sống trong đời sống
cần có một tấm lòng
để làm gì em biết không ?
(TCS)
Có một vườn địa đàng ở đó người ta không phải làm mà cũng có ăn, không phải đổ mồ hôi để đổi lấy chén cơm, không chút âu lo, không hề hờn giận, đó là thời người ta còn là bào thai trong bụng mẹ. Khi bị tống xuất ra khỏi địa đàng thì lập tức con ngươì phải khóc ré lên, không phải khóc vì đau khổ chi đâu, thực ra là khóc ré lên để hớp lấy không khí, giành không khí với kẻ khác, căng buồng phổi càng to càng tốt. Rồi miệng đã phải bắt đầu lép nhép đòi bú, đã bắt đầu đổ mồ hôi để... nút vú mẹ và cứ thế... "trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về".
Ở tuổi chớm già, điều chỉnh và thích nghi với nghề nghiệp không dễ. Do tuổi thọ không cao, ngày xưa người ta không phải đối phó với vấn đề tuổi chớm già và nghề nghiệp nhiều khó khăn như bây giờ. Ngày xưa, môi trường xã hội cũng khác, người dạy học, người thầy thuốc, người thợ mộc, thợ nề, thợ rèn đều có thể yên ổn với nghề nghiệp mình, rồi truyền từ đời này sang đời khác, lúc trẻ làm nhiều, lúc già làm ít, chỉ bảo cho con cháu những bí quyết riêng, những kinh nghiệm riêng, đôi khi thành một nghề truyền thống quý báu luôn được giới trẻ kính phục, quý trọng, không sợ bị cạnh tranh bị đào thải. Bây giờ điều kiện làm việc, môi trường xã hội đã khác, con người vất vả hơn và tranh giành dữ dội hơn, phải đổ nhiều mồ hôi hơn để kiếm sống. Khoa học kỹ thuật tiến bộ, người già không theo kịp, bị bỏ rơi, nghề nghiệp nhanh chóng lỗi thời, việc truyền dạy cho thế hệ sau không nhất thiết giữa thầy với trò mà thông qua máy móc, do vậy con người bớt tình người đi mà lạnh lùng hơn, tàn nhẫn hơn, máy móc hơn. Những người quá già, không còn đủ năng lực kiếm sống, người ta tạo ra các nhà nuôi người già để bỏ họ vào đó, cho ăn, cho mặc... thuê những người xa lạ chăm nom, và cứ ở đó đợi ngày chết. Chuyện không khác với những bộ lạc "dã man" ngày xa xưa ở rừng già châu Phi đã cho người già leo lên cây rồi rung gốc, ai còn khoẻ còn bám chặt, cho sống, ai rụng thì...
Ở đàn ông, tuổi đạt đến đỉnh cao của nghề nghiệp với những thành tựu cũng như thỏa mãn với nghề nghiệp là vào lứa tuổi từ bốn mươi đến năm mươi. Dĩ nhiên đó là những người có một nghề nghiệp ổn định. Những người không có nghề nghiệp ổn định thì khó khăn chồng chất. Nhiều người rơi vào tình trạng thất nghiệp, người phải thử thời vận với hết nghề này sang nghề khác. Thành tựu trong nghề nghiệp, ấy là có thu nhập ổn định, được thăng tiến, có vị trí trong xã hội, có uy quyền hoặc danh tiếng, có tính tự quyết cao để chủ động, hài lòng với công việc mình làm và tự tin vào năng lực của mình. Bốn mươi đến năm mươi, đó là thời điểm người ta hài lòng nhất với nghề nghiệp của mình. Thế nhưng, ngoài năm mươi, người ta thường đã bắt đầu thấy "oải" với nghề nghiệp, rõ nhất là khoảng năm năm trước khi nghỉ hưu, người ta cảm thấy một nỗi chán chường ngày càng tăng, một mặt vì cơ hội thăng tiến không còn, công việc ngày càng trở nên đều đều, nhàm chán. Nhàm chán đến nỗi nhiều người muốn nôn mửa, muốn bỏ trốn, muốn "lên non tìm động hoa vàng ngủ say" (PTT), hay như có gì đó réo gọi : “Đi về sao chẳng về đi, ruộng hoang vườn rậm còn chi không về ?” (ĐT). Kỹ thuật đổi thay nhanh chóng, người chớm già không còn khả năng thích nghi theo đuổi kỹ thuật mới nữa, dễ bị bỏ rơi, tụt hậu ngày càng xa. Cơ thể do tiến trình sinh lý đã chậm chạp, tai kém, mắt mờ, tay đã có thể run và bắt đầu đau lưng, đau khớp, nhức mỏi. Người chớm già cảm thấy rõ ràng không thể theo kịp giới trẻ, đặc biệt trong thời đại kỹ thuật, công nghệ mới thay đổi đến chóng mặt như hiện nay. Và nếu ở một xã hội không có lòng tôn trọng người lớn tuổi, sự xung đột dễ xảy ra làm cho tình trạng khó khăn hơn.
