Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả. (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Văn hóa Phật giáo »» Đọc Thơ Chữ Hán Của Vua Trần Nhân Tông Qua Bản Dịch Của Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ »»

Văn hóa Phật giáo
»» Đọc Thơ Chữ Hán Của Vua Trần Nhân Tông Qua Bản Dịch Của Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ

Donate

(Lượt xem: 6.404)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Văn học Phật giáo - Đọc Thơ Chữ Hán Của Vua Trần Nhân Tông Qua Bản Dịch Của Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ

Font chữ:

Sử truyện kể rằng ở nước Đại Việt vào thời Nhà Trần, có vị minh quân đã hai lần đánh bại đoàn quân viễn chinh hung hãn của Hốt Tất Liệt, người Mông Cổ sáng lập và cai trị nhà Nguyên ở Trung Hoa. Nhưng vị minh quân này đã không ở ngôi cửu trùng để tế thế an bang bằng con đường chính trị của bậc đế vương mà khoác áo nâu sòng xuất gia đầu Phật và sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm để đem giáo pháp giác ngộ của Phật Đà giải khổ cho muôn vạn chúng sinh. Vị minh quân và tổ sư ấy chính là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài cũng là nhà thơ kiệt xuất để lại nhiều áng thơ văn trác tuyệt đóng góp cho nền văn học nước nhà.

Hơn bảy thế kỷ sau khi Tổ Sư Trần Nhân Tông viên tịch, có một nhà thơ Việt ở gần tuổi ‘xưa nay hiếm’ (thất thập cổ lai hy) sống tha hương nơi xứ người mà tất dạ lúc nào cũng không rời cái nôi văn hóa và văn học của dòng giống Lạc Việt nên đã ngày đêm chuyên cần dịch thơ chữ Hán của Tổ Sư ra tiếng Việt để cho con cháu đời sau nhớ lấy di sản của tiền nhân. Nhà thơ ấy chính là Nguyễn Lương Vỵ. Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã dịch 36 bài thơ chữ Hán của vua Trần Nhân Tông sang tiếng Việt được in trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông” được xuất bản vào tháng 5 năm 2017 tại Hoa Kỳ. Nhưng cuộc đời vốn là vô thường biến dịch. Và con người không ai thoát khỏi quy luật tự nhiên sinh lão bệnh tử. Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã từ giã cõn trần vào ngày 18 tháng 2 năm 2021 tại California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 69 tuổi (1952-2021).

Bài này, vì vậy, được viết ra như một nén hương lòng tưởng nhớ đến nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, người có công dịch thơ chữ Hán của Vua Trần Nhân Tông. Nhưng trước hết, xin giới thiệu sơ lược về vị Hoàng Đế Nhà Trần và cũng là Khai Tổ Thiền Trúc Lâm Trần Nhân Tông.

Vua và Tổ Sư Trần Nhân Tông

Nói về tiểu sử chi tiết của Vua Trần Nhân Tông thì dài. Nhưng tóm lược thì có thể nhắc tới hai điều tối quan trọng trong đời ông: Một vị minh quân hai lần đánh bại quân Nguyên Mông và một vì Thiền Sư sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm.

Trần Nhân Tông sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258 và viên tịch ngày 16 tháng 12 năm 1308, theo Bách Khoa Từ Điển Mở Tiếng Việt. Ông có tên khai sinh là Trần Khâm, là vị hoàng đế thứ ba của Nhà Trần nước Đại Việt. Ông trị vì từ ngày 8 tháng 11 năm 1278 đến ngày 16 tháng 4 năm 1293, sau đó làm Thái Thượng Hoàng cho đến khi qua đời. Trần Nhân Tông được sử Việt đánh giá là một vị vua anh minh, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của Đại Việt cuối thế kỷ XIII, cũng như việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng cương thổ đất nước. Ngoài ra, ông cũng là một thiền sư lớn của Phật Giáo Việt Nam thời trung đại.

