Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Trích từ Phật Điển Phổ Thông - Dẫn vào tuệ giác Phật - Phần Dẫn Luận »» Tuyển dịch kinh điển Phật giáo Kim cang thừa »»

Trích từ Phật Điển Phổ Thông - Dẫn vào tuệ giác Phật - Phần Dẫn Luận
»» Tuyển dịch kinh điển Phật giáo Kim cang thừa

Donate

(Lượt xem: 8.719)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Văn học Phật giáo - Tuyển dịch kinh điển Phật giáo Kim cang thừa

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

VI. Tuyển dịch kinh điển Phật giáo Kim cang thừa

1.

Các đoạn văn được đánh dấu ‘V.’ trong sách này đại biểu cho truyền thống kinh điển của Phật giáo Kim cang thừa (Vajrayāna). Kim cang thừa xuất hiện như là một hệ phái đặc biệt về phương tiện (upāya) trong Đại thừa (Mahāyāna), chỉ dạy những phương pháp tu tập được cho là dẫn đến giác ngộ nhanh hơn so với tu tập các ba-la-mật (pāramitā) như được thuyết trong Kinh (sūtra). Những phương pháp mật truyền này được thuyết trong một lớp kinh điển Phật giáo riêng biệt gọi là mật tục (tantra), bắt đầu xuất hiện với số lượng lớn từ thế kỷ thứ năm Tây lịch ở Ấn-độ. Giống như các kinh Đại thừa, hầu hết các tantra Phật giáo cũng truy nguyên đến đức Phật lịch sử. Tuy nhiên, hệ thống tantra về hành trì được gọi là Kim cang thừa (Vajrayāna) dường như đã được phát triển bởi một nhóm quán hành giả (du-già sư, yogi) được biết đến với danh hiệu là Đại Thành Tựu Giả (mahā-siddha, những người thành tựu vĩ đại), hầu hết đều hoạt động dưới vương triều Pāla (750-1120).

2. Sự truyền bá của Kim cang thừa

Kim cang thừa du nhập Tây Tạng trong khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XI Tây lịch, và trở thành quốc giáo của đất nước này. Từ đó nó lan sang Mông-cổ và nhiều phần đất Trung Hoa. Ngày nay, mặc dù phải chịu những tổn thất nặng trong cuộc ‘cách mạng văn hoá’ Trung Hoa, Phật giáo Kim cang thừa vẫn tồn tại trong các khu vực thuộc Trung Hoa mà trước đây thuộc về Tây Tạng (không chỉ ở khu tự trị Tây Tạng mà còn ở các tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xuyên và Vân Nam) và khắp các nơi trong vùng Hy-mã-lạp sơn, nơi mà văn hóa Tây Tạng chiếm ưu thế, bao gồm vương quốc Bhutan, các phần đất Nepal và các bang thuộc Ấn-độ trong Hy-mã-lạp sơn. Sau bảy thập niên chịu sự đàn áp của chính quyền do Liên Xô hậu thuẫn, nó đã được hồi sinh vào cuối thế kỷ hai mươi ở Mông-cổ, Buryatia và Kalmykia (các phần đất thuộc Nga có dân tộc Mông-cổ). Một bộ phận riêng biệt của truyền thống Kim cang thừa đã được duy trì bởi dân Newari theo đạo Phật thuộc Nepal, và một phái Mật giáo được gọi là Chân ngôn tông (Shingon-shū) đã phát triển mạnh thành một trong những tông phái Phật giáo Nhật Bản.

