Đây là quyển sách của một bác sĩ người Mỹ gốc Việt. Tôi tình cờ biết đến anh qua Youtube rồi sau đó được biết đến sách này. Tác giả không phải người viết văn chuyên nghiệp, và đây là quyển sách đầu tiên của anh được chính thức xuất bản. Những yếu tố này cho phép chúng ta kỳ vọng về những tác phẩm hay hơn nữa trong tương lai.
Tác giả Huynh Wynn Tran có tên tiếng Việt trước khi sang Mỹ (1999) là Trần Huỳnh. Tôi sẽ sử dụng tên thuần Việt này để đề cập đến anh trong bài. Như vậy có thể tạo sự gần gũi nhiều hơn với độc giả người Việt.
Tôi đã đọc qua khá nhiều những ý kiến “review” quyển sách này, phần lớn là các ý kiến của “fan” hâm mộ anh trên Facebook, nơi anh đăng tải một vài chương của sách, và của các nhà phát hành sách, những nơi đang bán sách của anh. Điều này có nghĩa là những ý kiến đó thường được đưa ra theo chiều hướng thuận, khen ngợi nhiều hơn là phân tích, và ngay cả trong những sự khen tặng đó thì cũng ít thấy được những điểm nhấn tích cực cần đề cập của tác phẩm.
Sách được Trần Huỳnh viết ra như một dạng hồi ký, kể lại những chặng đường chính anh đã trải qua. Điều thú vị là rất nhiều hoa lá cây cảnh tươi đẹp trên đường đi cũng được anh ghi nhận lại một cách sinh động, thay vì chỉ kể lại sự việc một cách khô khan. Điều này giúp người đọc sách có thể cùng anh đi qua hết con đường chuyên môn của việc đào tạo bác sĩ mà không thấy chán. Ngoài ra, những chi tiết hay những mẩu chuyện bên lề mà anh ghi nhận và đưa vào chuyện kể dường như lúc nào cũng gửi đi được những thông điệp thương yêu và tích cực cho cuộc đời. Đây chính là lý do tôi muốn ngồi lại vào dịp cuối tuần này để “nghiền ngẫm” quyển sách của anh. Hơn thế nữa, phía sau một Trần Huỳnh luôn vất vả với những thử thách khắc nghiệt trên con đường trở thành bác sĩ, chúng ta còn thấy được một tâm hồn tràn đầy cảm xúc, dễ rung động trước ngoại cảnh cũng như luôn quan tâm tha nhân và vì lợi ích cộng đồng. Việc anh thành lập VietMD, một tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ các bác sĩ, sinh viên ngành Y ở Việt Nam có thể xem là một ví dụ điển hình cho tinh thần hoạt động cộng đồng của anh. Cho đến nay, VietMD vẫn đang hoạt động rất tốt và đã mở rộng khá nhiều so với phạm vi hoạt động ban đầu.
Bây giờ, chúng ta sẽ cùng điểm qua một vài khía cạnh của quyển sách, về nội dung sách cũng như một vài vấn đề liên quan khác.
Con đường gập ghềnh xa...Trước khi “bơi khỏi ao làng” Bạc Liêu, Trần Huỳnh là học sinh chuyên toán ở trường chuyên của Tỉnh, một khởi đầu cũng không tệ lắm. Hơn nữa, trong “ao làng” đó, anh đã chứng tỏ mình là một con “cá chép” vượt trội hơn những con khác qua việc anh đã “vượt vũ môn” để đậu vào Đại học Kiến trúc, điều cũng được xem là khó khăn đối với những học sinh tỉnh lẻ. Tuy nhiên, đáng tiếc rằng việc “vượt vũ môn” như thế trong điều kiện hiện tại của Việt Nam không hề bảo đảm rằng anh sẽ được “hóa rồng” như trong truyền thuyết “cá chép hóa rồng”. Nhưng một sự kiện khác đã xảy ra để giúp anh thay đổi hiện thực đó: Gia đình anh đủ điều kiện sang Mỹ định cư. Tuy nhiên, quyết định sang Mỹ được người cha đặt vào tay anh khi ông nói:
“Nếu con dứt khoát muốn ở lại thì ba không ép.”Vào thời điểm đó, Trần Huỳnh đang là sinh viên Đại học Kiến trúc năm thứ ba, luôn đạt điểm cao, nằm trong “top” những sinh viên giỏi và nhận được nhiều sự khen ngợi từ thầy cô, sự thán phục từ bè bạn, đã bắt đầu có công việc làm thêm với kha khá tiền lương... Hơn thế nữa, anh thú nhận là mình đang yêu. Tất cả những điều đó đều là những yếu tố lôi kéo anh ở lại. Ngoài ra còn là sự đe dọa của vùng đất mới khi anh nghe kể:
“Nhiều sinh viên học đại học bên Việt Nam, thậm chí đã tốt nghiệp rồi, qua Mỹ phải bỏ học đi làm những công việc tay chân như bưng bê, chạy bàn rất cực.”Tuy nhiên, vào lúc cần đưa ra quyết định quan trọng nhất này, tôi thật sự thán phục lời khuyên của ba anh:
“Nước Mỹ là nước của cơ hội và thành công, chỉ cần con có ý chí và cố gắng. Ba nghĩ con nên đi. Ba tin là sau này con sẽ rất thành công ở Mỹ.”Một người cha đặt niềm tin và kỳ vọng ở con mình, đó là điều bình thường ở bất cứ bậc cha mẹ nào, nhưng chưa từng sống ở Mỹ mà có thể thể nhận định về nước Mỹ là
“nước của cơ hội và thành công” thì quả là một tầm nhìn xa rộng. Không có nhận định đúng đắn này của ba anh, có lẽ chúng ta sẽ không có được một Huynh Wynn Tran hôm nay trên đất Mỹ. Một số người ngỡ rằng nước Mỹ là thiên đường, chỉ cần đặt chân đến đó là có thể thay đổi cuộc đời. Nhưng điều này chỉ đúng một nửa, vì nước Mỹ chỉ là thiên đường cho những ai có sự nỗ lực vươn đến thành công. Nước Mỹ cho ta mọi cơ hội để thực hiện mọi ước mơ, nhưng nước Mỹ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ dễ dãi ban phát thành công hay cuộc sống tốt đẹp cho những người thiếu ý chí và tự thân không có sự cố gắng. Đối với những người thiếu cố gắng, không có ý chí thì việc đến Mỹ rồi phải
“làm những công việc tay chân như bưng bê, chạy bàn rất cực” là hoàn toàn đúng.