Là trưởng tử của Vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đã được truyền ngôi vào tháng 11 năm 1278 – lúc ông chưa đầy 20 tuổi. Vị hoàng đế trẻ sớm phải đương đầu với hiểm họa xâm lăng từ đế quốc Nguyên-Mông hùng mạnh ở phương Bắc. Do vậy, ngay sau khi lên ngôi Vua Trần Nhân Tông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức mạnh kinh tế và ổn định chính trị – xã hội của Đại Việt, đồng thời xây dựng quan hệ tích cực với nước láng giềng phía nam là Chiêm Thành. Năm 1285, hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt huy động một lực lượng lớn, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là 50 vạn quân, tấn công Đại Việt. Quân dân Đại Việt ban đầu gặp nhiều tổn thất; nhưng dưới sự chỉ huy của Vua Trần Nhân Tông, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo, Đại Việt đã dần dần xoay chuyển tình thế và đánh bật quân Nguyên ra khỏi đất nước. Sau đó, 2 vua Trần và Hưng Đạo Vương tiếp tục lãnh đạo dân Việt đánh bại một cuộc xâm lược khác của Nguyên-Mông vào năm 1287. Năm 1293, ông truyền ngôi cho Thái Tử Trần Thuyên (tức Vua Trần Anh Tông) và lên làm Thái Thượng Hoàng.

Tháng 10 (âm lịch) năm 1299, Vua Trần Nhân Tông đến Núi Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay), xuất gia lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu Đà và tu hành theo thập nhị đầu đà (mười hai điều khổ hạnh). Ông còn có đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, Trúc Lâm Đại Sĩ và Giác Hoàng Điều Ngự. Dù không có sử liệu nào nói về vị Thầy của Vua Trần Nhân Tông là ai, nhưng theo các văn bản hiện còn cho thấy Trần Nhân Tông xem Tuệ Trung Thượng Sĩ là Thầy, theo Giáo Sư Lê Mạnh Thát trong tác phẩm “Trần Nhân Tông, Con Người và Tác Phẩm.” Tại Yên Tử, Điều Ngự đã mở tịnh xá, thuyết giảng độ tăng, thâu nhận được khá nhiều đệ tử. Bản thân Điều Ngự không chỉ an cư tại Yên Tử, mà đi thuyết pháp nhiều lần ở các chùa như Phổ Minh (Thiên Trường), Sùng Nghiêm (Chí Linh), Vĩnh Nghiêm (Lạng Giang) và Báo Ân – Siêu Loại (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội). Ông cũng xây dựng nhiều tự viện và đi giáo hóa trong cả nước, kể cả ở thôn quê lẫn thành thị. Trên cương vị là thượng hoàng-thiền sư, ông đã dạy dân bài trừ các tập tục mê tín, dị đoan và tu dưỡng đức hạnh theo giáo pháp Thập Thiện (mười điều thiện) của nhà Phật.

Năm 1304, khi đang hoằng hóa tại huyện Nam Sách (Hải Dương), Điều Ngự đã gặp và thu nhận Pháp Loa (Đồng Kiên Cương, 1284 – 1330) làm đệ tử xuất gia. Sau đó ông đào tạo cho Pháp Loa trở thành người kế thừa thiền phái của mình. Ngày 1 tháng 1 âm lịch năm 1308, Điều ngự chính thức công nhận Thiền Sư Pháp Loa làm người nối pháp. Lễ truyền đăng cho Thiền Sư Pháp Loa được cử hành tại chùa Báo Ân-Siêu Loại và được ghi lại trong sách Tam Tổ Thực Lục.

Tháng 11 âm lịch, nhằm tháng 12 dương lịch năm 1308, Điều Ngự Trần Nhân Tông viên tịch trên đỉnh Ngọa Vân (Núi Yên Tử). Về ngày mất của Điều Ngự, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép là ngày 3 tháng 11 âm lịch năm Mậu Thân (tức ngày 16 tháng 12 năm 1308), trong khi Tam Tổ Thực Lục và Thánh Đăng Ngữ Lục viết là ngày 1 tháng 11 âm lịch (tức ngày 14 tháng 12).

Các tác phẩm của Vua và Tổ Sư Trần Nhân Tông gồm có, theo Bách Khoa Từ Điển Mở Tiếng Việt:

- Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục,
- Tăng Già Toái Sự,
- Thạch Thất Mỵ Ngữ,
- Đại Hương Hải Ấn Thi Tập,
- Trần Nhân Tông Thi Tập,
- Trung Hưng Thực Lục (2 quyển).

Các tác phẩm trên đều đã thất lạc, chỉ còn lại 32 bài thơ, kệ chép trong Thánh Đăng Ngữ Lục, Thiền Tông Bản Hạnh, An Nam Chí Lược, Nam Ông Mộng Lục, Việt Âm Thi Tập Và Toàn Việt Thi Lục, cộng thêm 3 đoạn phiến trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Và An Nam Chí Lược.