Bạn tôi là một nha sĩ nổi tiếng, du học ở nước ngoài về, thế mà đến tuổi năm mươi, anh đã thấy mệt mỏi không còn muốn đuổi theo kỹ thuật của những bạn trẻ trong ngành nữa, anh chỉ còn những khách hàng thân quen cũ, nhưng rồi những khách hàng này cũng không thể theo anh mãi vì nhiều lần anh lẫn trốn họ, và khi họ đề nghị với anh những kỹ thuật này, kỹ thuật khác, anh từ chối hết. Tưởng tượng đi, ngày nào cũng như ngày nào, cứ kềm với đục, cứ phải dòm hằng tá những bộ răng nhấp nhô xấu xí, những hố răng sâu hóm, những nướu răng mưng mủ hoặc chảy máu, không thấy ở đâu những nụ cười quốc sắc thiên hương, khuynh thành đổ nước, ở anh, chỉ có những nụ cười méo xệch, những gương mặt nhăn nhó. Ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác hì hục nạy, móc, nhổ, trám... cho đến lúc tay run, mắt mờ, kiếng lão đẩy lên tụt xuống. Anh muốn thoát ra cảnh tù túng ngột ngạt của phòng răng, của mùi thuốc gây tê nồng nặc, lên đồi, xuống biển, ôm lấy cây đờn ghi ta hát nghêu ngao như ngày còn trẻ cũng không còn được nữa. Khớp đã sưng, chân đã mỏi, dáng đi đã lạch bạch, nặng nề rồi... Còn tôi, cái nghề thầy thuốc trẻ con đã có những niềm vui lớn, đã có những nỗi tự hào, thấy mình có ích, thấy mình giúp đỡ an ủi được nhiều người khác thế nhưng cũng đã có những lúc nhàm chán không tả nổi. Ngày nào cũng những em bé nóng sốt, khóc la ầm ĩ, ói, ỉa trên quần áo mình, ho sù sụ vào mặt mình, cũng những bà mẹ lo lắng, những ông bố ngơ ngác, những bà nội bà ngoại khó tính... Có những ông bố còn hơn bà mẹ và những bà mẹ còn hơn ông bố. Những "cái nồi" úp vào những "cái vung" tuyệt hảo như một định mệnh. Có những bà nội bà ngoại khổ từ đời con sang đời cháu như mắc nợ từ kiếp trước. Những bà già thì trông giống như ông già, những ông già thì giống hệt bà già. Ngày nào cũng lặp lại những câu hỏi giống nhau, đến nỗi quen đi, như một phản xạ, không cần cũng hỏi, không đúng chỗ đúng lúc cũng hỏi, y như anh chàng Charlot của thời đại tân kỳ, ngày nào cũng vặn bù lon đến nỗi thấy nút áo của người ta cũng nhào tới vặn. Những câu nói thân mật ngọt ngào với trẻ con trong lúc thăm khám trở thành những mệnh lệnh, ngắn ngủn, cộc lốc: thở mạnh, há họng, le lưỡi... rồi ngắn thêm còn những động tư : thở, há, le... Rồi khi nghề nghiệp có tiếng tăm một chút, thì biết bao nỗi giận hờn của người này người khác, mất bạn bè, mất bà con vì không còn thì giờ đâu để có chút nhởn nhơ, cũng không sao đáp ứng hết yêu cầu của mọi người, đêm khuya, sáng sớm, lúc nào cũng có người gọi, người kêu. Và dĩ nhiên người ta chỉ sực nhớ đến mình khi có chuyện ốm đau bệnh hoạn. Nghề đã thành nghiệp. Ngồi vào một tiệc cưới, thế nào cũng có người hỏi về chuyện vợ ốm , con đau, người này bón, người kia trĩ. Thế là tiệc cưới cũng thành nơi khám bệnh hành nghề. Chuyện kể có ông bác sĩ nọ trong một bữa tiệc bị bà khách ngồi kế bên vặn hỏi đủ thứ về bệnh tật của bà đã điềm tĩnh bảo nào bà hãy cỡi áo ra tôi khám ngay cho mới được yên thân. Rồi nghĩ về những nghề khác, chắc người ta cũng có những khó khăn như vậy, những méo mó nghề nghiệp như vậy. Năm này sang năm khác, ngày này sang ngày khác... Khi muốn thoát ra, trốn chạy, thì lại nhớ. Tới giờ khám bệnh, dù lúc đó đang làm gì ở một nơi nào đó xa xôi cũng thấy bứt rứt, thấy nhớ các bệnh nhi nhỏ bé của mình, các bà nội bà ngoại khó tính, ông bố ngơ ngác, bà mẹ lo lắng. Đôi lúc thấy như mình không làm tròn trách nhiệm. Đôi lúc thấy lương tâm cắn bên này một chút, rứt bên kia một miếng vì đã thế này thế khác. Một người bạn thầy thuốc khác của tôi đã gục ngã trong lúc đang khám bệnh, anh bị tai biến mạch não. Anh vốn là một bác sĩ tim mạch, chăm lo bệnh mạch não cho mọi người. Vị giáo sư dạy di truyền ở Đại học thì lại có một đứa con bị hội chứng Down, do rối loạn nhiễm sắc thể thứ 21. Một vị khác, không có gì vui hơn là khám bệnh kiếm tiền, mặc dù ông chỉ ăn chay trường, không con cái, không biết chi tiền vào đâu.
Phụ nữ còn khó khăn hơn trong nghề nghiệp ở tuổi chớm già này. Trong quá trình làm việc, do phải sinh đẻ, nghỉ hộ sản, nghỉ con ốm, chăm sóc chồng con, gia đình, phụ nữ luôn bị lương thấp hơn nam giới, ít có cơ hội học thêm, cơ hội thăng tiến. Gia đình êm ấm, con cái thành đạt sẽ là phần thưởng lớn lao đối với họ. Những người độc thân, sống cho sự nghiệp, thì phản ứng với nghề nghiệp cũng giống như nam giới ở tuổi chớm già, gặp những vấn đề như ở nam giới. Trong tuổi mãn kinh, những khó khăn về sinh lý, về sức khỏe càng làm trầm trọng thêm và do vậy cần có bước chuẩn bị tốt hơn để thích nghi.