3. Ba Pháp Luân

Kim cang thừa Tây Tạng là hậu duệ của các hình thái văn hóa của Phật giáo Bắc Ấn hậu kỳ, đặc trưng bởi hai mặt vừa nghiên cứu triết học vừa hành trì mật tục. Mặt học vấn chủ yếu phát triển trong các tăng viện lớn tổ chức thành những viện đại học, như Nālandā, tại đó giảng dạy tổng hợp các hệ triết học Phật giáo khác nhau. Tất cả những giáo pháp của đức Phật đều được xem như thuộc trong ba thời chuyển Pháp luân (Dharma-cakra): thời thứ nhất chuyển Pháp luân Tứ đế (xem *L.27) và ‘Vô Ngã’ (*Th.170-171) cho hạng có căn cơ tu tập Tiểu thừa’ (Hīnayāna),27 và hai thời thuộc về Đại thừa. Thời thứ hai chú trọng giáo lý tánh không (śūnyatā) theo đó tự tánh của hết thảy pháp vốn không, và Bồ-tát đạo như được thuyết trong các kinh bát-nhã ba-la-mật-đa (Prajñāpāramitā Sūtra), và thời thứ ba được xem những biểu dương về chân tánh của thực tại theo nghĩa tích cực hơn ‘tánh không’, như giáo thuyết ‘duy tâm’ (citta-mātra) và ‘Như Lai tạng’ (Tathāgata-garbha). Diễn rộng thêm, các mật tục (tantra) về sau cũng được nhận là thuộc về thời cuối này, mặc dù một số phái Tây Tạng xếp các mật tục vào thời Pháp luân thứ tư. Ý nghĩa của tất cả những giáo thuyết khác nhau này như được hàm chứa trong các kinh điển và những mối quan hệ phức tạp của chúng đã được các triết gia lớn của Đại thừa minh giải trong các luận thư (śāstra) và nhận thức phát triển trong triết học Phật giáo Ấn-độ hậu kỳ có cơ sở trên những ý tưởng hội thông của các luận sư này. Như vậy, những nghiên cứu tại các tăng viện đại học viện tập trung vào các luận thư ấy, thay vì trực tiếp y cứ kinh điển (sūtra), dù cho các luận thư Ấn-độ và Tây Tạng vẫn thường trích dẫn kinh điển (sūtra).

4. Kim cang thừa (Vajrayāna), Chân ngôn thừa (Mantrayāna), Mật thừa (Tantrayāna)

Kim cang thừa (Vajrayāna) còn được gọi là Chân ngôn thừa (Mantra-yāna), hay Mật tục thừa (Tantra-yāna). Mặc dù ba từ này thường được dùng như là những từ đồng nghĩa, nhưng mỗi từ có một ý nghĩa hơi khác biệt. Theo truyền thống Tây Tạng, ‘Chân ngôn’ (‘mantra’), nguyên nghĩa là ‘hộ trì tâm ý’ (man-tra), thông qua việc phá vỡ các mẫu vọng tâm tiêu cực và tập trung vào những phẩm giác tánh được tu tập. ‘Tantra’ được hiểu là tính liên tục của tâm giác tánh hiện diện trong tất cả chúng sinh (không chỉ riêng loài người), được gọi là Phật tánh hay Như Lai tạng (Tathāgata-garbha). Nó được hiển lộ hoặc đánh thức thông qua ‘tính liên tục’ không gián đoạn của các phả hệ truyền thừa thầy–trò trong mật tục lần trở về khởi nguyên từ chính đức Phật. Trong khi trong Đại thừa nói chung, tiến trình chứng đắc Phật quả viên mãn phải trải qua ba vô số kiếp, thì trong Kim cang thừa được nói là có thể mong cầu chứng đắc Phật quả chỉ trong một đời bằng các pháp tu được chỉ dạy bởi các bậc thượng sư đại thành tựu của mật tục (mahā-siddha) ở Ấn-độ. Các Thành tựu tiên này đã khởi xướng những hệ truyền thừa giáo pháp mà sau đó truyền đến Tây Tạng, tại đây gây nguồn cảm hứng cho việc thành lập các hệ phái và tông môn khác nhau (Nyingmapa, Kagyupa, Sakyapa, và Gelukpa, là bốn phái chính) đã tận tâm bảo tồn và lưu truyền các pháp tu nhắm thể ngộ tính liên tục đó. Mật tục thừa (Tantra-yana) là tên gọi chung cho pháp tu được tải thuật trong các mật tục của Phật giáo, đặc trưng bởi phép quán tưởng, tụng đọc chân ngôn, và tu tập các môn nhập định (samādhi). Cuối cùng, từ ‘Vajra-yāna’ được dùng để chỉ biểu tượng cao nhất của tâm đã giác ngộ, ‘vajra’, thường được dịch là ‘kim cang’ hoặc ‘lưỡi tầm sét’. Nó thực ra là tên gọi vũ khí huyền thoại của Indra, thủ lãnh của các thần có từ thời tiền Phật giáo ở Ấn-độ, là biểu tượng của tính bất hoại và uy quyền.