Theo Giáo Sư Lê Mạnh Thát trong “Trần Nhân Tông, Con Người và Tác Phẩm,” thì Trần Nhân Tông còn có các tác phẩm khác như 2 bài phú “Cư Trần Lạc Đạo Phú” và “Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca”; 2 bài giảng một vào năm Giáp Thìn (1304) tại Chùa Sùng Nghiêm và một khác là bài giảng năm Bính Ngọ (1306) tại Viện Kỳ Lân; ngoài ra còn có Ngữ Lục và các bàn văn xuôi của Trần Nhân Tông như “Bản Tiểu Sử Của Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung,” và các văn thư ngoại giao.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nổi tiếng trong giới văn học Miền Nam VN từ 1969, khi còn là học sinh trung học, theo bản tin của Việt Báo đăng ngày 18 tháng 2 năm 2021. Ông sáng tác đa dạng, nổi bật với văn phong riêng biệt, xuất sắc trong cả thơ đời và thơ đạo. Nguyễn Lương Vỵ sinh 1952, tại Quán Rường, Tam Kỳ, Quảng Nam.

Tác phẩm đã in: Âm Vang Và Sắc Màu (NXB Trẻ, Sài Gòn, 1991); Phương Ý (NXB Thanh Niên, Sài Gòn, 2000); Hòa Âm Âm Âm Âm… (NXB Thư Ấn Quán, New Jersey, 2007); Huyết Âm (NXB Q&P Production, California, 2008); Tinh Âm (NXB Q&P Production, California, 2010); Bốn Câu Thất Huyền Âm (NXB Q&P, Production, California, 2011); Tám Câu Lục Huyền Âm (NXB Q&P Production, California, 2013); Năm Chữ Năm Câu (NXB Q&P Production, California, 01.2014); Năm Chữ Ngàn Câu (NXB Q&P Production, California, 12.2014); Tuyển Tập Thơ 45 Năm (1969 – 2014) (NXB Sống, Q&P Production, California, 2015); Thơ Trần Nhân Tông (NXB Sống, Q&P Production, California, 2017).

Để tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, xin đăng lại bài giới thiệu tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông” mà tôi đã viết vào năm 2017 có tựa đề “Đọc Thơ Trần Nhân Tông Qua Bản Dịch Việt Của Nguyễn Lương Vỵ.”

Đọc Thơ Trần Nhân Tông Qua Bản Dịch Của Nguyễn Lương Vỵ

Dịch thơ vốn là chuyện khó. Dịch thơ chữ Hán của một đại thiền sư khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử tại Việt Nam là Tổ Sư Trần Nhân Tông (1258-1308) lại còn vô vàn khó khăn hơn nữa, bởi vì thơ chữ Hán của Thiền Sư Trần Nhân Tông ngoài phẩm chất văn chương trác việt còn chứa đựng nội dung uyên áo của Thiền, của Phật Pháp.

Nhưng nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã làm được chuyện khó khăn này một cách rất tuyệt diệu trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông” vừa được nhà sách Amazon phát hành vào đầu tháng 5 năm 2017.

Không ngờ nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ lại rành chữ Hán đến thế! Trước giờ chỉ biết anh làm thơ hay và dĩ nhiên rành từ Hán Việt, nhưng không biết anh giỏi chữ Hán. Nhân đọc tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông,” mới tò mò dọ hỏi về duyên do vốn liếng chữ Hán mà anh có. Anh kể cho nghe thời thơ ấu sống với ông nội là một nhà Nho nên được ông cụ dạy chữ Hán từ nhỏ. Rồi khi lớn lên vào Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 75 lại có dịp văn ôn võ luyện nên mới thành thạo.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ cho biết từ lâu anh rất hâm mộ nhân cách siêu việt và cũng rất mê thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông cho nên, không những dịch 36 bài thơ chữ Hán của ngài, anh còn viết một bài giới thiệu dài gần 60 trang sách về những bài thơ, phú của ngài.

Trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông,” nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ làm việc rất công phu và khoa học. Mỗi bài thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông anh đều có phần nguyên văn chữ Hán, dịch âm sang Hán Việt, dịch nghĩa bài thơ, phỏng dịch thơ theo thể loại từng bài thơ, và còn có phần ghi chú công phu về điển tích và thuật ngữ để giúp người đọc hiểu rõ hơn.