Và Trần Huỳnh đã là một người
“có ý chí và cố gắng” như ba anh mong muốn. Từ một khởi đầu trên đất Mỹ phải
“bập bẹ” tiếng Anh khiến người khác không sao hiểu được, anh đã nỗ lực hết sức để từng bước hòa nhập và vươn lên trong môi trường sinh sống và học tập hoàn toàn mới mẻ và xa lạ. Kết quả của những nỗ lực không ngừng này là anh vượt qua được những khó khăn về ngôn ngữ ban đầu, tốt nghiệp trường cao đẳng cộng đồng (community college) Muskegon và
“đẩy cửa” bước vào Đại học Michigan. Tôi nói “đẩy cửa” là vì rõ ràng cánh cửa này không hề tự mở ra với anh, mà đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực học tập và rèn luyện. Nên biết rằng, kết quả tuyển sinh viên ở các trường đại học tại Mỹ không hề có chuyện ngẫu nhiên may mắn hay dựa vào bất kỳ yếu tố tác động nào từ bên ngoài, mà bao giờ cũng dựa vào chính những thành quả học tập đã qua của người nộp đơn. Mặc dù lộ trình khó khăn trên đất Mỹ của anh chưa dừng lại ở đây, nhưng rõ ràng anh đã có được một thành quả chuyển biến rất quan trọng kể từ khi chân ướt chân ráo đến với đất nước này.
Thế rồi, việc học và tốt nghiệp kiến trúc tại một trường danh tiếng ở Mỹ như Michigan hóa ra lại chỉ là một chặng dừng không mong muốn. Anh ra trường, làm việc trong ngành kiến trúc và nhận ra một thực tế khi ấy là những khó khăn liên tục và kéo dài nếu anh tiếp tục đi theo con đường này. Một quyết định táo bạo khác được hình thành và anh chứng tỏ mình có đủ ý chí, bản lãnh để thực hiện quyết định đó:
Từ bỏ ngành kiến trúc.Quyển sách Từ Kiến trúc sư thành Bác sĩ tại Hoa Kỳ của Huynh Wynn Tran (Trần Huỳnh)Tuy nhiên, khi bạn có một hướng đi mới và từ bỏ con đường mình đang đi thì điều đó sẽ có phần dễ dàng hơn. Trần Huỳnh không được như vậy. Anh từ bỏ con đường đang đi mà vẫn còn chưa biết mình sẽ đi về đâu. Hãy nghe anh tâm sự:
“Tôi biết mình không muốn làm kiến trúc sư nữa. Tôi sẽ học gì bây giờ?”Chưa biết sẽ học gì, nhưng Trần Huỳnh biết chắc rằng mình cần phải học. Điều kiện trước tiên để thành công ở Mỹ vẫn là tri thức, dù bạn chọn đi con đường nào. Năng lực làm việc là yếu tố quyết định để bạn vươn lên trong bất cứ môi trường nào, và muốn có năng lực làm việc tốt thì con đường thông thường nhất vẫn là học tập để có tri thức. Yếu tố năng khiếu bẩm sinh đôi khi cũng có thể giúp một số người thành công, nhưng đó là những trường hợp rất hiếm hoi, trong khi ở hầu hết mọi trường hợp khác thì tri thức vẫn là điều quyết định.
Và Trần Huỳnh bắt đầu một giai đoạn vất vả mới để tìm kiếm hướng tích lũy tri thức mới sau khi từ bỏ ngành kiến trúc. Đối diện với khó khăn về tài chánh khi đã cạn nguồn học bổng hỗ trợ từ chính phủ, anh bắt đầu phải bươn chải với đủ mọi nghề nghiệp để có thể “sống được” trước khi tìm ra con đường mới. Lúc đó, anh cũng chỉ mới có một suy nghĩ khá mơ hồ về ngành Y:
“Tôi muốn thử theo đuổi con đường này.” Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và cân nhắc, anh nhanh chóng củng cố quyết tâm của mình bằng cách bắt đầu theo học đại học bang Grand Valley (GVSU), ngành Y sinh học. Đây là khởi điểm bắt buộc để anh có thể bước vào ngành Y.