5. Các phái Phật giáo Tây Tạng 28

Phái Nyingmapa là những vị (pa) thuộc ‘Môn đồ của Cựu giáo’ (Tantra). Phái này tôn Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) là Tổ sư sáng lập. Ngài là vị thượng sư (guru) mật tục Ấn-độ trong thế kỷ thứ tám, đã có nhiều cống hiến cho việc thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng. Nyingmapa chủ trương một hệ thống ‘chín thừa’ (cửu thừa thứ đệ): Thanh văn, Độc giác và Bồ-tát, ba thừa này gồm những pháp tu đoạn trừ phiền não; ba thừa tiếp theo thuộc ‘ngoại Mật’, gồm những pháp môn ‘tịnh trị’; kế đến là ba thừa thuộc ‘nội Mật’: Đại Du-già (Mahā-yoga), Vô tỉ Du-già (Anuyoga) và Tối thượng Du-già (Ati-yoga), gồm những pháp môn tu tập chuyển hóa nhiễm tâm thành trí, thay vì chỉ đơn giản là diệt trừ chúng. Về mặt giáo thuyết, Nyingmapa xem các thừa này là thích hợp theo từng hạng người có căn cơ tu tập khác nhau. Tuy nhiên, về mặt hành trì, Nyingbmapa khuyến khích mọi người thực hành các thừa nội Mật, miễn là có thọ trì quy y và các hành và nguyện của Bồ-tát. Tối thượng Du-già (Ati-yoga) bao hàm các giáo lý và hành trì cùa ‘Đại viên mãn’ (Dzogchen). Pháp này nhằm mang lại cho hành giả nhận thức về ‘minh-không bản hữu’ (quang minh và Không tánh có sẵn) mà Tạng ngữ gọi là rig pa (Skt. vidyā, minh). Nó được biểu trưng bởi Phổ Hiền (Samantabhadra) (xem *V.6), vị Phật bản sơ biểu hiện cho Pháp thân (xem *M.9), nhưng nó cũng hiện diện sẵn trong tất cả chúng sanh, như trong một diễn giải trong các giáo thuyết Như Lai tạng (Tathāgatagarbha)/Phật tánh. Mục đích là loại bỏ tất cả các hoạt động của tâm và nội dung của nó để thấy rõ những gì đang sinh khởi. Các vị Nyingmapa hành theo các Cựu Mật tục được dịch trong đợt hoằng pháp thứ nhất ở Tây Tạng (thế kỷ 7-10). Trong những thế kỷ kế tiếp, họ tuyên bố đã phát hiện ra nhiều kinh điển từ phục tạng (gter-ma: terma, kho tàng chôn giấu) được nói là do Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) chôn giấu và được khám phá bởi một phục tạng sư (tertön), người phát hiện kho báu. Các phục tạng có thể là bản văn thuộc vật thể hoặc các hiện vật tôn giáo (tượng khắc/pháp khí). Trong trường hợp ‘các terma tâm ý’, chúng được xem là do Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) chôn kín trong tâm ý vô thức của một đệ tử, rồi đệ tử ấy trong một lần tái sinh đời sau tái phát hiện. Sự truyền thừa giáo pháp bằng các phục tạng (terma), vốn được xem là để trao truyền trực chỉ từ một vị thầy quá khứ sang người nhận hiện tại, được xem là bổ sung cho sự lưu truyền thông thường là khẩu truyền (bka' ma: ka-ma), mà qua đó các giáo thuyết bằng lời nói và bằng văn tự được truyền lại qua các thế hệ.