Khi dịch thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông sang tiếng Việt, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã làm được điều hiếm có là anh đã dịch sang chữ Việt hiện đại hoàn toàn chứ không còn giữ nhiều từ Hán Việt, trừ vài trường hợp là những thuật ngữ Phật Học đã thông dụng, cho nên làm người đọc rất dễ hiểu nội dung của bài thơ. Điều này phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay khi mà ngày càng có ít người Việt có thể đọc và hiểu được chữ Hán để thẩm thấu được tinh hoa của nền văn hóa và văn học cổ nước nhà.

Nhờ vốn là nhà thơ đã xuất bản hàng chục thi phẩm, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã dịch thơ và lột tả được ý nghĩa trọn vẹn của nó từ bố cục, âm luật cho đến tứ thơ theo từng thể loại của nguyên tác, gồm những bài thơ “ngũ ngôn tứ tuyệt [năm chữ bốn câu],” “thất ngôn tứ tuyệt [bảy chữ bốn câu],” hay “thất ngôn bát cú [bảy chữ tám câu].”

Xin đọc vài bài thơ trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông” để cống hiến cho độc giả thưởng lãm văn chương của Trần Nhân Tông và tài dịch thơ của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.

Trước hết là bài “Lạng Châu Vãn Cảnh”. Bài này được Vua Trần Nhân Tông cảm tác khi đến thăm một ngôi chùa cổ tại Lạng Châu ở tỉnh Lạng Sơn thuộc miền Bắc Việt Nam. Nguyên tác chữ Hán của bài thơ như thế này:

Cổ tự thê lương thu ái ngoại,
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá,
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ.

Nguyễn Lương Vỵ dịch nghĩa:

Cảnh Chiều Ở Châu Lạng

Ngôi chùa xưa sầu hiu hắt sau lớp mây khói mùa thu,
Chiếc thuyền câu cá buồn bã hiu quạnh,
tiếng chuông chùa buổi chiều bắt đầu vang lên
Nước trong veo, núi yên tĩnh, chim âu trắng bay qua,
Gió lặng yên, mây nhàn nhã, cây lơ thơ sắc lá đỏ.

Dịch thơ:
Chùa xưa sầu ngất, mây thu nhuốm
Thuyền cá buồn tênh, chuông chiều rơi
Núi tạnh nước trong, âu trắng lượn
Gió lặng mây nhàn, lá đỏ phơi.

Thiền Sư Trần Nhân Tông đến thăm chùa vào một buổi chiều vắng vẻ chỉ có tiếng chuông chùa len lén ngân vang trong gió lặng, mặt nước sông yên tĩnh và đàn chim trắng bay lượn, với những chiếc lá thay màu đỏ rực. Phong cảnh thật là đẹp! Bản dịch Việt của Nguyễn Lương Vỵ dùng chữ rất giản dị nhưng trong đó có màu sắc của họa, có âm giai của nhạc, và có cả cõi lòng sâu thẳm của khách viếng chùa. Tuyệt diệu nhất là hai câu đầu:

Chùa xưa sầu ngất, mây thu nhuốm
Thuyền cá buồn tênh, chuông chiều rơi.

Ở câu đầu, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dùng vần trắc “ngất,” “nhuốm” để miêu tả nỗi quạnh hiu cao chất ngất của chốn sơn môn tịch mịch. Rồi câu kế, khi nghe tiếng chuông chùa ngân lên thì dịch giả lại dùng chữ vần bằng “tênh,” “rơi” để diễn tả tâm trạng trầm buồn theo tiếng chuông chùa rơi.

Bài thơ dài nhất trong cuốn “Thơ Trần Nhân Tông” là bài “Hữu Cú Vô Cú” [Câu Có Câu Không], với 9 đoạn và mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu 4 chữ, tổng cộng 36 câu. Bài thơ, đúng ra là bài kệ, vì chứa đựng lời dạy khai thị bản chất duyên sinh vô tánh của ngôn ngữ và tất cả các pháp để giúp người siêu việt đối đãi nhị nguyên và vọng chấp có không.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ rất tâm đắc bài kệ “Hữu Cú Vô Cú” này vì ông cho rằng đây là bài kệ quan trọng trong các bài thơ của Trần Nhân Tông. Bởi thế ông đã dành gần chục trang trong bài giới thiệu về thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông để nói về bài kệ này. Đặc biệt là 2 đoạn kệ sau đây:

Hữu cú vô cú,
Tự cổ tự kim.
Chấp chỉ vong nguyệt,
Bình địa lục trầm.
Hữu cú vô cú,
Như thị như thị.
Bát tự đả khai,
Toàn vô ba tị.