Trần Huỳnh đã nỗ lực và lập nên kỳ tích khi tốt nghiệp xuất sắc ở trường này chỉ sau một năm học, so với yêu cầu thông thường cho mọi sinh viên khác là 2 đến 3 năm. Cánh cửa bước vào ngành Y đã hiện ra ngay trước mặt anh nhưng vẫn còn đóng chặt và lần này thì anh hoàn toàn chưa đủ sức để “đẩy cửa” bước vào: 30 hồ sơ xin học của anh gửi đi chỉ nhận được một sự chấp nhận duy nhất từ trường Y West Virginia, nhưng đây là trường thuộc hệ thống đào tạo DO (Doctor of Osteopathic Medicine) mà sau khi cân nhắc anh đã không bước vào. Anh thừa nhận vào lúc này là
“Tôi xuống tinh thần thấy rõ.”Nhưng điều đó không có nghĩa là bỏ cuộc. Sau thất bại, anh bắt đầu nhìn lại để tìm nguyên nhân và nhận ra những nhược điểm khiến anh bị từ chối ở hầu như tất cả các trường Y:
Anh chưa có công trình nghiên cứu nào và điểm thi MCAT (Medical College Admission Test) thấp hơn mức yêu cầu.Thế là một cuộc chiến đấu mới bắt đầu. Việc làm nghiên cứu, tuy khó khăn nhưng vẫn là điều có thể làm được khi chấp nhận đầu tư thời gian và công sức, nhưng điểm thi MCAT thì anh liên tục thất bại, và phải đến lần thi thứ ba mới đạt được yêu cầu. Dù sao thì việc nhận thức đúng về những thiếu sót của mình cũng đã giúp anh điều chỉnh và nỗ lực đúng hướng. Cuối cùng, anh cũng đã
“đẩy được cánh cửa” để bước vào trường Y đại học bang New York.
Nhưng việc “đẩy cửa bước vào” cũng có nghĩa là anh chỉ mới bắt đầu trên con đường dài dằng dặc của quá trình đào tạo một bác sĩ tại Mỹ. Từ một sinh viên mới bước vào trường, Trần Huỳnh còn phải dần dần trải qua quá trình học tập, nghiên cứu, thực hành, rèn luyện... một quá trình kéo dài rất nhiều năm sau đó. Tất cả đều được anh ghi nhận lại với nhiều chi tiết sinh động và cung cấp cho người đọc những thông tin bổ ích, những hiểu biết thú vị về quá trình đào tạo bác sĩ tại Mỹ.
Tuy nhiên, để cảm nhận được hết những điều này, điều tất nhiên là độc giả phải tự mình đọc sách.
... và ảnh hưởng phía sau của gia đìnhTrần Huỳnh mở đầu quyển sách của mình bằng lời cảm ơn ba má và cả gia đình. Tất nhiên anh cũng không quên những sự giúp đỡ khác từ thầy cô, bè bạn... nhưng việc đề cập đến gia đình trước tiên cho thấy gia đình là quan trọng như thế nào đối với anh.
Cuối quyển sách, trong
“những điều đọng lại” ở phần kết thúc, anh cũng lại nhắc đến gia đình với “những người thân đã mất”, trong đó có ba, có ngoại...
Và xuyên suốt qua các chương sách, mỗi một sự kiện lớn anh trải qua như thi đậu đại học, từ bỏ nghề kiến trúc hay được nhận vào trường Y... dù là thành công hay thất bại, chúng ta đều thấy anh nhắc đến ba má, gia đình. Bằng cách đó, người đọc như cảm nhận được bóng dáng của gia đình phía sau mọi sự nỗ lực cố gắng kiên trì của anh.
Như tôi đã nói, lời khuyên của ba anh từng là yếu tố quyết định trong việc anh chọn đi sang Mỹ thay vì duy trì nếp sống và học tập đang rất ổn định và tốt đẹp ở Việt Nam. Và chúng ta đã thấy, sự chọn lựa này đã mang đến cho anh cơ hội đi xa trên con đường học vấn, thay vì dừng lại sau khi rời trường đại học Kiến trúc. Môi trường giáo dục tại Hoa Kỳ là một môi trường khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi sự phát triển tài năng. Trần Huỳnh đã tận dụng được lợi thế đó khi nghe theo lời khuyên của ba anh.
Và ảnh hưởng của gia đình cũng thể hiện rõ qua hình bóng người mẹ già luôn dõi theo anh trên khắp mọi nẻo đường. Chắc chắn phần lớn sức mạnh tinh thần cũng như nghị lực mà anh có được để vượt qua những giai đoạn gian khó nhất không thể thiếu phần tác động từ đó. Người ta sẽ dễ dàng sụp đổ trước chướng ngại nếu thấy mình cô độc và không có một chỗ dựa tinh thần. Khi chúng ta còn có những người thân để nghĩ đến như một chỗ dựa tinh thần thì sức mạnh và nghị lực sẽ tự tìm đến. Đó chính là trường hợp của Trần Huỳnh. Từ những chén chè đậu đỏ được anh nhớ mãi với niềm tin quê mùa chất phác rằng
“ăn đậu sẽ thi đậu”, cho đến ánh mắt lo âu khi con trai bỏ nghề kiến trúc, nhưng bà vẫn luôn an ủi và ủng hộ trên mọi chặng đường anh đi. Hình ảnh
“má tôi” cũng đến với Trần Huỳnh cả trong những lần thất bại, dù là một thất bại nhỏ như khi bị điểm kém ở đại học Kiến trúc. Anh không nghĩ đến bản thân mình trước mà chỉ sợ “má buồn”. Điều này cho chúng ta thấy hình ảnh của bà chiếm vị trí quan trọng như thế nào đối với anh. Anh cũng không ngại nói rõ điều này:
“Má luôn ủng hộ tôi. Bà tin là tôi sẽ làm được. Trong suốt cuộc đời học vấn của mình, tôi luôn biết ơn má vì luôn tin tưởng ở khả năng học của con trai mình.”Và cũng không chỉ là những ảnh hưởng về mặt tinh thần. Bất cứ ai đã từng học đại học ở Mỹ đều biết rõ gánh nặng tài chánh là như thế nào. Chính phủ sẽ giúp đỡ những gia đình có thu nhập thấp, nhưng sự giúp đỡ đó có giới hạn, nhất là khi một người đã học xong đại học nhưng quyết định “xóa đi làm lại”. Sự thay đổi đó là một quyết định riêng và tất nhiên chính phủ không trả tiền cho thay đổi đó. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người học, chính phủ có sự hỗ trợ bằng các chương trình cho vay và bạn có thể yên tâm học cho đến khi hoàn tất, miễn là chấp nhận... thiếu nợ. Và những khoản nợ “to đùng” phải thanh toán sau khi học là điều mà ít ai tránh khỏi.