Vào thế kỷ thứ XI, sự phục hưng của đạo Phật dẫn tới sự thiết lập vững chắc trên toàn cõi Tây Tạng và sự phát triển của nhiều hệ phái mới dựa trên các bản dịch mới được gọi là các phái ‘tân dịch’ (gsar-ma: sarma). Theo thỉnh cầu của một vị vua bản xứ, tôn giả Atiśa, một vị lão sư đại học giả, từ Ấn- độ sang hoằng pháp vào năm 1042. Ngài chấn chỉnh lại chế độ Tăng-già, chủ trương độc thân phạm hạnh và cải thiện tri kiến Phật pháp của người Tây Tạng, dựa trên sự kết hợp giữa Trung luận (Madhyamaka) và Mật tục (Tantra). Những cải cách của Ngài đã khiến cho vị đệ tử chân truyền (Dromton: 'brom ston, 1005-1064) lập nên phái Kadampa (bka' gdams pa: Phật ngôn giáo giới) và cũng ảnh hưởng đến hai tân phái khác trong thời kỳ này. Thứ nhất là Kagyupa (bka' brgyud, Phật ngữ tông), ‘truyền thừa bằng mật khẩu’. Người sáng lập của phái này là Marpa (1012-97), một cư sĩ có gia đình đã học đạo với các thượng sư Mật tục ở Ấn-độ và phiên dịch nhiều kinh điển. Marpa chủ trương một hệ thống du-già (yoga) phức tạp cùng những mật quyết được nhĩ truyền từ thầy đến trò. Đại đệ tử của ông là đại thi hào khổ hạnh Milarepa. Đồ đệ của Milarepa là Gampopa (sgam po pa) đầu tiên xây dựng các chùa của phái Kagyupa. Một tân phái khác là Sakyapa (sa-skya-pa), được thành lập vào năm 1073 tại chùa Sakya. Phái này nổi danh với trình độ học thuật và gần gũi với Kagyupa trong hầu hết mọi vấn đề.

Một ý niệm dường như có nguồn gốc từ các vị Kagyupa vào thế kỷ thứ XIII là cho rằng các tulku (sbrul sku: hóa thân) đã được nhận biết mà bấy giờ đã có khoảng 3000 ở Tây Tạng. Một tulku thường được gọi là một ‘Lama tái sanh (yangsid- lâm: yang srid bla ma)’. Mặc dù trong đạo Phật tất cả mọi người đều được xem là tái sinh của chúng sanh nào đó trong quá khứ, nhưng các tulku khác biệt ở chỗ là tái sinh của một nhân vật quá vãng được xác định, là một vị Lama chủ yếu, và cũng là hóa thân của một bổn tôn. Các tulku được nhận diện từ các thiếu nhi, dựa trên các dự báo của các vị tiền nhân và thiếu nhi này có khả năng nhặt ra các vật tùy thân của vị ấy trong số những món có vẻ tương tự.

Tông phái chính yếu cuối cùng của Phật giáo Tây Tạng được thành lập bởi nhà cải cách Tsongkhapa (1357-1419), dựa trên nền tảng của phái Kadampa và sự chỉnh lý giáo nghĩa của Atiśa căn cứ theo trình độ căn cơ, trong thuần mật thuộc hàng thượng căn. Tsong-kha-pa thành lập phái Gelukpa (dge lugs pa: đức lý tông/ thiện quy tông), cũng được gọi là phái Hoàng mạo, vì tăng lữ của phái này phân biệt với các phái bằng mũ vàng khi hành lễ. Tsongkhapa chú trọng học giáo nghĩa của Trung luận (Madhyamaka), và tuân thủ giới luật tu đạo. Trong Đạo thứ đệ quảng luận (Lamrim Ch’enmo), Tsongkhapa lý luận rằng trong quá trình tiến tu trước hết ta nên mong cầu một tái sinh thiện thú (phước báo thế gian), thứ đến tầm cầu giải thoát tự thân (khởi phát Tiểu thừa/ Hīnayāna), tầm cầu Phật quả để cứu giúp giải thoát mọi loài (khởi phát Đại thừa/ Mahāyāna), và để nhanh chóng đạt đến cứu cánh của Đại thừa thì cần được nhiếp thọ với các pháp tu của Kim cang thừa. Các cấp hành đạo và chứng chân lý cao hơn cần phải lập cước trên những cấp thấp hơn, chứ không thể đảo ngược. Phân tích luận lý mở đường cho đốn ngộ vô phân biệt, và truyền thừa bằng văn tự cũng quan trọng như truyền thừa qua khẩu ngữ.

