát hơn. Đó là cảnh giới Thánh trí tự chứng, cảnh giới của Phật.

Đức Phật đã làm gì khi ngồi dưới cội Bồ-đề suốt bốn mươi chín ngày đêm mà chúng ta gọi đó là cuộc chuyển hóa tâm thức tận gốc rễ?

Điều hiển nhiên là không một ai khác ngoài chính đức Phật có thể hiểu và cảm nhận được những trạng thái tâm thức mà Ngài đã trải qua để chuyển từ tâm vô minh của chúng sinh đến tâm giác ngộ của Phật. Nhưng qua những điều đức Phật đã dạy trong những năm Ngài hóa độ sau này, còn ghi lại trong tam tạng kinh điển, chúng ta có thể hình dung ra những dấu ấn chính trong cuộc chuyển hóa tâm thức tận gốc rễ ấy.

Cuộc chuyển hóa tận gốc rễ mà đức Phật đã thành tựu đó chỉ nhắm đến có mỗi một tiêu đích duy nhất là cái tâm, bởi vì làm chúng sinh hay làm Phật cũng đều do một tâm mà nên. Tâm ấy mà động loạn thì sanh diệt khởi lên, ngã pháp có mặt, kết nghiệp thọ khổ, gọi là chúng sinh. Tâm ấy mà tịch tịnh thì vô sanh hiện bày, ngã pháp trống vắng, không ai tạo nghiệp nhân, không ai thọ quả báo, gọi là giác ngộ giải thoát, là Phật. Tiến trình chuyển hóa tâm ấy xảy ra trên hai bình diện: Lý kiến tánh thì đốn ngộ, nhưng sự tướng diệt trừ phiền não thì tiệm tu. Điều này có nghĩa là về mặt chứng ngộ lý tánh vô sanh thì xảy ra trong đường tơ kẽ tóc, song về mặt diệt trừ các tập khí vô minh phiền não đã được huân tập từ vô lượng kiếp quá khứ thì phải tu tập giới định tuệ để lần hồi chuyển hóa. Cho nên, trong giáo nghĩa Đại thừa nói rằng từ lúc sơ hưng phát Bồ-đề tâm cho đến khi thành Đẳng Chánh Giác phải trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp tu tập ở năm mươi ba địa vị, từ Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng cho đến Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác và Phật.

Đến đây vấn đề này tất phải được đặt ra, rằng như vậy thì cuộc chuyển hóa tâm thức ấy chỉ xảy ra cho mỗi cá nhân con người, như thế làm sao nó có thể là công cuộc chuyển hóa rộng lớn đến toàn thể nhân sinh, toàn thể xã hội? Phải chăng đức Phật đã không đưa ra một phương thức mang tính vĩ mô để chuyển hóa và xây dựng xã hội nhân sinh?

Có một điều mà có lẽ chúng ta đều đồng ý rằng sở dĩ xã hội có những vấn đề như bất công, tham nhũng, trộm cướp, không an ninh, bất ổn, bệnh tật, nghèo khó, v.v.. căn nguyên là vấn đề của cá nhân, của mỗi người. Bởi vì chính mỗi cá nhân vẫn còn cưu mang trong tự thân mình những yếu tố căn bản để dẫn đến các vấn đề ấy. Yếu tố căn bản đó chính là một tâm thức nhiễm ô vì vô minh và các phiền não như tham, sân, si v.v... Khi mỗi cá nhân với tâm thức có vấn đề thì đi đến đâu, sinh hoạt ở đâu, sống ở đâu, cá nhân đó cũng sẽ tạo ra vấn đề cho bản thân, cho cộng đồng, cho xã hội. Một cá nhân có vấn đề, nhiều cá nhân có vấn đề thì đó sẽ là vấn đề chung của xã hội. Nếu từng cá nhân tự chuyển hóa tâm thức để giải tỏa những vấn đề trong chính họ, nghĩa là họ đã giảm trừ hay tận diệt vô minh và các phiền não gây ra bất an khổ não, thì xã hội bớt đi một thành viên tạo tác những vấn đề khó khăn. Đó là mới nói trên lãnh vực tiêu cực, còn trên lãnh vực tích cực thì khi một cá nhân trở thành người hoàn thiện, người tốt, sống lợi ích cho mình và người, thì cộng đồng xã hội có thêm một thành viên kiến tạo hòa bình, an lạc và thịnh vượng. Một người thiện, nhiều người thiện thì xã hội sẽ trở thành thiện.

Quan niệm rằng đức Phật chỉ nghĩ đến việc giải thoát cá nhân mà không đoái hoài gì đến khổ đau của đồng loại và chúng sinh là điều không đúng thật. Bởi vì, sau khi thành đạo, đức Phật đã nỗ lực vân du khắp lưu vực rộng lớn của sông Hằng để thuyết Pháp độ sinh. Suốt gần năm mươi năm mà ngày nào cũng vậy, với ba y và một bình bát đi khất thực từng nhà, ai có duyên được độ thì độ, không phân biệt thành phần giai cấp xã hội, từ kẻ cùng đinh nghèo khó đến vua chúa trưởng giả, tất cả Ngài đều đối xử bình đẳng như nhau. Tận tụy giáo hóa như vậy cho đến ngày nhập Niết-bàn mới thôi là Ngài vì cái gì? Chẳng phải là vì lòng từ bi thương xót con người và chúng sinh khổ não mà nhọc nhằn hóa độ đó sao?

Trong những bài Pháp mà Ngài đã dạy cho hàng đệ tử lúc sinh tiền, đức Phật đã đưa ra những phương thức chuyển hóa vừa mang tính triệt để cho từng cá nhân, vừa mang tính phổ cập cho quảng đại quần chúng nhân sinh, chẳng hạn Ngũ giới, Thập thiện, Tứ nhiếp pháp, Lục độ, v.v... Một người khi thực hành Ngũ giới, Thập thiện, Tứ nhiếp pháp, Lục độ không phải chỉ mang lại lợi ích là đời sống an lạc và giải thoát cho cá nhân không thôi, mà còn đem lại sự ổn định trật tự, an ninh, an lạc, tinh thần tích cực dấn thân, lòng thương yêu cứu giúp, đời sống văn hóa đạo đức, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội v.v... Đặc biệt, giáo nghĩa Lục độ là nền tảng xây dựng Bồ Tát đạo, mà Bồ Tát đạo là con đường vị tha toàn diện, lấy việc cứu độ khổ ách cho chúng sinh làm bản hạnh nguyện để qua đó tu tập và khai mở tâm đại từ bi đồng thời phát huy diệu dụng của trí tuệ Bát-nhã, thành tựu mục đích tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Thực tế, hơn hai mươi lăm thế kỷ qua, bắt nguồn từ Ấn Độ rồi sang các nước Á châu, đến các nước Tây phương, và hiện nay trên khắp thế giới, càng ngày loài người càng nhận chân ra được giá trị ưu thắng của việc chuyển hóa tâm thức tận gốc rễ mà đức Phật đã khai thị. Đó chính là sự xác minh rõ ràng nhất về tính phổ quát, hiện thực và kiến hiệu của con đường chuyển hóa nhân sinh toàn diện của đức Thế Tôn.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1501 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.125.235 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (169 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - Saudi Arabia (1 lượt xem) - ... ...