Nhưng vay nợ để học thì không có nghĩa là đáp ứng, trang trải được mọi thứ. Do vậy, sự cảm thông và ủng hộ, giúp đỡ của gia đình là cực kỳ cần thiết. Không ai có thể thực sự đi xa được nếu không có những sự giúp đỡ này. Trần Huỳnh biết điều đó và anh luôn nghĩ về gia đình, về người cha mang bệnh, người mẹ già nua, người chị phải làm việc vất vả, cả đến người em phải thay anh gánh vác chuyện gia đình. Tất cả những điều đó đều là những nhân tố cần thiết để làm nên sự thành công của anh.
Ba anh đã không chờ được đến ngày con trai hoàn tất việc học. Ông qua đời vào một thời điểm nào đó mà ta không thấy anh đề cập trong sách. Chỉ khi tham dự đám tang Giáo sư Weiss, ta mới thấy Trần Huỳnh nói
“nhớ đến đám tang của ba tôi”. Đây có thể xem là một thiếu sót nhỏ của quyển sách chăng? Vì điều này khiến cho một người đọc tinh tế sẽ cảm thấy như có một khoảng trống. Một sự kiện quan trọng như sự qua đời của ba anh nhưng không hiểu vì sao lại không được nhắc đến trong sách.
Những điều đọng lại...Trần Huỳnh viết
“những điều đọng lại” ở cuối sách, trong phần kết. Nhưng đó là những điều đọng lại đối với anh, người viết sách. Còn đối với người đọc sách thì liệu sẽ có những điều gì đọng lại?
Tất nhiên điều này sẽ không hoàn toàn giống nhau ở mọi người đọc. Tuy nhiên, nếu đề cập đến những nét chung nhất thì có thể nói đây là một quyển sách hay, mang đến cho người đọc những giây phút thư giãn thú vị khi đọc sách, với giọng văn giản dị pha chút dí dỏm và những chi tiết đặc tả khá sinh động. Đối với một cây bút không chuyên như anh, việc đạt được những yêu cầu này cũng đã rất đáng khen.
Ngoài ra, toàn bộ hành trình vươn đến thành công được anh ghi lại đều là những kinh nghiệm quý giá đối với các bạn trẻ đã và đang bước đi trên con đường học vấn. Những “chiêu thức” đã giúp anh thành công cũng sẽ áp dụng được trong hầu hết những trường hợp khác, chẳng hạn như việc tự soi rọi chính mình để tìm ra nhược điểm, khiếm khuyết, chấp nhận những điểm yếu để nhờ người khác giúp đỡ, luôn nỗ lực hết sức và không bỏ cuộc khi chưa đạt được mục tiêu... Cho dù các bạn trẻ muốn học thành bác sĩ, kỹ sư hay khoa học gia, thì những phẩm chất tích cực mà anh chia sẻ đều sẽ giúp ích rất nhiều...
Đối với những độc giả có sự chiêm nghiệm sâu hơn sau khi đọc sách, có thể còn sẽ thấy ra thêm một số điểm khác nữa. Dưới đây là một vài nhận xét, cảm nhận của riêng tôi.
Trước hết, con đường
“gập ghềnh xa” của Trần Huỳnh đã trải qua có thể là một con đường khiến chúng ta khâm phục nhưng không mong muốn. Tôi nói điều này vì rõ ràng không ai muốn
“noi gương” anh để học qua một đại học nào đó rồi mới từ bỏ để đi theo con đường mơ ước của mình. Chuyện
“đi lòng vòng” như thế là điều bất đắc dĩ, không ai mong muốn cả.
Và vì sao có chuyện phải
“đi lòng vòng” như thế? Đó là vấn đề không chỉ riêng đối với Trần Huỳnh, mà phải nói là gần như của cả một thế hệ cùng thời với anh. Tuy nhiên, vì không có nhiều người “dám từ bỏ” như anh nên chúng ta không biết được. Hầu hết những trường hợp khác, tuy đã đi “nhầm đường” nhưng các em dường như đều chấp nhận “đi tiếp” đến cuối đời, tự đánh mất đi cơ hội làm cho cuộc đời của chính mình được tốt đẹp hơn. Thực tế này cũng có thể xem là một điểm cộng cho quyển sách của Trần Huỳnh khi anh chia sẻ những suy nghĩ và quyết định táo bạo của mình với thế hệ đi sau, hy vọng sẽ có thêm nhiều người có quyết định tích cực giống như anh.