Vào thế kỷ XVI, người đứng đầu phái Gelukpa (Sonam Gyatso: bsod nams rgya mtsho) phục hưng Phật giáo Mông- cổ vốn đã suy tàn. Do vậy, một trong những người cai trị Mông-cổ, Altan Khan (1507–1582), do vậy đã phong cho vị Lạt-ma này danh hiệu Mông-cổ là Đạt-lai Lạt-ma (Dalai Lama), trong đó tiếng Mông-cổ có nghĩa là ‘Đại dương (của trí tuệ)’. Ngài được xem như là hóa thân thứ hai của một vị cựu lãnh đạo phái Gelukpa (Gendun Drub: dge 'dun grub pa), (đồ đệ và cũng được xem là) cháu của Tsongkhapa, do đó vị ấy (Gendun Drub) được truy phong là Đạt-lai Lạt-ma thứ nhất. Mỗi vị Đạt-lai Lạt-ma được xem như một tulku và cũng một hình thức thị hiện hóa thân Bồ-tát đại bi Quán Thế Âm (Avalokiteśvara). Vị tulku chính yếu khác của phái Gelukpa là Ban-thiền Lạt-ma (Panchen Lama), được xem như một hiện thân liên tục của Phật A-di-đà (Amitābha).

Vào năm 1641, người Mông-cổ xâm chiếm Tây Tạng và lập Đạt-lai Lạt-ma thứ năm làm người cai trị đất nước này. Từ đó trở đi, phái Gelukpa trở thành ‘giáo phái đương quyền’. Vào thế kỷ mười chín, một phong trào phát triển, được gọi là Ri- may (ris med pa: không phái biệt, không thiên vị, công chánh vô tư). Đây là một phong trào chiết trung không phân biệt giáo phái phát sinh trong các nhóm Nyingmapa ở miền đông Tây Tạng và bắt đầu thu hút người ủng hộ của các phái khác, thậm chí cả những người theo phái Gelukpa. Tuy nhiên, phong trào Ri-may khởi thủy là sự dung hợp giáo nghĩa, cạnh tranh với sự dung hợp của Gelukpa. Ngoài một số ít ngoại lệ, các vị Lạt-ma của những truyền thống Ri-may được đào tạo ở các trung tâm Ri-may, còn các vị Gelukpa thì ở các trung tâm Gelukpa, và việc tiếp xúc giữa họ bị hạn chế. Sự dung hợp của Ri-may đã thu hút được ba phái ngoài Gelukpa (và một số người đạo Bön nửa Phật giáo). Những phái này vốn đều đã có các hành giả du-già (yogin) cư sĩ, đều có sự quan tâm đến các cựu Tantra và terma, và các giáo nghĩa/ hành trì vô tướng Đại viên mãn (Dzogchen) đã đưa ra một viễn cảnh thống nhất.

6. Đại Tạng Tây Tạng

Trong sách này, từ ‘Kim cang thừa’ được dùng rộng rãi hơn để chỉ toàn bộ hệ thống Phật giáo Tây Tạng (hay Bắc Đại thừa), đã bảo tồn toàn bộ kiến trúc của Đại thừa Ấn-độ hậu kỳ. Điều này được phản ánh trong cấu trúc của Thánh điển Phật giáo Tây Tạng, phân chia các bản dịch Tạng ngữ từ các kinh điển Phật giáo Ấn-độ thành hai tạng chính. Tạng thứ nhất là Kangyur (bKa’ ‘gyur29) là phần Phật ngôn Tạng dịch – hai phần ba trong bộ phận này bao hàm Kinh điển Đại thừa (Mahāyāna Sūtra) – và tạng thứ hai là Tengyur (bsTan ‘gyur) là phần Luận thư Tạng dịch. Trong ấn bản Bắc kinh của hai tạng này, có 330 tập với 5,092 bộ Kinh Luận trong 224, 241 trang.30 Kangyur chủ yếu tập thành các kinh Đại thừa và các Mật tục căn bản (mūla-tantra) được cho là Phật thuyết. Ấn bản Bắc kinh bao gồm 106 tập, với 66,449 trang và 1,112 bản dịch, được phân nhóm theo thứ tự sau:

(i) Bí Mật bộ 秘密部 (rgyud) Tantra (738 bộ, 25 tập)

(ii) Bát-nhã bộ 般 若 部 (sher phyin) Prajñāpāramitā (17 bộ, với 13 Kinh ‘Bảo trì’ tiền Đại thừa, 24 tập)

(iii) Hoa Nghiêm bộ 華嚴部 (phal chen) Avataṃsaka Sūtra (1 bộ 45 phẩm, 6 tập)

(iv) Bảo Tích bộ 寶積部 (dkon brtsegs) Ratnakūṭa Sūtra (49 bộ, 6 tập)