Nguyễn Lương Vỵ đã dịch rằng:

Câu Có câu Không.
Xưa nay vậy đó.
Nhớ ngón quên trăng,
Vùi thây đất nọ.
Câu Có câu Không,
Vậy đó vậy đó.
Tám chữ mở tung,
Còn gì để nói?!

Bài kệ đầu đề cập đến tích nhà Phật ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay là phương tiện là Phật Pháp. Mặt trăng là chân tâm, là niết-bàn. Nếu cứ dán mắt vào ngón tay thì sẽ không thể nào thấy được mặt trăng. Cũng vậy nếu chấp vào có và không thì sẽ không thể nào buông xả mọi pháp để đắc đạo. Bài kệ kế tiếp có nói đến tích tám chữ mở tung [bát tự đả khai – sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc – sinh diệt hết rồi, vắng lặng là vui] để nói đến sự vượt thoát sinh diệt để chứng nhập niết bàn tịch diệt. Dùng chữ “mở tung” để diễn tả trạng thái bùng vỡ và siêu thoát lên mọi thứ sinh diệt, thì thật là hay.

Bài thơ số 36 cũng là bài thơ cuối cùng trong tập sách “Thơ Trần Nhân Tông” mà nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ trích dịch là một bài thi kệ trích từ bài phú nổi tiếng “Cư Trần Lạc Đạo” của Thiền Sư Trần Nhân Tông. Bài thi kệ này cũng là pháp ấn tâm yếu của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dịch rằng:

Ở đời vui đạo, cứ tùy duyên,
Đói phải ăn thôi, mệt ngủ liền.
Của quý trong nhà, tìm đâu nữa,
Vô tâm đối cảnh, hỏi chi thiền?!

Bản dịch Việt lời lẽ rất bình dân giản dị đọc qua ai cũng hiểu, nhưng vẫn không đánh mất ý chỉ cốt lõi của Thiền Sư Trần Nhân Tông muốn dạy người tu. Cốt tủy ở đây chính là “đối cảnh vô tâm.”

Chữ “vô tâm” rất khó dịch. Nên xưa nay các nhà dịch đều để nguyên như vậy. Hơn nữa chữ này cũng đã Việt hóa rồi. Đọc qua ai cũng hiểu được phần nào ý nghĩa của nó. Chữ này có thể dịch là “tâm không,” tức là tâm rỗng lặng, không vướng mắc thứ gì, dù rất tỉnh giác, chứ không mơ hồ, mông muội. Vô tâm ở đây chính là tâm không dính mắc vào trần cảnh lúc tiếp xúc, giống như gió thổi qua nhà trống, mây bay thong dong trên bầu trời. Mọi trói buộc đều bắt đầu từ chỗ dính mắc, chấp trước. Cho nên, đức Phật dạy trong Kinh Kim Cang Bát Nhã rằng, “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Tức là tâm không trụ trước, không dính mắc đối với tất cả pháp. Có thể đạt được vậy bởi vì nhờ trí tuệ Bát Nhã quán chiếu tất cả pháp đều do duyên sinh, không có tự tánh, không có ngã, không có chủ thể. Tâm cũng thế, cũng rỗng rang không tự tánh, không có ngã.

Tu được như vậy thì sống ở đâu cũng an lạc, không khổ. Ở đâu cũng là niết bàn. Đó chính là của quý trong nhà rồi còn gì. Đi tìm đâu cho xa. Nhưng làm được thì không dễ!

Giữa thời đại mọi người đang chạy theo những tiện nghi của nền văn minh vật chất hiện đại, hầu như, ít có người còn nhớ tới di sản văn hóa, văn học vô giá của tiền nhân, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã tận tụy ngồi dịch từng bài thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông là một việc làm nhiều ý nghĩa, lợi lạc và đáng tán dương.

Một dân tộc mà di sản văn hóa, văn học và tư tưởng bị lãng quên thì dân tộc đó có thể đánh mất quá khứ, đánh mất ký ức, đánh mất truyền thống cao đẹp nghìn năm của mình! Nhất là di sản đó của một vị minh quân của dân tộc đã từng 2 lần đánh bại quân Nguyên Mông xâm lăng Nước Đại Việt thời Nhà Trần như Vua Trần Nhân Tông.

Xin cùng nhau giữ gìn di sản vô giá của tiền nhân.

Tri ân Tổ Sư Trần Nhân Tông.

Cảm ơn và tiễn biệt nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nguyên lý duyên khởi


Quy nguyên trực chỉ


Những Đêm Mưa


Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.148.108.174 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...