Tôi nói đây là vấn đề của cả một thế hệ, vì vào thời điểm Trần Huỳnh đứng trước ngưỡng cửa đại học thì nhiều học trò của tôi ở một vùng quê xa xôi tại Việt Nam cũng có những băn khoăn như anh. Vào thập niên 1990, tôi mở lớp dạy Anh ngữ tại một vùng quê nghèo, phần lớn là miễn phí. Tôi đã làm hai chuyện
“ngược đời” với các học sinh cấp 3 của mình. Thứ nhất, tôi dạy thêm tiếng Việt trong lớp tiếng Anh, mặc dù các em tìm đến tôi chỉ để học tiếng Anh. Tôi nói với các học trò của mình:
“Nếu các em không giỏi tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Việt, các em không thể giỏi tiếng ‘mẹ ghẻ’ là tiếng Anh.” Và điều này trong thực tế được chứng minh là đúng. Khi các em nắm vững cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, các em đã học tiếng Anh nhanh và dễ hơn rất nhiều.
Chuyện
“ngược đời” thứ hai là ngoài các buổi học Anh ngữ, tôi tổ chức những buổi nói chuyện về định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em. Nói chính xác, tôi không hướng dẫn trực tiếp mà tạo điều kiện để các em nói ra suy nghĩ của mình, cùng thảo luận với nhau và tôi chỉ góp ý khi các em có những suy nghĩ sai lầm. Bằng cách này, các em tự tìm hiểu về khả năng và mơ ước của chính bản thân mình nhiều hơn cũng như có điều kiện để tiếp nhận thêm những thông tin liên quan đến việc chọn ngành.
Tôi kể lại chuyện này vì thực tế là vào thời điểm đó, nhà trường không tổ chức một cách chính thức những buổi trao đổi giống như vậy. Chúng ta có thể thấy Trần Huỳnh đã chọn nghề kiến trúc một cách mơ hồ như thế nào khi chỉ qua lời khuyên của một anh
“họa sĩ tóc dài” thất chí về quê mở quán cà-phê. Anh không hề có những sự thu thập, tìm hiểu thông tin một cách nghiêm túc và đầy đủ về ngành nghề mà mình sắp đi theo, mặc dù đó có thể là hướng đi cho cả một đời người. Hàng vạn học sinh khác ở Việt Nam vào thời điểm đó có thể cũng như anh thôi, vì định hướng nghề nghiệp tuy là một yêu cầu quan trọng nhưng lại không được thực hiện một cách đầy đủ trong trường học. Một số học sinh may mắn hơn có thể sẽ được góp ý, dẫn dắt từ gia đình, cha mẹ hoặc anh chị đi trước. Nhưng điều này dường như rất khó xảy ra ở những miền quê hay tỉnh lẻ, khi mà học vấn cao vẫn còn là một điều khá hiếm hoi.
Ngày nay đã có nhiều chuyển biến tốt hơn, nhưng chỉ là ở các thành phố lớn. Học sinh miền quê vẫn còn ít nhiều
“đói thông tin” trong việc chọn ngành nghề. Đây có thể là điều mà ngành giáo dục cần quan tâm hơn.
Chính bản thân Trần Huỳnh có lẽ cũng không muốn chọn một con đường “gập ghềnh xa” như thế, nhưng hoàn cảnh đã đặt anh vào đó và điều đáng để chúng ta khâm phục là thay vì bỏ cuộc trước những khó khăn, anh đã chọn cách đối mặt và vượt qua. Trong cộng đồng người Việt định cư tại Mỹ, bằng nỗ lực học tập và đóng góp của chính mình, có thể nói anh đã trở thành một bác sĩ gốc Việt xứng đáng để đồng hương người Việt tại Mỹ tự hào khi nói về anh.
Nếu Trần Huỳnh nhận được nền giáo dục tại Mỹ sớm hơn, có thể anh đã không phải mất công sức “đi vòng” như thế. Sang Hoa Kỳ từ năm 1999 với vốn liếng mang theo là 3 năm đại học kiến trúc tại Việt Nam, anh phải “xóa đi làm lại” và kéo dài con đường học vấn cho đến năm 2016 vẫn còn làm bác sĩ nội trú, rồi phải đến năm 2018 anh mới bắt đầu giảng dạy, tạm xem như xong con đường học vấn “chính thức”. Quả thật là một chặng đường dài mà không phải ai cũng có đủ ý chí và nghị lực để vượt qua. Theo độ tuổi đi học thông thường ở Việt Nam, có thể đoán là anh sinh khoảng năm 1979 và như vậy đến khi “thành danh” thực sự thì anh đã xấp xỉ 40 tuổi. Trên hành trình trở thành bác sĩ tại Hoa Kỳ, có thể nói Trần Huỳnh đã đi qua con đường dài nhất!