(v) Chư Kinh bộ 諸經部 (mdo) Sūtra (268 bộ, 32 quyển)

(vi) Giới Luật bộ 戒律部 ('dul ba) Vinaya (8 bộ, 13 quyển)

(vii) Tán tụng bộ 願讚部 (bsngo smon) Praṇidhāna (18 văn bản ngắn ở cuối quyển cuối)

Tengyur bao gồm các luận thư (śāstra) có thẩm quyền của các luận sư Ấn, với một số ít luận thư của các luận sư Tây Tạng thời đầu, đã luận giải nghĩa lý của các kinh (sūtra) và các tantra. Trong ấn bản Bắc kinh, phần này gồm 224 tập với 3,980 bộ và 157,792 trang, được phân nhóm như sau:

(i) Tán Tụng bộ 讚頌部 (bstod tshogs) Stotra (63 bộ, 1 tập)

(ii) Bí Mật Sớ bộ 秘密疏部 (rgyud) (3136 bộ, 87 tập)

(iii) Các chú sớ và luận thư dựa trên Kinh (và các chủ đề thế tục hữu dụng khác): Các chú sớ cho các kinh bát-nhã và Luật (vinaya); các luận thư Trung luận (Madhyamaka) và Du-già hành (Yogācāra), các tác phẩm abhidharma, truyện và kịch, các luận thư về các chủ đề nhân minh, y phương minh, thanh minh, công xảo minh (nghệ thuật và thủ công ứng dụng, như kiến trúc), và nhiều loại tác phẩm khác (781 bộ,136 tập).

Hầu hết các Thánh điển – sūtra, tantra,và śāstra – đều được dịch từ bản gốc Sanskrit, dưới sự hướng dẫn của các học giả Ấn-độ (paṇḍita), những vị đã giúp truyền Phật giáo sang Tây Tạng. Các bản dịch được thực hiện có ‘khoa học’ – với các từ ngữ và các quy tắc cú pháp được chuẩn hóa – để duy trì sự mật thiết tối đa với bản gốc. Do đó, các bản dịch Tây Tạng nói chung được cho là rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, không có văn bản nào được nghiên cứu mà không có khẩu truyền và hướng dẫn thực tế chi tiết từ một vị thầy đa văn và có kinh nghiệm. Đặc biệt, các tantra luôn được coi là bí truyền, hầu như không thể hiểu được nếu không có khẩu truyền ý nghĩa thực sự của chúng và sự khởi đầu đúng đắn để hành trì chúng.

Vào lúc trọng trách phiên dịch di sản Phật giáo Ấn-độ đã được hoàn thành, sự phát triển của một nền học thuật bản địa Tây Tạng đã được tiến hành tốt đẹp. Các tác giả Tây Tạng bắt đầu soạn thuật các luận thư của riêng mình để làm sáng tỏ ý nghĩa của các Kinh (sūtra) và Luận (śāstra), bao gồm cả kinh điển mật tục. Đối mặt với vô số các chuyện kể, giáo lý, và kỹ thuật giải thoát trong các văn bản Thánh điển, họ chắc chắn sẽ thấy mình phải làm việc sắp thứ tự và hệ thống hóa các tài liệu này. Theo truyền thống học thuật Phật giáo Bắc Ấn, họ căn cứ sự tổng hợp giáo nghĩa của mình trên các luận thư (śāstra) của Long Thọ (Nāgārjuna) (khoảng 150–250), Vô Trước (Asaṅga; khoảng 310–90, với Từ Thị Tôn/ Maitreya-nātha làm thầy), Thế Thân (Vasubandhu; khoảng 310–400), Pháp Xứng (Dharmakīrti; khoảng 530–600), Nguyệt Xứng (Candrakīrti; thế kỷ thứ VII), và Tịch Thiên (Ṥāntideva; khoảng 650–750) – đây chỉ đề cập đến các triết gia Đại thừa vĩ đại nhất. Các tantra cũng được nghiên cứu qua các chú sớ, chỉ dẫn và hướng dẫn hành trì được viết bởi các vị Đại thành tựu (mahā-siddha) Ấn-độ và các học giả mật tục, được nằm trong một phần đồ sộ của Tengyur. Các dòng truyền thừa mật tục khác nhau – các hệ thống thực hành mật tục được truyền lại từ thầy sang trò truyền đến Tây Tạng từ thế kỷ VII đến XII – đã được thể chế hóa trong bốn phái chính và các chi phái khác nhau. Theo thời gian, mỗi phái đều phát triển truyền thống văn học của riêng mình, kết quả là một sự gia tăng đáng kinh ngạc của văn học Kim cang thừa. Mặc dù theo cách thức của Ấn-độ là tiêu chuẩn ở khắp mọi nơi, nhưng vẫn có chỗ cho sáng tạo đổi mới. Chúng bao gồm các thư tịch phục tạng được chôn giấu ở Tây Tạng hoặc trong tâm tưởng của các môn đồ Tây Tạng bởi các vị thầy Ấn-độ được phát hiện lại vào thời điểm thích hợp, được nằm trong các bộ của Thánh điển.31