Tôi có một người quen là chị Mai (Ilene Nguyen), con trai chị là bác sĩ James H. Nguyen. Chị kể với tôi về con đường học vấn của James, sinh ra tại Mỹ, trái ngược hẳn với Trần Huỳnh, con đường của James là con đường ngắn nhất! Năm 12 tuổi, James bước chân vào trường Santa Ana College và là sinh viên trẻ tuổi nhất trong suốt lịch sử của nhà trường. Khả năng phi thường của cậu bé đã được phát huy đúng mức trong một nền giáo dục rộng mở khi nhà trường chấp nhận phá bỏ thông lệ để thu nhận sinh viên tí hon này. Ngay trong mùa học đầu tiên (first semester), James không những đã học rất tốt mà còn thành lập ra Pre-Med Club (Câu lạc bộ Tiền Y khoa). Hướng đi theo ngành Y của cậu bé đã được xác định ngay từ lúc đó. James còn trở thành người dạy phụ đạo (tutor) cho các bạn cùng lớp khác với số tuổi gấp đôi mình.
Năm 14 tuổi, James tốt nghiệp xuất sắc trường Santa Ana College và được nhận vào University of California, Irvine (UCI), tiếp tục xác định hướng đi theo ngành Y. Chỉ 16 tuổi, vào năm 2000, James tốt nghiệp xuất sắc trường UCI.
Năm 19 tuổi, James bước vào trường Y khoa St. George's University và 23 tuổi đã bắt đầu làm bác sĩ nội trú (residency) tại bệnh viện Orlando Regional Hospital, thuộc thành phố Orlando, Florida. Trong thời gian này, anh làm nghiên cứu với đề tài “Multi-Slice Computer Tomography versus Stress Test on Low-Risk Chest Pain Patients” và được đánh giá rất cao. Năm 2007, James đệ trình nghiên cứu này lên American Heart Association (Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ) và được nhận xét là “has enormous application potential” (có tiềm năng ứng dụng cực kỳ to lớn). Hai năm sau, tại hội nghị toàn quốc National American College of Physicians' Internal Medicine 2009 Conference, nghiên cứu của James được trao giải nhất (Champion), vượt trội hơn tất cả 420 công trình nghiên cứu từ khắp nơi đưa về, được trình bày tại hội nghị này. Khi đó, James chỉ mới 25 tuổi.
Bác sĩ James H. Nguyễn với bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ
Độc giả muốn biết thêm về James H. Nguyen, chỉ cần đơn giản là vào Google Search gõ tìm "Dr. James H. Nguyen Santa Ana College" thì sẽ thấy rất nhiều thông tin về anh, kể cả hình của anh hiện lên trước tiên.
Như chúng ta thấy, khác với Trần Huỳnh, James H. Nguyễn có một con đường suôn sẻ và ngắn nhất để đi đến thành công, nhưng cả hai vị bác sĩ người Mỹ gốc Việt này đều giống nhau ở một điểm là họ đã có thể tận dụng được cơ hội đến với mình bằng vào sự nỗ lực của tự thân. Thành công không bao giờ là món quà được đưa đến ngẫu nhiên mà luôn phải trả giá bằng sự nỗ lực kiên trì. Cả hai tấm gương sáng này đều tỏa chiếu theo cách khác nhau, nhưng họ đều xứng đáng là niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Một vài hạt sạnSách có thể được Trần Huỳnh viết ra theo ngẫu hứng, tôi đoán là như vậy, nên không tránh khỏi một vài “hạt sạn” nho nhỏ khi in ra. Hơn nữa, đa phần những hạt sạn này, theo tôi là lỗi của người biên tập sách hơn là tác giả. Là một cây bút không chuyên, Trần Huỳnh có thể hoàn thành được bản thảo sách này như vậy đã là “đáng nể” lắm rồi, không ai có thể đòi hỏi ở anh nhiều hơn.
Nhưng người biên tập sách, với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, nếu làm việc thật nghiêm túc thì có thể tránh được một số lỗi không đáng có. Tôi có đọc trước một vài chương do chính anh đăng trên Facebook của mình và đến khi mua được sách rồi đọc lại thì thấy bản in ra đã có một số chỉnh sửa, thay đổi hoàn thiện hơn. Có thể là những chỉnh sửa của chính anh, nhưng cũng có thể là nhờ nỗ lực của người biên tập. Tuy nhiên, vẫn còn lại một vài điểm nhỏ mà nếu có thể trau chuốt kỹ hơn cho lần tái bản thì sẽ càng hoàn hảo hơn.
Hạt sạn thứ nhất là cách dùng chữ “
xì trét” mà tôi không thể tin là Trần Huỳnh viết ra. Một số nơi khác, anh đã để y nguyên từ stress, và đó là cách dùng đúng. Dù có thể tạm dịch ra tiếng Việt là “căng thẳng”, nhưng căng thẳng không thể diễn đạt được hết trạng thái stress. Đây là một từ ngữ đã khá phổ biến trong thời đại này, và cách phiên âm ra
“xì trét” lại không in nghiêng, không đóng ngoặc, tạo một dáng vẻ rất buồn cười cho câu văn. Tôi đoán có đến chín phần mười là một người biên tập nào đó đã tích cực
“Việt hóa” cho từ ngữ này nhưng không ngờ đó là một cách “sửa sai”, có nghĩa là
“sửa đúng thành sai”.