7. Các đoạn văn được chọn

Các đoạn tuyển dịch từ truyền thống Kim cang thừa cho sách này đại biểu cho các quan điểm Phật giáo Kim cang thừa về các chủ đề đã chọn trong sách. Theo các loại kinh điển được chú trọng trong Phật giáo Tây Tạng, được tóm lược hay nhất bởi các tác giả Tây Tạng nổi tiếng nhất như Gampopa (1079– 1153) hay đạo sư Nyingmapa là Patrul Rinpoche (1808– 1887); họ có những tác phẩm mà chúng ta thường sử dụng làm nguồn tài liệu cho các đoạn được chọn. Trong số các nguồn tài liệu Thánh điển, chúng ta đã nêu ra một vài đoạn từ các luận thư của Long Thọ (Nāgārjuna) (*V.12) và Tịch Thiên (Ṥāntideva) (*V.34–5, 38), cũng như toàn bộ quyển “Bồ-đề Đạo Đăng Luận” của A-đề-sa (Atiśa) (982–1054) (*V.10). Những kinh văn của các vị đạo sư Gelukpa là “Bồ- đề đạo thứ đệ lược luận” của Tông-khách-ba (Tsongkhapa) (*V.40), “Tông-khách-ba mật sanh hạnh nguyện” (*V.91), của hậu nhân, và “Tứ Niệm Ca” (* V.69) của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ VII (1708–1757). Tu Tâm: Viễn ly Tứ chấp Thể nghiệm ca (*V.16) của vị đạo sư Sakyapa và Ri-may là Khyentse Wangpo (1829–1870). Thiên tài mật tục về thơ được minh họa bởi một số bài kệ của nhà thơ vĩ đại nhất của Tây Tạng, Milarepa (*V.8, 11, 17, 23). Cụ thể, các văn bản mật tục được đặc trưng nhất trong Chương 2 (‘Các quan điểm khác nhau về đức Phật’) – nơi mà quan điểm mật tục về Phật tánh bản hữu được minh họa bằng những đoạn trích từ truyền thống kinh văn về Đại viên mãn (Dzogchen; *V.2-6). Thông tin thêm về những văn bản này và các văn bản khác được cung cấp trong phần giới thiệu và cước chú.

Hầu hết các bản dịch tiếng Anh đã được bản thân tôi chuẩn bị từ tiếng Tây Tạng nhằm mục đích đưa vào sách này, dù rằng chúng cũng được hỗ trợ từ các bản dịch hiện tại, những trường hợp như vậy đều được ghi chú thích đáng.

Người phiên dịch mong được cảm ơn tất cả những người ủng hộ dự án này. Mong nó có ích cho nhiều người!

Tamás Agócs

___________________


Chú thích (chung cho phần Dẫn Luận)

1. Theo Pāli; Sanskrit: Siddhārtha Gautama. Pāli và Sanskrit là hai ngôn ngữ Ấn cổ liên hệ bảo tồn các văn bản Phật giáo nguyên thủy. Chúng thuộc cùng một họ ngôn ngữ với tiếng Hy-lạp và tiếng Latin, và qua đó có mối liên kết với các ngôn ngữ châu Âu.

2. What the Buddha Thought, London, Equinox, 2009, p.vii.

3. Viết tắt là Skt. trong sách này.

4. Nhưng không phải là ‘thức tỉnh’ theo nghĩa một người có kinh nghiệm thức tỉnh về một phẩm tính hoặc kinh nghiệm mới mẻ nào đó mà chưa đến mức sung mãn hoàn toàn. Đức Phật là vị tu tâm viên mãn.