Hạt sạn thứ hai là một số cách dùng từ ngữ khác nhau trong văn nói và văn viết nhưng đã không được điều chỉnh. Một lần nữa, trách nhiệm này thuộc về người biên tập. Tôi lấy một ví dụ như câu văn này ở trang 82:
“Bác sĩ Snyder vẫn còn nhiều bệnh nhân nên cô tiếp tân kêu tôi ngồi đợi bên ngoài phòng chờ.”“Kêu” ai làm một việc gì đó là cách dùng thuần túy trong khẩu ngữ, hay văn nói. Người nghe sẽ hiểu ngay đó là một yêu cầu, một đề nghị nên làm điều gì... Nhưng trong văn viết chuẩn mực thì không dùng chữ này mà phải dùng chữ
“bảo” hay nghiêm trang hơn thì là
“đề nghị”. Trong trường hợp câu này, nên viết là
“Cô tiếp tân bảo tôi ngồi đợi...” thì sẽ phù hợp hơn.
Hạt sạn thứ ba là cách nêu đích danh nhân vật trong thể loại hồi ký. Những người biên tập chuyên nghiệp cần phải biết điều này và góp ý với tác giả. Hãy lấy ngay một ví dụ về câu chuyện
“khám bệnh tim” của bác sĩ Bình trong chương 2. Chúng ta cùng đọc lại:
“Đến khoảng 8 giờ, ba tôi gặp bác sĩ Bình. Ông tầm trung niên, người hơi thấp, đeo kính cận, đầu hói bóng loáng, mặc áo choàng trắng hở cúc đã ngả sang màu cháo lòng.- Bệnh gì? - Bác sĩ Bình quát.- Dạ, bệnh tim. - Ba tôi lí nhí trả lời.- Bao lâu rồi?- Dạ, khoảng vài năm.- Sao giờ mới lên đây?Bác sĩ Bình hỏi đến đó thì đã viết xong toa. Ông lấy ống nghe, đặt lên chiếc áo thấm đẫm mồ hôi của ba tôi vài giây rồi đưa toa cho ba tôi bảo qua phòng bên lấy thuốc. Tôi ước tính cuộc gặp chưa đầy hai phút và chúng tôi đã đợi hai tiếng đồng hồ.”Và tiếp theo sau đó là một đoạn mô tả về bà vợ ông này:
“Một bà hơi đứng tuổi dáng đẫy đà, đôi lông mày tô điểm đậm với cặp môi đỏ bự màu mận chín, nghe nói là vợ bác sĩ, đang đứng chống nạnh giữa phòng thuốc. Bà cũng mặc áo choàng trắng màu cháo lòng như ông chồng bác sĩ. Má tôi đưa toa thuốc cho cô phụ tá. Bà bác sĩ tính tiền, cầm sẵn một bịch thuốc có nhiều viên con nhộng trắng đỏ được đóng gói sẵn đưa cho má tôi. Trả tiền xong, tôi thấy bà bác sĩ cũng đưa một bệnh nhân khác bịch thuốc y như vậy.”Trước hết, chúng ta thấy ngòi bút của tác giả rất sắc sảo trong việc phác họa nhân vật cũng như kể lại sự kiện. Không cần bình phẩm, chúng ta nhận ra ngay đây là một kiểu
“nhân vật phản diện” và tác giả cũng thừa nhận ngay sau đó rằng cuộc gặp này khiến anh
“quyết định không chọn ngành Y”.
Thế nhưng “hạt sạn” mà tôi muốn nói ở đây không phải là vấn đề hành văn. Vì toàn quyển sách được viết theo lối tự truyện, kể lại chuyện đời mình để chia sẻ kinh nghiệm, như tác giả đã nói từ đầu, nên chúng ta phải loại trừ khả năng anh hư cấu ra một câu chuyện không có thật để đưa vào sách. Vậy chúng ta thấy ở đây chỉ có hai trường hợp:
Bác sĩ Bình là nhân vật có thật mang tên ấy hay đã được đổi tên? Nếu là một nhân vật có thật mang tên ấy thì quả thật rất không nên. Vì là một xuất bản phẩm sẽ đến với công chúng, sẽ qua tay hàng chục ngàn người đọc hoặc nhiều hơn nữa, chúng ta có thể dễ dàng hình dung việc nó đến tay chính nhân vật này hoặc khả năng cao hơn là những người thân của ông bà bác sĩ này, như con cái họ chẳng hạn. Như vậy sẽ là một điều không hay chút nào đối với họ.
Điều này đã được các nhà văn viết hồi ký nghĩ đến, nên hầu như đã thành một thông lệ là tuy kể lại sự thật nhưng họ luôn đổi tên nhân vật. Đây chính là lường trước sự tổn thương không mong muốn có thể xảy đến cho những người có liên quan, và thật ra đây cũng là điều cần làm để bảo vệ quyền riêng tư của người khác.
Tuy nhiên, khi làm như vậy thì tác giả cần có một dòng báo trước ngay từ đầu sách, đại khái như là:
“Tên nhân vật trong sách này đã được thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư, nếu có sự trùng hợp ngẫu nhiên thì đó là ngoài ý muốn của tác giả.”Như vậy, một trong hai trường hợp vừa nói đều có thể xem là một “hạt sạn” cần nhặt ra của tác phẩm. Nếu là tên nhân vật được giữ nguyên thì không nên, tốt hơn là nên đổi thành một cái tên hư cấu nào đó. Nhưng nếu tác giả thực sự đã tinh ý nghĩ đến chuyện đổi tên nhân vật, thì cần có một dòng báo trước cho độc giả ở đầu sách.