5. Anh ngữ ‘blessed one’, phát âm ‘bless-ed one’.

6. Jambudīpa (Diêm-phu-đề, châu lục Hồng táo), một thuật ngữ có nghĩa đại khái là tiểu lục địa Ấn-độ.

7. Câu chuyện nhìn thấy một người già... lần đầu tiên dựa trên tường thuật kinh điển về những kinh nghiệm của đức Phật quá khứ Vipassī (Dīgha- nikāya II.21-29).

8. Ngụ ý rằng gia đình Ngài chẳng biết về ý định xuất gia làm sa-môn của Ngài; nhưng trong tường thuật kinh điển ở *L.8, thì song thân Ngài đều biết và rất buồn khổ.

9. Trước đây được biết ở phương Tây là Benares.

10. Các tên ở trên là dạng Pāli; dạng Sanskrit: Śāriputra, Maudgalyāyana, Ānanda, Aniruddha, Kṣemā,Utpalavarṇā, Anāthapiṇḍada, Prasenajit Kośala, Citta và Viśākhā.

11. Từ Sanskrit sattva có nghĩa là ‘chúng sanh’, và từ Pāli satta cũng có thể có nghĩa như vậy, nhưng thực tế có thể phái sinh từ Sanskrit sakta, với chữ bodhi-sakta nghĩa là ‘người kết buộc với giác ngộ’.

12. Chú giải Kinh Tập (Sutta-nipāta) II.486.

13. Chú giải Cảm Hứng Ngữ (Udāna) 325.

14. Chú ý rằng Pali Text Society có hai phiên bản của tập I Saṃyutta- nikāya; trong sách này, các tham chiếu được nêu theo cách đánh số trang của bản cũ, theo sau là cách đánh số trang của bản mới, ghi trong dấu ngoặc <>.

15. The four ‘Truths of the Noble Ones’. Một cách dịch phổ biến hơn nhưng có chút lệch ý là ‘Chân lý Thánh’ (Noble Truths).

16. Xem đoạn *Th.201.

17. Ví dụ, bộ Aṅguttara-nikāya II.7.

18. Majjhima-nikāya, các kinh 43, 44, dưới hình thức vấn đáp và diễn giải, về một số khái niệm Phật giáo.

19. Kinh Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā, tr. 4.

20. Kinh 20, Đại hội, trong Trường bộ kinh (Dīgha-nikāya).

21. Bodhi-pakṣa-dharma (Pāli.bodhi-pakkhiya-dhamma), bao gồm các phẩm tính như bốn niệm trụ (*Th.138) và cho đến thánh đạo tám chi (*Th.99).

22. Truyền thống Theravāda thường kể 10 vấn đề (xem *Th.20, cf. *Th.10).

23. Tựa Skt.: Kṣitigarbha Bodhisattva Pūrvapraṇidhāna Sūtra.

24. Trước đây còn phiên là Chih-i.

25. Trước đây thường phiên là, theo thứ tự, Tushun và Fa-tsang.

26. Một mẫu nghịch thường mà tinh tế, chẳng hạn như ‘tiếng vỗ của một bàn tay là gì?’, thường được dùng như một đề mục thiền quán trong phái Thiền Lâm tế.

27. Xem ‘Tiểu Thừa’ (‘Hīnayāna’) trong Bảng chú giải thuật ngữ và tên riêng.

28. Viết bởi Peter Harvey.

29. Sách này dùng các các dạng phiên âm Tạng ngữ cho phép phát âm gần đúng, nhưng khi có một dạng phiên âm khác trong ngoặc thì đây là dạng phiên âm chuẩn xác hơn của Tạng ngữ.

30. Để có tổng quan về một số ấn bản Đại tạng Tây Tạng của Kangyur và Tengyur, xem: http://84000.co/kangyurtengyur-genres/ .

31. Chẳng hạn như Nyingma Gyubum (rNying ma’i rGyud ‘bum) của phái Nyingma.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Dưới bóng đa chùa Viên Giác


Vua Là Phật, Phật Là Vua


Đường Không Biên Giới


Hạnh phúc khắp quanh ta

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.108.43 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...