Hạt sạn thứ tư hoàn toàn không liên quan đến tác giả mà là trách nhiệm của nhà xuất bản. Sách được in ra với mã số định danh (ISBN) là 978-604-77-9807-0, điều này là đáp ứng thông lệ quốc tế để tạo ra giá trị cho quyển sách trong môi trường lưu hành chung. ISBN (International Standard Book Number) là yếu tố xác định, phân biệt một quyển sách với những quyển sách khác trong “rừng sách” của nhân loại. Do vậy, quy ước quốc tế là mỗi quyển sách có một ISBN duy nhất, không trùng lặp, và trong môi trường học thuật thì điều này càng quan trọng hơn vì cùng một quyển sách nhưng nếu được tái bản với chỉnh sửa, nó sẽ mang một ISBN khác. Do vậy, những người làm công việc nghiên cứu nếu sử dụng, trích dẫn các tài liệu đã xuất bản thì luôn phải kèm theo số ISBN để xác định rõ tác phẩm mình sử dụng là bản in nào. Nói như vậy để thấy tầm quan trọng của ISBN, giống hệt như thẻ ID hoặc căn cước công dân của một con người.
Tuy nhiên, khi tôi thử tìm kiếm trong hệ thống ISBN quốc tế dãy số định danh của sách này (978-604-77-9807-0) thì nó hoàn toàn không được biết đến, không có bất cứ thông tin nào cả. Theo quy ước, lẽ ra khi chúng ta nhập dãy số ISBN này vào để tìm kiếm thì sẽ nhìn thấy tất cả những thông tin cơ bản về quyển sách, như tên sách, tác giả, nhà xuất bản, bìa sách v.v... và nhiều thông tin khác. Nhưng ISBN của sách này hiện nay cho thấy là không hề được hòa nhập vào hệ thống thông tin của tổ chức ISBN quốc tế. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm đi một phần giá trị của quyển sách khi lưu hành rộng.
Độc giả muốn kiểm tra điều này chỉ cần vào trang
isbnsearch.org và gõ vào chuỗi số
9786047798070 và bấm nút tìm kiếm thì sẽ thấy kết quả như tôi nói. Và nếu muốn so sánh, độc giả có thể gõ vào chuỗi số
9781978333062 để tìm kiếm thì sẽ thấy ngay sự khác biệt.
Điều cuối cùng tôi muốn nói thêm để tác phẩm có thể hoàn thiện hơn nữa là một số cách dùng từ chưa thực sự chính xác, nhưng rất tiếc đã không được người biên tập nhận ra để góp ý chỉnh sửa. Chẳng hạn, trang 29, đoạn cuối có câu:
“Thầy ngồi giữa bàn ... ... ... mắt lim dim rít một ngụm cà phê.”
Động từ “rít” mô tả chuyển động của gió, của không khí khi có sự ma sát mạnh hoặc đi qua một khe hẹp. Chúng ta nói
“gió rít từng cơn” hoặc
“rít một hơi thuốc lá”, nhưng không thể nói
“rít một ngụm cà phê”, vì đó là chất lỏng. Nếu nói, nhấp một ngụm, hớp một ngụm... thì sẽ phù hợp hơn. Tất nhiên, những trau chuốt tỉ mỉ thuộc loại này luôn là công việc của người biên tập, để giúp cho tác phẩm hoàn thiện hơn trước khi ra đời.
Tạm Kết Kết thúc một cuối tuần với quyển sách này là một điều thú vị mà không phải ai cũng may mắn có được. Trong thực tế, hiện nay ở nước ngoài mua sách này không được dễ dàng lắm. Tôi đã thử vào Amazon và thấy sách được bán theo lối “ký gửi”, có nghĩa là tuy mua qua Amazon nhưng sẽ nhận hàng từ một đối tác khác, thời gian chờ rất lâu. Một số lớn người mua không thích mua hàng loại này vì ít tin tưởng hơn là những mặt hàng trực tiếp của Amazon. Hơn nữa, giá sách khá cao và cộng thêm cước phí nên lại càng quá cao, trong khi Amazon miễn phí gửi hàng cho thành viên Prime cũng như cho những đơn hàng trên 25 USD. Trên trang Facebook của Trần Huỳnh, tôi cũng đọc thấy rằng nhiều người đã tìm kiếm nhưng không mua được sách. Cuối cùng, tôi đã phải nhờ đến một người quen ở Việt Nam mới có được quyển sách này.
Sách viết theo lối tự truyện rất đơn giản, không cầu kỳ, nhưng chính lối hành văn đơn sơ mộc mạc của tác giả đã thực sự lôi cuốn người đọc qua những câu chuyện rất thật và gần gũi. Bên cạnh đó, Trần Huỳnh có một óc quan sát rất tuyệt vời của người làm khoa học nên bất kỳ khung cảnh hay nhân vật nào được anh mô tả lại cũng đều hiện lên rõ ràng chính xác, không thừa không thiếu. Chính điều này đã giúp cho khối lượng thông tin trong sách trở nên súc tích và phong phú, mang đến nhiều lợi ích cho người đọc. Hơn thế nữa, tuy anh diễn đạt với lối văn chân chất giản dị nhưng người đọc luôn cảm nhận những câu văn của anh được viết ra từ một tâm hồn thật sự giàu cảm xúc, và đó mới chính là cầu nối truyền cảm hứng từ anh sang độc giả của mình.
Hy vọng quyển sách sẽ được lưu hành rộng rãi hơn để đến tay được nhiều độc giả mà đến nay còn chưa có cơ hội tiếp cận.
Westminster, một ngày cuối tuần.Nguyễn Minh Tiến